(Thứ tư, 10/01/2024, 09:43 GMT+7)
Trong một chuyến điền dã do Hội đồng họ Phùng Việt Nam tổ chức cho các nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử đến thăm hai địa danh nổi tiếng gắn bó với hai danh nhân lịch sử họ Phùng: Phùng Hưng và Phùng Tá Chu. Đây đồng thời cũng là hai điểm đến quan trọng của xứ Đoài, đó là Đường Lâm - Sơn Tây và Tây Đằng - Ba Vì đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc.


Làng cổ Đường Lâm - Sơn Tây
 
Đền thờ Phùng Hưng nằm ở Đường Lâm chính là đền thờ có quy mô lớn nhất thờ Bố Cái Đại Vương. Hiện trạng diện mạo ngày nay của đền thờ có từ đợt trùng tu lớn vào năm 1889 đời vua Thành Thái. Đền có kiến trúc điển hình của thời nhà Nguyễn vào những năm đầu thế kỷ XX gồm các hạng mục công trình như Tả - Hữu mạc, Đại bái, Hậu cung. Trong đền có tấm bia Phùng tự bi ký (奉祀碑記) được tạc vào triều Lê năm Hồng Đức thứ 4 (1473) để ghi việc thờ phụng đã chép lại nhiều thông tin liên quan đến thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Phùng Hưng. Cứ đến mùng 8 tháng Giêng hàng năm, nhân ngày giỗ của ngài, nhân dân và con cháu họ Phùng lại tề tựu để bày tỏ lòng thành kính tri ân với tiền nhân có công với nước.


Đền thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng tại làng cổ Đường Lâm - Sơn Tây
 
Trong bài viết Đường Lâm dưới góc nhìn địa - văn hóa - lịch sử, Giáo sư Trần Quốc Vượng đã khẳng định: "Đường Lâm là vùng đất cổ - người xưa. Đường Lâm tựa lưng vào núi Tản, mặt ngoảnh nhìn ra sông Tích, sông Đà. Đường Lâm sẽ trường tồn và phồn vinh cùng non sông đất nước". Chỉ cách trung tâm Hà Nội hơn 40km, Đường Lâm là một di tích độc đáo khi còn hội đủ các giá trị văn hóa của làng cổ Việt Nam. Đây là nơi bảo tồn, lưu giữ một kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể quý báu của một vùng đất cổ - trung tâm của nền văn hóa xứ Đoài.
 

Tượng Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng được an tọa ở Hậu cung Đền thờ tại làng cổ Đường Lâm - Sơn Tây
 
Rời Đường Lâm, chúng tôi đến khu di tích Đền Cao, tọa lạc tại thị trấn Tây Đằng, trung tâm hành chính của huyện Ba Vì, là Di tích Văn hóa - Lịch sử đã được xếp hạng. Ngay trong khuôn viên Đền Cao là nơi an nghỉ của Thái phó lưỡng triều Lý - Trần Phùng Tá Chu, một trong những khai quốc công thần có đóng góp quan trọng cho sự hình thành và ổn định của triều Trần. Đứng ở Đền Cao, có thể phóng tầm mắt chiêm bái ngọn chủ sơn của đồng bằng Bắc bộ - núi thiêng Ba Vì - nơi khởi nguyên của người Việt cổ, với những đám mây trắng phiêu lãng lững lờ trôi, mang lại một trải nghiệm vừa thị giác vừa tâm cảm rất hùng vĩ.
 

Khu di tích Đền Cao - Tây Đằng - Ba Vì, nơi đặt phần mộ Thái phó lưỡng triều Lý - Trần Phùng Tá Chu
 
Xứ Đoài nằm dưới chân núi Ba Vì nhìn ra ngã ba Bạch Hạc, là nơi hợp lưu của ba con sông lớn là sông Thao, sông Đà, và sông Lô để rồi tụ thủy ở đầu sông Cái. Vì thế, nó mang đầy đủ đặc điểm tự nhiên điển hình của vùng đồng bằng châu thổ Bắc bộ, với địa hình bán sơn địa núi đồi xen kẽ đồng bằng, đồng chiêm ô trũng xen kẽ với những đầm hồ vực lớn cùng mạng lưới hệ thống sông ngòi dày đặc gồm sông Hồng, sông Đà, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tích, sông Hát, sông Bùi, tạo thành nguồn phù sa trù phú, thích hợp với cơ tầng văn hóa nông nghiệp của khu vực này. Và đặc trưng địa lý, lối sống nông nghiệp, cùng với truyền thống lịch sử, đã góp phần tạo nên cá tính con người xứ Đoài sở hữu nhiều đức tính, cần cù chịu khó nhưng không kém phần mơ mộng, trữ tình.
 

 
Chuyến thăm hai điểm di tích thờ hai vị danh nhân họ Phùng nơi xứ Đoài mây trắng đủ để đưa con người thế tục chúng ta phiêu bồng về một cõi tiêu diêu trong tâm tưởng, nơi vẻ đẹp thường hằng của văn hóa Việt đời đời hiện tồn, và để càng thêm trân quý hơn những giá trị quý báu của lịch sử dân tộc từ các bậc tiền nhân.
 
Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI