Vậy là sau nhiều lần tranh luận, môn lịch sử đã chính thức được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào môn học bắt buộc với học sinh trung học phổ thông bắt đầu từ năm học 2022-2023. Quyết định đó đã phần nào gỡ bỏ được nỗi trăn trở bấy lâu nay của những người yêu lịch sử. Tuy nhiên, để lịch sử không còn là những ám ảnh về một môn học “khô khan”, quá nặng về những “sự kiện và con số” thì không phải lúc nào cũng khắc phục dễ dàng.
Không hẳn là sai khi nói rằng lịch sử là một môn khoa học nặng về những ghi chép, những con số, sự kiện và ngày tháng… Mà ngày tháng thì cứ mỗi ngày một “dày đặc” hơn. Sẽ cần đến bao nhiêu trang sử để có thể ghi chép đầy đủ? Bên cạnh đó, cũng không thể không thừa nhận, trong khi xã hội cứ mỗi ngày một tiến lên, thì bản thân môn học, cũng như cách dạy và học lịch sử, dường như vẫn đứng nguyên một chỗ. Từng có thời gian dài, chúng ta chỉ dạy học lịch sử qua “con số, sự kiện, ngày tháng”. Nhưng giờ đây, mọi thứ đã thay đổi. Cùng với sự phát triển của công nghệ, truyền hình, điện ảnh… việc dạy học lịch sử như cũ là khó có thể chấp nhận. Đấy là chưa nói, lịch sử không đơn giản chỉ là những con số, sự kiện, ngày tháng... Lịch sử còn là những dòng chảy tươi mát, hấp dẫn, giàu “tưởng tượng” mà người dạy và học có thể khai thác. Nghĩa là, bên cạnh một môn lịch sử được lưu giữ bằng những con chữ giúp nhiều thế hệ đời sau suy nghĩ, nghiền ngẫm sâu sắc hơn về quá khứ của cha ông, thì còn có một lịch sử sống động khác bằng hình ảnh sát thực với cuộc sống đời thường, giúp có thể thay đổi cách dạy và học môn lịch sử bằng nghệ thuật điện ảnh. Bởi vì, lịch sử là những sự kiện và hiện tượng đã diễn ra trong quá khứ, học sinh không thể tiếp nhận, quan sát các sự kiện, hiện tượng ấy một cách trực tiếp, vì vậy thao tác tư duy nhận thức sẽ rất khó khăn. Nghệ thuật điện ảnh sẽ khắc phục được hạn chế đó bằng cách tái hiện “như thật” những sự kiện, hiện tượng đó bằng những âm thanh và hình ảnh sống động, tác động trực tiếp đến thính giác và thị giác của học sinh. Như vậy, điện ảnh sẽ giúp cho quá trình thu nạp thông tin của “bộ máy học” được dễ dàng hơn và nhiều hơn vì ít nhất có tới 2 “cổng vào” là thính giác và thị giác. Theo đó, khả năng quan sát và trí tưởng tượng của học sinh sẽ được kích thích tối đa và mục đích giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức… cho học sinh sẽ đạt hiệu quả tốt hơn.
Thời gian qua nhiều trường phổ thông đã quan tâm đầu tư các loại băng, đĩa hình là những video clip, phim hoạt hình, phim tài liệu lịch sử, phim truyện lịch sử… hỗ trợ cho việc học tập. Qua báo chí, được biết một số Sở Giáo dục và Đào tạo đã có đề án “Điện ảnh học đường” thực hiện từ nhiều năm nay. Chẳng hạn: Hơn 10 năm qua, thầy và trò nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã có những trải nghiệm hết sức ý nghĩa thông qua các thước phim điện ảnh của chương trình “Đưa các tác phẩm điện ảnh và sân khấu vào trường học” do Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện. Các trường học đều thừa nhận chương trình đã góp phần không nhỏ vào việc thay đổi phương pháp dạy và học lịch sử trong nhà trường. Tại thành phố Nam Định, từ năm 2006, nhiều trường THPT đã phối hợp với Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh tổ chức các buổi xem phim tài liệu lịch sử cho học sinh. Để những buổi xem phim thu được hiệu quả thiết thực, trong buổi chào cờ thứ 2 đầu tuần các em học sinh được tham gia trò chơi hỏi đáp nội dung bộ phim đã xem tuần trước, sau đó giáo viên sẽ phân tích ý nghĩa bộ phim để giáo dục lịch sử cho học sinh. Năm 2021, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Bình Thuận đã triển khai kế hoạch “Đưa điện ảnh vào học đường” tại các trường từ bậc Mầm Non đến THPT trên địa bàn thành phố Phan Thiết và Hàm Thuận Bắc, bước đầu nhận được sự đón nhận tích cực từ phía nhà trường và học sinh. Những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết, danh nhân và lịch sử cách mạng của dân tộc Việt Nam, cùng những bài học về kỹ năng sống… được thể hiện qua những thước phim với âm thanh sống động, hình ảnh, màu sắc phong phú, đa dạng… khiến các em học thích thú, chăm chú theo dõi. Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh này cũng tiến hành khảo sát nhu cầu của học sinh các cấp về các thể loại phim: Hoạt hình lịch sử, đồng thoại, danh nhân lịch sử, phim hoạt hình giáo dục kỹ năng sống… để tạo nguồn phim đa dạng, phong phú và đáp ứng nhu cầu vừa giải trí vừa học tập của các em.
Trường hợp một danh nhân văn hóa của dân tộc trong bộ phim tài liệu “Đại thi hào Nguyễn Du” của Công ty Văn hóa Không gian Việt & Média phát hành mới đây là thêm một ví dụ về cách “học sử” qua nghệ thuật điện ảnh. Sáng tạo bất ngờ nhất của bộ phim này là trong hình thức phim tài liệu về một nhân vật lịch sử có thật, cách xa chúng ta hàng vài trăm năm, lại được tái dựng, phục hiện qua những câu chuyện bằng hình ảnh “như thật”, đã gây cho người xem nhiều bất ngờ. Quả thực, cái tên Nguyễn Du và Truyện Kiều với người đọc Việt Nam thực ra không còn xa lạ. Ai là người Việt yêu thơ văn lại không từng biết đến Nguyễn Du và thuộc một hai câu Kiều. Kiều thân thuộc đến mức đã trở thành một trò chơi dân gian của người Việt: kể Kiều, bói Kiều, lẩy Kiều… Ít nhân vật nào trong lịch sử văn chương thế giới, mà cuộc đời chìm nổi với “Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần” vẫn được người đọc đề cao, trân trọng đến thế! Thế nhưng, bản thân tôi, một thầy giáo dạy Văn bậc đại học, nếu có ai hỏi rằng có hiểu tường tận tác giả Truyện Kiều hay không, thì xin thú thật là chưa. Lý do đơn giản: do những hạn chế về lịch sử, tác phẩm Truyện Kiều có thể còn được lưu giữ tương đối đầy đủ, trong khi tác giả của nó là nhà thơ Nguyễn Du thì vẫn còn quá nhiều khoảng trống trong cuộc đời, mà nhiều thế hệ hậu sinh muốn được hiểu biết đầy đủ…
Các em học sinh tại thành phố Hồ Chí Min
tham gia chuỗi chương trình “Điện ảnh học đường - học hăng say - chơi sáng tạo” (Ảnh: Như Ý)
Không thể phủ nhận, việc tạo dựng bằng ngôn từ về một nhân vật lịch sử như Nguyễn Du, dù cách xa chúng ta hàng trăm năm, ít hay nhiều vẫn có thể làm được. Nhưng dựng lại bằng hình trong một tác phẩm điện ảnh mới là điều khó. Hình ảnh trong điện ảnh là ngôn ngữ trực quan, cụ thể, bằng mắt thường, có thể nhận biết, nó gần gũi và sát thực với cuộc sống. Trong khi ở thời điểm Nguyễn Du sống và viết Truyện Kiều, ngay cả nhiếp ảnh, công cụ đơn giản nhất có khả năng ghi lại những hình ảnh xác thực về con người và cuộc sống, lại chưa kịp ra đời. Trên cả nhiếp ảnh, điện ảnh còn đòi hỏi cao hơn: nó phải là những hình ảnh chuyển động kèm âm thanh. Dù vậy, đòi hỏi của công chúng muốn được nhìn thấy bằng hình ảnh con người và cuộc đời của Nguyễn Du, là hoàn toàn chính đáng. Điều quan trọng với các nhà làm phim là có thể tiếp cận một nhân vật đã cách xa chúng ta tới hàng trăm năm, bằng cách nào? Đạo diễn Nguyễn Văn Đức cho biết: khi nhận kịch bản, anh đã kiên quyết từ chối cách tiếp cận theo lối tài liệu cũ. Lâu nay, khán giả Việt Nam không có hứng thú với nhiều phim tài liệu, chính vì lý do này. Sự lựa chọn cuối cùng được chấp nhận là tiếp cận Đại thi hào Nguyễn Du trong sự phối hợp cùng lúc nhiều thể loại: phim truyện (tài liệu dàn dựng qua diễn xuất minh họa); tài liệu mô tả (dẫn chuyện qua lời bình ngoài hình) và tài liệu tương tác (phỏng vấn các nhà chuyên môn, văn hóa, chính trị…). Tất nhiên, trong tổng thể và trên tất cả, đây vẫn là một bộ phim tài liệu đúng nghĩa. Phim vẫn đáp ứng đúng tiêu chí là khách quan và sự thật.
Điện ảnh, dù là phim tài liệu, vẫn cứ là một nghệ thuật. Mà đã là nghệ thuật, thì nhà làm phim có quyền được tiếp cận hiện thực bằng nhiều hình thức khác nhau, miễn sao tính khách quan và sự thật được đảm bảo. Vì lẽ đó, hướng tiếp cận cởi mở đã được nhóm làm phim thực thi. Chẳng hạn về bối cảnh không gian: trong cuộc đời đầy những thăng trầm, Nguyễn Du từng đặt bước chân qua nhiều vùng đất, nhưng phim chỉ chọn một số không gian chính làm nền cho câu chuyện: làng Tiên Điền - Nghi Xuân là quê hương của Nguyễn Du, mảnh đất Thăng Long là nơi Nguyễn Du ra đời, Bắc Ninh là quê mẹ, Thái Bình nơi Nguyễn Du sống với người vợ, Quảng Bình là nơi Nguyễn Du từng được bổ làm quan, và Phú Xuân - Huế là mảnh đất kinh thành không dưới ba lần Nguyễn Du đặt chân tới. Trong bề bộn những sự kiện, qua bộ phim chúng ta đã thấy được cuộc đời của một thi nhân tài năng nhưng bi kịch. Các nhà làm phim đã có sáng tạo đặc biệt trong cách tiếp cận vấn đề lịch sử. Đó là tạo những màn đối thoại giả tưởng giữa tác giả Nguyễn Du với một số nhân vật quan trọng trong Truyện Kiều, như: Thúc Sinh, Từ Hải, Hoạn Thư, Tú Bà, Vãi Giác Duyên… và đặc biệt là với Thúy Kiều. Tất cả những điều đó có thật hay không, là điều khó khẳng định. Nhưng, đó chính là những sáng tạo cần thiết làm phong phú và đa dạng hơn cho cách tiếp cận dạy và học môn lịch sử trong trường phổ thông hiện nay.
Nước ta vẫn còn nhiều danh nhân văn hóa lịch sử khác, như: Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu… cần được tiếp cận theo hướng như thế. Những bài học lịch sử hẳn sẽ trở nên thuyết phục và hấp dẫn hơn, nếu học sinh được xem trực tiếp những bộ phim này.
Theo nhà văn Trần Hinh / Văn nghệ số 38/2022