(Thứ ba, 28/02/2023, 07:15 GMT+7)


Đàn thề Hát Môn

Đền Hát Môn, nơi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, là một di tích có nhiều minh văn lưu lại trong các bức hoành phi, câu đối. Những câu đối ở ngôi đền này đều do các bậc đức cao vọng trọng, học nhiều hiểu rộng soạn viết và cung tiến từ thời Nguyễn. Do đó đây là những câu đối có văn phong, thi pháp hay, ca ngợi tinh thần và sự nghiệp của Hai Bà Trưng.

Thời gian trước tác giả Phạm Hy Sơn đã từng đọc và dịch một số câu đối ở đền Hát Môn. Gần đây, trong cuốn sách mới xuất bản Đền Hát Môn di tích lich sử quốc gia đặc biệt, nhóm chuyên gia của Viện nghiên cứu Hán Nôm cũng đã có phần đọc và dịch rất chi tiết các hoành phi câu đối ở đền này. Tuy nhiên, do tính chất của cổ văn dùng trong câu đối rất súc tích, sử dụng nhiều điển cổ và thông tin của cổ sử nên để hiểu thêm về những câu đối ở đền Hát Môn, bài viết dưới đây xin đưa ra một cách giải nghĩa cho một số câu đối khó dịch của di tích lịch sử này.

Câu 1

大義復夫讎猶令東漢當辰嶺南六十五城勞逺略
鴻圖肇國統從此皇丁而後越甸數千餘載定天書

Đại nghĩa phục phu thù, do lệnh Đông Hán đương thời, Lĩnh Nam lục thập ngũ thành lao viễn lược
Hồng đồ triệu quốc thống, tòng thử Hoàng Đinh nhi hậu, Việt Điện sổ thiên dư tải định thiên thư.

Sách Đền Hát Môn chép chữ “lệnh” 令 thành chữ “kim” 今.

Ở câu đối này triều “Hoàng Đinh” đối lại với nhà “Đông Hán”, rõ ràng là chỉ triều đại do vua Trưng lập nên. Trong câu đối nói triều Hoàng Đinh này cách thời điểm viết câu đối (thời Nguyễn – thế kỷ 19) “trên mấy nghìn năm”. Vì thế đây không thể là triều Đinh của Đinh Tiên Hoàng vào thế kỷ 10 được. Triều Đinh của Đinh Bộ Lĩnh cũng không có liên quan gì tới Hai Bà Trưng cả, nên đưa vào câu đối này không hợp lý.

Đinh là một dịch tượng chỉ phương hướng. Đinh, hay Tĩnh là tính chất của phương Tây. Vì Hai Bà Trưng khởi nghĩa từ “Châu Phong”, là vùng đất Tây Thổ, nên triều đại của Trưng Vương có tên là Đinh. Đinh là quốc danh của triều đại Trưng Vương còn lưu truyền mãi tới thời nhà Nguyễn như trong câu đối trên.

Dịch:

Nghĩa lớn báo thù chồng, sánh ngang Đông Hán cùng thời, sáu mươi lăm thành Lĩnh Nam lập kế lớn
Cơ đồ dựng quốc thống, từ đó Hoàng Đinh về sau, trên mấy nghìn năm Việt Điện định sách trời.

Câu 2

越祖百男閒出英雌能復國
唐初雙女未聞閨綉自興王

Việt tổ bách nam, gián xuất anh thư năng phục quốc
Đường sơ song nữ, vị văn khuê tú tự hưng vương.

Câu đối này trong sách Đền Hát Môn lẫn lộn vị trí 2 từ “gián” (nhàn) 閒 và văn 聞. Chính xác như trong ảnh thì ở vế đối đầu là chữ 閒, đọc là “gián” với nghĩa là xen lẫn. Vế sau phải là “văn” 聞 với nghĩa là nghe thấy.

Thời sơ Đường ở đây không phải thời đầu nhà Lý Đường (thế kỷ 7), mà là nói tới thời Đường Nghiêu Ngu Thuấn. Đó là lấy tích hai bà Nga Hoàng và Nữ Anh mà so sánh với Hai Bà Trưng. Nga Hoàng và Nữ Anh là hai con gái của Đế Nghiêu được gả cho Đế Thuấn. Khi Đế Thuấn mất hai vị vương phi này đã tự vẫn theo chồng ở sông Tương. Còn hai bà Trưng khi chồng là Thi Sách bị giặc giết thì lại tự mình phất cờ khởi nghĩa, giành thắng lợi, xưng vua. Hai Bà sau đó cũng tử tiết trên sông, do đó được so với 2 vị nữ thần sông Tương thời Đường Ngu.

Dịch:

Tổ Việt trăm trai, xen có anh thư hay phục quốc
Sơ Đường đôi gái, chưa nghe khuê tú tự xưng vua.

Câu 3

西江姊妹神湘女
東漢縱横霸粵王

Tây Giang tỷ muội thần Tương nữ
Đông Hán tung hoành bá Việt vương.

Tây Giang ở đây không phải nghĩa là sông Tây, mà là chỉ Hai Bà khởi nghĩa ở miền đất phía Tây (của biển Đông). Giang = Dương, chỉ biển. Tây Giang hay Giang Tây là tên khác của vùng đất Tĩnh Hải dưới thời nhà Đường. Cái tên này còn gặp trên các viên gạch “Giang Tây quân” trong các di tích thời Đường ở nước ta.

Dịch:

Tây Giang em chị thần Tương nữ
Đông Hán dọc ngang xứng Việt vương.

Câu 4

馬鐙一戎征死了貪残猶(裭?)魄
象棚三(據?)戰生還矍鑠尙驚魂

Mã đặng nhất nhung chinh tử liễu tham tàn do sỉ? phách
Tượng bằng tam cứ? chiến sinh hoàn quắc thước thượng kinh hồn.

Câu đối này dùng một số chữ dị thể nên việc đọc ở các tác giả không thống nhất. Như chữ ở vế đối đầu Phạm Hy Sơn đọc thành hổ (虎?), dịch thành “con cọp”, còn sách Đền Hát Môn đọc là “quý” 愧 nghĩa là thẹn, xấu hổ. Bài này đề xuất đọc là “sỉ” 裭. “Sỉ phách” là mất vía.

Vế đối sau cũng có chữ dị thể khó đọc. Sách Đền Hát Môn đọc thành “cứ” (據?) nhưng lại ghi chữ là 捷 (tiệp). Câu đối này do vậy rất khó hiểu chính xác nên dịch thường không thoát ý.

Dịch:

Bước ngựa một xa chinh, dù mất tham tàn còn khiếp vía
Lầu voi ba trận chiến, sống về quắc thước thật kinh hồn.

Câu 5

旰宵東雒中興主
鞅掌西湖矍鑠翁

Cán tiêu Đông Lạc trung hưng chúa
Ương chưởng Tây Hồ quắc thước ông.

“Cán tiêu” 旰宵 nghĩa đen là chiều tối, chỉ sự tối tăm, suy vi. Sách Đền Hát Môn chép thành “can tiêu” 干標, không có nghĩa.
Đông Lạc chỉ nhà Đông Hán, đóng đô ở Lạc Dương. “Trung hưng chúa” chỉ Hán Quang Vũ, người được coi là phục hưng nhà Hán. “Quắc thước ông” là người khỏe mạnh, chỉ Mã Viện.

Câu đối dùng những hình ảnh đối lập “cán tiêu” – “trung hưng”, “ương chưởng” – “quắc thước”, để nhấn mạnh, ca ngợi tầm vóc của cuộc khởi nghĩa của Trưng Vương.

Dịch:

Đông Hán tối tăm này chúa hưng
Tây Hồ nhọc nhằn kia ông khỏe.

Câu 6

順徔古有虞嬪南面奚裨天下治
剛猛史称孫妹東行莫雪使君仇

Thuận tòng cổ hữu Ngu tần, Nam diện hề tì thiên hạ trị
Cương mãnh sử xưng Tôn muội, Đông hành mạc tuyết sứ quân cừu.

“Ngu tần” ở đây nói tới các vị phu nhân của Đế Thuấn (Ngu Thuấn) là Nga Hoàng và Nữ Anh. “Nam diện” là trong tích “quay mặt phương Nam mà xưng vương”, chỉ việc làm vua. Vế này so sánh Hai Bà Trưng với 2 phi tần đã giúp Đế Thuấn.

“Tôn muội” có thể nói tới em gái Tôn Quyền của Đông Ngô, quyết đi theo chồng là Lưu sứ quân (Lưu Bị). Vế này so sánh Trưng Vương khởi nghĩa báo thù chồng, cương quyết như em gái Tôn Quyền.

Dịch:

Tòng thuận xưa có phi tần vua Ngu, quay mặt phương Nam giúp trị thiên hạ
Dũng mãnh sử nêu em gái họ Tôn, đi về phía Đông rửa thù sứ quân.

Câu 7

縱不金刀天再造
未應銅柱地分疆

Túng bất kim đao thiên tái tạo
Vị ưng đồng trụ địa phân cương.

Câu đối này tương truyền do Cao Bá Quát đề ở cột trụ nghi môn đền Hát Môn. Các tài liệu thường dịch câu đối này không chính xác do Cao Bá Quát sử dụng cụm từ chiết tự trong vế đối này. Trong vế đối thứ nhất có cụm từ “kim đao” 金刀 là chiết tự của chữ Lưu 劉, họ của các vua nhà Hán.

Vế đối thứ nhất nói tới chí khí của Trưng Vương đã khởi nghĩa chống quân Hán, lập nên một “thiên hạ”, một mảnh trời riêng của mình. Vế đối thứ hai nói tới cột đồng do Mã Viện nhà Đông Hán dựng nên, nhưng ở đây lại là để đánh dấu phân giới đất đai với Trưng Vương. Trưng Vương thậm chí còn không bằng lòng với vị trí cột đồng phân giới này.

Dịch:

Mặc không Lưu Hán trời riêng tạo
Chẳng nhận cột đồng đất rạch biên.

Câu 8

爾城以北分中国
銅柱而南入帝圖

Nhĩ thành dĩ Bắc phân Trung Quốc
Đồng trụ nhi Nam nhập đế đồ.

Câu đối này nêu 2 sự vật. Một là tòa thành làm địa giới giữa nhà Hán và nước của Trưng Vương (sử chép là Man thành ở Quảng Tây). Hai là cột đồng, cũng dùng để xác lập địa đồ đế vương. Khí phách của câu đối ở chỗ “phân Trung Quốc” và “nhập đế đồ”, khẳng định triều đại của Trưng Vương ngang hàng với nhà Hán, cùng phân chia thiên hạ Trung Hoa và cùng xưng đế.

Dịch:

Thành kia làm Bắc chia Trung Quốc
Đồng trụ về Nam nhập đế đồ.

Câu 9

始終臣節坤貞吉
咫尺神祠萃引孚

Thủy chung thần tiết Khôn trinh cát
Chỉ xích thần từ Tụy dẫn phu.

Câu đối này dùng 2 quẻ của Chu Dịch. Quẻ Khôn mang tính chất bền vững, tốt đẹp nên gọi là “trinh cát”. Quẻ Tụy nghĩa là tụ tập, có lời hào nhị: Dẫn cát, vô cữu, phu nãi lợi dụng thược (dẫn dắt, lôi kéo nhau theo đường công chính, không lỗi, tâm thành lễ mọn vẫn được tốt lành). “Tụy dẫn phu” là việc tập hợp mọi người dẫn tới niềm tin thành kính.

Dịch:

Trước sau giữ lễ, sự bền đẹp của quẻ Khôn
Gang tấc đền thần, dẫn tín tâm của quẻ Tụy.

Câu 10

湯武鉞旄三戰後
雄庞城郭百年前

Thang Vũ việt mao tam chiến hậu
Hùng Bàng thành quách bách niên tiền.

Thang chỉ vua Thành Thanh, người sáng lập nhà Thương của Trung Hoa. Vũ chỉ Vũ Vương, người đánh Trụ diêt Ân, lập nên nhà Chu. “Thang Vũ việt mao” chỉ khí thế khởi nghĩa mạnh mẽ của những vị khai mở triều đại.

Dịch:

Thang Vũ phất cờ ba cuộc sau.
Hùng Bàng thành dựng trăm năm trước.

Nguồn: Dòng HÙNG VIỆT