Những năm qua, nhà văn quân đội Phùng Văn Khai miệt mài với tiểu thuyết lịch sử, tái hiện sự nghiệp đầy chiến công của Phùng Hưng, Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương, Ngô Quyền... Anh có tham vọng khắc họa một chặng đường dài lịch sử của đất nước qua những tác phẩm tôn vinh phẩm chất, chí khí và chiến công của cha ông trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
Xen giữa những cuốn truyện dày dặn, Phùng Văn Khai dồn tâm huyết cho những bài báo bàn luận về bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc. Nhà văn cũng dành thời gian cho truyện ngắn dù số lượng không nhiều, do phải dồn sức cho những kế hoạch dài hơi.
Bên kia sông, tập truyện ngắn gần đây của Phùng Văn Khai do NXB Hội Nhà văn ấn hành, tập hợp một số truyện ngắn mà tác giả tâm đắc. Đọc Bên kia sông, độc giả thấy được nhà văn trăn trở trước thực tại, băn khoăn trước những biến động đời sống và luôn luôn đau đáu đi tìm câu hỏi cho mục tiêu giữ gìn những giá trị tốt đẹp, làm đẹp cho cuộc đời này bằng văn hóa truyền thống, giá trị nhân văn.
Nhiều truyện ngắn được tác giả lấy bối cảnh nông thôn trên đà phát triển với nét mới và cả những hệ lụy. Trên cái nền đó, nhà văn đưa ra nhiều tình huống gay cấn, sự bùng nổ về trạng thái cảm xúc của nhân vật và theo sau đó là cảm xúc của bạn đọc. Một bãi sông êm đềm nơi trồng dâu nuôi tằm khi xưa, nay đang hoang hóa và đứng trước khả năng bị mua để phục vụ mục đích xây dựng. Từ khu đất trống mọc lên một bệnh xá, hoạt động lay lắt cho đến khi trở thành miếng mồi cho những kẻ tham đất nhòm ngó, tranh giành. Một cái cống dẫn nước tưới tiêu cho người dân cả vùng trở thành trọng tâm xung đột giữa những con người quyết giữ gìn, cải tạo và những kẻ rắp tâm đặt mìn phá hoại để chiếm đất, chiếm hồ.
Cuộc gặp gỡ hiếm hoi của hậu duệ chủ nhân dòng tộc khoa bảng yêu nước và người lão bộc trung thành, tận tụy luôn nung nấu trách nhiệm gìn giữ di sản tinh thần vô giá mà ông cha truyền lại. Những cuộc gặp gỡ kỳ lạ giữa giai nhân Hà thành như một sứ giả của cách mạng với viên tướng Quốc dân đảng trong những ngày dữ dội của lịch sử...
Qua từng câu chuyện, người đọc cảm nhận xung đột giữa thiên nhiên tươi tốt, truyền thống văn hóa đẹp đẽ, những tâm hồn nhân hậu với sự thực dụng, sức mạnh của đồng tiền, với guồng quay đô thị hóa, môi trường bị tàn phá, với lòng tham và sự bất chấp mọi thủ đoạn để trục lợi bất chính. Người đọc cảm kích trước nét đẹp tâm hồn khi qua phong ba của thời cuộc, qua những biến động đau xót thì mầm nhân ái, lòng thương yêu và kiên trung vẫn được nhen lên, được ươm nở. Lòng người, đời người đẹp hơn khi biết chở che, đùm bọc nhau vượt qua gian khổ, kiên trì giữ gìn những giá trị quý báu của gia đình, dòng tộc, quê hương.
Đọc Bên kia sông, người đọc nhận ra cách tả, cách kể đậm chất văn hóa với sự vận dụng lời ăn tiếng nói của nông thôn và cách khai thác những câu chuyện cổ, những huyền thoại của quê hương. Người đọc thêm hiểu rằng, trong cuộc mưu sinh tất bật, thậm chí có phần nghiệt ngã, mỗi con người phải giữ, phải vun đắp cho mình tâm hồn lành thiện, vốn văn hóa của quê hương, tình yêu thiên nhiên, tình yêu lớn đối với dân tộc, đất nước. Có được trang bị những điều đó, con người ta mới vững vàng đi trong cuộc đời, để vươn lên, để đóng góp cho đời sống... Đó là những thông điệp nhân văn mà nhà văn Phùng Văn Khai gửi tới bạn đọc qua truyện ngắn của mình.
Khép lại tập sách, chúng ta cảm nhận rõ thêm về những trăn trở của nhà văn trước sự biến chuyển, những va đập ghê gớm trong đời sống. Tất cả cảm nhận rõ ràng hơn về lựa chọn của chính nhà văn. Đó là tâm huyết lý giải và phản ánh sự vận động tất yếu của đời sống, đi từ những mâu thuẫn, từ những mai một, suy tàn, mất mát đến sự phục hồi, tiếp nối, đến những thực tế đẹp đẽ hơn, đầy đặn hơn, sáng tươi hơn.
Theo Hoàng Hoa / Báo Hà Nội Mới