(Thứ năm, 05/10/2023, 01:29 GMT+7)
Ai cũng biết, trong dòng chảy văn hóa của từng dân tộc và cả thế giới, văn học là một nền tảng đặc biệt, không thay thế được. Từ xa xưa cho tới nay, có rất nhiều quan niệm về văn học. Dù có những dị biệt, khác biệt nhưng đều gặp nhau ở nội dung phục vụ cuộc sống con người, một ngành khoa học về con người. Sự phát triển của con người cũng là sự phát triển của văn học. Tất nhiên, con đường phát triển của văn học có lối đi riêng không tuân theo quy luật của thời gian, của thiên nhiên.
 
Tôi là người đến với văn học từ nhu cầu nội tại cá nhân trong vùng chiến sự khốc liệt, ranh giới giữa cái sống và cái chết. Đi từ tự phát đến tự giác. Sau nhiều năm “cày ải” trên cánh đồng chữ nghĩa, tôi có một số cảm nhận về văn học và sự đổi mới của văn học.
 

Nhà văn Trần Văn Tuấn
 
Xin được bắt đầu từ hiện tại.
 
Có thể nói giới viết văn Việt Nam chưa bao giờ có nhiều điều kiện thuận lợi và thách thức như hiện nay. Thuận lợi lớn nhất của người viết văn là con đường xây dựng xã hội “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã đi đúng hướng và thu được nhiều thành quả to lớn. Vị thế của đất nước, con người Việt Nam luôn được nâng cao. Ngôn ngữ tiếng Việt đã và đang có sức lan tỏa trên thế giới. Chúng ta đang sống trong sự phát triển hàng ngày của khoa học, kỹ thuật, của các công nghệ và siêu công nghệ. Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng, thế giới xoay, thật giả lẫn lộn, kỳ diệu và trần tục xen nhau, rất khó phân biệt, số phận con người luôn thay đổi. Một thế giới ngổn ngang phức tạp, đầy rẫy những bất ổn. Một thế giới đang nóng lên chứa đựng nhiều hiểm họa. Và, đây là kho dữ liệu khổng lồ, nguồn cảm hứng không giới hạn cho việc sáng tác văn học nghệ thuật. Nhưng, đây cũng là thách thức lớn nhất của giới viết văn. Người viết luôn phải có đủ trí lực, bản lĩnh để xứ lý các tư liệu, dữ liệu. Giống như người đi trong rừng rậm.
 
Chưa bao giờ giới viết văn lại chịu nhiều áp lực như bây giờ. Áp lực lớn nhất đến từ phía người đọc, người mua sách.
 
Trước sự thật gian hàng văn học trên thị trường ngày một thưa thớt vắng vẻ, đại đa số người viết văn viết vì nghiệp, vì sự đam mê nội tại. Rất ít người sống được nhờ nghề viết văn. Người đọc, trước hết là người mua hàng có quyền chọn lựa hàng hóa mình yêu thích. Chưa bao giờ người đọc quay lưng với sách văn học nhưng luôn đòi hỏi chất lượng sách văn học ngày càng cao. Để đáp ứng được yêu cầu của bạn đọc, hơn ai hết, người viết phải luôn luôn sáng tạo, đổi mới.
 
Xin được lạm bàn đôi chút về sự đổi mới của văn học Việt trong thời gian qua. Ai cũng biết, xã hội nào văn hóa ấy là một luận điểm đúng đắn. Trong thời chiến tranh, bao cấp tất nhiên phải có văn học chiến tranh, bao cấp. Khi xã hội đổi mới mở cửa, văn học nói riêng, văn hóa nói chung cũng phải đổi mới, mở cửa. Nói cho đúng, đổi mới văn học là một yêu cầu tất yếu của sự phát triển, cũng như việc đổi mới kinh tế xã hội của nước ta là yêu cầu tất yếu của thời đại, của nhân dân. Câu khẩu hiệu thời kỳ đầu đổi mới ở những năm 80 thế kỷ trước “Đổi mới hay là chết” đã khái quát đúng tình hình. Trong một thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ chiến tranh, trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển đến chóng mặt, sự trì trệ, lạc hậu trong quản lý điều hành xã hội sẽ gây ra những hậu quả khôn lường. Chưa nói đến sự phát triển, ngay cả việc tồn tại cũng hết sức mong manh. Khi nhìn lại quá trình thực hiện đổi mới trong những năm qua, chắc hẳn ai cũng có chung nhận định “đổi mới do quy luật khách quan” và cũng do nhu cầu nội tại.
 
Với xã hội là nhân dân. Với văn học là nhà văn và những người làm công việc xuất bản và phát hành. Nhớ lại thời gian sau năm 1975, đất nước hòa bình, thống nhất song cuộc sống của người dân vẫn còn cực kỳ khốn khó. Nguyên nhân chính là do tệ quan liêu, bao cấp trong vấn đề quản lý, điều hành. Và, nhu cầu nhanh chóng xóa bỏ tệ quan liêu, bao cấp, nhanh chóng đổi mới việc quản lý, điều hành kinh tế xã hội đã trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Toàn Đảng, toàn dân đều có nhu cầu đổi mới. Đối với giới viết văn, nhu cầu được tự do thể hiện tài năng và những suy tư, trăn trở cũng hết sức bức xúc. Câu nói phổ biến thời mở đầu đổi mới là “cởi trói cho văn nghệ” dẫu có phần cường điệu nhưng cũng nói lên tâm trạng chung của giới văn nghệ. Ai cũng biết trong đời sống văn nghệ ở mỗi thời kỳ, không ai trói ai mà có muốn trói cũng không trói được. Tuy nhiên, thời chiến tranh, bao cấp do nhiều yếu tố khác nhau, chủ quan có khách quan có, việc sáng tác văn học có nhiều ràng buộc. Có những ràng buộc có lý nhưng, rất nhiều ràng buộc vô lý. Có cái thành văn, có cái bất thành văn. Nhà văn chịu quá nhiều áp lực tiêu cực. Trong đó, cái áp lực viết sao cho tròn trịa để được nhà xuất bản cho in là một áp lực rất lớn.
 
Người viết buộc lòng phải tự kiểm duyệt, tự biên tập mình trong khi viết. Có không ít mảng hiện thực nóng và những bức xúc chốn nhân gian chỉ có thể tiếp cận sơ sài hoặc nêu ra một cách nửa vời. Chính vì vậy, khi chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước được thực hiện trên mọi lĩnh vực đời sống, người viết văn cảm thấy như được giải phóng mọi nguồn năng lượng, được “cởi trói”.
 
Suy cho đến cùng, văn chương cũng là một sản phẩm hàng hóa và viết văn cũng là một nghề. Hàng hóa đặc biệt gì đi nữa cũng phải được kiểm chứng ở khâu “quản lý Nhà nước” và thị trường. Đổi mới văn học là một động lực mới để văn học đến với người đọc nhiều hơn, chất lượng hơn. Viết văn là thứ nghề đặc biệt, không phải ai cũng “làm nghề” được. Có nhiều yếu tố để tạo thành nhà văn. Yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là tài năng. Công cuộc đổi mới kinh tế xã hội do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã khơi nguồn và tạo thêm nhiều động lực cho tài năng trên mọi lĩnh vực phát triển. Luận điểm “lấy dân làm gốc” là kim chỉ nam, là phương châm cho mọi hoạt động. “Lấy dân làm gốc” để phát hiện và nuôi dưỡng tài năng. Quá trình đổi mới đã thực hiện được điều này.
 
Khởi nguồn từ đổi mới tư duy. Đây là bước đi đúng đắn, chắc chắn. Do hoàn cảnh lịch sử để lại, có rất nhiều điều cần phải xem xét nhận thức lại. Đảng và Nhà nước đã nhận thấy vai trò cực kỳ quan trọng của trí thức. Tư duy về người tài được điều chỉnh theo đúng chân lý: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Ở những năm đầu đổi mới, đời sống văn học giống như “xuân về trăm hoa đua nở”, hết sức sôi động, phong phú. Lượng sách xuất bản ào ạt tung ra thị trường. Thị trường đón nhận một cách hồ hởi. Thời ấy, tác phẩm tiểu thuyết in với số lượng 20.000 bản là phổ biến. Giấy in chất lượng xấu, chữ nhỏ nhưng người đọc vẫn háo hức tìm đọc. Có rất nhiều tài năng văn học được phát hiện và phát triển trong công cuộc đổi mới.
 
Cuộc đổi mới văn học năm 1986 không bắt nguồn từ chân không. Văn học Việt Nam đã có một bề dày và thiết lập những giá trị ổn định vượt thời gian. Rất nhiều đỉnh cao văn học đã được thiết lập trước đó. Vấn đề “đổi mới tư duy” để phát triển kinh tế xã hội nhằm mục đích “loại bỏ quan liêu, lạc hậu” để xã hội phát triển, đời sống tinh thần vật chất người dân được nâng cao. Trong đời sống văn học, vấn đề “đổi mới tư duy” đã có nhận thức chưa đầy đủ. Việc tuyên chiến với những cái xấu, cái lạc hậu, quan liêu, độc đoán, giáo điều của thời bao cấp đã được mở rộng hết biên độ, tạo ra một trận chiến khốc liệt giữa cái mới và cái cũ. Trong trận chiến này, thời kỳ đầu đã xuất hiện quan niệm cực đoan “mọi cái cũ đều xấu”. Ở thời điểm đó xuất hiện nhiều tác phẩm văn học phê phán cái cũ một cách cực đoan mà có người nói đùa đấy là “dòng văn học sám hối”. Khách quan mà nói, “dòng văn học” này là quá trình vận động tự nhiên không thể tránh khỏi. Văn học vốn dĩ không chấp nhận sự nửa vời và cực đoan. Dòng văn học này có những tác động tích cực và tiêu cực đối với đời sống xã hội và đời sống văn học.
 
Cũng từ nhận thức đổi mới, quan niệm “thị trường quyết định tất cả” đã và đang là vấn đề nóng của đời sống văn học. Thực tế cho thấy công thức “tình - tiền - tù - tội” hay “độc lạ” được áp dụng cho mọi sản phẩm văn hóa trong đó có văn học. Vấn đề này đã và đang tác động trực tiếp tới người viết. Đã xuất hiện quan niệm nhà văn cũng giống như nhà sản xuất kinh doanh, phải nắm rõ thị trường cần gì để sản xuất hàng đáp ứng. Yếu tố giải trí được xem như một chuẩn mực.
 
Tôi cho rằng nhận thức “thị trường quyết định tất cả” có nhiều vấn đề cần được mổ xẻ, phân tích xác định những giá trị mới cũng như làm rõ những yếu tố tiêu cực. Thực ra, yếu tố thị trường trong đời sống văn học hết sức quan trọng nhưng không phải là tất cả. Thị trường là một phần trong đời sống người dân, đời sống xã hội. Cái gốc trong đời sống người dân vẫn là sự kết tinh của nền văn hóa “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
 
Nhận thức “lấy dân làm gốc” giúp công cuộc đổi mới của chúng ta đi đúng hướng và đạt được những thành tựu to lớn về mọi phương diện. Với nhận thức này chúng ta đã gắn kết một cách hài hòa giữa “yêu cầu và nhu cầu”. Theo thời gian, yêu cầu và nhu cầu của mỗi con người, của cả xã hội đều có những thay đổi. Cũng giống như quan hệ “cung - cầu” trong kinh tế, mối quan hệ “nhà văn - bạn đọc” là một yếu tố quan trọng cho sự phát triển.     
 
Nhận thức “lấy dân làm gốc” trong đời sống văn học sẽ giúp người viết có mục đích truyền tải thông tin, thông điệp rõ ràng. Và, cái quan trọng nhất là xác lập được nền tảng thẩm mỹ “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” theo định hướng xây dựng nền “Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Đảng và Nhà nước ta. Bởi lẽ bạn đọc luôn mong đợi đón đọc những tác phẩm văn học “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” có giá trị thẩm mỹ cao. Thiết nghĩ vấn đề “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” là một phạm trù mở, trong đó yếu tố cá nhân sáng tạo là chủ đạo. Do vậy, đổi mới để tác phẩm văn học “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” hơn là yêu cầu và cũng là nhu cầu của người đọc và người viết.
 
Trần Văn Tuấn
Nguồn: Văn nghệ số 39/2023