Năm 2012, khi nhà toán học Phùng Hồ Hải được công nhận học hàm Giáo sư lúc vừa 38 tuổi (ông sinh năm 1970), còn được giới khoa học tự nhiên đánh giá cao về năng lực và đạo đức, đã có người không khỏi thắc mắc Phùng Hồ Hải là ai. Liệu có thuộc lớp con ông cháu cha ngoài chuyên môn vốn đã xuất hiện theo cung cách như vậy? Tiếp đó, ông đảm đương cương vị Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Tổng Thư ký Hội Toán học Việt Nam và có nhiều đóng góp thiết thực cho ngành toán học, mọi người theo dõi từng bước trưởng thành của ông đến hôm nay đều khâm phục không chỉ tài năng mà còn là đức độ của một Giáo sư toán học hàng đầu Việt Nam.
Tại sao phải nhấn mạnh khía cạnh đạo đức ở một chuyên ngành như toán học? Có đủ tài năng liệu có được chăng? Đạo đức liệu có phải là điều gì quá xa xỉ trong ngày hôm nay, khi mà sự tha hóa về đạo đức đã như những con sóng phá tan không ít thành trì đạo đức? Đã có những người có học hàm, học vị cao, bao gồm cả ngành toán học đã khiến xã hội lo ngại về đạo đức của họ thông qua những phát ngôn và việc làm không đáng có. Toán học dẫu thiết thực đến mấy nhưng đạo đức và các chuẩn mực trong xã hội mới là sự sát sườn, trực diện với chúng ta trong sự tự trưởng thành của cá nhân và xã hội. Một xã hội muốn phát triển lành mạnh và bền vững trước tiên phải có một nền tảng đạo đức chuẩn mực với những giá trị nhân văn cốt lõi trên nền tảng văn hóa, văn hiến của đất nước mình. Điều này dường như do những cấp bách cơm áo gạo tiền, thúc giục vật chất, thiếu nền tảng tri thức mà mọi người đã buông bỏ coi như không liên quan tới mình. Bởi vì thế, hơn lúc nào hết, giới trí thức trong đó có ngành toán học nhất định phải đặt đạo đức lên hàng đầu mới là thuận đạo lý ở đời. Khi được phong danh hiệu Giáo sư, Phùng Hồ Hải đã từng phát biểu: “Việc được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư khiến tôi phải cố gắng hơn nữa trong nghiên cứu khoa học. Ở vị trí của một Giáo sư, tôi hiểu trách nhiệm của mình không chỉ dừng lại ở việc thực hiện những nghiên cứu khoa học cho riêng mình, mà còn là việc hỗ trợ lớp trẻ, đào tạo kế cận, bổ sung cho cộng đồng toán học Việt Nam”.
Thực là câu nói của những người có trách nhiệm, có tri thức và niềm tin về hiện tại và tương lai. Phùng Hồ Hải từng tham gia giảng dạy tại Đại học Duisburg-Essen trong thời gian từ năm 2006 đến năm 2008, cùng với học bổng Heisenberg của Quỹ DFG, ông Hải có thể có cơ hội được phong Giáo sư bên Đức, nhưng ông đã quyết định về nước, sống và làm việc, cống hiến cho nền toán học Việt Nam. Về vấn đề này, chính Phùng Hồ Hải đã từng nói: “Tôi về Việt Nam để được thấy mình sống thoải mái hơn, tự tin hơn và có ích hơn. Đặc biệt, tôi được sống trong cảm giác thấy mình rất tự do, tự do theo cái nghĩa tự mình làm chủ chính cuộc đời mình”.
Giáo sư Phùng Hồ Hải có bố mẹ thân sinh đều là những nhà khoa học. Bố ông là Giáo sư Phùng Hồ - một nhà Vật lý bán dẫn, nguyên giảng viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Mẹ ông là Phó Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Kiều Thị Xin, nguyên là cán bộ giảng dạy tại khoa Khí tượng - Thủy văn và Hải dương học - trưởng Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong nhiều lần trò chuyện với Giáo sư Phùng Hồ, tôi thấy cụ rất tự hào về người con trai đã thành danh nhưng vô cùng khiêm tốn. Giáo sư Phùng Hồ đã in nhiều tập thơ đậm chất xứ Nghệ. Rất giống cha mình, phong vị xứ Nghệ, nơi luôn đề cao sự học hành và tiết tháo của kẻ sĩ luôn đậm đặc trong con người Giáo sư Phùng Hồ Hải.
Giáo sư Phùng Hồ Hải không chỉ luôn quan tâm tới công việc chuyên môn mà còn dành nhiều tâm huyết và thời gian cho công việc vị trí lãnh đạo vốn không phải lúc nào cũng dễ dàng đối với một nhà khoa học. Sự đóng góp thầm lặng của ông đã nói lên sự dấn thân của trí thức một cách quyết liệt nhưng cũng rất mềm mại uyên nguyên. Ngành toán học không phải lúc nào cũng bình lặng và những người trên cương vị thuyền trưởng ở những bước ngoặt, khúc quanh phải biết làm vơi đi sóng gió để khoa học đi đúng hướng cũng chính là tiết tháo không phải ai cũng có. Tôi nhiều năm quen biết ông, nhất là trong công tác chia sẻ việc dòng tộc họ Phùng đã luôn nhận được sự đồng cảm, chia sẻ tinh tế của vị Giáo sư trẻ tuổi. Những năm trao Giải thưởng Phùng Khắc Khoan tại Văn miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội, ông luôn tới từ tinh sương, thực hiện mọi yêu cầu của Ban Tổ chức. Các cháu sinh viên được nhận giải thưởng từ tay vị Giáo sư khả kính đã như một kỷ niệm thật đẹp, thật tươi tắn và hãnh diện trong những ngày đầu bước vào môi trường đại học. Tôi đã thấy ánh mắt của vị Giáo sư trẻ tuổi mái đầu sớm bạc ánh lên niềm vui bình dị. Chúng ta hãy biết tìm những niềm vui từ những công việc hữu ích ở đời thường.
Cũng giống như người cha Giáo sư của mình, ông luôn tìm về quê cha đất Tổ, nơi ngọn nguồn thôn Triệu Đông, xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Chính truyền thống văn hóa tự hào của quê hương đã như những ngọn lửa, chính là mạch nguồn nuôi dưỡng tri thức và niềm tin để người con xứ Nghệ vững bước trưởng thành. Trong các cuộc ồn ào, tôi đều thấy Giáo sư Phùng Hồ Hải chọn một góc khiêm tốn lắng nghe các thế hệ đi trước phát biểu, thậm chí kể cả lĩnh vực ông rất thuộc nhưng khi chưa được mời đích danh lên tiếng, ông đều thích lắng nghe. Nghe nhiều, nghe kỹ, tự luân chuyển trong trí não những điều đã thấy mười mươi, đã rất đúng nhưng vẫn cần nghe kỹ, xem xét thấu đáo luôn là phẩm chất số một của nhà khoa học, nhất là chuyên ngành toán học. Phẩm chất này luôn nổi trội ở Giáo sư Phùng Hồ Hải. Có những cuộc Hội thảo khoa học chuyên ngành xã hội, tôi thấy ông đọc rất kỹ các tham luận trong kỷ yếu và nhỏ nhẹ chỉ ra những lỗi sơ đẳng và luôn coi đó là nhiệm vụ của mình. Tôi luôn thán phục cách thức góp ý như vậy chứ tuyệt không nên đao to búa lớn ở bất kỳ ngành khoa học nào, nhất là những bộ môn cần trí óc và sự tưởng tượng phong phú, rộng mở, không nhất thiết phải theo một đáp án duy nhất.
Đối với gia đình, ông luôn là một người con mẫu mực, một người cha đáng tin cậy và rất biết sẻ chia. Chính nền tảng gia đình mới góp phần chính yếu định hình xã hội. Không thể nào có một xã hội lành mạnh từ những gia đình rạn vỡ. Càng ở vị trí cao, học hàm học vị trang trọng, vị trí xã hội và nhất là ảnh hưởng xã hội lớn càng phải biết tự làm gương làm mẫu mới là đóng góp cho xã hội. Và sự đóng góp này phải vừa thầm lặng vừa nhi nhiên mới lâu bền được.
Giáo sư Phùng Hồ Hải cũng là người rất nặng lòng với giáo dục. Ông từng phát biểu trên báo chí truyền thông rằng: “Để phát triển lâu dài và bền vững thì chấn hưng giáo dục là yếu tố tiên quyết. Nhưng tôi rất buồn mà nói rằng mô hình thi trắc nghiệm 100% tại kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học đối với môn toán và một số môn khác là sai lầm, hết sức sai lầm và có hại lớn đối với sự nghiệp chấn hưng giáo dục”. Phát ngôn của ông dẫu trong giới khoa học và đa số phụ huynh đều cảm nhận và mong muốn hãy thực hiện để gạt bỏ cái sai lầm chết người đó đi song dường như các cấp có thẩm quyền trong ngành giáo dục, nhất là Bộ Giáo dục đã mũ ni che tai bất chấp sự xuống cấp trầm trọng của nền giáo dục. Điều này có vẻ kỳ lạ nhưng nói như một nhà khoa học xã hội nhân văn là “cái nước mình nó thế”.
Tôi luôn cho rằng, các nhà khoa học, nhất là chuyên ngành toán học luôn tận tâm tận sức cho chuyên môn của mình, luôn cống hiến hết mình dù đền đáp với họ từ xã hội, nhất là các cơ quan quản lý, sử dụng còn chưa thỏa đáng. Điều này là một điều đáng buồn nhưng vẫn diễn ra như một thông lệ tất yếu. Chúng ta phải phấn đấu để kéo lại những bất công, phi lý đó nhưng bắt đầu từ đâu và do ai quyết định thật hãy còn quá xa vời.
Nhiều lần trò chuyện với ông, thật lạ kỳ, tôi luôn thấy một hồn thơ trong con người Giáo sư Phùng Hồ Hải. Các bài viết của ông, dù là về chuyên môn của mình đều đậm chất triết học và giàu chất thơ. Phải chăng sự logic của toán học, sự chuẩn mực và chừng mực của nó đã đào luyện nên những con người như ông, luôn làm những việc hữu ích nhưng cũng luôn biết lặng lẽ, khiêm nhường và an yên trong chính sự chừng mực của mình? Phải chăng sự tự do tuyệt đối cũng chính là sự chừng mực, cân bằng tuyệt đối? Điều này không phải ai cũng nhận ra. Đã nhận ra rồi nhưng để thực hành nó trong cuộc đời mình lại là một câu chuyện rất khác.
Giáo sư Phùng Hồ Hải là một trong những trí thức đã sớm nhận ra bản thân mình từ những bước đi đầu tiên trong khoa học. Chắc chắn ông càng nhận thấy sự hữu hạn của cá nhân trong bể học mông mênh mà tự răn mình phải biết khiêm nhượng và phải chuyển động không ngừng trong bể học mênh mông ấy. Trò chuyện với ông, có khi chỉ vài câu ngắn đã thấy chủ ý được tường minh, những thắc mắc được tháo cởi nhẹ nhàng. Đó cũng là duyên trời tri thức mà ông thâu lượm từ cõi vô cùng chuyển hóa thành của riêng ông vậy.
Trên con đường vạn dặm, dẫu không phải lúc nào cũng sóng hàng dẫn dắt nhau tiến về phía trước, song với tư cách nhà văn, tôi thực vinh dự và phấn chấn khi được đồng hành cùng thế hệ với ông.
Nhà văn Phùng Văn Khai