Cuốn Mai Hắc Đế - Truyền thuyết và lịch sử đã được Nhà xuất bản Nghệ An phát hành năm 1997. Để cuốn sách này ra đời, ngoài việc dựa vào chính sử, một số truyện danh nhân, với sự cộng tác của nhà báo Đinh Lê Yên trong thời gian từ 1992-1996, chúng tôi còn tìm đến các nơi có những thông tin ít nhiều liên quan đến tên sách, thu thập các truyền thuyết, thần phả, bia ký...
Nhà nghiên cứu Đinh Văn Hiến
Sách ra đời được nhiều độc giả và một số báo đài hoan nghênh. Một số độc giả còn cung cấp hoặc mời chúng tôi đến nhà trao đổi những tư liệu làm sáng tỏ thêm chân dung vị anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan.
Được biết, trước đây chỉ có năm địa phương, thì từ năm 1997 đến nay, có thêm ba chục thành phố, thị xã, thị trấn trên cả nước đã tôn vinh Mai Hắc Đế bằng cách lấy tên Ngài đặt cho một số đường, phố, trường học...
Và trong vòng dăm bảy năm qua, sau cả chục thế kỷ tồn tại, đền vua Mai ở Nghệ An đã rước thêm Bà Phạm - vợ Ngài về thờ, rồi di tích các thân nhân Ngài tại Hải Phòng cùng Hà Nội thì rước Ngài về thờ cạnh các thân nhân. Thăm dò một số nơi thì biết: Những phát hiện tìm tòi của chúng tôi về Mai Hắc Đế công bố ở báo hoặc đưa vào sách đã ít nhiều đóng góp vào sự thay đổi này. Đó thật là điều vinh hạnh cho tác giả, và là nguồn động viên để tác giả vượt bao khó khăn, bổ sung thêm tư liệu nhằm tái bản cuốn sách này.
Nay vì tuổi đã cao, lần tái bản này, tôi ủy quyền cho nhà báo Đinh Lê Yên - cộng sự của tôi trước đây - đi thu thập, tìm hiểu thêm tư liệu và biên tập lại sách, coi anh là đồng tác giả.
Nhất quán với lần xuất bản đầu tiên tại Nhà xuất bản Nghệ An, phương châm của hai tác giả khi tái bản sách vẫn là: Trong các tư liệu có được, tư liệu nào hợp lý hơn thì chọn, vì vậy mà phải biên soạn lại đến mấy chương sách. Và khi phải xử lý các tư liệu mâu thuẫn (hoặc khi phải đưa một giả định nào đó vào sách) các tác giả đều nói rõ để bạn đọc biết.
Bìa cuốn sách "Mai Hắc Đế - Truyền thuyết và lịch sử"
Không kể đến việc bớt đi một phụ lục bỏ chương tụ nghĩa trong phần trích dẫn cuốn thơ của Võ Văn Trực, nói về Vua Mai, cùng bổ sung 1 bài thơ, 2 đôi câu đối và 2 truyện ngắn về đề tài Mai Hắc Đế trích dẫn 4 ý kiến nhận xét cuốn sách xuất bản lần đầu; cũng như việc bổ sung một vài tư liệu không quan trọng (có chú thích từng điểm trong sách), ở đây xin được nói tóm tắt rằng: Sách tái bản có khác với lần xuất bản đầu về mấy điểm chính yếu dưới đây:
1. Về năm Mai Thúc Loan khởi nghĩa, thay vì là năm 722, nay đổi lại là năm Quý Sửu 713. Sự thay đổi cực kỳ quan trọng này dựa theo cuốn truyện danh nhân của ta bằng chữ Hán, chép tay, cuốn Tân đính hiệu bình Việt điện u linh của Chư Cát Thị (viết tắt là VĐUL - sách có thể được viết từ đầu đời Lê, sau này đã được in ấn) và cuốn sử Trung Quốc Tân Đường thư. Các tư liệu này cũng đã được các tác giả cuốn Biên niên lịch sử cổ trung đại Việt Nam của Viện Sử học xác nhận và đưa vào.
2. Về thân nhân Ngài, sách ghi thêm tên bố mẹ đẻ, bố nuôi và nói rõ: Khi Ngài lọt lòng, có cả bố cả mẹ bên cạnh, cùng bàn bạc đặt tên cho Ngài (thay cho sách đã xuất bản, tên thân nhân bỏ trống, và theo một truyền thuyết mà ghi rằng mẹ Ngài rời quê gốc sang Nam Đàn một mình khi đang mang thai, rồi đơn thân vượt cạn tại đó). Đồng thời, tổng hợp ba tài liệu: Việt điện u linh, Thần phả đền Điều Yêu cùng tư liệu của sử gia Trần Bá Chí, sách viết lại khác trước một số hoạt động của các con Ngài.
Về công tích vợ đầu của vua Mai - bà Đinh Thị Ngọc Tô, cũng như chuyện một số kiếm khách nghĩa sĩ các nơi trên đất nước - hội tụ tại nhà Ngài trên quê hương Sa Nam hồi chưa khởi nghĩa (và một số điểm khác) - lần xuất bản trước chưa có, lần này tái bản có bổ sung) phần lớn là dựa vào cuốn Việt điện u linh.
Hình ảnh tại Hội thảo khoa học về Mai Thúc Loan
Như vậy, dựa trên cuốn Việt điện u linh, sách tái bản đã có thêm nhiều tư liệu quan trọng. Chúng tôi tin tưởng cuốn Việt điện u linh vì dù đó là một truyện danh nhân cổ, viết tay nhưng Việt điện u linh có nhiều điều đáng tin cậy. Trước hết, đó là năm Ngài khởi nghĩa. Tiếp theo đó là về các thân nhân, con cái Ngài. Điểm sau, Việt điện u linh tương đối khớp với những tư liệu trước đây chúng tôi thu thập ở di tích Điều Yêu, nhưng đồng thời vẫn có một số dị biệt ở hai nguồn tư liệu này, như là để chứng minh: Hai nguồn này đều độc lập khi thực hiện thông tin chứ không sao chép lại nhau, và như vậy là đáng cho ta tin cậy. Hơn nữa khi làm biên niên sử, Viện Sử học cũng đã coi trọng những tư liệu mà Việt điện u linh cung cấp qua nhiều sự kiện của đất nước chứ không riêng về Mai Hắc Đế.
Biên soạn sách để tái bản, quan điểm của hai tác giả vẫn dựa trên quan điểm khi xuất bản lần đầu: Coi sách là một truyện danh nhân viết về anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan, người sống cách đây 13 thế kỷ, lúc ta chưa có sử sách, nên những gì diễn ra lúc bấy giờ đã bị lớp bụi thời gian quá dày bao phủ, khiến mọi tư liệu thành văn về Ngài đều có ít nhiều khiếm khuyết, đến mức có nhiều người chỉ coi Ngài như là thủ lĩnh một cuộc khởi nghĩa, trong khi thực chất đây là một vĩ nhân từng lập nên một triều đại tự chủ của đất nước kéo dài đến mười năm. Dù là việc hết sức khó, và các tác giả không là sử gia, lại làm việc trong hoàn cảnh kinh phí cá nhân quá nhỏ, tư liệu lại rải ra hầu khắp mọi miền, các tác giả vẫn muốn nâng sách lên tầm một đề tài nghiên cứu về một giai đoạn lịch sử của đất nước. Dù trình độ mình có hạn, các tác giả muốn, trước hết kính gửi đến các sử gia và các cơ quan chuyên môn về sử mong được chỉ ra các thiếu sót không thể tránh của sách, để có thể đóng góp chút ít công sức tâm huyết của mình vào việc biên soạn lại lịch sử nước nhà hồi đầu thế kỷ thứ 13.
Bộ sách của Hội đồng họ Mai Việt Nam
Chúng tôi cũng mong muốn độc giả cả nước sẽ bổ sung thêm hoặc đính chính lại những gì mà các vị biết - nhưng sách chưa đề cập đến hoặc tư liệu thiếu chính xác, để chúng tôi có dịp bổ sung sửa chữa cho lần tái bản tiếp theo, đặng có tài liệu tương đối đầy đủ về Mai Hắc Đế cùng sự nghiệp to lớn của Ngài.
Cuối cùng, xin chân thành cảm ơn quý vị độc giả và các đài báo từng có lời động viên các tác giả, cũng như giúp đỡ vật chất để tác giả có thể tái bản cuốn sách lần này.
Đặc biệt, xin cảm ơn riêng các tác giả có bài báo, truyện, ảnh hay thơ mà chúng tôi đã trích dẫn cho xuất bản lần này!
Nhân dịp kỷ niệm 1290 năm Khởi nghĩa Hoan Châu và 1280 năm ngày giỗ Mai Hắc Đế
Nhà nghiên cứu ĐINH VĂN HIẾN