GIỌT LỆ Ở NAM XƯƠNG
Nhà văn Phạm Lưu Vũ
Truyện lịch sử về Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa
Đấu vật (Tranh đông hồ)
Tăng Trường thiên vương là một trong tứ thiên vương, cai quản ở phía Nam núi Tu Di, một cõi trù phú, hiền lành và mông muội, một hôm đang trong cơn thiền định, bỗng rùng mình một cái, thấy trên đỉnh núi Tu Di vừa chấn động, từ đó rắc xuống những cánh hoa trời, rực lên một lát rồi tan biến vào hư không. Có làn gió thổi cuộn từ dưới lên, thoang thoảng hương thơm. Chắc nhân gian lại có chúng sinh nào vừa đắc đạo Tiên. Ngài nghĩ thế bèn xuất khỏi định, bước ra ngoài cung trời ngó xuống, thấy một ngọn núi hùng vĩ nhô lên giữa một vùng sông nước bời bời, dọc ngang uốn khúc, cây cỏ tốt tươi, mây lành cuồn cuộn. Ngài vẫy bọn tả hữu đến, trỏ xuống ngọn núi mà hỏi:
“Các ngươi có biết kia là núi gì không?”
“Dạ bẩm, đó là núi Tản…” - Bọn tả hữu cúi đầu, cung kính trả lời.
Thiên vương lại bảo:
“Ta xem thấy mây lành quấn quýt, hào khí ngùn ngụt thế kia, chắc ở đó vừa xuất hiện một bậc tiên nhân. Đó là phúc lớn của cõi trời Nam này đấy. Các ngươi có thể mời vị ấy đến đây được không? Ta có chuyện muốn bàn với vị ấy”.
Bọn tả hữu vâng lời, bèn cử ngay một người trong bọn là Nam Đàn sứ giả cưỡi mây xuống núi Tản. Trước khi đi, Thiên vương sai đem theo cuốn sổ Nam Cực Pháp Danh, chép tên các thổ địa, linh thần các xứ ở Giao Châu rồi căn dặn:
“Một người đắc đạo mà kinh động đến đỉnh Tu Di thì không phải chuyện thường, chính ta cũng còn kém đấy. Nhẽ ra ta phải đích thân xuống cầu, song không muốn làm bọn quỷ nhân bất thiện ở phương Bắc chú ý. Ngươi đi chuyến này phải nói sao cho thật khéo mới được.”
Nam Đàn sứ giả vâng lời, giắt cuốn sổ Nam Cực Pháp Danh vào trong người rồi rời khỏi cung Trời, một mình cưỡi mây xuống núi Tản.
Vừa hạ mây xuống núi, Nam Đàn sứ giả đã nghe xung quanh rộn rã tiếng gió như thổi tiêu, chim hót như kể chuyện, vượn hú như chào mừng… Cả một tòa núi xanh như dát ngọc, ngẩng lên thấy tán cây vẽ lên trời như những bức tranh, cúi xuống thấy mặt đất sạch bong như vừa mới quét dọn, lá cây rụng xuống tự chui vào đất, nước mưa đến đâu đất thấm khô đến đấy. Thật là một chốn hảo sơn bảo sát của bậc chân nhân, Nam Đàn sứ giả thầm thán phục trong lòng. Đi được một quãng thì một tòa động hiện ra, phong cảnh xung quanh còn lộng lẫy hơn nữa, bên trong động hoa đá lung linh, hào quang tua tủa, tỏa hương thơm ngào ngạt. Cúi đầu kính cẩn bước vào, tới giữa động, Nam Đàn sứ giả ngước lên, thấy một tòa đá nguyên khối bằng ngọc bích, xung quanh uốn lượn mềm mại như những cánh hoa, hai bên tòa có hai dãy hạc đứng hầu, mỗi bên tám con, lông cánh trắng muốt, chân đỏ, mỏ đỏ, mắt long lanh như những viên ngọc. Chính giữa tòa ngọc bích có một vị tiên nhân ngồi xếp bằng tròn, tay phải cầm chiếc phất trần làm bằng những sợi tơ hồng, tay trái cầm một cuốn sách. Vị tiên nhân tóc trắng như tuyết, phủ đến ngang vai, râu dài đến rốn, đôi mắt sáng quắc, hai bên mi cũng trắng như tuyết, dài đến chấm ngực. Gương mặt Ngài đỏ như tiết canh, ở giữa bạch hào nổi lên một cục thịt to bằng quả ổi, cũng đỏ như máu, hào quang phóng ra như những tia chớp. Nam Đàn sứ giả bất giác càng thêm sinh lòng kính trọng, bèn dừng bước, cách tòa thạch ngọc độ vài sải tay, rút trong người cuốn Nam Cực Pháp Danh ra, hai tay nâng lên ngang đầu, cúi người cung kính dâng lên.
Vị tiên nhân từ trên tòa nhìn xuống, thấy Nam Đàn sứ giả, liền cười “khà” một tiếng, làm rung chuyển cả tòa thạch động rồi cất giọng trầm hùng, hỏi:
“Ngươi từ đâu tới đây? Ta vừa ra khỏi cơn đại mộng, thì khắp nơi trong bốn phương tám hướng, mọi cử động ta đều thấu rõ cả, chỉ có ngươi là ta không thấy, thế thì ngươi không nằm trong số những kẻ phàm trần. Ngươi từ Trời xuống có phải không?”
Nam Đàn sứ giả giật mình, bụng nghĩ vị này đã đắc tâm nhãn thông, thì nhất cử nhất động của mọi giống hữu tình trong cõi Diêm Phù đề này, đều nằm trong cái thấy của Ngài cả. Duy có mình vì không thuộc cõi phàm nên Ngài không thấy đấy mà thôi. Bèn vội vàng thưa:
“Dạ, bẩm đại tiên. Đệ tử quả vừa từ chỗ Tăng Trường thiên vương xuống đây”.
Đại tiên nghe nói, liền bật lên một tràng cười sảng khoái, ra vẻ vừa ý lắm, liền bảo:
“Tăng Trường thiên vương trông coi địa phận của Nam Diêm phù đề. Ta ở lẫn chốn nhân gian, dẫu đứng vào hàng địa tiên, may đắc được một chút đạo lực, thì cũng cần phải có người ấn chứng cho mới được. Vì thế ta cũng đang nghĩ tới chuyện lên cung trời, ra mắt thiên vương một chuyến xem sao”.
Nam Đàn sứ giả nghe nói trong bụng mừng rỡ, liền vội vàng nói:
“Dạ, bẩm đại tiên, chính thiên vương cũng muốn cầu kiến Ngài, cho nên mới sai đệ tử tới đây để thăm dò ý tứ của Ngài đấy ạ.”
Lời nói của vị sứ giả thật là khéo léo, chẳng ra triệu thỉnh, cũng chẳng ra mời mọc, mà vẫn trúng ý của đại tiên, khiến đại tiên hài lòng lắm. Ngài liền đứng ngay dậy, xuống khỏi thạch tòa, bước đến thu lấy cuốn sổ, rồi cầm tay sứ giả, cười khà khà mà hớn hở nói:
“Vậy thì còn chờ gì nữa, đi ngay, đi ngay…”
Nam Đàn sứ giả rối rít vâng lời, liền quay đầu cùng đại tiên bước ra khỏi động. Lũ hạc trắng đứng hai bên cũng rùng rùng cất bước theo sau. Ra tới cửa động, nhìn xuống phía dưới là cả một vùng trời nước bao la, phong cảnh cực kì diễm lệ. Lũ hạc vừa nom thấy đã rún mình xuống, rồi đồng loạt vỗ cánh bay trước dẫn đường. Đại tiên và Nam Đàn sứ giả cũng vút một cái, nhảy ngay lên mây, nhằm hướng cung trời của Tăng Trường thiên vương thẳng tiến.
Biết sứ giả đã mời được khách quý, Tăng Trường thiên vương dẫn tả hữu ra tận ngoài cửa cung trời đón đại tiên vào. Hai vị vái nhau rất là trân trọng. Vào đến trong cung, khách chủ yên vị đâu đấy, các thiên nữ lần lượt dâng trà thơm, quả ngọt… đến lượt một đoàn Càn Thát Bà tiến ra cúi chào, rồi tấu lên một bản nhạc trời réo rắt, nghe cực kì mê ly. Tiếp đến tiết mục của các nghệ sĩ Khẩn Na La diễm lệ, vừa hát, vừa múa những động tác vô cùng đẹp mắt. Đại tiên vừa theo dõi, vừa mỉm cười, tay vuốt vuốt chòm râu, miệng không ngớt tiếng khen ngợi. Xong màn chư tiên chào đón, Tăng Trường thiên vương lên tiếng trước:
“Lành thay, lành thay. Đạo chẳng dễ cầu, nhưng không phải không thể cầu được. Dẫu trong muôn một, thế nào chẳng tới lúc sẽ có đủ duyên. Mừng cho cõi Nam Diêm phù đề, nay đã thành tựu được phương luân, định được phong thủy, dựng nên hào khí… cho nên mới hun đúc nên một bậc thượng trí như Ngài”.
Đại tiên nghe thiên vương tán dương, tuy không mảy may động lòng, song cũng khiêm tốn đáp lời:
“Xin đa tạ, đa tạ. Bần đạo cũng vì thế mà coi phương luân, phong thủy như đất cha mẹ của mình. Nay bần đạo đã tới đây, dám mong Ngài ở trên cao mà ấn chứng cho”.
Thiên vương cười ha hả, rồi vái một cái mà trả lời:
“Không dám, không dám. Ngài đứng đầu trong số địa tiên ở phía Nam Diêm phù đề này đấy. Bản chức đây thế là đã chứng kiến những điềm xuất hiện của bốn vị địa tiên, không điềm nào giống với điềm nào, cho nên mới hân hạnh được biết”.
Đại tiên cũng vòng tay xá lại một cái rồi hỏi:
“Vậy chẳng hay đã xảy ra những điềm gì?”
Thiên vương đáp:
“Lúc ở phía Bắc xuất hiện Nga Mi lão nhân, thì núi động dưới chân, gió có vị chát. Phía Đông xuất hiện Đông Hải thần tiên, thì núi động sườn bên hữu, gió có vị mặn. Phía Tây xuất hiện Lão Qua tôn giả, thì núi động sườn bên tả, gió có vị cay. Tới khi Ngài xuất hiện, thì núi động trên đỉnh, trời rắc mưa hoa, gió thổi có hương thơm, một mực thanh tịnh, không có vị gì, vì thế biết đạo hạnh của Ngài đứng đầu…”
Đại tiên nghe nói mừng lắm, hết sức cảm tạ Tăng Trường thiên vương. Liền hỏi tiếp:
“Ngài coi sóc thiện nghiệp của chúng sinh cõi Nam Diêm Phù đề này kể từ vô thỉ, vậy chẳng hay chúng sinh ở chỗ bần đạo thế nào?”
Tăng Trường thiên vương nghe câu hỏi thì càng mừng lắm. Lập tức trầm giọng xuống trả lời, vẻ rất nghiêm trọng:
“Ngài không hỏi thì bản chức đây cũng muốn Ngài lưu ý. Nguyên chúng sinh nơi quý xứ của Ngài vốn chủ yếu từ Đông Thắng thần châu hết phước mà sinh về, nên tính tình thuần hậu, biết nhường nhịn nhau, thiện nghiệp có lúc rất rực rỡ, song có lúc lại tàn lụi. Chỉ vì có tính ngu tham, càng đông càng ngu tham, lại gặp phải một chủng người ở sát ngay phía Bắc…”
Nói đến đây, Tăng Trường thiên vương ngừng lại, có ý thăm dò thái độ của vị đại tiên. Đại tiên nghe đến đâu cảm kích đến đó. Thấy thiên vương dừng lại, liền hỏi ngay:
“Chủng người phía Bắc là thế nào?”
Thiên vương thong thả nói tiếp:
“Chủng người ở phía Bắc, vốn chủ yếu là chúng A Tu La đã hết phước báo mà đầu thai về, tính chẳng khác gì quỷ dữ nên chỉ ưa sinh sự, thích gây việc chiến tranh để lấn chiếm bờ cõi, giết hại nhân mạng, ăn thịt lẫn nhau… Nay một cõi phương Nam may mắn được Ngài giáng thế, tức là phương luân đã định đoạt, hào khí đã trỗi dậy, thì thiện nghiệp thảy đều trông cậy ở Ngài. Mong Ngài hết sức bảo hộ cho mới được.”
Đại tiên nghe đến đây liền đứng bật dậy, vòng tay xá thiên vương một lần nữa, miệng nói:
“Xin đa tạ ân đức cao cả của Ngài, đã ủy thác cho bần đạo cái điều hết sức hệ trọng ấy. Bần đạo nguyện xin ghi nhớ, không bao giờ dám quên”.
Rồi tiệc trời được các thiên nữ dọn ra, thiên vương cùng đại tiên thù tạc hết sức vui vẻ. Xong tiệc, hai vị chia tay nhau. Tăng Trường thiên vương lại đem tả hữu tiễn ra tận Cổng Trời. Vị đại tiên cùng lũ hạc trở về núi Tản, nhớ lại lời nói của thiên vương, bèn lấy đạo hiệu là Vô Vị chân nhân.
Từ đó Vô Vị chân nhân thường vân du khắp nơi để xem xét phong tục, dân tình, ban thưởng cho những ai có thiện nghiệp, uốn nắn những chỗ sai sót… Ngài đi đến đâu cũng được các sơn thần, thổ địa, thắng nhân… vui mừng chào đón, thấm thoắt đã nghìn năm trôi qua. Một hôm từ phương Nam trở về gần đến núi Tản, Ngài dừng lại, vén mây nhìn xuống, bỗng giật mình nom thấy hắc khí bời bời, ma chướng mù mịt. Chợt nhớ lại câu chuyện của Tăng Trường thiên vương ngày trước, biết giang sơn bảo sát của mình đang bị cái họa quỷ dữ phương Bắc dày xéo. Ngài hiểu ngay công việc của mình sẽ phải làm gì. Nghĩ đến những chúng sinh phía dưới kia đang chịu rên xiết, bất giác Ngài nhỏ xuống một giọt lệ… Giây lát, Ngài thu mây, nhanh chóng trở về thạch động. Về tới nơi, lập tức nhập vào một cơn thiền định, rồi từ trong định, gọi thổ địa linh thần các xứ đến chầu để mở hội nghị, gọi là Hưng Linh Tụ. Thành phần gồm:
Nhà văn Phạm Lưu Vũ
Tất cả đều có tên trong sổ Nam Cực Pháp Danh của Tăng Trường thiên vương.
Khi chủ thần các xứ đã tề tựu đông đủ, Vô Vị chân nhân khai cuộc Hưng Linh Tụ, đem cái họa giặc dữ phương Bắc ra nói lại một lượt, rồi cắt đặt mọi việc, ân cần căn dặn các linh thần phải hết sức hộ trì lương dân, nhiếp tâm, khuyến khích các anh hùng, hào kiệt bốn phương để trừ giặc dữ và bọn tay sai, bảo hộ giang sơn gấm vóc. Hưng Linh Tụ đã tuyên cáo xong, Ngài lại dùng phép “thành sở tác trí”, tạo ra vô số món bảo khí, thổi hơi tiên vào rồi trao cho từng người, dặn rõ tác dụng của từng món. Ngay lập tức, hào khí bốn phương ngùn ngụt trỗi dậy, dựng lên như thành đồng lũy sắt. Lũ giặc phương Bắc và bọn tay sai bán nước cầu vinh vẫn đang ngang nhiên lừa bịp, tìm mọi cách móc túi dân lành mà không hề biết rằng, chúng từ đó chẳng khác nào cá nằm trong nồi, chỉ còn chờ nổi lửa lên kho.
Nguyên chỗ Ngài dừng mây, dưới đất có một làng lớn, tục gọi làng Giếng, thuộc quận Nam Xương, có một người đàn bà đang cắm mặt làm cỏ ở giữa ruộng. Giọt nước mắt của Ngài rơi xuống, vô tình nhỏ trúng lưng người đàn bà ấy. Người đàn bà này họ Hoàng, lấy chồng họ Phùng đã lâu chưa có con. Hôm đó đang làm cỏ lúa dưới cái nắng như thiêu như đốt, bỗng cảm thấy khí trời đột nhiên mát rượi, ngẩng lên thấy một quầng mây tía ở tít trên cao, phóng những tia hào quang ra bốn phía như những tia chớp. Chưa kịp kinh lạ, thì lại thấy xung quanh tràn ngập một mùi hương ngào ngạt, trong người bỗng thấy cảm động, bèn dừng công việc lại, lội vào bờ rửa ráy chân tay rồi trở về nhà.
Người đàn bà đem sự việc ấy kể lại với chồng. Ông chồng họ Phùng cũng bảo có hào quang chiếu vào trong nhà, phảng phất hương thơm. Đêm ấy, hai vợ chồng thì thầm trò chuyện mãi đến khuya, mà vẫn không đoán ra đó là cái điềm gì.
Ai ngờ cũng đúng đêm hôm đó, người đàn bà họ Hoàng bỗng nhiên thụ thai. Vợ chồng mừng lắm, sắm sửa lễ tạ ơn trời đất, tổ tông thật là chu đáo. Mười tháng sau sinh một đứa bé trai kháu khỉnh. Họ Phùng này tên Thủy, vốn là người hay chữ trong vùng, bèn đặt tên chữ cho con là Phùng Thanh Hòa, lại gọi tên cúng cơm là Đản Sinh.
Đản Sinh lớn lên khôi ngô tuấn tú, thông minh đĩnh ngộ, Phùng Thủy đem sở học của mình ra, muốn dạy chữ cho con, Đản Sinh học đâu nhớ đấy song chỉ qua loa chiếu lệ, cốt để cho cha vừa lòng, còn thì suốt ngày chỉ ham mê đấu vật. Tới năm mười sáu tuổi thì trai tráng trong vùng không ai địch nổi.
Bấy giờ xứ Giao Châu nằm dưới ách đô hộ của bọn giặc Lương ở phương Bắc. Trước đó, có gã họ Nguyễn, tên Nộm, là người Giao Châu nhưng làm tay sai cho viên thái thú, cháu ruột vua nước Lương tên là Tiêu Đức. Nguyễn Nộm người thấp bé, béo tròn như cái chày hành, học vấn lỗ mỗ, chỉ được mỗi cái tráo trở, tham lam bỉ ổi, luôn cậy thế thái thú Tiêu Đức. Nộm nghe nói làng Giếng có một khoảnh ruộng kì lạ, ở giữa nổi lên một doi đất ngoằn ngoèo, cây cối xanh tốt quanh năm, trận mưa đầu mùa năm nào cũng bắt đầu từ đó trước, rồi mới lan ra xung quanh. Những lúc có bão thì doi đất ấy tự dưng biến mất, nhưng bão tan thì lại hiện ra. Nguyễn Nộm thấy đất lạ, bèn thuê một lão thầy Tàu bí mật về xem, lão thầy Tàu ngắm nghía khoảnh ruộng mãi, ngợi khen không ngớt, bảo với Nguyễn Nộm rằng doi đất ấy là con rồng, rồng lộ thiên như thế thì cực hiếm, hàng vạn dặm may ra mới gặp. Cho nên cuộc đất ấy có cái thế gọi là “hiện long tại điền”, nếu đem mả bố mà táng vào đó, thì phú quý sẽ không để đâu cho hết. Nguyễn Nộm thấy thế liền nổi lòng tham, muốn cướp ngay khoảnh ruộng ấy, song còn e ngại vị Trưởng thượng của làng là người họ Lê, có bản lĩnh, thông kim bác cổ. Nộm bèn lập mưu, giả cách đến thăm, mang rượu thịt đến kết giao với con trai nhà họ Lê, chỉ trời vạch đất thề bồi, còn để lại cả thủ bút, chép trong một miếng da bò để làm tin. Trưởng lão họ Lê thấy thế thì lấy làm tin tưởng lắm, không đề phòng gì.
Quận Nam Xương cách thành Châu Cầu chỉ vài chục dặm. Nguyễn Nộm trở về thành, tâu với thái thú Hoàng Trung, cùng nhau lập ra một cái trát để trưng thu khoảnh ruộng có con rồng đất lộ thiên ấy, rồi chuẩn bị lực lượng, hẹn ngày kéo tới làng Giếng, nếu cần thì ăn cướp. Một hôm, trưởng lão họ Lê bỗng thấy con chó Đốm trung thành vẫn nuôi trong nhà tha từ đâu ra một vật lạ, có mùi khó ngửi, cầm lên xem, thì ra chính là miếng da bò, chép thủ bút của Nguyễn Nộm hôm trước, mùi khó ngửi ấy chính từ những con chữ của nó xông ra. Điềm này xuất hiện thì chắc gặp phải kẻ tráo trở, trưởng lão họ Lê linh cảm có chuyện chẳng lành, liền tiện tay quẳng miếng da bò đi, con chó Đốm liền nuốt ngay vào bụng.
Quả nhiên hôm sau, Nguyễn Nộm dẫn quân lính về cánh ruộng làng Giếng, mang tờ trát ra tuyên đọc, rồi đóng cọc rào hết cả lại. Trưởng lão họ Lê dẫn dân làng ra phản đối, bị quân lính của Nguyễn Nộm đánh gãy một cẳng chân, rồi chúng kéo nhau vào làng. Nguyễn Nộm quả đã trở mặt, thả cho quân lính ăn cướp không từ một thứ gì, từ gà vịt, trâu bò… cho đến cả những đồ thờ bằng sứ, bằng đồng... Dân làng uất ức lắm, song không làm gì được. Từ đó mỗi khi trưởng lão họ Lê lên tiếng phản kháng, Nguyễn Nộm lại điều binh đến bao vây cả làng Giếng, rồi cho quân nằm lì ra đó, ăn tàn phá hại, giao hợp bừa bãi, trẻ không tha, già không thương.
Đản Sinh nghe cha mẹ kể lại những việc ấy từ ngày còn bé, trong bụng căm giận lắm, muốn nuôi chí đuổi giặc, cứu dân. Năm lên mười sáu tuổi liền xin cha mở lò đấu vật để tụ tập trai tráng và tìm hào kiệt kết giao. Nguyên làng Giếng ở gần bên sông Hồng, xới vật của Đản Sinh mở ở sân đình, thành hoàng làng Giếng hàng ngày chứng kiến, thấy Đản Sinh không chỉ có sức khỏe, mà còn tỏ ra có khí phách của một bậc anh hùng, nhớ lại lời căn dặn của Đức Ngài Vô Vị chân nhân ngày trước, bèn nghĩ cách phù trợ cho chàng. Bấy giờ đang mùa lũ, nước sông Hồng dâng lên, ngập trắng cả một vùng. Thành hoàng nhân đấy nhớ ra, trong hội Hưng Linh Tụ ở núi Tản Viên ngày trước, có cả sự hiện diện của Long vương, thần chủ của Đại Can long Hồng hà, liền tính chuyện xuống Long cung một chuyến, đem việc phù trợ Đản Sinh ra thỉnh ý Long vương xem sao.
Nguyên thành hoàng làng Giếng ngày ấy cũng có mặt trong Hưng Linh Tụ, cũng chẳng phải ai xa lạ, chính là vị trưởng lão họ Lê ngày trước, bị quân lính của Nguyễn Nộm đánh gãy chân phải nằm liệt một chỗ. Gặp tuổi cao sức yếu, trưởng lão họ Lê chẳng bao lâu sau thì mất, con chó Đốm trung thành cũng chết theo. Vị trưởng lão nhờ lúc sống có trí tuệ thông kim bác cổ, có khí phách lẫm liệt lợi tha, nên khi chết đắc được quả linh thần, Tăng Trường thiên vương từ trên cung trời biết chuyện, liền phong ngay làm thành hoàng, có chép tên trong sổ Nam Cực Pháp Danh. Thành hoàng họ Lê biết nghiệp của dân làng hiện còn nặng lắm, cũng muốn phù hộ người lành, trừng trị kẻ ác, song chỉ quanh quẩn những việc nhân quả lặt vặt trong một vài đời mà thôi. Mãi đến khi được triệu tới hội Hưng Linh Tụ, mới chứng kiến hào khí non sông thì biết cái cơ đuổi giặc đã tới, bèn ngấm ngầm luyện trí, tích thêm công đức, trông xa nhân quả đến hàng trăm đời.
Thành hoàng họ Lê xuống Long cung, xin vào yết kiến Long Vương Hồng hà, đem chuyện Đản Sinh ra hết lời tán tụng. Long vương Hồng hà cũng đinh ninh lời dặn của Đức Vô Vị chân nhân ngày trước, nghe thành hoàng họ Lê nói thì cũng mừng, bảo ngay:
“Vừa hay, vừa hay. Đã có minh chủ đã xuất hiện, ở về phía Bắc, là một bậc anh hùng cái thế, có chân mạng của bậc vương giả. Nay được tráng sĩ họ Phùng này giúp rập vào nữa thì còn gì bằng. Trong cung ta hiện đang giữ bảo khí trống đồng, do Đức Vô Vị chân nhân trao cho ở hội Hưng Linh Tụ ngày trước, dặn gặp đúng thời, đúng người thì mới được đem ra. Trống này dóng lên một hồi thì kinh động cả tiên nhân, quỷ thần… dóng hồi thứ hai thì anh hùng trỗi dậy, dóng hồi thứ ba thì hào khí nổi lên. Nếu tay họ Phùng ấy quả là người xứng đáng, đem trống đồng dâng lên bậc minh chủ, thì việc lớn khó gì mà chẳng xong. Nhưng kẻ có sức khỏe, mà không có mưu trí, thì cũng dễ làm hỏng việc lắm, cho nên cần phải thử đã mới được”.
Thành hoàng họ Lê nghe Long vương nói thì mừng lắm. Liền hỏi:
“Bẩm, chẳng hay Ngài định thử mưu trí của họ Phùng như thế nào?”
Long vương trả lời:
“Dưới trướng ta có một tiểu tướng tên Cổn, cũng thích đấu vật. Nay cho y lên đấu với họ Phùng thử xem sao?”
Thành hoàng họ Lê hỏi:
“Tiểu tướng tên Cổn là người như thế nào?”
Long vương trả lời:
“Ở dưới nước y là một loài cá, chuyên ở dưới đáy bùn, dân địa phương gọi là cá Cổn, lên trên cạn thì biến thành toa nhân (người cá). Nguyên là tên Cổn, cha đẻ của vua Đại Vũ, thủy tổ của nhà Hạ, tức là thủy tổ của Trung Hoa thuở xưa. Cổn đi thuyền trên sông Hoàng Hà, bị trượt chân rơi xuống sông, đầu va phải mái chèo, bị một con thuồng luồng nuốt chửng vào trong bụng, theo đường tiêu hóa mà thoát ra, qua cửa hậu môn nên chìm dưới đáy sông, nhờ hơi bùn mà đầu thai thành một loài cá, vì thế mới có tên cá Cổn. Về sau Đại Vũ nhân lúc trị thủy sông Hoàng hà, cũng có ý muốn tìm hài cốt của cha mà không thấy là vì như vậy. Cổn theo bùn rác trôi xuống phía Nam, xin đầu quân vào dưới trướng của ta, làm một tên tiểu tướng, ta thương y đã từng chịu một kiếp nằm trong bụng thuồng luồng, nên chiếu cố phong cho chức “Tuần kiểm”, gọi là “Tiểu ngư tuần Cổn”, chuyên đi tuần sông mà chưa dùng vào việc gì to tát. Nay nhân có việc này, sai y đi một chuyến cũng là một việc hay.”
Thành hoàng họ Lê băn khoăn:
“Sức khỏe của tên Cổn ấy như thế nào? Loài cá mà đọ sức ở trên cạn, thì liệu có phải là đối thủ của họ Phùng hay không?”
Long vương cười khà khà trả lời:
“Chủng tính phương Bắc là giống Á tiên hết phước, tức là loài Atula nên cũng có sức khỏe, lại giỏi lươn lẹo. Dẫu ở trên cạn thì y cũng có cách sử dụng lợi thế của mình, họ Phùng nếu chỉ biết dùng sức thì cũng khó có thể thắng…”
Thành hoàng họ Lê nghe nói, hiểu ý Long vương muốn thử mưu trí của họ Phùng. Biết Long vương là một bậc Đại Thủy thần chủ, cai quản Đại Can long Hồng hà, là hơi thở của cả một cõi giang sơn bảo sát, thì tất đã xắp xếp đâu vào đấy cả rồi. Lại biết việc thần toán của một bậc Can long đại vương, thì cũng ví như cơ trời, không thể tiết lộ, nên không dám hỏi thêm, bèn kính cẩn cáo từ.