(Thứ ba, 10/10/2023, 07:08 GMT+7)
Chúng ta đã từng đọc biết bao bài thơ và nghe nhiều bản nhạc về biển của các nhà thơ, nhạc sỹ nổi tiếng trên thế giới. Tuy cách thể hiện khác nhau, nhưng hầu hết đều giống nhau về nội dung. Các tác giả ca ngợi vẻ đẹp của biển, tình yêu với biển và những khát vọng cao đẹp. Song, có một thầy thuốc Việt Nam, một nhà văn Việt Nam, một nhà thơ Việt Nam lại có một cái nhìn rất đặc biệt, rất khác lạ về biển. Đó là khi ông nhìn thấy biển, thấy sự mênh mông, thấy sóng vỗ, nghe tiếng gió và ngửi mùi vị biển, ông không có tâm trạng nghỉ ngơi thoải mái mà lòng trào lên cảm xúc lo sợ. Ông lo sợ về một cái nghề mà xã hội nào, con người thời nào cũng đều mong ước. Đó là nghề làm quan. Và ông gọi, nghề làm quan là biển hoạn nạn.
 
Quan điểm này của ông có từ thế kỷ 18.
 
Vào một ngày giá lạnh tháng giêng năm Nhâm Dần (1782), Hải Thượng Lãn Ông đang đi dạo trong vườn thì quan Thự trấn mang đến cho ông phong thư. Nội dung viết, ông được chúa Trịnh mời ra Thăng Long chữa bệnh cho chúa Trịnh Sâm và Thế tử Trịnh Cán. Năm đó, ông đã 62 tuổi. Quê ông ở Hải Dương, nhưng ông sống ở quê mẹ là xã Tịnh Diệm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ở đó, ông thường lên núi tìm lá cây làm thuốc. Nhận lệnh chúa, ông ra Thăng Long. Sau chuyến đi này, ông viết tác phẩm nổi tiếng Thượng kinh ký sự. Đoàn của ông phải đi bộ từ Hà Tĩnh. Ngày đi đêm nghỉ. Đến đâu, thấy phong cảnh hữu tình, ông đều làm thơ ghi lại. Đặc biệt, khi đến đầu tỉnh Thanh Hoá, đoàn của ông gặp mưa to gió lớn. Nhìn ra biển, thấy khung cảnh mịt mùng. Ông đã miêu tả như sau: “Ngày hai mươi bốn, lên đường từ sớm tinh mơ. Lúc này, mây đen ùn ùn bốn trời, khắp chốn khói sương. Gió lạnh như cắt da, người mặc mấy lần áo bông mà vẫn lạnh buốt. Khi tới bờ biển, nhìn ra mênh mang muôn lớp sóng cồn, không biết đâu là bờ bến. Tôi chợt nhớ tới chuyện ngày xưa: Tần Thuỷ Hoàng, Hán Vũ Đế, đều đã dốc bao tâm lực, đuổi gió dồn mây, định tìm bóng dáng Bồng Lai, nhưng rốt cuộc chẳng thấy được gì, sao mà lầm quá lắm vậy. Ngày xưa, từng ví cảnh làm quan là biển hoạn nạn, tức là đã biết có nguy cơ bị chìm nổi trong chốn ấy. Tôi vừa phóng mắt nhìn ra khắp nơi khói sóng, vừa đọc một bài thơ:
 
Bãi biển e chân khách
Mang mang muôn dặm thu
Núi ngao chặn sóng cuộn
Cột trời dựng mây mù
Tắm nắng nghìn dặm sóng
Theo gió một con đò
Người xưa than “biển hoạn”
Chìm nổi ý âu lo…
 
Sinh thời, chàng trai Lê Hữu Trác không hẳn có thiên hướng lương y. Sử sách cũ viết, khi còn nhỏ, cậu là người ốm yếu. Gia đình chữa thuốc nhiều nơi không đỡ. Sau đó, cậu gặp được một thày thuốc tên là Trần Độc, người Nghệ An, chữa cho cậu khỏi bệnh. Trong thời gian chữa bệnh, cậu đọc cuốn Phùng thị cẩm nang, một cuốn sách viết về những sự công hiệu kỳ diệu của thuốc. Vốn thông minh, đọc đến đâu, cậu nhớ đến đó. Thày thuốc Trần Độc ngạc nhiên. Qua nhiều lần trò chuyện, người thày quyết định truyền cho chàng trai Lê Hữu Trác tất cả những kiến thức, kinh nghiệm quý báu của mình về nghề thuốc. Và Lê Hữu Trác quyết chí theo nghề.

 
Dòng họ của ông có nhiều người đỗ đạt, làm quan trong triều. Cha ông từng đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ, làm Thị lang Bộ Công triều Lê Dụ Tông, gia phong chức Ngự sử, khi mất được truy tặng hàm Thượng thư. Nếu theo con đường khoa cử, Lê Hữu Trác nhất định sẽ được nâng đỡ và trọng dụng. Song có lẽ, do thiên hướng, ông tỏ ra lãnh đạm với việc quan trường. Không những nắm vững nghề thuốc, Lê Hữu Trác còn học thêm binh thư. Và ông gia nhập quân đội với mong ước dùng những kiến thức về nghề thuốc của mình để áp dụng vào thực tế. Song môi trường quân đội thời ấy không được như ông nghĩ. Chỉ một năm sau, ông muốn rời bỏ áo lính. Nhân lúc đó, người anh của ông ở Hương Sơn mất, ông viện cớ phải về chăm mẹ già, xin giải ngũ. Thực ra, ông đã nhìn thấy con đường lập thân theo nghề thuốc. Về Hương Sơn, ông làm nhà dưới chân núi. Ông lấy hiệu là “Hải Thượng Lãn Ông”.  Chữ Hải Thượng lấy tên đầu là chữ Hải và phủ Thượng Hồng (Hải Dương) quê cha và xứ Bầu Thượng (quê mẹ). Còn chữ Lãn Ông do ông tự ví mình như một người lười, không ham giàu sang, không thích công danh, chỉ thích làm theo sở nguyện của mình.
 
Tại sao Lãn Ông viết: “Người xưa than biển hoạn”? Theo Tầm nguyên Từ điển: Biển hoạn (tiếng Hán:  Hoạn hải). Những người ra làm quan khi thăng, khi giáng bị những nỗi bấp bênh như con thuyền đi giữa biển. Tiên truyện thập di chép: “Nhan Chân Khanh đỗ tiến sĩ, có vị đạo sĩ bảo rằng: “tư chất ngươi có thể độ thế được và sẽ thành tiên, không nên chìm đắm trong biển hoạn”. Truyện Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều có câu: “Cánh buồn bể hoạn mênh mang”. Sách Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển giải thích: “bể hoạn - chỉ chốn quan trường nhiều chông gai bất trắc không lường trước được cũng giống như sóng gió trên biển, nên còn gọi là hoạn hải ba đào”. Lục Du trong bài Tạ tiền tham chính khải có câu: “trường danh lặn lội, bao người tóc trắng ấy công toi; bể hoạn phiêu lưu, ngắm kẻ áo xanh mà cười mỉm’’.  Thơ Nguyễn Trãi cũng viết: “Thấy bể triều quan đà ngại vượt, trong dòng phẳng có phong ba…” (Bảo kính 168.7)”
 
   Theo tâm lý thông thường, nhìn thấy biển, ít ai nghĩ đến phong ba. Nhìn nhiều người làm quan, người ta chỉ thấy bề ngoài nghênh ngang áo mũ, lên xe xuống ngựa, ít thấy cảnh cay đắng, tủi nhục. Trong cuốn Đất nước tôi, nhân dân tôi, học giả Trung Hoa Lâm Ngữ Đường có trích dẫn quan niệm của Tăng Quốc Phiên, một vị quan đời Thanh. Vị quan này đã tổng kết kinh nghiệm mà người dân Trung Quốc đã tổng kết: “Thường một nhà làm quan, con em quen thói xa xỉ, nên chỉ thịnh vượng được một hai đời; nhà làm ăn buôn bán, thường cần kiệm, cố gắng, nên sự phồn thịnh cũng được ba đến bốn đời; còn nhà làm ruộng đọc sách vốn thật thà, thận trọng thì sự phồn thịnh được đến năm sáu đời; nếu biết tu chính đức hạnh : ở nhà có hiếu lễ, ra ngoài biết giữ trung tín, thì sự phồn thịnh có thể được đến bảy tám đời”.
 
 
Dân gian thường mê tín. Thấy sự việc bất thường, hay đổ lỗi ngoại cảnh chứ ít tìm hiểu nội tình. Thấy ngôi nhà ma, họ thường đổ lỗi cho phong thủy. Một cái lỗi rất trừu tượng. Mà phong thủy thì mỗi thầy giải một cách. Và dù người xưa có trăm lời khuyên bảo, quan lại vẫn mắc các chứng bệnh tham lam như thường. Bởi đã làm quan thì thường ít đọc sách. Và tất cả tâm trí anh ta đều tập trung vào quan lộ. Hơn nữa, khi lòng tham nổi lên, thì anh ta thường không nhìn thấy ai, không nghe thấy gì, chỉ chạy theo tiếng gọi của “kim tiền”. Họ đâu biết, phúc thường đi liền với họa.
 
Trở lại với bài thơ của Lãn Ông, tôi chợt nhớ đến bài thơ Cánh buồm của nhà thơ Nga M. Lermontov (1814-1841). Nhà thơ Nga sinh sau ông Lê Hữu Trác khoảng hơn chục năm. Cùng một chủ đề, nhưng góc nhìn hai người khác nhau. Nhà thơ Nga miêu tả một cánh buồm đơn độc giữa biển trời. Trong lòng ông vang lên nhiều suy nghĩ. Cánh buồm tìm gì nơi xa xôi? Giã từ hay kiếm tìm hạnh phúc? Và khi bão tố nổi lên, có cảm tưởng, cánh buồm tìm bình yên trong giông bão? Khác hẳn với tư duy của các nhà thơ phương Đông. Có lẽ ở phương Tây, thiết chế xã hội khác. Ở đó họ đề cao pháp quyền, pháp trị. Làm quan ở phương Đông, pháp luật, quy định không rõ ràng, bị nhiều người giám sát, phúc hoạ khó lường. Sớm thấu hiểu điều này nên học giả Lê Hữu Trác xác định, lánh xa việc quan trường. Quan điểm này của ông còn thể hiện rất rõ trong bài tựa cho bộ sách Y tông tâm lĩnh. Trong đó ông thổ lộ: “Cái chí bon chen vòng danh lợi mình đã vứt bỏ từ lâu rồi”. Và ông lánh về Hương Sơn, chuyên đọc sách, bốc thuốc, giúp đời, vui cảnh thiên nhiên để tĩnh dưỡng tâm tính. Xin trích bài thơ Xuân nhật nhàn hứng, ông miêu tả cuộc sống thanh đạm của mình: “Bóng đào xanh mát lạnh đâu đây/ Đọc trọn Hoàng kinh tựa cửa này/ Chim biết người nhàn không dám nhộn/ Hoa hay xuân nhạt gượng tươi mày/ Trẻ pha trà dặm ngơi bên sổ/ Vợ nấu canh rau sắp bữa đầy/ Mừng được danh suông không vướng vít/ Nắng tràn, cửa đóng, giấc đang say”.
 
Nguồn: Văn nghệ số 39/2022