(Thứ sáu, 05/02/2016, 09:20 GMT+7)
Lời Ban biên tập: Hưởng ứng các bài viết cho tập sách HỌ PHÙNG VIỆT NAM - TẬP 2 do Ban Liên lạc họ Phùng Việt Nam tổ chức thực hiện, in ấn cuối năm 2015, Tiến sĩ Phùng Thảo thuộc nhánh họ Phùng thành phố Hải Phòng đã có bài viết khá công phu về các nhánh họ Phùng ở đây. Ban Biên tập đưa lên mong có sự nhận xét, giao lưu, làm tiền đề để các cành, nhánh khác viết về chi nhánh của mình. Rất mong nhận được các bài viết.
 
 

HỌ PHÙNG Ở LÀNG ÁNG SƠN XÃ THÁI SƠN HUYỆN AN LÃO VÀ LÀNG XÂM BỒ, PHƯỜNG NAM HẢI, QUẬN HẢI AN,

THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Tiến sĩ Phùng Thảo

Cùng các dòng họ Hoàng, Bùi, Nguyễn, Phạm, Phan, Ngô và các dòng họ khác di cư từ các vùng miền khác nhau về lập làng, bảo vệ và xây dựng làng Áng Sơn xã Thái Sơn, huyện An Lão, tỉnh Kiến An này là thành phố Hải Phòng như ngày nay phải kể đến dòng họ Phùng.

Về nguồn gốc xuất xứ, họ Phùng làng Áng Sơn - làng Xâm Bồ ở một số cuốn sách các tác giả có nhận định riêng (có đặt giả thiết riêng). Trong cuốn sách này, khi viết về ông thượng tổ họ Phùng tác giả căn cứ vào hệ thống mộ chí, miếu thờ, sắc phong của các triều đại Lê, Nguyễn cho cụ tổ họ Phùng, gia phả của các cành, nhánh, các gia đình họ Phùng, lời kể của các bậc cao lão trong họ, truyền ngôn trong họ và dân làng Áng Sơn.

Với những căn cứ trên vào thế kỷ XVII, có người phụ nữ cốt cách đoan trang dung hậu cùng một người con trai có tướng mạo khác thường không biết từ đâu đã đến làng Áng Sơn. Vì yêu mến phong cảnh sơn thủy hữu tình, thế đất, thế làng, rồng chầu, hổ phục, nơi giao hòa giữa núi rừng và biển cả, hai mẹ con người họ Phùng đã quyết định dừng chân ở lại cùng các dòng họ lập làng, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc cho con cháu muôn đời mai sau. Cụ thượng tổ họ Phùng làng Áng Sơn tên là Phùng Long Tương, thân phụ sinh ra cụ là ai, tên, tuổi, ngày sinh, ngày hóa, quê quán đều không rõ; thân mẫu của cụ cũng vậy, tên, tuổi, ngày sinh, ngày hóa đến nay con cháu Phùng tộc đều không biết, không có tài liệu nào ghi chép lại.

Ngày 7 tháng giêng hàng năm là ngày giỗ Tổ họ Phùng làng Áng Sơn và làng Xâm Bồ. Vào ngày này, con cháu Phùng tộc từ khắp các vùng miền đất nước hội tụ về miếu Tổ làm lễ dâng hương tưởng nhớ đến cụ Tổ đã sinh thành ra con cháu dòng họ. Vào ngày giỗ thượng tổ, dòng họ thường tổ chức tế, lễ, các chi, phái, cành, nhánh tổ chức lễ dâng hương, tổ chức các trò vui chơi giải trí: đánh vật, chọi gà, hát chèo,...

Thượng tổ Phùng Long Tương sinh ra ba người con trai:

- Cụ Phùng Nhân Khánh là ngành cả.

- Cụ Phùng Đại Liệu là ngành hai.

- Cụ Phùng Tử Lân là ngành ba.

Ba người con trai của thượng tổ Phùng Long Tương sau này trở thành tổ họ Phùng của ba ngành. Cụ Tổ ngành ba là Phùng Tử Lân đã di cư đến lập đất, lập làng tại làng Xâm Bồ, tổng Lương Xâm, huyện Hải An, tỉnh Kiến An, nay là làng Xâm Bồ, phường Nam Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng. Theo truyền ngôn của làng và dòng họ, cụ tổ ngành ba Phùng tộc đã được triều Hậu Lê phong Thái Bảo. Mộ được táng tại đường xứ Đồng Hồ, hướng tây làng Xâm Bồ. Do có công lao, và để lại phúc ấm cho dân làng, đã được dân làng Xâm Bồ và con cháu họ Phùng tổ chức phối thờ tại đình làng cùng Đức Thánh Đại vương Ngô Quyền. Đến nay, con cháu ngành ba Phùng tộc làng Xâm Bồ đã phát triển lên 4 chi với 248 hộ, 1.200 khẩu, 480 suất đinh. Kế tục truyền thống ông cha, thời kỳ phong kiến, người họ Phùng làng Xâm Bồ có nhiều người tham gia cấp chính quyền cơ sở, tiêu biểu cụ Phùng Như Ý là Phó chánh tổng tổng Lương Xâm, con trai cụ là Phùng Văn Ruyến là lý trưởng làng Xâm Bồ.

Trong hai cuộc chiến tranh đánh thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Phùng tộc làng Xâm Bồ có hai người con là liệt sỹ chống Pháp, 14 người con là liệt sỹ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hàng trăm thanh niên xung phong tòng quân giết giặc bảo vệ quê hương. Có 2 cụ bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 1 đại tá, 1 thượng tá quân đội. Về truyền thống học tập có hàng chục con em tốt nghiệp đại học, trong đó có một tiến sĩ khoa học ngành Thủy lợi.

Người họ Phùng làng Áng Sơn cũng như các dòng họ khác của làng, con cháu Phùng tộc có tấm lòng hiếu thảo, luôn nhớ đến công ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ, tiêu biểu cho phẩm chất tốt đẹp đó là việc táng mộ tổ Mẫu -  thân sinh ra cụ Phùng Long Tương cách ngày nay mấy trăm năm, trải qua thăng trầm lịch sử, những biến động xã hội phức tạp, những xáo trộn khác trong làng Áng Sơn, nhưng mộ tổ Mẫu vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Tương truyền, cụ bà và con trai về làng định cư, nhờ có công cùng dân làng Áng Sơn khai khẩn đất đai, mở mang làng xóm, dạy dân trồng dâu nuôi tằm, trồng lúa, chăn nuôi, đặc biệt nuôi dạy con trai Phùng Long Tương thành tài, phù vua, giúp nước. Khi mất, con cháu và dân làng táng cụ trên đường “Con Qui” phía đông cánh đồng Cửa Thần (nay gọi vườn cam), nơi có khí thiêng hội tụ, gọi là đất địa cát, rất hợp phong thủy. Mộ của Mẫu được gọi là mộ “Kim Qui” tức là rùa vàng. Mộ tựa lưng vào dãy núi, mặt nhìn hướng tây nam. Việc xây dựng các miếu và nhà thờ để hương khói, tế lễ, kỷ niệm, nhớ ơn thượng tổ và các tổ ngành họ Phùng ở hai làng Áng Sơn - Xâm Bồ được con cháu Phùng tộc quan tâm, chăm lo thường xuyên tôn tạo, bảo vệ nguyên vẹn những giá trị vật chất, tinh thần. Việc làm đó là thể hiện phẩm chất tốt đẹp của người họ Phùng từ trước tới nay ở cả hai làng Áng Sơn và Xâm Bồ.

Là một trong các dòng họ về lập làng Áng Sơn sớm, người họ Phùng luôn thể hiện tinh thần hòa hiếu, đoàn kết với các dòng họ khác đánh giặc giữ nước, bảo vệ và xây dựng quê hương.

 

Thừa kế những phẩm chất tốt đẹp của ông cha, con cháu Phùng tộc làng Áng Sơn và làng Xâm Bồ thời nào cũng xuất hiện những người con tiêu biểu.

Thời phong kiến, họ Phùng làng Áng Sơn cũng có những người con thành đạt, tiêu biểu là cụ Phùng Văn Đấng, gia sản có tới trăm mẫu ruộng Bắc bộ, cụ xây dựng tòa nhà gỗ lim 5 gian với kiến trúc cổ, được chạm trổ tinh vi, hiện nay vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Ở huyện An Lão ngày nay khó có thể tìm thấy ngôi nhà như nhà cụ Đấng; Cụ Phùng Văn Nuỗm, em họ cụ Đấng cũng là người có gia sản, cụ Nuỗm cũng xây dựng ngôi nhà gỗ lim 5 gian cửa thùng, khung khách được chạm khắc tinh xảo, ngôi nhà này vào thập niên 90 của thế kỷ 20 đã được bán cho Bảo tàng Thành phố. Hiện nay ngôi nhà là nơi làm việc của phòng Nghiệp vụ của Bảo tàng Thành phố Hải Phòng. Cụ Phùng Văn Hỏi là em họ cụ Đấng cũng là người có gia sản, ruộng cấy có vài chục mẫu Bắc bộ, cụ Hỏi đã tham gia làm nghị viện Bắc kỳ. Tuy là những người có gia sản lớn trong làng Áng Sơn thời bấy giờ nhưng các cụ Đấng, Nuỗm, Hỏi đều có tinh thần nhân văn, luôn giúp đỡ người nghèo khó trong lúc cơ hàn, nhất là trong nạn đói năm 1945 các cụ đều góp tiền, góp gạo giúp đỡ người làng thiếu đói, ủng hộ tiền gạo cho kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Tham gia bộ máy chính quyền thời phong kiến có các cụ:

- Phùng Văn Đấng - Chánh hội làng Áng Sơn.

- Phùng Văn Nuỗm - Chánh hội làng Áng Sơn.

- Phùng Văn Hỏi - Lý trưởng làng Áng Sơn - Nghị viện Bắc Kỳ.

- Con trai cụ Đấng là ông Phùng Văn Thảng - Nghị viện tỉnh Kiến An, ông Phùng Văn Thốt, ông Phùng Văn Bồ đều là Chánh tổng, Chánh hội làng Áng Sơn.

- Cháu nội cụ Đấng là Phùng Văn Đoan làm Lý trưởng làng Áng Sơn.

Thời phong kiến những người con họ Phùng có chữ đều ra dạy chữ cho làng tiêu biểu là các ông Phùng Văn Tiểu, Phùng Văn Mít, Phùng Văn Nhìn, Phùng Văn Mễ. Những người có chuyên môn chữa bệnh cũng đều ra chữa bệnh cho dân làng như các ông: Lang An, lang Khoảnh, lang Thử...

Từ khi cách mạng nổi lên, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, họ Phùng làng Áng Sơn đã có những người con không sợ khó khăn, gian khổ, hy sinh, đã bí mật từ biệt gia đình, người thân, bà con làng xóm tham gia hoạt động cách mạng đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, tiêu biểu là các ông:

- Phùng Văn Hàm.

- Phùng Văn Vược.

- Phùng Công Thức.

- Phùng Bá Thứ.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, họ Phùng đã có 10 người con là liệt sỹ hy sinh vì độc lập tự do, giải phóng quê hương đất nước. Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, họ Phùng đã có 36 người con tham gia bộ đội, vào chiến trường miền Nam chiến đấu, hy sinh, là liệt sỹ.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ họ Phùng đã có 5 cụ bà được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Trong hòa bình, bảo vệ, xây dựng quê hương con cháu dòng họ luôn đoàn kết, cần cù lao động, có chí tiến thủ, học tập sáng tạo trên các lĩnh vực trong các thời kỳ. Kết quả sơ bộ thành tích phấn đấu của con cháu Phùng tộc trên các lĩnh vực như sau:

- Tiến sĩ: 7 người.

- Phó giáo sư: 1 người.

- Thạc sĩ: 9 người.

- Nhà văn: 1 người.

- Nhà báo: 4 người.

- Đạo diễn - quay phim - nghệ sĩ ưu tú: 1 người.

- Thầy giáo: 6 người.

- Thầy thuốc: 10 người.

- Thành ủy viên: 1 người.

- Đại biểu Quốc hội khóa XIII: 1 người.

- Cán bộ lãnh đạo cấp Cục, Vụ, Viện thuộc ban ngành Trung ương: Vụ trưởng 2 người; Phó Vụ trưởng 1 người.

- Cán bộ lãnh đạo ban ngành tỉnh, thành phố: Trưởng ban, Giám đốc sở 3 người, Phó Giám đốc sở 2 người.

- Cán bộ lãnh đạo cấp quận, huyện: Chủ tịch 1 người; Phó Chủ tịch 1 người.

- Đại tá quân đội, công an: 5 người.

- Thượng tá quân đội: 3 người.

NGÀI ĐIỆN TIỀN CHỈ HUY SỨ PHÙNG LONG TƯƠNG

Cụ Phùng Long Tương năm sinh, năm mất hiện nay chưa tìm thấy tài liệu nào ghi chép. Theo truyền ngôn và lời kể lại của các con cháu, cụ sống vào thế kỷ XVII, thời hậu Lê tại làng Áng Sơn, tổng Đại Hoàng, huyện An Lão, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, nay là làng Áng Sơn, xã Thái Sơn, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng. Nguồn gốc xuất xứ, cụ cùng mẹ từ đâu đến ở làng Áng Sơn không biết.

Sinh thời, Phùng Long Tương là trang nam tử thông minh, có sức khỏe hơn người. Cụ được triều đình nhà Lê Trung Hưng tuyển chọn, biên chế vào đội quân cấm vệ kinh thành, nhờ có sức khỏe, tài cao, lập được nhiều công, cụ được triều đình phong chức Điện tiền chỉ huy sứ - Đứng đầu quân cấm vệ. Trong thời gian làm quan cụ là người có tài, hết lòng phò vua, có đức độ.

Khi tuổi cao, cụ cáo lão xin từ quan trở về làng, cùng dân làng vui thú điền viên, bàn việc xây dựng, bảo vệ làng xóm quê hương. Cụ là người “sinh vi tướng, tử vi thần”. Sau khi cụ mất, con cháu và dân làng đã làm lễ an táng, chôn cất ở gò đất cao mà thế đất là “phúc tinh cao chiếu”, mộ nhìn về hướng gò “Kim Qui” nơi yên nghỉ của thân mẫu cụ, phía tay trái mộ là hòn Chồng Sách “tay rồng”, phía trước mộ là núi Cao Sơn, Cửa Thần hình thế giống như rồng chầu, hổ phục. Để ghi nhớ công đức và tôn vinh vị Điện tiền chỉ huy sứ triều đình đã sắc làng Áng Sơn xây miếu thờ cụ ngay trên phần mộ.

Trải qua hơn 300 năm, ngôi miếu được dân làng Áng Sơn và con cháu họ Phùng giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa như những kỷ vật thiêng liêng của làng và dòng họ. Cho đến nay, năm 2014 ngôi miếu đã được trùng tu năm lần (lần trùng tu lớn nhất vào năm 2012). Hàng năm, vào ngày 7 tháng giêng con cháu họ Phùng làng Áng Sơn và làng Xâm Bồ hội tụ về làng tổ chức dâng hương, tế, lễ, tổ chức vui xuân, các trò hoạt động vui chơi như đánh vật, cờ tướng, hát, múa, tri ân công đức cụ Long Tương. Vào ngày tháng sinh, thánh hóa mồng 9 và mồng 10 tháng 2 hàng năm dân làng Áng Sơn tổ chức lễ hội, rước bài vị cụ ra đình làng tế, lễ, tưởng nhớ công ơn, ghi tạc công đức. Đã hàng trăm năm nay, người dân làng Áng Sơn và con cháu cụ không xây đình, đền mà xây miếu thờ cụ ngay chính nơi cụ an nghỉ nằm cạnh xóm làng. Họ muốn cụ Điện tiền chỉ huy sứ Phùng Long Tương luôn ở bên cạnh dân làng, luôn gắn bó với những buồn vui, sướng khổ và bao truân chuyên của làng, với truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo. Đó là truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Tương truyền, sau khi cụ mất, âm phù che chở cho dân làng Áng Sơn và cư dân quanh vùng làm ăn yên ổn, phù cho quốc thái dân an. Về sau các đời vua ban sắc, phong thần, ca ngợi công đức của cụ, chính vì thế, khi vua Khải Định tổ chức hưởng thọ tứ tuần đã ban sắc phong đề như sau:

 “Sắc cho xã Áng Sơn huyện An Lão tỉnh Kiến An thờ vị Long Tương Tôn thần, Ngài giúp nước, che chở cho dân, linh ứng tỏ rõ, nay trẫm gặp lúc làm lễ mừng thọ hưởng tuổi tứ tuần, bèn ban cho bảo chiếu báu mở rộng ân huệ, làm lễ đăng trật, phong làm Thuần chính Dực bảo Trung hưng Tôn Thần,

Chuẩn cho thờ như cũ. Thần hãy che chở cho dân của ta.

Ngày 25 tháng 7 niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924)”.

Ghi nhớ công đức của cụ, theo đề nghị của làng Áng Sơn, xã Thái Sơn, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng đã ra quyết định cấp Bằng Di tích lịch sử - Văn hóa cấp Thành phố cho cụm miếu thờ hai cha con cụ Phùng Long Tương và Phùng Đại Liệu.

NGÀI ĐIỆN TIỀN ĐÔ THÁI CHÚA PHÙNG ĐẠI LIỆU

Cụ Phùng Đại Liệu là thần tổ ngành hai họ Phùng ở làng Áng Sơn. Cụ là con trai thứ hai của Điện tiền chỉ huy sứ Phùng Long Tương. Cụ làm quan triều Lê Trung Hưng đến chức Điện Tiền Đô Thái Chúa - chức vụ cao nhất trong lực lượng bảo vệ kinh thành và phủ Chúa. Thời còn trẻ, cụ là người có sức khỏe hơn người, qua các kỳ thi võ cụ được tuyển vào đội quân bảo vệ cung điện nhà vua, đóng xung quanh kinh thành gọi là Thiên tư binh. Là người có sức khỏe, giỏi võ, trung thành, cụ được nhà vua giao chỉ huy đội quân cấm vệ chuyên bảo vệ cung điện, nơi vua ở và xa giá.

Ngày còn nhỏ tuổi cụ được cha Phùng Long Tương nuôi dạy. Cụ nổi tiếng thần đồng, có sức khỏe, giỏi võ, có lần được cha cho tham gia trấn dẹp quân phiến loạn trong kinh thành, cụ lập công được ban thưởng. Lớn lên cụ được vào thiên binh, luôn hoàn thành nhiệm vụ, nhiều lần được phong chức, và cuối cùng giữ chức Điện tiền đô Thái chúa. Theo truyền ngôn, khi người cha mất, cụ đã chỉ đạo lo an táng và xây miếu thờ người cha của mình ngay trên phần mộ.

Giống như thân phụ, sau khi hoàn thành nhiệm vụ triều đình giao, cụ cáo quan về quê sinh sống, đem tài năng, đức độ giúp đỡ dân làng xây dựng, mở mang làng xóm.

Sau khi cụ mất, mộ được táng trên vùng đất cao, thế đất là thế “thần qui đối sơn” hướng Tây bắc, thế long ngai. Dân làng Áng Sơn đã góp công, góp của xây dựng miếu thờ ngay trên phần mộ của cụ. Hàng năm, vào ngày 10 tháng giêng, dòng họ và dân làng tổ chức tế lễ, hương khói phụng thờ.

Trải qua thời gian, qua thăng trầm của lịch sử, nhiều đạo sắc về cụ không còn, những tài liệu ghi chép về công tích của cụ cũng thất lạc, các thế hệ con cháu hậu sinh của cụ cũng như chúng ta rất khó khăn hiểu biết đầy đủ sâu sắc, đánh giá đúng đắn, khách quan về thân thế, sự nghiệp của cụ. Tuy nhiên, cũng còn may mắn, vai trò, công lao sự nghiệp của cụ còn hàm chứa lưu lại trong ba sắc phong của ba đời triều Nguyễn sau đây:

“Sắc cho xã Áng Sơn huyện An Lão tỉnh Hải Dương phụng sự thần Đại Liệu rất linh ứng, trước nay chưa có sắc phong, nay phong cho làm thần Dực Bảo Trung Hưng Linh phù, cho phép phụng sự như cũ để thần phù hộ cho dân của ta”. Vua Thành Thái phong sắc cho cụ Phùng Đại Liệu. Ngày 18 tháng 11 năm Thành Thái thứ nhất.

“Sắc chỉ cho xã Áng Sơn huyện An Lão tỉnh Kiến An từ trước phụng sự, Đại Liệu thần Dực bảo Trung hưng Linh phù. Đã ban sắc cho phép phụng sự từ năm Duy Tân thứ nhất, nay tấn phong ban cho bảo chiếu ân lễ trọng, cho phép phụng sự như cũ trong các dịp đại lễ”. Vua Duy Tân phong sắc cho cụ Phùng Đại Liệu. Ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ ba.

- “Sắc cho xã Áng Sơn huyện An Lão tỉnh Kiến An từ trước phụng sự thần nguyên được phong là Dực Bảo Trung hưng Linh phù Đại Liệu Tôn thần đã bảo vệ đất nước che chở cho dân, nay nhân đại lễ mừng sinh nhật tứ tuần của trẫm, ban cho bảo chiếu sắc phong gia tặng cho làm Linh Toại Trung đẳng Thần, cho phép phụng sự vào các kỳ lễ lớn của đất nước”. Vua Khải Định sắc phong cho cụ Phùng Đại Liệu. Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ chín.

Ghi nhớ công đức của cụ, UBND thành phố Hải Phòng đã ra quyết định cấp Bằng Di tích lịch sử - Văn hóa cho cụm miếu Phùng Trung đẳng thần.

NGÔI MIẾU THỜ NGÀI PHÙNG LONG TƯƠNG

Miếu được người con trai thứ hai của cụ là Phùng Đại Liệu đứng lên hưng công xây dựng. Lúc đó cụ Đại Liệu đang làm quan tại triều đình với tấm lòng hiếu thảo mong muốn thể hiện sự tri ân tới thân phụ nên đã xây dựng ngôi miếu để phụng thờ người cha. Từ đường làng phải đi qua cổng tam quan mới vào miếu. Cổng xây theo kiểu chồng riêm hai tầng mái, ở giữa là cổng to, hai bên có hai cổng phụ. Ngôi miếu làm bằng vật liệu thiên nhiên, gỗ tứ thiết, theo kiểu truyền thống, mái làm kiểu chồng riêm hai tầng, có tám mái lợp ngói mũi. Ngôi miếu nằm trên gò đất cao rộng sáu sào Bắc bộ vị trí trung tâm làng, trước đây có nhiều cây cổ thụ. Miếu nhìn hướng Đông, thế đất “phúc tinh cao chiếu”, có tay ngai là núi Chồng Sách bên trái, núi Cửa Thần bên tay phải. Miếu nhìn thẳng vào phần mộ của thân mẫu cụ là mộ “Kim Quy”. Miếu được khởi dựng vào thế kỷ XVIII, đến nay đã trải qua năm lần tu bổ (xem bia ký trong miếu). Trước năm 1945 làng giao cho giáp trông coi phụng thờ, cụ giáo Hoàng Văn Mệnh đứng đầu giáp. Năm 1941 trùng tu lớn cho miếu, sau năm 1945 con cháu họ Phùng trông coi và tôn tạo miếu. Năm 2012 miếu lại được trùng tu lớn, miếu vẫn giữ được những yếu tố gốc của kiến trúc xưa. Sau khi UBND thành phố Hải Phòng ra quyết định cấp Bằng Di tích lịch sử văn hóa cho cụm miếu “Phùng Trung đẳng thần”, việc quản lý di tích theo quy định luật Di sản văn hóa.

Câu đối và di vật có giá trị tại miếu:

+ Ở trong miếu:

- Linh vị: “Thuần chính Dực Bảo Trung hưng Long Tương Tôn thần”.

- Bức đại tự: “Hộ Quốc Tí Dân”.

- Bộ câu đối: Hiển hiện anh linh thùy vũ trụ,

                     Kỳ phong tú thủy túc thanh cao.

+ Trụ trong hiên:

- Tổ đức nguy nga long đình chính vị,

  Lê triều phong tặng quy lĩnh điển hình.

+ Trụ quay ra sân:

- Tự cổ bao phong thiên tải thượng,

                Vu kim Miếu Vũ ức liên hương.

+ Bia đá:

      - Ghi quá trình trùng tu miếu (ở trong miếu);

           - Bia đá nói về Đức tổ Phùng Long Tương

                                                               (ở nhà bia).

+ Cổng tam quan:

- Điện tiền chỉ huy sứ Phùng Long Tương linh từ.

- Câu đối trụ cổng tam quan quay ra đường:

             Tổ đức Sơn long khai Miếu Vũ,

            Thần từ chính đạo sắc triều phong.

NGÔI MIẾU THỜ NGÀI PHÙNG ĐẠI LIỆU