(Thứ hai, 07/02/2022, 10:34 GMT+7)

PHẦN MỞ ĐẦU

 

       Dòng họ là hiện tượng lịch sử - xã hội của xã hội loài người. Nhận thức, và hiểu biết về dòng họ của loài người là thước đo, mốc đánh dấu sự phát triển của xã hội loài người từ mông muội lên xã hội văn minh. Dòng họ xuất hiện trước khi xã hội phân chia thành xã hội có giai cấp. Đến giai đoạn xã hội phát triển ở trình độ cao, trong xã hội không còn giai cấp, Nhà nước tự tiêu vong như Các Mác và Ăng-ghen đã tiên đoán, thì dòng họ với tư cách là hiện tượng lịch sử - xã hội, là dòng chảy liên tục, phát triển không ngừng, tồn tại độc lập, đó là quan hệ giữa bố mẹ với con cái; giữa cụ kỵ, ông bà với cháu chắt.
       Xã hội mẫu hệ. Thời đại cổ xưa, nhân loại đã trải qua chế độ mẫu hệ, trong đó hôn nhân là chế độ ngoại tộc quần hôn. Bố đẻ con ra không biết con mình là ai và con cũng không biết ai là bố của mình, con đẻ ra do mẹ nuôi dưỡng và chỉ sống với mẹ. Đó là nguyên nhân tạo ra chế độ mẫu hệ. Loài người từ chế độ nguyên thủy sống theo bầy đàn bước lên xã hội mẫu hệ là bước phát triển về chất, theo đó chất lượng nhân khẩu bao gồm cả thể chất và trí tuệ ngày càng được nâng cao. Đây là điều kiện tiên quyết hàng đầu thúc đẩy xã hội phát triển, nhờ đó mà dòng họ cũng phát triển theo.
       Xã hội phát triển đến giai đoạn chín muồi, vai trò phụ hệ thay thế quyền lực của mẫu hệ. Trong thị tộc chia ra nhiều chi phái, thành nhiều họ khác nhau, các họ lại có những ký hiệu riêng của mình để phân biệt với các họ khác. Đến khi xã hội có giai cấp, thì những điều kiện khách quan và chủ quan trong sản xuất, phát triển kinh tế, trong xung đột sắc tộc, xung đột giai cấp, chiến tranh, cũng như các quan hệ xã hội khác là cơ sở để hình thành chỗ đứng, khẳng định vai trò, vị trí, và địa vị của người đàn ông trong xã hội. Người đàn ông trong gia đình cũng như trong xã hội trở thành “người hùng”, người có quyền hành được tôn trọng hơn phụ nữ ở trong mỗi gia đình cũng như xã hội. Theo đó, đàn ông trở thành trụ cột, con sinh ra mang họ bố.
Dòng họ ở nước ngoài: Các nước trên thế giới từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Úc, nước nào cũng có nhiều dòng họ.
       - Điển hình xã hội Trung Quốc, một cường quốc lớn có số dân đông nhất thế giới nằm kề sát Việt Nam, từ xa xưa người Trung Quốc đã rất quan tâm đến dòng họ, người Trung Quốc đã đặt ra chữ “Thị” để đàn ông khi là “quý công đức, tiện kỹ lực”, lấy chữ quan làm “họ” hoặc lấy nghề nghiệp làm họ. Con của bậc Vương giả thì gọi là Vương tử, cháu của bậc Vương giả là Vương tôn... vào đời Thương, đời Chu, những đại phu có ấp thì lấy tên ấp làm họ, con cháu thì lấy tên đất làm họ. Người Trung Quốc coi trọng dòng “họ” là do ảnh hưởng của “kính tông pháp tổ” của Nho gia, việc coi trọng dòng họ của người Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ với việc coi trọng tổ tông. Có ý kiến cho rằng, Trung Quốc có hơn 1.000 họ.
       - Hàn Quốc có 274 họ, trong số các dòng họ trên lại chia ra làm 3.435 phái.
       - Anh quốc có 16.000 họ.
       - Nhật Bản có 100.000 họ...
       Câu hỏi đặt ra là ở Việt Nam hiện nay có bao nhiêu dòng họ? Chưa có câu trả lời chuẩn xác của các cơ quan có thẩm quyền. Có thể dẫn ra một số kết quả nghiên cứu ban đầu về dòng họ Việt Nam để mọi người cùng suy ngẫm và tham khảo.
- P. Gourou - tác giả người Pháp (tài liệu hiện lưu giữ tại Viện Bắc Cổ Viễn Đông Việt Nam năm 1930) nhận xét rằng: Tổng cộng các dòng họ ở Việt Nam có khoảng 800 dòng họ, trong đó người Kinh chiếm gần 202 dòng họ.
- Dã Lan Nguyễn Đức Dụ trong cuốn Gia phả - khảo luận và thực hành, ông ước tính rằng: Việt Nam “có khoảng 300 họ”.
- Tài liệu của Viện Khoa học xã hội thành phố Hồ Chí Minh phát hành năm 1994 chép rằng: Việt Nam có 54 dân tộc thì dòng họ có 964, riêng người Kinh có 165 dòng họ, nhưng chiếm tới 90% dân số.
- Tác giả Phạm Côn Sơn tạm kê trong cuốn sách Tông phả kỷ yếu tân biên xuất bản năm 2006: Những họ có ở Việt Nam từ xưa tới nay là 576 dòng họ (đối chiếu số dòng họ do tác giả Phạm Côn Sơn công bố trong cuốn sách nói trên, so với niên giám thống kê của Nhà nước các năm 2004-2005, 2009 và 2016-2021 thì còn đến 247 dòng họ có mặt tại Việt Nam được bầu làm chủ tịch xã, phường trở lên. Sách niên giám nói trên công bố nhưng chưa có tên trong cuốn sách của tác giả Phạm Côn Sơn).
- Chương trình VTV3 của Đài truyền hình Việt Nam, buổi phát sóng hồi 17 giờ ngày 16 tháng 5 năm 1999 công bố: Cả nước có 964 họ[1].
- Theo cuốn sách Họ và tên người Việt Nam của Tiến sĩ Lê Trung Hoa, tên các dòng họ của 54 dân tộc Việt Nam là 942 họ.
- Theo tài liệu của Ban liên lạc các dòng họ Việt Nam và Báo Khoa học đời sống số xuân Nhâm Dần 2010, đến cuối thế kỷ XX, người Kinh có 185 dòng họ, trong đó:
 

+ Họ Nguyễn: 38%
+ Họ Trần: 11%
+ Họ Hoàng: 5,1%
+ Họ Phạm: 5%
+ Họ Phan: 4,5%
+ Họ Vũ - Võ: 3,9%
+ Họ Đặng: 2,1%
+ Họ Bùi: 2%
+ Họ Đỗ - Đậu: 1,4%
+ Họ Hồ: 1,3%
+ Họ Ngô: 1,3%
+ Họ Dương: 1,0%.
 

- Một nghiên cứu khác cho biết, những người mang cùng một họ như: Nguyễn, Lê, Trần... chưa chắc đã là đồng tông và ngược lại, có thể những người mang họ khác nhau đang tồn tại hiện nay nhưng lại có chung một ông tổ. Kết quả nghiên cứu về họ Mạc gần đây cho thấy:
       Họ Mạc đã có những người đổi sang các họ khác sau đây: Vũ, Trần, Thái, Phan, Hồ, Nguyễn, Khoa, Hoàng, Đỗ, Lê, Huỳnh, Đặng, Bùi, Chử, Nông...
       Nguyễn Trãi được ban quốc tính Lê Trãi.

       Hồ Quý Ly làm con nuôi nhà Lê Huấn đổi sang họ Lê, nhưng đến năm 1400 cướp được ngôi nhà Trần, Quý Ly lại trở lại họ Hồ.
       Lý Thường Kiệt vua ban quốc tính họ Lý, nhưng ông có họ gốc là Ngô.
       Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đã có đến hơn một trăm họ và tên bút danhvà bí danh khác nhau (175 họ tên), xin dẫn ra một số họ và tên của Bác: Năm 1890 tại làng Hoàng Trù nay là làng Kim Liên, Bác có tên khai sinh: Nguyễn Sinh Cung; Năm 1901, tại làng Kim Liên, Bác có tên Nguyễn Tất Thành; Năm 1919, tại Pháp, có tên Nguyễn Ái Quốc; Năm 1924, tại Trung Quốc, có tên Lý Thụy. Năm 1926, tại Quảng Châu, Trung Quốc, có tên Tống Thiệu Tổ; Năm 1931, tại Quảng Châu, Trung Quốc, có tên Tống Văn Sơ; Năm 1938, tại Trung Quốc, có tên Hồ Quang; Năm 1940, tại Vân Nam, Trung Quốc, có tên Ông Trần; Năm 1941, có tên Hoàng Quốc Tuấn; Ngày 13 tháng 8 năm 1942, tại Trung Quốc, có tên Hồ Chí Minh; Năm 1945, có tên Hồ Chủ tịch; và còn nhiều họ tên khác nữa của Bác không thể thống kê trong cuốn sách này, nhưng tên cuối cùng, khi trở thành vị Chủ tịch nước Việt Nam, Bác đã lấy tên là Hồ Chí Minh[2].
       Chủ tịch nước Trường Chinh họ và tên thật là Đặng Xuân Khu[3].
       Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam ĐỗMười họ và tên thật là Nguyễn Duy Cống.[4]
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ họ và tên thật là Phan Đình Khải. Ông Thọ có hai người em ruộtlà: Thượng tướng Quân đội nhân dân Việt Nam Đinh Đức Thiện họ và tên thật là Phan Đình Dinh, Đại tướng Công an Mai Chí Thọ họ và tên thật là Phan Đình Đống, con trai cả của ông Thọ là Phan Nghĩa Dũng và con trai thứ là Lê Nam Thắng[5].
       Chủ Tịch Đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hoàng Quốc Việt có họ và tên thật là Hạ Bá Cang[6].
       Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị có họ và tên thật là Nguyễn Khắc Xứng[7].
       Đại tướng,Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Văn Tiến Dũng có họ gốc là Hoa. Cụ tổ Đại tướng Văn Tiến Dũng là cụ Hoa Duy Thành, Đô đốc Quận công triều Trần, cụ đã cùng Trần Quốc Tuấn và các tướng sĩ đánh thắng quân Nguyên trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử, quê gốc cụ Hoa Duy Thành ở trang Linh Động, quận Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương nay là thôn Bảo Hà, xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo thành phố Hải Phòng.[8]
       Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên có họ và tên thật là Nguyễn Hữu Vũ[9].
       Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch có họ và tên thật là Phạm Văn Cương[10].
       Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Trần Hoàn có họ và tên thật là Nguyễn Tăng Hích[11].
       Viện sĩ Trần Đại Nghĩa có họ và tên thật là Phạm Quang Lễ[12].
       Đại tướng Lê Văn Dũng có họ và tên thật là Nguyễn Văn Nới[13].
       Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, có những ngườimang họ Phùngnhưng gốc lại là họ khác,và ngược lại có người gốc là họ Phùng nhưng lại mang dòng họ khác. Sau đây xin dẫn một vài ví dụ:
       Ông Phùng Chí Kiên, họ và tên thật là Nguyễn Vĩ (Phùng Chí Kiên sinh ngày 18 tháng 5 năm 1901 tại Nghệ An. Ông có tên thật là Nguyễn Vĩ, ông cùng thế hệ với các ôngVõ Văn Tần (1894-1941), Phạm Hồng Thái(1896-1924), Hồ Tùng Mậu(1896-1951), Nguyễn Phong Sắc (1902-1931), Phan Đăng Lưu (1902-1941), Lê Hồng Phong (1902-1942), Nguyễn Lương Bằng (1904-1974), Hoàng Quốc Việt (1905-1992), Hoàng Văn Thụ (1906-1944), Nguyễn Đức Cảnh (1908-1932), Ngô Gia Tự (1908-1935), các ông thuộc bậc tiền bối của Đảng và cách mạng.Năm 1926, Nguyễn Vĩ hoạt động cách mạng tại Trung Quốc, lấy tên là Phùng Chí Kiên, với ý nghĩa là là “sự tương phùng hội ngộ, sự gặp gỡ giữa chí khí và lòng trung kiên”. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930, là cán bộ được đào tạo rất cơ bản. Năm 1926, học tại trường quân sự Hoàng Phố, Trung Quốc. Tháng 2 năm 1931, học tại trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Liên Xô. Ông được phân công phụ trách Ban chỉ huy hải ngoại Đảng Cộng sản Đông Dương tại nước ngoài.
       Phùng Chí Kiên tham gia Hồng quân Công Nông Trung Quốc với cương vị Đại đội trưởng. Ông nổi tiếng là người chỉ huy tinh tế, nhạy bén, ứng phó linh hoạt khi xử trí các tình huống chiến đấu. Ngày 12 tháng 12 năm 1927, ông tham gia cuộc bạo động ở Quảng Châu do Đảng Cộng sản Trung quốc lãnh đạo.
       Tháng 3 năm 1935, ông tham dự Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương ở Ma Cao, Trung Quốc. Đại hội đã bầu ông làm Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Trung ương. Năm 1936, ông về Sài Gòn, cùng ông Hà Huy Tập chỉ đạo cách mạng trong nước, sau đó quay lại Trung Quốc chỉ đạo công tác Đảng ở nước ngoài. Năm 1940, ông về Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc làm việc cùng Ông Trần (Hồ Chí Minh). Ngày 28 tháng 1 năm 1941, ông cùng lãnh tụ Hồ Chí Minh trở về Pắc Pó, Cao Bằng. Tại đây, Bác Hồ đã phân công ông soạn thảo tài liệu và tham gia huấn luyện cán bộ Việt Minh. Tháng 5 năm 1941, ông tham gia Hội nghị Trung ương 8, là Ủy viên Trung ương phụ trách quân sự, trực tiếp chỉ đạo căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai, Trung đội Việt Nam cứu quốc quân 1. Ngày 19 tháng 8 năm 1941, cánh quân do Phùng Chí Kiên và Lương Văn Chi - Ủy viên Thường vụ xứ ủy Bắc Kỳ, chỉ huy qua Pò Kép (Na Rì, Bắc Kạn) bị địch phục kích, đơn vị thoát vây. Ngày 21 tháng 8 năm 1941, đơn vị lại bị phục kích tại xã Bằng Đức. Bọn Châu đoàn phản động huy động lính dõng khép kín vòng vây. Ông Lương Văn Chi bị thương, chúng bắt về giam ở Cao Bằng và hy sinh trong tù. Mặc dù bị thương nặng, ông Phùng Chí Kiên vẫn giữ chặt khẩu súng, bắn chặn quân địch để đồng đội thoát vây. Bắn đến viên đạn cuối cùng, Phùng Chí Kiên sa vào tay giặc. Bọn Châu đoàn lệnh cho lũ tay sai hành hung dã man, Phùng Chí kiên đã kiên trì giải thích: “Chúng tôi là người yêu nước đi đánh Pháp đuổi Nhật để giải phóng đồng bào. Chúng ta là người Việt Nam, cần phải đoàn kết chống kẻ thù chung”. Lời giải thích đã làm xiêu lòng một số lính dõng, nhưng bọn Châu đoàn gian ác đã chặt đầu ông đem nộp cho quân Pháp để lấy thưởng. Bọn Pháp đem đầu ông cắm ở đầu cầu Ngân Sơn để uy hiếp tinh thần cán bộ và nhân dân ta. Hôm đó là ngày 22 tháng 8 năm 1941, khi đó ông Phùng Chí Kiên tròn 40 tuổi.
       Phùng Chí Kiên là vị tướng được truy phong đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, theo Sắc lệnh số 89/sl do Chủ tịch nước Hồ Chí Minh ký ngày 23 tháng 9 năm 1947. Ông nguyên là Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương khóa 1.
       Tháng 11 năm 2003, ông Phùng Chí Kiên được Đảng, Nhà nước quyết định công nhận nguyên là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng khóa 1, cán bộ lãnh đạo cấp tướng, liệt sĩ hy sinh trong chiến đấu. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có thư gửi Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Đại tướng Phùng Quang Thanh với nội dung: “Tôi vừa nhận được công văn của Tỉnh ủy Nghệ An và Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đề nghị vấn đề làm nhà lưu niệm đồng chí Phùng Chí Kiên và cho biết trước đây đã có công văn gửi đến Bộ Quốc phòng và Bộ Văn hóa Thông tin…
       Đồng chí Phùng chí Kiên là vị tiền bối cách mạng, một lãnh đạo cao cấp của Đảng, được Bác Hồ và Trung ương phân công phụ  trách quân sự đầu tiên. Đồng chí là một cán bộ đức độ và tài năng cả chính trị và quân sự, nhạy bén phát hiện tình hình, sống gần gũi hòa mình với đồng chí đồng bào, nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị của Bác và Trung ương. Đồng chí Phùng Chí Kiên đã có công lao to lớn đối với Đảng ta. Năm 1947, Bác Hồ đã ký quyết định truy phong hàm tướng đầu tiên cho đồng chí. Đây là lần phong hàm cấp tướng đầu tiên của quân đội ta.
       Do khuyết điểm về công tác chính sách nên đến ngày 10 tháng 11 năm 2003, đồng chí được công nhận là liệt sĩ, nhận Bằng Tổ quốc ghi công và chỉ truy tặng Huân chương Chiến công hạng Ba. Đồng chí đi làm cách mạng từ nhỏ, không vợ con gia đình, nay chưa có nơi thờ tự”.
       Tiếp đó, Đại tướng nêu ba đề nghị:
1. Chính phủ cấp kinh phí giao cho Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 4, tỉnh Nghệ An tiến hành xây dựng Khu lưu niệm đồng chí Phùng Chí Kiên.
2. Tổ chức Hội thảo để tôn vinh công lao của đồng chí Phùng Chí Kiên.
3. Đề nghị đi tìm phần đầu của đồng chí Phùng Chí Kiên.
       Ghi nhớ đức tài, công lao to lớn của vị tướng đầu tiên bất tử của Quân đội nhân dân Việt Nam, bậc tiền bối cách mạng Việt Nam, người cộng sản mẫu mực, kiên trung, nhà chính trị, quân sự song toàn, một chiến sĩ cách mạng quốc tế, một nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng, người học trò ưu tú xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng thời chiến, tên ông Phùng Chí Kiên đã được đặt cho tên xã, tên phường, tên trường, tên đường phố ở nhiều địa phương trong cả nước như: Hà Nội, Vinh, Đồng Hới, Huế, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hải Dương, Lào Cai, Lạng Sơn, thành phố Hồ Chí Minh… (Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bắc Kạn; “Thư gửi Hội thảo khoa học về đồng chí Phùng Chí Kiên” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Báo Quân đội nhân dân ngày 17 tháng 8 năm 2008; “Phùng Chí Kiên vị tướng bất tử của quân đội ta”- Tạp chí Hướng nghiệp và Hòa nhập số tháng 12 năm 2011; “Liệt sĩ Phùng Chí Kiên chưa được… liệt sĩ” - Báo Lao động ngày 27 tháng 7 năm 2003; “Vẫn chờ cấp trên” - Báo Lao độngngày 27 tháng 4 năm 2004; “Cuộc vượt vây của đội công tác Phùng Chí Kiên”- Nguyệt san Sự kiện và nhân chứng Quân đội nhân dân số 152 tháng 8 năm 2006; “Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Phùng Chí Kiên” - Báo Nhân dân ngày 13 tháng 5 năm 2011, “Khúc bi tráng của vị tướng đầu tiên” - Báo Tiền Phong ngày 18 tháng 9 năm 2008).



Phùng Chí Kiên- anh hùng chiến tranh Việt Nam

 


[1]Theo báoQuân đội nhân dân cuối tuần, ngày 13 tháng 3 năm 2003.
[2] Theo Nhà văn hóa thanh niên điểm hẹn tuổi trẻ, Nhà văn hóa sinh viên thành phố Hồ Chí Minh).
[3] Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
[4] Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
[5]Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
[6]Theo Cổng thông tin điện tử Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
[7]Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
[8]Theo Báo Tiền Phong ngày 11-12-13 tháng 5 năm 2008.
[9]Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
[10]Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
[11]Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
[12] Theo Tên do Bác Hồ đặt.
[13]TheoBách khoa toàn thư mở Wikipedia
 
HPVN