(Thứ tư, 16/02/2022, 11:00 GMT+7)

HỌ PHÙNG VIỆT NAM TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ DỰNG NƯỚC VÀ GIỮ NƯỚC (KHÁI LƯỢC) - TIẾN SĨ PHÙNG THẢO - KỲ 3

     Nghệ sĩ nhân dân Phùng Há có họ và tên gốc là Trương Phụng Hảo, bà sinh ngày 30 tháng 4 năm 1911 tại Mỹ Tho (nay là Tiền Giang). Thân phụ bà là người Trung Quốc sang Việt Nam kinh doanh và cưới vợ người Việt Nam ở xã Điều Hòa, Mỹ Tho trong khi ông đã có vợ ở Trung Quốc. Hai ông bà có bảy người con, bà Phùng Há là con thứ bảy, nên sau này mọi người đều gọi bà với cái tên thân thương Phùng Há.
     Cha bà là người giàu có nhờ kinh doanh vốn có của giới Hoa kiều lúc bấy giờ.
     Năm bà 10 tuổi, cha bà qua đời. Người chú ruột và anh cả của bà lập mưu chiếm đoạt tài sản, mẹ bà lâm vào cảnh vô cùng khốn khổ phải về nương náu trong căn chòi lá của bà ngoại. Người anh cả của bà đưa cả gia đình về Trung Quốc, mấy chị gái ở lại lấy chồng người bản xứ. Bị người vợ cả bạc đãi, mẹ bà quyết định dẫn bà về lại Mỹ Tho. Bà là người phụ nữ đã trải qua bao thăng trầm dâu bể cuộc đời. Nhờ năng khiếu bẩm sinh trời cho, 13 tuổi, bà đã làm quen với ánh đèn sân khấu, hóa thân trong nhiều vai diễn. Sống dưới chế độ Mỹ ngụy, lúc nào nghệ sĩ Phùng Há cũng đứng một bên với chính nghĩa, đấu tranh vì độc lập của dân tộc, vì tự do hạnh phúc cho nhân dân. Bà không vì danh lợi mà quên tình nghĩa đồng nghiệp, người nghèo. Năm 1975, bà là một trong các nghệ sĩ đứng đầu cầm băng rôn xuống đường phản đối chính quyền cũ đàn áp công nhân hãng Ba Son…
Nghệ sĩ nhân dân Phùng Há là ngôi sao sáng nghệ thuật, ngôi sao cải lương Nam Bộ từ thời còn niên thiếu. Giáo sư Trần Văn Khê nhận xét: Bà “giống như một ngôi sao đang còn tỏa rạng trên bầu trời đêm thăm thẳm, nền trời càng sâu hút thì thứ ánh sáng phát ra từ ngôi sao đó càng ngày càng lấp lánh”. Nhà báo Hòa Bình với bài viết về vị tổ của cải lương đã khẳng định: “Với trăm năm tuổi của mình, bắt đầu ca hát từ năm 13 tuổi, Nghệ sĩ nhân dân Phùng Há gắn trọn đời mình với hơn tám mươi năm lịch sử hình thành và phát triển nghệ thuật cải lương. Bà có năm mươi năm làm đào chánh đắt giá, chủ những đoàn hát Huỳnh Kỳ, Vân Hảo, Hảo Cúc Lan… cùng những vai diễn lẫy lừng trong Đời cô Lựu, Mộng Hoa Vương, Vợ và tình, Dương Quý Phi, Phụng Nghi Đình… vang danh từ Sài Gòn ra Hà Nội, sang cả Pháp…”
     Khi thấy sức khỏe yếu, bà đã nói nguyện vọng của mình rằng: “…sức khỏe tôi đã yếu... tôi mong các vị hảo tâm, nghệ sĩ, bạn bè, em cháu mến thương tôi, thay vì biếu cho riêng tôi quà cáp thì hãy ủng hộ đợt cứu trợ, hoặc tùy hỷ đóng góp vào quỹ nhân đạo để giúp những hoạn nạn. Nếu được như thế, tôi sẽ toại nguyện khi chia tay mọi người”.
     Do tuổi cao sức yếu, 0 giờ ngày 5 tháng 7 năm 2009, Nghệ sĩ nhân dân Phùng Há trút hơi thở cuối cùng trên chiếc giường nhỏ trong căn nhà cấp 4 đơn sơ khuất sau khuôn viên chùa Nghệ Sĩ, xung quanh là những bông hồng vàng và trắng thảnh thơi như một giấc ngủ thiên thu.
     Thương tiếc Nghệ sĩ nhân dân Phùng Há, Điếu văn của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh do Chủ tịch Lê Hoàng Quân đọc có đoạn: “Sự xuất hiện của bà, với tài năng xuất chúng đã đem tới sức sống mãnh liệt, mới mẻ cho sân khấu cải lương Nam Bộ và cả nước những năm 30 thế kỷ trước, và làm nền tảng thúc đẩy cho sân khấu cải lương phát triển vững chắc hơn năm mươi năm sau đó…”. Còn Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê cho rằng: “Cô Bảy mất đi giống như một thư viện cải lương đã mất, một ngôi sao sáng trên trời đã lặng, một ngọn lửa nhân đạo đã tắt”[1].



HÌnh ảnh nghệ sĩ nhân dân Phùng Há

      Phùng Lưu là họ gốc, nhưng khi tham gia hoạt động cách mạng ông Lưu đã đổi sang họ và tên là Lê Bốn, sau đó là Nguyễn Vạn. Ông Lưu là lão thành cách mạng, chiến sĩ cách mạng trong phong trào Dân chủ 1936-1939, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, khi thoát ly gia đình hoạt động cách mạng, ông đã mang họ và tên Lê Bốn, sau đó lấy tên Nguyễn Vạn và tên này ông mang theo đến khi nghỉ hưu[2].
     Viện sĩ Phùng Thị Cúc là họ gốc, nhưng bà lại lấy họ và tên là Điềm Phùng Thị. Điêu khắc gia - Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Nghệ thuật châu Âu Phùng Thị Cúc nhưng lại mang họ và tên: Điềm Phùng Thị. Vì chồng bà họ Nguyễn tên Điềm, ở châu Âu, người đàn bà khi lấy chồng phải lấy tên chồng đặt trước họ và tên mình. Bởi vậy, Điềm đặt trước Phùng Thị và được gọi là Điềm Phùng Thị)[3].



Hình ảnh Viện sĩ Phùng Thị Cúc



[1]Theo Cuộc đời và sự nghiệp, Nguyễn Thanh Nhã, Nxb Văn học, 2011.
[2]Theo Phùng Quán - Ba phút sự thật, Nxb Văn nghệ, 2006.
[3]Theo Chuyện quý bà giữa đời thường và trong cung cấm, Nguyễn Đắc Xuân, Nxb Phụ nữ, 2011.
 
Tiến sĩ Phùng Thảo
HPVN