HỌ PHÙNG VIỆT NAM TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ DỰNG NƯỚC VÀ GIỮ NƯỚC - TIẾN SĨ PHÙNG THẢO - KỲ 5
4. Nghiên cứu một số họ Phùng ở một số tỉnh, thành phố. Bước đầu biết được nơi lập nghiệp, số đời, số đinh, số nhân khẩu, sự phát triển của mỗi dòng họ... nhờ đó góp vào việc xác định nguồn gốc, nơi phát tích của họ Phùng Việt Nam nói chung.
- Họ Phùng thôn Kim Bí, xã Tiên Phong, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội (biên tập theo cuộc gặp đại diện dòng họ tại thôn Kim Bí và lý lịch di tích nhà thờ họ Phùng thôn Kim Bí): Theo Lý lịch di tích nhà thờ họ Phùng thôn Kim Bí, xã Tiền Phong, huyện Ba Vì, thanh phố Hà Nội (Ban quản lý di tích danh thắng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, 2013), đất Tiên Phong xưa kia thuộc miền Phong Châu, vào thời Đinh và tiền Lê thuộc đạo Quốc Oai. Đời Lý, năm Canh Tuất, niên hiệu Thuận Thiên thứ nhất (1010) vua Lý Thái Tổ đổi “thập đạo” của Đinh - Lê thành 24 lộ, Tiên Phong thuộc Quốc Oai. Sang đời Trần, Tiên Phong thuộc trấn Quảng Oai. Năm 1466, đời Lê Thánh Tông Tiên Phong thuộc trấn Sơn Tây. Năm 1469, định lại bản đồ cả nước để thống thuộc các phủ, huyện vào các thừa tuyên, đất Tiên Phong thuộc huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai, xứ Sơn Tây. Năm 1892, tỉnh Sơn Tây thành lập gồm 2 phủ và 4 huyện thì vùng đất Tiên Phong thuộc các tổng Tây Đằng và Chu Quyến, phủ Quảng Oai. Năm 1965, Sơn Tây hợp nhất với Hà Đông thành tỉnh Hà Tây, xã Tiên Phong thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây. Năm 1976, Ba Vì thuộc tỉnh Hà Sơn Bình. Năm 1979, sáp nhập về Hà Nội thì xã Tiên Phong, huyện Ba Vì thuộc thành phố Hà Nội. Từ năm 1991 đến năm 2008, xã Tiên Phong thuộc tỉnh Hà Tây. Từ tháng 8 năm 2008, 14 huyện, thành phố của tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc, 4 xã của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình hợp nhất với thành phố Hà Nội thì thôn Kim Bí, xã Tiên Phong, huyện Ba Vì thuộc thành phố Hà Nội. Hiện nay, xã Tiên Phong có 5 thôn: Kim Bí, Bằng Lũng, Thanh Lũng, Vị Nhuế, Đông Phong. Tiên Phong là mảnh đất có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời của vùng quê xứ Đoài. Mảnh đất Tiên Phong trải qua nhiều thế kỷ, dưới các triều đại phong kiến Việt Nam đã nuôi dưỡng và sản sinh ra nhiều nhân tài, học rộng tài cao, đỗ đạt trong các kỳ thi để bổ sung vào các chức quan giữ trọng trách trong triều đình. Tiêu biểu như: Đỗ Công Cẩn sinh năm 1468 ở Thanh Lũng, đỗ tiến sĩ khoa Canh Tuất (1490), niên hiệu Hồng Đức thứ 21, đời Lê Thánh Tông; Phùng Thế Trung, sinh tại làng Kim Bí, đỗ tiến sĩ khoa Quý Hợi (1623), niên hiệu Vĩnh Tộ 5, đời Lê Thần Tông.
Thôn Kim Bí ngày nay có 4 dòng họ lớn: Họ Phùng, họ Trần, họ Nguyễn, họ Trương.
Họ Phùng ở Kim Bí tính đến nay có 22 đời (17) với 5 ngánh, 15 chi, tổng số khoảng 400 đinh, 1.500 khẩu. Bản dịch gia phả của dòng họ chỉ biết rằng thủy tổ họ Phùng là người bản xã, hiệu Chân Tranh, là bố của Phúc Sơn. Từ đời ông trở về trước các đời có nhiều sự tích khó khảo, tuy có công lao thành tích lớn, nhưng không thể khảo cứu được. Theo các nguồn tư liệu xác tín như 5 đạo sắc phong cổ còn lưu lại trong di tích, 1 bản sao cuốn gia phả, văn bia của nhà thờ được khắc lại theo nội dung văn bia tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám thì dòng họ Phùng là dòng họ lâu đời có nhiều người thành danh, đỗ đạt và có công lao với dân, với nước. Với tư liệu có được, xin giới thiệu một số nhân vật tiêu biểu của dòng họ Phùng thôn Kim Bí: Tiến sĩ Phùng Thế Trung, Chánh nhất phẩm Phùng Thế Quý, Tri phủ Phùng Thế Khanh.
Hiến sát sứ Chánh lục phẩm Phùng Thế Trung (Triết) tục gọi là Trạc, tự là Thận Trai, lúc nhỏ có tên là Phùng Đốn, sau gọi là Phùng Thế Triết, nhưng vì chữ Triết trùng với miếu hiệu Triết vương của Trịnh Tùng nên đổi thành chữ Trung. Ông là người xã Kim Bí, huyện Tiên Phong, nay là thôn Kim Bí, xã Tiên Phong huyện Ba Vì (sách Các nhà khoa bảng Việt Nam của Lê Đức Thọ, trang 530). Ông là cụ tổ ngành thứ nhất của dòng họ Phùng ở thôn Kim Bí, thuộc đời thứ 8 của dòng họ Phùng ở Kim Bí. Từ nhỏ, cụ đã tỏ rõ là người giỏi văn thơ, tính tình cương nghị, phong thái đĩnh đạc, dáng dấp uy nghi của người quân tử, chịu khó đọc sách thánh hiền, sách của Khổng Tử, Kinh dịch, Sử ký Tư Mã Thiên đều thông nghĩa… Bởi vậy, danh tiếng thơm lừng, sớm đỗ đại khoa. Ông đỗ thi hương năm Ất Mão, triều Lê Trung Hưng. Năm ông 31 tuổi, khoa thi Hội năm Quý Hợi, niên hiệu Vĩnh Tộ 5 (1625) đỗ tiến sĩ.
Sách Văn bia tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám Thăng Long của Ngô Đức Thọ (Nxb Hà Nội, 2000, tr.446) có ghi: Ngày lành tháng Tư mùa hạ, Hoàng thượng ngự ở cửa điện Kính Thiên, ra bài văn sách ở sân rồng. Trong khi các sĩ tử làm bài, bỗng có Nguyễn Trật làm văn hơi sai thể thức, nên chỉ có 6 quyển được duyệt. Các quan hữu ty dâng quyển tiến đọc. Hoàng thượng ngự lãm, lấy Phùng Thế Trung đỗ đầu, 6 người còn lại đều cho đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.
Trong bản sắc phong tại nhà thờ có ghi:
“Sắc cho Mậu Lâm lang, Hiến sát sứ đạo Thanh Hoa (Thanh Hóa ngày nay), trung liên là Phùng Thế Trung, do là người rất có tâm thuật, làm tốt công việc, nghị thần nghị bàn, ưng thăng làm chức hiến sát sứ thuộc các xứ ở Kinh Bắc, trung liên.
Vậy ban sắc!
Ngày 11 tháng 12 năm Đức Long nguyên niên”.
Tìm hiểu về chức quan Hiến sát sứ, được biết người giữ chức vụ này là trưởng quan Hiến sát sứ ty. Theo quan chế thời Hồng Đức, chức Hiến sát sứ chức vụ là đàn hặc, xét hỏi, khám đoán, hội đồng kiểm soát, khảo khóa, tuần hành… Thời Bảo Thái, Hiến sát sứ hàm Chánh lục phẩm.
Tiến sĩ Phùng Thế Trung có hai người vợ, sinh được 6 người con (ngoài 50 tuổi cụ mới có con), dòng họ hưng thịnh từ đây. Cụ mất ngày 21 tháng 12 năm Đinh Hợi (1647), thọ 63 tuổi. Là người tài giỏi, lại có nhiều công lao với đất nước, nên khi mất, cụ được vua ban cho đất tại làng Kim Bí, xây dựng nhà thờ để muôn đời sau hương hỏa, phụng thờ.
Chánh nhất phẩm Phùng Thế Quý tự là Nghiêm Kính, húy là Dung Tự. Ông là con trai Tiến sĩ Phùng Thế Trung, thuộc đời thứ 9 của dòng họ Phùng Thế ở Kim Bí, Tiên Phong. Ông sinh năm Kỷ Mùi, niên hiệu Thận Đức 20 đời Lê Kinh Tông (1619), là người có tướng mạo khôi ngô, đĩnh đạc, kế thừa cơ nghiệp phú quý nhưng không ngao du, chỉ chuyên tâm thi lễ, chăm chỉ học hành. Sau khi thi đỗ được vua Dương Hòa năm thứ 3 phong làm Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Thái thường tự khanh, tước Miên Thọ tử, Tá trị thượng khanh, trung giai (Tước Tòng nhị phẩm).
Trong nhà thờ hiện còn lưu giữ một bản sắc phong của cụ:
“Sắc cho: Đặc tiến kim tử vinh lộc đại (phu), Tự thừa (Thái) thường tự, tước phong Miên Thọ tử, (Tá trị) thượng khanh, trung giai là Phùng Thế Quý, do làm việc trong quân (…) đã lâu, có công lao, vậy ưng thăng lên chức Thiếu khanh, thành: Đặc tiến kim (tử) vinh lộc đại phu, Thái thường tự khanh, tước Miên Thọ tử, Tá trị thượng khanh, trung giai.
Vậy ban sắc!
Ngày 8 tháng Ba năm thứ 3 niên hiệu Dương Hòa”.
Tri phủ Phùng Thế Khanh là bậc túc nho, được triều đình giao cho nhiều trọng trách. Sau khi cụ thi đỗ tam trường hai khoa thi Hội, được phong làm Mậu lâm tá lang, Tri phủ Phú Bình, hạ giai.
Dòng họ Phùng thôn Kim Bí, xã Tiên Phong là dòng họ có truyền thống hiếu học, có nhiều nhà khoa bảng, công danh hiển đạt và từng giữ các chức vụ trong triều, ngoài trấn. Nối tiếp truyền thống quê hương và tổ tiên, họ Phùng ở thôn Kim Bí đã chung lòng, chung sức với các dòng họ ở địa phương trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, con cháu dòng họ đã tham gia kháng chiến, ra tiền tuyến bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương Kim Bí giàu đẹp, văn minh. Theo thống kê của dòng họ, trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, dòng họ có:
- 7 người con là liệt sĩ, 5 người con là thương bệnh binh.
- 1 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
- Nhiều gia đình được tặng Huân chương, Huy chương, Bằng khen và các phần thưởng cao quý khác của Đảng và Nhà nước.
Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của họ Phùng ở Kim Bí: Nhà thờ họ là nơi hội họp của con cháu dòng họ vào các dịp giỗ họ (tế lễ). Thời gian tổ chức tế lễ: giỗ Tiến sĩ Phùng Thế Trung 21 tháng 12 Âm lịch; giỗ vợ Tiến sĩ vào ngày 21 tháng 5 Âm lịch; giỗ cụ Phùng Thế Quý vào ngày 4 tháng 8 Âm lịch; giỗ cụ Phùng Thế Khanh vào ngày 30 tháng 12 Âm lịch; ngày Tết cầu đinh mồng 4 Tết Âm lịch. Vào các ngày trên, con cháu dòng họ, không phân biệt trai, gái, dâu, rể từ mọi miền đất nước đều trở về ngôi nhà thờ chung của họ một lòng thành kính, thắp nén tâm hương, tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà.
Các nghi lễ cúng tế: Lễ mộc dục, được tiến hành vào 30 tháng 12 Âm lịch, tức ngày lễ tất niên, do ông trưởng họ đảm nhiệm, dùng nước lấy từ giếng lê rồi bao sái long ngai và đồ thờ tự; Lễ vật dâng cúng: là lễ mặn gồm một ván mâm xôi, một thủ lợn kèm theo đủ rượu, hương hoa, oản quả… Văn tế: Do ông trưởng họ viết và đọc, dựa vào mẫu của tổ tiên để lại, được viết bằng chữ quốc ngữ, văn tế được đặt tại giá văn, có phủ vải đỏ. Tế xong, văn tế được người đọc hóa. Ban tế: Ban tế được chọn cử từ 5 ngành trong họ. Chủ tế do trưởng họ đảm nhiệm. Về trang phục: Chủ tế mặc khăn xếp áo the đen. Trong hành lễ tuyệt đối nghiêm cẩn.
HPVN
Tiến sĩ Phùng Thảo