(Thứ năm, 21/04/2022, 09:44 GMT+7)

Tiếp nối thành công của hai cuốn tiểu thuyết lịch sử Nam Đế Vạn XuânTriệu Vương phục quốc, lần này nhà văn Phùng Văn Khai cho ra mắt độc giả hai tác phẩm mới mang tên Lý Đào Lang VươngLý Phật Tử định quốc. Tiếp tục chọn đề tài lịch sử dân tộc, vẫn khai thác các chất liệu từ cả chính sử lẫn dã sử, kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố thực và hư cấu cùng lối viết chương hồi quen thuộc, tác giả đã tái hiện lại cả một thời kỳ đầy biến động trong lịch sử dân tộc qua hai cuốn sách mới này. Cùng với Nam Đế Vạn Xuân Triệu Vương phục quốc, Lý Đào Lang VươngLý Phật Tử định quốc đã tạo nên bộ tứ tiểu thuyết lịch sử về nhà Tiền Lý - một triều đại đã thành công xây dựng một nhà nước độc lập đầu tiên của nước ta sau đêm trường Bắc thuộc - của nhà văn Phùng Văn Khai.

Là cuốn thứ ba trong bộ tứ tiểu thuyết lịch sử về nhà Tiền Lý, Lý Đào Lang Vương là câu chuyện về một nhân vật lịch sử đặc biệt - một người có nhiều công lao nhưng lại được ghi chép rất ít trong chính sử - Đào Lang Vương Lý Thiên Bảo. Là anh trai của Lý Nam Đế Lý Bí, khi hay tin quốc chủ Vạn Xuân thất thế trước giặc Lương xâm lược, Lý Thiên Bảo đi cứu thì trúng phục binh, thua trận nên phải dẫn tàn quân lánh về đất Di Lạo. Rơi vào thế bất lợi, dưới trướng binh tướng lại chẳng còn mấy nên ông nản lòng muốn buông đao từ bỏ. May sao được vị sư tăng Triệu Quốc Chính lựa lời khuyên giải, lại thêm thuộc cấp khích lệ, ông liền phấn chấn trở lại, quyết gây dựng lại nghiệp lớn. Lý Thiên Bảo tìm đến đất Dã Năng xây thành đắp lũy, thu phục lòng người, đánh đuổi bọn Lữ Phạm, Mông Kỳ - tàn dư của giặc Lương - rồi dần dần gây dựng lại được nghiệp lớn của họ Lý ở đấy.

Sau này, quần thần cùng bát thị tộc đất Dã Năng suy tôn ngài làm vua xứ ấy, tôn hiệu là Đào Lang Vương. Rồi đó, nước Dã Năng của Đào Lang vương Lý Thiên Bảo trải bao phen bình Tây xong lại dẹp Nam, đại thắng quân Lâm Ấp một trận lớn, ngăn giặc phương Nam nhăm nhe bờ cõi và buộc vua nước ấy phải cắt đất xin hàng, cương vực đất nước nhờ thế mà được mở rộng thêm không ít. Đến khi Triệu Vương Triệu Quang Phục gửi thư mời lên ngôi hoàng đế nước Vạn Xuân, ngài cũng chỉ khiêm tốn từ chối, lại hẹn với Triệu Vương sau này khi tìm được người có tài sẽ cùng suy tôn làm vua. Câu chuyện kết thúc khi Đào Lang Vương đã an định được việc nước, ngài một mình lui về trai phòng rồi viên tịch tại đó, như một bậc chân tăng.

Lý Phật Tử định quốc lấy bối cảnh mười năm sau ngày Đào Lang Vương Lý Thiên Bảo viên tịch, Lý Phật Tử - cháu cùng họ của vua - kế thừa vương vị, tiếp tục cai trị nước Dã Năng. Trong khi đó, nước Vạn Xuân kể từ sau khi Lý Nam đế Lý Bí thất thế ở động Khuất Lão, Triệu Quang Phục nhận ủy thác từ quốc chủ cho được giữ việc nước và được các quan tướng tôn làm vua tức Triệu Việt Vương. Kể từ ấy, thiên hạ tuy một mà ra hai nước, nước Vạn Xuân phía Bắc và nước Dã Năng ở phía Nam. Sau, Đào Lang Vương Lý Phật Tử được Thái sư Triệu Quốc Chính bày kế kết thông gia với Triệu Việt Vương, rồi nhân ấy để con trai là hoàng tử Nhã Lang ở rể làm nội ứng mà diệt được thế lực họ Triệu, đem nước Vạn Xuân thống nhất làm một, Đào Lang Vương Lý Phật Tử tức vị Nam Đế, sử gọi là Hậu Lý Nam Đế.

Nam Đế Lý Phật Tử từ ngày lên ngôi cao của nước Vạn Xuân nhờ có sự phò tá hết lòng của các vị đại thần tài năng như: Thái sư Triệu Quốc Chính, Thái úy Ngô Ban, Đề đốc Phùng Thanh... mà rất mau chóng đã liên tiếp chặn đứng được mưu đồ xâm lăng của giặc nhà Trần ở phương Bắc, lại một phen dẹp được hết bè đảng Hắc Long, diệt đám giặc núi Miêu Hắc ở trong nước, giải được cả nội ưu và ngoại hoạn, giữ nghiệp thái bình cho muôn dân. Có thể nói, nếu như Đào Lang Vương Lý Thiên Bảo là vị vua có công khôi phục lại cơ nghiệp nhà họ Lý, an định một cõi (an bang) thì Hậu Nam Đế Lý Phật Tử lại là vị vua có công thống nhất giang sơn và chiến đấu bảo vệ cơ nghiệp nước Vạn Xuân (định quốc) vậy. Lý Phật Tử định quốc cũng chính là cuốn cuối cùng trong bộ bốn tiểu thuyết lịch sử về nhà Tiền Lý.

Phải thừa nhận rằng, cả hai nhân vật trên đều là những nhân vật chẳng ít thì nhiều cũng có công với dân với nước, tuy nhiên, trong chính sử lại không có nhiều ghi chép về hành trạng của họ. Trong Đại Việt sử ký toàn thư, sử thần Ngô Sĩ Liên chép việc về Đào Lang Vương Lý Thiên Bảo phụ vào với kỷ Triệu Vương Triệu Quang Phục, còn Hậu Lý Nam Đế Lý Phật Tử thì tuy được chép riêng ra một kỷ tuy nhiên lại không quá chi tiết và rõ ràng. Đây là một điểm gây khó cho nhà văn Phùng Văn Khai, nhưng ở một góc độ nào đó lại thể hiện tài năng của tác giả khi dấn thân viết về lịch sử dân tộc. Không còn là những dòng sử liệu khô cứng và ít ỏi, lịch sử thời hai vị vua cuối cùng của nhà Tiền Lý dưới ngòi bút của tác giả đã hiện ra trước người đọc một cách vô cùng sống động và hùng tráng. Sự kết hợp giữa chính sử và dã sử (tích truyện dân gian) cùng với sức sáng tạo của bản thân, nhà văn đã khỏa lấp gần như tất cả những gì lịch sử còn để trống và giải thích một cách tài tình và hợp lý những gì còn khúc mắc trong lịch sử để làm nên hai tác phẩm rất có giá trị về nhiều mặt này.

Có thể nói, những người yêu lịch sử giờ đây đã không còn phải đắn đo tìm kiếm những sử liệu hiếm và quý, hay phải nhiều lần buông sách xuống vì sự khô khan của những hàng sự dài tưởng đến bất tận theo lối chép sử truyền thống. Lịch sử dân tộc theo ngòi bút của các nhà văn đương đại vào trong từng trang viết đã trở nên sống động, đầy màu sắc và lôi cuốn hơn rất nhiều. Nếu như Trung Hoa luôn tự hào có Đông Chu liệt quốc, Tam quốc diễn nghĩa, Tùy Đường diễn nghĩa, thì nay, bên cạnh Hoàng Lê nhất thống chí, Nam triều công nghiệp diễn chí, người Việt Nam ta cũng có thể tự hào đã có thêm những Bão táp triều Trần, Phùng Vương, Lý Đào Lang Vương... - những tác phẩm đã làm sống dậy những trang sử hào hùng của dân tộc.

Lưu Quang Vinh