(Chủ nhật, 26/02/2023, 07:20 GMT+7)

Phùng Văn Khai là cây bút văn xuôi giàu nội lực, đặc biệt những bộ tiểu thuyết lịch sử của anh cho thấy một sức làm việc đáng nể. Đầu xuân Quý Mão 2023, nhà văn Phùng Văn Khai bất ngờ trình làng một tập thơ, mà trong đó lịch sử và văn hóa sông Hồng vẫn thấm đẫm trên từng dòng chữ của tình yêu dạt dào như “Lau sông Hồng xanh mát suốt nghìn năm”.

 

Nhà văn, thượng tá Phùng Văn Khai sinh trưởng ở Hưng Yên, hiện là Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Khởi đầu từ người lính yêu văn học, anh đam mê sáng tác và từng bước khẳng định mình. Tôi vốn yêu thích lịch sử và viết nhiều về lịch sử qua những trang thơ, phỏng vấn, ký sự nên khi đọc những tiểu luận, truyện ngắn, tiểu thuyết lịch sử của các nhà văn, trong đó có Phùng Văn Khai, tôi dễ đồng cảm và thích thú.

 

Thật ngạc nhiên với một con người bề ngoài có vẻ bặm trợn, nói nhiều, lại say mê, chịu khó, đắm chìm, nghiền ngẫm, sáng tạo, tái hiện hàng ngàn trang văn về lịch sử: Bão táp triều Trần, Phùng Vương, Ngô Vương, Nam Đế Vạn Xuân, Triệu Vương phục quốc, Lý Đào Lang Vương… Đó là những đóng góp quan trọng đáng ghi nhận của Phùng Văn Khai trong việc văn học hóa lịch sử bằng tài năng, kiến văn, tình yêu và ý thức về công nghiệp to lớn của tổ tiên.

 

Tôi càng bất ngờ khi đọc tập Thơ Phùng Văn Khai gồm ba phần: Mùa màng, Hoa bên cột mốc, Trong tấm lòng bè bạn. Cứ ngỡ như một số cây bút văn xuôi làm thơ cho cuộc sống thêm phần thi vị, nhưng ở Phùng Văn Khai còn ẩn chứa phẩm chất thi sĩ. Không rõ anh làm thơ trước hay viết văn trước, nhưng nếu tập trung vào con đường thi ca thì tôi chắc chắn anh cũng gặt hái thành công. Và giống như văn xuôi, khí quyển lịch sử và văn hóa dân tộc, mà cụ thể là mạch nguồn phù sa sông Hồng, cũng trở thành cảm hứng nghệ thuật chủ đạo trong thơ Phùng Văn Khai:

 

Bìa tập Thơ Phùng Văn Khai. Ảnh: PHAN HOÀNG

Mẹ về trời câu hát vẫn ru ta

Thì thầm cúi hỏi sông thao thiết

Âm âm lời đá núi mây bay

U u sừng trâu cọ ngày vỡ đất

 

Bài thơ Khúc sông Hồng “u u âm âm thao thiết” mở đầu khá ấn tượng cho tập Thơ Phùng Văn Khai. Mẹ về trời nhưng lời ru câu hát, lời đá núi mây bay hòa cùng phù sa sông Hồng còn mãi. Nghĩa là mẹ, người sinh ra ta và nuôi dưỡng ta thành người vẫn hiện hữu như sông Hồng vẫn mãi hiện tồn cùng lịch sử:

 

Sông òa vỡ năm cửa ô người về như thác

Bờ vai em nghiêng sóng sánh nước sông lên

Vết đạn bắn cổng thành xưa đôi chim cặp rác

Mái vòm khuya sao chi chít đêm đêm

 

Không phải bốn nghìn năm mà vạn năm, còn sau nữa

Máu tổ tiên ta, máu ta nuôi sông đỏ

Hồng hạc bay định phận giữa trời

Nguồn lệ tiếng cười xanh rêu đền miếu

Ta phơ đầu bạc trầm mặc sông trôi

 

Không có tư duy và cảm thức sâu lắng về lịch sử thì không thể viết được những dòng thơ như vậy. Vừa tự sự vừa trữ tình như “Nhúm nhau ta hòa sắc phù sa đỏ/ Vạt lau chiều lững thững sông đi”, mạch nguồn trầm tích sông Hồng cũng là mạch thơ đưa ta qua những không gian và thời gian chất chứa bao điều bí ẩn. Hình ảnh sông Hồng trĩu nặng phù sa lịch sử và văn hóa còn trở đi trở lại khi tỏ khi mờ trong suốt tập thơ của Phùng Văn Khai:

 

Xâu lá mỏng vàng cửa ô cúc thắm nụ cười

nghiêng cao ốc phù sa đẫm mật Khuê Văn Các

Lưng rùa cong chuông ngân vọng hoa văn

hồng hạc rêu xanh phủ nhú tóc thia lia

Ta vạn dặm trước mùa màng phủ phục

Thơm sông Hồng đang vẫy gọi xa kia.

(Mùa màng II)

 

Những câu thơ không phải ai cũng dễ nắm bắt nếu như chẳng am hiểu văn hóa sông Hồng với những vỉa tầng phong phú mang vẻ đẹp giản dị nhưng quyến rũ đến kỳ bí. Vẻ đẹp của những hạt giống tạo dựng mùa màng sinh sôi qua sự liên tưởng lạ lùng của thi sĩ:

 

Ngày chó đá ngủ vùi bỏ quên tràng hạt rong chơi đình đền bờ bãi

Đêm cỏ hoa hoang hoải khúc phiêu du ẩn dật tóc sông hồ

Sen lơ đễnh khô khuya chất ngất đài cao tịch mịch

Xa kia xa kia lớp lớp âm âm đá sỏi khúc thoi đưa

(Hạt giống)

 

Một không gian văn hóa huyền thoại của chiều sâu ký ức và dệt nên những mùa màng có sức vẫy gọi cho hiện tại và tương lai. Một không gian văn hóa làm nền tảng cho tiến trình lịch sử của dòng giống Lạc Hồng đầy bi thương và kiêu hãnh. Một không gian văn hóa mà đến ngọn cỏ ngọn lau cũng đủ tư thế biểu tượng một cách tự nhiên:

 

Vẫn là lau sông Hồng đấy thôi

Phần phật bay mừng Vạn Xuân - Trấn Quốc

Đinh - Lý - Trần - Lê… nối nền độc lập

Lau sông Hồng xanh mát suốt nghìn năm

(Lau sông Hồng)

 

Và chính phù sa lịch sử sông Hồng đã hình thành nên biểu tượng văn hóa Thăng Long - Hà Nội, mà mỗi con người như tác giả là một phần “hút hắt” đáng tự hào trong đó:

 

Hà Nội của tôi

đau đớn, hiền lành

chân chất, thơ ngây, dịu dàng Hà Nội

mai rồi tan mây khói

tôi ở đâu trong hút hắt sông Hồng

(Hà Nội của tôi)
 

Nhà thơ Phan Hoàng / Báo Phú Yên