(Thứ sáu, 26/02/2016, 04:30 GMT+7)

Lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp
 

Thượng tướng Phùng Thế Tài là một người cộng sản kiên trung, một vị tướng tài ba của Quân đội ta.
Trọn một đời theo Đảng, theo Bác Hồ tham gia cách mạng và kháng chiến, Thượng tướng Phùng Thế Tài là một đảng viên rất mực trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đồng chí là một người được rèn luyện trưởng thành từ chiến sĩ trở nên một vị tướng có tài của Quân đội ta.
Đồng chí sống trung thực, thẳng thắn, chiến đấu dũng cảm, chỉ huy chiến đấu quyết đoán, thông minh, sáng tạo; hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Bác Hồ và Quân đội giao phó. Chiến công và thành tích của đồng chí trong quá trình cách mạng và kháng chiến đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Hà Nội, ngày 3 tháng 8 năm 2007

                            Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP

 

Lời mở đầu
 

Trong Hồi ức “Bác Hồ - Những kỉ niệm không quên”, Thượng tướng Phùng Thế Tài bộc bạch: “Đúng là không thể nào quên, vì một lẽ rất đơn giản là kể từ những ngày đầu tiên được gặp Bác, tháng 2 năm 1940 cho đến khi Bác đi xa, cả cuộc đời tôi luôn luôn gắn liền với sự thương yêu chăm sóc của Bác.
Bác đã từng bước dẫn dắt tôi, từ một đứa trẻ lang thang, thất học, tính tình ngổ ngáo, trở thành một sĩ quan cấp tướng của cách mạng, có đóng góp ít nhiều vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đây thực sự là một điều kì diệu mà đôi khi tôi cứ nghĩ có nằm mơ cũng không thể tưởng tượng nổi.
Những điều kì diệu này sẽ rất dễ hiểu nếu chúng ta đặt nó trong sự kì diệu Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh là người đem chủ nghĩa Mác - Lê-nin về làm đổi thay cả một dân tộc, đổi thay cuộc đời trong đó có cuộc đời tôi.

Chỉ trong vòng 5 năm trời, từ thằng Thụ nhóc con, đêm đêm với cái bụng lép kẹp nằm còng queo trên chiếc ghế đá công viên Hạ Lầu, ở Côn Minh, trở thành một trong những trung đoàn trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam vào cuối năm 1946, lúc đó tôi vừa tròn 25 tuổi.
Có lẽ hơn ai hết, Bác Hồ là người hiểu tôi sâu sắc nhất, hiểu cả những thiếu sót, khuyết điểm (thói hư tật xấu) và hiểu cả những ưu điểm của tôi. Chính vì vậy mà Bác cũng rất tin tôi.
Trong cuộc hành trình gian nan, vất vả chứa đầy hiểm nguy trên con đường thiên lí từ Pắc Bó đi Côn Minh đầu năm 1945, Bác đã chọn tôi làm người cận vệ. Bây giờ nghĩ lại đôi khi vẫn cảm thấy rùng mình. Vận mệnh của cả một dân tộc, của cách mạng trong thời điểm quan trọng của lịch sử được phó thác cho vị lãnh tụ kiệt xuất: Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh… và chính tôi là người được giao trọng trách bảo vệ vị lãnh tụ đó, người mà mấy tháng sau trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Cha già của dân tộc.
Dọc đường đi Bác bị sốt cao, có lúc mê man, tôi đã đánh liều tiêm kí ninh vào ven cho Bác. Khi đưa mũi kim vào ven Bác tôi chỉ nghĩ một điều: Bác phải sống để kịp trở vè nước lãnh đạo cách mạng… và lòng tin của tôi đã thắng.
Khi giao cho tôi chức vụ trung đoàn trưởng, Bác chỉ phân vân: “Tính chú nóng và liều quá. Người làm tướng mà nóng và liều thường hỏng việc”. Nhưng Bác vẫn tin và giao nhiệm vụ cho tôi. Và tôi đã không phụ lòng tin của Bác.

Cứ như thế, Bác từng bước dạy bảo, dìu dắt tôi trưởng thành đi lên trên con đường cách mạng”.
 

Lời tác giả
 

Cuốn sách nhỏ này đến tay độc giả từ một cơ duyên khi tôi viết Kịch bản phim tài liệu nhựa Người cận vệ của Bác Hồ trong dự án làm phim về các tướng lĩnh của Điện ảnh Quân đội nhân dân.
Nguồn tài liệu tiếp xúc rất phong phú. Bản thân tôi từng trực tiếp trao đổi, trò chuyện với Thượng tướng Phùng Thế Tài. Gia đình ông, cô Yến và các anh các chị luôn động viên tôi viết một cuốn sách về ông. Tôi có khó khăn của mình là thời gian. Trong những năm gần đây, tôi vô cùng bận bịu nhưng lòng kính trọng và tâm nguyện viết một cuốn sách về ông luôn canh cánh.
Từ bối cảnh ấy, từ nguồn tư liệu ấy, tôi thực hiện cuốn sách nhỏ mang tính bước đầu dựa trên Hồi ký của Thượng tướng. Chắc chắn, khi thu xếp được thời gian và có nguồn tư liệu toàn diện hơn, tôi sẽ viết một cuốn sách thể hiện chân dung ông dưới lăng kính của văn học.

Phùng Văn Khai
 


Thượng tướng Phùng Thế Tài là một trong những tướng lĩnh tài ba, trụ cột của quân đội nhân dân Việt Nam. Sớm theo Đảng, theo Bác Hồ từ những ngày cách mạng còn trứng nước, ông luôn có mặt trên tuyến đầu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đảm đương nhiều cương vị quan trọng ở các thời khắc lịch sử và có những đóng góp nhất định. Cuộc đời ông là một tấm gương sáng của người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam. Từ người cận vệ đầu tiên của Bác Hồ, theo lời dạy của Bác, với ý chí, nghị lực và tài năng của mình, ông từng bước trưởng thành, trở thành Thượng tướng quân đội nhân dân Việt Nam, một vị tướng bản lĩnh, giàu cá tính, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, luôn đặt lợi ích của nhân dân, Tổ quốc lên trên hết để hoàn thành nhiệm vụ.
Phùng Thế Tài được phong quân hàm Thiếu tướng (1974), Trung tướng (1980), Thượng tướng (1986). Ông được tặng thưởng các Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất và hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất...
Nhìn nhận toàn bộ cuộc đời ông, thấy rất rõ sự hội tụ đầy đủ các phẩm chất đáng quý nhất của lớp cán bộ, chiến sĩ đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu và chiến thắng. Thượng tướng Phùng Thế Tài là một vị tướng độc đáo, một nhà quân sự tài năng, một trong những học trò trưởng thành nổi trội về năng lực quân sự của Bác Hồ. Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng tự hào có những vị tướng như ông.
Phùng Thế Tài tên thật là Phùng Văn Thụ, sinh năm 1920 tại xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội). Nhà nghèo, thuở nhỏ lưu lạc sang tận Vân Nam - Trung Quốc kiếm sống. Năm 1933, khi mới 13 tuổi ông làm giúp việc cho một nhà giàu ở thị trấn Chỉ Thôn tỉnh Vân Nam. Vốn là người có cá tính đặc biệt lại thông thạo võ nghệ, trong lúc phải bênh vực kẻ yếu, ông đã đánh lại lũ con chủ nhà rồi bỏ lên Côn Minh - thủ phủ tỉnh Vân Nam. Đang lúc đói rét chưa xin được việc làm phải lang thang ở công viên Hạ Lầu, ngoại thành Côn Minh, bỗng có một người đàn ông tới nói bằng tiếng Việt: “Em từ đâu mà đến đây?”. Thấy người đó nói tiếng Việt đàng hoàng đáng tin cậy, Phùng Thế Tài kể hoàn cảnh của mình.
Qua trò chuyện, người đàn ông đưa cậu thiếu niên Phùng Thế Tài về hãng dầu cù là Nhị Thiên Đường ở Côn Minh giao cho làm một số việc của hãng. Người đàn ông đó chính là đồng chí Vũ Anh với bí danh Trịnh Đông Hải. Thời gian này, đồng chí Vũ Anh được Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương cử sang Trung Quốc xây dựng cơ sở trong công nhân lao động người Việt. Qua thời gian thử thách, năm 1936, Phùng Thế Tài được vận động và tham gia tổ chức cách mạng tại đây.
Thấy rõ năng lực, chí hướng của Phùng Thế Tài, năm 1939, đồng chí Vũ Anh và các đồng chí trong tổ chức đã kết nạp ông vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Cũng trong thời gian này, Phùng Thế Tài được tổ chức cử đi học ở trường Sĩ quan Hoàng Phố, ông tốt nghiệp với quân hàm Trung úy.
Cách đây hơn 70 năm, ngày 28 tháng 1 năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 30 năm bôn ba nước ngoài đã đặt bước chân đầu tiên trở về với Tổ quốc. Nơi đón Người trở về là mảnh đất bên cột mốc 108 cũ trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Mảnh đất địa đầu phía Đông Bắc của Tổ quốc nay thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Thời khắc thiêng liêng ấy đã trở thành cột mốc lịch sử, đánh dấu sự mở đầu cho trang sử mới của cách mạng Việt Nam.
Bảo vệ Bác Hồ về nước có một người thanh niên họ Phùng, người cận vệ trung thành đã từng làm công tác bảo vệ Người từ năm 1940. Đó là Phùng Thế Tài, người sau này đã rất gắn bó với Bác Hồ trong các bước đường trưởng thành của mình.
 Để trở về Tổ quốc, Bác đã phải đi qua một chặng đường dài: Từ bến Nhà Rồng ngày 5 tháng 6 năm 1911 qua châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, châu Á, Liên Xô, Trung Quốc để về đến Cao Bằng. Chặng đường 30 năm biết bao gian nguy. Đi thật xa, thật lâu để tìm đường về nước, để cứu nước. Bởi cứu nước luôn là mục tiêu, là động lực của cả cuộc đời hoạt động của Bác Hồ.
Từ trước đó, năm 1940, tổ chức phân công Phùng Thế Tài làm công tác bảo vệ cho Bác Hồ thời gian Bác ở Côn Minh. Khi ấy Bác lấy bí danh là Trần. Về sự kiện này, Phùng Thế Tài kể qua hồi ức: “Sau khi đồng chí Vũ Anh giới thiệu tôi là bảo vệ, ông Trần nhìn tôi tỏ vẻ hài lòng. Tuần lễ đầu hai người nói chuyện với nhau bằng tiếng Trung Quốc, sau đó mới dùng tiếng Việt. Gọi là bảo vệ nhưng có súng ống gì đâu. Tôi vốn hiếu động, dạo trước đã làm một quả đấm sắt, một con dao. Bây giờ nó thực hữu ích. Tôi không được phép vào nhà ở của ông Trần mà chỉ đứng bên phải hoặc bên trái đường để quan sát. Thấy ông Trần đi ra ngoài, tôi đi theo phía sau thường cách năm đến mười mét.”
Trong khoảng thời gian làm công tác bảo vệ Bác Hồ, trò chuyện với Bác tuy không nhiều, phần lớn bằng tiếng Trung Quốc, nhưng Phùng Thế Tài đã thấy được nhiều vấn đề, đã có chuyển biến lớn về nhận thức trong các nhiệm vụ cách mạng. Điều này đã như một bước ngoặt để Phùng Thế Tài trưởng thành sau này.
Năm 1941, Phùng Thế Tài bảo vệ Bác Hồ về nước. Đây là một chuyến đi gian khổ, không ít hiểm nguy nhưng bằng tài trí của Bác cùng sự trung thành, mưu trí của các chiến sĩ cận vệ, Bác Hồ về cột mốc 108 an toàn. Bao nhiêu năm xa đất nước, cảm xúc thật khó nói bằng lời. Bác cúi xuống ôm hôn nắm đất thiêng liêng. Những người cận vệ rưng rưng bên Bác.
Phùng Thế Tài nhận nhiệm vụ quay trở lại tham gia lớp nghiệp vụ tình báo ở Hoàng Phố. Là người thông minh, tiếp thu nhanh, ít tháng sau ông được phong cấp Thiếu hiệu (ngang với Thiếu tá) và được cấp một số giấy chứng nhận đặc biệt có đóng dấu Tưởng Thống chế. Chính những giấy tờ này đã trở nên hữu ích trong các chuyến công tác bảo vệ Bác Hồ sang Trung Quốc sau này.
Năm 1942, ông được tổ chức giao nhiệm vụ phụ trách chuyển vũ khí từ Trung Quốc về nước. Phùng Thế Tài được đồng chí Vũ Anh giao nhiệm vụ ở lại Pắc Pó làm nhiệm vụ bảo vệ “Ké Thu” - bí danh khi ấy của Bác Hồ. Thời điểm này cuộc sống của “Ké Thu” và tổ bảo vệ thiếu thốn trăm bề. Anh em thương Bác luôn ốm yếu thay nhau đào củ rừng, mò cua, bắt cá và ưu tiên dành gạo để nấu riêng cho Bác. Bác Hồ dứt khoát không cho làm như thế. Bác bảo với Phùng Thế Tài và các đồng chí bảo vệ: “Các chú chịu được Bác cũng chịu được. Cách mạng còn nhiều khó khăn càng phải đồng cam cộng khổ”.Chính những điều giản dị ấy của Bác Hồ đã đi theo suốt cuộc đời của Phùng Thế Tài.
Tháng 8 năm 1942, lãnh tụ Hồ Chí Minh từ Cao Bằng sang Trung Quốc, với danh nghĩa đại biểu của Việt Nam độc lập Đồng minh và Phân bộ quốc tế chống xâm lược của Việt Nam để tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế. Đi đến Túc Vinh (một thị trấn thuộc huyện Tĩnh Tây, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), Người bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam. Chính điều này khiến Phùng Thế Tài, khi ấy do tổ chức phân công công việc khác đã vô cùng ân hận. Sau đó, Bác ra khỏi nhà tù Tưởng Giới Thạch trở về nước, Phùng Thế Tài lại được tổ chức phân công làm công tác bảo vệ Bác.
Về chuyện Bác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam luôn gây ấn tượng mạnh với Phùng Thế Tài. Khi ở trong tù, Bác thường lạc quan:

Gà gáy một lần đêm chửa tan
Chòm sao nâng nguyệt vượt lên ngàn;
Người đi cất bước trên đường thẳm,
Rát mặt, đêm thu, trận gió hàn.
Phương đông màu trắng chuyển sang hồng,
Bóng tối đêm tàn, quét sạch không;
Hơi ấm bao la trùm vũ trụ,
Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng.
                                      (Giải đi sớm)

Ví không có cảnh đông tàn,
Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân;
Nghĩ mình trong bước gian truân,
Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng.
                                      (Tự khuyên mình)
Gạo đem vào giã bao đau đớn,
Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông;
Sống ở trên đời người cũng vậy,
Gian nan rèn luyện mới thành công.
                                           (Nghe tiếng giã gạo)

Chính sự lạc quan của Bác đã cho những người cận vệ như Phùng Thế Tài những suy nghĩ lớn lao về bước đường gian nguy nhưng nhất định thành công của người làm cách mạng.
Năm 1944, Bác Hồ quyết định phải nối mặt trận ngoại giao với những người cộng sản Trung Quốc và đặc biệt là thiết lập mối quan hệ với người Mỹ ở Trung Quốc. Khi ấy, tình hình chính trị của Trung Quốc rất phức tạp nhưng cũng là giai đoạn bắt tay giữa Đảng Cộng sản và Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch. Lúc đó, ta mới bắt được một trung úy phi công Mỹ tên là Saw tại bản Ngần ven thị xã Cao Bằng nên Bác quyết định sử dụng viên trung úy như một bức thông điệp để tiếp cận với viên tướng Tư lệnh không quân Mỹ ở Vân Nam.
Chuyến đi được giữ hết sức bí mật. Đoàn vẻn vẹn có bốn người gồm Bác Hồ, viên phi công Mỹ, Đinh Đại Toàn và Phùng Thế Tài, hai người là bảo vệ. Đoàn xuất phát ở cột mốc 108 Cao Bằng đi thẳng sang Tĩnh Tây.
Sau nhiều ngày lặn lội trên đường rất vất vả vừa phải cảnh giới với nhung nhúc mật thám vừa tìm những con đường an toàn, đoàn đến được Tĩnh Tây. Do thông hiểu tiếng Trung Quốc nên Phùng Thế Tài tới cổng gác quân doanh của trung tướng Trần Bảo Xương, chủ nhiệm sở chỉ huy Tĩnh Tây thuộc chiến khu 4 do tướng Trương Phát Khuê làm tư lệnh. Sau khi xưng danh và mục đích, đặc biệt có món quà là viên phi công Mỹ, đoàn công tác lập tức được tướng Trần Bảo Xương đón tiếp nhưng viên phi công Mỹ chỉ nói được tiếng Anh lại không có phiên dịch nên phải đợi các tùy tùng của Trần Bảo Xương tìm phiên dịch. Cũng ngay lúc đó, Trần Bảo Xương gọi điện thoại báo cáo thượng cấp và nhận thông tin được phép tiếp đoàn của Bác. Sau khi có phiên dịch làm việc, Trần Bảo Xương lệnh cho sĩ quan đối ngoại sắp xếp nơi ăn chốn ở cho đoàn và thân mật mời cơm Người.
Phát hiện thấy thái độ vồ vập quá đáng với viên trung úy phi công, Phùng Thế Tài đã bắt đầu nghi ngờ, chỉ sợ sau khi có trong tay món hời, các tướng lĩnh Quốc Dân Đảng tranh công rồi làm khó dễ cho Bác, thậm chí chúng có thể làm càn vì trước đó, Tưởng Giới Thạch đã từng bắt giam Bác hơn một năm trời ở các nhà tù Quảng Tây. Thấy tình hình bất lợi, Phùng Thế Tài xin phép Bác lén theo dõi động tĩnh của viên trung úy và tướng Trần Bảo Xương. Khoảng chín mười giờ tối, các sĩ quan của Trần Bảo Xương mời Bác đi ngủ.
Trằn trọc không ngủ được, thấy phía nhà khách còn sáng đèn, Phùng Thế Tài bí mật lẻn đến thấy Trần Bảo Xương cùng với phiên dịch đang tìm mọi cách khai thác viên trung úy Saw. Loáng thoáng nghe thấy tiếng “bắt giữ”, Phùng cận vệ lập tức về báo cáo Bác. Tình hình lúc đó rất khẩn trương, Bác nhận định tay chân của Tưởng Giới Thạch hoàn toàn có thể lợi dụng vào thời cơ này để một lần nữa bắt giữ Bác. Bác hội ý với hai người cận vệ và cả ba thống nhất phải rời sở chỉ huy của Trần Bảo Xương ngay lập tức. Bác quyết định quay trở lại biên giới ngay trong đêm, về lại Pác Pó rồi hạ lệnh tắt điện, sắp xếp giường chiếu như là đã đi ngủ để đánh lạc hướng. Khi đi qua cổng, Phùng Thế Tài nhanh trí nói là đi mua thuốc nên chúng không nghi ngờ gì.
Ba Bác cháu gấp rút tranh thủ rời khỏi nơi nguy hiểm. Bác quyết tâm làm sao đến mờ sáng phải có mặt ở cột mốc 108 trước khi mệnh lệnh bắt giữ của Trần Bảo Xương kịp ban bố. Khi ấy sức khỏe của Bác không được tốt nhưng Bác rất cố gắng để không ảnh hưởng tới sự an nguy của đoàn nếu chậm chân.
Khi đã đi được nửa đoạn đường, Bác rất khát nước và bắt đầu xuống sức, Phùng Thế Tài phải đi hàng cây số tìm suối lấy nước cho Bác uống. Trước khi đi, Phùng Thế Tài đãi Bác điếu thuốc lá (Phùng Thế Tài được phân công giữ thuốc là và chỉ để cho Bác hút hết sức hạn chế theo chỉ định. Từng nhiều lần Bác Hồ nằn nỉ xin thuốc hút nhưng Phùng cận vệ kiên quyết không đưa). Có nước uống, lại được hút điếu thuốc thêm phần tỉnh táo, Bác phấn chấn giục mọi người gấp rút lên đường. Đến mờ sáng thì về được sát biên giới.
Mấy Bác cháu được đồng chí Lê Quảng Ba đón về ở một cái hang cách cột mốc 108 hơn một ki lô mét. Bác lập tức hội ý với đồng chí Lê Quảng Ba, xác định những ngày tới phải tìm mọi cách tiếp tục đến Côn Minh bởi tình hình cách mạng rất khẩn trương, trên các mặt trận trục phát xít đang thua đậm, thời cơ làm cách mạng giành độc lập dân tộc đang có những điều kiện quốc tế thuận lợi.
Lần đi này được giữ tuyệt đối bí mật và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Phùng Thế Tài được tổ chức giao cho ba con ngựa dùng để cưỡi nhưng Bác kiên quyết không cưỡi. Bác bảo đi bộ cũng là một phương pháp rèn luyện thể lực. Thế là hai người cận vệ trẻ (Phùng Thế Tài và Đinh Đại Toàn) cưỡi ngựa còn Bác đi bộ. Hai anh cận vệ bàn nhau như thế thì không thể được nên lại giao ngựa cho dân. Ba Bác cháu hạ quyết tâm bí mật đi theo hướng Điền Đông, Điền Cả, qua một loạt xã, huyện, thị trấn đến Côn Minh. Đinh Đại Toàn, người dân tộc thiểu số rất chăm chỉ, đặc biệt rất khỏe nên mang đồ đoàn khá tốt. Chỉ phải cái chàng thanh niên này ăn rất khỏe, mỗi bữa cứ phải bảy, tám bát mà cậu chàng vẫn còn muốn ăn nữa. Phùng Thế Tài loay hoay không biết làm sao nhưng cũng phải báo cáo với Bác vì cứ đà ăn thế này có khi không đủ lộ phí để đến được Côn Minh, Bác cười bảo: “Cứ để cho cậu ấy ăn, vài ngày nữa mệt tự khắc ăn ít đi”. Đúng như dự đoán, cậu chàng người dân tộc ăn rút dần. Khi ấy, Phùng cận vệ mới thở phào.
Chuyến đi rất gian lao nhưng kết quả thì rất tốt. Bác đã tiếp xúc được với người Mỹ ở Côn Minh, đạt được một số thương thảo có lợi cho cách mạng Việt Nam, thậm chí phía đoàn Mỹ còn giao hẳn một chiếc máy bay để phục vụ đoàn Việt Nam.
Sau khi đàm phán thành công, tháng 3 năm 1945, máy bay Mỹ chở Bác và đoàn (lúc này một số nhân sĩ trí thức người Việt Nam ở Trung Quốc theo Bác về làm cách mạng như Cao Hồng Đính, Lâm Bá Kiệt…) từ Côn Minh về Bách Sắc để Bác làm việc với Bộ Tư lệnh chiến khu 4, tướng Trương Phát Khuê và tướng Trần Bảo Xương, những người luôn ngầm kính trọng tài năng và nhân cách của Hồ Chủ tịch tổ chức đón đoàn. Tướng Trương Phát Khuê cho xe zip ra tận sân bay đón Bác.
Sau khi chiêu đãi đoàn và được Bác thông báo phía Mỹ đã công nhận tổ chức Việt Nam cách mạng đồng chí hội là tổ chức cách mạng hợp pháp đại diện cho quyền lợi của nhân dân Việt Nam, tướng Trương Phát Khuê đã điện báo cáo Tưởng Giới Thạch ngay. Khi ấy Tưởng cũng đồng ý để Trương Phát Khuê tiếp đón trọng thể Bác. Cũng thời điểm ấy, có lính gác báo cáo với đoàn Việt Nam có người xưng tên là Hoàng Quốc Việt xin được gặp các đại biểu trong đoàn. Phùng Thế Tài lập tức báo cáo Bác Hồ. Bác bảo mời ngay Hoàng Quốc Việt cùng các đồng chí Đặng Viết Châu, Dương Đức Hiền vào gặp. Đồng chí Hoàng Quốc Việt vừa ở trong nước sang đã báo cáo tình hình công việc mọi mặt với Bác. Bác lắng nghe, sau đó căn cứ chuyển biến của tình hình quốc tế, phân công ngay Hoàng Quốc Việt về báo cáo trung ương một số việc cần làm ngay. Hoàng Quốc Việt lập tức lên đường trở về báo cáo với đồng chí Trường Chinh xử lý công việc theo sự phát triển của cách mạng và các nhân tố quốc tế mới.
Khi ấy có một việc đột biến xảy ra. Khi thấy cục diện chiến tranh biến đổi, phát xít Nhật đang trên bờ diệt vong, Tưởng Giới Thạch tính nước cờ để Hoa quân nhập Việt. Tiếng là tước vũ khí và tiếp nhận đầu hàng của quân Nhật nhưng thực chất là định thôn tính Việt Nam với sự cấu kết của một số thế lực phản động trong nước. Phát hiện ra âm mưu đen tối của chúng,Bác lập tức hạ mệnh lệnh lên đường trước khi lệnh của Tưởng Giới Thạch tới được các cửa ải và tay chân mật thám của Tưởng. Cũng rất may mắn là tướng Trần Bảo Xương, chủ nhiệm sở chỉ huy Tĩnh Tây của chiến khu 4 sau sự việc hiểu lầm trước kia đã tỏ ra rất khâm phục Bác. Trần tướng quân chỉ thông báo lệnh của thượng cấp một cách chiếu lệ để đoàn ta kịp về nước.
Mới thấy rằng, đạo đức và nhân cách của Người đã cảm hóa rất nhiều người, trong đó có cả tướng lĩnh của kẻ thù.
Bác kịp về Pắc Pó an toàn cùng với đoàn tùy tùng chỉ đạo thắng lợi cách mạng Việt Nam, giành độc lập tự do cho dân tộc.
*
*      *
Đầu năm 1945, Phùng Thế Tài báo cáo xin Bác cho được đi chiến đấu trực tiếp. Bác đồng ý. Bác nhất trí cho Phùng Thế Tài làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội Giải phóng quân Thất Khê. Hôm tiễn Phùng Thế Tài đi nhận nhiệm vụ mới, Bác dặn: “Chú sẵn sàng đi chiến đấu, thế là tốt, nhưng nhớ đừng có “hữu dũng, vô mưu”.
Đừng hữu dũng, vô mưu, lời dặn của Bác khiến Phùng Thế Tài như thấy được những điểm còn xốc nổi, nóng nảy, suy nghĩ còn chưa thấy hết được những vấn đề lớn trước mắt và lâu dài. Lời Bác chân thành, thẳng thắn và có phần sát sạt với cá nhân người cận vệ mà ông dành cho nhiều tình cảm. Chính lời căn dặn này, đã theo suốt cuộc đời vị tướng họ Phùng.
Lắng nghe lời dặn của Bác, Phùng Thế Tài tham gia giành chính quyền tại Thất Khê tháng 8 năm 1945. Tại nơi đây, trên cương vị Tiểu đội trưởng Giải phóng quân Thất Khê, ông đã cùng với quân dân địa phương giành chính quyền thắng lợi, mau chóng bắt tay vào việc ổn định đời sống của nhân dân.
Sau khi giành chính quyền tại Lạng Sơn thành công, Phùng Thế Tài được cử làm Ủy viên Quân sự Việt Minh tại Lạng Sơn kiêm Chi đội phó Chi đội Lạng Sơn.
Những ngày đầu mới giành được chính quyền, công tác quân sự mang nhiều trọng trách mà việc hàng đầu là tham gia củng cố chính quyền nhân dân, tạo niềm tin cho nhân dân vào chính quyền Việt Minh để có những bước chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ gian khổ sau này. Đó cũng là phương châm hành động của Chi đội Lạng Sơn trong những ngày xây dựng chính quyền non trẻ.
Thực dân Pháp bội ước. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ. Quyết liệt nhất là mặt trận Hà Nội. Những đơn vị cảm tử ra đời. Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh là ý chí sắt đá của quân và dân Hà Nội.
Đầu năm 1947, Phùng Thế Tài được cấp trên điều từ Lạng Sơn về mặt trận Hà Nội làm Ủy viên Quân sự trong Ủy ban Hành chính Kháng chiến Hà Nội kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 37. Điều này cho thấy cấp trên luôn tin tưởng vào năng lực chỉ huy đa dạng của Phùng Thế Tài. Người cận vệ của Bác Hồ đã sớm có mặt nơi khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự hy sinh cao nhất.
Trên cương vị mới, Phùng Thế Tài chỉ huy bộ đội tập kích vào Thị xã Hà Đông khiến địch vô cùng khiếp sợ. Giặc Pháp cho rằng ta không còn bộ đội chủ lực và cũng không đủ sức tập kích vào Thị xã. Trận tập kích gây tiếng vang lớn đã tạo cho bộ đội ta có kinh nghiệm tập kích địch trong thành phố và cho Trung đoàn trưởng Phùng Thế Tài sự quả đoán, quyết thắng, đánh địch trong lòng địch, đánh địch để dân tin, đánh địch để trưởng thành.
Năm 1950, Phùng Thế Tài được bổ nhiệm Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội. Tiếp đó nhận mệnh lệnh từ cấp trên chỉ huy bộ đội tập kích sân bay Bạch Mai. Ta đốt phá, tiêu hủy 25 máy bay, các kho tàng, 60 vạn lít xăng dầu, 32 tấn vũ khí trang bị của thực dân Pháp làm chấn động cả Thủ đô Pa-ri. Từ trận thắng này đã nâng cao khí thế bộ đội ta, gây hoang mang cho địch ngay trong sào huyệt của chúng. Trận thắng thể hiện tài chỉ huy táo bạo, quả cảm của chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội Phùng Thế Tài.
Trận đánh sân bay Bạch Mai thực hiện chiến lược đẩy mạnh công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên toàn quốc, với phương châm: “Tất cả cho tuyền tuyến, tất cả để chiến thắng, coi kháng chiến trên hết, quân sự trên hết”, Thành ủy Hà Nội và Ban Chỉ huy Mặt trận Hà Nội quyết định tổ chức các hoạt động quân sự mạnh mẽ, xây dựng và triển khai các trận đánh ngay trong lòng địch. Khi ấy, sân bay Bạch Mai là một trong những mục tiêu hiểm yếu của địch trên địa bàn Hà Nội, là nơi máy bay địch xuất phát tiếp viện toàn diện cho quân Pháp trên chiến trường Bắc Bộ. Đánh sân bay Bạch Mai, ta vừa đạt mục đích phá hủy phương tiện kỹ thuật hậu cần cấp chiến lược của địch vừa tạo niềm tin cho nhân dân. Khi ấy, bộ đội ta bằng công tác nghiệp vụ đã quan sát kỹ bố phòng toàn bộ khu sân bay báo cáo với Ban Chỉ huy Mặt trận. Mặt trận Hà Nội do Phùng Thế Tài làm chỉ huy trưởng quyết định tổ chức trận đánh sân bay Bạch Mai và giao cho Tiểu đoàn 108 đảm nhiệm với phương châm: “Bí mật, bất ngờ, ít đánh nhiều, hiệu quả cao”. Sau thời gian bí mật luyện tập thành thạo, Tiểu đoàn 108 quyết định chỉ sử dụng ba mươi người cho trận đánh.
Chiều ngày 17 tháng 1 năm 1950, Tiểu đoàn xuất quân. Mỗi chiến sĩ được trang bị một quả mìn chai, hai quả lựu đạn và một chiếc bánh mì. Anh em cải trang giống như những người buôn bán, làm thuê với tốp năm, tốp ba, đi thành nhiều đường để tránh bọn việt gian và máy bay theo dõi. Đến đoạn Cầu Đen bắc qua sông Nhuệ, các chiến sĩ dừng lại bôi tỏi vào người để tránh chó Béc-giê đánh hơi, ăn gừng nấu lẫn với mật để chống ho và nhận những tấm lưới đánh cá buộc cỏ làm tấm ngụy trang.
Đêm ấy, sương mù dày đặc, 30 chiến sĩ Tiểu đoàn 108 đã bí mật lọt qua hàng rào lần lượt leo lên đặt mìn vào các máy bay và cắm kíp nổ chậm. Quả mìn cuối cùng được cài xong cũng là lúc lính gác phát hiện quân ta tập kích và nổ súng báo động. Các chiến sĩ theo đường rút ra ngoài cũng là lúc mìn nổ dữ dội, kho xăng bốc cháy sáng rực cả bầu trời. Đại bác địch ở Xuân Tảo, Văn Điển bắn tới tấp xung quanh sân bay. Xe tăng, xe bọc thép, ô tô cảnh sát địch bịt chặt các ngả đường nhưng các chiến sĩ ta đã rút lui an toàn.
Trận đánh đạt hiệu quả cao đã cho thấy sự chỉ huy táo bạo, tài tình của Chỉ huy Mặt trận Hà Nội trong đó đồng chí Phùng Thế Tài làm chỉ huy trưởng cũng như sự mưu trí, dũng cảm, sáng tạo tuyệt vời của các chiến sĩ Tiểu đoàn 108. Trận đánh sân bay Bạch Mai đã gây tiếng vang lớn, mở ra những cách đánh địch trong lòng địch làm nức lòng quân và dân cả nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trước tình hình chuyển biến của các mặt trận, Bác Hồ chỉ thị thành lập các Đại đoàn chủ lực.Đại đoàn 320 được thành lập. Đồng chí Văn Tiến Dũng được bổ nhiệm làm Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy. Phùng Thế Tài được cử giữ chức Tham mưu trưởng Đại đoàn 320. Thời điểm này, có một câu chuyện giàu ý nghĩa mang đậm cá tính Phùng Thế Tài. Năm 1952, ông chính thức đổi tên từ Phùng Hữu Tài thành Phùng Thế Tài. Cái tên Hữu Tài do Bác Hồ đặt cho. Nay ông đổi tên khiến không ít người băn khoăn. Càng về sau, mới thấy quyết định của ông thật trong sáng. Trước sau ông đều nói: “Hồi đó, Bác Hồ đặt Hữu Tài cho mình là có ý của Bác, nhưng mình nghe người ta bảo gọi Hữu Tài dễ sinh ra kiêu căng, tự phụ, thiếu khiêm tốn, nên mình xin Bác đổi lại là Phùng Thế Tài và Bác đã đồng ý”.
Mới thấy rằng sự khiêm tốn, giản dị, sáng trong của Người cận vệ của Bác Hồ khiến ngay cả Bác cũng thấy tự nhiên trong một thay đổi đã từng được Bác đặt ra từ trước đó.
Phùng Thế Tài tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trên cương vị Tham mưu trường Đại đoàn 320.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Niềm vui vô bờ bến của nhân dân, của người chiến sĩ trong đó có Người cận vệ của Bác Hồ.
Ngày 10 tháng 10 năm 1954, Đại đoàn 320 cùng các Đại đoàn tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Đại đoàn 320 tiến vào từ cửa ô Đông Mác và cửa ô Cầu Dền. Năm cửa ô đón chờ đoàn quân tiến về. Những trận đánh tập kích trong đêm Thị xã Hà Đông, sân bay Bạch Mai khi xưa vụt trở về. Hôm nay đây, quân ta đi giữa ban ngày, trong biển cờ hoa tung bay, trong sóng người rạng rỡ nói cười. Người chiến sĩ vẻ vang dưới cờ quyết thắng.
Hình ảnh những đoàn quân trong ngày 10 tháng 10 năm 1954, theo nhiều ngả đường từ ngoại thành tiến vào thủ đô Hà Nội chia thành nhiều cánh quân tiến vào năm cửa ô chính rồi từ đó tỏa đi các phố phường là hình ảnh lịch sử không thể phai mờ trong tâm trí những người dân Việt Nam nhiều thế hệ trong đó có Người cận vệ của Bác Hồ - Thượng tướng Phùng Thế Tài. Lần lượt bộ đội ta tiếp thu nhà Ga, phủ Toàn quyền, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, phủ Thống sứ… Thủ đô rực sắc cờ hoa.
Một hình ảnh ngược chiều với những người chiến thắng, cũng thời khắc ấy, đó là hình ảnh quân đội Liên hiệp Pháp rời khỏi thành phố, lặng lẽ, lầm lũi rút sang phía Bắc cầu Long Biên. Những người Pháp im lìm, lạc lõng, ai cũng co mình lại như không muốn đối diện sự thật. Một sự thật lịch sử không dễ gì chấp nhận với nước Pháp. Một sự thật lịch sử cả thế giới đang hướng nhìn. Người Pháp, thể chế Pháp, nền văn minh Pháp đã có những bước ngoặt lịch sử ở những nơi họ đặt chân tới như thế. Đó cũng là một tất yếu của lịch sử.
Bộ đội ta tiến đến đâu, nhân dân ta đổ ra hai bên đường, tưng bừng chào đón, phất cờ tung hoa, reo mừng không ngớt. Cổng chào, khẩu hiệu dựng lên khắp các đường phố, cờ đỏ sao vàng rực rỡ tung bay trên khắp các tầng nhà. Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi vui sao lúc quân thù đầu hàng cờ rợp trời tung bay trên mũ… Lời người như sóng. Rừng cờ hoa như sóng mênh mông, trải dài, vươn cao bất tận. Trời xanh đây là của chúng ta/ Những nẻo đường bát ngát/ Những dòng sông chở nặng phù sa. Hạnh phúc được trả bằng máu xương của biết bao anh hùng liệt sĩ. Ôi Thủ đô! Đoàn quân chiến thắng đã trở về.
Nhân dân thủ đô quần áo chỉnh tề, tươm tất. Người người mang cờ, ảnh Bác Hồ, những bó hoa tươi thắm, đứng thành đội ngũ trật tự theo từng công sở, xí nghiệp, trường học, khu phố..., kéo tới những con đường đón bộ đội hành quân qua.
Đoàn xe đầu tiên do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính và bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính dẫn đầu đi qua phố Hàng Đường, Hàng Đào vào trung tâm thành phố. Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, từng ngày nào chỉ huy những chiến sĩ Thủ đô trong mùa đông năm 1946Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Người chiến sĩ Thủ đô chiến đấu anh dũng trong từng căn nhà, góc phố. Máu các chị các anh đã thấm xuống mảnh đất thiêng liêng Thăng Long - Hà Nội. Đoàn quân ấy đã quyết tử. Đoàn quân ấy đã vượt sông Hồng lên chiến khu kháng chiến để làm lên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Chín năm làm một Điện Biên/ Lên vành hoa đỏ lên thiên sử vàng.
Hôm nay, vẫn là đoàn quân ấy, đoàn quân chiến thắng trở về. Đó là những chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô. Các chiến sĩ diễu binh qua Kim Mã, Hàng Đẫy, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang… tiến vào Cửa Đông thành Hà Nội. Năm cửa ô đón chào đoàn quân tiến về. Người chen người. Cờ hoa tràn ngập cờ hoa. Tiếng hát nụ cười vang không dứt đón đoàn quân chiến thắng.
Cánh quân phía Nam xuất phát từ Việt Nam học xá tiến qua Bạch Mai, sang phố Huế, vòng quanh hồ Gươm chiếm lĩnh toàn bộ khu vực Đồn Thủy và Đấu Xảo. Đoàn cơ giới và pháo binh xuất phát từ Bạch Mai, qua phố Bạch Mai, sang phố Huế, tiến đến Bờ Hồ, qua Hàng Đào, Hàng Ngang, chợ Đồng Xuân, rẽ sang đường Cửa Bắc tiến vào thành lúc 10 giờ 45.
Còi Nhà hát Lớn thành phố nổi lên một hồi dài. Mấy chục vạn nhân dân Hà Nội trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại sân vận động Cột Cờ với sự tham gia của các đơn vị quân đội. Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng.
Lời Người một lần nữa vang lên đĩnh đạc, đàng hoàng, chứa chan tình cảm với những lời lẽ giản dị nhất. Ngay từ khi Người đọc lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, toàn dân ta đã tin tưởng sẽ có được ngày này. Kháng chiến dù gian khổ đến đâu cũng đã thành công. Người dân Việt Nam đã vượt bao đau thương để bảo vệ nền độc lập, tự do, dân chủ theo sự dẫn dắt, chèo lái của một con người vĩ đại - Hồ Chủ tịch.
Đã mấy mươi năm, mỗi dịp kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô, trong tâm tưởng của Người cận vệ của Bác Hồ - Thượng tướng Phùng Thế Tài, lời Bác Hồ vẫn còn vang mãi. Vẫn còn vang vọng mãi tiếng đoàn quân hùng tráng tiến về các cửa ô dưới sắc cờ thu Hà Nội.

(Còn tiếp)