(Chủ nhật, 03/09/2023, 10:32 GMT+7)
Khó có thể nói hết được sự dâng hiến, hy sinh của chiến sĩ, đồng bào ta trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Cái giá của độc lập, tự do và hòa bình thống nhất non sông được tính bằng những năm tháng đầm đìa máu và mồ hôi của nhiều thế hệ người con đất Việt. Từ Bắc vào Nam, đi đến đâu ta cũng thấy nghĩa trang liệt sĩ, cũng gặp các thương binh, bệnh binh…
 
Có lẽ, ký ức và dấu vết về các cuộc chiến tranh bi tráng là phần đậm đặc nhất trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam, được cảm nhận rất rõ trong dòng thi ca tưởng niệm tri ân đầy ám ảnh và xúc động. Cũng đúng thôi, chẳng có cuộc chiến tranh nào là trò đùa cả. Tôi nghe lạnh giữa hai bờ cuộc chiến/ Cái chết nối hàng/ Cái chết tiễn đưa nhau… (Thơ Trần Anh Thái); Nhiều người được trở về với mẹ/ không vẹn nguyên hình hài/ những bàn chân, bàn tay, những hốc mắt nằm lại/ vô danh thành đất đai… (Thơ Trần Quang Đạo)… Chúng ta phải chiến đấu với những kẻ thù có nền kinh tế và quân sự lớn hơn bội phần. Do đó, để chiến thắng kẻ thù, dân tộc phải chấp nhận sự tổn thất, hy sinh vô cùng lớn. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay cả nước có gần 1,2 triệu liệt sĩ hy sinh trong các cuộc kháng chiến cứu nước và bảo vệ Tổ quốc; trong đó khoảng 200 ngàn liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt. Hơn 300 ngàn hài cốt liệt sĩ chưa xác định được tên tuổi, quê quán, đơn vị… Cả nước có khoảng 800 ngàn thương binh và bệnh binh và hơn 127 ngàn Bà mẹ Việt Nam anh hùng…
 
Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai; Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trên thế giới, kể cả những kẻ thù từng gây nhiều đau thương cho nhân dân ta. Nhưng, sẽ là có tội với dân tộc, với cha anh nếu chúng ta lãng quên quá khứ. Cả sự trở cờ, lật ngược hay lẩn tránh hiện thực lịch sử cũng mang tội với những người đã anh dũng hy sinh. Nhắc lại và nhấn mạnh điều đó là tôi muốn khẳng định rõ hơn ý nghĩa cao cả của công cuộc đền ơn đáp nghĩa, sự tri ân với liệt sĩ, thương binh mà Đảng, chính quyền và nhân dân ta đã và đang thực hiện. Nhưng sự tri ân ấy rất cần thành tâm và trong sáng. Có trong sáng và thành tâm nó mới ứng nghiệm. Ngược lại, sớm muộn sẽ chuốc lấy những điều không hay, phải hứng chịu nhiều hiểm họa khôn lường. Bởi đó là đạo lý, là nhân văn, là truyền thống nhân nghĩa của dân tộc. Đó cũng là vấn đề thuộc về tâm linh, mà tâm linh là cái đang rất khó lý giải trong tầm nhận biết của nhân loại hiện nay.


Đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý phỏng vấn một bà mẹ có con hy sinh ở Thành cổ Quảng Trị
 
Xin nhắc lại vài câu chuyện mà chắc nhiều người đã nghe kể hoặc chứng kiến: Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn nằm ở thượng nguồn sông Bến Hải, thuộc tỉnh Quảng Trị. Năm 1975, chúng ta khởi công xây dựng cõi vĩnh hằng cho hơn 10 ngàn liệt sĩ là bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… đã ngã xuống trên trùng điệp vạn lý Trường Sơn những năm kháng chiến chống Mỹ. Hơn 10 ngàn mới chỉ là khoảng một nửa số liệt sĩ trên tuyến đường Trường Sơn… Vậy mà ai đã đọc Bến đò xưa lặng lẽ của nhà văn Xuân Đức, chắc không khỏi rùng mình xót xa trước những hành vi “thất đức” của những kẻ dính vào vụ làm giả mộ liệt sĩ ở Quảng Trị. Cuối cùng những kẻ gây ra tội ác ấy đã bị pháp luật trừng trị đích đáng. Nhiều người bảo: “Làm việc khuất tất mà qua mắt các liệt sĩ được à!” Đừng đùa với người âm, mà đây là liệt sĩ nữa nhé! Tôi nghĩ, Đảng, chính quyền các cấp và nhân dân ta đã làm nhiều việc ý nghĩa cho liệt sĩ, thương binh. Những cuộc đi tìm đồng đội kéo dài đằng đẵng từ ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác. Rừng sâu, núi cao, bưng biền, ruộng rẫy, biển rộng khơi xa… ở đâu có tin tức về liệt sĩ là ở đó có dấu chân người tìm kiếm. Họ là những đơn vị quân đội được giao nhiệm vụ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, cũng có thể là nhóm người hay một ai đó là đồng đội của người hi sinh. Lắm vất vả, gian khó và không tránh khỏi bệnh tật, chết chóc khi dấn thân vào hành trình ân nghĩa này.
 
Không thể không cảm động khi thấy nhiều nghĩa trang liệt sĩ được chăm sóc kỹ càng và được nâng cấp đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Đồng thời, sự quan tâm đến các gia đình liệt sĩ, thương binh, các Mẹ Việt Nam anh hùng cũng ngày càng thiết thực. Những ngôi nhà tình nghĩa, những phần quà, những cuốn sổ tiết kiệm dành cho gia đình chính sách đã minh chứng sinh động cho điều đó. Vào ngày 27/7 hằng năm, sự đền ơn đáp nghĩa được đẩy lên thành cao trào. Tháng 7 là tháng tỉnh Quảng Trị đón được nhiều khách đến vùng đất nắng gió dữ dằn này nhất. Ở đây có hai nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia là Trường Sơn và Đường Chín. Thành cổ Quảng Trị, nơi từng xảy ra cuộc huyết chiến 81 ngày đêm trong mùa hè đỏ lửa 1972 cũng có thể xem là một nghĩa trang liệt sĩ không bia mộ. Chưa hết, còn thêm một dòng sông hoa lửa nữa đã đi vào thơ cựu chiến binh, nhà báo Lê Bá Dương: Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi nghìn năm. Ngoài ra còn có hơn 70 nghĩa trang liệt sĩ khác nữa nhấp nhô bia mộ phơi màu theo mưa nắng miền Trung. Nếu chọn một vùng đất để nói lên khát vọng hòa bình của dân tộc ta, tôi nghĩ không đâu bằng Quảng Trị.
 
Tuy nhiên, phong trào đền ơn đáp nghĩa hướng về các liệt sĩ, thương binh cần phải làm thường xuyên, không chỉ “bùng lên” trong ngày kỷ niệm 27/7. Không phải làm để quay phim, chụp ảnh và lan truyền trên các phương tiện truyền thông. Xây một căn nhà tình nghĩa be bé lại đính vào một tấm biển to tướng ghi đầy đủ tên đơn vị, người ủng hộ; hoặc tặng một cuốn sổ tiết kiệm vài triệu đồng cho thân nhân liệt sĩ hay thương bệnh binh khó khăn thì loay hoay diễn đi diễn lại cảnh trao tặng để quay phim chụp ảnh tưng bừng... Đừng mượn những việc làm ấy để đánh bóng, tô hồng tên tuổi mình. Phật dạy: làm việc thiện nên đừng để cho ai biết. Cái bệnh ưa ồn ào, khoe mẽ đang khá nặng trong xã hội hiện nay.
 
Xây dựng cuộc sống giàu tình thương và trọng lẽ phải, nhân dân được hưởng hạnh phúc là cách đền ơn đáp nghĩa trọn vẹn nhất. Đương nhiên, đấy là một sự nghiệp vô cùng khó khăn và cực kỳ dài lâu. Trong cuộc sống hiện thời phải bằng nhiều cách chăm lo đến đời sống của các thương binh, bệnh binh, các gia đình, thân nhân liệt sĩ. Sao cho họ và cả chúng ta nữa đều có được niềm tin cao cả này: máu của các liệt sĩ, thương binh đổ xuống không uổng; chính họ đã xây nên nền tảng vững bền cho xã hội hôm nay. Những vụ án tham nhũng hàng trăm tỉ, hàng nghìn tỉ làm đau lòng chúng ta và có lẽ cũng làm xót xa linh hồn những người đã ngã xuống. Sau cuộc chiến chống kẻ thù ngoại xâm lại bước vào cuộc chiến chống “giặc nội xâm”. Cần lắm những bản lĩnh kiên cường, những tấm lòng trong sáng, những tầm vóc xứng đáng. Tôi tin, trong cuộc chiến phức tạp này, Bác Hồ và các liệt sĩ vẫn đồng hành cùng các cán bộ, đảng viên chân chính, với nhân dân ta. Tin dân, trọng dân, biết dựa vào sức dân sẽ làm được tất cả. Công cuộc đền ơn đáp nghĩa, tri ân liệt sĩ dài lâu cũng vậy. Trọn vẹn và đẹp đẽ từ ý nghĩa đến hành động. Đó là sự thực tâm và trong sáng. Không của riêng ai và không thể nào khác được! 
 
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý
 
(Nguồn: Văn nghệ số 30/2023)