(HNMCT) - Đang ngày càng có nhiều nhà văn quan tâm đến đề tài lịch sử. Hànộimới Cuối tuần xin giới thiệu một số ý kiến trước câu hỏi “Nhà văn triệu hồi lịch sử để làm gì?”
PGS.TS Trương Đăng Dung:
Tác phẩm văn học có thể trở thành đối tượng hiện hữu của lịch sử văn học
Quá khứ như là dữ kiện lịch sử không thể làm lại đúng như thực tế của nó, cho dù nhà sử học phân tích, hệ thống hóa các cứ liệu một cách tỉ mỉ. Trong công trình lịch sử của nhà sử học, sự thật hay sự kiện lịch sử chỉ có thể “phục chế”, nỗ lực của nhà sử học chỉ có thể làm cho cái một thời từng là sự thật trở nên có thể tin được mà thôi. Đối tượng của sử học đã bị thời gian nuốt mất. Trong khi đó, những tác phẩm văn học có thể hiện diện, trở thành đối tượng hiện hữu của lịch sử văn học. Chính sự khác nhau này dẫn đến việc ứng xử với dữ kiện lịch sử và dữ liệu văn chương khác nhau. Tác phẩm văn học là một cấu trúc đang chờ được giải mã, cái cấu trúc ẩn chứa sự thông báo mà quá trình khám phá ra nó thì nghĩa (cái được biểu đạt) và cái biểu đạt đều phải được chú ý như nhau.
Đối tượng của lịch sử, như tôi nói, đã bị thời gian nuốt chửng. Cái mà chúng ta gọi là lịch sử chỉ là nỗ lực của nhà sử học mà thôi. Lukács Gyorgy, trong nghiên cứu về tiểu thuyết lịch sử luôn nhấn mạnh, lịch sử có mối liên hệ với điều gì đó ở hiện tại của con người. Việc đánh thức quá khứ chính là đánh thức cái tiền sử của hiện tại. Văn học là sự tự thể hiện của con người, do vậy khi nối kết vào lịch sử, văn học viết về lịch sử đã phô bày chính câu chuyện của thực tại mà họ đang sống. Theo Lukács, cảm thức lịch sử là yếu tố quan trọng làm xuất hiện tiểu thuyết lịch sử.
Nhà văn Phùng Văn Khai, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội:
Giá trị nhân văn cốt lõi vẫn là điều cuối cùng mà văn chương hướng đến
Lịch sử - quá khứ đôi lúc tỏ ra khắc nghiệt với (không chỉ) nhà văn khi ẩn giấu những điều rất khó nắm bắt, khó hình dung, chưa nói tới việc có thể xác thực hoặc kiểm chứng hay không. Nhà văn bắt đầu từ đâu, viết cái gì, hư cấu thế nào, hư cấu đến đâu..., tất cả đều là thử thách không dễ vượt qua. Là người viết tiểu thuyết lịch sử, tôi hiểu điều đó.
Do vậy, trong khả năng cao nhất của mình, nhà văn cần cố gắng để yếu tố lịch sử mà mình tiếp cận, sử dụng đem lại cho cộng đồng đọc những giá trị hữu ích, cả về tri thức lịch sử và hàm lượng nghệ thuật, thẩm mỹ. Như thế, một câu chuyện được đặt ra chính là ý thức, tư cách công dân, nhà văn - nghệ sĩ trong việc tiếp cận, thể hiện nghệ thuật về đề tài lịch sử. Một điều quan trọng nữa, dù viết thế nào, giá trị nhân văn cốt lõi vẫn là điều cuối cùng mà văn chương hướng đến. Cuộc sống đang mở ra các cơ hội cho nhà văn, nhưng sự thực, văn chương của chúng ta đang thiếu những nhân vật có thể song hành cùng với lịch sử.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải:
Quá khứ lẫn hiện tại đều đòi hỏi hậu thế phải giải mã lịch sử
Tại sao nhà văn viết về lịch sử? Trước hết là do đòi hỏi của chính lịch sử và cũng là đòi hỏi của công chúng đương đại. Nghĩa là cả quá khứ lẫn hiện tại đều đòi hỏi hậu thế phải giải mã lịch sử. Vì rằng, những gì được ghi chép trong chính sử, đôi khi chỉ là những ký hiệu của thông tin chứ chưa hẳn là thông tin. Vì vậy, cần có người giải mã. Thiên chức ấy thuộc về các nhà văn. Do đó xuất hiện một lớp nhà văn viết về đề tài lịch sử để đáp ứng yêu cầu của lịch sử và công chúng đương đại.
Việc triệu hồi lịch sử là để lớp hậu thế đối thoại với các bậc tiên hiền, các bậc anh hùng cái thế đã làm rạng vẻ giống nòi, ngõ hầu học được gương sáng của tiền nhân. Nếu nhà văn do tâm trí u mê lại triệu về lũ ma vương, ác quỷ, tức là triệu về những bóng ma lịch sử, thì tác hại do văn chương đem lại là khôn lường.
Triệu hồi lịch sử còn nhằm mục đích giúp công chúng và nhà cầm quyền hiểu được lịch sử của dân tộc mình. Bởi lịch sử của bất cứ dân tộc nào cũng vậy, nó không chỉ có vinh quang mà còn có biết bao cay đắng. Nếu dân tộc nào biết rút ra từ lịch sử của dân tộc mình những bài học thì dân tộc đó có trí khôn và sức mạnh gấp đôi.
Nhà văn Đinh Phương:
Vượt lên trên mối dây giữa lịch sử và văn học bằng tài năng và bản lĩnh của nhà văn
Với tôi, văn học viết về lịch sử cũng bình đẳng như văn học viết về các đề tài khác như chiến tranh, công nhân, miền núi... Viết thế nào thì viết, vấn đề chốt lại là phải hay, cuốn hút. Người viết có thể chọn viết theo hướng dã sử, chính sử hoặc kết hợp cả hai. Còn với người đọc, họ cần đọc văn học lịch sử như một thể loại hư cấu hoàn toàn. Cần nhìn nhận nó trong cảm quan sáng tạo của nhà văn chứ không chỉ nhăm nhăm soi xem nhân vật A trong tiểu thuyết, truyện ngắn có giống với nhân vật A trong chính sử hay không. Cái giống trăm phần trăm nhân vật lịch sử nhiều lúc chưa chắc đã hay, mà khác đi chưa chắc đã dở.
Nói thế để thấy mối dây nhùng nhằng giữa lịch sử và văn học ở ta bao năm nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, cứ thi thoảng lại được khơi lên... rồi để đấy. Bởi bản chất lịch sử là cái thực; văn học là cái hư: Chọn nghiêng về hướng nào cũng đầy rẫy hiểm nguy. Nhưng sau cùng, trên tất cả mọi điều vẫn là tài năng, bản lĩnh của nhà văn.
Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa:
Lịch sử qua lăng kính văn chương để lại nỗi ám ảnh khó quên
Tôi từng là một người rất... ngán lịch sử, như đa số học sinh vẫn học vẹt môn lịch sử trong chương trình phổ thông. Chính văn chương thay đổi tôi.
Nhớ lần đầu tiên đọc được một truyện ngắn lịch sử, tôi đã lặng đi, ngơ ngác tự hỏi mình: Sao lịch sử lại hay đến vậy? Sao cũng một con người, một sự kiện ấy nhưng qua lăng kính văn chương lại ám ảnh, khó quên đến vậy? Tôi viết về lịch sử chính là mong tiếp nối nỗi ám ảnh ấy. Lịch sử là vùng đất càng đi càng dễ lạc. Viết về lịch sử, tôi chỉ dám men theo ám ảnh của chính mình để gắng “họa” lại bức tranh về những phận người. Lịch sử nhìn từ bi kịch cá nhân, với tôi, có sức hút đặc biệt. Đất Ninh Thuận nơi tôi sống, điểm giao rõ rệt của hai nền văn hóa Chăm - Việt, cũng có thể coi là một “mỏ quặng” lịch sử giàu tiềm năng. Về lâu dài, tôi luôn mong có thể chạm được cánh cổng kho tàng này, bằng “đôi hài” văn học sử.
(Theo Hà Nội mới Cuối tuần)