Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, nơi tôi đến và đi qua nhiều lần. Mỗi lần đến thành phố sôi động nhất cả dải đất hình chữ S đó là dâng lên biết bao cảm xúc đan xen…
Nhà văn Vũ Thảo Ngọc
Nhớ lần đầu tôi đến Sài Gòn
Ấy là mùa thu năm 1998, sau khi kết thúc Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc tôi bám theo nhóm bạn đại biểu người phía Nam ra tàu Thống Nhất để vào thành phố xa lạ đó. Ngày ấy tuy tôi đã trưởng thành sau khi có 10 năm làm việc tại mỏ than Cọc Sáu (Quảng Ninh) nhưng đi xa như thế thì cũng là chuyến đi thứ hai. Chuyến đi thứ nhất là mùa hè năm 1996 tôi mới đi đến Huế. Vì thế, với tôi việc đi Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là mơ ước, khi cái máu viết lách ngấm vào gan ruột, đã đọc vô số những cuốn sách, những câu chuyện của các nhà văn thích xê dịch. Và khi được xê dịch là không cần nghĩ ngợi gì.
Năm đó, khi được là đại biểu đi dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc, nhờ có món tiền thưởng một triệu đồng của Tổng công ty Than Việt Nam mà tôi đã nhanh chóng tự lên kế hoạch và lập tức…gửi lại ít hành lý cho cậu em khi đó đang học ở Hà Nội và tôi… lên tàu cùng các bạn.
Tàu Thống Nhất ngày đó chưa như bây giờ. Các bạn biết túi tiền cũng chỉ đủ mua ghế ngồi cứng cho rẻ, và tôi nhập đoàn cùng các bạn ấy. Lần đầu tiên đi xa nhà theo chiều dài đất nước, nên trong lòng cũng đầy những trăn trở, nhưng có bạn vui nên cũng nhanh chóng quên. Hành trình hình như hai ngày ba đêm vật vã trên chuyến tàu đầy kỷ niệm đó. Để giờ tôi vẫn còn giữ nguyên tình cảm bạn bè thân yêu như chị nhà thơ Châu Thị Cẩm Liên ở tỉnh Trà Vinh, Nguyễn Thị Diệp Mai ở tỉnh Kiên Giang, và nhiều bạn bè cùng chuyến đi hôm ấy.
Đến ga Sài Gòn thì tất cả chúng tôi ríu rít chia tay, mỗi người về một miền quê, thành phố nơi mình sinh sống. Tôi đã có liên lạc với chú tôi ra đón. Chuyến đi nhớ đời vì chú tôi, một người theo cha vào Sài Gòn từ khi mới mười tuổi gì đó. Lịch sử dân tộc là lịch sử của những người dân của dân tộc ấy. Quãng năm xa xôi đó, chú tôi theo cha vào Sài Gòn và không có dịp trở lại quê nhà sau khi đã đi gần hết cuộc đời mình ở mảnh đất phương Nam đầy nắng gió ấy. Chú tôi kể về Sài Gòn với chất giọng đã pha giọng giữa hai miền Nam Bắc. Chú gầy ốm, nước da ngăm đen. Chú trải qua nhiều nghề, lấy vợ và ở rể nhà thím tôi. Chú có tuổi thơ vất vả như biết bao người thời đó. Nhưng chú tôi vất vả hơn nhiều vì chú mồ côi mẹ từ bé. Chú ở với bà dì ghẻ cay nghiệt có tiếng. Những người làng di cư cùng năm đó đều biết bà nổi tiếng với lối sống nghiệt ngã ảnh hưởng của thời phong kiến, dù bà cũng là người lam làm, chịu thương, chịu khó, dù bà không có con chung với ông thân sinh ra chú tôi. Năm tháng chiến tranh đằng đẵng. Nhớ quê là nhớ trong tâm tưởng, nhớ trong những giấc mơ xa vời nào đó. Rồi thuận theo lẽ tự nhiên, vẫn phải sống, vẫn phải tồn tại. Chú thím tôi sinh được bốn đứa con, hai trai, hai gái, một em trai bệnh mà mất sớm nên chỉ còn ba đứa. Bây giờ thì cuộc sống đã khác lắm rồi, gần ba mươi năm trước chú thím tôi đã được hưởng phúc lộc từ con cái mang lại, nên tuổi già chú thím tôi an yên với những hạnh ngộ mà cuộc đời mang đến từ những đứa con ngoan, phương trưởng thành đạt.
Còn tôi thì mỗi bận trở lại Sài Gòn lại ôn lại câu chuyện kỷ niệm với chú ngày đầu tiên đến thành phố nơi chú tôi cư ngụ đến cuối cuộc hành trình đời người. Chuyến đi ấy trước khi lên tàu tôi điện cho chú là tôi đi chuyến tàu đó, giờ đó và chú đón cháu ở ga Sài Gòn nhé. Nhưng chú quen gọi tên cũ, chú bảo, chú biết giờ tàu rồi, cháu đến ga Hòa Hưng chú ra đón. Mãi tôi mới quen nghe chú nói Sì Goòng, ga Hòa Hưng, đi Cấp. Đi Cấp là người Sài Gòn nói đi Vũng Tàu, tên Vũng Tàu ngày xưa gọi là Ô Cấp nên chú và mọi người đều quen gọi đi về biển Vũng Tàu là đi Cấp. Rồi chú kể về rất nhiều những cũ kỹ ở Sì Goòng như chú biết thuở ấu thơ đã đến đây. Nơi chú ở là quận Phú Nhuận bây giờ, ngày đó chỉ là vùng đất cách xa với thành Gia Định xưa, nhưng là vùng đất khá đẹp, như các nhà nghiên cứu nhận định là không quá sâu để trồng lúa, không quá cao để làm vườn, và chỉ cách rạch Thị Nghè là sang đến trung tâm thành Gia Định. Địa thế thuân lợi thế, nên nhiều lưu dân tìm đến nơi này lập nghiệp.
Theo dòng tư liệu của nhà nghiên cứu tiến sĩ Hồ Tường, thì, từ năm 1876, Phú Nhuận gọi là làng thuộc Hạt tham biện Sài Gòn, Hạt 20, tỉnh Gia Định, rồi tỉnh Tân Bình (1944). Năm 1949, là xã Phú Nhuận thuộc quận Tân Bình, tỉnh Gia Định. Sau 1975, từ một xã ngoại ô đã trở thành quận Phú Nhuận thuộc TP.HCM với 17 phường gọi tên từ số 1 đến số 17. Cuối năm 2004, quận Phú Nhuận còn 15 phường cho đến nay (không còn phường 6 và phường 16).
Nhưng với chú tôi thì Phú Nhuận đã thành nơi gắn bó máu thịt, là quê hương của mình vì chẳng bao giờ nghĩ có thể trở lại quê hương khi cuộc chiến tranh vẫn đang còn mịt mù khói súng. Cuộc chiến tranh kéo dài hai mươi năm đã kéo theo biết bao những câu chuyện vừa buồn vừa vui. Chú tôi không tham gia công việc gì thuộc các cơ quan chính quyền ngụy, nhưng khi Sài Gòn bắt đầu cuộc sống mới, chú thím vẫn phải tìm cách kiếm công việc để nuôi gia đình. Chú đành phải bỏ nghề dậy học, thím thì cũng phải tìm công việc khác tiếp tục duy trì cuộc sống. Và thời gian có ngừng trôi đâu, cuộc sống cứ cuốn đi, bây giờ đã là nửa thế kỷ nữa đi qua con ngõ nhà chú thím mà tôi cứ hình dung mỗi sáng chú ngồi trên cái ghế bố với mấy tờ báo mới và ly cà phê đen đá không đường. Dáng người gầy, da ngăm đen lại thích mặc xà lỏn và cởi trần nên tôi càng nhớ chú hơn. Nhớ cái dáng ngồi, nhớ cái điệu cười nhè nhẹ, nhớ cái làn dan ngăm ngăm là ngấm cái nắng gió phương Nam từ thuở ấu thơ chú đến vùng đất xa lắc đầy nắng gió này.
Tôi đùa, chú như anh hai Sài Gòn chưa, chú cười hề hề bảo, không đâu, vẫn Bắc kỳ rặt. Hai chú cháu tôi cùng cười. Tôi hiểu nỗi niềm của người đã từng sinh ra và đã có tuổi thơ nơi quê nhà nên dù có đi đâu thì cũng không bao giờ quên được cội nguồn. Tôi nhớ dịp chú thu xếp về thăm quê, chú bảo, chỉ cho chú xin bữa cá húi là nhất quả đất rồi, chú không cần món cao lương mỹ vị nhé. Ôi, hóa ra, chú nhớ cái mùi cá húi quê tôi có mùi trấu, mùi tro của trấu, của rạ rơm. Những con cá đồng được đưa vào nồi đất đổ đầy thứ nước tương vàng ươm cũng từ cây lúa, cây đỗ tương quê nhà làm nên, cái con cá húi sau một đêm lôi từ đống tro ủ kia mang ra ăn, mùi thơm ngào ngạt khó tả. Ăn một lần sẽ nhớ mãi cả đời là thế. Chú tôi bảo chỉ cần thế cũng đủ mang theo quê nhà về phương Nam xa xôi bớt nhớ thương phần nào.
Trong chuyến đi mùa thu 1998 đó, tôi còn có kỷ niệm với ông cậu là nhà văn, khi đó ông đã đến ngoài 60 như chú tôi. Sau khi chơi mấy ngày trên Phú Nhuận với chú thì chú đưa tôi xuống Thủ Đức đến nhà cậu. Cậu là trí thức tây học, nói tiếng Pháp ngọt lịm. Lúc tranh luận văn học với tôi cậu vẫn nói chen một tràng tiếng Pháp khiến tôi rất ngượng vì… tôi mù ngoại ngữ. Nếu, vâng, cuộc chiến tranh chia rẽ hai miền nếu không kết thúc, hẳn tôi không có cơ hội được tiếp kiến ông cậu uyên thâm trí thức Hà Nội ấy.
Còn vợ chồng ông cậu khác thì chỉ biết cười tươi, cậu bảo tôi, mày ở Quảng Ninh mày có biết làng Quỳnh Biểu không. Tôi cũng lơ mơ nghĩ mãi không ra, vì dù ở Quảng Ninh nhưng không phải chỗ nào tôi cũng biết. Rồi tôi nghe cậu kể về làng Quỳnh Biểu ấy ở Quảng Yên, có sông Khoai, sông Chanh, có bốt Quỳnh Biểu…ôi, một chàng trai Hà Nội đã từng đi qua đó trước khi tôi sinh ra…
Biến cố đất nước có chiến tranh nên mỗi người dân đều mang một số phận lịch sử. Cậu rời Hà Nội, rời miền Bắc quá lâu, sau ngày 30.4.1975 cậu mới được trở lại Hà Nội và quê gốc nhà tôi vài bận. Khi biết tôi vào Sài Gòn thì vợ chồng cậu đến ngay muốn đón tôi từ nhà chú tôi về bên cậu. Cậu bảo cứ nghe các cháu từ Hà Nội vào là như gặp lại quê nhà nên vui lắm, cậu nói cười rổn rảng. Nhưng tôi đành xin khất sẽ đến cậu mợ sau. Gặp vợ chồng cậu một lần nhớ mãi. Giờ cậu mợ cũng đã về miền mây trắng cả rồi. Lời hẹn đến ở nhà cậu mợ cũng tan theo bóng thời gian…
Và kỷ niệm với cậu nhà văn ở khu vườn nhà giữa miền Thủ Đức xanh bạt ngàn cây trái, khiến tôi miên man những câu chuyện về thế sự cùng cậu. Rồi đùng cái, cậu bảo, ơ thế cô bảo đi chơi Lâm Đồng thì đi chứ. Tôi vội vàng, đi chứ, con hẹn với dì trên Lâm Hà rồi, cậu đi với con nhé. Cậu cười bảo ok, cô đã hẹn với tôi giờ cậu không nhắc là quên đấy. Tôi bật cười bảo, tại cậu nói chuyện văn chương hay quá nên con …suýt quên đấy ạ. Sáng sau cậu bảo con cháu ngoại ra chợ đầu ngõ mua mấy tô hủ tiếu hay món gì đó, giờ tôi trót quên tên, rồi mấy cậu cháu, ông cháu ăn sáng, bữa sáng vui vẻ và rất ngon. Tôi vẫn nhớ thế. Xong xuôi cậu bảo lên đường. Tôi chưa hình dung đi bằng gì, cậu bảo đi hông đa chớ đi bằng gì. Ôi trời, tôi buột miệng, vì tôi biết từ Sài Gòn lên vị trí kia cũng tầm 300 kilomet mà sao đi xe hông đa. Tôi tỏn tẻn cười, vâng, cậu cho con đi cùng thì đi kiểu gì cũng ok. Thế là hai cậu cháu trang bị đầy đủ mũ mã, cậu cầm lái, xe chạy vun vút qua những cánh rừng cao su hai bên đường bạt ngàn. Áng chừng quãng đường thế nào đó, cậu dừng xe đỗ quán ven đường có rất nhiều võng mắc trong cánh rừng cao su tít tắp. Cậu bảo tôi, đường 20 đi Đà Lạt đó cô, mình nghỉ tí rồi chạy tiếp. Kiểu gì tối cũng đến chỗ dì con. Sau thì tôi quan sát dọc đường 20 có rất nhiều quán nước bên đường có mắc nhiều cánh võng cho người ta dừng nghỉ để rồi lại đi tiếp hành trình đến điểm cuối là thành phố Đà Lạt mộng mơ.
Rồi tầm sậm tối đó, cậu cháu tôi cũng đến được thị trấn Đinh Văn thuộc huyện Lâm Hà. Nghe nói tên huyện là mang tên của tỉnh Lâm Đồng và Hà Nội, vì có cuộc di chuyển người từ Hà Nội đến vùng đất mới những năm 1980 thế kỷ 20, gọi là đi kinh tế mới. Tên huyện là thế, và trường học nơi mẹ con dì tôi cư ngụ cũng toàn là các thầy cô từ miền Bắc vào. Do được giới thiệu hai cậu cháu cùng nhà văn, nhà báo nên các cô giáo trong trường nhìn chúng tôi với cái nhìn đầy…ngạc nhiên! Hai ngày ở Lâm Hà và lên Đà Lạt đã cho tôi một kỷ niệm không thể nào quên ấy. Nhớ cậu tôi lái xe hông đa quá siêu, cả đi và về cậu đều cầm lái và hai cậu cháu an toàn về đến Sài Gòn như một chuyến xe đêm chưa kịp kể hết câu chuyện nào đó. Giờ ngồi viết lại những dòng ký ức với Sài Gòn có chú tôi, có các cậu tôi lòng dâng nghẹn. Là chú tôi cũng từ biệt thế giới này khi tuổi tám mươi với nỗi niềm khắc khoải nếu còn khỏe chú sẽ ra quê một lần nữa! Nhưng không thể được nữa rồi chú ơi. Giờ mỗi khi vào Sài Gòn tôi chỉ còn ngồi ôn chuyện xa xưa với thím tôi. Là nhớ cậu tôi với chuyến đi Lâm Đồng chạy bằng xe hông đa ấy. Giờ thì cậu tôi cũng đã về với chúa, ông theo đạo thiên chúa, và theo nguyện vọng của cậu, gia đình đã đưa cậu theo các thày cô giáo ở trường Đại học Y- Dược thành phố Hồ Chí Minh, nơi cậu đăng ký hiến xác làm mẫu học cho ngành y! Sau ngày cậu mất tôi có trở lại thăm cậu và khu vườn yên ắng chỉ còn mỗi cô con gái cậu tuổi cũng già hơn tôi ở lại trông nom, chứ các con cháu cũng tứ tán khắp nơi rồi. Sài Gòn với tôi là những xưa cũ ấy, những ấn tượng về người thân phương Bắc gửi hồn phương Nam chỉ còn như một áng mây bay…
Sài Gòn những đường cây sao
Thật sự là sau chuyến đi mùa thu năm 1998 đó, tôi đến với Sài Gòn -TP Hồ Chí Minh đã như là chuyện bình thường với điều kiện công tác của tôi. Và mỗi lần đến là một cảm xúc khác nhau. Nhớ chuyến đi thực tế với các bạn đến Sư đoàn không quân 370 đang ở sân bay Tân Sơn Nhất. Chúng tôi ở đó cả tuần, một cảm giác không lạ, vì đơn vị bộ đội hầu như toàn người bắc, khu gia binh từ sĩ quan chỉ huy đến vợ con người lính các đơn vị đều dân Bắc. Tôi đến làm việc hay ở lại thì vẫn như là đang ở Hà Nội hay đâu đó ở các tỉnh miền Bắc. Lớ xớ đang đứng ở khu nhà công vụ thì gặp ngay anh chiến sĩ trẻ măng ríu rít cất giọng hỏi han. Chàng lính bảo nghe giọng Bắc nên tiến đến hỏi thăm, hóa ra các cô từ Bắc vào ạ. Chuyện trò râm ran thì hóa ra cậu chàng là con anh họ tôi ở làng. Không thể tin nổi, vì tôi đã xa nhà lâu ngày, còn cháu lớn lên và vào bộ đội, nên cô cháu không có dịp gặp nhau là thế. Chúng tôi lại được dịp rối rít chuyện quê, chuyện làng. Cảm giác như tôi không ở giữa Sài Gòn mà đang ở quê nhà. Những câu chuyện về ông bà, cô chú cứ thế hai cô cháu hân hoan thi nhau kể. Thật là một cuộc gặp gỡ lý thú hiếm có trên dọc đường công tác của tôi.
Hai bạn văn Vũ Thảo Ngọc (bên phải) và Nguyễn Thu Hà hội ngộ Sài Gòn
Khi tôi đến đơn vị không quân, đa số các anh từ quê hương Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội… Mỗi người một cách đến và gắn bó với đơn vị dù quê hương ở đâu thì giờ họ đang đứng chân trên đất Sài Gòn, họ đang làm nhiệm vụ của người lính. Dù có điều kiện đủ đầy, tốt hơn ở quê nhà, nhưng chưa bao giờ vơi trong trái tim những cư dân phương Bắc gắn bó với phương Nam nỗi niềm của người xa quê.
Là cô bạn thân của tôi theo ba mẹ vào Sài Gòn sau ngày tốt nghiệp cấp ba. Mỗi khi tôi đến ngồi nói chuyện trò, cô đều bảo, ơ, tao nói giọng Sài Gòn không đấy. Tôi bật cười. Ừ vẫn giọng quê. Đấy, dù có đi xa đến bao năm thì ai cũng luôn mang trong nỗi niềm của mình “chửi cha không bằng pha tiếng”. Nên ai cũng cố gắng giữ nề giữ thói quê gốc khi đến vùng đất mới là thế.
Mỗi lần đến với Sài Gòn tôi đều cố gắng tranh thủ có thể lang thang những đường phố rộng rênh ở nơi này, tôi cứ mang mang nhớ những con đường có hàng cây sao đen thẳng tắp. Giống cây theo như người Sài Gòn nói được di thực từ Ấn Độ sang theo chân người Pháp thì phải. Những con đường cây sao ấy rất đẹp, cái đẹp thật sự nao lòng người mỗi buổi sáng sớm, khi tiết trời Sài Gòn còn se se mát dịu như tiết thu ở Hà Nội thì vô cùng thích thú đi dọc hàng cây đó trước Dinh Độc Lập hay ở bất cứ con đường nào ở Sài Gòn có cây sao. Lại liên tưởng đến hàng cây sao đen cổ thụ ở phố Lò Đúc, Hà Nội, lại dâng lên miền cảm xúc thân thương, như là mình đang đi dưới hàng sao ở Hà Nội!
Sài Gòn cho tôi những cảm xúc về một thành phố sôi động nhưng cũng vô cùng trầm lắng. Cái sôi động ở phía những con đường, trung tâm thương mại, trung tâm vui chơi giải trí. Nhưng vẫn có những người Sài Gòn lẳng lặng bên trong những căn nhà yên ả của mình. Sài Gòn ôm chứa tất thảy mọi dòng chảy thời gian, ôm chứa tất cả những con người tụ về tứ phía. Buổi sáng bước ra phố, tôi có thể thưởng thức một bát phở Hà Nội đúng vị phở Bắc. Có thể thưởng thức một bát mì Quảng đúng vị Quảng, một bát hủ tiếu đúng vị xứ Nam Vang xưa. Sài Gòn là những chiều lộng gió lành lạnh như mùa thu phía Bắc. Sài Gòn có biển Cần Giờ ầm ào sóng vỗ, đi qua cái phà có tên cũng là lạ Cát Lái ậm ạch để sang bán đảo Cần Giờ hệt như tôi đang đi qua phà Rừng từ Hải Phòng sang Quảng Ninh hoặc đi qua những chuyến phà khác ở mạn sông khác trên khắp đất nước Việt mến yêu…
Sài Gòn có gì ư, với tôi Sài Gòn là một góc Việt Nam thu nhỏ, có sông, có biển, có đồng bằng, phố thị và vùng công nghiệp sôi động và là một vùng văn hóa đa sắc tộc. Sài Gòn như một con tàu lớn chuyên chở tất thảy mọi hành khách, không phân biệt sang hèn. Chuyên chở mọi sản vật của quê hương xứ sở, không phân chia nặng nhẹ hay giá trị này khác. Con tàu mang tên Sài Gòn là con tàu của nhân dân cần lao cũng là con tàu của trí tuệ của người Việt Nam đã và đang tụ về!
Là chỉ rời trung tâm sôi động với những ngôi nhà cao chọc trời, biểu tượng của Sài Gòn hôm nay là tòa nhà cao nhất Landmark 81, tòa cao thứ 2 là Bitexco Financial Tower, là chợ Bến Thành nhộn nhịp bất kể giờ nào, là Nhà thời Đức Bà trầm mặc giữa những rộn ràng phố thị…là một vùng bưng biền mênh mang với Cần Giờ tràn gió biển. Là sông Sài Gòn lừng lững như chàng trai vâm váp đổ ra biển khơi..
Sài Gòn với tôi như là lạ mà lại rất quen. Sài Gòn với những ruột thịt của tôi đã gắn bó hơn nửa thế kỷ qua, Sài Gòn hôm nay của bạn bè tôi tràn đầy năng lượng mới. Là những người bạn đi làm thợ hồ, thợ sắt, những công việc lao động bình thường nhưng họ đã vượt lên và trở thành công dân Sài Gòn mang tính phóng khoáng, hào hiệp, một tính cách Sài Gòn đã cảm hóa họ, khiến lâu rồi trở lại gặp bạn tôi quá đỗi ngạc nhiên. Các con của bạn đã nói tiếng Sài Gòn, các con của bạn đã là công dân hiện đại có tri thức, có vị thế xã hội thứ thiệt của Sài Gòn..
Sài Gòn đấy, sôi như tiếng ve mùa hè xứ Bắc, nhưng thong dong đón nhận tất cả. Không phải tính cách Sài Gòn đỏng đảnh như những cơn mưa nhanh rồi lại nắng. Với tôi, Sài Gòn như bến sông hiền chuyên chở những phúc lành của con dân đất Việt nơi phương Nam lộng gió này.
Sài Gòn, tháng 4 năm 2023
VŨ THẢO NGỌC / VANVN