(Chủ nhật, 24/07/2022, 06:01 GMT+7)

NHẮN TÌM ĐỒNG ĐỘI
 
(Kính viếng hương hồn hai chú Liệt sĩ Phùng Văn Hữu, Phùng Văn Huy[1])
 
Mấy năm “nhắn tìm đồng đội”
mà trước những hình chú tôi
mây sương mờ bàn biên tập
bần thần tôi gọi chú ơi!
 
Mây sương dần tan trên tóc
phảng lên mắt chú tôi nhìn
(đôi mắt ngày nào trong vắt
hằng tin vào điều mình tin).
 
Bây giờ hai chú ở đâu?
lòng biển lòng sông lòng đất
hàng cau trước cửa hương đưa
nội giờ lưng còng mờ mắt.
 
Nội kể ngày xưa hai chú
toàn những bị người ta trêu
chắc gì đến khi nằm xuống
môi hồng được một lần yêu.
 
Nội kể ngày xưa hai chú
lũ cồn bơi vượt sông Lăng
đêm đêm sân đình đập lúa
thì thùm tan cả vầng trăng.
 
Thế rồi vào cơn binh lửa
một đi biền biệt không về
hòa bình vàng hai tấm giấy
sông Lăng lầm lụi ngoài kia.
 
Tôi lớn lên vào bộ đội
làm báo được đi nhiều vùng
đi đâu nội tôi cũng dặn
có tìm được chú mày không?
 
Liệt sĩ có danh nhiều lắm
những mộ khuyết danh càng nhiều
danh sách đến đài cần nhắn
nối dài chưa biết bao nhiêu.
 
“Ai biết mộ phần liệt sĩ
Phùng Huy, Phùng Hữu nhắn về
Như Quỳnh... sông Lăng... huyện... thị...”
nơi từng cất bước chân đi.
 
Sông Lăng chợt nhòe mặt giấy
tôi viết đã ba bốn lần
ba bốn lần người trong ảnh
mỉm cười mây trắng sông Lăng...
 
Phùng Văn Khai

Bài thơ là câu chuyện đau thương có thật của tác giả - một người cháu có hai chú liệt sĩ thời chống Mỹ. Chuyện bắt đầu từ việc người cháu, lúc ấy là biên tập viên chuyên mục “Nhắn tìm đồng đội” bần thần nhìn ngắm những tấm ảnh chú mình. Chắc chắn, đây không phải là lần đầu tiên cháu ngắm ảnh chú nhưng lần nào cũng vậy, nước mắt của cháu lại lặng lẽ trào ra như nỗi đau thương luôn đầy ắp trong lòng. Mấy năm “nhắn tìm đồng đội”/ mà trướcnhững hình chú tôi/ mây sương mờ bàn biên tập/ bần thần tôi gọi chú ơi!Từ khổ thơ mở đầu, tình cảm của tác giả đã được biểu hiện rất rõ, vừa có hình ảnh nghệ thuật (mây sương mờ bàn biên tập) vừa có chi tiết đời sống cụ thể (bần thần tôi gọi chú ơi). Mây sương ấy là gì nếu không phải là nước mắt thương đau, là những cách xa thăm thẳm, những điệp trùng người lính đã trải qua và cũng có thể là không gian tâm linh vời vợi. Từ một thi ảnh, người đọc có thể liên tưởng tới những không gian, sự việc, ý nghĩa khác nhau.

Cũng rất tự nhiên, khi ngắm di ảnh của người đã mất,người ta thường chú ý tới đôi mắt. Đôi mắt của những người trong ảnh vẫn ánh lên cái nhìn trong vắt của tâm hồn tràn ngập ánh sáng lý tưởng tốt đẹp nên mới hằng tin vào điều mình tin. Phần lớn những thanh niên ra trận đánh giặc thời ấy mang trong mình niềm tin chính nghĩa và chiến thắng. Trên đường hành quân, khi vào trận và lúc ngã xuống họ vẫn tin rằng đất nước mình nhất định sẽ sạch làu bóng giặc ngoại xâm, Tổ quốc sẽ thống nhất hòa bình, nhân dân sẽ ấm no hạnh phúc. Niềm tin ấy cho họ sức mạnh, nghị lực vượt qua mọi gian khó hy sinh để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.

Tuy nhiên, trọng tâm bài thơ là nỗi thương xót của gia đình, dòng họ khi chưa biết được hài cốt của con cháu mình bây giờ đang ở đâu. Đấy là nỗi đau lớn nhất của dân tộc Việt Nam thời hậu chiến; hàng vạn nấm mộ vô danh, hàng vạn thi hài liệt sĩ đang bị khuất lấp đâu đó nơi rừng xanh núi đỏ, nơi biển cả bưng biền...Câu hỏi Bây giờ hai chú ở đâu? là của một người nhưng cũng là của nhiều người trên dải đất này. Câu hỏi bật lên như tiếng thở dài, tưởng nhẹ nhàng mà trĩu nặng lòng người. Lòng biển, lòng sông, lòng đất nào đang che chở, đùm bọc hài cốt những liệt sĩ như hai chú Phùng Văn Hữu, Phùng Văn Huy của nhà văn Phùng Văn Khai?


Nhà văn Phùng Văn Khai (bên phải) và ông Bùi Văn Thành - Phó Giám đốc
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên
viếng nghĩa trang liệt sĩ huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên

Sau câu hỏi này, một nhân vật mới xuất hiện. Một con người có lẽ là đau đớn nhiều nhất, thương xót nhiều nhất, nhớ mong nhiều nhất những đứa con ra đi chưa trở lại. Đấy là mẹ của các liệt sĩ. Bài thơ thực sự xúc động khi những hồi ức về các con đã sống dậy trong câu chuyện của người mẹ giờ đây đã lưng còng mờ mắt: Nội kể ngày xưa hai chú/ toàn những bị người ta trêu/ chắc gì đến khi nằm xuống/ môi hồng được một lần yêu./ Nội kể ngày xưa hai chú/ lũ cồn bơi vượt sông Lăng/ đêm đêm sân đình đập lúa/ thì thùm tan cả vầng trăng.Đó là những trai tráng khỏe khoắn, hiền lành và cũng rất trong trắng tinh khôi. Những thanh niên sức vóc đã từng bơi vượt lũ sông Lăng, đập lúa sân đình thâu đêm tận sáng ấy, khi vào lính, khi ngã vào đất chưa được một lần yêu. Ở đây, Phùng Văn Khai đã tỏ ra chắc tay khi chọn lựa chi tiết, hình ảnh cho thơ. Không cần nhiều, chỉ cần một khổ thơ mà đã diễn đạt được sức vóc, tính khí hai người chú thân yêu của mình cực kỳ “nét” và rất sinh động.

Câu chuyện vẫn tiếp tục được kể lại một cách giản dị và cảm động về tình cảnh, số phận của những người đã chết và tâm tư, trăn trở, mong ước của những người đang sống: Thế rồi vào cơn binh lửa/ một đi biền biệt không về/hòa bình vàng hai tấm giấy/ sông Lăng lầm lụi ngoài kia./ Tôi lớn lên vào bộ đội/ làm báo được đi nhiều vùng/ đi đâu nội tôi cũng dặn/ có tìm được chú mày không?/Liệt sĩ có danh nhiều lắm/ những mộ khuyết danh càng nhiều/ danh sách đến đài cần nhắn/ nối dài chưa biết bao nhiêu./ “Ai biết mộ phần liệt sĩ/ Phùng Huy, Phùng Hữu nhắn về/ Như Quỳnh... sông Lăng... huyện... thị...”/ nơi từng cất bước chân đi.Trăn trở thế, xót xa thế, mong cầu thế nhưng phần hài cốt của những người lính kia vẫn chưa tìm được. Hai dòng tên liệt sĩ họ Phùng đã mấy lần vang lên trong mục “Nhắn tìm đồng đội” nhưng vẫn chưa hề có một hồi âm. Dẫu nét mặt, ánh mắt, nụ cười của họ đã hòa vào quê hương nhưng cầu mong tìm được hài cốt người thân vẫn là những thao thức của bao người sống.

Trong bài thơ, tôi muốn lưu ý thêm hình ảnh sông Lăng. Đây là con sông quê hương gắn bó vô cùng với những người đã khuất. Con sông mang những trạng thái khác nhau; khi giấy báo tử hai chú về làng thì sông Lăng lầm lụi ngoài kia, khi cháu nhắn tin tìm liệt sĩ thì Sông Lăng chợt nhòe mặt giấyvà cuối cùng đọng lại trong tâm cảm người đọc hình ảnh người đã hi sinh mỉm cười mây trắng sông Lăng... Tôi vẫn thường tin, dù hài cốt đang ở đâu thì hương linh các liệt sĩ vẫn hòa quyện, tìm về với đất nước, quê hương mình.

NGUYỄN HỮU QUÝ


[1] Hiện tại, phần mộ liệt sĩ Phùng Văn Huy ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.