(Chủ nhật, 04/08/2019, 03:38 GMT+7)

 

NHÂN VẬT LỊCH SỬ
HỮU TƯỚNG QUÂN PHÙNG THANH HÒA
 

                                                                   Nhà văn VŨ BÌNH LỤC

 
        Ở nước ta, lịch sử công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước được ghi chép vào sách vở, thực ra cũng không được nhiều. Và thực sự là cũng chưa đầy đủ. Một số chi tiết ở triều đại này hay triều đại khác, cũng chưa được thống nhất trong các di cảo, trong tài liệu hiện đã được tìm thấy. Khiếm khuyết ấy là đương nhiên, bởi nhiều lý do khách quan và cả chủ quan nữa. Chính vì những điều còn bất cập ấy, nên các nhà nghiên cứu đời sau rất khó khăn. Thậm chí, có những nhà nghiên cứu còn tùy tiện đưa ra những nhận xét chủ quan, khiến một số người cả tin, cứ việc “ăn theo” một cách máy móc. Vậy nên, các tư liệu ngoài chính sử cần phải được tìm kiếm thêm nữa, đối chiếu bổ sung nhiều lần, mới hy vọng dựng lên được một cách tương đối chân thật gương mặt xã hội đương thời và theo đó là những nhân vật lịch sử chưa được đánh giá đầy đủ. Nghĩa là họ cũng chỉ được nhắc tới đôi ba lần ở sách này sách kia trong dã sử, trong bi ký nơi đình chùa. Có nhân vật còn chưa được mấy ai biết đến…
          Có rất nhiều ví dụ. Ví như sách ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ do sử gia đời Hậu Lê Ngô Sĩ Liên chủ biên, chép lại và bổ sung thêm trên cơ sở những sách sử trước đó, của Trần Thế Pháp, Lê Văn Hưu v.v…đồng thời sưu tầm trong dân gian qua những truyện ký lưu truyền, trong bi ký, trong văn học dân gian, rồi thêm vào những bình luận cá nhân, khen chê theo thiên kiến của riêng mình. Tuy nhiên, bộ QUỐC SỬ này vẫn còn một số chi tiết chưa được chính xác. Và người biên soạn cũng không thể nào quan sát được toàn cảnh một khoảng không gian và thời gian quá dài, biết bao biến cố nổi chìm, khuất lấp, huống chi là tư liệu bấy giờ còn quá hiếm hoi…


Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục (đeo kính ngoài cùng bên phải) trong cuộc họ Phùng gặp mặt trí thức đầu xuân 2018

 

         Trường hợp họ Hoa ở Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng chính là một ví dụ sinh động. Chính sử không thấy chép, nhưng thế phả, gia phả, bi ký trong đền thờ dòng họ, lại thể hiện khá đầy đủ, chi tiết về các thành viên con em họ Hoa ở vùng cửa sông Hóa (một bên là huyện Vĩnh Bảo, của thành phố Hải Phòng, một bên là huyện Thái Thụy của tỉnh Thái Bình ngày nay), nơi có căn cứ hải quân A Sào của Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Những con dân trai tráng họ Hoa rất thạo nghề sông nước, ăn sóng nói gió, đã gia nhập đoàn quân của Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương từ đây, từ căn cứ A Sào này (nay thuộc Quỳnh Phụ, Thái Bình), tiến lên Vạn Kiếp, tham chiến trận Bạch Đằng năm 1288, lập nhiều chiến công hiển hách. Có tài liệu nghiên cứu gia phả họ Hoa cho rằng, Đại tướng Văn Tiến Dũng quê làng Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội ngày nay, chính là một trong những hậu duệ của họ Hoa Vĩnh Bảo, Hải Phòng đấy!
          Một ví dụ nữa, nói về trận chiến ở cửa Hàm Tử (1285) đời nhà Trần, do Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, Chiêu Thành Vương (?), Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, tướng quân Nguyễn Khoái chỉ huy, các tài liệu đều chép là tướng giặc Toa Đô thua trận và bị chém đầu trên khúc sông lịch sử này. Tuy nhiên, theo sử nhà Nguyên (Nguyên sử) thì Toa Đô giao chiến với quân ta, bị thua ở Tây Kết (gần Hàm Tử). Nhưng Toa Đô đã bỏ thuyền lên bờ, cùng tàn quân chạy lên Bắc Ninh, hy vọng thoát thân lên phía Bắc. Ở đoạn Thị Cầu, Toa Đô đã bị quân của Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chặn lại. Tướng Vũ Hải đã chém được đầu Toa Đô tại Thị Cầu, chứ không phải hắn bị chém ở Hàm Tử. Chúng tôi lấy vài ví dụ như thế, để xem xét trường hợp Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa, một trong mấy viên tướng chủ chốt của Lý Nam Đế (503-548).
Sau khi Lý Nam Đế mất, ngài giao binh quyền cho Tả tướng quân Triệu Quang Phục. Triệu Quang Phục xưng là Triệu Việt Vương (524-571)
Tài liệu hiện có cho chúng ta biết, có 3 vị tướng tiêu biểu của Triệu Việt Vương được nhắc đến trong các thần phả. Cụ thể như sau:

  1. Đức Thánh Tam Giang. Chưa rõ tên tuổi của vị tướng này, nhưng ngài được thờ ở các ngôi đền ven sông Cầu, sông Thương và sông Đuống.
  2. Tướng Phùng Kim, được phối thờ cùng Triệu Việt Vương tại các đền Tiên Yên, chùa Kim Rong, thuộc xã Khánh Lợi, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.
  3. Đinh Bính Công, được thờ ở đình Yên Mẫu, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Xem sự tích, chúng ta được biết Phùng Kim quê ở Ninh Bình. Do vậy, không thể là một tên khác của tướng quân Phùng Thanh Hòa, trong giả thiết Phùng Thanh Hòa sau hợp tác với Triệu Việt Vương chẳng hạn. Điều này khác với giả thiết có thể cho rằng tướng quân Lý Phục Man có thể là một vị tướng nào đó, được mang họ Lý. Ví như lão tướng Phạm Tu chẳng hạn, đã giúp nhà Tiền Lý đánh bại quân Lâm Ấp, chinh phục được các vùng dân tộc lạc hậu nào đó ở phía Nam. Chữ Man, trong Nam Man, Đông Di, Bắc Địch, Tây Nhung, mà người Tàu thường dùng để chỉ các tộc người bên ngoài Trung Hoa vậy.
          Các tài liệu viết về Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa hiện rất ít, nếu như không muốn nói là quá ít. Vậy thì chúng ta căn cứ vào đâu để có thể dựng lên chân dung ngài Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa, một trong những tướng quân của Lý Nam Đế ?
          Như chúng tôi đã dẫn ở trên, nguồn sử liệu hiện có, chưa đủ để phác thảo chân dung một nhân vật lịch sử. Nhưng, các nhà nghiên cứu vẫn còn có lý do để khảo cứu, dựa trên những thần phả, gia phả, đình đền, bi ký, sắc phong còn lưu giữ ở các triều đại phong kiến Việt Nam. Không loại trừ cả những truyền thuyết, văn hóa, văn học dân gian và các loại hình nghệ thuật phong phú khác.
          Với tướng quân Phùng Thanh Hòa, đó chính là ngôi đình Phùng Thôn (còn gọi là làng Bùng), xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, ngoại thành Hà Nội ngày nay. Đình Phùng Thôn thờ vị thành hoàng làng, tên là Phùng Thanh Hòa. Mở rộng tầm nhìn ra một chút, căn cứ vào Thần phả đình Phùng Thôn (làng Bùng) được tìm thấy vào năm 1921, thì ở đền thờ các vua Hùng trên Phú Thọ có ghi rõ ngày Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa về trang An Hòa năm 546, xuất kim ngân cho dân làng dựng hành cung để sau ngài về đây xây dựng sự nghiệp mới, hoặc nghỉ ngơi…
          Trở lại thời vua nước Vạn Xuân là Lý Nam Đế (Lý Bí hoặc Lý Bôn) đem quân chặn giặc Lương là thứ sử Dương Phiêu và Tư mã Trần Bá Tiên, khi chúng ào ạt sang xâm lược nước ta. Lý Nam Đế bị tướng nhà Lương đánh bại, phải rút vào cố thủ ở thành Gia Ninh, thuộc Phong Châu (nay là thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Đấy là năm 545. Sau thành Gia Ninh vỡ, Lý Nam Đế chạy vào động Khuất Lão (nay thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ). Lý Nam Đế ốm nặng, giao binh quyền cho Tả tướng quân Triệu Quang Phục. Triệu Quang Phục lui quân vào đầm Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên), dùng chiến thuật du kích đánh nhau với tướng giặc Trần Bá Tiên. Trần Bá Tiên không đánh nổi Triệu Quang Phục. Hai bên cầm cự mãi. Đến năm 550, nhà Lương gặp loạn, gọi Trần Bá Tiên và nước. Bá Tiên giao binh quyền cho tướng Dương Sàn. Nhân cơ hội này, Triệu Việt Vương tiến đánh mạnh mẽ, đuổi được giặc Lương về nước. Triệu Quang Phục làm vua nước Vạn Xuân, đóng đô ở thành Long Uyên. Sau nhà Đường đô hộ nước ta, kiêng húy Lý Uyên (Đường Thái Tổ), nên đổi là Long Biên. Huyện Long Biên thời thuộc Đường, kéo dài lên tận Vĩnh Phúc, Lào Cai, sang cả một phần tỉnh Quảng Tây Trung Quốc ngày nay…
          Như vậy, Lý Nam Đế có hai vị tướng tài là Tả tướng quân Triệu Quang Phục và Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa. Các tướng Tinh Thiều và Phạm Tu thì đã hy sinh trước đó rồi. Theo thần phả, Lý Nam Đế còn có các tướng Trịnh Đô, Tam Cô, Lý Công Tuấn, nhưng các tướng nói trên có lẽ cũng hy sinh trong các trận đánh trước đó, hoặc trong trận đánh ở hồ Điềm Triệt, quãng ngã ba Việt Trì ngày nay chăng ? Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa đã cùng Lý Nam Đế chiến đấu với quân Lương do viên tướng Trần Bá Tiên chỉ huy ở hồ Điềm Triệt, nhưng bất ngờ thất bại. Quân Nam tan vỡ, phải rút lên động Khuất Lão. Lý Nam Đé ốm và mất tại đây.
          Năm 548, một người anh của Lý Nam Đế là Lý Thiên Bảo chạy lên vùng dân tộc trên núi cao, xưng là Đào Lang Vương. Trước khi mất, ngài giao binh quyền cho người cháu là Lý Phật Tử. Cuộc nội chiến giữa Lý Phật Tử và Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục) bắt đầu từ năm 557.
          Triệu Quang Phục nghe tin Lý Nam Đế mất, ngài tự xưng là Triệu Việt Vương, tiếp tục chống nhau với quân nhà Lương. Cũng trong thời gian này, Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa chưa rõ cụ thể vì lý do gì, ngài về trang An Hòa, rồi mất ở đây…
          Người xưa đã khuất bóng cả rồi, nhưng sự nghiệp chiến đấu giành lại quyền tự chủ của Lý Nam Đế và nhân dân ta chống giặc Lương thì vẫn còn vang vọng mãi đến muôn sau. Các tướng lĩnh cùng sát cánh với Lý Nam Đế thì nhiều đấy, nhưng sử sách viết về họ thì quá sơ sài, khiến ngày nay các nhà nghiên cứu lịch sử phải khổ công tìm kiếm, ngõ hầu dựng lại chân dung những con người yêu nước, dũng cảm chiến đấu trước giặc ngoại xâm hùng mạnh. Hữu Tướng quân Phùng Thanh Hòa, quê làng Bùng, chẳng phải cũng là một bậc tiền bối đáng được cháu con tôn vinh, tưởng nhớ hay sao ?

                                                                             Hà Nội 1-8-2019
                                                                                      V. B. L