Sáng 1-7, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức buổi giao lưu và giới thiệu tập thơ Thì thầm với dòng sông của nhà thơ Hoài Vũ. Tại buổi giao lưu, nhà thơ Lương Minh Cừ đề xuất nên trao tặng giải thưởng.
Nhà văn Trầm Hương tặng hoa cho nhà thơ Hoài Vũ sáng 1-7 - Ảnh: T.T.D.
Ông Cừ tỏ ra ngạc nhiên với tầm vóc của một nhà thơ gần 90 tuổi, đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và vẫn hoạt động bền bỉ đến hôm nay ở nhiều lĩnh vực như thơ ca, văn chương, dịch thuật, báo chí... như nhà thơ Hoài Vũ mà vẫn chưa có giải thưởng nào.
Hoài Vũ xứng đáng được vinh danh
Ông Lương Minh Cừ cho rằng những tác phẩm của nhà thơ Hoài Vũ đã chứng tỏ được giá trị qua năm tháng.
Ông đề nghị các đơn vị, đặc biệt là Hội Nhà văn Việt Nam nên làm giúp hồ sơ xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước cho nhà thơ Hoài Vũ bởi nhà thơ xứng đáng được vinh danh với những công lao mà ông đã cống hiến cho nền văn chương, thi ca nước nhà.
Tán đồng với ý kiến của nhà thơ Lương Minh Cừ, nhà thơ Phan Hoàng cho biết nhà thơ Hoài Vũ không câu nệ chuyện giải thưởng, tuy nhiên với sự quý trọng cống hiến của những nhà văn, nhà thơ tiền bối, anh cũng đã từng viết bài đặt ra vấn đề này.
Ngoài nhà thơ Hoài Vũ, còn có nhà thơ Thu Bồn (khi ông chưa được nhận giải thưởng) và một số nhà văn, nhà thơ Nam Bộ khác.
Nhà thơ Hoài Vũ ký tặng độc giả tập thơ Thì thầm với dòng sông - Ảnh: T.T.D.
"Tất nhiên trong cuộc đời, trong hoạt động, trong quá trình sáng tạo có những vấn đề khúc mắc, nhưng sự nghiệp thi ca, văn chương của Hoài Vũ cũng như rất nhiều nhà văn Nam Bộ khác rất đáng được tôn vinh.
Vì vậy, tôi nghĩ những lời phát biểu tâm huyết của nhà thơ Lương Minh Cừ nhất định sẽ được Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam chú ý. Đặc biệt, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - chủ tịch hội - là người quan tâm đến các bậc tiền bối có đóng góp lớn cho nền văn học Việt Nam" - nhà thơ Phan Hoàng nhấn mạnh.
Tay súng tay bút viết thơ giàu cảm xúc
Nhà thơ Hoài Vũ tên thật là Nguyễn Đình Vọng, sinh năm 1935 tại Mộ Đức, Quảng Ngãi. 11 tuổi ông theo cách mạng, rồi tập kết ra Bắc. Được cử đi học báo chí, rồi sau đó ông vượt Trường Sơn về hoạt động ở chiến trường miền Nam khoảng năm 1964.
Nơi gắn bó và để lại rất nhiều ký ức trong thơ ca của ông chính là mảnh đất Long An. Vì sát nách Sài Gòn nên Long An có thể nói là một trong những địa điểm ác liệt nhất thời chiến tranh.
Nhà thơ Hoài Vũ cùng con gái (bìa phải) và cháu ngoại trong buổi giao lưu giới thiệu thơ - Ảnh: T.T.D.
"Tay súng tay bút", vì vậy tác phẩm của ông về thời chiến luôn nóng hổi, chân thật và mang chiều sâu của trải nghiệm.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ trước ngày vào dự buổi giao lưu này, mỗi đêm ông nằm đọc lại thơ Hoài Vũ và lắng nghe những bài hát được phổ nhạc từ thơ của ông.
"Tôi muốn đứng lùi xa hơn để nhìn toàn cảnh những năm tháng chiến tranh ở vùng đất đầy khốc liệt, bi thương nhưng cũng rất anh hùng.
Bom đạn trùm lên những ngôi nhà, dòng sông, cánh đồng... ở vùng đất phía Nam. Và tôi nghĩ nếu không có những bài thơ, bản nhạc phổ thơ ông và các nhà thơ khác thì chúng ta làm thế nào đi qua những cuộc chiến tranh tàn khốc như vậy" - Nguyễn Quang Thiều nói và ông lý giải bởi thơ Hoài Vũ không có sự sợ hãi, thù hận, chỉ có khát vọng yêu thương, những tình yêu đẹp băng qua tất cả, băng qua cái chết để đi đến hòa bình.
NSƯT Hồng Vân ngâm bài thơ Vàm Cỏ Đông của nhà thơ Hoài Vũ - Ảnh: T.T.D.
Sau 1975, nhà thơ Hoài Vũ đã đảm nhiệm nhiều chức danh quan trọng như ủy viên ban biên tập tuần báo Văn Nghệ, phó giám đốc Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới, ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM, chủ tịch Hội đồng Văn học dịch, phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng.
Dù công việc luôn bận rộn nhưng thi ca, văn chương dường như là hành trình không đứt đoạn của Hoài Vũ.
Ông cứ thế âm thầm ghi lại cảm xúc bằng những trải nghiệm cá nhân.
Thế nên bên cạnh hơn 100 bài thơ được giới thiệu trong Thì thầm với dòng sông (do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn Việt Nam phối hợp với Mibooks ấn hành), còn có hơn 30 ca khúc đã được phổ nhạc từ thơ Hoài Vũ.
Trong đó, có nhiều ca khúc đã đi cùng năm tháng do nhạc sĩ Thuận Yến, Phan Huỳnh Điểu, Trương Quang Lục... phổ nhạc như Vàm Cỏ Đông, Anh ở đầu sông em cuối sông, Đi trong hương tràm, Thì thầm với dòng sông, Chia tay hoàng hôn...
Theo LINH ĐOAN / Báo TUỔI TRẺ