(Chủ nhật, 15/03/2020, 03:58 GMT+7)

NHỮNG TRI ÂN TỪ CÁC TRÍ THỨC, NGHỆ SĨ QUỐC TẾ VÀ VIỆT NAM VỀ ĐIÊU KHẮC GIA
ĐIỀM PHÙNG THỊ (PHÙNG THỊ CÚC) TỪ CÁC TÁC PHẨM TRONG VÀ NGOÀI TRIỂN LÃM

 

Trò chuyện (đất nung)

    1. Hầu như Điềm Phùng Thị chưa được công chúng biết đến, vì trước khi có cuộc triển lãm toàn thể ngày hôm nay, chị hiếm khi tham gia những cuộc triển lãm tập thể. Không có gì lạ khi chị nhận ngay được sự kính trọng mà ít ai có được khi mới vào nghề. Điều đó bắt nguồn từ bản lĩnh mà chị thể hiện trong hoạt động sáng tạo, luôn đổi mới bằng một nghệ thuật gồm nhiều thành tố phức hợp, và tạo ra những hình tượng rất đa dạng. Không còn nghi ngờ chính do nguồn gốc sinh thành của chị là Việt Nam mà chị có được cái giác quan, thoạt nhìn tưởng như bẩm sinh, đã giúp chị phát minh những ký hiệu mà ở chị nó trở thành một ngôn ngữ về hình tượng. Và không phải là một hiện tượng ít đáng kinh ngạc, khi ta nhận ra nguồn cảm hứng đồ họa chuyển thành hình khối, và vẫn giữ được cái đẹp của nghệ thuật ký tự và nghệ thuật điêu khắc.
   Nói cách khác, những gợi cảm giàu chất thơ toát ra từ tác phẩm của nhà tạc tượng Điềm Phùng Thị vừa mang giá trị thần bí của nghệ thuật đồ họa, vừa có tứ thơ của chất liệu, những thành tố kết hợp với nhau tạo ra một thế giới bí ẩn sống động thật lạ lùng. Trong mỗi tác phẩm, người ta đón nhận, không phải một con người hoặc một động tác, mà một biểu trưng về một lớp người, về một dạng động tác, nó chuyển dịch một thực thể thành một ký hiệu tư duy.

Nhà phê bình mỹ thuật Raymond Cogniat
“Le Figaro”, 13.10.1966

 
   2. Tôi thật lòng bàng hoàng mà nhận những cảm xúc vừa trừu tượng vừa cụ thể về cuộc sống và những con người, với muôn vàn vẻ đẹp kỳ diệu của một nghệ thuật, vừa bác học, vừa dân gian, vừa có tính dân tộc, vừa có tính nhân loại, cả Đông và Tây.
Điềm Phùng Thị có thể được xem là một “tạo hóa” trong điêu khắc, mở ra những chân trời mới không những cho nghệ thuật, mà cả cho mọi lĩnh vực tư duy.

Nhà thơ Tố Hữu
Hà Nội, 7.9.1995

 
Ra trận vác vợ theo (đồng)

   3. Điều làm tôi rất thích thú là ngôn ngữ điêu khắc của riêng chị được hợp thành từ những thành tố cơ bản có dáng dấp rất Việt Nam. Tôi nghĩ rằng các biến điệu từ các thành tố đó, với nguồn cảm hứng luôn luôn dồi dào và sự tinh tế, chiều sâu tâm hồn của riêng chị, sẽ cho phép chị sáng tạo nên các tác phẩm đa dạng, phong phú, vừa mang nét dân tộc, vừa gần gũi với người phương Tây. Tôi không ngạc nhiên sau này khi được biết những thành công của chị, rằng nhiều tượng đài của chị đã được dựng lên ở khắp nước Pháp, trong những công viên, trường học, bệnh viện…
   Có một nhận xét mà tôi vẫn xúc động mỗi khi nghĩ đến là những năm tháng Việt Nam chìm trong bom đạn với lời đe dọa sẽ bị đưa trở về “thời kỳ đồ đá”, lại chính là những năm tháng nung nấu, thúc giục sự chín muồi, sự phát hiện nhiều tài năng, nổi tiếng ngày hôm nay, từ trong cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài, trong đó có Điềm Phùng Thị.

GS. TS. Nguyễn Ngọc Trân, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài
Hà Nội, mùa thu năm 1995

 
   4. Hình như những nghệ sĩ lớn đều được sinh ra để tạo dựng nên một thế giới riêng, ở đó mọi người đều có thể rong chơi như một đứa bé, và ngạc nhiên gặp lại những vật quen thuộc hàng ngày bỗng hiện ra với ánh sáng lạ thường. Thế giới Điềm Phùng Thị là như thế, đối với tôi. Những hình tượng do bà sáng tạo nên, tưởng là rất dễ dàng, tưởng là không cần tốn sức để tìm kiếm, nhưng đồng thời chúng lại bật ra một tiếng nói sâu thẳm và mạnh mẽ kỳ lạ.
   Vậy thì, chính sự giản dị là sức mạnh của ngôn ngữ tạo hình của Điềm Phùng Thị. Bằng cửa ngõ nào không biết, Điềm Phùng Thị đã dẫn dắt nghệ thuật của mình qua những nẻo đường tâm linh của Phương Đông. Kinh dịch định nghĩa rằng giản dị là đức của Trời và Đất, dễ dàng mà tạo ra được sức chuyển động, không cầu kỳ mà tác thành nên vạn vật. Cái đẹp của mới lạ là tinh hoa của thế giới, còn cái giản dị là sự quay về với bản chất của vũ trụ.
   …
   Và như người ta thấy, đức giản dị là nhất quán trong ngôn ngữ tạo hình của Điềm Phùng Thị, từ hình khối vạm vỡ của tác phẩm Trái đất (La Terre), modules đơn giản như bảy chữ cái từ đó tác giả có thể phát biểu mọi suy tưởng.
   …
   Phương Đông và Phương Tây, cổ điển và hiện đại, nghệ thuật Điềm Phùng Thị đã chứng tỏ khả năng siêu ngôn ngữ để truyền đạt những thông diệp của nhà nghệ sĩ đến mọi người và ở mọi nơi.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường
Huế, xuân 1995

 
Bánh xe thời gian (nhôm và đồng)

   5. Có lẽ khi ném những cục đất ướt trên bậu cửa sổ, bà đã rất nhạy cảm để nhận  ra rằng: khi ném thêm một cục đất mới, cái cũ nhòe đi, cái toàn bộ trước đó đã thay đổi để tạo ra một toàn bộ mới. Vì vậy, không phải tạo ra một cái toàn thể đơn nhất mà tất cả vấn đề là ở sự phối hợp. Hơn nữa, như mọi triết học, muốn khám phá được vũ trụ vô cùng, vô tận, phải quy ra được những khái niệm cơ bản. Giống như Kinh Dịch chỉ có vạch liền, vạch đứt và sự chồng quẻ. Tuy Điềm Phùng Thị có bảy “cái”, thì suy cho cùng, chỉ có tròn và vuông và suy cho cùng nữa thì vuông là cơ bản (nó sinh ra từ một phần ở tính ưa mò mẫm nhưng thích làm biếng, làm mau của bà, gọt tròn thì khó hơn tạo vuông). Nhưng từ vuông và tròn lại có thể làm nên vô số, có thể chồng cao vô tận…
   Bà nói tính bà “làm biếng” nhưng năm 1994 bà đã có 40 bức tranh, năm 1995 có 75 tượng (có vài cái cũ) để đem ra triển lãm ở Hà Nội lần này bà đã làm mọi người kinh ngạc. Đọc tranh bà, từ Ông Nghè, Áo tết của em… tôi thấy sáng tác của bà như được gợi nên từ ký ức xa xôi của một cô bé ham vui, ưa những gam màu sặc sỡ. Có gì na ná như đồ Hàng Mã, có thể vô dụng phù phiếm nhưng cũng có thể tâm linh… Cùng với điêu khắc trầm mặc, trang sức độc đáo, Điềm Phùng Thị đã làm cho người xem vừa ngỡ ngàng, cảm phục, lại vừa băn khoăn suy tưởng…

Nhà báo Nguyễn Sĩ Đại - 1995
 

 
   6.
  Tôi chợt thấy tóc bà xanh trở lại
  Im lặng biển sâu mang áo tết trẻ em
  Tôi chợt thấy dáng bà nhỏ dần trên trời thẳm
  Mỗi con người có thể hóa Vô Biên…

   Nhà thơ - Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo
   Huế, 19.12.1995
 


Chim hòa bình (đất nung và đồng)

 
7. Xin chào và chúc mừng chị, Điềm Phùng Thị. Trong cái thế giới riêng chị tạo ra, hôm nay, vẫn quấn quít với muôn nghìn cái đẹp và tình yêu mỗi ngày, chị đang nhìn vào cõi vĩnh hằng.

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi
6.9.1995

 
8. Xem tác phẩm Điềm Phùng Thị,
Trí tôi tĩnh lại,
Và tưởng tượng tôi đến với hư vô
Nhưng lòng càng thấy yêu con người, cuộc sống và đất nước hơn.
Cám ơn chị Điềm, 15 năm mới lại được xem lại tác phẩm của chị, dù chỉ một phần nhỏ thôi.

Huế tháng Tư 1994
Nhà báo Phan Quang
Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam
 

9. Từ lúc gặp chị là bác sĩ nha khoa “hóa thân” thành nhà điêu khắc đến nay cũng được gần một phần tư thế kỷ.
Lúc ấy thế giới bên phương Tây mới bắt đầu biết chị và khi thấy bảy mô hình chị sáng tạo, tôi đã nghĩ rằng 7 mô hình ấy như 7 nốt nhạc để cho người nhạc sĩ lấy đó mà tạo thành nhạc khúc. Thế giới đã đón chị, hoan nghênh chị, bao nhiêu danh vọng từ bốn phương không làm chị “say danh say lợi” mà lúc nào cũng để lòng chị “say tình dân tộc”…

Nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Trần Văn Khê
Huế một chiều mưa nhẹ, 24.03.1994

 
Ký hiệu (nhựa tổng hợp)

10. Nghệ thuật đích thực giúp con người cảm nhận thế giới bằng góc nhìn riêng, khám phá ra những điều con người chưa thấy được. Thật sung sướng và hạnh phúc được chiêm ngưỡng vẻ đẹp, bề ngoài thật đơn sơ nhưng bên trong ẩn chứa toàn bộ sự phong phú và hài hòa của thế giới thông qua tác phẩm của bác Điềm Phùng Thị.

Nhà thơ Bằng Việt

 
11. Nghệ thuật Điềm Phùng Thị không hề xa lạ với nghệ thuật dân tộc. Nhưng Điềm Phùng Thị cũng không dừng lại ở truyền thống. Thông thường mỗi người nghệ sĩ đưa tác phẩm vào đời là nhằm đối thoại với công chúng nghệ thuật của mình về một lối cảm, một lối nghĩ, một lối sống, với mong muốn được tán thưởng, được chấp nhận và xu hướng theo. Nhưng Điềm Phùng Thị không yêu cầu công chúng nghệ thuật của mình dừng lại ở mức độ cảm nhận hay thức nhận. Bà đánh thức ở họ cái tư duy sáng tạo vốn tiềm ẩn trong mỗi người và trao cho họ các phương sách để mỗi người tự mình thể nghiệm mà bộc lộ cái năng lực sáng tạo của mình.

Nhà phê bình Trần Khuê

 
12. Tượng và tranh của chị Điềm Phùng Thị gợi cho tôi rất nhiều cảm hứng sáng tạo.
Cám ơn chị đã cho chúng tôi niềm tin ở sự vô cùng tận của nghệ thuật, điều mà mỗi chúng ta suốt đời trăn trở và tâm niệm.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên
Một ngày ở Huế 19.3.1995