ÔNG QUÁN
Phạm Xuân Nguyên
Tôi gặp ông lần đầu tại Huế.
Năm 1987 tôi từ Hà Nội vào Huế công tác. Một buổi trưa, anh em văn nghệ cố đô tập trung rất đông tại một quán nước trên vỉa hè xế trước cổng trụ sở Hội văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên hồi đó ở số 6 Lê Lợi. Ngẫu nhiên lúc đầu chỉ có vài ba anh em ngồi với nhau, rồi thấy người này người khác ngang qua gọi với vào, một lúc quán đã đông chật, đủ mặt văn tài xứ "đẹp và thơ": Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khắc Phê, Ngô Minh, Nguyễn Quang Lập... Và một ông già. Một ông già râu dài, tóc dài, mặc bộ đồ nâu. Một ông già dáng người thấp, khuôn mặt phúc hậu, cởi mở. Anh em văn nghệ ở Huế tôi đã quen biết hầu khắp, còn ông già này? Mọi người đưa mắt nhìn tôi, cái nhìn như hỏi: sao, ở Hà Nội, làm ở viện nghiên cứu văn học quốc gia, vậy mà không biết người này sao? Tôi nhìn ông già lạ lẫm. Đến lúc thấy rõ tôi không biết thật người đang ngồi trước mặt là ai, một người mới lên tiếng giới thiệu: Nhà thơ Phùng Quán. Nghe tên, tôi giật mình. Tôi vui sướng. Và tôi xấu hổ.
Mang tiếng là sinh viên văn khoa, lại là văn khoa đại học Tổng Hợp Hà Nội, rồi ra trường về làm việc ở Viện văn học, nhưng thú thực là tôi, và lớp chúng tôi, không được biết gì về quá khứ văn học của thời mình sống. Hồi còn trên ghế phổ thông, đâu vào khoảng những năm 1970, chẳng hiểu do đâu tôi có được trong tay cuốn Bọn Nhân Văn - Giai Phẩm trước toà án dư luận. Tôi đọc sách đó thấy khiếp. Trong tâm trí của tôi hồi đó và mãi đến sau này, những người được gọi là "bọn" đó họ là những người khác thường, không chắc còn sống, và nếu sống thì mình cũng không chắc được gặp và gặp được. Nhất là với một người ở tỉnh lẻ như tôi. Đối với họ, tôi có một "khoảng cách sử thi". Ngay khi đã ở Hà Nội, đã vào nghề nghiên cứu, bắt tay vào tìm hiểu các vấn đề của văn học Việt Nam hiện đại, tôi vẫn không hình dung được cái ngày mình lại có thể được đối diện tương giao những đối tượng nghiên cứu "cấm kị" của mình. Bởi vì thực tế công việc cho tôi thấy mọi điều không đơn giản. Năm 1985 tôi được giao làm phần phụ lục "Các sự kiện văn hoá văn nghệ và giải thưởng văn nghệ" cho công trình nghiên cứu Văn học Việt Nam kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954). Khi tôi đưa bản thảo phần của mình lên duyệt để đem in, ông Viện trưởng hồi đó đã tự tay xoá đi cuốn Vượt Côn Đảo của Phùng Quán được giải ba về truyện trong giải thưởng văn học của Hội Văn Nghệ Việt Nam (1954 - 1955). Tôi cố đem lời lẽ thuyết phục: nào là cái gì đã thuộc về lịch sử thì phải giữ nguyên cho lịch sử, nào là bây giờ cởi mở thông thoáng rồi, nào là tác phẩm này có tính cách mạng cao, vân vân và vân vân, nhưng tôi có nói thế nào cũng không át được sự thận trọng của người lãnh đạo. Rốt cuộc, công trình nghiên cứu được in ra năm 1986 ở nhà xuất bản Khoa học Xã hội không có tên Phùng Quán và tác phẩm của ông trong giải thưởng đã được chính thức trao tặng cách đó ba chục năm. Đó là nỗi đau khoa học đầu tiên của tôi.
Tôi đã kể chuyện này cho ông Quán và bạn hữu nghe trong buổi trưa Huế đó. Ông cười, tỏ ra đã quá quen với những sự đối xử như vậy mấy chục năm qua. Một ai đó chợt nói như chia sớt cùng tôi nỗi ân hận trước số phận long đong của nhà thơ: thì bây chừ Huế cũng đã dám in thơ cho anh Quán mô, Đà Nẵng in trước cho anh đó chớ. Chừ anh Quán bán giá cao đi, anh em đây mua hết báo cho anh! Loáng cái, từ sạp báo của Dương Thành Vũ bên bờ sông Hương mấy chục tờ Quảng Nam - Đà Nẵng chủ nhật số 7 (15/2/1987) có đăng trường ca Cây cà của Phùng Quán được đưa về. Đây là lần đầu tiên ông xuất hiện trở lại đúng tên mình sau hơn ba mươi năm chịu cảnh "cá trộm, rượu chịu, văn chui" bên túp lều ven Hồ Tây. Tờ báo giá 5 đồng, mọi người nhất loạt mua lại 10 đồng. Ông Quán xúc động bồi hồi trong tình cảm anh em văn nghệ thân thiết, miệng ông cười mà mắt ngấn lệ, tay ông liên tiếp chép lại một khổ thơ bị thiếu trong bài thơ và lời đề tặng. Ở tờ cho tôi, ông viết :
Ba mươi hai năm trước
Tôi chết giữa Hồng Hà dữ sóng
Sau ba mươi hai năm
Tôi hồi sinh giữa xanh thẳm Hàn giang
Chính cây cà quê mùa lao lực
Đã cho tôi
dũng khí
bền gan.
Bản trường ca Cây cà này đến Tết năm 1990 đã được in lại trọn vẹn trên báo Thương mại. Mùa thu năm ấy trên chòi Ngắm Sóng (Vọng Ba lâu) ông lại tặng tôi một bản để kỷ niệm duyên cà đã cho tôi được gặp ông. Còn hồi đó, năm 1987, khi chia tay ở Huế ông khẽ bảo tôi: ra Hà Nội có dịp em ghé anh chơi, nhà anh ở phía sau trường Chu Văn An.
Từ đấy tôi có ông Quán.
Ông hơn tôi một thế hệ, nhưng tôi vẫn được gọi ông bằng anh. Đứa con tôi thấy ông đến chơi liền cất tiếng chào bằng ông, ông cười bảo: chào bác thôi, tao là bạn của bố mày. Ở đây tôi gọi ông Quán là theo điển của cụ Đồ Chiểu mà các bằng hữu của ông vẫn thường yêu mến gọi ông.
Căn phòng tôi sống trong khu tập thể Viện văn học hồi đó được cái tiện đường nên anh em xa gần thường lui tới. Ông Quán cũng đã nhiều lần ghé lại, trong đó có hai lần tôi rất nhớ. Một lần vào khoảng đầu năm 1990, khi đó tạp chí Cửa Việt của Hội văn nghệ Quảng Trị vừa mới ra mắt, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường tổng biên tập ra Hà Nội ghé gặp tôi bàn chuyện bài vở. Khi anh Tường đến thì gặp ông Quán và tôi đang chuyện trò, thế là ba anh em bàn bạc rất tâm đắc, hào hứng. Trong câu chuyện ông Quán có nói cái ý này rất hay: người làm báo như người giữ sân bãi cho người viết là cầu thủ ra sân đá, anh phải làm thế nào đó đừng để bị mất sân bãi, vì bị bật bãi là hết chỗ đá. Anh Tường cũng tâm niệm như vậy, nhìn gương một đồng nghiệp trước đó để biết đường tiến thoái, sao cho còn đất mà chơi. Vậy mà chàng Hoàng Phủ cũng chỉ giữ được Cửa Việt ba năm 17 số, ứng vận với con số vĩ tuyến chạy qua miền đất ấy và với khoảng thời gian trôi qua sau kết thúc chiến tranh (1992), để ít lâu sau Nguyễn Quang Lập phó tổng biên tập ngoái nhìn lại rút ra bài học thấm thía: làm báo thời nay vừa hay vừa đúng mới tài. Còn với ông Quán, Cửa Việt đã vang dội ở cái Tết 1992 khi đăng bài ông viết Ngày xuân xông đất nhà thơ Tố Hữu. Nhớ hôm ông đưa bản thảo, cũng tại nhà tôi, Lập và tôi đọc xong sướng run lên. Lập chỉ xin ông thay hai chữ "hệ lụy" có trong bài bằng một chữ khác cho an toàn hơn, ông đồng ý. Báo Tiền Phong đăng lại bài này, số lượng tăng lên cả vạn, nhuận bút trả ông Quán hai trăm ngàn đồng. Cửa Việt nghèo, chỉ trả cho ông Quán nhuận bút được bốn chục ngàn, ông bảo tôi chuyển số tiền đó ra thành 13 cuốn tạp chí (3000đ/cuốn) để tặng bạn bè, người quen. Về sau nhiều lần ông thích thú nói với tôi: cả đời mình làm thơ có người biết người không, nhưng chỉ một bài báo mà mình đi đâu ai người ta cũng biết, cũng đọc. Phải nói là ông Quán viết báo có cái duyên, cái chất riêng, nên đọc thấy thú vị và ngẫm ngợi được nhiều điều, ví như bài ông viết về việc lo đám ma cho ông Đoàn Phú Tứ hay về cái chết của ông Trần Đức Thảo chẳng hạn.
Lần thứ hai đáng nhớ ông Quán đến nhà tôi là dịp làm lễ mừng thượng thọ cho ông Nguyễn Hữu Đang. Trước đó, một buổi chiều 29 tết Tân Mùi, ông chợt ghé lại tôi cho hay là nhân có số tiền được thưởng về phim Tuổi thơ dữ dội nên ông đã xuống Thái Bình thăm ông Đang từ hôm ông Táo về giời đến hôm nay mới lên. Những điều ông kể cho tôi nghe hôm ấy về cảnh sống khổ cực, về thân phận nổi chìm của ông Đang sau này ông đã chuyển thành một bài viết đầy tình cảm và luận cứ. Còn giờ đây, một ngày giữa tháng Mười Một 1992, ông đưa tôi một giấy mời như sau :
Mừng sống dai.
Nguyễn Hữu Đang chiến sĩ kách mệnh. Trưởng ban tổ chức ngày đại lễ của đất nước Tuyên Ngôn Độc Lập mùng 2 tháng 9 năm 1945 tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội. 1992 (Nhâm Thân) 80 xuân ngồi trầm tư tại bản quán trong căn hộ độc thân - nguyên cái chái bếp của tập thể giáo viên trường phổ thông cơ sở thôn Trà Vy, xã Vũ Công, huyện Kiến Xương, Thái Bình. Chúng tôi Phùng Cung và Phùng Quán (em kết nghĩa) xin trân trọng kính mời: đúng 10 giờ 30 ngày 20 tháng 11 năm 1992 đến tại nhà riêng chúng tôi số 10 Thuỵ Khuê - khu tập thể giáo viên trường Chu Văn An, uống chung rượu khổ sâm mừng sự sống dai.
Phùng Cung và Phùng Quán.
In kèm bên là tấm ảnh chụp ông Đang sáng mồng một Tết năm Nhâm Thân với dòng chữ đề "Nguyễn Hữu Đang. Tám mươi xuân - trai tân - độc thân". Mặt sau tấm giấy mời khổ to này là bản chụp lại trang bìa tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử số đặc biệt kỷ niệm 45 năm Cách Mạng Tháng Tám (1990) trong đó có nói đến công lao của ông Nguyễn Hữu Đang. Ông Quán đưa thêm cho tôi mấy tờ bảo mời thêm những người trong Viện đến dự cho vui cho biết. Và ông nói với tôi: chỗ anh em, Nguyên có thể đến vào tối hôm trước dự buổi gặp mặt trong không khí gia đình.
Vậy mà, hỡi ôi, tôi đã phụ lòng tin của ông. Tôi đã không đến dự buổi lễ thọ đó. Tôi đã hèn nhát, đã sợ hãi. Một anh bạn văn cũng được mời đến cuộc đó, khi thấy tôi định đi, anh khuyên tôi cẩn thận, có lẽ không nên đến thì hơn. Lúc đầu tôi cãi lại: nắm kẻ có tóc, ai nắm kẻ trọc đầu. Nhưng một phút do dự, ngập ngừng đã khiến tôi lại mang lỗi với ông Quán, lần này là do bởi chính tôi. Buổi lễ đã diễn ra vui vẻ, yên lành, nên thế tôi mới càng đau cho cái sự hèn nhát của mình. Những ngày sau đấy gặp lại ông Quán tôi rất ngượng ngùng, xấu hổ, và một hôm tôi đã nói thật, nói thẳng tâm trạng của mình cho ông biết. Ông gạt đi như không có chuyện gì. Nhưng tôi biết thâm tâm ông cảm thấy rất buồn. Đây đâu phải chỉ là chuyện văn chương, đây là nhân cách, là cách sống, là tình cảm của con người và con người. Ông và thế hệ ông đã sống đúng mình và làm văn thực mình. Chẳng lẽ thế hệ sau lại cầu an, sợ sệt thế sao?
Mẹ đã sinh ra một nhà thơ
Đó là điều nhiều bà mẹ trên thế gian này ao ước
Mẹ chết vì bệnh tim
Đó cũng là điều số phận đã định trước
Cho các bà mẹ
Dám sinh ra nhà thơ.
Ông Quán đã chép tặng tôi mấy câu này, đó là "Thơ dán trên linh cữu mẹ nhà thơ Lê Thị Mây chết vì bệnh tim" (1987). Sau này đọc thơ nước ngoài tôi gặp lại những ý tưởng của ông Quán. Nhà thơ Bulgaria Stefan Tsanev viết :
Khi nhà thơ ra đời
Người mẹ nước mắt rơi
Bà sẽ nuôi nấng ai?
Chiếc nôi đưa không người
Đứa trẻ bị đánh cắp
Mẹ sinh con nhưng chẳng cho mình
Khi nhà thơ ra đời.
Đời ông Quán sướng khổ vì thơ, nhưng ông là người biết mình. Cái năm đổi mới, ông và mấy bạn văn một thời Nhân Văn - Giai Phẩm được nhà nước cho tiền in thơ. Một trưa hai anh em ngồi nhậu lòng lợn tiết canh trên gác xép cái quán cạnh Viện Văn, ông thông báo cho tôi tin đó. Ông kể cái khó lúc này là xác định ai thực là Nhân Văn - Giai Phẩm, không khéo nhận vơ. Nhưng điều quan trọng, và là điều làm tôi cảm động và yêu quý ông hơn, ấy là điều ông tâm sự: anh cảm thấy hồi hộp, và lo, vì lâu nay được cái tiếng ấy, bây giờ thơ in ra không khéo người ta thất vọng, tưởng mấy anh Nhân Văn thế nào, hoá ra chỉ thế này. Tôi nghe ông và đã tếu táo cậy tuổi trẻ nói với ông mấy lời: anh biết được thế là quý, nhưng theo em anh cứ in thơ, những bài anh làm trong quãng đời lận đận sóng gió ấy mà mấy năm qua anh đã cho đăng rải rác em thấy được đấy, không phải sợ đâu. Vả lại Nhân Văn đã là một hiện tượng lịch sử, người ta đọc thơ các anh là trong giá trị lịch sử ấy. Ông cười: lần nào đến mày cũng "lo lơ ti ca", nể mày tao ngồi, chứ cứ thế này mãi, chán chết. Hai anh em cười xoà, cụng ly.
Ông đối với tôi như vậy, tôi mắc nợ ông nhiều lắm. Từ trước tôi đã có ý định sưu tầm tài liệu, lập hồ sơ về các "vụ việc" trong văn học sử Việt Nam hiện đại để nghiên cứu con đường vận động của nó. Khi gặp ông Quán, nhiều lần trò chuyện về tình hình văn học những năm 1956-1958, tôi ngỏ ý muốn nhờ ông giúp gặp gỡ các nhân chứng hiện còn, thu thập những tư liệu hiện có, ông rất nhiệt tình. Ông bảo: cứ trò chuyện, cứ đọc đi đã, còn kết luận đánh giá thì các anh cứ khách quan khoa học mà làm, cốt là phải đúng sự thật và đúng lịch sử. Nhưng rồi tôi cũng mải phù phiếm, và cũng nói thật là chưa đủ sự tự tại để đối lại với sự thờ ơ, nghi ngại của xung quanh với ý đồ khoa học này của mình, nên đã lỡ dịp với ông Quán. Chắc đấy cũng là một điều tôi để buồn cho ông.
Sinh thời ông đã có lần tự hoạ mình: Bạc đầu vẫn trẻ con/ Dại khờ cho đến chết/ Giữa nghiệt ngã trần gian/ Trái tim thơ thấm mệt. Ngày ông nằm xuống, thắp nén hương trước quan tài ông xong, tôi ngồi với quyển sổ tang ngổn ngang bao điều chẳng thể viết ra. Bất ngờ, như cuộc đời ông đã định và tôi chỉ việc ghi lại cho ông thôi: "Vượt Côn Đảo không quên lời mẹ dặn/ Dẫu tuổi già vẫn dữ dội tuổi thơ". Dữ dội là ở cái tính cách ông Quán trước sau không khác không ngược, là ở cái tiếng kêu vọng suốt một đời người đời văn "thằng Mừng không phải là Việt gian" (Tuổi thơ dữ dội). Còn trong cuộc sống ông nhân tình, phúc hậu, có khi tôi còn dám đùa ông là nai nữa. Ông rất thích một bài ca trù mà hầu như lần nào gặp tôi trò chuyện thế sự văn chương vãn rồi ông lại cất cái giọng đọc rất truyền cảm đã ngấm chút hơi men của mình lên ngâm ngợi nó để cùng thích thú cùng buồn cùng cười cùng quên bao nỗi hệ lụy của kiếp người. Bài ca trù ấy nói rằng đời người ta ngắn ngủi lắm: khoảng độ ba lăm là sắp kiệt, thế mà còn đi học đi hiệc, đi thi đi thiệc, khi đỗ khi điệc, làm quan làm kiệc...
Chao ôi, cái vần "iệc" nó hoá mọi sự thành ra trò cười hết. Thế mà còn làm quan làm kiệc, làm thơ làm thiệc, nghiên cứu nghiên kiệc..., văng vẳng giờ đây tôi còn nghe giọng ông Quán rung lên trong buổi chiều đông áp tết Nhâm Thân khi ông vừa từ Thái Bình lên.
Hà Nội, 1995 - 2001