(Chủ nhật, 31/12/2023, 07:00 GMT+7)

Lê Công Hành (1606-1661) là một vị quan thời Lê Trung Hưng, quê ở làng Quất Động, huyện Thường Tín (Hà Nội nay).

Theo truyền thuyết, năm 1646, ông đi sứ Trung Hoa và đã học được nghề thêu và nghề làm lọng, sau đó ông truyền dạy cho người làng mình và từ đó nghề lan tỏa tới nhiều nơi.  Bao đời nay, ông vẫn được tôn là Tổ sư nghề thêu và nghề làm lọng cổ truyền tại Việt Nam.

Việc các sứ giả Đại Việt sang Trung Quốc học được nghề mới mang về truyền cho dân mình, từ đó được tôn là tổ sư của nghề đó là điều không lạ. Sử sách và sử miệng đã ghi nhận việc Lương Như Hộc (1420-1501), quê Hải Dương, sau khi đi sứ Trung Quốc về đã học và truyền lại kỹ thuật in khuôn bản gỗ cho người dân quê ông. Tiếp đó, Trần Lư (1470-1527), sau khi đi sứ sang nhà Minh về đã học được nghề sơn son thiếp vàng ở tỉnh Hồ Nam để về dạy cho dân làng Bằng (Thường Tín, Hà Nội nay), từ đó được tôn làm ông tổ nghề sơn. Cuối triều Lê mạt, Vũ Đức Úy (?) sau chuyến đi sứ sang nhà Thanh cũng đã truyền dạy cho dân làng Triều Khúc (Hà Nội) nghề dệt thao và được tôn là Tổ nghề này, v.v...


Đình làng Quất Động (Thường Tín, Hà Nội) - nơi có gian thờ danh nhân văn hóa - lịch sử Lê Công Hành

Việc Lê Công Hành học nghề thêu và làm lọng ở Trung Quốc đã được người Việt kể lại bằng một giai thoại đại khái như sau:

Sau khi hoàn thành công việc ngoại giao, vua Minh muốn thử tài trí của sứ giả Lê bèn sai dựng một cái lầu cao rồi mời ông lên chơi. Nhưng khi ông lên tới nơi, vua Minh sai người cất thang đi, để ông ở đó suốt một ngày không đem cơm nước đến. Trên lầu, ông chỉ thấy có một bàn thờ Phật Di lặc, phía trước có hai cái lọng xanh, đỏ trông rất đẹp; trên cao treo bức nghi môn diềm màn thêu rồng phượng. Dưới bàn thờ, có một cái chóe to đựng nước cúng và hai cây tre dựng, trong góc cùng một con dao.

Năm 1646, Bùi Công Hành dẫn đầu đoàn sứ bộ đi sứ.  Vua nhà Minh muốn thử tài trí thông minh của sứ thần nước Việt bèn cho dựng một lầu cao rồi mời ông lên. Khi ông đã lên lầu, người Minh bèn rút thang, để ông ở trên lầu một mình. Trên lầu, ông chỉ thấy hai pho tượng sơn son thiếp vàng, một chum nước cùng hai cái lọng cắm trước bàn thờ. Ngoài cửa lầu treo một bức nghi môn thêu nổi ba chữ: “Phật tại tâm”.

Một mình trên lầu vắng, bụng đói mà không có gì ăn, ông nghĩ, có chum nước để uống tất phải có gì đó cái ăn. Ngắm bức nghi môn ông nghĩ: “Phật tại tâm nghĩa là Phật ở trong lòng” rồi liền bẻ tay pho tượng ăn thử. Thì ra hai pho tượng được nặn bằng bột bánh khảo. Có đồ ăn thức uống rồi, ông quan sát kỹ chiếc lọng, hiểu được cách làm. Rồi ông lại hạ bức nghi môn xuống, tháo ra xem cách thêu chữ nổi. Cuối cùng, ông dùng cái lọng nhảy xuống đất an toàn. Vua quan nhà Minh rất khâm phục trí thông minh và tài tháo vát của ông.

Khi về nước, ông truyền dạy cách thêu nổi và cách làm lọng cho dân làng Quất Động và 5 xã xung quanh.

Rõ ràng, giai thoại trên là một sáng tác văn học dân gian để ca ngợi công lao của Lê Công Hành. Như mọi giai thoại, nó rất lý thú nhưng cũng nhiều điều phi lý.

Từ góc nhìn dân tộc học, một câu hỏi đặt ra là: Khi đi sứ, Lê Công Hành đã học nghề thêu và nghề làm lọng ở đâu, vì sao và như thế nào?

Trong bài viết này, tôi sẽ đưa ra một câu trả lời dưới dạng giả thuyết nghiên cứu.

1. Khi đi sứ, Lê Công Hành đã học nghề thêu và nghề làm lọng ở Hồ Nam, bởi những lý do sau

Trước hết, Hồ Nam là một nơi có ý nghĩa đặc biệt trong những nơi Lê Công Hành phải qua trong lộ trình đi sứ.

Xưa, các sứ đoàn nước ta đến Bắc Kinh - kinh đô hai triều Minh - Thanh thường theo lộ trình cơ bản sau: Thăng Long hay Phú Xuân - Lạng Sơn - Quảng Tây - Hồ Nam, từ đây hoặc qua Hồ Bắc - Hà Nam, hoặc qua An Huy - Giang Tô - Sơn Đông rồi tới Hà Bắc - Bắc Kinh.

Một bản đồ từ cuốn sách cổ Hoàng hoa sứ trình đồcủa Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) cho thấy cụ thể con đường đi sứ Trung Hoa trong hai năm 1766-1767 của ông theo đường từ Hồ Nam qua An Huy - Giang Tô - Sơn Đông tới Bắc Kinh.

Không chỉ là một nơi phải đi qua, có thể dừng chân thăm thú các danh lam thắng cảnh, Hồ Nam còn là một nơi có ý nghĩa rất đặc biệt với các sứ thần Việt Nam. Đây là nơi có hồ Động Đình, trong truyền thuyết Họ Hồng Bàng là quê ngoại của Kinh Dương Vương, vị vua được Ngô Sĩ Liên, trong bộ quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư, coi là “vị vua đầu tiên của nước Đại Việt”.

Trong tác phẩm Quần thư tham khảo, Phạm Đình Hổ (1768-1839) một nhà nho thời Lê - Nguyễn đã ghi lại ba câu chuyện về mối liên hệ kỳ lạ giữa thần linh hồ Động Đình với các sứ thần Việt Nam, theo ông là “những chuyện không thể lấy lẽ thường mà xét đoán”.


Hình 1: Bản đồ hành trình đi sứ Trung Hoa của sứ nhà Lê Nguyễn Huy Oánh (1713-1789)
Nguồn: https://ductho.hatinh.gov.vn/portal/

Câu chuyện thứ nhất: Hoàng Bình Chính, đỗ Tiến sĩ năm 1775, làm quan đời Lê Cảnh Hưng, đêm ngủ thường mộng thấy một mỹ nhân, tự xưng là thần đền Túc Duyên ở núi Biển Sơn, hồ Động Đình, nói hai người đã có duyên nợ với nhau từ kiếp trước. Mỹ nhân báo trước cho ông nhiều việc mà sau đều thấy ứng nghiệm. Năm 1783, ông đi sứ sang Trung Quốc, qua hồ Động Đình, quả nhiên thấy có đền Túc Duyên, trong có thờ tượng công chúa giống mỹ nhân trong mộng. Đến đêm, thuyền qua sông, ông mơ thấy có một thị tỳ đến nói xin biếu hai con cá chép. Đến sáng mai, thuyền ở giữa hồ, hai con cá nhảy lên thuyền. Lúc về, ông lại qua núi Biển Sơn, gió thổi mạnh làm gãy cả cột buồm, thuyền suýt mắc cạn, nhưng sau vẫn qua được. Về đến Lạng Sơn, ông lại mơ thấy mỹ nhân đến báo: “Nay việc nước đã xong rồi đấy”. Đêm ấy, ông bị bệnh, về đến kinh đô Thăng Long thì mất.

Câu chuyện thứ hai: các sứ giả Việt đi Trung Quốc về thường kể: sóng gió hồ Động Đình rất khó lường, thuyền bè qua lại rất khó khăn, duy chỉ có sứ thuyền Đại Việt mỗi lần đến đó, khi đi sang phía Bắc thì gặp gió Nam, lúc trở về phía Nam thì gặp gió Bắc, muôn lần không sai một. Cho nên thuyền bè công hay tư của Trung Quốc, mỗi lần gặp sứ thuyền của ta đều ghé vào để đi cùng. Năm Mậu Thìn đời Cảnh Hưng (1748), thám hoa Nguyễn Huy Oánh khi làm sứ có nhận xét rằng: “Ở hồ Động Đình, thuyền bè của ta được thuận gió” có lẽ là chỉ vào việc đó.

Câu chuyện thứ ba: Năm 1804, một viên quan nhà Lê là Trịnh Hiến từ Trung Quốc về kể: khi vua Thanh Càn Long nhận sớ cầu phong của sứ thần Tây Sơn, các bầy tôi theo vua Lê Chiêu Thống không chịu ra sân để tránh chạm mặt, khiến Càn Long nổi giận, hạ chiếu đưa họ đi giam ở Yên Kinh. Khoảng năm 1796, vùng Hồ Nam bị đại hạn, người Trung Quốc đồn rằng đó là vì các viên quan Việt Nam vô tội bị giam. Sau đó, họ được thả ra...

Phạm Đình Hổ nhận xét: các bậc tiền bối của dân ta trước thường là thần bên Trung Hoa, phần lớn là thần ở hồ Động Đình. Kinh Dương Vương xưa lấy con gái vua hồ Động Đình mà sinh ra Lạc Long Quân, nên nước ta và vùng hồ Động Đình đời đời là thông gia tốt với nhau... Thần và người vẫn có quan hệ qua lại, dù núi sông cách biệt.

Ba câu chuyện có vẻ mang tình truyền kỳ, nhưng các nhận xét của Nguyễn Huy Oánh và Phạm Đình Hổ là có thực và phản ánh tâm thức của cả các nhà nho - sứ thần Việt về về hồ Động Đình và đất Hồ Nam.

Ngoài ra, các sứ thần Việt khi tới Hồ Nam còn biết ở đây có đền thờ Hai Bà Trưng, điều được nói tới trong một bài thơ Namcủa Nguyễn Thực (1554-1637), một sứ thần nhà Lê, tiền bối của Lê Công Hành.

Cũng cần nói thêm, Hồ Nam cũng gọi là tỉnh Tương,theo tên con sông Mẹ - sông Cái của người Hồ Nam, một trong 4 con sông chảy về hồ Động Đình. Tên đầy đủ của con sông đó là Tiêu Tương. Và Tiêu Tương cũng là tên con sông lớn ở Bắc Ninh xưa, cũng là nơi có khu lăng mộ Kinh Dương Vương cùng đền thờ Lạc Long Quân - Âu Cơ, những nhân vật huyền sử gắn với hồ Động Đình.

Như vậy, với nhiều mối liên hệ tâm linh và lịch sử với người Việt, con người và văn hóa Hồ Nam ở đây chắc thân quen với các sứ thần Việt Nam hơn. Ngược lại, người dân ở đây chắc cũng thân thiện và cởi mở với người Việt. Đó là điều kiện thuận lợi cho việc học hỏi của các sứ thần Việt.

Chúng ta biết một sứ thần nhà Lê trước ông là Trần Lư khi tớiHồ Nam đã học được nghề sơn son thiếp vàng, thếp bạc, sơn dầu, sơn quang, sơn mài về truyền dạy cho dân quê hương mình ở làng Bình Vọng, cũng ở Thường Tín. Rất có thể, việc học và truyền nghề sơn của Trần Lư đã là một gợi ý, một ví dụ cho Lê Công Hàng khi tới Hồ Nam.

Lê Công Hành đi sứ năm 1646. Khi đó, do Bắc Kinh đã rơi vào tay người Mãn Châu, hoàng tộc và quan tướng Minh di tản về phía nam, thành lập nhà Nam Minh với kinh đô ở Nam Kinh, Giang Tô, nơi tiếp sứ giả các nước Đại Việt, Nhật Bản, Chiêm Thành.

Như vậy, từ Hồ Nam, không rõ Lê Công Hành đi tới Hồ Bắc hay qua Giang Tô, nhưng dù có qua Giang Tô, tôi cho rằng ông đã học nghề thêu và nghề làm lọng ở Hồ Nam trên đường về nước với những lý do sau.

2. Lê Công Hành đã học hai nghề đó bởi ông tin chúng đang rất cần thiết cho người Việt

Tại Trung Quốc, trong lịch sử có 4 trung tâm hay trường phái của nghề thêu với những sản phẩm thêu đặc trưng mang phong cách khác nhau. Đó là Hồ Nam với Tương gấm, Tứ Xuyên với Thục gấm, Quảng Đông với Việt gấm và Giang Tô với Tô gấm.

Rõ ràng, tất cả 4 trung tâm đều nằm ở vùng Nam Trường Giang, là vùng đất gốc của người Bách Việt xưa. Đó cũng là vùng đất quê hương của nghề dệt lụacó liên hệ chặt chẽ với nghề thêu và nghề làm lọng.

Tư liệu khảo cổ học cho thấy những người đã phát minh ra nghề nuôi tằm - quay tơ - dệt lụa là chủ nhân văn hóa Đá Mới Lương Chử (3400-2250 TCN) có địa bàn thuộc Chiết Giang - Thượng Hải - Giang Tô ngày nay.

Người Lương Chử là con cháu của người Hà Mẫu Độ, tổ tiên xa xưa của người Bách Việt bởi họ đã tạo ra dạng rìu Việt là gốc của chữ Việt và là tổ tiên trực tiếp của người nước Việt hay Ư Việt nổi tiếng thời Xuân Thu - Chiến Quốc.

Hiện vùng đất của nước Việt xưa vẫn là trung tâm của nghề nuôi tằm dệt lụa của Trung Quốc với các sản phẩm lụa Hàng Châu, Tô Châu nổi tiếng khắp thế giới.

Ngoài nghề thêu, nghề làm lọng cũng là một nghề gắn bó với nghề dệt lụa. Lọng là dạng ô làm bằng lụa, chủ yếu dùng để che nắng cho vua chúa, quý tộc.

Trong lịch sử, Phúc Kiến và Hồ Nam là hai trung tâm sản xuất ra những chiếc ô dù và lọng tinh xảo, đẹp và bền chắc nhất ở Trung Quốc.

Như vậy, Hồ Nam là nơi có truyền thống lâu đời về nghề thêu và nghề làm lọng. và Lê Công Hành có thể học cùng lúc hai nghề này.

Mặt khác, đó là hai nghề có liên hệ chặt chẽ với tín ngưỡng đồng bóng cũng là một đặc sản ở Hồ Nam.

Cho đến nay, chiếc túi lụa thêu hình chim én, hình rồng và hoa lá được tìm thấy trong các ngôi mộ Sở ở Mã Vương Đôi, Trường Sa, Hồ Nam có niên đại khoảng 168 TCN được coi là di vật thêu cổ nhất ở Trung Quốc.

 
Hình 2: Tấm lụa thêu và chiếc phướn vẽ màu mộ Mã Vương Đôi
Nguồn: https://www.viewofchina.com/mawangdui-embroidery/

Hình chim én thêu trên chiếc túi cho thấy đó là túi của một ông đồng hay bà bóng Sở bởi đó là một biểu tượng không thể thiếu trên áo, mũ cũng như trên bàn thờ tổ của các thầy mo, bà then Tày - Nùng.

Ngoài chiếc túi thêu trên, trong mộ còn có tấm phướn lụa với các hình vẽ phản ánh tín ngưỡng đồng bóng Sở (cũng có thể gọi là đạo Mẫu Sở) với nhiều nét tương đồng với đạo Mẫu Việt (ví dụ: quan niệm vũ trụ 4 phương, vị trí tối cao của các nữ thần như Nữ Oa - Hằng Nga và Tây Vương Mẫu; biểu tượng Hổ - Rồng, nghi lễ hầu đồng của tín ngưỡng đồng bóng Sở tương ứng với vũ trụ Tứ Phủ, vị trí của Mẫu Liễu Hạnh, cặp biểu tượng Ngũ Hổ, Thanh Xà - Bạch Xàcủa đạo Mẫu Việt.

Hai di vật trên cho thấy tầm quan trọng của đồ thêu trong trang phục, vật dụng, đồ thờ của đạo Mẫu Sở.

Hơn 600 đồ sơn mài, bao gồm cả hai chiếc quan tài ở Mã Vương Đôi là những sản phẩm đặc sắc tiêu biểu cho nghề sơn mài ở Trung Quốc xưa.

Cho đến nay, Trường Sa vẫn là trung tâm của nghề thêu ở Hồ Nam.

Vào đầu thời Minh, tín ngưỡng đồng bóng khá thịnh hành. Một trong các nghi lễ phổ biến nhất của các ông bà đồng là lễ cầu mưa. Ông nội của Chu Nguyên Chương, người sáng lập nhà Minh,nổi tiếng là một ông đồng cao tay trong việc cầu mưa. Ngay khi đã thành hoàng đế, Chu Nguyên Chương cũng cởi trần nằm phơi nắng ba ngày để cầu mưa.

Sau này, dù bị Nho giáo chèn ép và đàn áp, tín ngưỡng này vẫn phổ biến ở các vùng thôn quê Hồ Nam.

Trong khi đó, lọng lại là một vật thiêng, một biểu tượng của Phật giáo nói chung. Đó là biểu tượng cho bầu trời che chở mặt đất với cán là trục vũ trụ nối đất với trời. Lọng cũng là biểu tượng cho đầu Đức Phật hay các vị Bồ tát.

Vào thời Minh, Phật giáo mang tính chiết trung với sự phục hồi của các tông phái của Phật giáo Đại thừa Trung Hoa.

Nhìn chung, vào thời Minh, các nghề thêu và làm lọng rất phát triển với sự xuất hiện của các xưởng dệt tư, các gia đình và cá nhân chuyên làm nghề. Điều này rất thuận lợi cho các sứ thần Việt học hỏi nghề.

Đến Hồ Nam vào thời này, Lê Công Hành chắc chắn phải có ấn tượng rất mạnh về cả sự phát triển của nghề thêu và nghề làm lọng lẫn kỹ thuật và chất lượng cao của các sản phẩm.

Cũng cần nhắc lại một quan điểm khá xác đáng rằng, việc tôn vinh Lê Công Hành thành tổ sử của hai nghề trên không có nghĩa là trước thời Lê, hai nghề đó khồng có ở nước ta.Rõ ràng, nghề đúc đồng đã có từ thời văn hóa Đồng Đậu (1400-1000 TCN), phát triển rực rỡ thời Đông Sơn nhưng thợ đúc Việt vẫn tôn thờ ông tổ nghề đúc đồng là Nguyễn Minh Không hay Lý Quốc Sư (1065-1141), một nhân vật nổi tiếng thời Lý có nguồn gốc và công lao được sử sách ghi nhận cụ thể.

Tư liệu khảo cổ học cho thấy cả hai nghề trên đã có ở Việt Nam vào cuối thời Đông Sơn (thế kỷ II TCN-1).

Dấu tích vải đã được phát hiện trong các mộ thuyền Động Xá (Hưng Yên), Châu Can (Phú Xuyên, Hà Nội). Các nhà khảo cổ học xác định đó là vải gai, vải lanh và lụa tơ tằm. Một số kỹ thuật như làm diềm và thêu đã được xử dụng (Nguyễn Việt 2010: 437-438).

Về lý thuyết, người Đông Sơn có thể thêu trên vải gai và vải lanh (như phụ nữ Mông bao đời nay vẫn thêu trên vải lanh). Pho tượng nữ trên cán kiếm Núi Nưa cho thấy váy có nhiều hoa văn, có thể là hoa văn thêu. Đặc biệt, những hình xoáy ốc trên mũ và hình hoa 6 cánh trên thắt lưng của pho tượng người đàn ông gốc Saka - Điền trên cây đèn Lạch Trường rất có thể là hình thêu nổi.

 
Hình 3: Tượng nữ Đông Sơn trên cán kiếm Núi Nưa và tượng người đàn ông quỳ trên đèn Lạch Trường - Nguồn: Internet


Hình 4: Hình người cầm lọng trên thạp Điền - Nguồn: Internet

Tuy nhiên, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu không thuận đã khiến chúng ta không thể tìm được đồ thêu đích thực trong các ngôi mộ Đông Sơn như chiếc túi thêu ở mộ Mã Vương Đôi cùng thời.

Chúng ta cũng không có bằng chứng về lọng trong văn hóa Đông Sơn, nhưng lại có những bằng chứng rõ rệt trong văn hóa Điền, nền văn hóa láng giềng, anh em gần gũi với văn hóa Đông Sơn, đó là tượng người cầm lọng che cho một nữ quý tộc Điền trên một chiếc thạp kiểu trống đồng Đông Sơn.

Và chúng ta có thể suy luận: Những vua quan quý tộc Đông Sơn, chủ nhân những trống đồng đẹp như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ hoàn toàn có thể có những đồ thêu và lọng như những người anh em láng giềng Điền hay Sở.

Được biết, làng Quất Động, đã có nghề thêu lâu đời và sau khi đi sứ, Lê Công Hành đã làm cho nghề này đổi mới và phát triển đáng kể, từ đó Lê Công Hành được tôn là Tổ sư của nghề.

Tôi nghĩ giờ đây, chúng ta không thể biết cụ thể ông đã mang về những ý tưởng và kỹ thuật mới nào cho nghề thêu. Nhưng tôi ngờ rằng, rất có thể, những đồ thêu gắn với tín ngưỡng đồng bóng và Phật giáo ở Hồ Nam đã tạo ra cảm hứng cho ông học hỏi  hai nghề này.

Chúng ta biết, vào thời Lê, đạo Mẫu của người Việt định hình và phát triển mạnh mẽ với sự xuất hiện các nhân vật như Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn (theo truyền thuyết đã âm phù quan Lê lợi đánh giặc Minh). Đặc biệt, vào thời Lê - Mạc (1527-1592) và Lê - Trịnh (1627-1777), Phật giáo được phục hồi, nhiều chùa chiền được trùng tu và xây mới, vua chúa, phi tần, quan lại đua nhau theo Phật, góp tiền, cúng ruộng cho các chùa.

Chắc chắn, những điều đó đã tạo ra một nhu cầu lớn cho các đồ nghi lễ, bao gồmkhăn chầu áo ngự, mũ, hài, lọng thờ với những hình thêu phong phú như chúng ta thấy ngày nay. Và chính nhu cầu đó đã tạo ra lý do và động lực cho Lê Công Hàng học hỏi hai nghề thêu và nghề làm lọng ở Hồ Nam.

3. Nhiều khả năng, Lê Công Hành đã tham quan các xưởng, mua các đồ thêu đẹp và lọng tốt mang về nước tìm tòi, nghiên cứu, áp dụng, từ đó đổi mới, phát triển hai nghề thêu và làm lọng của nước nhà

Một trong những đặc trưng của đồ thêu Hồ Nam thời Minh là có màu sắc phong phú, thêu như vẽ, đặc biệt là hình hổ rất sống động tạo cảm giác ba chiều như hổ thật (có câu thành ngữ Mèo Tô thêu mèo, Tương thêu hổ tức nghệ thuật thêu hình mèo của Giang Tô và hình hổ của Hồ Nam là đẹp nhất). Các điện thờ của ông đồng bà bóng Sở xưa thường có các vật thờ là hai cặp hổ - rồng và chim - rắn.

Có thể, các đồ thêu có hình hổ - rồng ở Hồ Nam đã gây ấn tượng mạnh khiến Lê Công Hàng nghĩ tới các hình rồng trên áo các ông đồng Việt (các ông Hoàng trong đạo Mẫu đều được coi là con Bát hải Long Vương -Vua Rồng Hồ Động Đình). Và ông đã mua một vài sản phẩm mang về quan sát, tháo ra, thêu vào, từ đó tìm kỹ thuật thêu mới.

Theo tôi, trong điều kiện đi sứ, đó là cách thức khả thi nhất với Lê Công Hành.

 


Hình 5: Một tấm thêu Hồ Nam có hình rồng và áo thêu của một ông đồng Việt thời nay - Nguồn: internet

Kết luận

Trong thời gian đi sứ Trung Quốc, Lê Công Hành đã có dịp dừng chân ở Hồ Nam, vùng đất có nhiều liên hệ lịch sử và tâm linh với người Việt và cũng là một trung tâm của nghề thêu và nghề làm lọng. Rất có thể, những sản phẩm độc đáo và tinh xảo của hai nghề trên gắn với tín ngưỡng hầu đồng Hồ Nam vốn có nhiều nét tương đồng với đạo Mẫu Việt đang thịnh phát ở quê nhà đã là một động lực cho ông học hỏi và truyền bá những ý tưởng mới, kỹ thuật mới của hai nghề đó cho đồng bào mình ở quê hương.

Từ đó, ông đã được tôn vinh là ông Tổ nghề thêu và nghề làm lọng ở Việt Nam. Với vai trò đó, ông dã trở thành một anh hùng văn hóa của người Việt.

Nhà nghiên cứu Tạ Đức
Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á

Tư liệu tham khảo chính

1. Tạ Đức (2013), Nguồn gốc Người Việt - Người Mường, Nxb Tri Thức, Hà Nội.
2. Phạm Đình Hổ (1998), Tuyển tập thơ văn, Viện nghiên cứu Hán - Nôm, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
3. Nguyễn Việt (2010), Hà Nội - thời Tiền Thăng Long, Nxb Hà Nội.
4. Và các tư liệu khác từ internet