Múa trống bồng ở làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì) - một di sản văn hóa liên quan đến Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng được người dân trân trọng bảo tồn
Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng quê ở xứ Đoài, là vị vua lập nên một triều đại ngắn ngủi trong lịch sử dân tộc, nhưng sự nghiệp hiển hách của ông để lại bài học cho hậu thế về tinh thần đấu tranh bất khuất giành độc lập dân tộc. Trên địa bàn Hà Nội, hiện có hàng chục di sản vật thể, phi vật thể liên quan đến Phùng Hưng và các danh tướng của ông. Thành phố Hà Nội đã và đang có nhiều biện pháp để phát huy giá trị hệ thống di sản này. |
Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng là người lãnh đạo nhân dân ta lật đổ ách thống trị của nhà Đường. Ông đã xây dựng nền độc lập quốc gia vào cuối thế kỷ thứ 8. Tiếc rằng, Phùng Hưng mất sớm, triều đại do ông gây dựng chỉ tồn tại được bảy năm, cho đến khi con trai ông quy phục nhà Đường. Nhưng khoảng cách về thời gian quá dài, cách đây hơn 1.200 năm, khiến cho nhiều thông tin về cuộc đời Phùng Hưng chưa được thống nhất. Bởi vậy, mới đây, UBND thành phố Hà Nội phối hợp Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp”. Tại hội thảo, các nhà khoa học khẳng định, căn cứ vào những dữ liệu lịch sử của Việt Nam cũng như cổ sử Trung Quốc, Phùng Hưng quê ở Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội), sinh ra trong một gia đình có thế lực. Cha ông từng theo Mai Thúc Loan khởi nghĩa, nhưng thất bại. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Sơn cho biết: “Về năm sinh, năm mất của Phùng Hưng, có ý kiến cho rằng Phùng Hưng sinh năm 761 và mất năm 791 hoặc 802. Tuy nhiên, Phùng Hưng khởi nghĩa năm 767. Nếu sinh năm 761 thì khi đó ông mới lên sáu tuổi. Một số tư liệu khác cho rằng, Phùng Hưng sinh khoảng năm 732 đến 739. Nếu sinh năm 739 thì khi khởi nghĩa ông đã 29 tuổi. Tôi cho rằng khoảng thời gian này là hợp lý hơn”. Đối với công cuộc giành độc lập dân tộc, Phùng Hưng khởi nghĩa năm 767, sau nhiều trận chiến ác liệt với quân lính nhà Đường, nghĩa quân đánh đuổi hoàn toàn quân đội nhà Đường, chiếm được thành Tống Bình (tức Thăng Long, Hà Nội sau này). Phùng Hưng được nhân dân suy tôn là Bố Cái Đại Vương. Việc dựng cờ khởi nghĩa cho thấy Phùng Hưng không chỉ là người giỏi võ, có sức mạnh phi thường như sử sách hay truyền thuyết vẫn miêu tả, ông còn là nhà chiến lược quân sự tài ba. Theo tiến sĩ Đinh Công Vỹ, nửa sau thế kỷ thứ 8, nhà Đường đã suy yếu bởi cuộc nội chiến An Lộc Sơn - Sử Tư Minh. Cùng lúc ấy, quan đô hộ An Nam ra sức vơ vét. Khởi nghĩa của Phùng Hưng để lại bài học cho đến tận hôm nay, chính là việc tận dụng thời cơ. Mặc dù vậy, do hệ thống thành quách của đạo quân đô hộ kiên cố, quân đội đông cho nên phải mất 24 năm, Phùng Hưng mới giành được độc lập cho dân tộc. Sau khi Phùng Hưng mất, nhân dân khắp nơi đã dựng đền phụng thờ. Hà Nội là quê hương người anh hùng, cho nên cũng là nơi có nhiều di tích, di sản liên quan đến ông nhất. Theo thống kê của tiến sĩ Phùng Thảo, tại Hà Nội có 15 di tích liên quan Phùng Hưng và hàng chục di tích thờ các danh tướng của ông. Những di tích thờ phụng Phùng Hưng nằm rải rác ở nhiều nơi, như Lăng Bố Cái Đại Vương tại phường Cát Linh (quận Đống Đa), đền thờ tại quê hương ông ở thôn Cam Lâm (xã Đường Lâm), đình Đoài Giáp (xã Đường Lâm), đình Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì), đình Quảng Bá (phường Quảng An, quận Tây Hồ), đình Hoàng Cầu (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa)… Trong đó, có những di tích gắn với quê hương như đền thờ tại thôn Cam Lâm, có những di tích gắn với cuộc khởi nghĩa như đình Triều Khúc là nơi Phùng Hưng đặt đại bản doanh của cuộc khởi nghĩa; đình Quảng Bá là nơi Phùng Hưng cho đóng quân khi tiến đánh thành Tống Bình. Nơi đây, hiện vẫn còn nhiều địa danh gắn với cuộc khởi nghĩa như: Gò Lá Cờ (nơi cắm cờ của các tướng chỉ huy khi tập trận), gò Bến Trùm (nơi quân lính xuống tắm sau những giờ luyện tập), gò Con Mộc (nơi quân lính tập mộc khiên), hồ Thủy Sứ (nơi neo đậu bến thuyền chiến đấu)… Trong các lễ hội ở các di tích thờ Phùng Hưng, lễ hội đình Triều Khúc đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Màn múa trống bồng trong lễ hội Triều Khúc diễn tả lại cảnh Phùng Hưng cho nam đóng giả nữ múa để mua vui cho quân sĩ. Những năm qua, thành phố Hà Nội đã đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích, di sản về Phùng Hưng. Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý nhấn mạnh, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng là một nhân vật lịch sử tiêu biểu của đất nước Việt Nam và thành phố Hà Nội. Lăng Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng ở Cát Linh, đình thờ tại xã Đường Lâm và nhiều địa điểm khác trên cả nước. Nơi đây vừa là địa chỉ văn hóa có tính giáo dục truyền thống, vừa là nơi sinh hoạt, hướng về nguồn cội của nhân dân cả nước. Những tư liệu mới, những đề xuất của giới khoa học trong hội thảo “Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng - Thân thế, con người và sự nghiệp” được thành phố ghi nhận và sẽ lấy làm cơ sở khoa học cho các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản về Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng trong thời gian tới. |
Bài và ảnh: GIANG NAM Nguồn: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/40131002-phat-huy-gia-tri-di-san-lien-quan-den-phung-hung.html |