(Thứ hai, 24/04/2023, 10:08 GMT+7)
Tập sách của Phùng Gia Thế gồm nhiều dạng bài từ phê bình, tiểu luận, đến điểm sách… sau những lần rung chấn cảm xúc khác nhau mà không hề theo một ý tưởng xuyên suốt.
 
Phùng Gia Thế và những vùng “hiểm địa văn chương”

Tôi biết Phùng Gia Thế chưa lâu nhưng cũng đủ thời gian hiểu nhau để ngồi tâm giao bên một chai nằng nặng. Lúc đó, Thế thật chất lượng trong những nhận định. Rồi vẫn đủ tung tẩy vài bài nhạc Bolero Thế yêu. Lúc đó anh thoát khỏi hình ảnh của một ông giáo mô phạm.

… Ấy là một ngày rõ đẹp. Anh em chúng tôi tụ ở chốn dập dìu mây nước của một ông anh thi sỹ lãng tử. Thế đến, sơ mi trắng cắm thùng. Tôi nhận ra ngay bởi chỉ ai xa lạ với Facebook mới có thể giấu kín mình. Qua Face, tôi đã biết Thế là một PGS.TS ngành văn sư phạm, đứng đầu một trường đại học lớn, viết phê bình văn học, dạy học… Tôi hơi ngỡ ngàng lo cho anh, sợ cái cung cách mô phạm sẽ lạc lõng trong không gian đầy rượu ngon, guitar và những gã mải chơi. Nhưng tôi đã nhầm. Phía trong tấm áo trắng rất nhà trường đập mạnh một trái tim nghệ sỹ, am tường, lịch lãm, hóm hỉnh, có chính kiến nhưng cũng biết lắng nghe. Và hơn hết, Thế không hề đóng khung khép kín trong môi trường sư phạm mà cũng tung tẩy đủ món phiêu bồng.
 
Văn hoá - Phùng Gia Thế và những vùng “hiểm địa văn chương”
 
Không lâu sau đó, từ Phúc Yên, Thế bắt taxi xuống Hà Nội thăm tôi, một tay cặp, một tay Macallan sánh màu. Tôi tặng anh cuốn sách nhỏ mới tái bản và chúng tôi “đối thoại” hết vèo nửa chai trước khi vài người bạn đến chia vui. Tôi hiểu Thế hơn trong câu chuyện hết sức tỉnh táo dù hai chúng tôi cũng khá biêng biêng sau ngần ấy lượng Mac.
 
Phùng Gia Thế hay ở chỗ khác với nhiều tay có đọc, có kiến thức nhưng ham chém, vỗ ngực tự cao tự đại, khoe mẽ, ít chịu người khác. Anh thường lùi lại, nấp đi và luôn chiều bạn bằng cách đi tìm những đồng điệu. Thế hấp dẫn chính ở sự bí ẩn đó, khiêm cung đủ để nhập cuộc không nhạt mà cũng không quá ồn ào - bí ẩn như chính cái tên cuốn sách mới tinh của Thế: “Hiểm địa văn chương” mà tôi đang được cầm trên tay đây.
 
Văn hoá - Phùng Gia Thế và những vùng “hiểm địa văn chương” (Hình 2).
 
Cuốn sách gồm 27 bài đa dạng do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Thế bảo, viết lách chủ yếu để chơi và phục vụ giảng dạy, chứ không mong thành tác giả. Cho nên, tập sách của anh tập hợp nhiều dạng bài từ phê bình, tiểu luận, đến điểm sách, chân dung… sau những lần rung chấn cảm xúc khác nhau mà không hề theo một ý tưởng xuyên suốt. Cho nên đề ngoài bìa 1 là “tiểu luận - phê bình” thật đúng mà ghi “ngẫu luận” cũng không sai. Ngẫu hứng nhưng thực ra cái sự chơi đó không chỉ là những cuộc thâu đêm suốt sáng, bên ly rượu bạn bè mà còn gập gềnh con đường chữ nghĩa, vượt sông dài biển thẳm đến tận cùng “Hiểm địa” để gặp tác phẩm bạn bè. Các bài trong sách Thế hầu hết viết cho bạn văn, những người mà anh thấu hiểu cả con người lẫn tác phẩm. 27 bài đan xen những bài về xu hướng văn học, thẩm định ngôn ngữ, bức tranh toàn cảnh truyện ngắn Việt…, là những bài “đọc vị” tác phẩm, phong cách của các tác giả đang nổi “đình đám” và đang được dư luận văn chương chú ý: Đỗ Tiến Thụy, Uông Triều, Phùng Văn Khai, Tống Ngọc Hân… Thế chỉ rõ phong cách từng người ngay ở cái tít: “Nguyễn Đức Sơn càn khôn tịch mịch”, “Nguyễn Thế Hùng trong thế giới kỳ khôi”, “Tống Ngọc Hân - mắt trung du lấp lánh”, “Nguyễn Tiến Thanh trong miền phiêu lãng”… Với người em thân thiết đang là một “hiện tượng” thú vị - Đỗ Anh Vũ, Thế nhìn sâu vào “thú chơi” chuyển soạn từ văn xuôi sang thơ của Vũ với những kiến giải hợp lý hợp tình. Anh đi vào tận cùng “hiểm địa” của Vũ để khen ngợi một lối “thiên di” mở thêm địa bàn sống cho tác phẩm nhưng cũng nghiêm khắc cảnh báo về sự lạm dụng dễ gây nhàm chán “giết chết” vẻ tinh khôi của nguyên bản cần được tôn trọng…
 
Văn hoá - Phùng Gia Thế và những vùng “hiểm địa văn chương” (Hình 3).
 
Lý giải tên sách “Hiểm địa văn chương”, Thế thành thật: Hiểm địa có 3 ý nghĩa: thứ nhất là những nhọc nhằn của con đường văn chương; thứ hai là những vùng cấm, hiểm địa trong văn chương cần được đào xới và thứ ba chính là những cái khó rất hiểm địa của vùng đất Xuân Hòa, nơi anh sống và làm việc…
 
Tôi hiểu đó là sự khiêm nhường của một Ông Giáo đang lặng lẽ tới những vùng hiểm địa để tìm ra những khuất lấp giá trị cần được đánh thức, đến và tìm ngay trong chính sự chơi của mình. Giống hệt tôi, cái buổi trưa Thế lãng du Hà Thành và ngày đông đẹp trời Đại Lải, đã nhận ra một Phùng Gia Thế chân xác từ trong “hiểm địa” của chính anh…
 
Theo Trần Nhật Minh / Người Đưa Tin