PHÙNG THANH HÒA
VỊ THẦN THÀNH HOÀNG CỦA LÀNG BÙNG
(Xã Phùng Xá - huyện Thạch Thất - thành phố Hà Nội)
Nhà giáo Phùng Khắc Việt Hùng
VĂN BẢN NÀY GỒM NĂM NỘI DUNG CHÍNH:
*Thành Hoàng và Ý nghĩa của việc thờ cúng Thành Hoàng làng.
*Sơ lược tiểu sử và quê gốc của Ngài Phùng Thanh Hòa.
*Vài nét về Lý Nam Đế và quốc hiệu Vạn Xuân.
*Sự nghiệp và công tích của Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa.
*Những áng văn thơ, câu đối ca ngợi Phùng Thanh Hòa - vị Thần Thành Hoàng của làng Bùng.
1. THÀNH HOÀNG VÀ Ý NGHĨA CỦA VIỆC THỜ CÚNG THÀNH HOÀNG LÀNG
Cụm từ Thành Hoàng xuất phát từ nguồn gốc chữ Hán: Thành là cái Thành, Hoàng là cái Hào[1] bao quanh cái Thành. Ghép hai từ đó lại thì nghĩa đen của nó là mô tả sự đùm bọc, che chở của một cái bên ngoài đối với một cái bên trong; còn nghĩa bóng của nó là cụm từ dùng để chỉ vị thần coi giữ, bảo hộ một vùng đất của một cộng đồng dân cư nào đó.
Tín ngưỡng thờ cúng thần Thành Hoàng của người Việt đã có từ lâu đời. Tín ngưỡng này gắn liền với thực tế cuộc sống của làng xã Việt Nam, trong sự trường tồn và tiến triển của nền văn minh lúa nước.[2]
Thành Hoàng làng có vị là Thiên thần (như Sóc Thiên Vương, Chử Đồng Tử, Đức Thánh Tản…) hay Nhân thần (như Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… trong chính sử; hoặc Phùng Thanh Hòa, Nhị Thánh Tam giang: Trương Hống, Trương Hát… trong dã sử). Thành Hoàng làng cũng có thể là Vật thần như thần Rắn, thần Rết, Long thần, Hổ thần…
Riêng nói về Nhân thần thì mỗi vị Thành Hoàng làng lại có một thần tích, thần phả gắn liền với những đặc điểm điều kiện tự nhiên và hoàn cảnh lịch sử của làng đó.
Khi sắc phong cho thần Thành Hoàng làng, các triều đình phong kiến ở nước ta thường phân ra ba thứ hạng: Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần và Hạ đẳng thần:
Thượng đẳng thần là những Thiên thần rất ứng nghiệm, linh thiêng, được lưu truyền rộng rãi trong dân gian; cùng các Nhân thần có công lớn với Dân, với Nước.
Trung đẳng thần là các vị thần linh ứng, được tôn thờ từ lâu, có họ tên mà không rõ công trạng; hoặc các quan địa phương từ thời xa xưa có công khai điền, lập ấp,… làm lợi cho dân.
Hạ đẳng thần là những vị thần được dân làng thờ cúng tuy không rõ thần tích, nhưng cũng thuộc bậc chính thần. Nhà vua có ý chiều lòng dân địa phương mà phong làm Hạ đẳng thần.
Thành Hoàng làng được thờ cúng ở một nơi tôn nghiêm nhất, khang trang bề thế nhất, gọi là ĐÌNH. Đình làng Bùng (xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội) thờ ngài Phùng Thanh Hòa, có chính danh là Đình Phùng Thôn.
Cổng làng Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội
Tín ngưỡng thờ cúng Thành Hoàng làng có ý nghĩa rất sâu sắc:
Một là liên kết được cộng đồng người của một làng lúa hoặc làng nghề, lám cơ sở cho việc xây dựng khối đoàn kết toàn dân: bảo ban nhau, nhắc nhở nhau, cùng nhau gánh vác công việc chung của làng xóm; đáp ứng được nhu cầu về đời sống tâm linh của cư dân. Người ta tin rằng Thành Hoàng chứng kiến, thấu hiểu được đời sống của dân làng; ban phúc, độ trì cho những người trung hiếu, hiền lành; giáng họa trừng phạt những kẻ độc ác, vô luân. Mọi mong ước, nguyện vọng của dân làng đều quy tụ tại chốn đình trung và đặt niềm tin tuyệt đối ở vị Thành Hoàng tôn kính đó.
Hai là duy trì và bảo tồn được giá trị văn hóa truyền thống, bởi các làng đều có LỄ HỘI gắn với ngày sinh, ngày mất của Thành Hoàng. Lễ là việc rước tế, cúng thỉnh Thành Hoàng - nhất là các Nhân thần, thể hiện đạo nghĩa “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Hội là những hoạt động vui chơi giải trí như đấu vật, chơi cờ tướng, hát chèo, múa rối… để mọi người có dịp giao lưu. học hỏi và thưởng thức. Riêng với thế hệ trẻ, sẽ không bị hòa tan vào nhịp sống hiện đại, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ba là việc thờ cúng này lấy chữ KÍNH làm căn bản trong ứng xử với cõi THIÊNG. Thành Hoàng làng dù xuất thân từ bất kỳ tầng lớp nào thỉ cũng là chủ tể trên cõi thiêng của làng đó và đều có chung một điểm sáng nhất là “HỘ QUỐC TÝ DÂN” (giữ nước, giúp dân). Mọi người trong cộng đồng đều phải thấu hiểu điều đó để luôn tuân thủ luật lệ, phép tắc trong làng, đặc biệt là các thể thức lễ nghi cúng bái; coi đấng Thành Hoàng là chỗ dựa tinh thần vững chắc trong việc làm ăn sinh sống, trong ứng xử tình làng, nghĩa xóm và hướng đến những điều tốt đẹp.
2. SƠ LƯỢC TIỂU SỬ VÀ QUÊ GỐC CỦA NGÀI PHÙNG THANH HÒA
Theo Phùng Thôn Ngọc Phả do Đông Các đại học sĩ Nguyễn Bính (thời vua Lê Anh Tông) soạn năm 1572 (đặt ở Đền Hùng) và bản chữ Hán sao lại năm Đinh Mão (1927) của các cụ Phùng Tinh Thông, Phùng Tinh Tuyển/ họ Phùng Đức) cùng bản dịch ra chữ Quốc ngữ năm Kỷ Tỵ - 1989 của hai ông Nguyễn Đăng Dự, Phùng Khắc Đồng (Nhóm Văn hóa làng Bùng) thì Ngài họ Phùng, có bố tên húy là Thủy và mẹ là Hoàng Thị Mai; người trang Hồng Vinh, quận Nam Xương (thuộc tỉnh Hà Nam bây giờ).
Ngài sinh ngày 12 tháng 11 năm Mậu Thân (tức ngày 08 tháng 12 năm 528/ cách nay 1491 năm) trong tình thế lúc bấy giờ, nhân dân ta đang chịu ách đô hộ của quân xâm lược nhà Lương (Trung Quốc).
Ngược dòng thời gian, có tục truyền rằng: Trước khi sinh ra Ngài thì đêm mồng 6 tháng giêng năm ấy, bà mẹ thấy một luồng sáng đỏ tía chiếu rọi khắp nhà, rồi một con rắn hoa trắng cuốn bò lại gần bà, bà chợt nhìn theo thì con rắn ấy lại biến thành một đóa hoa sen trắng dịu thơm, bà bèn cầm lấy để tận hưởng hương đồng nội và thiếp đi. Lúc tỉnh ra, mặt mày bà rạng rỡ, tự thấy mình vui thỏa. Từ đó trở đi, trùng phùng loan phượng giao hoan, do vậy mà bà có thai, rồi sinh ra Ngài. Ơn Trời và phúc Tổ, ông bà được một cậu con trai khôi ngô, tuấn tú nên cả nhà rất mừng, đặt tên là Thanh Hòa - một danh xưng rất đẹp.
Gia cảnh bố mẹ Ngài ở dạng phong lưu, sung túc. Ngài được sinh ra với thiên tư khác lạ, cốt cách hơn người. Lúc còn nhỏ, sống trong căn nhà ấm cúng, Ngài được bố mẹ nuôi dưỡng - chăm sóc cẩn thận. Lớn lên đi học, do bẩm tính thông minh nên học một biết mười; đọc sách, viết chữ ít khi phải đợi Thầy dạy chỉ bảo. Không những thế, Ngài lại có năng khiếu về âm nhạc, sử dụng đàn sáo rất điêu luyện. Đến khi trưởng thành thì Ngài học binh thư võ nghệ, cung kiếm môn nào cũng giỏi.
Trở lại vấn đề quê gốc của Ngài là trang Hồng Vinh, quận Nam Xương.Ta hãy giành thời gian đi tìm nguồn cội :
Vào khoảng > 2000 năm trước Công nguyên đã có một bộ phận người Việt cổ từ thượng lưu sông Hồng xuôi về hạ lưu, cư trú trên các đồi đất cao ven sông, hình thành các vùng dân cư, trong đó có vùng đất Lý Nhân (tỉnh Hà Nam ngày nay).
Dưới thời Văn Lang, Lý Nhân thuộc huyện Chu Diên, quận Vũ Bình, bộ Giao Chỉ; đến thời Lý- Trần thì thuộc châu Lỵ Nhân, lộ Đông Đô; rồi đến thời Lê sơ, năm Quang Thuận thứ bảy (1466) thì đổi tên huyện Lý Nhân thành huyện Nam Xương (đọc chệch là Nam Xang) cho khỏi trùng với châu Lỵ Nhân (đã nói ở trên).
Năm 1832, huyện Nam Xương và Bình Lục tách khỏi châu (sau là phủ) Lỵ Nhân để thành lập phủ Lý Nhân, thuộc tỉnh Hà Nội (tỉnh Hà Nội được thành lập năm 1831). Ngày 20 tháng 10 năm 1890, chính quyền thực dân Pháp phân chia lại các đơn vị hành chính, bỏ cấp phủ, thành lập các tỉnh mới thì phủ Lý Nhân được tách ra và sáp nhập thêm mấy tổng của Nam Định để thành lập tỉnh Hà Nam. Ngày 31 tháng 3 năm 1923, huyện Nam Xương được lấy lại tên cũ là huyện Lý Nhân, thuộc tỉnh Hà Nam bây giờ.
Sau năm 1954, huyện Lý Nhân có 31 xã, nhưng chỉ có một tên xã đứng chữ HỒNG, đó là xã Hồng Lý. Ngày 27 tháng 6 năm 1972, hợp nhất hai xã Hồng Lý với Chân Lý thành xã Chân Hồng. Rồi ngày 23 tháng 02 năm 1977 lại hợp nhất hai xã Chân Hồng với Tân Lý thành xã Chân Lý (mới) và hiện nay huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) gói gọn còn 22 xã và một thị trấn (Vĩnh Trụ) thì không còn địa danh xã nào đứng chữ HỒNG nữa.
Như vậy, rất có thể từ xa xưa trang Hồng Vinh - quê gốc của ngài Phùng Thanh Hòa thuộc địa phận xã Hồng Lý (tính đến trước năm 1972), bây giờ là xã Chân Lý (mới) và trang Hồng Vinh đó thuộc quận Nam Xương tức huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam ngày nay thì là điều chắc chắn rồi.
Huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) sau năm 1954 có 31 xã: Bảo Lý, Chân Lý, Chính Lý, Chung Lý, Công Lý, Đạo Lý, Đồng Lý, Đức Lý, Hòa Lý, Hồng Lý, Hợp Lý, Hùng Lý, Nguyên Lý, Nhân Bình, Nhân Chính, Nhân Đạo, Nhân Hậu, Nhân Hòa, Nhân Hưng, Nhân Khang, Nhân Long, Nhân Mỹ, Nhân Nghĩa, Nhân Phú, Nhân Phúc, Nhân Thắng, Nhân Thịnh, Nhân Tiến, Tân Lý, Văn Lý và Xuân Khê.
Huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) bây giờ có Thị trấn Vĩnh Trụ và 22 xã : Hợp Lý, Chính Lý, Văn Lý, Công Lý, Nguyên Lý, Đạo Lý, Đức Lý, Bắc Lý, Chân Lý, Đồng Lý, Nhân Đạo, Nhân Hưng, Nhân Chinh, Nhân Khang, Nhân Nghía, Nhân Bình, Nhân Mỹ, Nhân Thịnh, Xuân Khê, Phú Phúc, Tiến Thắng và Hòa Hậu.
3. VÀI NÉT VỀ LÝ NAM ĐẾ VÀ QUỐC HIỆU VẠN XUÂN
Lý Bí (còn gọi là Lý Bôn) có thân phụ là Lý Cạnh (hay Lý Toản) và thân mẫu là Lê Thị Oánh. Theo sử liệu mới nhất thì quê hương của Lý Bí là thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên ngày nay (còn theo sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim thì quê ông ở Thái Bình, phủ Long Hưng -mạn bắc Sơn Tây/ nay thuộc Hà Nội).
Ông sinh ngày 12 tháng 9 năm Quý Mùi/ 503 và lớn lên trong hoàn cảnh nhân dân ta đang bị nhà Lương (Trung Quốc) cai trị. Ông là người có tài năng, đức độ nên được tôn làm thủ lĩnh địa phương, rồi được Thứ sử Tiêu Tư mời ra làm quan với chức Giám quân ở Đức châu (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay) Qua công việc, ông rất bất bình bởi bọn quan lại nhà Lương hà khắc, nên đã từ quan, về quê chiêu binh mãi mã, chống lại chính quyền đô hộ.
Cuối năm Tân Dậu/ 541, Lý Bí lãnh đạo cuộc khởi nghĩa toàn dân, chỉ trong ba tháng đã quét sạch bè lũ xâm lược nhà Lương, viên quan Thứ sử Tiêu Tư phải bỏ chạy về nước.Từ tháng tư năm Nhâm Tuất/ 542 đến tháng ba năm Quý Hợi/ 543, nghĩa quân lại đánh tan hai cuộc phản công của địch, kiểm soát toàn bộ Giao châu (Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ngày nay) cộng thêm quận Hợp Phố (tỉnh Quảng Tây) và bán đảo Lôi Châu (tỉnh Quảng Đông) Trung Quốc.
Thàng 5 năm Quý Hợi/ 543 này, quân ta do tướng Phạm Tu chỉ huy còn đánh tan quân Lâm Ấp ở biên giới phía nam, dám xâm chiếm quận Nhật Nam và quấy rối quận Cửu Đức, vua Lâm Ấp là Rudravarman phải bỏ chạy. Thế là bờ cõi đã yên, cuộc khởi nghĩa Lý Bí đã hoàn toàn thắng lợi.
Tháng giêng năm Giáp Tý/ 544, Lý Bí tuyên bố dựng nước, lấy niên hiệu là Thiên Đức, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân (“ý mong cho xã tắc truyền đến muônđời”/ theo Đại Việt Sử Ký toàn thư - Tập I - trang 252). Lý Bí lên ngôi hoàng đế, tự xưng là Nam Đế, người đời sau và giới sử học gọi là Lý Nam Đế.
Tháng 6 năm Ất Sửu/ 545, nhà Lương không từ bỏ dã tâm xâm lược, lại sai Dương Phiêu và Trần Bá Tiên đem quân sang đánh nước Vạn Xuân. Lý Nam Đế chỉ huy các tướng lĩnh và quân binh chặn giặc ở Chu Diên (mạn Hải Dương ngày nay);Trần Bá Tiên là một viên tướng cáo già, khét tiếng tàn bạo và giặc lại quá đông, nên ta không cản được; phải lui về vùng cửa sông Tô Lịch, Thái phó Triệu Túc (cha của Triệu Quang Phục) và Phạm Tu -vị tướng đứng đầu ban võ bị tử trận; quân ta phải rút về giữ thành Gia Ninh (nay thuộc địa bàn xã Thanh Đình, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).
Tháng giêng năm Bính Dần/ 546 ta mất thành Gia Ninh, Lý Nam Đế lại chạy vào đất Tân Xương, Liêu Trung (vùng người Lạo -dân tộc thiểu số) để tập hợp và củng cố lực lượng. Tháng tám năm đó, ông cùng các tướng lĩnh đem quân ra vùng hồĐiểnTriệt[3] (nay thuộc xã Tứ Yên, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc), cầm cự với giặc ở thế giằng co, bất phân thắng bại. Nhưng không may, sau một đêm mưa lớn, lũ sông Lô dâng cao, tràn ngập mênh mông, nước như rót vào hồ, căn cứ địa của nghĩa quân nhanh chóng trở thành vùng “cô đảo”. Quân ta không lường trước được, bị giặc Lương nhân cơ hội ấy mà đánh úp; Lý Nam Đế phải lui về động Khuất Lão (thuộc địa bàn vùng núi ở hai xã Cổ Tiết và Văn Lương, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ ngày nay) để suy xét tình hình, mưu tính chiến đấu về sau. Ông ủy thác việc Nước và giao lại binh quyền cho Tả tướng quân Triệu Quang Phục.
Ngày 20 tháng 3 năm Mậu Thìn (13/4/548) Lý Nam Đế mất, hưởng dương 45 tuổi ( ông mất do bệnh nặng hay bị phản tặc sát hại thì chưa rõ).
Vậy là Lý Nam Đế ở ngôi được > 4 năm (02/ 544 -4/ 548 ), kế đó là Triệu Việt Vương (548-571) và sau cùng là Hậu Lý Nam Đế của Lý Phật Tử (571-602) Năm 602, Tùy Văn Đế đem quân sang đánh nước ta, Lý Phật Tử hèn nhát đầu hàng, dân ta lại rơi vào ách đô hộ của bọn phong kiến Trung Quốc.
4.SỰ NGHIỆP VÀ CÔNG TÍCH CỦA HỨU TƯỚNG QUÂN PHÙNG THANH HÒA
Theo Phùng Thôn Ngọc Phả, ngoài chuyện con rắn thần biến thành bông sen trắng (đã nói ở phần 2), còn có chi tiết dã sử dài dài, pha sắc màu huyền thoại, đại để là: lúc còn ở thành Gia Ninh, giữa tình cảnh đất nước lâm nguy, Lý Nam Đế được Thiên thần từ trên mây xuống chỉ dạy, đã sai sứ giả đi tìm người tài giúp nước.
Đến trang Hồng Vinh, sứ giả gặp được Thanh Hòa, Ngài nói với sứ giả như sau: “Nay vận giời đã đổi, người hãy kíp quay về, tâu Vua rằng ta còn luyện tướng, tập quân”. Ngày 11 tháng 8 năm Bính Dần/ 546, Ngài đem quân tiếp viện thì Lý Nam Đế đã vào đất Tân Xương, Liêu Trung. Sách Đại Việt Sử Ký toàn thư/ Tập I, trang 253 có đoạn: “… Mùa thu, tháng 8, vua Lý Bí cùng các tướng đem hai vạn quân từ trong đất Lạo ra đóng ở hồ Điển Triệt”. Vậy là sau khi hội quân, Ngài cùng Nhà vua và các tướng lĩnh đem quân ra đóng tại vùng hồ Điển Triệt (hay còn gọi là hồ Miêng/ đã nói ở phần 3). Ngài được phong là Hữu tướng quân, cùng với Tả tướng quân Triệu Quang Phục ngày đêm rèn luyện quân sĩ, sửa sang đồn trại, đóng nhiều thuyền chiến đậu kín cả mặt hồ, “…quân Lương sợ, không dám tiến vào.” (Trích Đại Việt Sử Ký toàn thư/ Tập I, trang 253).
Thế rồi đêm mưa lũ định mệnh (đã nói ở phần 3.) xẩy ra; sách Đại Việt Sử Ký toàn thư/ Tập I, trang 254 chép: “…vua thoát khỏi vòng vây, rút về động Khuất Lão”. Ngược dòng thời gian, trước khi lui về động Khuất Lão, Lý Nam Đế đã ủy thác việc Nước và giao lại binh quyền cho Tả tướng quân Triệu Quang Phục. Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa đã giải cứu Vua, rồi cùng Tả tướng quân Triệu Quang Phục đồng cam cộng khổ, dốc toàn binh lực quyết chiến với Bá Tiên, tên giặc Lương cáo già Trần Bá Tiên cũng phải nhiều phen lao đao tìm cách đối phó.
Ngày 20 tháng 3 năm Mậu Thìn (13 tháng 4 năm 548) vua Lý Nam Đế qua đời, Triều đình phân ly, vận Nước cũng nhiều biến đổi. Về vấn đề này, Phùng Thôn Ngọc Phả lại có chi tiết nội dung thứ ba pha sắc màu huyền thoại, đó là: Trong một dịp sửa lễ bái yết giời đất, “…Hai vương” tức là Tả và Hữu Tướng quân được chiêm ngưỡng Thần Chử Đồng Tử cưỡi rồng vàng trên mây, Thần phán truyền cho Triệu Quang Phục “Hãy dùng đầu mâu mà đánh thì không lo gì nữa”; còn với Phùng Thanh Hòa, Thần bảo: “Sự nghiệp giời trao đã trọn, cũng nên ban cho thực ấp để hưởng phúc muôn năm”. Hữu Tướng Phùng Thanh Hòa nghe đoạn thì lạy tạ, rồi giao toàn bộ quân sĩ cho Tả Tướng Triệu Quang Phục. Quang Phục cũng không cố thủ ở Điển Triệt nữa, mà chuyển quân xuôi về Đầm Dạ Trạch (nay là bãi Mạn Trù thuộc xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) để tiếp tục kháng chiến. Năm 557, Triệu Quang Phục đánh tan quân Lương, dựng lên chính quyền độc lập do ông đứng đầu, xưng là Triệu Việt Vương.Chính quyền của ông tồn tại đến năm 571, sau đó rơi vào tay Lý Phật Tử… (như cuối phần 3 đã trình bày).
Ngược dòng sự kiện, chuyển giao quân sĩ cho Triệu Quang Phục xong thì Phùng Thanh Hòa về quê (trang Hồng Vinh), Ngài được các già lão cố hương đón rước,chúc mừng và hỏi han rất nhiều về nội tình Đất Nước.
Có lẽ do duyên giời đã định, nên sau đó Ngài Phùng Thanh Hòa hành giá tới nhiều nơi, đến An Hoa trang (tên gọi sớm nhất của làng Bùng), Ngài thấy nơi đây địa thế đẹp bởi “sơn cao, thủy tụ: sông Đáy bên đông, sông Tích bên tây; lại còn tiếp giáp với vùng đồi gò ở phía sau và trước mặt thì có 12 ngọn núi của Hoàng Xá, Yên Sơn. Phượng Cách, Sài Sơn làm bình phong che chở; Ngài gặp người dân nơi đây rất mến khách, ai ai cũng tiếp đón, mời chào; Ngài liền ở lại gom dân, lập công sở, mở mang trang ấp…Từ đó An Hoa trang được đổi tên thành Phùng Gia trang để tỏ lòng tôn kính Ngài. Tiếc rằng Ngài chỉ gắn bó với Quê mới được gần hai năm, rồi mất vào ngày 15 tháng 8 năm Kỷ Tỵ (22/ 9/ 549. Nơi ở của Ngài , được nhân dân dựng một ngôi Đình để thờ phụng, tôn vinh Ngài làm Phúc Thần. Đến thế kỷ 15, Phùng Gia trang đổi tên thành Phùng Xá (tục gọi làng Bùng), Ngài được tôn là Thành Hoàng làng. Năm Vĩnh Hựu thứ 5, ngày 12 tháng giêng năm Canh Thân (09/ 02/ 1740), Ngài được vua Lê Ý Tông ban tặng sắc phong là: “Đương cảnh thành hoàng, anh thanh hiển trứ, hồi tâm Thượng sĩ Đại vương”. Các triều đại phong kiến tiếp theo, từ Lê đến Nguyễn, Ngài còn được ban tặng nhiều mỹ tự, sắc phong khác nữa. Ngày 18/ 01/ 1993, Đình làng Bùng (Phùng Thôn) thờ Ngài được Bộ Văn hóa - nước CHXHCN Việt Nam trao tặng Bằng Di tích Lịch sử - Văn hóa (doThứ trưởng Vũ Khắc Liên ký Quyết định và Bộ trưởng Trần Hoàn ký Bằng) ghi nhận công lao to lớn của Ngài đối với Dân, với Nước trong thế kỷ thứ VI.
5. NHỮNG ÁNG VĂN THƠ, CÂU ĐỐI CA NGỢI PHÙNG THANH HÒA -VỊ THẦN THÀNH HOÀNG CỦA LÀNG BÙNG.
*Bài minh đề trên Bức cuốn thư treo giữa đại bái Đình (Thể thơ ngũ ngôn, viết bằng chữ Hán, do Phường the Hà Đông cung tiến năm 1936).
PHIÊN ÂM:
Thanh linh trường hách hách
Chính khí tự nguy nguy
Ba cổn chương thần hóa
Sơn hà kỷ thánh uy
Công minh Tiền Lý sử
Tích hiển Hậu Lê thì
Phú tái đồng thiên địa
Hồng ân vạn cổ thùy.
LƯỢC DỊCH:
Tiếng tăm ngời ngợi tỏ
Chính nghĩa vời vợi cao
Tài - kết tinh bậc Thánh
Uy -non nước tự hào
Sử công Tiền Lý khắc
Sáng Sắc Hậu Lê trao
Trời che cùng đất chở
Ơn muôn thuở dồi dào.
*Bài Văn tế (12 tháng 11 âm lịchhàng năm).
Trích phần ca ngợi công ơn Ngài:
PHIÊN ÂM:
Cung duy
Đại vương - Hồng Vinh dục Thánh, Nam nhạc giáng thần, thiên tư dĩnh dị, tài cách quá nhân, ức niên chi miếu mạo như tân, uất thông giai khí, lịch đại chi cẩn ba gia tặng -thái quýnh hồng vân, tư phùng đông trọng, tương giới đản thời, cung trần bạc lễ.
Tái cử nghi văn: điện tiền sáng bội ảnh sâm, ẩn ước xích quang thất mãn, bảo tòa chi miện lưu hương, súy y hy hóa liên huân, lẫm chỉ xích vu uy nhan giáng lâm tại thượng, ngưỡng thanh linh chi hách trạc, bảo lựu tùng thân thượng ngưỡng đại vương phù trì chi đại đức giã/ Cẩn cốc.
LƯỢC DỊCH:
Kính nghĩ
Đại vương - thánh đất Hồng Vinh, thần non Nam Nhạc, thiên tư khác lạ, tài cách hơn người. Trải hơn ngàn năm đình miếu vẫn nguyên còn khí tốt. Qua mấy thời truy phong ngôi cả, áo xiêm rực rỡ áng mây hồng, Nay gặp tiết trọng đông, ngày đản, lòng thành dâng lễ, chúc lời văn : Trước điện tòa, sáng rực nghi dung, ẩn chứa khắp nhà rạng đỏ ngôi sang, mũ áo sực nức mùi hương. Một đóa sen thơm, tưởng uy nhan như gần gang tác, ngửa trông lên hiển hách anh linh -giữ gìn che chở khắp dân thôn, mong lượng trên chứng kiến, hộ trì cho tất cả nhờ ơn đức lớn.
Cẩn cáo.
*Câu đối của cụ Nghè Bân (Tiến sĩ Nguyễn Văn Bân,quê Hữu Bằng):
Phụ Tiền Lý, kiến độc lập kỳ - nhất thống sơn hà, tôn đế quốc.
Chuẩn Phùng Thôn, vi phụng tự sở - thiên thu miếu mạo, phúc cư dân.
Nghĩa là:
Giúp Tiền Lý, độc lập phất cao cờ - thâu cả non sông về một mối.
Chọn Phùng Thôn để làm nơi hưởng thụ - miếu đường, dân dã phúc muôn thu.
*Câu đối của cụ Nguyễn Bá Nha (người làng Bùng):
Vị hà nhạc, vị nhật tinh, quốc sử cao huân kim thượng tại.
Thử nhân dân, thử thổ địa, linh thần hiển tích cổ như tư.
Nghĩa là :
Vì núi sông, ánh sáng nhật tinh, đúc nên trang quốc sử huy hoàng, nay vẫn đó, mai sau vẫn đó. Bởi đai đất, màu tươi dân dã, vun thành đấng anh linh hiển hách, suốt xưa nay, xưa cũng như nay.
*Bài thơ lục bát do cụ Phùng Tinh Tinh soạn (sau khi sưu tầm được Thần tích Ngài Phùng Thanh Hòa, lưu ở Đền Hùng năm 1925):
Nam Giao vững một phương trời
Vua Lý Nam Đế lên ngôi trị vì
Bốn phương phẳng lặng như tờ
Dân an, quốc thái, thơca huy hoàng
Tiếng đồn lừng quận Nam Xương
Phong cảnh xinh đẹp, có làng Hồng Vinh
Thực là đất tốt, nước bình
Làm nhân, ở thiện, trời sinh một nhà
Phùng công, Hoàng thị - ông bà
Đêm ngày cầu khấn vua cha Ngọc Hoàng
Ba sinh, hương hỏa lạ thường
Phong lưu rất mực, vẻ vang cõi trần
Thánggiêng, ngày sáu, năm Thân
Đêm nằm, Hoàng thị tâm thần chợt mơ
Tựnhiên sáng tỏ đầy nhà
Rồi sau lại thấy bạch sà quanh co
Hóa hoa sen trắng một giò
Hoàng thị bẻ lấy, giấc hồ tỉnh ngay
Đầu đuôikể Phùng công hay
Ông bà mừng rỡ, vui vầy khôn đương
Bấy giờchung gối uyên ương
Rồng mây gặp hội, phượng loan sánh bầy
Hoàng thị chợt có thai ngay
Mười một tháng một, tới ngày chuyển thai
Đúngkỳ giữa ngày mười hai
Sinh ra được Ngài, nhà rất mừng vui
Thanh Hòa, tên đặt hẳn hoi
Sinh ra vốn có thiên tài quá nhân
Thông minh, trí tuệ Thánh Thần
Riêng nhà, đọc viết -chẳng cần hỏi ai
Nghề chơi đàn sáo cũng tài
Tám âm, năm luật -chẳng sai điều gì
Lớn khôn biết cả binh thư
Cung tên bắn giỏi, các nghề võ hay
Lý triều gặp vận chẳng may
Bá Tiên, binh mã định bài lai xâm
Đầy trời gươm giáo ầm ầm
Cờ bay rợp đất, tối tăm cõi mình
Đóng đồn ở đất Gia Ninh
Nhà Lương, ý muốn tung hoành nước Nam
Vua Lý Đế lấy làm lo sợ
Họp triều đình, hội cả trăm quan
Phán truyền thiết lập một đàn
Bái yết thiên địa, xuyên sơn thần kỳ
CầuTiên, cầu Phật một khi
Trăm quan tấu quỳ, dã thiết kính dâng
Đương đêm trời tối như bưng
Lâu đài - bốn vách sáng bừng, lóe ra
Bỗng đâu, thấy một cụ già
Cưỡi mây, bay xuống như là Tiên ông
Miệng cười, lưỡi đỏ hồng hồng
Đầu đội mũ Phật, người trông khác thường
Lưng đeo đai ngọc rõ ràng
Chân đi giày khách, cờ vàng cầm tay
Nói cười, tay múa, chân “giày”
Ai ai trông thấy mừng hay lạ lùng
Trăm quan quỳ trước bệ rồng
Muôn tâu cửu trùng “Trần lại thấy Tiên”
Lý hoàng thân đón vào liền
Tỉ tê hỏi hết u huyền nông sâu
Rằng nay có quân bên Tàu
Đem quân xâm lấn, chước hầu làm sao?
Được thua, thua được thế nào
Tiên ông chỉ bảo tiêu hao gót đầu
Tiên ông ngồi nghĩ giờ lâu
Phán truyền, dặn kỹ trước sau mấy nhời
Ta sinh ở Hoàng đế thời
Theo học Nho đạo, vui chơi chẳng già
Làng Tiên ngày tháng lân la
Niết Bàn học Phật Thích Ca tu trì
Ngày nay Vua đã thành kỳ (cầu)
Lão gieo một quẻ tính này cho coi
Giặc này chẳng đánh cũng lui
Tìm được tướng tài, tan giặc như chơi
Nói xong, đạp gió về trời
Vua trông thấy rõ mười mươi Thiên Thần
Tiên ông khuyên dặn ân cần
Cúi đầu, Vua tạ mười phần phân minh
Lệnh truyền cho Sá khởi trình
Sá đi khắp hết trong Kinh, ngoài Thành
Sá tìm đến trại Hồng Vinh
Sá nghe Thánh nói thấu tình, mừng vui
Đại vương bảo Sá mấy lời
Mệnh trời đã đổi, ta nay đã đồ
Sá về trước, kíp tâu Vua
Ta luyện binh, tướng; tập cờ tiếp sau
Sá vâng lời, vội ruổi mau
Khi Ngài đến, Vua đã vào Tân Xương
Trời thu hiu hắt lá vàng
Mười một tháng tám, Đại vương khởi trình
Rồi cùng Vua kéo đại binh
Đến hồ Điển Triệt kiến doanh vững vàng
Thuyền tàu, buồng lái sửa sang
Đầy hồ san sát như hàng lá tre
Giặc Lương trông thấy sợ e
Vua lui quân về giữ động Khuất Liêu
Quân, quyền hai tường liệu điều
Tả- Triệu Quang Phục, Hữu giao cho Phùng
Hai quân vâng lệnh oai hùng
Thao trường trống giục để phòng Bá Tiên
Hai quân vâng lệnh vừa yên
Vua Lý chợt đã tấn thiên, băng hà
Triệu Quang Phục kéo về Dạ Trạch
Tự xưng vương, nối chức Lý Hoàng
Phùng vương trở lại quý trang
Dân làng, bô lão đón mừng, vui thay
Đại vương dụ, phụ lão hay
Rằng nay Thánh thể an bài Khuất Liêu
Đạo tôi phải nghĩ kế nào
Trước là yên Nước, rồi sau yên nhà
Nói xong tất giã các già
Ban tiền, ban yến , thết quà phân minh
Tiệc xong, Ngài lại kéo binh
Đến đầm Dạ Trạch, vào thành Triệu Vương
Thành tâm thiết một đàn tràng
Bái yết thiên địa, thập phương chư thần
Bỗng đâu thấy áng hoàng vân
Ông Chử Đồng Tử xuống trần hẳn hoi
Rồng vàng ông cưỡi thảnh thơi
Thết ngay cái móng cho Ngài Triệu Vương
Dặn rằng chớ có coi thường
Dùng làm lẫy nỏ phòng đương giặc Tàu
Trăm năm giữ nước về sau
Đánh giặc đã có đầu mâu móng rồng
Xét xem vận mệnh Ngài Phùng
Thiên đình vốn đã tiệm chung đó rồi
Sẽ phong thực ấp một nơi
Hưởng thần có chốn đời đời tốt tươi
Nói xong, cưỡi rồng lên trời
Phùng, Triệu -hai Ngài thì tới hai phương
Bao nhiêu quân sĩ Phùng Vương
Phó cho Vua Triệu liệu đường lập công
Hai vua từ tạ, thủy chung
Triệu về Dạ Trạch, chống cùng Bá Tiên
Phùng Vương du ngoạn các miền
Già già, trẻ trẻ đều xin lế mừng
Đại vương ban yến tưng bừng
Cho tiền tạu ruộng kể chừng giá đa
Một hôm Ngài đến quê ta
Trang trại nguyên trước gọi là An Hoa
Bấy giờ phụ lão dân nhà
Hương án lễ vật mang ra mừng Ngài
Cả dân xin làm con nuôi
Cầu Ngài phù hộ cho người an ninh
Đại vương nghe nói thuận tình
Lại cho tiền bạc để dành cầu, cung
Về sau hương lửa vô cùng
Ơn Ngài, mới đổi “ làng Phùng ” từ đây
Đại vương nghỉ chơi vài ngày
Thiên văn, địa lý xét ngay, tinh tường
Đất làng có một Quý đường
Trước án, sau trẩm, giữa gương tốn càn
Đôi bên ngọn nước giao liên
Dặn dân làm miếu, ức niên thờ Ngài
Bấy giờ Ngài hóa, chầu trời
Giữa rằm tháng tám là ngày lên Tiên
Dân làng hỏi được căn nguyên
Chép làm Thần tích, lưu truyền về sau
Đến năm Vĩnh Hựu - Lê triều
Hiển linh giúp nước được nhiều đại công
“Hồi Tâm Thượng sĩ” sắc phong
Ban cho làng Phùng thờ phụng ức niên
Sinh tiền đã dục phù bản xã
Thác, hóa rồi - ủng hộ lê dân
Thực Ngài nại Thánh, nại Thần
Lòng thành phụng sự, quỷ thần chứng cho
Tích Thần, chép toàn chữ nho
Sợ khó khăn dò, nên diễn quốc âm
Trước biết chữ húy, khỏi nhầm
Sau biết tiệc lệ, biên - năm mấy lần
Tháng giêng tiệc lệ đầu xuân
Mồng năm, mồng sáu là tuần kỳ đinh
Bánh dầy, rượu nếp, ca sênh
Lợn đen, ngũ quả cốt tinh, thật thà
Còn ngày mồng một tháng ba
Cúng biện xôi gà, hoặc chỉ lễ chay
Đoan dương, trùng thập những ngày
Trai bàn cũng được, thể thay xôi gà
Rằm tháng tám là ngày hóa nhật
Gà, lợn, trâu - lễ vật tùy dùng
Chính tiệc tháng Một mùa đông
Sinh nhật thời cùng mười một, mười hai
Ngũ quả, rượu nếp, bánh dầy
Hoặc trâu, hoặc lợn -đổi thay cũng tùy
Còn như tiệc lệ minh y
Mười một tháng chạp tùy nghi mà bày
Mặc lòng lễ tạp, lễ chay
Cốt ngày tiệc lễ xưa nay cho rành
Rước Thần kiêng mặc màu xanh.
-----o-----
PHỤ BẢN:
Đình Phùng Thôn, làng Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội
*Những lễ hội hàng năm(liên quan đến Ngài Phùng Thanh Hòa):
1. Mồng 10 tháng Giêng âm lịch là ngày Tế hai vị Phúc Thần tại đình làng/ một là Ngài Phùng Thanh Hòa có công khai cơ lập ấp, dựng làng Phùng Thôn từ thế kỷ thứ 6, cách nay 1491 năm / hai là Ngài Phùng Khắc Khoan (sinh sau Ngài Phùng Thanh Hòa 1000 năm):Thánh sư Tổ nghiệp, truyền nghề the lượt và cải tiến cày bừa, nâng cao đời sống nhân dân làng Bùng và làng Vĩnh Lộc.
2.Ngày 15 tháng Tám âm lịch - Kỷ niệm ngày Hóa của Thần Thành Hoàng làng Bùng (Phùng Thôn).Tiệc này thường tổ chức cúng lễ đơn giản, gọn nhẹ.
3. Lễ Mộc Dục/ Minh Y (mồng 7 tháng Một âm lịch): Chọn một hoặc hai lão ông song toàn, “sạch sẽ” để làm hai việc: tắm rửa và thay áo giấy bằng áoTrào cho Ngài Thành Hoàng làng trước ba ngày Đám.
4.Đám tháng Một âm lịch (ngày 10, 11 và 12) Kỷ niệm ngày sinh của Thần Thành Hoàng làng Bùng (Phùng Thôn). Tương tự như lễ tiệc mồng 10 tháng Giêng, nội dung tiệc Đám cũng rất phong phú: bao gồm phần LỄ có cúng bái, tế, rước và phần HỘI với nhiều hoạt động thể thao, văn nghệ rất vui vẻ.
5.Ngày 25 tháng Chạp Âm lịch thì làm lễ Xếp Ấn (tức là Khóa sổ sách, giấy tờ) mời Ngài cùng muôn dân nghỉ Tết Nguyên Đán.
*Những tục lệ kiêng kỵ (liên quan đến Ngài Phùng Thanh Hòa):
a) Những thế hệ cha anh sinh trước năm 1954 không dùng tên Thanh, mà phải gọi chệch là Thinh; cũng không dùng tên Hòa, mà phải gọi chệch là Huề (chơi thò lò, tam cúc… không phân thắng/ bại thì cũng nói là “huề”).
b) Lễ rước Thần Thành Hoàng làng Bùng (từ Đình ra Quán và từ Quán về Đình ) vào dịp đầu Xuân hoặc Đám tháng Một âm lịch, với những năm có thiên can là Mậu và Quý (trùng hợp với số năm chẵn có hàng đơn vị là o và 5/ trong việc kỷ niệm ngày sinh hai vị Phúc Thần của làng) Tất cả mọi người tham gia đều không được dùng y phục màu xanh (đặc biệt kiêng mặc đồ màu xanh lá cây).
c) Những ai đang ở thời kỳ phải chịu tang người nhà mất thì tuyệt đối không được bước chân vào Đình trong những ngày lễ hội nói trên.
TÀI LIỆU THAM KHẢO :
1. Phùng Thôn Ngọc Phả - bản quốc ngữ chép tay năm Kỷ Tỵ/ 1989 của hai ông: Nguyễn Đăng Dự, Phùng Khắc Đồng (Nhóm Văn hóa làng Bùng) dịch từ bản chữ Hán của hai cụ Phùng Tinh Thông, Phùng Tinh Tuyển (sao năm 1927 từ bản gốc ở Đền Hùng, sưu tầm được năm 1925).
2. Đại Việt Sử Ký toàn thư (Tập I) Nhà xuất bản Khoa học Xã Hội/ 2004.
3. Lĩnh Nam chích quái(Vũ Quỳnh -Kiều Phú) NXB Văn học/ 1990.
4. Các làng xã ngoại thành Hà Nội (Bùi Thiết) NXB Thanh niên/ 1986.
Trọng Thu Kỷ Hợi - 2019