SỰ NGHIỆP ĐÁNH GIẶC NGOẠI XÂM CỦA LÝ BÍ
PGS. TS. Lê Đình Sỹ
(Đại tá, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam)
Sự nghiệp chống ngoại xâm của Lý Bí (Lý Nam Đế) trải qua hai giai đoạn: Giai đoạn lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, thành lập nhà nước Vạn Xuân độc lập (từ năm 542 đến năm 543) và giai đoạn lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Lương xâm lược (trong các năm 545 và 546).
Bấy giờ, nhà Lương (Trung Quốc) thống trị đất Việt. Cả Giao Châu dưới quyền cai trị của Vũ lâm hầu Tiêu Tư. Tiêu Tư là tôn thất nhà Lương và họ Tiêu là một trong những cự tộc phương Bắc dời về Nam, uy quyền rất lớn. Đó là một Thứ sử khét tiếng tàn bạo. Chính sử Trung Quốc như Lương thư, Trần thư đều công nhận rằng, Tiêu Tư là một kẻ “tàn bạo, mất lòng dân”. Tướng nhà Lương, Trần Bá Tiên, khi đem quân đàn áp phong trào nhân dân ở phương Nam cũng phải thừa nhận nguyên nhân của các cuộc “phản loạn” ở đây là do “tội ác của các tôn thất”, trong đó có quan Thứ sử.
Nhân lúc mâu thuẫn giữa nhân dân với chính quyền đô hộ rất sâu sắc, Lý Bí liên kết với hào kiệt các châu thuộc miền đất nước ta đồng thời nổi dậy chống Lương. Lương thư chép: “Lý Bí đã liên kết với hào kiệt vài châu đồng thời làm phản”. Trước hết, đó là Tinh Thiều, người cùng quê với Lý Bí. Vốn rất giỏi văn chương, Tinh Thiều đã lặn lội sang tận kinh đô Nam Kinh xin đầu quan, nhưng Lại bộ thượng thư nhà Lương lúc đó là Sài Tốn cho rằng họ Tinh không phải là vọng tộc, chỉ thuộc loại “hàn môn” (bình dân), nên xếp ông giữ chức Quảng Dương môn lang, tức chức quan canh cổng. Tinh Thiều lấy làm tủi thẹn, về quê, cùng Lý Bí mưu tính tập hợp lực lượng chống chính quyền đô hộ. Tham gia cuộc khởi nghĩa Lý Bí, có thủ lĩnh Chu Diên (vùng Đan Phượng, Hoài Đức, nay thuộc ngoại thành Hà Nội) tên là Triệu Túc và con là Triệu Quang Phục. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Vua (Lý Nam Đế) bấy giờ làm chức giám quân ở châu Cửu Đức, nhân liên kết với hào kiệt mấy châu, đều hưởng ứng. Có Triệu Túc, tù trưởng ở Chu Diên phục tài đức của vua, bèn dẫn đầu đem quân theo”
[1]. Phạm Tu cũng là một tướng tài của Lý Bí có mặt ngay từ buổi đầu khởi nghĩa. Các sách Đại Việt sử ký toàn thư, Việt điện u linh, Đại Nam nhất thống chí và thần tích, bi ký, truyền thuyết ở làng Giá, tức làng Cổ Sở (Yên Sở, Thanh Trì, Hà Nội) đều phản ánh Phạm Tu (có thể cũng là Lý Phục Man) đã cùng dân làng tham gia cuộc khởi nghĩa giải phóng đất nước. Về sau, nhân dân ở làng Giá mở Hội Giá để nhớ lại sự kiện đó. Lễ “niệm quân” của ngày hội ấy cho thấy, không phải chỉ có Phạm Tu tham gia cuộc khởi nghĩa, mà đông đảo dân làng Giá đã vùng dậy với người anh hùng của quê hương, góp phần tạo nên thắng lợi của sự nghiệp khởi nghĩa do Lý Bí lãnh đạo. Lý Bí khi lên ngôi đã đánh giá rất cao công lao của Phạm Tu và gả con gái cho ông.
Sử cũ không chép rõ Lý Bí đã chiếm được các quận huyện, đánh đuổi bọn quan lại phương Bắc như thế nào. Chỉ biết rằng, đó là một cuộc khởi nghĩa rộng lớn, đã liên kết được đông đảo các hào kiệt và dân chúng các châu, nhanh chóng giành thắng lợi. Lý Bí đã không gặp phải sức kháng cự mạnh mẽ nào của bọn quan lại đô hộ. Sử cũ cho biết, nghe tin Lý Bí nổi dậy, Vũ lâm hầu Tiêu Tư sợ hãi, không giám chống cự, vội sai người đem vàng bạc, của cải đút lót cho Lý Bí rồi chạy trốn về Việt Châu (bắc Hợp Phố) và Quảng Châu
[2]. Quan Thứ sử Tiêu Tư bỏ trốn thì hẳn bọn quan lại khác trong chính quyền đô hộ cũng chạy theo; số còn lại đầu hàng nghĩa quân.
Nổi dậy từ tháng Chạp năm Đại Đồng thứ 7, tức tháng 1 năm 542, không quá ba tháng, nghĩa quân đã chiếm được thành Long Biên (Bắc Ninh). Bè lũ đô hộ đã bị quét sạch trước khí thế tiến công và nổi dậy khắp nơi của nhân dân ta.
Sau những giờ phút kinh hoàng buổi đầu, chính quyền nhà Lương lập tức có phản ứng đối phó, nhanh chóng tổ chức phản công lại nghĩa quân. Lương thư chép rằng: “Tháng ba năm Đại Đồng thứ 8 (4-542) (vua Lương) sai thứ sử Việt Châu là Trần Hầu, thứ sử La Châu là Ninh Cự, thứ sử An Châu là Lý Trí, thứ sử Ái Châu là Nguyễn Hán, cùng đi đánh Lý Bí ở Giao Châu”
[3]. Sự phản ánh này của Lương thư cho thấy, phía nam Giao Châu lúc đó còn thuộc quyền thống trị của nhà Lương. Trong ba tháng đầu của cuộc khởi nghĩa, Lý Bí và nghĩa quân mới làm chủ được mấy châu phía Bắc thuộc vùng Bắc Bộ ngày nay.
Sử sách không ghi chép chi tiết về cuộc phản công của nhà Lương và chúng ta cũng không biết được cuộc chiến đấu của nghĩa quân ra sao; song điều chắc chắn là cuộc phản công đó đã hoàn toàn thất bại, bởi vì nhà Lương đã phải tổ chức một cuộc phản công lần thứ hai vào cuối năm 542 đầu năm 543. Có lẽ sau khi đánh tan cuộc phản công thứ nhất và đánh bại được đạo quân của Thứ sử Ái Châu Nguyễn Hán, nghĩa quân đã vượt Ái Châu tiến thẳng vào giải phóng Đức Châu, nơi Lý Bí đã làm quan trong một thời gian, đã có uy tín đối với các hào kiệt và nhân dân vùng này. Ta có thể khẳng định điều đó, vì như sự phản ánh của sách Đại Việt sử ký toàn thư, mùa Hè năm 543 khi Lâm Ấp đưa quân vào cướp Cửu Đức đã bị đại tướng Phạm Tu đánh tan
[4]. Sách Tư trị thông giám của Tư Mã Quang (q.158) ghi: “Mùa Hè tháng tư, vua Lâm Ấp tiến công Lý Bí, viên tướng của Lý Bí là Phạm Tu đã phá quân Lâm Ấp ở Cửu Đức”. Như vậy, sau khi đánh tan cuộc phản công lần đầu của quân Lương, nghĩa quân cơ bản đã làm chủ đất nước. Nghĩa quân của Lý Bí đã kiểm soát được cả vùng đồng bằng Bắc Bộ, cả vùng Ái Châu (Thanh Hóa), Đức Châu (Hà Tĩnh), vùng An Châu (Quảng Ninh) và cả vùng bán đảo Hợp Phố ở phía Bắc.
Bị thua đau, vua Lương lại sai Thứ sử Cao Châu là Tôn Quýnh, Thứ sử Tôn Châu là Lư Tử Hùng thống lĩnh binh mã, một lần nữa tiến sang Giao Châu để tiêu diệt nghĩa quân của Lý Bí. Sự kiện này diễn ra vào đầu năm 543. Sử của ta chép: “Mùa Đông, tháng 12 (khoảng tháng 1-543), Lương Đế sai Tôn Quýnh và Lư Tử Hùng sang lấn”
[5].
Bấy giờ, bọn Tôn Quýnh và Lư Tử Hùng thấy cuộc phản công lần trước đã thất bại và uy thế của nghĩa quân càng rầm rộ, nên e ngại, dùng dằng không chịu tiến quân, lấy cớ là mùa Xuân ẩm ướt, lam chướng, xin đợi đến sang Thu hẵng khởi binh. Nhưng thứ sử Quảng Châu là Tiêu Ánh không nghe, Vũ lâm hầu Tiêu Tư cũng sốt ruột thúc giục, cho nên bọn Tôn Quýnh bất đắc dĩ phải động binh.
Chủ động đánh giặc, Lý Bí đã bày quân mai phục, thực hiện một trận tiêu diệt lớn ở vùng cực bắc Giao Châu. Cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt ở Hợp Phố. Quân Lương 10 phần chết tới 7, 8 phần; bọn sống sót tan vỡ tán loạn tướng sĩ ngăn cấm không được. Tôn Quýnh và Lư Tử Hùng đại bại, dẫn tàn quân chạy về Quảng Châu.
Tiêu Tư dâng sớ về triều, vu cho Tôn Quýnh và Lư Tử Hùng đã “giao thông với giặc, dùng dằng không tiến quân”. Thấy quân lính bị thiệt hại quá nhiều, giận vì không tiêu diệt được Lý Bí, Lương Vũ Đế xuống chiếu bắt cả hai viên tướng cầm đầu phải chết ở Quảng Châu. Về sự kiện này, sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: “Quýnh lấy cớ là chướng khí mùa Xuân đương bốc, xin đổi mùa Thu. Bấy giờ Thứ sử Quảng Châu là Tân dụ hầu không cho; Vũ lâm hầu Tư cũng thúc giục. Bọn Tử Hùng đi đến Hợp Phố, 10 phần chết 6, 7 phần, quân tan vỡ mà trở về. Tư tâu vua rằng Quýnh và Tử Hùng dùng dằng không chịu đi. Lương Đế bắt bọn họ đều phải tự tử”
[6].
Sau khi đánh tan được quân xâm lược phía Bắc, Lý Bí phải lo ngay việc đối phó với nước Lâm Ấp ở phía Nam. Biên giới phía Nam lúc đó sát với Hoành Sơn (Quảng Bình). Vua Lâm Ấp Rudravarman I nhân cơ hộ ở Giao Châu bọn quan đô hộ bị đuổi, nên đã đem binh thuyền đánh phá, xâm lấn Đức Châu (5-543). Lúc đó, như các tài liệu dẫn ở phần trên thì, Lý Bí đã cử đại tướng Phạm Tu đưa quân vào đánh tan quân Lâm Ấp ở Cửu Đức, vua Lâm Ấp phải chạy trốn.
Đất nước đã được giải phóng. Biên giới phía Bắc và phía Nam đều tạm thời ổn định. Cuộc khởi nghĩa Lý Bí đã hoàn toàn thắng lợi. Đó là cuộc khởi nghĩa toàn dân, xuất phát từ địa phương Thái Bình (khoảng các huyện Quốc Oai – Phúc Thọ, Hà Nội ngày nay), phát triển rộng ra cả nước và giành được độc lập tự chủ. Nửa cuối thế kỷ VI quả là một thời điểm đột phá lớn trong lịch sử hơn nghìn năm chống Bắc thuộc của nhân dân ta. Nó tiếp tục và phát huy truyền thống đấu tranh giành độc lập mà Hai Bà Trưng đã phất ngọn cờ đầu tiên chống ách đô hộ. Nó như một mốc son đánh dấu lịch sử bởi một cuộc khởi nghĩa lớn và tiếp sau đó là một thời kỳ độc lập khoảng 50 năm.
Việc Lý Bí khởi nghĩa thành công, thành lập nhà nước Vạn Xuân độc lập, ngang nhiên xưng đế (Lý Nam Đế), đặt quốc hiệu riêng… là sự ngang nhiên thách thức đối với Lương Vũ Đế. Tuy nhiên, sau khi Tôn Quýnh và Lư Tử Hùng bị bức tử vì lý do đánh Lý Bí bị thất bại, em Tử Hùng là Tử Lược, có gia thuộc ở Giang Nam là Đỗ Thiên Hợp và em Đỗ Năng Minh giúp sức, đã liên kết với cháu của Tôn Quýnh nổi dậy báo thù, bắt viên đô đốc Giang Nam là Thẩm Khởi, rồi tiến đánh Quảng Châu. Vì Quảng Châu náo động, nhà Lương phải lo tập trung lực lượng đàn áp, nên chưa tổ chức phục thù Lý Bí ngay được. Thứ sử Quảng Châu là Tiêu Ánh hợp quân với Trần Bá Tiên đánh tan bọn Tử Lược, giết được Đỗ Chiêm Hợp, buộc Đỗ Thiên Ánh phải hàng. Mùa Đông năm 544, Tiêu Ánh chết, nhà Lương cử Lan Khâm thay làm Thứ sử Quảng Châu chuẩn bị binh lực đánh Lý Bí. Tuy nhiên, Nam Anh đã giết Lan Khâm để đoạt chức thứ sử đó.
Đầu năm 545, nhà Lương bắt đầu tổ chức cuộc chiến tranh xâm lược Vạn Xuân nhằm chinh phục lại Giao Châu mà chúng vẫn cho là “thuộc quốc” cũ. Dương Phiêu được cử làm Thứ sử Giao Châu, Trần Bá Tiên – viên tướng vũ dũng tuy xuất thân từ “hàn môn” nhưng do vừa lập công đánh bọn Tử Lược, dẹp yên Quảng Châu, được cử làm Tư mã Giao Châu, lĩnh chức Thái thú Vũ Bình, cùng tổ chức cuộc chinh phục Vạn Xuân. Trong quá trình đàn áp Quảng Châu, Trần Bá Tiên thu nạp được nhiều quân vũ dũng, khí giới đều tốt; vì thế Dương Phiêu rất mừng, giao cho giữ chức kinh lược sứ, phụ trách tác chiến.
Sử sách không ghi chép cụ thể số quân nhà Lương trong cuộc Nam chinh này là bao nhiêu. Chỉ biết đạo quân tiến đánh Vạn Xuân gồm nhiều bộ phận hợp thành: quân triều đình dưới quyền chỉ huy của Dương Phiêu, đạo quân riêng của Trần Bá Tiên lúc đánh Quảng Châu đã có tới 3.000 người thiện chiến, quân của mấy thứ sử kề cận Giao Châu cũng được lệnh tập trung về Phiên Ngung (Quảng Châu)..
Dương Phiêu họp tất cả các tướng sĩ hỏi mưu kế. Lúc đó có một số tướng nghe tiếng Lý Bí đã sợ nên bàn lùi, như Tiêu Bột, Thứ sử Định Châu; một số tướng khác thì ngần ngại… Trần Bá Tiên chủ chiến, hung hăng chủ trương kiên quyết tiến binh, nói rằng: “Giao Châu làm phản, tội do ở người tông thất, để mấy châu hỗn loạn trốn tội đã nhiều năm nay. (Thứ sử) Định Châu (Tiêu Bột) chỉ muốn trận yên trước mắt, không nghĩ đến kế lớn. Đã vâng chiếu đi đánh kẻ có tội, phải nên liều sống chết, há nên dùng dằng không tiến để nuôi cho thế giặc thêm mạnh mà làm ngăn trở quân mình hay sao?”
[7]. Bá Tiên hiếu chiến, đầy tham vọng, luôn kích động Dương Phiêu, nên được cử làm tướng tiên phong, đem quân đi trước.
Biết tin quân Lương sắp sang, Lý Nam Đế càng gấp rút xây dựng lực lượng, huy động quân đội, đắp thành lũy, tăng cường bố phòng, sẵn sàng đánh giặc.
Từ Phiên Ngung, quân Lương tiến theo đường biển vào Vạn Xuân. Tháng 7-545, quân xâm lược tiến sâu vào nội địa nước ta ở lưu vực sông Hồng. Lý Nam Đế thân dẫn ba vạn quân trấn giữ Chu Diên (mạn Hưng Yên), thiết lập chiến lũy, bố trí thành thế trận phòng ngự lớn để chặn đánh quân của Trần Bá Tiên ở đây. Vì quân giặc mới vào khí thế đương hăng, liên tục công phá thành Chu Diên; vì tương quan lực lượng không có lợi cho quân ta nên Lý Bí bị thua, phải lui giữ cửa sông Tô Lịch, dựng thành lũy để chống lại quân Lương.
Chiếm được Chu Diên, Trần Bá Tiên kéo đại quân đến bao vây, tiến công thành Tô Lịch. Theo Trần thư, quân đội Vạn Xuân có khoảng vài vạn người giữ thành ở cửa sông Tô Lịch, chiến đấu rất ác liệt, đánh bại nhiều đợt tiến công của quân Lương. Tuy nhiên, thành đất, lũy tre gỗ không mấy kiên cố mà quân Lương lại dũng mãnh tiến công ráo riết, thế trận của quân Vạn Xuân dần dần bị vỡ, Lý Nam Đế buộc phải rút lui khỏi kinh đô, ngược dòng sông Hồng, lên giữ thành Gia Ninh trên miền đồi núi trung du, ngã ba sông Trung Hà – Việt Trì.
Theo thần tích, trong cuộc kháng chiến do Lý Nam Đế lãnh đạo, cuộc chiến ở cửa sông Tô Lịch hết sức quyết liệt. Lão tướng Phạm Tu (có tài liệu cho là Lý Phục Man), người đứng đầu hàng võ quan trong triều đình Vạn Xuân, đã chiến đấu rất anh dũng và hy sing ngày 20 tháng bảy năm Ất Sửu ( 8-545).
Hạ được thành Tô Lịch, Trần Bá Tiên thúc quân tiến lên truy kích quân ta rồi bao vây và tiến công thành Gia Ninh, đồng thới cử người báo tin thắng trận cho chủ tướng Dương Phiêu. Dương Phiêu liền đem hậu quân từ tuyến sau, theo đường thủy, ngược dòng sông Hồng lên tiếp ứng.
Gia Ninh là một chiến thành lớn, Lý Nam Đế tập trung lực lượng quyết tâm bảo vệ. Dựa vào thành, quân ta cố sức cầm cự với giặc trong suốt mùa khô năm 545. Sau ba tháng tiến công liên tục, Trần Bá Tiên không thể chiếm được thành, quân sĩ bị chết rất nhiều, nhưng y vẫn không chịu từ bỏ kế hoạch đánh chiếm Gia Ninh. Sang tháng 2-546, có quân chủ lực của Dương Phiêu phối hợp, bao vây, công phá, quân giặc đã hạ được thành Gia Ninh của Lý Nam Đế vào ngày 25-2-546. Theo Lương thư, năm Trung Đại Đồng thứ nhất, mùa Xuân tháng giêng ngày Ất Sửu, phá thành Gia Ninh. Các sách Lương thư và Tư trị thông giám đều chép việc phá thành Gia Ninh là do Thứ sử Giao Châu là Dương Phiêu chỉ huy. Từ khi Trần Bá Tiên tới Giao Châu (7-545) đến khi thành Gia Ninh bị hạ (2-546) là tám tháng. Đó là cả một quá trình chiến đấu cầm cự của quân đội Vạn Xuân với quân Lương tại đây. Lực lượng quân sự do Trần Bá Tiên chỉ huy không đủ sức tiêu diệt quân của Lý Nam Đế tại Gia Ninh, mà chỉ bao vây trong một thời gian dài, khiến cho quân Lương lúc đó như Bá Tiên nói: “tướng sĩ đều mệt mỏi”. Và đến tháng 2-546, đợi khi đại quân của Dương Phiêu đến, quân Lương mới đủ lực lượng để công phá và hạ được thành Gia Ninh.
Thành Gia Ninh bị vỡ, Lý Nam Đế cùng một số binh tướng tổ chức phá vây, kéo quân lên động Khuất Lão ở Tân Xương (tức miền đồi núi Phú Thọ trên lưu vực sông Lô). Quân Lương đóng lại ở cửa sông Gia Ninh.
Lý Nam Đế dựa vào núi rừng Tây Bắc, ngoài số binh tướng còn lại sau trận thất thủ Gia Ninh, ông đã mộ thêm quân, nhiều người Việt đủ các thành phần dân tộc đã hăng hái gia nhập quân đội, tình nguyện đánh giặc cứu nước. Quân đội của Lý Nam Đế dựng lán trại trong rừng, hạ cây, xẻ ván đóng thuyền bè, chuẩn bị cho một hình thức kháng chiến mới.
Sau một thời gian chỉnh đốn lại lực lượng, tháng 10-546, Lý Nam Đế kéo quân ra hạ thủy trại tại hồ Điển Triệt. Lực lượng quân đội lúc đó đông tới ba, bốn vạn, sĩ khi rất hăng. Sách Việt sử thông giám cương mục chép: “Lý Bôn lại đem quân từ trong xứ người Lão ra, đóng đồn ở hồ Điển Triệt. Quân Lương sợ cứ đóng ở cửa hồ, không dám tiến”
[8].
Quân Lương từ Gia Ninh, ngược dòng sông Lô tiến lên hồ Điển Triệt, định đánh phá doanh trại của Lý Nam Đế. Nhưng căn cứ Điển Triệt rất hiểm yếu, khó đánh, khí thế quân của Lý Nam Đế lại đang hồi phục, dũng cảm đánh chặn địch cả dưới nước lẫn trên bộ. Thấy tình thế khó khăn, Dương Phiêu và Trần Bá Tiên chỉ dừng lại ở ngoài cửa hồ, không dám tiến sâu thêm. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mùa Thu, tháng tám, vua lại đem hai vạn quân từ trong đất Lão ra đóng ở hồ Điển Triệt, đóng nhiều thuyền, chật cả mặt hồ. Quân Lương sợ, cứ đóng lại ở cửa hồ không dám tiến vào”
[9].
Trước tình hình ấy, Trần Bá Tiên họp các tướng bàn đánh. Bá tiên nói: “Quân ta ở đây đã lâu, tướng sĩ mỏi mệt, vả lại thế cô không có tiếp viện. Tiến sâu vào trong lòng nước người, nếu một khi đánh mà không thắng, thì đừng có mong sống sót. Nay nhân lúc bọn họ vừa thua luôn, lòng người chưa vững, mà người di Lão ô hợp, dễ bề đánh giết, chính nên cùng ra tay liều chết, cố sức đánh lấy, không có cớ gì mà dừng lại, thì lỡ mất thời cơ”. Tuy vậy, các tướng vẫn im lặng, không ai dám hưởng ứng.
Rất tiếc, Lý Nam Đế đã bỏ mất thời cơ này. Đáng lẽ, nhân lúc địch đang lúng túng, hoang mang và chưa có kế sách đối phó, quân ta tổ chức phản công hoặc đánh úp chúng, để giành thế chủ động, thì hẳn cục diện sẽ có lợi, bởi vì lúc ấy khí thế trong quân đã khá hơn. Có lẽ sau mấy lần thất bại liên tiếp, Lý Nam Đế đã có phần e ngại, thiếu quyết đoán; khiến Trần Bá Tiên có thời gian dò biết tình hình bên ta để nhân sơ hở của quân ta mà tiến công trước?
Chủ trương trên của Trân Bá Tiên không được các tướng ủng hộ. Cả hai bên đều án binh bất động. Nhưng bỗng trời đổ mưa lớn, khiến nước sông dâng cao, tràn cả vào hồ, thuyền lớn của địch có thể dễ dàng cơ động; còn căn cứ của Lý Nam Đế trở thành một cô đảo giữa vùng sông nước mênh mông… Lợi dụng nước lớn mưa nhiều, đang đêm Trần Bá Tiên ra lệnh tiến công. Các thuyền lớn của địch nối nhau xung trận, trống đánh quân reo, ào ào tiến vào hồ Điển Triệt. Lý Nam Đế và quân đội bị tập kích bất ngờ, không kịp phòng bị, hàng quân tan vỡ, không thể chống đỡ nổi. Sử chép: “Đêm hôm ấy nước sông lên mạnh, dâng cao bảy thước, tràn đổ vào hồ. Bá Tiên đem quân bản bộ theo dòng nước tiến trước vào. Quân Lương đánh trống reo hò mà tiến. Vua vốn không phòng bị, vì thế quân tan vỡ, phải lui giữ ở trong động Khuất Lão”
[10].
Đó là trận đánh cuối cùng của Lý Nam Đế. Bị thất bại, Lý Nam Đế dùng thuyền sang bên hữu ngạn sông Lô, bí mật chạy vào động Khuất Lão. Tinh Thiều và nhiều tướng sĩ đã chiến đấu anh dũng và hy sinh trong trận hồ Điển Triệt. Và sau thất bại này, quân ta bị tổn thất nặng; Lý Nam Đế giao quyền cho đại tướng Triệu Quang Phục, con của Thái phó Triệu Túc điều khiển việc binh. Hai năm sau, Lý Nam Đế mất , đó là năm 548.
Nguyên nhân thất bại trong quá trình lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Lương của Lý Nam Đế có nhiều cách giải thích khác nhau. Sử thần Lê Văn Hưu bàn rằng: “Ba vạn quân đều sức thiên hạ không ai địch nổi. Nay Lý Bí có năm vạn quân mà không giữ được nước, thế thì Bí kém tài làm tướng chăng? Hay là quân lính mới họp không thể đánh được chăng? Lý Bí cũng là bậc tướng trung tài, ra trận chế ngự quân địch giành phần thắng không phải là không làm được, nhưng bị hai lần thua rồi chết, bởi không may gặp phải Trần Bá Tiên là kẻ giỏi dùng binh vậy”
[11]. Đó cũng là một cách giải thích. Thực ra, trong chiến tranh giữ nước, Lý Nam Đế đã không có cách đánh thích hợp trong điều kiện phải lấy nhỏ đánh lớn, yếu chống mạnh. Trên thực tế chiến đấu chống quân Lương, Lý Nam Đế chỉ dựa vào quân đội mới được tổ chức, co cụm ở một số thành lũy để cố thủ, không dựa vào dân, không dựa vào các làng xã để kháng chiến lâu dài, khi có điều kiện thì không tận dụng được thời cơ đánh giặc, vì thế lực lượng suy yếu dần và thất bại.
Tuy nhiên, sự nghiệp của Lý Nam Đế, trong đó có sự nghiệp đánh giặc ngoại xâm của ông thật vĩ đại. Lý Bí và cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo là một là một nhân vật, một sự kiện đặc biệt thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc. Lịch sử đã ghi nhận những cống hiến lớn lao của ông. Nhân dân thương nhớ đã lập nhiều đền thờ để tưởng niệm và ghi nhới công lao của người anh hùng dân tộc Lý Nam Đế.
[1].
Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Nxb. Khoa học xã hội, H. 1993, tr.179.
[2]. Theo
Lương thư, Trần thư, Tục tư trị thông giám.
Lương thư chép: Tiêu Tư chạy về Hợp Phố; một số sách khác chép: Tiêu Tư chạy về Quảng Châu.
[3].
Lương thư, q.3, t.11b.
[4].
Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Sđd, tr.179.
[6].
Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Sđd, tr.179.
[7].
Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Sđd, tr.180.
[8].
Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Tập I, Nxb. Giáo dục, H.1998, tr.171.
[9].
Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Sđd, tr.180.
[10].
Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr.180.
[11].
Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr.182.