(Thứ bảy, 28/04/2018, 08:31 GMT+7)

     Quý 1 – 2018, NXB Văn hóa – Văn nghệ vừa tái bản 3 đầu sách của nhà văn – chiến sĩ Phùng Quán, gồm: Trăng hoàng cung; Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào; Ba phút sự thật.

     Phùng Quán sinh tháng 1 năm 1932 (1930?) tại quê xã Thuỷ Dương, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Năm 1945, ông tham gia Vệ quốc quân, là chiến sĩ trinh sát Trung đoàn 101 (tiền thân là Trung đoàn Trần Cao Vân). Sau đó ông tham gia Thiếu sinh quân Liên khu IV, đoàn Văn công Liên khu IV. Đầu năm 1954, ông làm việc tại Cơ quan sinh hoạt Văn nghệ Quân đội thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam (tiền thân của Tạp chí Văn nghệ Quân đội).

     Tác phẩm đầu tay “Vượt Côn Đảo” của ông được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1955. Về quá trình viết tác phẩm này, trong di cảo hồi ký “Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào” do NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh xuất bản năm 2007, ông kể nhiều chi tiết rất thú vị về sự ngẫu nhiên và tình cờ đưa ông từ một người lính trở thành một nhà văn và những oan khuất phải gánh chịu nhưng với giọng kể rất hóm hỉnh, không một chút trách móc hay thù hận. Không lâu sau đó, Phùng Quán tham gia phong trào Nhân văn – Giai phẩm.

So-492--Nha-van-Phung-Quan---Anh-1
                                                                              Nhà văn Phùng Quán

     Đến 1988, cuốn tiểu thuyết “Tuổi thơ dữ dội” của Phùng Quán được xuất bản và nhận Giải thưởng Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam hai năm sau đó. Ngoài văn xuôi, Phùng Quán còn sáng tác thơ và có nhiều bài thơ nổi tiếng như: Hoa sen, Hôn, Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe…

     Ông mất ngày 22/1/1995 tại Hà Nội. Năm 2010, sau khi vợ ông là nhà giáo Vũ Bội Trâm mất, thể theo nguyện vọng của ông lúc sinh thời, gia đình và bạn bè đã đưa hài cốt ông bà về an táng tại quê nhà: xã Thủy Dương, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Năm 2007, Phùng Quán được Nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật, do Chủ tịch nước ký quyết định tặng riêng cùng với Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm.

     1. Trăng hoàng cung

     Trong những tác phẩm của Phùng Quán, ai đã từng đọc và yêu mến bộ ba tiểu thuyết “Tuổi thơ dữ dội” thì không thể không biết đến tiểu thuyết tình 13 chương “Trăng hoàng cung”, bởi đó chính là một phần đời tiếp theo của tác giả.

     “Trăng hoàng cung” là một tiểu thuyết hoàn chỉnh, trọn vẹn và độc đáo, nó có thể đứng một cách hoàn toàn độc lập. Trong lần tái bản này, NXB Văn hóa – Văn nghệ in kèm hồi ức “Phùng Quán viết Trăng hoàng cung” của nhà văn Hà Khánh Linh.

     Đọc xong “Phùng Quán viết Trăng hoàng cung” bạn đọc sẽ biết được xuất xứ của mỗi bài thơ và hiểu sâu sắc hơn về “Trăng hoàng cung”. Đặc biệt, sẽ hiểu được thế nào là lao động sáng tạo nghệ thuật của nhà văn.

     2. Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào?

     Là hồi ký, được rút trong Di cảo, trong đó Phùng Quán viết: “Tôi nghiệm ra rằng số phận con người nhiều lúc có những khúc quanh thật đột ngột mà cái nguyên cớ tạo ra những khúc quanh đó đôi khi rất vớ vẩn, rất tức cười. Bản thân tôi chẳng hạn, tôi đâu có mong muốn trở thành nhà văn! Nhà văn – tôi kính nhi viễn chi. Nhà văn – đối với tôi ngày đó, trước khi có những khúc quanh – là một người đàn bà quá đẹp, quá cao sang và cao sang đến mức choáng váng, đẹp đến không dám nhìn mà những thân phận lính tráng thất học như tôi ngay cả trong ý nghĩ cũng không dám tỏ tình. Nếu cứ liều mạng tỏ là đại ngu! Ngu như thể anh lính chỉ có một quả lựu đạn chày với một thanh mã tấu mà dám liều mạng chơi nhau với cả một đại đội giặc trang bị đến tận chân răng. Mãi về sau này, khi tôi đã lên đến bậc chú, bác, một cháu nữ phóng viên báo Tiền phong Chủ nhật phỏng vấn tôi: Hoàn cảnh nào đã biến chú – từ một người lính thất học trở thành một nhà văn? Hoàn cảnh nào? Cháu đã đặt một câu hỏi rất hay với chú. Tuổi trẻ của chú cũng đã từng mơ ước đủ thứ. Mơ được lấy vợ… Năm mới ngoài 20 tuổi, chú có viết một bài thơ sặc mùi lính tráng. Chú mơ ước trở thành đảng viên Cộng sản, được dâng hiến trọn đời mình cho sự nghiệp của Đảng như anh Giót, như anh Đàn. Chú mơ ước được lập những chiến công thật vang dội, mơ ước được chỉ huy một đơn vị trinh sát đặc công, mơ ước trở thành anh hùng… nhưng chưa bao giờ chú mơ ước được trở thành nhà văn. Thời ấy, những người lính thế hệ chú, anh nào chẳng tập trọng làm một vài bài thơ, nói đúng hơn là ca dao hò vè để dán bích báo, để ngâm nga trong những đêm liên hoan văn nghệ của đơn vị. Loại ca dao hò vè này được các chú gọi là thơ báng súng, nhưng mơ ước được trở thành nhà thơ thì chưa bao giờ…”.

     3. Ba phút sự thật

     Những trang sách cảm động, khắc họa về những con người thật, những sự kiện thật, trong thời kỳ chống Pháp ác liệt, và cả trong cuộc sống văn nghệ sau kháng chiến. Qua đó, hình ảnh nhà văn, người nghệ sĩ chân chính hiện lên với tất cả những vất vả, khó khăn lấy đi của họ cả xương máu và danh dự, nhưng không lúc nào thôi nung nấu về những sáng tác, những đứa con tinh thần làm giàu có thêm cuộc đời. Và hơn hết, xin mượn lời bố (nhà viết kịch Lưu Quang Thuận) dặn Lưu Quang Vũ: “Con muốn làm nghệ sĩ, nhà văn, họa sĩ, hay nhà thơ, thì trước nhất, con hãy làm Người đi đã”, để nói về những con người quả cảm ấy. Để tiếng thơ, tiếng văn mình luôn trong vắt màu sự thật, màu hiện thực gian lao anh dũng và cũng đầy phũ phàng, bản thân họ đã sống thật xứng đáng với lòng mình, luôn vươn tới Chân, Thiện, Mỹ với một tấm lòng bao dung, nhân ái, đầy tình yêu thương. Những nhân cách lớn như Nguyễn Hữu Đang, Trần Đức Thảo, Tuân Nguyễn, Đoàn Phú Tứ… đã được miêu tả, phác họa vừa nhẹ nhàng, gần gũi vừa bi tráng, trân trọng. Đọc để hiểu thêm về những gì đã qua, và phấn đấu cho những gì đang tới!

     Cuốn sách là một chuỗi các bài viết chưa bao giờ xuất bản của tác giả được tập hợp bởi cố phu nhân nhà văn – bà Vũ Bội Trâm sưu tập. Hàng chục bút ký, kèm vần thơ thấm đẫm chất nhân văn viết về những người thân, về đồng đội, đồng nghiệp nổi tiếng của mình (như Tố Hữu, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Hữu Đang, Văn Cao, Hồ Vi, Phùng Cung, Trần Đức Thảo, Tuân Nguyễn…).

     Những câu chuyện – dù nửa thực nửa hư, tất cả đều là quá khứ – nhưng nó khiến người đọc xót xa về một thời đã qua.


 Lê Văn
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 492
http://tuanbaovannghetphcm.vn/tai-ban-sach-phung-quan-so-492/