THAM LUẬN HỘI THẢO KHOA HỌC
PHÙNG TÁ CHU - THÂN THẾ - CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP
CHỨC TƯỚC CỦA ĐẠI VƯƠNG PHÙNG TÁ CHU[1]
Tiến sĩ Đinh Công Vĩ
Theo Đại Việt sử ký tiền biên và Đại Việt sử lược: Chức tước đầu tiên Phùng Tá Chu được triều Lý phong là Nội điện trực, khi ông được lệnh đưa vợ vua Lý Huệ Tông (là Trần Thị Dung) về triều năm Tân Mùi (1211). Nội điện trực là chức phải luôn túc trực, thường xuyên có mặt trong điện để bảo vệ (chủ yếu là) vợ vua, sau nữa là bảo vệ đoàn hộ tống. Làm việc này, gần vợ vua, đương thời với nhà Lý là nhà Tống thường lấy Nội thị là danh chức của hoạn quan ở Nội thị sảnh tiến hành. Phải chăng Phùng Tá Chu là hoạn quan? Có lẽ việc gấp quá, lệnh trên phải đưa ngay vợ vua về triều. Những người giúp họ Trần (trong đó có Phùng Tá Chu) từ trước đến lúc có ai làm quan thị, cho nên buộc phải lấy người ngoài ngạch quan thị. Phùng Tá Chu giỏi võ thuật, cơ trí, rất thích hợp đi bảo vệ, ai hơn ông, nên buộc phải tuyển ông vào đoàn, cứ gì phải là quan thị?
Đại Việt sử lược ghi rõ: “Năm Bính Tý (1216) vua xuống chiếu cho chức Minh tự Phùng Tá Chu làm Chiêu thảo sứ”. Minh tự có phải là “chức” hay không? Trước đó đã có một trường hợp nhắc tới ở đời Lý: Năm Canh Ngọ (1150) vào tháng 9, vua Lý Anh tông nghe lời Đỗ Anh Vũ giáng Bảo Ninh hầu xuống chức Minh tự. Ở thời nhà Trần sau đó có nhắc tới các huân tước Minh tự thương phẩm và Nội minh tự. Các thuật ngữ “minh tự” đó, khi chưa làm vua, Thái tử Sảm (tức Lý Huệ tông về sau) còn có thể phong cho bố vợ là Trần Lý. Việc phong đó còn bị Ngô Sĩ Liên (ở Đại Việt sử ký toàn thư) phê phán là “lấy vợ” tự tiện phong tước. Tất cả cho thấy “Minh tự” là tước, chứ không phải là chức. Hẳn phẩm tước đó lúc thái tử phong chỉ có danh, làm đẹp mặt bố vợ hơn là cho bố vợ được thực quyền.
Từ “Minh tự” Phùng Tá Chu được nâng lên thực chức: “Chiêu thảo sứ”. Đây mới đúng là chức quan, chứ không phải huân hay tước. “Chiêu” là chiêu dụ, “thảo” là thảo phạt tức đi dẹp giặc. Đó là việc làm của những người thuộc “phương diện quốc gia” của triều đình đi dẹp cái mà họ gọi là giặc (hay giặc cỏ) một cách khinh miệt. Chưa có tài liệu nào từ các triều đại Lý, Trần về trước ghi thật đầy đủ và cụ thể về chức này nhưng qua việc làm cụ thể và chú dẫn về thuật ngữ trong chế độ phong kiến ở nước ta và Trung Hoa mà ta có thể suy ra: Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mùa thu tháng 7 năm Giáp Thân (864) vua nhà Đường cho Cao Biền là Đô hộ tổng quản kinh lược chiêu thảo sứ”. Đó là chức quan chỉ lập tạm thời để Cao Biền quản lý các việc binh dân ở nước ta thời Bắc thuộc. Đến thời Lý - Trần của Phùng Tá Chu vẫn tiếp tục đặt chức này. Đặc biệt đời Trần các lộ từng có đặt chức Chiêu thảo sứ. Điều này cũng có thể rút ra từ đời Đường, cùng triều đại với Cao Biền, trước Lý, Trần: Năm Trinh Nguyên đời Đường đặt Chiêu thảo sứ ty, trưởng quan là Chiêu thảo sứ, là quan thông binh, một lộ hoặc vài lộ. Nó khớp với thời Phùng Tá Chu có đơn vị hành chính “lộ”. Tương đương với thời Phùng Tá Chu, ở Trung Hoa và phương Bắc có các triều đại Tống và Nguyên. Nhà Tống lập Chiêu thảo sứ ty (gọi tắt là Chiêu thảo ty) mà quan làm chủ ở đấy là Chiêu thảo sứ. Chức trách thống binh một khu vực (1 lộ hay vài lộ), có tính chất như Tuyên phủ sứ (tuyên bố, vỗ về) nhưng địa vị thấp hơn một chút. Thời Nguyên lại chú ý nhiều hơn khi lập Chiêu thảo sứ ở vùng dân tộc ít người, trật chánh tam phẩm. Còn ở nước ta, các đời Lý, Trần, chức Chiêu thảo sứ chưa có tài liệu nào nói phẩm trật ra sao. Chỉ biết sau đó, ở thời Lê (Bảo Thái) Chiêu thảo sứ được trật chánh ngũ phẩm. Phải chăng thời Lý Trần phẩm trật Chiêu thảo sứ dao động từ tam phẩm đến ngũ phẩm. Nhiều chức tước khác của Phùng Tá Chu ở thời ông tài liệu thiếu sót, không rõ ràng, ta cũng chỉ có thể so sánh theo lịch đại, đông đại mà suy ra như thế thôi.
Theo Đại Việt sử lược: Năm Đinh Sửu (1217) Phùng Tá Chu, Lại Linh đều làm Quan Nội hầu. Năm Giáp Ngọ (1234), Trần Thái tông gia phong Thái phó triều Lý làm Hưng Nhân Vương tước Quan Nội hậu. Theo quan chế nhà Trần, thân vương vào làm tướng trong nội đình thì thêm tước Quan Nội hầu. Phùng Tá Chu tuy không phải là người họ Trần nhưng thân thiết, rất được tín nhiệm nên được phong tước này, càng về sau, càng mở ra với những người không phải thân vương mà có công như Phạm Kính Ân, bạn đồng liêu đồng triều thân thiết với Phùng Tá Chu và Đỗ Hành thời sau ông có công trong chống Nguyên Mông. Phùng Tá Chu được phong là nằm trong xu thế ấy.
Ở Trung Hoa, tước này có từ đời Xuân Thu mà khởi đầu từ nước Tề. Thời Tam quốc, Quan Nội hầu dưới Đình hầu trên Danh Hiệu hầu, không được ăn tô thuế. Thời Nam Tống, tương đương với Lý Trần nước ta, cũng theo như thời Tam quốc. Hẳn Lý Trần cũng không ra ngoài cái hướng ấy.
Đại Việt sử lược ghi rõ: Năm Giáp Thân (1224)… lấy Phùng Tá Chu làm Nội thị phán thủ. Theo quan chức Trung Quốc đầu nhà Tùy và đầu nhà Đường, chức quan Nội thị là Trưởng quan Nội thị sảnh. Tương đương với Lý Trần, thời Tống lấy Nội thị làm danh chức của hoạn quan ở Nội thị sảnh, gọi chung hoạn quan là Nội thị. Trần Thừa, Thái tổ nhà Trần từng làm Nội thị phán thủ mà vẫn có con trong, con ngoài. Thái tông Trần Cảnh là con ông. Vậy, Nội thị đâu cứ phải là quan thị. Thời Trần có đặt Nội thị sảnh. Có các quan Nội thị thiên chương, các học sĩ giữ việc hầu trong nội và tuyên phong chế lệnh. Còn “phán thủ” là phán xét giữ gìn. Có quan chức chỉ được phong chức với hai chữ “phán thủ”, không gắn với “Nội thị” như ở thời Trần, chống Nguyên Mông, Trần Khánh Dư đã từ tước hầu tăng lên tới tử phục Thượng vị hầu, còn quyền chức “phán thủ”. Theo “Từ điển quan chức”: Phán thủ là chức trưởng của một cơ quan Nội thị phán thủ là Trưởng quan của Nội thị…
Đại Việt sử ký toàn thư và Đại Việt sử ký tiền biên còn như tới chức Thái phó triều Lý của Phùng Tá Chu (sau sẽ bàn Thái phó) chức phẩm cao nhất của ông dưới thời Lý Huệ tông. Vậy sau này, ông làm quan triều Trần người ta vẫn nhắc lại ông là Thái phó triều Lý hay Thái phó hai triều. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: Vào năm Bính Tuất (1226) triều đình cử phụ quốc Thái úy Phùng Tá Chu quyền tri châu Nghệ An, được quyền cho người tước phẩm từ Xá nhân trở xuống rồi sau mới tâu lên. “Từ điển quan chức” cho biết: Phụ quốc thái úy là chức quan cao nhất ở thời Lý (như Tể tướng). Ở thời này, thường gia thêm “kiểm hiệu, bình chương quân quốc trọng sự” (đặt ra ở thời Lý Thái tông). Vào thời Trần, không đặt hết lại những mỹ từ gia thêm ấy nữa, nhưng vẫn phong chức “Bình chương”. Vậy năm 1226 này, tuy ngai vàng đã lọt vào tay Trần, vẫn chứng tỏ chức “phụ quốc Thái úy” của Phùng Tá Chu là có sẵn từ thời Lý, sử nêu lên ở đây là theo chức cũ (còn lưu dung tạm hay đã thay). Vào thời Lê Thái tổ, chức này vẫn giữ nhưng tới Lê Thánh tôn thì bỏ hẳn. “Thái úy” khác với Phụ quốc Thái úy nhưng cũng có mối liên quan, có thể nêu lên để bạn đọc tham khảo: Theo “sử học bị khảo”. Thời Lý chức Thái úy giữ vệ binh. Nhà Lý cảnh giác với cái họa chủ vương đời tiền Lê và cái vạ đã thể hiện ở loạn ba vương khi Lý Thái tổ mới mất mà không phong phiên vương nên quyền chính trong ngoài vào tay Thái úy cả. Thái úy trong giúp việc cơ mật, ngoài coi việc quân cơ. Đến nay vẫn chưa biết Thái úy hay phụ quốc Thái úy đời Lý Trần theo hàm trật nào, có thể tham khảo quan chế đời Lê mà suy ra: Quan chế đó đời Hồng Đức Thái úy trật chánh nhất phẩm, quan chế đời Bảo Thái cũng theo như thế.
Về chức Tri châu: Trưởng quan của châu vốn là thứ sử. Gần với nhà Lý, có nhà Tống ở Trung Quốc. Tống Thái tông giải quyết vấn đề đó bằng cách phái triều thần đến châu, lâm thời xử lý công việc, gọi là “quyền tri mỗ quận châu sự” gọi tắt là “tri châu”. Về sau Thứ sử trở thành hàm mà Tri châu trở thành trưởng quan của châu, nắm giữ mọi việc của Châu. Tri châu địa hạt nhỏ nhưng càng ở xa triều đình, nhất là ở những vùng biên thì càng phải chú trọng, nhiều khi phải dựa vào cấp trên, phái soái thần tới trọng nhậm như trường hợp đầu nhà Trần phái Phùng Tá Chu tới làm Tri châu Nghệ An. Theo như trước đây vào năm Canh Thìn (1040), Lý Thái tông cho Uy Minh hầu Lý Nhật Quang làm Tri châu Nghệ An. Theo “Từ điển quan chức”: Tri châu có trật từ Chánh lục phẩm đến chánh ngũ phẩm.
Tá chức Xá nhân theo “Từ điển quan chức”: Tá vốn là chức lại viên bắt đầu đặt ở quận đời Hán, đặt ở huyện đời Đường. Sách “Chu lễ địa quan” cho biết: chức Xá nhân coi việc sử dụng thóc gạo của vương cung. Thời chiến quốc, xá nhân nghĩa như thực khách thân cận. Sang thời Tùy, Đường người lấy chức khác để mang thêm hai chữ Xá nhân như “Tá chức Xá nhân” trên đã nêu. Theo “Sử học bi khảo” thi xá nhân giữ việc chế cáo. Không rõ đời Lý - Trần, Xá nhân trật hàm nào, chỉ biết đời Lê Bảo Thái: Trung thư giám xá nhân trật chánh lục phẩm hẳn tá chức xá nhân các đời Lý Trần cũng trên dưới không xa lục phẩm hay chính là lục phẩm?
Đại Việt sử ký toàn thư ghi: Năm Giáp Ngọ (1234)… gia phong Thái phó triều Lý là Phùng Tá Chu làm Hưng Nhân Vương tước Quan Nội hầu do “có công trong việc mở mang lập ấp ở phủ Nghệ An”. Để rõ hơn, có thể suy ra từ Trung Quốc mà nước ta chịu ảnh hưởng: Đời Đông Hán lấy Thái phó đứng đầu trọng thần và cũng đảm nhiệm Tể tướng, cùng với Thái úy, Tư đồ, Tư không, Đại tướng quân gọi chung là ngũ phủ (nếu không tính Đại tướng quân thì gọi là tứ phủ) thường dùng người cao tuổi, có đức vào chức đó. Từ thời Tấn về sau các triều đại đều lập Thái phó, cùng với Thái sư, Thái bảo gọi là Tam công, thường là gia hàm của các quan cao, không thực chức. Theo “Sử học bị khảo”, chức Thái phó đời Lý giữ vệ binh. Thời Trần, tháng 2 năm Bính Thân (1236), Trần Thái tông định quan hàm: Thái phó kiêm hàm Kiểm hiệu đặc tiến nghi đồng tam ty bình chương sự. Về phẩm trật Thái phó đời Lý - Trần chưa rõ. Có thể lấy các đời Lê, Nguyễn tham khảo suy ra: Năm 1471, Lê Thánh Tông sửa định Hoàng triều quan chế, cho Thái phó trật chánh nhất phẩm Quan chế đời Lê Bảo Thái cũng theo thế. Năm Gia Long thứ 3 (1804) Thái phó thuộc bậc trên là chánh nhất phẩm. Quan chế đời Minh Mệnh không có.
Về tước Hưng Nhân vương: Vương thường là xưng hiệu của vua chúa, người cai trị quốc gia. Khi người cai trị cao nhất quốc gia xưng là đế thì Vương là tước phong của con, Vương cũng là tước phong cho người trong hoàng tộc có công lao lớn như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải… Song Vương cũng nhiều khi phong cho người ngoài hoàng tộc gồm: 1/ Phong để khống chế, hạn chế mầm loạn, để tranh thủ như trường hợp phong cho Nguyễn Nộn làm Hoài Đạo Hiến Vũ Vương. Trường hợp này tước phong là phong cho tản quan, không thực chức. 2/ Phong vì người ngoài hoàng tộc đó có quá nhiều công lao hay quá thân thiết với vương triều. Đó là trường hợp của Phùng Tá Chu. Người được phong có thể lấy tên đơn vị hành chính mình đang sống, hay quê hương gốc thêm hiệu vào tước vương. Phùng Tá Chu là người ở huyện Hưng Nhân (tỉnh Thái Bình, nay là thị trấn Hưng Nhân) nên mới có tước Hưng Nhân Vương. Quan chế Lý, Trần đến nay chưa biết đủ. Nhưng chắc chắn đây là tước vị cực cao trong chế độ phong kiến, trên công, hầu, bá, tử, nam.
Tiếp theo: Cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư và Đại Việt sử ký tục biên: “Năm Ất Mùi (1235) gia phong Hưng Nhân Vương Phùng Tá Chu làm Đại Vương, ban mũ áo Đại Vương”. Theo “Từ điển quan chức”: “Khi nhiều người được phong tước vương, thì lại đặt ra tước cao nhất là Đại Vương để phong cho người trội nhất”. Đó là trường hợp của Phùng Tá Chu và trường hợp của Trần Quốc Tuấn sau này khi Tổng chỉ huy toàn quân chống Nguyên Mông toàn thắng được phong làm Hưng Đạo Đại Vương. Đại Vương thường chỉ phong cho những bậc nhiều huân công đã mất. Phùng Tá Chu và Trần Hưng Đạo được phong khi còn sống là những trường hợp đặc biệt.
Mấy năm sau, theo Đại Việt sử ký toàn thư và Đại Việt sử ký tục biên vào “Năm Kỷ Hợi (1239) tháng Giêng, nhà vua lại cho Phùng Tá Chu chức Nhập nội Thái phó, sai về hương Tức Mặc dựng cung điện, nhà cửa” và năm sau cũng tháng Giêng “dựng 5 sở hành cung ở phủ Thanh Hóa”.
“Nhập nội” tức là vào bên trong, là tay trong thân tín của nhà vua. Có như vậy vua, Thái thượng hoàng (cha vua) mới tin tưởng sai làm những việc phục vụ cho chính bản thân các vị như dựng cung điện, nhà cửa, làm hành cung (cung khi nhà vua ra ngoài kinh đô, vi hành - hành là đi - phải có cung điện với đủ mọi tiện nghi trên đường vua qua). Công việc ấy, rất phù hợp với Thái phó là những quan chức cao tuổi, đức độ như trên đã nói. Điều này, đã thực hiện ở nhà Lý, nhà Trần nhưng đến nhà Lê (Hậu Lê) mới ghi rõ thành văn bản là: những đại thần thân tín đều thêm chữ “Nhập nội”. Chức “Nhập nội Thái phó” chỉ trao cho các thân thuộc hoặc công thần có công.
Tóm lại, con đường hoạn lộ của Phùng Tá Chu khá hanh thông. Khoảng 28 năm từ Nội điện trực, ông đã vươn tới Nhập nội “Thái phó”, tiến tới tước “Đại Vương”, những chức tước cực cao của triều đại. Đời sau xác định Nhập nội Thái phó ở bậc chánh nhất phẩm, bậc thức nhất trong 9 bậc phẩm trật phong cho các quan thời đó. Ông đúng là Thái phó trung thành ở cả hai triều Lý, Trần. Ở hai triều đó, chức phẩm của ông đều vươn tới cực cao. Đấy là trường hợp hiếm có trong lịch sử quan chức Việt Nam. Còn tước thì tước “Đại Vương” được phong khi còn sống, có thể sánh với Đức Thánh Trần. Đó cũng là trường hợp không nhiều. Trường hợp đặc sắc được mọi thời đại ghi nhân. Và đó cũng là những minh chứng hùng hồn để khẳng định rằng: Cuộc đời liêm khiết, trong sáng và tài đức vẹn toàn của Phùng Tá Chu ở cả hai triều Lý Trần.
Ngày 25/10/2016