(Thứ tư, 30/11/2016, 08:21 GMT+7)

Tiếp tục các chương trình hoạt động hướng tới Hội thảo "PHÙNG TÁ CHU - THÂN THẾ CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP" diễn ra vào ngày 10/12/2016, Ban liên lạc họ Phùng Việt Nam trân trọng giới thiệu đến các độc giả cũng như con cháu họ Phùng trên toàn quốc tham luận "ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN VỀ KẺ SĨ PHÙNG TÁ CHU" của Giáo sư Phạm Quang Long:


THAM LUẬN HỘI THẢO KHOA HỌC
PHÙNG TÁ CHU - THÂN THẾ - CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP

 

ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN VỀ KẺ SĨ PHÙNG TÁ CHU
                                                                      

Giáo sư Phạm Quang Long
 

1.Do những điều kiện chiến tranh, loạn lạc, thời gian…những sử liệu về dòng họ Phùng ở Thái Bình và cha con Phùng Tá Thang, Phùng Tá Chu còn rất ít. Những sử liệu đó chỉ cho phép chúng ta biết được rất ít về cuộc đời, quan điểm chính trị, thái độ của ông đối với hai triều đại-triều ông nhập thế, hành đạo, phụng sự một thời gian và triều đại ông phụng sự cho đến khi mất, được vinh danh cả lúc đương chức lẫn sau khi đã về giời, trong đó có sự tôn vinh của nhân dân. Nhân dân, bộ lọc giản đơn nhưng đầy sự minh triết và một người nào đó được tôn làm Thành hoàng làng (như dân làng Quảng Bá, quận Tây Hồ  tôn Phùng Tá Chu làm Phúc thần, thờ làm Thành hoàng làng, cùng thờ chung với Bố Cái Đại Vương) là đã được bộ lọc này lựa chọn, tôn vinh. Đó là sự đánh giá lâu dài của nhân dân đối với những người đã có công trạng lớn đối với họ. Chức Hưng Nhân Vương  mà triều Trần ban cho ông là sự ghi nhận của một triều đại. Còn phúc thần của một làng, một vùng lại mang ý nghĩa khác. Về mặt công trạng, chắc chắn sự đánh giá của nhân dân vượt ra ngoài giới hạn của một thời đại.
2.Cả sử chính thống và không chính thống đều có những đánh giá khác nhau về thời đại Phùng Tá Chu sống, nhập thế và hành động. Đó cũng là điều dễ hiểu. Nhưng dù là các sử gia thời phong kiến hay các sử gia bây giờ cũng đều coi thời cuối Lý đầu Trần là một thời đại đầy biến động mà những kẻ sĩ như ông không thể đứng ngoài cuộc, đều phải có những lựa chọn về lẽ xuất sử hành tàng không hề đơn giản. Đối với người này thì lựa chọn “trung thần bất sự nhị quân”, với người khác lại là “tôi ngoan chọn chúa mà thờ”. Cả hai cách lựa chọn đều có lý. Nhưng trong lịch sử các nước phong kiến phương Đông, việc chọn chúa mà thờ không hề đơn giản. Với minh chủ thì sự lựa chọn giản đơn hơn nhiều. Một khi đã ăn lộc của một nhà nào đó mà khi nhận thấy họ không xứng đáng với sự tin cậy của mình thì đối với những trí thức, họ đứng trước sự nghiệt ngã của lựa chọn. Nhập thế, cứu đời nhưng không gặp minh chủ, có thể ôm hận một đời. Tìm một lựa chọn khác thì lại bị những ràng buộc của đạo quân thần ngăn cản. Không ít trí thức đã đành ôm hận để giữ lòng trung theo đạo thánh hiền nhưng cũng không ít người đã lựa chọn con đường đi theo chúa mới để giúp đời và thi thố tài năng. Phùng Tá Chu là một trong những người lựa chọn cách thứ hai. Truyền tụng dân gian ghi lại nhiều công lao của ông cho triều Trần. Những tưởng thưởng của vua Trần cho ông trong công việc cũng ghi nhận điều đó. Là người của tiên triều nhưng Phùng Tá Chu được Trần Thái Tông cử đi trấn thủ Nghệ An (năm 1226), được quyền tự ý ban chức vụ cho những người có công, ban trước rồi báo cáo sau. Thiết nghĩ, vua Trần Thái Tông là một vị vua anh minh. Nếu Phùng Tá Chu không có được những phẩm chất tin cậy thì sao có thể được tin cậy nhường ấy. Bảy năm sau sự kiện này, ông được phong Hưng Nhân Vương. Mười ba năm sau (1239) ông nhập nội, giữ chức Thái phó, trông coi việc xây dựng cung điện- toàn là những việc vua chỉ giao cho những thủ túc của mình. Chính sử chép việc ông có công trong khi cùng Trần Thủ Độ thiết kế việc chuyển giao quyền lực từ triều Lý sang triều Trần một cách êm thấm như sau: “Các quan bấy giờ không ai nghĩ đến xã tắc, để cho Phùng Tá Chu viện dẫn Lữ Hậu và Vũ Hậu làm cớ mà thành ra việc Chiêu Hoàng nhường ngôi cho họ Trần, thế là người có tội với họ Lý” (Đại Việt sử kỳ toàn thư, Bản kỷ, quyển IV, tr. 308). Trong đoạn chép ngắn ngủi này, dường như sử thần Ngô Sĩ Liên có ý trách Phùng Tá Chu lợi dụng việc triều chính rối ren, ít người lo chuyện nước nhà nên đã khéo lung lạc quần thần, đem sử cũ mà mê hoặc họ để triều Lý chấm dứt, tạo điều kiện cho họ Trần thoán đoạt quyền bính, thành “người có tội với họ Lý”. Ở đây, cần chú ý đến điều này: theo hệ tư tưởng Nho giáo, nước là của một dòng họ, người khác dù bằng cách nào đó giành quyền cai trị cũng là chuyện không chính đạo, ai giúp rập cho việc đó cũng là không chính đáng, nhất là với kẻ sĩ. Cần phải nhìn nhận vấn đề theo một nhãn quan khác, từ góc nhìn về dân tộc, đất nước, từ chủ nghĩa yêu nước của dân tộc và lựa chọn của kẻ sĩ. Trong lịch sử đất nước, vào những giai đoạn khó khăn, mang tính bước ngoặt của đất nước, nhất là trước họa ngoại xâm hoặc nội chiến gây cảnh nồi da xáo thịt, những trí thức lướn đồng thời cũng là những nhà yêu nước lớn thường có những cách xử sự khác với thói thường. Khi người đứng đầu đất nước không còn giữ được vị trí của minh quân, không còn năng lực điều hành đất nước nữa thì họ (thường là một nhóm người chịu trách nhiệm trước đất nước) thường nghĩ cách thay đổi người đứng đầu, thay đổi triều đại để lo gánh trách nhiệm trước đất nước chứ đó không thuần túy chỉ là một cuộc cướp ngôi, một sự tranh giành quyền lợi. Trường hợp từ nhà Lý sang nhà Trần, từ nhà Trần sang nhà Hồ là những trường hợp như vậy. Tất nhiên, việc “chuyển giao” này không hề đơn giản nên những hệ lụy kèm theo nó là không nhỏ. Có không ít máu đổ, không ít tan nát của người này, người kia. Ở những bước ngoặt ấy, đội ngũ trí thức cũng đã phải lựa chọn như vậy. Phùng Tá Chu thuộc thế hệ ban đầu. Nguyễn Trãi thuộc thế hệ sau. Và những người thuộc các thế hệ sau Nguyễn Thiếp, Ngô Thì Nhậm, Bùi Dương Lịch…, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du…rồi những Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Phạm Khắc Hòe…cũng là những người đã phải trải qua những lựa chọn nghiệt ngã ấy. Kể ra không ít những trường hợp như vậy để thấy rằng, những con người ấy luôn phải lựa chọn những quyết định để vượt lên chính mình, không bị những câu nệ liên quan đến cá nhân mình mà do dự. Họ lựa chọn vì trách nhiệm của kẻ sĩ trước thời cuộc. Không ít người đã phải chịu bao búa rìu của dương thời nhưng họ vẫn lựa chọn cách ứng xử này với một tâm nguyện “lịch sử sẽ trả lại sự trong sạch cho ta”. Và hôm nay chúng ta làm công việc này cũng là góp phần soi sáng những khúc quanh, góc khuất của lịch sử.
GS Phan Ngọc trong công trình Bản sắc văn hóa Việt Nam đã dành hẳn một chương phân tích rất hay về việc Việt hóa các tư tưởng Nho giáo của các trí thức phong kiến. Theo ông thì các trí thức Nho giáo Việt Nam học và tiếp thu cái cốt lõi của Nho giáo Trung Quốc, từ thời cổ đại qua các triều Tống, Minh, Thanh nhưng lại lựa chọn cái gì có ích cho quốc gia, đại sự chứ không câu nệ những cái tiểu tiết. Và tư tưởng xuyên suốt quá trình học tập, vận dụng ấy là Việt hóa Nho giáo Trung Quốc, cải biến nó cho phù hợp với tâm thức của dân tộc mình, hạn chế những nhược điểm của hệ tư tưởng ấy, khai thác tối đa yếu tố tích cực của nó. Cũng là chữ Trung, nhưng Trung trong tâm thức của kẻ sĩ Việt Nam không bó hẹp trung với một dòng họ, một triều đại, một vị chúa nào nuôi mình thì mình thờ phụng và chết cho người ấy mà thành ngu trung; cũng là Hiếu nhưng không phải chỉ là hiếu với người đã sinh ra và dưỡng dục mình và để giữ chữ Hiếu có thể hy sinh cả những điều lớn lao hơn. Sĩ phu Việt Nam coi Hiếu với cha mẹ chỉ là tiểu hiếu so với cái đại hiếu được dành cho đất nước, dân tộc. Rõ ràng cái hiếu đễ vốn chỉ là một khái niệm mang yếu tố tình cảm, gắn với người đã sinh thành và dưỡng dục mình nhưng giới Nho sĩ Việt Nam đã làm cho khái niệm ấy mang tính nhận thức về nghĩa vụ và trách nhiệm với những thứ còn lớn hơn quan hệ riêng tư, gia đình. Nó gắn với trách nhiệm xã hội, với dân với nước. Thế nên mới có chuyện Dương Vân Nga truyền ngôi cho Lê Hoàn, Trần Quốc Tuấn không nghe lời trăng trối của cha mà cướp ngôi, Nguyễn Trãi để cho em theo cha sống kiếp lưu đầy còn mình nghe lời cha tìm theo Lê Lợi trả thù nhà đền nợ nước. Có lẽ Phùng Tá Chu cũng giống như các kẻ sĩ đã thức thời, thuộc lứa đầu tiên không để chữ trung, chữ hiếu làm mê lạc, lầm lẫn. Ông hướng về cái lớn lao hơn: kẻ sĩ tự mình nhận thức thời cuộc, quyết định cách hành xử và tự chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình. Đây là một thái độ dũng cảm, một tinh thần xả thân của kẻ sĩ, không giữ mình để thành ngu trung hay ít nhất cũng là giữ yên phận còn mặc giang sơn, nhân quần trong thời loạn lạc. Đây là một thái độ tích cực của kẻ sĩ, của người trí thức chân chính.
3.Thời đại Phùng Tá Chu sống có nhiều biến động. Ông chắc chắn đã học điệu nhiều điều từ người cha Phùng Tá Thang, người được triều Lý sùng Phật bậc nhất các vương triều phong kiến Việt Nam, phong chức Tả nhai-bậc cao nhất của Tăng đạo (dù chức này được phong sau khi Phùng Tá Chu đã mất). Đại việt sử ký toàn thư viết: “ Tả nhai là phẩm cao nhất trong ngạch tăng đạo, không phải người thông thạo về tôn giáo thì không được dự càn”. Các tăng lữ thời Lỹ giữ một vị trí đặc biệt trong xã hội và các chức sắc cao cấp của Phật giáo không chỉ là những người tinh thông Phật pháp mà thực sự họ là những trí thức lớn của thời đại, có ảnh hưởng nhiều đến chính sự. Chắc chắn những biến động của thời cuộc không thể không ảnh hưởng đến nhãn quan của ông và quan điểm của Phùng Tá Chu cũng khó có thể không chịu sự dẫn dắt, khai mở từ người cha của mình. Đối với trí thức, những tín điều của Thánh hiền hết sức quan trọng hình thành nên nhân cách của họ nhưng những tác độngcủa thực tiễn lại là nơi kiểm nghiệm độ xác tín của lý thuyết, giúp họ lựa chọn thái độ nhập thế hay ẩn tàng của mình. Triều chính hỗn loạn, nạn lụt, nạn đói diễn ra liên miên, vua không còn giữ vai trò của minh quân, đạo quân thần có nhiều điều cần phải được xem xét lại, kẻ sĩ không thể khư khư ôm mối cô trung, giữ mình ngoài vòng xoáy thời cuộc, chờ thời mà thái độ tích cực nhất là nhập thế, tìm người tài, tìm cơ hội để đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng, tìm lối thoát không phải cho riêng mình mà cho đất nước, dân tộc. Sử chép Lý Cao Tông là một vị vua kém cỏi nhưng lại rất sành chuyện ăn chơi, xây dựng đền đài, cung điện hoang phí. Trong 35 năm trị vì, xảy ra ba nạn đói vào các năm Tân Sửu ( 1181), Kỉ Mùi ( 1199), Mậu Thân ( 1208), năm nào cũng có chuyện “dân chết đói gần một nửa” , “đói to. Xác người chết gối lên nhau” v.v…Nhìn vào chính sự thì nạn tham quan, ăn hối lộ đã làm nghiêng ngả triều chính, kỉ cương. Vuacho phép khi xử kiện các vụ tranh chấp tài sản, người nào đút lót nhiều hơn thì người ấy thắng kiện; thậm chí nếu hai người có nhiều tài sản thì sau khi đã ăn hối lộ đủ rồi, sẽ tịch thu tài sản của cả bên bị và bên nguyên, nhập kho nhà vua. Các phe phái Phạm Bỉnh Di, Quách Bốc, Đoàn Thượng, Nguyễn Nộn hùng cứ từng vùng, bất tuân thượng lệnh. Trong triều, Trần Thủ Độ là người không chỉ nắm hết quyền lực mà còn là người đảm lược, tuy học hành ít nhưng có trí lược, hơn người, có khả năng nhất định yên thiên hạ. Phùng Tá Chu đã lựa chọn thái độ đi về phía Trần Thủ Độ, giống như Tô Trung Từ, không phải vì quyền lợi thân tộc mà ông nhận thấy đó là con đường duy nhất khả dĩ định yên thiên hạ, đêm lại thái bình và ông đã đi trước thời đại, đã vượt lên trên những thói thường của người đời. Bản lĩnh kẻ sĩ là ở đó và trách nhiệm với đời của kẻ sĩ cũng là ở đó.
4. Làm quan với nhà Trần, ông vừa được tin cậy (bằng chứng là được giao những trọng trách lớn) như một trong những người khai quốc công thần của triều đại mới, vừa được đánh giá là người đảm lược, có con mắt nhìn xa trông rộng. Chả thế mà Trần Thái Tông vừa cử ông đi trấn thủ Nghệ An lại cho ông quyền lựa chọn người làm việc, phong cho họ tước vị rồi mới phải tấu nhà vua sau. Không có sự tin cậy tuyệt đối cả về năng lực và nhân cách, một triều đại mới dựng khó có thể giao cho một đại thần của triều cũ những ân sủng lớn như vậy. Rồi sau đó được phong tước Hưng Nhân Vương, nhập nội Thái phó trong khoảng thời gian chỉ hơn chục năm. Đúng là Phùng Tá Chu đã gặp được minh chúa và phẩm chất lương thần, rường cột của người kẻ sĩ ấy đã được tin cậy. Ông đã được triều đại mới đặt đúng chỗ và ông đã phát huy được những phẩm chất của một hiền tài trong một thời kỳ lịch sử có nhiều biến động ấy.
     Phùng Tá Chu sống xa chúng ta gần mười thế kỷ. Nhưng con người ông, thái độ nhập thế đầy trách nhiệm xã hội của ông rất gần chúng ta. Bản lĩnh một kẻ sĩ, lẽ xuất xử của một trí thức đầy bản lĩnh trước thời cuộc ở ông có nhiều điều để chúng ta suy ngẫm và noi theo.
 

                                                                   Tháng 11 năm 2016