(Thứ tư, 21/10/2020, 09:59 GMT+7)

THAM LUÂN HỘI THẢOKHOA HỌC
THƯỢNG TƯỚNG PHÙNG THẾ TÀI -
THÂN THẾ, CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP

 
 

NGƯỜI CẬN VỆ CỦA BÁC HỒ
 

Nhà văn Nguyễn Hùng Sơn

 
Thượng tướng Phùng Thế Tài (1920-2014)
Nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không Quân
Nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam


Trong bài tham luận này tôi xin đề cập đến ba nội dung chính:
- Phùng Thế Tài trọn một đời đi theo Bác.
- Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không.
- Phùng Thế Tài, vị tướng làm rạng danh thêm cho họ Phùng Việt Nam. 
*/ PHÙNG THẾ TÀI TRỌN ĐỜI THEO BÁC: “Trọn một đời đi theo Bác” là tên gọi của cuốn hồi ký về cuộc đời hoạt động cách mạng của Thượng tướng Phùng Thế Tài do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành năm 2002. Cùng với việc kể lại cuộc đời mình theo Bác Hồ theo Đảng tham gia kháng chiến, được Bác và Đảng và quân đội giáo dục rèn luyện mà trưởng thành một vị tướng có những cống hiến cho cách mạng, ông còn kể lại nhiều câu chuyện cảm động và bài học sâu sắc ông học được ở Bác.
Từ một đứa trẻ lang thang, đầu năm 1933, khi mới 13 tuổi, Phùng Văn Thụ đã phải rời bỏ quê nhà Văn Nhân, Phú Xuyên, Hà Nội sang Vân Nam - Trung Quốc làm thuê kiếm sống. Trong một lần đang ngủ tại ghế đá ở công viên thì có người hỏi: “Em từ đâu đến mà nằm ngủ ở đây? Trời giá lạnh thế sao không tìm chổ ấm hơn?”  Một câu hỏi thể hiện sự quan tâm, hơn nữa lại là tiếng Việt, lâu lắm mới được nghe nên Thụ mừng lắm. Cậu kể cho người vừa hỏi về tình cảnh của mình, sau khi rời quê nhà sang đây cậu làm thuê cho một nhà giàu ở thị trấn Chi Thôn, Vân Nam. Công việc vất vả đã đành lại còn bị những đứa con nhà giàu ức hiếp nên đã bỏ đi. Sau mấy ngày lang thang chưa kiếm được việc làm. Thật may mắn cho Phùng Văn Thụ, người nói tiếng Việt Nam đầu tiên, người quan tâm đến cậu đầu tiên là đồng chí Vũ Anh (Bí danh là Trịnh Đông Hải) là một cán bộ của Việt Minh hoạt động ở Vân Nam. Đồng chí Vũ Anh đã đưa Phùng Văn Thụ về cơ sở sản xuất dầu cù là Nhị Thiên Đường. Từ đây cậu bé có việc làm, có chỗ nghỉ ngơi. Sau đó được đồng chí Vũ Anh giác ngộ đưa vào tham gia hoạt động cách mạng. Được huấn luyện võ thuật và một số kỹ thuật nghiệp vụ chuyên môn khác. Năm 1940, Phùng Văn Thụ được đồng chí Vũ Anh giao nhiệm vụ bảo vệ ông Trần (Bí danh của Bác Hồ) đi công cán. Do nguyên tắc bí mật nên Thụ không được biết tên thật của Bác nhưng cậu  cũng biết đây là một người rất quan trọng mà mình phải có trách nhiệm bảo vệ. Sau tết Nguyên đán năm 1941, Phùng Văn Thụ được giao nhiệm vụ đi cùng Bác đến cột mốc 108, gần biên giới rồi Bác về nước, anh ở lại tiếp tục công việc theo sự phân công của đồng chí Vũ Anh. Rồi được cử đi học khoa Tình báo trường Quân sự Hoàng Phố của quân Tưởng. Sau khóa học được phong cấp Thiếu hiệu (Thiếu tá) cùng với giấy tờ đặc biệt được đi lại trong toàn quốc. Giấy tờ cùng chức vụ công tác đã trở thành “Bảo bối” để ông hoạt động. Kể cả việc bảo vệ Bác sau này.
Đầu năm 1942 ông được giao nhiệm vụ  vận chuyển vũ khí về nước. Sau đó được ở lại Pác Bó bảo vệ Ké Thu (Bí danh của Bác Hồ) cùng tổ bảo vệ Bác còn có Phùng Chí Kiên, Dương Đại Lâm và mấy đồng chí nữa. Năm 1944, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lấy tên là Hồ Chí Minh, quyết định sang Trung Quốc gặp đại diện đồng minh để tranh thủ sự giúp đỡ. “Lần ấy chỉ một mình tôi đi bảo vệ Bác. Bác mặc bộ đồ dạ sĩ quan Tưởng, tôi cũng vậy. Trông oai lắm. Người ngoài chỉ biết là một lính trẻ và một lính già chứ không biết một lãnh tụ và một cận vệ. Đến Tĩnh Tây , Bác vào làm việc với Trung tướng Trần Bảo Xương tại tổng hành dinh. Hôm sau hai Bác cháu ra xem xét tình hình bên ngoài thì Bác quên mũ nên tôi quay về lấy. Chợt nghe đích thân Trần BảoXương đang trao đổi với thuộc hạ kế hoạch bắt giữ Hồ Chí Minh. Tôi lo quá. Ra gặp Bác tôi vừa kể vừa run. Vậy mà Bác vẫn bình tĩnh không chút biểu hiện lo sợ như tôi. Tôi lo là lo cho sức khỏe của Bác. Mới năm 1942 Bác đã bị bọn Tưởng bắt, phải qua mấy nhà lao, sức khỏe giảm sút nhiều nay mà bị bắt thì còn giảm sút nữa. Bác bảo tôi cứ bình tĩnh, chúng ta sẽ ra khỏi cổng và về nước luôn. Nhưng làm sao ra khỏi cổng sắt của chúng? Bác nói ta ra người không, có mang theo đồ đạc đâu mà lo. Quả thật chúng cho hai người ra cổng mà không hỏi han gì. Qua sự việc này tôi học được ở Bác sự bình tĩnh để biến nguy thành an.” (Trích hồi ký của Phùng Thế Tài).
Sau đó một thời gian, ông lại được giao nhiệm vụ tháp tùng Bác sang Côn Minh gặp tướng Mỹ để bàn kế hoạch trao tên phi công Mỹ bị Nhật bắn rơi, phi công lọt vào tay du kích Việt Minh ở núi rừng Việt Bắc. Lo Bác đi đường mệt nên ông đã vào mượn dân bản hai con ngựa. Bác hỏi:  “Sao chú cứ hay làm phiền nhiễu dân thế? Chú mượn thì chú đi” Thế là phải trả ngựa cho dân. Cùng với ý thức không làm phiền hà dân, thì cái gì có lợi cho dân là Bác luôn quan tâm. Có lần trời mới hửng sáng nhìn vào giường không thấy Bác, ông vội  đi tìm thì thấy Bác đang cố sức vần cái chum. Phùng Thế Tài vội chạy lại giúp Bác dựng cái chum ngay ngắn bên bờ suối. Xong việc, Phùng Thế Tài nói cái chum nặng lắm, lần sau Bác mà làm thế là lăn tòm xuống suối đấy. Bác cười rồi nói, cái chum của đồng bào đổ nghiêng bên bờ suối mình ở gần thấy đó mà không dựng lên đồng bào sẽ trách mình không quan tâm. Câu nói của Bác khiến mọi người ân hận. Cái chum đổ nghiêng đã mấy hôm nhiều người thấy đó mà không ai nghĩ được như Bác.


Người cận vệ của Bác Hồ

Có lần trên đường công tác ghé vào một tiệm ăn, Phùng Thế Tài gọi hai đĩa thức ăn, một bát canh, một tô cơm. Bác phê bình ăn thế này là hoang quá. Anh em còn bữa đói bữa no. Thấy đôi dép rơm của Bác đã cũ mòn Phùng Thế Tài đề nghị mua giày bác đi cho ấm chân. Bác bảo dép rơm còn đi được, hôm nào hỏng sẽ mua, nhưng mua dép rơm không mua giày tốn tiền. Không chỉ giáo dục, nhắc nhở  mọi người tiết kiệm, Bác còn khuyến khích anh em cận vệ cùng mọi người ở cơ quan tích cực học tập để không ngừng tiến bộ. Kể cả việc làm thơ, làm câu đối Bác cũng chia sẻ hướng dẫn và thách đố để tạo cho anh em sự hưng phấn đam mê. Có lần đang cùng Bác trồng khoai môn bên bờ suối, Bác nói: Này chú Tài, để thư giãn chú đối câu này xem nhé:Trồng môn trước cửa. Sau một lúc lúng túng rồi Phùng Thế Tài cũng đọc vế đối:Bắt ốc sau nhà… Nghe vậy Bác cười và gật đầu khen: “Thế là chú Tài nhanh trí đấy. Câu đối được đấy. Môn là khoai môn nhưng môn cũng là cửa. Còn bắt ốc sau nhà ốc là con ốc nhưng ốc cũng là nhà…”.
Cũng như nhiều đồng chí khác, ông được Bác Hồ đặt tên là Phùng Hữu Tài thay tên Phùng Văn Thụ. Ông rất thích nhưng sau đó nghe anh em nói hữu tài thì hay tự kiêu, tự phụ nên xin đổi Hữu Tài thành Thế Tài. Bác đã đồng ý.  Nhân thể Bác nói luôn, cách mạng sẽ sẽ lớn mạnh, quân đội cách mạng sẽ ra đời và sẽ phát triển để bảo vệ Tổ Quốc. Biết đâu chú sẽ được cử làm tướng tham gia chỉ huy quân đội. Phàm là tướng thì trí tuệ phải làu làu, minh mẫn, nhạy bén, linh hoạt để ứng phó mau lẹ với mọi tình huống. Cho nên làm tướng cũng phải học từ những việc nhỏ, việc thực tế. Đúng như dự đoán của Bác, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập ngày 22-12-1944. Một năm sau đó Phùng Thế Tài được giao làm cán bộ quân sự trong ủy ban khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Thất Khê, Cao Bằng. Từ đó ông gắn  bó với quân ngũ cho đến năm 1967 khi đang là Đại tá, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, ông được bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam. Năm 1974 ông được vinh thăng quân hàm Thiếu tướng.
 
*/ CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG
Không chỉ luôn gắn bó gần gũi Bác khi làm cận vệ, bảo vệ Bác  mà khi làm Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân và Tổng Tham mưu phó, tướng Phùng Thế Tài cũng có nhiều cơ hội gần gũi được Bác dạy bảo nhiều điều. 
Từ năm 1962 khi giao nhiệm vụ cho Phùng Thế Tài làm Tư lệnh Quân chủng PKKQ, Bác hỏi: “Bây giờ chú là Tư lệnh Phòng không vậy chú đã biết gì về B52 chưa? Nói thế thôi, bây giờ biết thì chú cũng chưa làm được gì nó. Nó bay cao trên 10 cây số mà trong tay chú chỉ có cao xạ thôi. Nhưng ngay từ bây giờ chú phải theo dõi nó chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại máy bay này”. Sau đó Bác còn nhiều lần nhắc nhở ông và các các tướng lĩnh quân đội phải sẵn sàng để bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, đặc biệt là máy bay B52.  Bác nói Mỹ đã đưa B52 vào chiến trường miền Nam, sớm hay muộn nó sẽ đưa B52 đánh phá miền Bắc. Tên lửa ta có đủ tầm cao để bắn rơi B52 nhưng đánh thế nào chắc thắng là phải nghiên cứu. Nhiệm vụ này Bác giao cho các chú.
Từ những nhắc nhở căn dặn của Bác, với trách nhiệm đứng đầu Quân chủng Phòng không - Không quân, Phùng Thế Tài luôn để tâm đến việc  xây dựng lực lượng, để tâm đến các loại máy bay của địch. Đặc biệt là Pháo đài bay B52. Cùng với việc làm kế hoạch tăng cường lưới lửa phòng không, nhất là tên lửa Sam 2, Sam 3, Ra đa và đào tạo kỹ sư, kỹ thuật sử dụng tên lửa, ra đa và năng lực lắp ráp sửa chữa vũ khí của các nhà máy thuộc Tổng cục kỹ thuật. Thì việc theo dõi nhất cử nhất động máy bay B52 được đặt lên hàng đầu. Năm 1965 Mỹ sử dụng B52 ném bom ở Bến Cát, Tây Bắc Sài Gòn, Quân chủng Phòng không đã có được những thông tin cần thiết.
Đúng như dự đoán của Bác, tháng 12-1966, Mỹ  đưa máy bay B52 ném bom đèo Mụ Giạ, Quảng Bình. Sau đó chúng mở rộng ra một số trọng điểm ở Quân khu Bốn. Trước tình hình đó Quân chủng đề nghị đưa tên lửa Sam2 vào Khu 4 đánh B52 và được trên chấp thuận. Ngày 17-9-1967 tiểu đoàn tên lửa đánh hai trận, tiêu diệt 2 máy bay B52. Đây là chiến công có ý nghĩa đặc biệt. Khẳng định tên lửa ta có thể quật ngã pháo đài bay. Khi nghe đồng chí Phùng Thế Tài, Phó tổng tham mưu trưởng phụ trách Phòng không, Không quân, báo cáo tên lửa ta bắn rơi 2 chiếc B52 Bác Hồ khen ngợi bộ đội tên lửa đã từng bắn rơi máy bay trinh sát của Mỹ ở độ cao 18km nay lại bắn rơi B52, Bác nói: “Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 đánh Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua. Ta phải dự kiến trước mọi tình huống, càng sớm càng tốt…” Đinh ninh lời căn dặn của Bác, lực lượng Phòng không, Không quân đã sẵn sàng, quân dân Thủ đô luôn sẵn sàng.
Tháng 12 năm 1972, thời tiết giá lạnh nhưng ở Hà Nội nóng lên chẳng khác gì mùa hè 1954 Việt Nam là điểm nóng khiến cả thế giới lo âu nhưng vẫn tràn đầy hy vọng  là Việt Nam chiến thắng. Và Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm cả thế giới khâm phục ngưỡng mộ.  Còn 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972, bầu trời Hà Nội cũng có một Điện Biên Phủ trên không. Đế quốc Mỹ dồn tất cả sức mạnh của không lực Hoa Kỳ với số lượng bom đạn khổng lồ, với hàng với hàng trăm lần chiếc B52, hàng ngàn lần chiếc máy bay phản lực hiện đại bậc nhất của Mỹ, hòng buộc Việt Nam phải khuất phục. Nhưng ngược lại kẻ phải khuất phục chính là nước Mỹ.  81 máy bay bị bắn hạ, trong đó 49 máy bay B52 tan xác, hàng chục phi công bị bắt. Có những ngày đêm, dường như toàn bộ sức mạnh của không lực Hoa Kỳ đã được huy động để đưa Hà Nội “trở về thời đồ đá”. Đêm 18 rạng ngày 19-12-1972, chúng huy động 400 lần máy bay phản lực và 90 lần chiếc B52 ném 6000 quả bom tại 100 địa điểm ở Thủ đô Hà Nội làm 300 người chết. Quân dân ta đã kiên cường đánh trả, bắn rơi 3 máy bay B52 và 5 máy bay phản lực, bắt 7 phi công. Đêm 20-12-1972 ta bắn rơi 7 máy bay B52, trong đó 5 chiếc rơi tại chỗ…
Sau 12 ngày đêm dốc toàn lực không thể khuất phục được đối phương, nước Mỹ buộc phải chấm dứt cuộc không kích, Hà Nội trở thành pháo đài bất khả xâm phạm, trở thành niềm tin và hy vọng của bầu bạn và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Còn nước Mỹ thì rúng động đến tận cùng. Chính quyền Nixon phải ký hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
 
*/ PHÙNG THẾ TÀI LÀM CHO HỌ PHÙNG THÊM RẠNG DANH
Với thắng lợi của chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, lực lượng phòng không, không quân Việt Nam đã đánh bại không lực mạnh nhất thế giới là đế quốc Mỹ. Với thảm bại này, Mỹ buộc phải chấp nhận rút quân khỏi Miền Nam Việt Nam và chúng ta đã tiếp tục giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.
Như vậy là thế hệ Hồ Chí Minh đã tiếp tục làm rạng rỡ thêm truyền thống lịch lịch sử hào hùng 4000 năm của cha ông, đánh thắng mọi kẻ thù, bất kể chúng rất hùng mạnh và tàn bạo đến đâu. Nếu như ngày xưa chúng ta chỉ đánh thắng địch trên bộ hay trên sông, trên biển thì ngày nay chúng ta thắng cả kẻ địch trên bầu trời, ở cả độ cao hàng nghìn m. Điều thú vị là vị tướng chỉ huy cuộc chiến đấu trên bầu trời là Phùng Thế Tài, một người con của họ Phùng Việt Nam. Ông đã làm cho họ Phùng thêm rạng danh. Ông được gần gũi Bác Hồ từ lúc còn nhỏ tuổi, được Bác giác ngộ dìu dắt trưởng thành một vị tướng tài năng “Cả một đời đi theo Bác”. Khi  còn trẻ tuổi ông là cận vệ của Bác, ngày ngày bảo vệ hoặc tháp tùng Bác trong các chuyến công cán. Khi là Tư lệnh quân chủng Phòng không - Không quân ông cũng luôn được Bác căn dặn, nhắc nhở phải chuẩn bị tốt nhất để bắn rơi B52, để thắng đế quốc Mỹ trên bầu trời Hà Nội.
Một điều vinh dự và hạnh phúc mà không vị tướng nào có được như ông là năm 1967, ông đã được Trung ương cử sang Liên Xô và Bun Ga Ri để tham khảo học tập bạn về cách tổ chức lễ tang cho Stalin và Di mi to rop để sẵn sàng lo hậu sự cho Bác. Sau đó tổ chức cho bộ đội cảnh vệ luyện tập khiêng linh cữu Bác trong quá trình lễ tang ở Quảng trường Ba Đình. Vì là việc mật nên chỉ tập vào đêm khuya. Đây thực sự là những đêm đau thắt ruột, thắt gan. Ông thường nói vậy. “Linh cữu” là 200kg cát, thế mà các chiến sĩ phải tập đi, tập lại thật nhẹ, thật êm, thật thăng bằng, sao cho bát nước để trên “linh cữu” không tràn ra giọt nào. Kể cả khi lên xuống bậc tam cấp. Hồi ký của ông có đoạn: “Tôi đứng kiểm tra anh em tập, nhìn chiếc quan tài trên vai các chiến sĩ mà nước mắt cứ trào ra. Vì nghĩ rằng rồi đây trong chiếc quan tài ấy là thi hài Bác, một việc mà tôi không bao giờ muốn sẽ có ngày xảy ra. Thường là 4 giờ sáng anh em tập xong tôi mới lên xe về nhà. Buồn không nói đâu cho hết. Vợ con hỏi đi đâu về, tôi không buồn trả lời. Thực ra là không dám trả lời, vì phải giữ bí mật tuyệt đối.”
Sau lễ truy điệu cử hành trọng thể tại quảng trường Ba Đình ngày mùng 9 tháng 9 năm1969, thi hài Hồ Chủ Tịch được đưa về công trình 75A ở K9-Đá Chông, để chuẩn bị cho việc giữ gìn lâu dài. Trong 6 năm (1969-1975) thi hài của Người di chuyển 6 lần. Từ năm 1975 đến nay, khi Lăng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành không phải di chuyển về K9 - Đá Chông nữa.
Là người thường có mặt ở K9 nên Thượng tướng Phùng Thế Tài có nhiều kỷ niệm xúc động. Một trong những ký ức khó quên đó là sự nhiệt tình tận tụy vì công việc giữ gìn thi hài Bác của giáo sư, viện sĩ Đê Bốp. Ngoài những cán bộ nhân viên người Việt thì chỉ có Đê Bốp là người Nga duy nhất. Vì công việc nên ông phải thường xuyên có mặt tại nơi làm việc. Những người Việt còn có gia đình, bạn bè nhưng ông thì không có ai thân quen. Để đỡ buồn ông mua một vẹt, ngày ngày ông cứ chăm sóc và “chuyện trò” cùng con vẹt. Vậy mà có một lần con vẹt xổng khỏi chuồng. Một cán bộ chợt thấy cái chuồng bỏ không mà Đê Bốp vẫn ngủ  chưa biết, liền đi tìm mà không thấy. Sợ De Bốp buồn, anh em ra chợ mua con vẹt khác bỏ vào. Sau đó chợt thấy con vẹt đậu trên cây, anh em đã bắt được. Khi Đê Bốp ngủ dậy thấy hai con vẹt rất ngạc nhiên. Sau khi nghe mọi người kể lại ông rất cảm động…
 Thượng tướng Phùng Thế Tài có những lúc rất giản dị và tinh tế như vậy đấy.