THAM LUẬN HỘI THẢO KHOA HỌC
PHÙNG TÁ CHU - THÂN THẾ - CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP
NGHĨ THÊM VỀ NHÂN VẬT LỊCH SỬ PHÙNG TÁ CHU
Nhà văn Vũ Bình Lục
Trong lịch sử nói chung, lịch sử nước ta mấy ngàn năm nói riêng, có khá nhiều những con người nổi tiếng chỉ thấy chính sử chép đôi ba câu sơ sài, hoặc thậm chí, có người không có một chữ nào được chép về hành trạng, công tích của họ trong chính sử. Không thấy chép trong chính sử, nhưng lại thấy được truyền tụng trong dân gian đời này qua đời khác. Một số vị còn được chép kỹ trong gia phả dòng họ, trong văn bia ở các đình chùa miếu mạo ở nơi này nơi khác, được dân gian hóa, thần thánh hóa. Đó là một sự bất bình thường, nhưng thực ra cũng không lấy gì làm bất ngờ cả.
Lý do là bởi tư liệu từ đời xưa còn lại rất ít. Thư tịch bị giặc ngoại xâm đốt hết cả, hoặc cướp đoạt đem về nước họ. Mặt khác cũng một phần do sự xâm thực của thời gian, nên sách vở lâu ngày mục nát. Đôi khi, lại còn có sự đố kỵ, yêu ghét không được minh bạch ở một triều đại nào đó, một giai đoạn lịch sử nhiều biến động nào đó… Các nhà làm sử đời nọ kế tiếp đời kia chép lại của nhau, “tam sao thất bản”, thiếu sót là chuyện không thể tránh khỏi. Đến Ngô Sĩ Liên (thế kỷ 15) thì ông có tham khảo thêm dã sử, tham khảo đối chiếu cả sử Tàu, cùng với những câu chuyện truyền miệng trong dân gian để bổ sung cho chính sử. Cuốn ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ là một công trình lớn, nhưng không phải là đã đầy đủ, đã có thể làm cho người đời sau hoàn toàn tin tưởng. Thêm nữa, những lời bàn cá nhân phụ đề, nhiều chỗ chính kiến của tác giả chưa được rõ ràng, lại thường nghiêng về lợi ích của giới cầm quyền, do vậy, cũng nhiều chỗ lời bàn của tác giả chưa mấy thỏa đáng, thậm chí còn có thể gây ra những hiểu lầm, làm méo mó sự thật, khiến con cháu đời sau chả biết đâu mà lần, ví như lời bàn của ông về bà Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, vợ Nguyễn Trãi (1380-1442) trong cái gọi là “vụ án Lệ Chi Viên” chẳng hạn...
PHÙNG TÁ CHU, DẤU NỐI CỦA HAI TRIỀU ĐẠI VẺ VANG TRONG LỊCH SỬ ĐẠI VIỆT
Phùng Tá Chu chưa rõ năm sinh, nhưng ông mất năm 1241, trước Trần Thủ Độ (1194 - 1264) 23 năm. Theo một số tài liệu hiện có thì Phùng Tá Chu là con trai của Phùng Tá Thang (?-?), một trí thức rất có uy tín ở giai đoạn cuối Lý đầu Trần. Quê hương của ông là huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình ngày nay. Truyền thuyết dân gian kể rằng có ông thầy địa lý tìm đất dựng nghiệp cho họ Trần là một người Việt. Lại có nhà nghiên cứu đoán rằng ông thầy địa lý người Việt ấy có lẽ là Phùng Tá Thang? Nhưng câu chuyện tìm được ngôi đất phát tích đế vương ở Thái Đường (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình ngày nay) lại là một ông thầy địa lý người Tàu. Tuy nhiên, điều mà chúng ta được biết rõ ràng hơn là việc cha con Phùng Tá Thang, Phùng Tá Chu đã nhiệt tình tôn phò triều Trần, bởi triều Trần chính là một thế lực chính trị mới, có dấu hiệu tích cực hơn triều Lý đã suy tàn. Năm Quý Mão (1243), Phùng Tá Thang còn được phong tước Tả Nhai, phẩm cao nhất của Tăng đạo lúc bấy giờ (theo Phạm Minh Đức)…
Sử cho hay, nhóm trí thức Long Hưng, tiêu biểu là Phùng Tá Chu và Tô Trung Từ chính là những người có công lớn trong việc bàn mưu tính kế dựng nghiệp nhà Trần. Tô Trung Từ là người họ ngoại của nhà Trần (em vợ Trần Thừa), tích cực ủng hộ họ Trần là điều dễ hiểu. Nhưng Phùng Tá Chu là người ngoài, vì sao ông lại theo giúp nhà Trần, trong khi ông đang làm quan cho nhà Lý? Nhìn nhận, đánh giá về nhân vật Phùng Tá Chu thông qua quan điểm Nho giáo, Ngô Sĩ Liên chê trách Phùng Tá Chu và các quan trong triều Lý, rằng “Các quan bấy giờ không ai nghĩ đến xã tắc, để cho Phùng Tá Chu viện dẫn Lã Hậu, Vũ Hậu (Vũ Tắc Thiên) làm cớ mà thành ra việc Chiêu Hoàng nhường ngôi cho họ Trần, thế là người có tội với họ Lý”.
Ngày nay, nhìn nhận khách quan hơn, điều này cho thấy sự thức thời của Phùng Tá Chu và các vị quan đương triều Lý trước thời cuộc nhiễu nhương, do nhà Lý đã suy tàn đến độ không thể cứu vãn được nữa. Lật đổ một thể chế suy vong đến mức phản động, đó chính là tư duy tích cực của những trí thức có tầm nhìn xa trông rộng như Phùng Tá Chu và Tô Trung Từ, bọn hủ Nho khư khư ôm mớ lý thuyết cứng nhắc sao đủ can đảm? Có thể suy ra rằng, lời bàn của sử gia Ngô Sĩ Liên phê phán Phùng Tá Chu và các quan triều Lý lúc bấy giờ, chẳng qua chỉ là để lấy lòng vua Lê Thánh Tông mà thôi!... Lý do dễ hiểu là vì sau khi biên soạn bộ ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ, nhóm biên soạn phải đem dâng nhà vua phê duyệt rồi mới cho đem khắc in…
MỘT CUỘC CHUYỂN GIAO QUYỀN LỰC CHƯA TỪNG CÓ TRONG LỊCH SỬ ĐẠI VIỆT.
Sự suy tàn của triều Lý bắt đầu từ vua Lý Cao Tông (1173 - 1210). Nhà vua không còn đủ tư cách làm rường cột quốc gia, chỉ biết ăn chơi, chìm đắm trong hoan lạc, buông thả cho bọn tham quan ra sức vơ vét, làm cho phép nước không nghiêm, xã tắc nghiêng ngả. Nhân dân đói khát không còn đường sống. Trộm cướp nổi lên như ong, lập bè, kết đảng, ra sức hoành hành. Đến như đạo Phật cũng đã đến mức suy đồi, biến chất trầm trọng. Hãy nghe lời tâu của thái úy Đàm Dĩ Mông với vua Lý Cao Tông: “Hiện nay ở (trong nước), số sư sãi đã gần ngang với số phu dịch. Bọn họ tự kết bè lũ, lập càn thủ lĩnh, tụ họp thành bầy, làm nhiều việc xấu. Hoặc ở nơi giới trường, tịnh xá mà công nhiên rượu thịt; hoặc ở chốn tăng phòng, tịnh viện mà riêng tự gian dâm. Ngày ẩn tối ra, như phường cáo chuột. Chúng làm bại hoại phong tục, phương hại giáo lý, dần dần đã thành thói quen. Nay không cấm đi, lâu ngày càng tệ”. Xem thế đủ biết mọi giường mối xã hội đã không còn đủ lý do để bền vững được, dẫn đến nội loạn là chuyện tất nhiên! Công bằng mà nói, chính Cao Tông mới là kẻ làm mất nhà Lý... Chính quyền nhà Lý rơi vào tay nhà Trần, cũng là một sự thay thế cần thiết, hợp quy luật khách quan…
Đến vua Lý Huệ Tông, tình hình xã hội lại càng thêm rối loạn. Nhà vua bệnh tật, yếu đuối, lại mắc chứng tâm thần, không làm được điều gì có thể cứu vãn được vận nước đang suy. Mọi việc đều phải trông cậy vào thế lực họ Trần đang ngày một vững mạnh. Nhân vật trung tâm lúc bấy giờ chính là Trần Thủ Độ.
Người đặt nền móng cho sự vươn lên của họ Trần là Trần Tự Khánh. Trần Thủ Độ là người tiếp nối đầy đủ nhất sức mạnh quyền uy và mưu lược của một nhà chính trị kiệt xuất. Sử chép: “Thái Tôn lấy được thiên hạ đều là mưu sức của Thủ Độ cả, cho nên nhà nước phải nhờ cậy, quyền hơn cả vua”! Sử cũng chép: “Thủ Độ không có học vấn, nhưng tài lược hơn người, làm quan dưới triều Lý được mọi người suy tôn”. Đến khi giành được chính quyền từ nhà Lý, như một cuộc đảo chính ngọt ngào, ông làm phụ chính, thái sư, giúp vua điều hành đất nước khi vua còn nhỏ. Sử cũng chép: “Thủ Độ tuy làm tể tướng mà phàm công việc không việc gì không để ý, vì thế đã giúp nên vương nghiệp, giữ được tiếng tốt cho đến khi mất”. Thiển nghĩ, câu “Thủ Độ không có học vấn” mà sử thần Ngô Sĩ Liên chép trong ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ, chưa chắc đã đủ độ tin cậy, hoặc giả là họ chỉ nhìn ông qua học hàm học vị, không phải là kẻ sĩ, là nhà khoa bảng. Có tài liệu nói rằng Trần Thủ Độ chỉ lười học, ham chơi, chứ nhất định không phải là người không có học vấn. Học vấn đến với người ta từ nhiều kênh, nhiều nguồn, không nhất thiết phải đỗ đạt cao. Ông là anh hùng dân tộc, thống soái tối cao trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất, đồng thời là người có công lớn nhất trong cuộc kháng chiến này. Chỉ với câu: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo!” đã thể hiện bản lĩnh, đồng thời là tầm nhìn chiến lược của vị thống soái tối cao, biết địch biết ta, quyết chiến và quyết thắng. Nếu không có học vấn, làm sao có được tầm nhìn xa rộng như thế? Trong lịch sử các triều đại phong kiến Đại Việt, mấy ai được như ông?
Chả thế mà ở đền thờ Trần Thủ Độ trên đồi Lim, huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh có hai câu đối ca ngợi công đức Trần Thủ Độ: “Công đáo vu kim, bất đán Trần gia nhi bách tải / Luận định thiên cổ, kỳ tại Nam thiên đệ nhất lưu” (Công đức của ông để mãi đến ngày nay, không chỉ bó hẹp trong hai trăm năm đời nhà Trần/ Sau ngàn đời công luận đã định, ông đáng liệt vào bậc thứ nhất dưới trời Nam”!...
Tuy nhiên, bên cạnh Trần Thủ Độ ở giai đoạn chuyển giao quyền lực Lý - Trần, còn có những mưu sĩ tài giỏi như Phùng Tá Chu và một vài người khác giúp sức vào. Phần nhiều các văn bản hành chính đều do Phùng Tá Chu soạn thảo, kể cả cái việc viết chiếu nhường ngôi của Lý Chiêu Hoàng cho Trần Cảnh, rồi cùng Thủ Độ sắp xếp và thực hiện kịch bản cuộc chuyển giao quyền lực, chưa từng có trong các triều đại phong kiến Đại Việt.
Có thể nhìn thấy diễn biến tổng quát về cái khoảng tiếp nối giữa triều Lý và triều Trần, tương tự như ở đời nhà Hán (203Tr.CN - 220) giai đoạn suy tàn (220 - 280), thiên hạ chia thành TAM QUỐC. Cuối đời Lý cũng có ba thế lực nổi trội. Quách Bốc, bộ tướng của Bỉnh Di, cầm đầu một nhóm nổi dậy ở mạn Bắc Giang, Nguyễn Nộn ở châu Hồng, Trần Thủ Độ ở Thăng Long. Ba thế lực chính trị này tương tự như ở thời Tam Quốc bên Tàu, tất nhiên, quy mô, hình thái và màu sắc chính trị khác nhau. Trần Thủ Độ đóng vai trò tương tự như Tào Tháo, mượn danh triều đình, phong chức tước khá cao cho Quách Bốc và Nguyễn Nộn, khiến họ phải quy thuận, do vậy đã dẹp được các thế lực chống đối. Ông chẳng những giỏi về võ công, mà còn tỏ ra là một nhà chính trị xuất sắc. Sử sách không chép kỹ về những nhân vật tham mưu đứng sau Trần Thủ Độ ở giai đoạn chuyển giao quyền lực, nhưng chẳng phải là Phùng Tá Chu, Tô Trung Từ… thì còn ai nữa?...
Phùng Tá Chu làm quan cho cả hai triều đại, ông biết ứng biến theo thời, nhưng ông luôn là một nhân vật rất quan trọng. Ông chẳng những là một kiến trúc sư tài giỏi, mà còn là tổng công trình sư đầy nhiệt huyết. Được vua nhà Lý tin tưởng giao phụ trách nhiều công trình xây dựng, ông chẳng những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mà còn chứng tỏ là một vị quan thanh liêm, rất xứng đáng được người đời tôn vinh, ca ngợi. Đánh giá vai trò lịch sử của Phùng Tá Chu cho lịch sử dân tộc là một nghĩa cử cần thiết và đồng thời là trách nhiệm của người đời sau.
Nhân đây, chúng tôi cũng xin phép được lạm bàn:
Triều đại nào cũng có hưng thịnh rồi suy vong, như một quy luật phổ quát của hiện thực khách quan. Việc lập đền thờ các vị vua, như đền thờ LÝ BÁT ĐẾ (thờ tám vị vua triều Lý) chẳng hạn, đó là việc thờ tự của các dòng họ. Tuy nhiên, nếu các ngôi đền dòng họ đã trở thành di sản quốc gia, thì thực tế đã thay đổi hoàn toàn về nội dung. Các vị vua đều được làm tượng, sơn son thiếp vàng như nhau, đều được nhân dân cả nước cơm nắm muối vừng vất vả từ khắp nơi đến đây thắp nén hương tưởng nhớ công lao của các vị tiền bối. Bức tượng chân dung nào cũng được khách thập phương thắp hương khấn vái như nhau cả. Hóa ra vua sáng vua hèn đều giống nhau cả hay sao? Xấu tốt đều được tôn thờ như nhau cả hay sao? Nhân dân phần nhiều không hiểu biết mấy về lịch sử, lại chẳng có ai giới thiệu được đầy đủ hành trạng và công đức của các vị ngồi chung trong ngôi đền quanh năm nghi ngút khói hương này, nên cứ việc khấn vái cầu xin ân đức các ngài phù trợ cho gia đình mình, điều ấy chẳng phải là vô duyên lắm sao?
Vậy nên, những vị vua sáng nghiệp, đức cao đạo trọng, xứng đáng được nhân dân cúi mình chiêm bái, thì nên thờ riêng vào một ngôi đền sang trọng nhất. Còn như các vị vua chỉ biết ăn tàn phá hại, làm dân khốn khổ, làm nước suy vong, chỉ nên để riêng một chỗ, để người đời sau biết thế mà tránh xa những thói hư tật xấu, để răn đe thiên hạ, lấy đó làm bài học cần thiết cho muôn đời con cháu. Trắng đen phải được rõ ràng. Kẻ có tội với đất nước phải được lịch sử muôn đời khắc ghi, ví như người Trung Quốc làm tượng Nhạc Phi, rồi làm cả tượng Tần Cối bằng đá, để những người đi qua, ai cũng lấy cái roi quất vào nó, như một sự trừng phạt nghiêm khắc. Đời xưa thế, đời nay cũng nên như thế!
Hà Nội 5-2016