THAM LUẬN HỘI THẢO KHOA HỌC
PHÙNG TÁ CHU - THÂN THẾ - CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP
Nhân sinh quan của Phùng Tá Chu
là Tùy duyên & Nhập cuộc
Nhà văn Hoàng Quốc Hải
Cách đây 5 năm (2011) trong một cuộc hội thảo về các danh nhân họ Phùng, trong baì viết về Phùng Tá Chu, tôi đã nói rõ các nguyên nhân để ông và nhóm trí thức Long Hưng theo giúp nhà Trần. Đương nhiên cả Phùng Tá Chu, Tô Trung Từ, Phạm Kính Ân và một số người khác đều là đại thần triếu Lý Huệ tông , phò ông lánh nạn Quách Bốc chạy về Long Hưng, tá túc tại nhà hào phú Trần Lý. Từ đó, có chuyện Huệ tông đón con gái nhà Trần Lý, tức Trần Thị Dung về Thăng Long lập làm chánh phi. Lại cũng từ sự khởi duyên ấy mà cha con anh em, bác cháu nhà Trần Lý được tiến triều, rồi chính quyền chuyển từ họ Lý sang họ Trần một cách êm ru.
Nay xét thêm những việc ông làm với nhà Trần, và nhân cách kẻ sĩ nơi Phùng Tá Chu. Khi đánh giá một con người, không chỉ xem các hành vi của người ấy phục vụ cộng đồng, ở chỗ họ có đem lại lợi ích cho cộng đồng, hay vì tư kỷ mà bòn rút của cộng đồng, chống lại cộng đồng. Và nữa,cũng phải xem thái độ của người đương thời đối với họ ra sao. Ngay cả sau khi họ đã qua đời, hậu thế đối với họ như thế nào: Tôn vinh hay hạ bệ.
Về chuyện đương thời, lịch sử không có một dòng nào chỉ trích Phùng Tá Chu, trong các thời gian ông phục vụ triều Lý Huệ tông, cũng như sau này ông phục vụ dưới triều Trần Thái tông.
Tuy nhiên,vài trăm năm sau có một hai sử gia trong đó Ngô Sỹ Liên chê: “Các quan bấy giờ không ai nghĩ gì đến xã tắc, để cho Phùng Tá Chu viện dẫn Lữ Hậu và Vũ Hậu làm cớ mà thành ra việc Chiêu Hoàng nhường ngôi cho họ Trần, thế là có tội với nhà Lý” (ĐVSKTT tập I trang 429 NXB Văn hóa Thông tin 2004). Và trong “Việt sử tiêu án”, Ngô Thì Sỹ dùng lời lẽ, mạt sát Phùng Tá Chu và Phạm Kính Ân còn tệ hại hơn.
Ngược lại phía dân chúng, nhiều nơi tôn vinh ông và rước vào thờ nơi đình miếu. Ví như từ xa xưa tại làng Xuân Trạch xã Hạ Khê tổng Phù Long, nay là xã Nam Cường, huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An có đền thờ họ Phùng, trong đó có Phùng Tá Chu. Hẳn là năm Bính tuất (1226), Phùng Tá Chu được Trần Thái tông cử vào tri châu Nghệ An, có để lại nhiều ân đức đối với nhân dân và dòng họ.Lại nữa, kế cận kinh thành Thăng Long, nhân dân làng Quảng Bá, không chỉ rước hèm của Bố cái Đại vương Phùng Hưng vào thờ làm thần Thành hoàng, mà còn rước cả anh linh Phùng Tá Chu vào thờ phối.
Thiết nghĩ, thời nào cũng vậy, nhân dân đều sáng suốt và công bằng. Ví dụ tại Bến Rừng vùng Quảng Yên, xưa có tích bà hàng nước đã mách cho Trần Hưng Đạo về thủy chế tại vùng này. Nhờ đó, Trần Hưng Đạo tính sát từng giờ thủy triều lên xuống và mức nước cao thấp tại cửa sông Bạch Đằng, để ngài bố trí trận địa cọc và lập kế dụ địch, hãm địch.Do có sự góp công của nhân dân, nên trận Bạch Đằng, quân ta toàn thắng.
Sau này triều đinh ghi nhớ quân công của binh tướng khá đầy đủ, mà sơ khoáng việc đóng góp của dân công. Vì vậy nhân dân lập hẳn một ngôi đền thờ bà hàng nước, ngay cạnh đền thờ Trần Hưng Đạo, và hào phóng tôn vinh là “Đền Vua Bà”. Cũng theo cách này, nhân dân Thanh Hóa có tới trên 70 nơi lập đền thờ thượng tướng Trần Khát Chân.
Trần Khát Chân và gần 400 tôn thất và tướng lĩnh nhà Trần, bị Hồ Quý Ly giết tại Đốn Sơn, trong việc mưu sát Quý Ly không thành. Thế nhưng cả tỉnh Thanh Hóa (quê hương của Hồ Quý Ly) tuyệt nhiên không có nơi nào thờ ông, thậm chí một ngôi miếu nhỏ cũng không. Và nữa trước đó vào cuối thế kỷ thứ 10, Lê Hoàn tư thông với Dương Thị (vợ vua Đinh Tiên Hoàng) ám hại cha con nhà vua (Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Liễn) vu cho Đỗ Thích rồi giết đi để phi tang. Sau lại giết các tướng là cột trụ của triều Đinh - những bậc khai quốc đại công thần như Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú. Các vị đó sau được nhân dân Trường Yên (nay là thành phố Ninh Bình) lập đền thờ, lấy tên là “Đền Khống”. Biểu tượng của ngôi đền này thể hiện một điều mà người dân muốn nói: Cái án Lê Hoàn quàng lên đầu bốn vị đại công thần kia, chỉ là sự vu khống. Bởi vậy, sự tôn vinh của người dân là hoàn toàn có lý, bất chấp lịch sử chính thống phân định như thế nào. Bởi lịch sử đôi khi bị che lấp, bị xuyên tạc bởi các mưu đồ chính trị của thế lực cầm quyền.
Xét người, trước hết phải xét công việc người ấy được trao có làm hết trách phận không.
Trong 14 năm Lý Huệ tông trị vì, Phùng Tá Chu phục vụ không có gì đáng chê trách. Chứng cớ là Ngô Sỹ Liên không đả động gì tới các công việc mà Phùng Tá Chu giúp nhà vua, mà chỉ khi triều thần bàn việc sách lập Chiêu Thánh, và khi Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi vua cho Trần Cảnh thì Ngô Sỹ Liên mới lên tiếng.
Vì sao các sử gia Ngô Sỹ Liên và Ngô Thời Sỹ nặng lời với Phùng Tá Chu như vậy? Ấy là từ: “Cuối thế kỷ XIV, Phật giáo đang trên đà tan rã phải nhường bước cho Nho giáo sẽ sớm chế ngự một cách đoan quyết tư tưởng và phong tục cho tới lúc phương Tây ồ ạt xuất hiện vào thế kỷ XIX” như nhận xét của sử gia Lê Thành Khôi trong “Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX - trang 202”.
Với quan điểm Nho giáo cực đoan, các sử gia không xét tới hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Ngày nay đọc lại lịch sử, ta thấy nhẽ ra các thế lực tiến bộ phải sớm thay thế nhà Lý từ khi Lý Anh tông và Tô Hiến Thành qua đời.
Lý Long Trát lên ngôi từ năm 3 tuổi (Lý Cao tông), ở ngôi 35 năm. Trong suốt 35 năm, Cao tông không làm được một việc gì ích dân lợi nước. Ông đắm say vào việc ăn chơi và xây cất cung điện, vắt kiệt sức dân khiến cho quốc lực suy yếu, nhân tài thưa vắng. Tiếp 14 năm cầm quyền của Lý Huệ tông còn tệ hại hơn nhiều. Bởi ông không phải một người bình thường mà là người yếu đuối, lại mắc bệnh tâm thần - bệnh điên; nên việc triều chính ngày càng đổ nát. Và càng kéo dài sự đổ nát ấy nhân dân càng đau khổ.
Lại vì sao Phùng Tá Chu, Phạm Kính Ân và các nhân vật cấp tiến trong triều đình Lý Huệ tông không một người nào lên tiếng phản ứng Trần Thủ Độ, hoặc tập hợp lực lượng chống lại thế lực họ Trần, giữ vững ngôi nước cho nhà Lý, để tỏ lòng trung quân như các sử gia Ngô Sỹ Liên, Ngô Thời Sỹ đòi hỏi.
Bởi nhà vua (Lý Huệ tông) bị bệnh tâm thần; và khi đã không làm chủ được bản thân mình, sao có thể làm chủ được cả đất nước. Còn Lý Huệ tông,thật ra ông cũng là một nạn nhân đồng thời là tù nhân của một định chế giáo điều.Bởi thế nhóm trí thức này, không thể mù quáng trung thành với một triều đình điên loạn cầm đầu cả một dân tộc. Nhưng quan điểm của các nho sĩ thời Lê và sau này là Lê - Trịnh rồi Nguyễn là: “Trung thần bất sự nhị quân” (tôi trung không thờ hai chúa). Vì vậy có những loại vua vô dụng và tàn ác mà dân gọi là “vua quỷ”, “vua lợn” như Lê Uy Mục, Lê Tương Dực mà vẫn tồn tại, vẫn có kẻ tôn thờ thì đó là bọn ngu trung, sao có thể gọi họ là kẻ sỹ được.
Bởi họ được đào tạo nơi cửa Khổng sân Trình, trong đó Khổng Tử dạy đám học trò“Trị minh vương tắc xuất, ngộ ám chúa tắc tàng”. Tức là những kẻ có học thức cần phải biết, khi thấy có vua anh minh thì xuất đầu lộ diện, tìm mọi cách tiến thân để được sai dùng. Nhưng chợt thấy vua ngu muội, hung ác, lập tức phải tìm đường lánh ẩn.Nghĩa là tìm đường trốn tránh cho an cái mạng sống,chứ không phải tìm phương sách biến cải nó.
Vậy là đạo nho đã dạy lũ người gọi là có học ,và biến họ thành bọn cơ hội, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến thân mình, mặc cho dân chúng điêu linh, mặc cho nước còn hay nước mất.
Với quan niệm hủ nho ấy, nên nhiều người mang danh có học thời Lê đầu thế kỷ 15, chỉ nghĩ đến thân và thờ vua cho hết lòng. Khác với các trí thức Phật giáo và nho sĩ cấp tiến từ thế kỷ thứ 10 đến thể kỷ 14, với nhân sinh quan nhập thế, và hành xử công việc tùy duyên chứ không cực đoan xơ cứng, khư khư ôm lấy những thứ tưởng như là khuôn vàng thước ngọc, nhưng hoàn toàn vô dụng trước cuộc đời. Họ thấm nhuần quan điểm tùy duyên và Phật tại tâm như Trần Nhân tông đã từng tuyên cáo:
“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ tắc thực hề khổn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền…”
(Ở đời vui đạo cứ tùy duyên
Thấy đói thì ăn mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh tâm không chớ hỏi thiền)
Cho nên những gì đem lại sự nguy hại cho công chúng, đe dọa đến sự tồn vong của quốc gia dân tộc mà anh làm ngơ, có khác gì anh là kẻ đồng lõa,kẻ tòng phạm. Thái độ đó không thể coi là người lương thiện nữa chứ đừng nói anh là kẻ sĩ. Bởi vậy việc nhập cuộc của Phùng Tá Chu, Tô Trung Từ, Phạm Kính Ân… với nhà Trần đã sớm chấm dứt chuỗi dài đau khổ cho cả dân tộc là thức thời, là nhân bản.
Vả lại các gương mặt trong hoàng gia và hoàng tộc, có thể vực nhà Lý gượng dậy được không còn một ai. Trước hết, trong nội bộ hoàng gia, họ đã tiêu diệt nhau. Mà kẻ thủ ác ở đây không ai ngoài Đàm Thái hậu, bà là hoàng hậu thời Lý Cao tông và là Thái hậu với Lý Huệ tông. Đàm Thái hậu thủ tiêu tất cả những ai trong hoàng gia, hoàng tộc mà bà cảm thấy có khả năng tranh chấp ngôi vua với con bà.
Trong khi Lý Cao tông không chỉ bỏ ngỏ việc triều chính, bê trễ hết mọi việc, mặc cho Đàm thị muốn làm gì thì làm. Vì thế mà các hoàng thân như Lý Quang Bật, Lý Long Tường… đã phải bỏ nước ra đi từ khi các thế lực kình chống nhà Lý mới manh nha.Kíp khi Lý Cao tông mới nằm xuống còn chưa kịp chôn, thì vào một đêm hạ tuần tháng chạp năm Tân mùi (1211), Đàm Thái hậu đã ra tay hạ sát ba cha con Nhân Quốc vương (em ruột Lý Cao tông) rồi đẩy xuống giếng , sau lại sai vớt lên đặt ngoài cửa cung Lâm Quang, để răn đe những kẻ có manh nha việc cải lập, như năm nào họ đã lập Vương tử Thầm (em khác mẹ với Huệ tông). Các quan theo hầu Huệ tông, sợ Đàm Thái hậu không ai dám nhìn xác cha con Nhân Quốc vương, duy có viên hạ quan là Trịnh Đạo khóc than thảm thiết. Ông ta réo gào “Tiên quân đi đâu mà khiến cho ba người anh em con cháu bị hại thế này”. Và ngay khi Cao tông vừa mất, trẻ đã hát đồng dao:
“Cao tông táng vị tất
Tam thi tích vi nhất”
( Cao tông chết chưa chôn
Ba thây một đống nằm )
Như vậy chính là họ Lý tự làm mình suy yếu, và cũng tự chuẩn bị rất kỹ càng cho sự sụp đổ. Một thể chế như vậy, không có cách nào cứu vãn được và cần phải phế bỏ,càng sớm càng tốt.Bởi nó còn tồn tại ngày nào, nó còn gây đau khổ cho người dân ngày ấy.
Ai đó chê trách những người cộng tác với nhà Trần là không công bằng. Và kẻ sĩ chọn con đường giúp các thế lực đang lên để gỡ rối cho thế nước là một lựa chọn sáng suốt. Kẻ sĩ thời đó có một số cựu thần nhà Lý như Phùng Tá Chu, Tô Trung Từ, Nguyễn Bang Cốc, Phạm Kính Ân… phù giúp thế lực đang lên để hạ màn một chế độ không còn một chút sinh lực nào khả dĩ có thể điều hành quốc gia, là việc làm cần thiết. Và trong quá trình ấy, họ không có một hành vi nào gọi là phản dân, hại nước, mưu lợi cho bản thân. Vậy lịch sử có gì để chê trách họ.
Xét trên quan điểm lịch sử cụ thể, họ được nhân dân ghi nhận công lao là công bằng. Lại vì sao năm Bính tuất (1226) nhà Trần cử Phùng Tá Chu vào trấn thủ Nghệ An, được quyền tự ý ban chức vị cho người dưới quyền, ban trước tâu sau. Ưu biệt này chỉ xảy ra lần thứ hai do Trần Thánh tông đặc ban cho Trần Hưng Đạo. Nhưng Hưng Đạo chỉ dùng quyền đó bán một số tước mà không cho thực quyền, để lấy tiền tăng cường binh bị. Ví như chức “giả lang tướng”, tức là tướng không có quân, cũng không có lương bổng.
Sở dĩ Trần Thủ Độ phải phái một cựu thần nhà Lý không có tì vết vào lưu trấn Nghệ An, là bởi trước đó, dân nước mang ơn nhà Lý rất sâu nặng. Hơn nữa, từ khi Lý Nhật Quang vào trấn đất Nghệ An (1041), ân đức ông đem lại cho dân không phải là ít. Cho tới trước 1945 khắp Nghệ An - Hà Tĩnh vẫn còn hơn một trăm nơi thờ Lý Nhật Quang rất là sùng kính.
Phùng Tá Chu đã không phụ lòng trông cậy của Trần Thủ Độ, ông vỗ yên dân chúng chỉ trong vài ba năm. Và giữ yên bờ cõi với các lân bang như Champa, Lão qua ...
Một điều quan trọng nữa,Phùng Tá Chu được cử xây dựng cung thất tại Thiên Trường và hành cung tại Thanh Hóa. Lại cả một khu hậu cứ, khu căn cứ quân sự lớn nằm trong vùng sông núi hiểm trở sát nách Trường Yên. Sử gia Lê Văn Hưu không ghi chép ,chắc là ông không được phép ghi chép, vì nó cần được im lặng để che mắt nhà Tống và nhà Nguyên.
Về Ninh Bình hiện nay, đặc biệt là hành cung Vũ Lâm và vùng phụ cận, ta thấy nhiều dấu vết của một vùng căn cứ có quy mô rộng lớn và hiểm trở, tiện cho việc luyện quân, giấu quân, sản xuất, tích trữ lương thực, vũ khí và có địa hình bầy trận, dụ địch cũng như tiến lui đều có thể chủ động trên cả hai mặt thủy - bộ. Hiện nay còn tồn tại một số tên gọi từ thời xa xưa đã biến thành tên làng xã như : Thôn Hành Cung, thôn Hạ Trạo (tức là thuyền vào bến gác mái chèo), thôn Khả Lương (nơi để kho lương thực), thôn Tuân Cáo (nơi bộ chỉ huy ra mệnh lệnh), Tổng Bộ Đầu (cơ quan đầu não), Hệ Dưỡng (nơi có cánh đồng rộng ,nơi sản xuất lương thực) nằm trong thung lũng, dưới là sông, trên là trùng điệp núi non, hang động che chắn.V.v…
Ta nhớ cuộc xâm lược của quân Mông Cổ vào nước ta năm 1258, Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung có đưa con cháu trong hoàng gia đi lánh nạn. Tức là đưa về khu hậu cứ này. Và tại đây, bà sai rèn vũ khí, tích trữ lương thực. Khi quân ta kéo về Thăng Long phản công giặc, bà xuất lương thực và vũ khí tiếp viện cho quân triều đình.
Lại nữa cuộc kháng giặc Mông - Nguyên năm 1285 khi quân ta bị Toa Đô phá vỡ cửa quan phòng thủ Nghệ An tiếp giáp với Champa, một số vương hầu đem quân ra hàng giặc như Trần Ích Tắc, Trần Kiện, Trần Tú Hoãn, Trần Lộng… khiến mệnh nước mong manh như vật nặng ngàn cân treo trên đầu một sợi tóc. Tiếp đến mùa mưa, nước dâng cao, quân ta phản công dồn quân giặc vào thế bị bao vây, thế thua. Tướng giặc là Ô Mã Nhi, Toa Đô bị Trần Quang Khải đánh cho tơi tả ở cửa Hàm Tử, chúng tháo chạy qua ngả sông Đáy rồi vào sông Hoàng Giang, lấy nhánh sông Sào Khê để tìm đường thoát qua cửa Thần Phù (1). Ngả này bị Trần Nhân tông trấn ngự, Ô Mã Nhi liều chết cướp đường chạy thoát ra biển, Toa Đô bị quân ta vây bắt và chặt đầu tại trận. Vua Trần Nhân tông tỏ lòng thương hại, ngài nói “Người làm tôi phải nên như thế này,”bèn cởi áo ngoài đắp cho, rồi sai hữu ty đem liệm chôn. Trận ấy quân Nguyên chết nhiều, thây dạt vào bãi sú từng bè như bè rạ, và máu loang đỏ cả dòng sông. Mãi sau này, dân gian còn truyền, hằng năm cứ vào ngày 20 tháng 5, nhằm ngày giỗ trận, trong vùng bãi sú trên khúc sông Sào Khê ấy, trời âm u, mây vần vũ đen đặc , nước sông sôi trào lên toàn màu đỏ như máu.
Bốn mươi lăm năm sau khi Phùng Tá Chu mất, trận tiêu diệt một mũi quan trọng của quân Nguyên trên đường tháo chạy ra cửa Thần Phù mới xảy ra. Chiến thắng oanh liệt ấy có phần đóng góp của Phùng Tá Chu khi ông được vua Trần Thái tông sai đi dựng cung điện tại Thiên Trường, hành cung ở Thanh Hóa và khu hậu cứ này, nay thuộc các xã Ninh Thắng, Ninh Hòa, Ninh Hải huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình.
Đúng 776 năm Phùng Tá Chu qua đời, chúng ta nhắc lại công nghiệp của ông ,cách ứng xử của ông, cũng là nhắc nhớ đến thái độ của kẻ sĩ trước thời cuộc. Nếu chúng ta coi cách hành xử của Thái úy Phùng Tá Chu là một tấm gương, thì chúng ta không thể không xét đến thái độ của chính mình trước thời cuộc.
Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2016.