(Thứ hai, 26/12/2016, 07:15 GMT+7)

 
 

PHÙNG TÁ CHU - NHÂN VẬT LỊCH SỬ CÓ TẦM ẢNH HƯỞNG LỚN HAI TRIỀU ĐẠI LÝ - TRẦN 
            

Bạch Công Tiến
Chủ tịch UBND huyện Ba Vì

               
Như chúng ta đã biết, cụ Phùng Tá Chu sinh ra và lớn lên tại làng Mẽ, xã Mỹ Đại, tổng Thanh Triều, huyện Ngự Thiên, Phủ Tân Hưng nay là làng Mỹ Xá, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Cha Phùng Tá Chu là một tăng đạo. Chính vì vậy ngay từ nhỏ, Phùng Tá Chu đã chịu ảnh hưởng của những giáo lý đạo Phật tác động sâu sắc tới nhân cách và phẩm chất con người ông. Trong suốt cuộc đời của mình đối với đất nước, Phùng Tá Chu là nhân vật có tầm ảnh hưởng rất lớn trong cả hai triều đại Lý - Trần. Theo chính sử Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên, vào cuối thời nhà Lý, Phùng Tá Chu làm quan Nội hầu và được các triều vua, các đại thần và nhân dân coi trọng, kính nể. Dưới thời nhà Trần, Phùng Tá Chu có nhiều công lao đóng góp cho việc khởi dựng nhà Trần. Ông được phong Chức "Phụ Quốc Thái phó" và phong tước cao quý "Hưng Nhân Đại Vương". Ông là người duy nhất ngoài hoàng tộc được phong tước vương, lại được phong khi còn sống, hơn nữa, năm 1241, khi Phùng Tá Chu mất, đích thân vua Trần Thái Tông tới viếng, liệt ông vào hạng "Đệ nhất công thần", điều đó chứng tỏ nhà Trần rất coi trọng Phùng Tá Chu.
Dù sống và cống hiến khoảng năm thập kỷ nhưng những đóng góp của Phùng Tá Chu đối với triểu đại phong kiến là vô cùng to lớn. Ông được coi là bậc khai quốc công thần của nhà Trần, chính ông là người đặt nền móng xây dựng nền hành chính, tư pháp, giáo dục, quân sự, ở mảng nào cũng có thành tựu để lại cho đời sau học tập và suy ngẫm. Chính những công lao đóng góp to lớn đó, Phùng Tá Chu được các triều đại phong kiến phong "Đệ Nhất Phúc Thần" và cho phép nhân dân làng Quảng Bá, quận Tây Hồ, Hà Nội thờ cụ là Thành hoàng tại đình làng.
Các cụ ta xưa có câu: Đất lành chim đậu. Ba Vì là mảnh đất tối cổ và linh thiêng ngự phía Tây kinh thành Thăng Long ngàn năm văn vật, nơi có "ngọn núi Tổ của nước Nam ta", nơi hội tụ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt. Mảnh đất Ba Vì không chỉ là nơi sản sinh ra nhiều nhân vật lịch sử kiệt xuất làm rạng danh non sông đất nước, như Lưỡng quốc Thượng thư Nguyễn Sư Mạnh, Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân ở xã Cổ Đô, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn ở xã Vạn Thắng, Tiến sỹ Trần Thế Vinh, Tiến sỹ Phan Nhuệ ở xã Phú Châu... mà còn là chốn điền viên, vui cảnh an nhàn, yên nghỉ của các vị đại thần nổi tiếng, điển hình như nhà sử học lỗi lạc Phan Huy Chú. Phan Huy Chú  sinh năm Nhâm Dần (1782) tại làng Thầy huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai, nay là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội và mất vào tháng tư năm Canh Tý 1840. Ông được đánh giá là nhà sử học tài ba của dân tộc với các tác phầm sử học nổi tiếng "Lịch triều hiến chương loại chí". Đâylà cuốn "Bách khoa toàn thư" đầu tiên trong lịch sử nước ta và cũng là lần đầu tiên văn hiến, điển chương qua các đời vua ở nước ta được phân loại và ghi chép khá tỉ mỉ. Tác phẩm đã khẳng định ông là một nhà yêu nước, nhà bác học lớn của thời đại vào đầu thế kỷ XIX. Khi về già, chán cảnh quan trường, ông xin từ quan lui về quê vợ ở làng Mai Trai, huyện Tiên Phong, nay là xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì dạy học, viết sách rồi mất tại đây. Năm 2014, mộ của Phan Huy Chú đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia.
   Cũng như nhiều vị quan đại thần khác, Phùng Tá Chu tuy sinh ra và lớn lên tại làng Mẽ, xã Mỹ Đại, tổng Thanh Triều, huyện Ngự Thiên, Phủ Tân Hưng nay là làng Mỹ Xá, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình nhưng khi cụ mất, mộ cụ lại được táng tại Ba Vì, điều đó chứng tỏ, mảnh đất Ba Vì của chúng ta được các cụ xưa kia đánh giá là vị trí đắc địa, an toàn. Từ điều này, cùng với những nguồn sử liệu đáng tin cậy trong dân gian, chúng ta hoàn toàn có cơ sở khoa học để đặt một giả thiết xuất xứ quê quán của Thái phó Phùng Tá Chu và trước đó là cụ Phùng Tá Thang rất có thể ở mảnh đất Ba Vì. Với các triều đại phong kiến, nhất là những người có tài năng như cha con Phùng Tá Thang, Phùng Tá Chu, thì việc xuất thân từ các vùng đất địa linh là hoàn toàn có thể. Điều này còn thể hiện ở chỗ, các cành nhánh họ Phùng ở Ba Vì trong gia phả, tộc phả, văn bia truyền nhiều đời đều nhắc đến ông tổ là Phùng Tá Chu.
Để khẳng định, tôn xưng, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của quá khứ, hướng tới tương lai. Tại di tích đền Cao, thị trấn Tây Đằng cũng là nơi cụ Phùng Tá Chu yên nghỉ, Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Ba Vì phối hợp với Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Ban liên lạc dòng họ Phùng Việt Nam tổ chức cuộc Hội thảo đầu tiên về danh nhân lịch sử - Thái phó Phùng Tá Chu. Tư liệu hiện còn liên quan đến Phùng Tá Chu không thật phong phú và đang được nghiên cứu, khai thác một cách toàn diện.  Ban tổ chức hi vọng thông qua hội thảo lần này, các vấn đề cơ bản liên quan đến Thái phó Phùng Tá Chu sẽ từng bước được làm sáng tỏ.
Thay mặt lãnh đạo huyện Ba Vì, tôi xin gửi lời chào mừng tới tất cả các quý vị đại biểu, khách quý, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các cơ quan thông tấn báo chí và các vị khách đã về dự hội thảo. Những đóng góp của các quý vị đại biểu, các nhà nghiên cứu sẽ cho chúng ta hiểu hơn về một con người có tầm ảnh hưởng lớn trong mọi thời đại về tất cả các mặt khoa học quân sự, chính trị, giáo dục, kiến trúc.. Với ý nghĩa đó, một lần nữa, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và chúc Hội thảo: "Phùng Tá Chu - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp" được thành công rực rỡ.