(Thứ năm, 26/01/2023, 09:35 GMT+7)
Đọc thơ Phùng Cung, dường như những ám ảnh của văn hóa Việt không chỉ ám ảnh chính ông mà còn ám ảnh cả người tiếp nhận. Đến với thơ Phùng Cung ta không chỉ tìm thấy trong đó vẻ đẹp của một thế giới nghệ thuật thơ kỳ ảo mà còn thấy trong đó  những vẻ đẹp của văn hóa Việt.
 

Nhà thơ Phùng Cung (1928-1998)
 
1. Trong tâm thức của người Việt Nam, dù sống nơi đâu và ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng lưu giữ trong mình những ký ức văn hóa Việt. Nó như một sợi dây vô hình, thiêng liêng níu giữ và liên kết mỗi người với dân tộc, với đất nước, quê hương. Những ký ức văn hóa ấy không chỉ là những hoài niệm, những nhớ thương mà còn là những ám ảnh của vô thức và tâm linh như một tâm thức hiện sinh thao thiết luôn ngân lên như những tiếng gọi hồn.
 
Đọc thơ Phùng Cung, dường như những ám ảnh của văn hóa Việt không chỉ ám ảnh chính ông mà còm ám ảnh cả người tiếp nhận. Đến với thơ Phùng Cung ta không chỉ tìm thấy trong đó vẻ đẹp của một thế giới nghệ thuật thơ kỳ ảo mà còn thấy trong đó  những vẻ đẹp của văn hóa Việt. Đó là hình ảnh một “cánh bèo” trong cái “ao làng” chật hẹp, tưởng chừng đã có cuộc sống bình an, nào ngờ cũng “lênh đênh”. Và như thế, “cánh bèo” bỗng chốc đã hóa thân thành một số phận, một định mệnh, một cuộc đời, chứ không chỉ đơn thuần là một thứ cỏ cây ở một làng quê Việt vốn an lành. Thơ Phùng Cung tưởng chừng như giản dị, dân dã mà ẩn chứa nhiều chất triết lý, nhân sinh là vì thế!? Vì vậy, mỗi khi đọc thơ ông, lòng ta cứ thấy ngùi ngùi, đắng chát
 
Lênh đênh muôn dặm
nước non
Dạt vào ao cạn
Vẫn còn lênh đênh.
 
(Bèo)
 
Chất văn hóa Việt trong thơ ông không chỉ dung dị, bình thường như cỏ cây vốn có ở làng quê mà còn là kết tinh những trải nghiệm đắng cay của kiếp người. Vì vậy, nó tuyệt nhiên không phải là một thứ văn hóa màu mè, làm dáng, sáo rỗng, giáo điều của những lý thuyết xám xịt, hỗn độn Đông Tây mù mờ, huyễn hoặc ta vẫn thường nghe mà nó là hơi thở, là máu thịt, là tim óc, là sự sống của thi nhân nên dù xa cách đã lâu khi về làng, giữa bao nhiêu sự đổi thay của thế cuộc ông vẫn nhận ra “người làng” dù chỉ nhìn qua “dáng lạt bó rau”
 
Bạc tóc trở về quê
Bỡ ngỡ tìm đò bến mới
Nhìn dáng lạt bó rau
Nhận được người làng.
(Người làng)
 
Tứ thơ thật bất ngờ và cũng thật độc đáo. Đó là sự độc đáo của một sáng tạo lạ lùng mà nếu không có tài năng và sự trãi nghiệm văn hóa thì không thể tạo nên những hình ảnh thơ mang dấu ấn văn hóa thú vị đến thế!?
 
2. Người ta thường viện dẫn những lý thuyết cao xa, siêu phàm khi nói đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Nhưng với Phùng Cung điều ấy được ông khái quát bằng một hình ảnh thơ bình dị “Nhìn dáng lạt bó rau/ Nhận được người làng”. Chỉ cần một câu thơ giản đơn như thế cũng cho ta cảm nhận rõ bản sắc văn hóa của dân tộc ở mỗi vùng miền. Cái “dáng lạt bó rau” ấy của làng quê Phùng Cung chắc chắn sẽ không lẫn vào bất cứ cái “dáng lạt bó rau” của bất cứ miền quê nào khác. Bởi nó không chỉ là “dáng lạt bó rau” đơn thuần, mà chính là sự kết tinh của hành trình sống, hành trình lao động để tồn sinh và đã làm nên dáng người quê ông mà biểu hiện sinh động nhất cho sự kết tinh này là dáng hình người mẹ với những giọt mồ hôi “đăm đăm nhỏ giọt” đỡ cho ông “đứng dậy làm người”.
 
Mồ hôi mẹ
Tháng ngày đăm đăm
nhỏ giọt
Con níu - giọt mồ hôi
Đứng dậy làm người.
(Mẹ)
 
Câu thơ với ngôn từ chân mộc, giản dị nhưng ẩn chứa trong sự bình dị ấy là tư tưởng nhân bản cao cả, sâu sắc. Có người con nào lại không được lớn lên từ những giọt mồ hôi gian khổ, tảo tần sớm khuya của mẹ. Nhưng có người con nào đã thấu cảm hết được giá trị những giọt mồ hôi mà từ đó ta lớn khôn “đứng dậy làm người”. Để rồi, có khi nào ta tự hỏi nếu không có những giọt mồ hôi của mẹ để ta níu vào thì cuộc đời mình rồi sẽ ra sao!? Phải chăng đây cũng là một gía trị làm nên bản sắc văn hóa Việt!?
 
Câu thơ của Phùng Cung làm tôi nghĩ đến câu thơ của nhà thơ Phùng Quán:
 
Có những phút ngã lòng
Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy.
 
Ở hai nhà thơ cùng có bút danh bắt đầu là từ “Phùng” (Phùng Cung / Phùng Quán), lại sinh ra gặp lúc bất phùng thời. Nhưng người thì “níu mồ hôi mẹ”, người thì “vịn câu thơ” để “đứng dậy” làm người chứ không hề dựa vào một thứ quyền lực nào cả. Song, họ không chỉ làm người bình thường mà làm một thi sĩ tài năng đã để lại cho đời những câu thơ đẹp góp phần tôn vinh văn hóa Việt. Và có thể khẳng định chắc chắn rằng, chính vì không dựa vào sức mạnh của quyền lực mà chỉ dựa vào sức mạnh của văn hóa Việt, của những câu thơ nên các ông mới trở thành những con người hữu dụng. Bởi quyền lực thường làm con người ta tha hóa, vong thân, hư hỏng và dễ đánh mất cái thiên lương của mình. Chính văn hóa và thơ ca là một giá trị làm nên sự bất tử của các ông, những nhà thơ mà dù số phận có nghiệt ngã đến đâu thì vẫn không vùi dập được họ. Bởi lẽ, nói như Cyprian Norwid, một nhà thơ Balan: “Thế giới này rốt cuộc chỉ còn lại hai thứ, chỉ hai thứ thôi: thi ca và lòng nhân ái… không còn gì khác” còn Lê Đạt thì cho rằng: “Thơ là chóp của của kim tự tháp văn hóa” (1).
 
Quả thật, thơ và văn hóa đã trở thành một cuộc hợp hôn diệu kỳ trong thơ Phùng Cung. Đó là cuộc hợp hôn lạ lùng của văn hóa Việt. Chính vì vậy, đọc thơ Phùng Cung ta thấy hiện lên cảnh vật của làng quê Việt mà vẻ đẹp của nó như những chiếc neo găm giữ hồn ông. Đó là một chiếc “Ao con” của làng: Lá tre rụng/ Nhuộm hoàng hôn đỏ gạch/ Tiếng cuốc bèo da diết/ gọi ngày mai (Ao con). Hay một “tiếng gọi đò” trong đêm cũng khiến lòng ông xao xác:
 
Đêm về khuya
Trăng ngả màu hoa lý
Tiếng gọi đò
Căng chỉ ngang sông.
(Đò khuya)
 
Đó còn là hình ảnh của những con người gắn bó cả đời mình với những phong tục tập quán, sinh hoạt lễ hội truyền thống ở làng quê mà ông vô cùng trân quí. Nó như một thứ thần dược nuôi sống tâm hồn ông và nuôi sống thơ ông.
 
Lúp xúp quê xanh
Dãi yếm bắc cầu một thuở
Gió bạc cánh
Chưa hết vòng kim cổ
Làng cách làng Từng quãng - phong dao.
(Quê xanh)
 
Ai đã từng đọc ca dao Việt Nam sẽ thấy hình ảnh chiếc yếm đào trong ca dao đã ám ảnh chúng ta như thế nào!? Nó đã trở thành cảm hứng chủ đạo của biết bao bài ca dao về tình yêu đôi lứa. Nó vừa là hạnh phúc cũng vừa là nỗi đau, là hy vọng nhưng cũng là nỗi thất vọng, nó lững lờ mà cũng rất diễm ảo… Và những chiếc yếm thắm gợi tình ấy cũng là sợi dây kết nối tình yêu và hôn lễ, với “nghi ngút khói - gia tiên” mang đậm ký ức văn hóa Việt. Và những điều ấy đã trở thành một tâm thức văn hóa ám ảnh trong thơ Phùng Cung:
 
Tấm yếm lụa
Trót phơi cành khế
Anh để mắt giùm em kẻo gió bay.
(Vãn xuân)
 
Nhưng bao trùm lên tất cả nỗi ám ảnh văn hóa Việt trong thơ Phùng Cung đó là những cảm nhận tinh tế về không - thời gian của làng quê Việt bàng bạc trong thơ ông. Đó là nỗi khắc khoải của một làng quê lúc “vào hè”: Tu hú trên ngọn sung chùa/ Giật mình, sổng giọng (Vào hè). Hay một “Đêm cuối thu”: Chó sủa - dông dài/ Gió chuyển canh/ Trái thị cuối thu/ Thơm - mùi - trăng úa/ Ao khuya nước thở thì thầm (Đêm cuối thu). Đó còn là một buổi chiều: Đuôi nắng uể oải/ Vườn ổi chín - đùa (Chiều xuống). Hay một đêm chợt nghe/ trong gối vọng tiếng ru/ lắng tai mới rõ/ tiếng tóc mình chuyển bạc (Nghe đêm). Đây là những câu thơ thần kỳ nói về qui luật vận động tất nhiên mà đầy cay nghiệt của thời gian. Câu thơ không chỉ nói đến thời gian vật lý mà còn nói đến thời gian tâm lý mà nếu không có một sự nghiệm sinh thì không thể viết được những câu thơ tài hoa đến thế!?
 
Và từ thế giới đầy biểu cảm của thời gian ta chợt nhận ra thế giới đầy ưu lo của không gian trong thơ Phùng Cung. Đó là không gian văn hóa Việt vốn có tự ngàn đời của làng quê Việt được tác giả cảm nhận một cách tinh tế. Đó là một không gian không chỉ có rộng, cao, sâu mà còn là một không gian đầy màu sắc, mùi vị có khả năng đánh thức cả ngũ quan của con người: Không gian ngập mùi ổi chín/ Mùi - năm ngoái/ Đầy nước ao bèo/ Mây trắng lênh đênh (Gặp thu) mà ông khái quát thành “mùi làng” như hiện thân của một bản sắc văn hóa thật độc đáo mà ông “nguyện mang theo/ đến ngày trăm tuổi”. Điều ấy cho thấy văn hóa Việt đã ám ảnh tâm hồn ông đến dường nào: Gió chui khe bếp/ Cời đồng giấm/ Khói trấu muổi/ Nao nao một mùi làng (Mùi làng). Và đó cũng là một: không gian đứt nỗi sững sờ/ Khăn điều đãy gấm/ Ngẩn ngờ mấy chiều (Giăng tơ).
 
Với chiều sâu tâm thức từ những ký ức văn hóa, không gian văn hóa Việt trong thơ Phùng Cung còn là không gian văn hóa tâm linh với những biểu tượng văn hóa thiêng liêng của làng quê Việt Nam đã làm nên một hệ giá trị bất biến của văn hóa Việt. Đó là cái “giếng đình vắng ai” (Gặp thu); là “lũy tre xóa bóng” (Chiều xuống); là “Ao khuya nước thở thì thầm” (Đêm cuối thu); là chuyến đò đêm nơi “làng khuya” đã găm lại trong lòng thi nhân biết bao hoài niệm.
 
Lỡ đò khuya  mới về làng
Ngõ quen bước vội
Va - dấu chân em
Khô bùn để lại
Ao tím hoa bèo
Ngóng giọt - trăng khuya.
(Làng khuya)
 
Hay hình ảnh con đường làng “ngàn năm/ năng nhẹ bước âm dương” của biết bao cuộc đời người dân quê với kiếp sống nhọc nhằn trên cõi nhân gian, an nhiên trở về trong lòng đất mẹ và “Mặt đất nhẫn nhục nhọc nhằn/ xóa mọi dấu chân” (Đường làng). Để rồi, tất cả lại lặng thầm, hòa tan cùng tro bụi của phận người ở chốn hư vô.
 
Nắm xương treo - trong đất
Nhìn chẳng tới
Hiu hắt gió - cỏ may
Gài - nỗi nhớ
Tím - chiều Đông Bắc
(Viếng mộ)
 
Song nỗi ám ảnh văn hóa Việt trong thơ Phùng Cung không chỉ dừng lại ở sự cảm nhận với những hoài niệm về cảnh vật, con người, phong tục tập quán, sinh hoạt lễ hội ở làng quê Việt mà nó đã kết tinh thành lẽ sống của cuộc đời như ông đã tâm nguyện:
 
Khi tôi chết
Tôi thèm cái lặng lẽ
Ngoài vòng hương, nhạc
Nếu tái sinh
Tôi chẳng ước ao gì khác
Chỉ mong được như kiếp trước
Xó bếp đói, no
Bờ ao tắm mát
Phận cánh cò
Mưa - nắng - phong dao.
(Thanh thản)
 
3. Thiết nghĩ, những trích đoạn thơ trong bài đã nói lên nỗi ám ảnh của văn hóa Việt trong thơ Phùng Cung mà mọi lời bình giải cũng trở nên vô nghĩa và bất lực. Tình yêu văn hóa Việt, yêu cảnh sắc làng quê Việt của thi nhân như thế là tuyệt đỉnh. Tình yêu ấy đã hóa thân thành máu thịt, nhân cách, ánh sáng của tâm hồn ông và đã tan chảy trong thơ ông, tạo nên sự bất diệt của thơ ông như chính sự bất diệt của nền văn hóa Việt mà ông đã yêu thiết tha dù cuộc đời có trải qua những năm tháng nhọc nhằn, bất hạnh. Để rồi, cũng như thân phận con cò trong cao dao Việt, Phùng Cung tự nhận mình chỉ là “phận cánh cò” luôn khao khát một lẽ sống cao đẹp, không nhuốm mùi hôi tanh của chốn bùn nhơ: Có xáo thì xáo nước trong / Đừng xáo nước đục đau lòng cò con. Bởi nói như nhà thơ Hoàng Cầm: “Phùng Cung không giống như một số “nhà thơ” khác, cũng có đôi chút tiếng tăm, chỉ đứng ngoài mà nhìn vào cảnh với người ở vùng quê. Anh chính là từ máu thịt làng quê mà sinh ra, lớn lên bằng củ khoai, con ốc và những tiếng khóc lời kêu của hàng xóm láng giềng. Anh thấm đậm hồn quê, nên từng chữ, từng câu của anh đều như chạy nhảy leo trèo, bơi lội trước mắt tôi” (2). Còn Phùng Quán, khi nói về thơ Phùng Cung thì cho rằng: “Đọc thơ anh, có bài chỉ vài câu, tôi bỗng thấy thiên nhiên quanh tôi vụt giàu có lên bất ngờ và trở nên đẹp đẽ đến xao xuyến tận đáy lòng - những vẻ đẹp từ trước đến nay tôi vẫn nhìn nhưng không thấy” (3).
 
Phải chẳng vẽ đẹp trong thơ Phùng Cung là vẻ đẹp của văn hóa Việt vốn đã trở thành những nỗi ám ảnh trong tâm thức của ông. Thơ Phùng Cung vì vậy đã góp phần làm cho “giòng sinh mệnh” của văn hóa Việt mãi mãi tồn sinh như chính sự tồn sinh của dân tộc, của nhân dân, trong suốt trường kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước.
 
Theo TRẦN HOÀI ANH / Vanvn
____________
(1)  Lê Đạt, Đối thoại với đời và thơ, Nxb. Trẻ, 2008, tr. 115.
(2) (3) Phùng Cung, Xem đêm (thơ), Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2011, tr.214, 186.