Sử sách ghi lại trong một cuộc lui quân, vua Trần Nhân Tông cho khắc hai câu thơ vào đuôi thuyền rồng: "Cối Kê cựu sự quân tu ký, Hoan Ái do tồn thập vạn binh" (Cối Kê chuyện cũ, ngươi nên nhớ/ Hoan Ái vẫn còn mười vạn quân). Hoan Ái tức Thanh Hóa, Nghệ An ngày nay.
Điển tích "Cối Kê" có từ thời Xuân Thu Chiến Quốc kể Việt Vương Câu Tiễn lui quân về Cối Kê đợi thời cơ đánh Ngô vương Phù Sai. "Ngươi" (quân) ở đây là đại từ chỉ thị rộng rãi không nên hiểu chỉ là quân sĩ nhà Trần mà còn chỉ cả quân Nguyên. Ý thơ bật ra: ngày xưa Câu Tiễn ít quân mà lui binh thành công lớn, ngày nay "ta" còn cả mười vạn binh (chưa cần đến) thì việc lui binh sẽ thành công bội phần. Không chỉ tăng cường nhuệ khí quân ta, còn là lời cảnh báo cho kẻ xâm lược - những "sứ giả" gây chiến tranh hãy coi chừng!
Hình ảnh đoàn sứ bộ thời xưa!
Không chỉ là vị vua tài năng, anh minh, Trần Nhân Tông còn là nhà ngoại giao xuất sắc biết thu phục, chinh phục đối phương bằng lập trường hòa bình kiên định, bằng sự mềm dẻo biết người biết mình và một hồn thơ tinh tế. Trong tiệc chiêu đãi Trương Hiển Khanh sang sứ năm 1291 vua Trần làm bài thơ "Quỹ Trương Hiển Khanh xuân bính" (Tặng bánh ngày xuân cho Trương Hiển Khanh): "Giá chi vũ bãi, thí xuân sam/ Huống trị kim triêu tam nguyệt tam/ Hồng ngọc đôi bàn xuân thái bính/ Tòng lai phong tục cựu An Nam" (Múa giá chi rồi thử áo xuân/ Hôm nay hàn thực, buổi thanh thần/ Bánh rau đầy đặn như hồng ngọc/ Nước Việt, tục này theo cổ nhân - Trần Lê Văn dịch).
"Giá chi" là điệu múa cổ truyền Đại Việt để tiếp "sứ", tức đón tiếp bằng những gì mình có, mang bản sắc của mình. Nhân tiết hàn thực còn tiếp đãi bằng bánh rau xanh "thanh thần", nhẹ nhàng, tinh khiết. Người Việt trọng ứng xử tinh thần hơn trọng vật chất (Cách cho quý hơn của cho), chỉ là bánh rau thôi nhưng được trình bày, trang trí rất đẹp "như hồng ngọc". Lối đón tiếp lịch sự, trọng thị, chân thành ấy đã thu phục sứ giả.
Trong bài thơ họa đáp lại, Trương Hiển Khanh viết thật lòng: "An Nam tuy tiểu văn chương tại/ Vị khả khinh đàm tỉnh để oa" (Nước An Nam tuy nhỏ nhưng đã có văn chương/ Không thể nói nông cạn, xem thường họ là ếch ngồi đáy giếng). Cũng không nên hiểu "văn chương" ở đây chỉ thơ văn mà còn là văn hóa, văn hiến, cách đối nhân xử thế…
Năm 1294 tiễn hai sứ giả Lý Trọng Tân và Tiêu Phương Nhai về cố quốc, vua Nhân Tông viết bài thơ "Tống Bắc Sứ Lý Trọng Tân, Tiêu Phương Nhai" bày tỏ mong ước bang giao hòa hảo lâu dài giữa hai nước. Lời lẽ khiêm nhường kín đáo nhắc nhở vương triều tránh xảy cảnh đao binh để dân hai nước được an hưởng thái bình: "Khảm khảm linh trì noãn tiễn diên/ Xuân phong vô kế trụ quy tiên/ Bất tri lưỡng điểm thiều tinh phúc/ Kỷ dạ quang mang chiếu Việt thiên" (Sâu thẳm Linh Trì nồng rượu ấm/ Gió xuân không giữ được người về/ Chẳng hay sao sứ hai ngôi phúc/ Còn chiếu trời Nam mấy khắc khuya - Trần Lê Văn dịch).
Bối cảnh của chuyến bang giao này là Hốt Tất Liệt chết, Nguyên Thành Tông lên thay xuống chiếu bãi bỏ cuộc "Nam chinh" lần thứ tư dù đã cho binh mã áp xuống gần biên giới phía Bắc Đại Việt. Triều Nguyên cử sứ sang báo tin vua mới lên ngôi và tuyên tờ chiếu hòa bình. Như vậy đoàn sứ này hoàn toàn "vô tư".
Rất hiểu ý vua Trần, cả Lý Trọng Tân và Tiêu Phương Nhai đều có thơ họa. Bài của Phương Nhai đặc sắc hơn, ứng đối tức thì nguyên vần ngay trong bàn tiệc, có câu: "Tiệc khách mưa xuân lấm tấm rơi/ Đường về giục giã ngựa tra roi". Chỉ tiếc hai câu sau thất lạc một vài chữ Hán nhưng vẫn đủ hiểu ý: "Từ nay Nam thổ thêm vui vẻ/ Nghiêu Đế mừng chung một cõi trời". Đúng là một cuộc vui văn chương kẻ tung người hứng hân hoan, ấm áp. Bài họa của Phương Nhai cho thấy đó là người thực tài, sắc sảo. Một sứ giả như vậy cho thấy nhà Nguyên đã rất nể trọng triều Trần.
Tài ứng đối xuất sắc của vua Trần Nhân Tông thể hiện qua bài "Họa Kiều Nguyên Lãng Vận" (Họa vần của Kiều Nguyên Lãng). Năm 1301, Kiều Nguyên Lãng chức Thị lang bộ Lễ làm Chánh sứ nhà Nguyên sang nước ta. Trong buổi tiệc vua Trần chiêu đãi đưa tiễn, khách Kiều Nguyên Lãng làm bài thơ "giao đãi". Vua Trần liền có bài họa lại.
Thơ họa nghĩa là thơ đáp từ lại bài thơ của người vừa viết. Cũng là một cách đối nhưng bằng thơ. Mà thường tình thì "xuất đối dị" (ra vế đối thì dễ) còn "đối đối nan" (đối lại thì khó). Bài thơ cho thấy tác giả mang tầm một nhà thơ lớn: "Như mây bay, nhẹ bước về Nam/ Mùa Xuân, mai lác đác khoe mầm/ Vua hiền đức lớn, thương trăm họ/ Trai tài chí cả, nợ muôn dân/ Tuyết rung đầu ngựa, niềm lưu luyến/ Mắt chứa non sông, nhịp lắng thầm/ Ngày mai sóng nước sông Lô tiễn/ Bồ đào cạn chén ấm lòng trần".
Hai câu "Vua hiền đức lớn, thương trăm họ/ Trai tài chí cả, nợ muôn dân" không chỉ là "ngoại giao" ca ngợi vua triều Nguyên còn là một cách đưa ra quan điểm: người làm vua phải có "đức lớn", có tình thương dân, có "chí cả" để tất cả vì dân. Các câu sau cho thấy một hồn thơ phóng khoáng, thành tâm, đĩnh đạc, đầy niềm tin vào tình người, vào hòa bình viên mãn.
Lăng mộ Thám hoa Giang Văn Minh
Là một nước nhỏ luôn chịu sự đe dọa bành trướng, xâm lược của đế quốc phương Bắc nên công việc đi sứ của các triều đình phong kiến Việt Nam đều vì mục đích hòa bình. Chính sử cũng hầu hết nói về các cuộc đi sứ sang Trung Hoa với sứ mệnh bảo vệ cương vực, "quốc thổ" nên mỗi chuyến đi thành công sẽ "mang sức mạnh của hàng chục vạn quân". Được chọn đi sứ là một vinh dự lớn nhưng trách nhiệm cũng hết sức nặng nề, phải tài năng, học vấn sâu rộng, mưu trí, ứng đáp giỏi, đặc biệt phải bản lĩnh.
Lịch sử ngoại giao Việt Nam mãi tỏa sáng vế đối bằng vàng: "Đằng giang tự cổ huyết do hồng" tương truyền của Giang Văn Minh (cũng có thể là của các sứ giả Nguyễn Tuấn, Phùng Khắc Khoan, Trần Tụy... Gắn liền với Giang Văn Minh là một câu chuyện mang tính bi tráng nên hầu hết các giả thuyết nghiêng về vị sứ này).
Giang Văn Minh (sinh 1573) đỗ Thám hoa khóa Mậu Thìn (đời Vua Lê Thần Tông năm 1628). Năm 1637, Vua Lê cử ông đi sứ Trung Hoa. Truyện kể khi vào yết kiến, Vua Minh thử tài bằng vế đối: "Đồng trụ chí kim đài dĩ lục" (Cột đồng đến nay đã phủ kín rêu phong). Vế đối ngạo mạn, nhắc đến việc Mã Viện sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã cho dựng cột đồng khắc "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" (Cột đồng gãy, dân Giao Chỉ diệt vong). Giang Văn Minh khẳng khái đối lại: "Đằng giang tự cổ huyết do hồng" (Sông Bạch Đằng từ ngàn xưa máu vẫn còn đỏ). Vế đối đanh thép đầy khí phách anh hùng thể hiện lòng tự hào dân tộc, nhắc kẻ xâm lược nhớ lại ba lần sông Bạch Đằng nhuộm máu kẻ thù phương Bắc: Ngô Quyền (năm 938), Lê Đại Hành (năm 981), Trần Hưng Đạo (năm 1288).
Lộ ra bộ mặt hèn hạ vua Minh sai quân lính mổ bụng ông xem "sứ thần An Nam to gan lớn mật thế nào". Sau đó lại làm vẻ "đạo đức giả", vua Minh lại khen ông là người tiết tháo rồi sai lấy thủy ngân ướp xác, cho ngậm nhân sâm, đưa thi hài vào quan tài giao cho phái bộ nước Nam chuyển về nước. Đích thân vua Lê về quê ông dự lễ an táng và tặng mấy chữ: "Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng" (Đi sứ không làm nhục mệnh vua, đáng là bậc anh hùng thiên cổ). Hơn mọi bài thơ, câu chuyện ấy trở thành một tráng ca về tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc!
Hầu hết các sứ thần của ta cũng đều là nhà thơ. Đến đất nước xa lạ, đẹp đẽ nhưng tâm hồn vẫn hướng về quê nhà. Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) đỗ hoàng giáp đời vua Trần Anh Tông, năm 28 tuổi đi sứ nhà Nguyên. Ông có bài "Quy hứng" nổi tiếng: "Lão tang diệp lạc tàm phương tận/ Tảo đạo hoa hương giải chính phì/ Kiến thuyết tại gia bần diệc hảo/ Giang Nam tuy lạc bất như quy" (Dâu già lá rụng tằm vừa chín/ Lúa sớm hoa thơm, cua đang lúc béo/ Nghe nói ở nhà, nghèo vẫn tốt/ Đất Giang Nam tuy vui chẳng bằng về nhà). Bài thơ là tiếng nói của nỗi nhớ, của tình yêu quê hương da diết. Quê hương hiện lên là bãi dâu, là nong tằm, là cánh đồng lúa, là con cua. Bình dị, thân thuộc mà chất chứa tình cảm. Một vị đại quan mà có thi liệu thơ chân quê như vậy đủ nói được cái tình nồng nàn, đằm thắm với đất nước nguồn cội!
Có cả một đội ngũ tác giả thơ đi sứ, ngoài các tên tuổi kể trên còn Trần Lư, Nguyễn Tông Khuê, Nguyễn Công Hãn, Nguyễn Du, Nguyễn Kiều… Được tắm mình trong không gian văn hóa khác, nhưng tình quê, cảnh quê thì thăm thẳm da diết lại sáng tác trong một trạng thái đặc biệt nên thơ của họ tỏa ra thứ hương sắc rất riêng.
Theo Nguyễn Thanh Tú / Văn nghệ công an