Hội thảo Khoa học Thượng tướng Phùng Thế Tài - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp được phối hợp tổ chức giữa Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Hội đồng họ Phùng Việt Nam nhân Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (1920-2020) diễn ra ngày 19 tháng 12 năm 2020 tại Bảo tàng Quân chủng Phòng không - Không quân đã thành công tốt đẹp. Đây là hoạt động hết sức có ý nghĩa, thể hiện sự kính trọng và biết ơn tới các vị tiền bối cách mạng, các vị tướng lĩnh, danh nhân có đóng góp trí tuệ, công sức trong thời đại Hồ Chí Minh. Hội thảo không chỉ khẳng định và tôn vinh những người có công với nước mà còn thông qua đó đưa ra những thông điệp, những bài học lịch sử, góp phần định hướng, giáo dục thế hệ trẻ học tập, noi theo.
Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Thượng tướng Phùng Thế Tài là một đảng viên rất mực trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đồng chí là một người được rèn luyện, trưởng thành từ chiến sĩ trở nên một vị tướng có tài của quân đội ta”. Lời khẳng định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khái quát sâu sắc cuộc đời hoạt động và công lao của Thượng tướng Phùng Thế Tài.
Cuộc đời và sự nghiệp của Thượng tướng Phùng Thế Tài luôn gắn với những giai đoạn, sự kiện lịch sử tiêu biểu. Ông là một trong những người cận vệ xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1940 đến những giây phút cuối cùng của Người. Ông là một người lính quả cảm, vị Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội trong những ngày tháng cam go, khốc liệt, ngàn cân treo sợi tóc sau Cách mạng tháng Tám và Ngày toàn quốc kháng chiến. Ông là vị tướng bảo vệ bầu trời - vị Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ trên không tháng 12 năm 1972 lịch sử. Chiến công và thành tích của Thượng tướng Phùng Thế Tài đã góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Thế hệ các vị tướng lĩnh như ông đã là những dấu son quý giá góp phần làm nền tảng cho công cuộc đổi mới hôm nay.
Năm 1946 đến 1951, Phùng Thế Tài với cương vị Trung đoàn trưởng các Trung đoàn 34, 148, 37… đã tổ chức đánh địch tại Mặt trận Hà Nội. Những chiến công của quân và dân Hà Nội trong kháng chiến chống thực dân Pháp có sự đóng góp quan trọng của Trung đoàn trưởng, tiếp đó là Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội Phùng Thế Tài. Cũng trong thời gian này, Phùng Thế Tài đã cho ra đời 3 cuốn sách quan trọng để bộ đội có cẩm nang đánh giặc. Đó là Du kích địch hậu; Chiến đấu trong thành phố và Cách đánh trong làng phát hành rộng khắp để bộ đội và dân quân du kích của ta có thêm sức mạnh chiến đấu và chiến thắng.
Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Thạc sĩ Phạm Minh Quân về 3 cuốn sách của ông.
Ngoài là Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng Phòng không - Không quân từ năm 1963 tới 1967 và Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam từ năm 1967 tới 1987, cũng như là vị chỉ huy góp phần quan trọng cho chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không oanh liệt năm 1972, Phùng Thế Tài (1920 - 2014) còn là một vị chỉ huy tài ba cả trên mặt trận trên bộ. Đặc biệt, ít ai biết đến rằng ông đã có tới ba tác phẩm về lý thuyết quân sự, đó là Du kích địch hậu, Chiến đấu trong thành phố và Cách đánh trong làng, được Mặt trận Thăng Long xuất bản vào năm 1949 và lưu hành rộng rãi trong và ngoài quân đội.
Lý thuyết quân sự là một lĩnh vực nghiên cứu với mục tiêu hiểu được hiện tượng chiến tranh và những mối liên hệ của nó tới xung đột diện rộng; nó góp phần cung cấp một khung lý thuyết cho việc sáng tạo và phân tích tri thức về chiến tranh và tác chiến. Nói khác, lý thuyết quân sự chính là tri thức luận về chiến tranh. Lý thuyết quân sự, ngoài phân tích hành vi và xu hướng tiêu chuẩn trong các vấn đề quân sự, còn phục vụ không nhỏ cho việc lập kế hoạch quân sự, chiến thuật quân sự, chiến lược quân sự và hậu cần quân sự. Có thể nói, Tôn Tử được quan niệm rộng rãi là một trong những nhà lý luận quân sự đầu tiên, còn Binh pháp Tôn Tử được nhiều học giả công nhận là một công trình đầu tiên đặt nền móng cho lý thuyết quân sự.
Tại sao lý thuyết quân sự lại quan trọng? Hiểu được lý thuyết quân sự cho phép người chỉ huy thoát khỏi những khuôn mẫu gò bó đến từ nội hàm huấn luyện khô cứng, các học thuyết cũ đã không còn có tính thực tiễn, đồng thời là sự tuân thủ mù quáng những bài học kinh nghiệm đã lỗi thời. Nó giúp cho người chỉ huy hình dung được tình huống đang xảy ra và diễn biến tiến triển; nó cho phép người chỉ huy chủ động đưa ra quyết định và hành động, thay vì bị động phản ứng. Một lý do quan trọng nữa để hiểu lý thuyết quân sự là nó quyết định phong cách tác chiến của một quân đội, từ đó thúc đẩy học thuyết quân sự của quốc gia. Học thuyết quân sự của một quốc gia quy định kiểu loại, quy mô và đặc trưng của cấu trúc lực lượng vũ trang; bản chất, phẩm chất, kỷ luật và khí thế đòi hỏi ở mỗi cá nhân chiến sĩ; cùng với đó là sự ủng hộ và định hướng cần thiết từ chính phủ. Do đó, lý thuyết quân sự là tối quan trọng tới mọi khía cạnh của quân sự.
Bước ngoặt của lý thuyết quân sự hiện đại bắt đầu từ vị tướng người Phổ thế kỷ XIX, Carl von Clausewitz, cùng với tác phẩm nổi tiếng Bàn về chiến tranh được viết giữa giai đoạn 1816 và 1830 của ông. Thành công lớn của Clausewitz là đã tạo ra một khoa học quân sự với tên gọi lý thuyết quân sự. Ông định nghĩa lý thuyết quân sự là các mối quan hệ văn hóa, chính trị và kinh tế phức tạp giữa các xã hội và các cuộc xung đột mà chúng tạo ra. Bàn về chiến tranh được đánh giá là một trong những luận thuyết quân sự quan trọng nhất và là công trình lý luận quân sự mang tính chất bắt buộc, và được đưa vào làm giáo trình giảng dạy rộng rãi tại nhiều học viện quân sự trên thế giới ngày nay. Trong tác phẩm của mình, ở cấp độ vĩ mô, ông coi chính trị, kinh tế và xã hội là những nhân tố quan trọng nhất quyết định đến kết quả của một cuộc chiến tranh. Còn ở cấp độ vi mô, ông nhấn mạnh những yếu tố như tình trạng thể lực sung sức hay mệt mỏi của binh lính, những tiểu tiết sai lầm, tính không chính xác của dữ kiện, sự may rủi ngẫu nhiên khiến cho những kế hoạch rất tốt đáng lẽ thành công mà lại thất bại. Nhưng xuyên suốt tác phẩm, Clausewitz khẳng định để dẫn đến bất cứ thắng lợi nào, thì lập luận bao giờ cũng phải xuất phát từ thực tế. Lý luận quân sự phải thay đổi cùng với sự thay đổi của thực tiễn chiến tranh, cũng như phương pháp tác chiến.
Một lý thuyết quân sự khác quan trọng không kém ở thế kỷ XX, đặc biệt đối với khối Xã hội chủ nghĩa, chính là học thuyết Tác chiến chiều sâu của Nguyên soái Liên Xô Mikhail Tukhachevsky và những đồng sự ở Học viện Quân sự Frunze như A.A. Svechin, N.E. Varfolomeev, V.K. Triandafillov, G.S. Isserson. Học thuyết của Tukhachevsky đã giới thiệu thêm khái niệm nghệ thuật chiến dịch ở giữa hai cấp độ chiến lược và chiến thuật, sau này các nhà lý luận quân sự trên thế giới đã vận dụng nó làm tiền đề phát triển lý thuyết nghệ thuật chiến dịch hiện đại. Học thuyết tác chiến chiều sâu nhấn mạnh bản chất tổng lực của chiến tranh, ở đó chiến thắng không thể đạt được chỉ thông qua một trận đánh quyết định, mà phải bằng các chiến dịch tuần tự hợp lý kế tiếp nhau, mỗi chiến dịch có một mục tiêu cụ thể liên kết hướng tới một mục tiêu cuối cùng thống nhất - chiến thắng toàn diện. Tác chiến chiều sâu có hai giai đoạn: chiến thuật chiều sâu và chiến dịch chiều sâu. Trong đó, nguyên tắc xuyên suốt là ghim giữ, chia cắt và làm tê liệt đối phương trước khi tiêu diệt. Cùng với đó là tư tưởng của nghệ thuật chiến dịch, chiến thắng chung cuộc không thể đạt được bằng một số ít trận đánh quy ước, mục tiêu chiến lược không thể hoàn thành bằng các hoạt động chiến thuật riêng lẻ. A. Svechin cuối cùng tổng kết lại: “Chiến lược quyết định việc sử dụng các lực lượng vũ trang và mọi nguồn lực của đất nước để đạt được mục tiêu quân sự cuối cùng... Các trận đánh là phương tiện (thực hiện) của chiến dịch, còn chiến thuật là vật liệu cấu thành nghệ thuật chiến dịch. Bản thân chiến dịch là phương tiện của chiến lược, còn nghệ thuật chiến dịch là chất liệu cấu thành chiến lược. Đây chính là bản chất của một công thức ba thành tố.”
Những đúc kết lý thuyết quân sự của Phùng Thế Tài là kết quả của một thời gian dài và kinh nghiệm sống trải thực tiễn cách mạng, kinh qua các vị trí trực tiếp tham gia tác chiến và chỉ đạo tại địa bàn. Trong quá trình làm cận vệ cho chủ tịch Hồ Chí Minh tại Côn Minh từ năm 1940, ông đã được Người giới thiệu theo học Trường quân sự Hoàng Phố, phân hiệu tại Liễu Châu. Trong thời gian học tập tại đây, Phùng Thế Tài đã được tiếp xúc với Vasily Chuikov, người sau này là một trong những chỉ huy chính của Hồng quân trong thắng lợi của Liên Xô tại Trận Stalingrad nói riêng và Thế chiến thứ Hai nói chung và được phong nguyên soái Liên Xô sau chiến tranh, trong thời gian ông này làm cố vấn cho Tưởng Giới Thạch. Sau khi hoàn tất nhiệm vụ bảo vệ và hộ tống lãnh tụ Hồ Chí Minh vào đầu năm 1945, Phùng Thế Tài xung phong được chuyển ra đơn vị chiến đấu. Phùng Thế Tài sau đó được giao phụ trách một tiểu đội du kích chiến đấu đi về hướng Đông Khê, Thất Khê (Lạng Sơn), có nhiệm vụ vừa xây dựng cơ sở, vừa phát triển lực lượng du kích. Tại đây ông tham gia chỉ huy chiến đấu giành chính quyền tại Thất Khê và Na Sầm. Sau khi giành chính quyền ở Lạng Sơn, ông được bầu làm làm Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Lâm thời tỉnh Lạng Sơn. Khi Vệ quốc đoàn được tổ chức chính quy hóa, Chi đội Lạng Sơn trở thành Trung đoàn 28, ông được giữ chức vụ Trung đoàn trưởng. Rồi ông lần lượt nắm giữ các chức vụ các chức vụ trung đoàn trưởng Trung đoàn 34, trung đoàn trưởng Trung đoàn Sơn La, trung đoàn trưởng Trung đoàn Hà - Nam - Ninh.
Cuối tháng 11 năm 1946, ông được lệnh về làm trung đoàn trưởng trung đoàn 37 kiêm chỉ huy trưởng mặt trận Liên khu 2 ở Hà Nội. Hà Nội lúc này là một chiến khu trong số 12 chiến khu của cả nước, và được gọi là Chiến khu 11, do Vương Thừa Vũ làm chỉ huy trưởng, Trần Độ làm chính trị viên. Kế hoạch tác chiến lúc bấy giờ là chủ động tập kích những vị trí tản mát nhỏ lẻ của quân Pháp, tiêu hao một bộ phận quân địch, đồng thời chuẩn bị mọi mặt để tổ chức tác chiến dài ngày trong thành phố, đặt chướng ngại vật ngăn chặn địch, kết hợp trong ngoài liên thủ công kích. Trung đoàn 35 và Trung đoàn 37 ít lâu sau được hợp nhất thành Trung đoàn 66, ông được bổ nhiệm làm trung đoàn trưởng Trung đoàn 66. Năm 1947, ông được cử làm Ủy viên quân sự trong Ủy ban Hành chính Kháng chiến Hà Nội. Năm 1949, Phùng Thế Tài được giao nhiệm vụ Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội.
Thủ đô Hà Nội là một địa bàn quan yếu, do thực dân Pháp đã lường trướng sự phát triển của phong trào chiến tranh du kích của chúng ta, nên chúng muốn biến Hà Nội thành một căn cứ quân sự, làm tiền đề vững chắc để mở các hướng tiến công lớn ra các tỉnh trung du Bắc Bộ. Bên cạnh đó, chúng không ngừng xây dựng công sự, chốt chặn và tổ chức biệt kích lưu động càn quét lực lượng của chúng ta. Trước tình hình trên, ngày 30 tháng 3 năm 1949, mệnh lệnh “Chuẩn bị chiến trường Hà Nội” của Bộ Tổng Tư lệnh đến với các lực lượng vũ trang Hà Nội. Bản mệnh lệnh nhấn mạnh: “Hà Nội không những là địa bàn quan trọng vào bậc nhất của địch và cũng là chiến trường quan trọng của ta trong giai đoạn mới.” Chấp hành mệnh lệnh, Thành ủy và Thành đội Hà Nội chủ trương củng cố phong trào chung và gấp rút tổ chức thêm lực lượng vũ trang thành phố. Ngày 11 tháng 5 năm 1949, Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh đặt Ủy ban Kháng chiến Hà Nội trực thuộc Chính phủ, và Bộ Tổng Tư lệnh cũng quyết định thành lập Mặt trận Hà Nội. Cuối năm 1949, Phùng Thế Tài cùng Ban Chỉ huy Mặt trận đã chỉ đạo thành lập Trường Quân chính Mặt trận. Lực lượng bộ đội chủ lực và địa phương được huấn luyện bài bản và tái tổ chức theo cách khoa học, tạo đà chuyển biến tích cực cho phong trào kháng chiến của thủ đô. Song song với thời gian hoạt động ở Hà Nội, ông đã chấp bút viết Du kích địch hậu, Chiến đấu trong thành phố và Cách đánh trong làng để phục vụ cho công tác đào tạo huấn luyện và thực tiễn chiến đấu.
Với bối cảnh chiến trường là thủ đô Hà Nội, chiến đấu trong đô thị được đặt lên hàng đầu. Chiến tranh đô thị chủ yếu là giao tranh diễn ra trong khu vực đô thị, nên có những đặc điểm khác với chiến tranh không gian mở ở cả cấp độ chiến dịch lẫn cấp độ chiến thuật. Trong chiến tranh đô thị xuất hiện những yếu tố khó lường, bao gồm sự hiện diện của thường dân và địa hình nhà cửa phức tạp. Phùng Thế Tài đã viết tác phẩm Chiến đấu trong thành phố khi cân nhắc nhận định những tình huống ở thực tại. Ông nêu những khó khăn cơ bản khi giao tranh trong thành phố: Trọng pháo hay phi cơ bớt mất phần hiệu quả; Khó chỉ huy: bộ đội dễ mất liên lạc với nhau; Khó quan sát trong khi chiến đấu; Hỏa lực bắn thẳng ít hiệu quả; Dễ bị bao vây; Khó vận dụng những binh lực lớn; Đánh đêm dễ bị lộ. Bên cạnh đó, ông thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trước đó của quân đội chúng ta, như kỹ thuật non kém, coi thường quân địch, chiến đấu hỗn loạn và kỷ luật bừa bãi. Từ hai vấn đề được nhận diện trên, Phùng Thế Tài nhấn mạnh khâu điều tra như một điều kiện tiên quyết trong phương pháp chiến đấu trong thành phố. Trong tình hình địch chiếm đóng đa số thành phố của ta, địa vị của ta là khách còn địch là chủ. Do đó, trước khi tấn công phải vận dụng mọi biện pháp điều tra kỹ lưỡng địa hình địa vật và tình hình địch để có cái nhìn bao quát nhất về ổ tác chiến của địch, rồi đưa ra cách tiếp cận phù hợp nhất nhằm tối ưu tiêu hao sinh lực địch và tối thiểu thương vong cho lực lượng lẫn dân chúng.
Được trang bị tài liệu cũng như nhận sự chỉ đạo trực tiếp từ chỉ huy Phùng Thế Tài, Mặt trận Hà Nội đã giành được nhiều chiến thắng quan trọng như cuộc tập kích sân bay Bạch Mai, tấn công các vị trí mang tính biểu tượng quan trọng như phòng thông tin Bờ Hồ, cổng chào vườn hoa Chí Linh, phục kích địch tại Lò Đúc, Việt Nam học xá, Cột Cờ, treo cờ đỏ sao vàng lên tháp Rùa hồ Gươm… Ngoài ra những cơ sở vật chất như kho hậu cần, bốt điện cũng bị lực lượng ta tấn công thành công. Ðại tá Trần Bi, nguyên Chính trị viên Ðội vũ trang tuyên truyền Trung đoàn 48 Thăng Long thuộc Tiểu đoàn 185 Mặt trận quân sự Hà Nội, Chính trị viên Quận nội thành Hà Nội hồi tưởng lại thời gian này và về Phùng Thế Tài như sau: “Sau khi củng cố tổ chức, chúng tôi được giao nhiệm vụ phối hợp với lực lượng quân sự quận IV đánh vào các đồn bốt của địch như cầu Long Biên, khu xăng Cầu Ðất, bốt Hàng Ðậu, Nhà in Ideo, bốt Yên Phụ, bốt Nhật Tân, bốt Liễu Giai, bốt Tam Ða, đồn Yên Thái. Cùng lúc, các đơn vị phía nam cũng bắn vào sân bay Bạch Mai, Sở toàn quyền... nhằm gây hoang mang trong quân địch, góp phần chia lửa với bộ đội trên các chiến trường. Những trận đánh lớn nhỏ của lực lượng quân sự Hà Nội là một tín hiệu báo cho nhân dân biết, cách mạng luôn ở bên họ và sự trở lại của Chính phủ Cụ Hồ chỉ còn là thời gian. Vừa đi, đồng chí Tiến Ðức, Bí thư Quận ủy nội thành Hà Nội, vừa giao mệnh lệnh của Thành ủy Hà Nội cho tôi phải nghiên cứu, phá các biến thế điện phục vụ quân sự của địch. Thực hiện nhiệm vụ của cấp trên, tôi cử người đến liên lạc với ông Ðạt, ở gác hai nhà 28 phố Cửa Bắc. Qua vận động thuyết phục, ông Ðạt đồng ý giao chìa khóa 22 trạm biến thế để ta copy mẫu chìa đánh thêm một chùm chìa khóa khác chủ động mở khóa các trạm điện bất cứ lúc nào. Mìn nổ chậm được đem từ hậu phương vào phục vụ trận đánh. Trước khi làm nhiệm vụ, anh Phùng Thế Tài căn dặn: Sau khi mở cửa đặt mìn ở các trạm điện, phải khóa lại và bỏ mấy viên sỏi vào ổ khóa, mục đích không để ai vào được khu vực nguy hiểm, cũng nhằm ngăn cản sự phát hiện của địch. 13 giờ ngày 24 tháng 1 năm 1950, nhiều trạm biến thế điện ở Hà Nội bất ngờ nổ tung, đèn điện đồng loạt vụt tắt. Ðịch hoảng hốt phải rút quân đang càn quét ở Liên khu III về Hà Nội và cử một tiểu đội ngày đêm túc trực canh phòng nghiêm ngặt các trạm điện.”
Phùng Thế Tài là người nhận ảnh hưởng lớn từ quan điểm tư tưởng quân sự của chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là quan niệm dân quân du kích là một lực lượng chiến lược quan trọng. Vào năm 1941, Hồ Chí Minh đã viết cuốn Cách đánh du kích, gồm 13 chương, được phổ biến rộng rãi trong vùng căn cứ Cao - Bắc - Lạng từ năm 1941 đến năm 1945. Cuốn sách đã được dùng làm tài liệu huấn luyện tại các trường quân chính ở Việt Bắc trong những ngày chuẩn bị Cách mạng tháng Tám. Phát triển quan niệm về chiến tranh du kích của Hồ Chí Minh, Phùng Thế Tài đã viết Du kích địch hậu và Chiến đấu trong làng.
Cần phải nói thêm rằng, loại hình chiến tranh mà thực dân Pháp vận dụng chủ yếu ở chiến trường Đông Dương là sự kết hợp giữa chiến tranh cơ động (maneuver warfare) và chiến tranh tiêu hao (attrition warfare). Trên cơ sở phân tích bốn chiến dịch của Pháp trong giai đoạn 1946 - 1954, bao gồm chiến dịch Léa năm 1947 (theo cách gọi của ta Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947), trận Hòa Bình năm 1951, chiến dịch Lorraine năm 1952 và chiến dịch Camargue năm 1953, đồng thời dựa trên các chỉ báo như hỏa lực, tốc độ, cách tiếp cận, trọng tâm, nắm giữ vị trí, kế hoạch chiến đấu, phục kích và/ hoặc nghi binh, cho thấy: ở cấp độ chiến lược, chiến tranh cơ động được thể hiện hầu hết ở các chiến dịch. Các mục tiêu chiến lược được đưa ra dựa trên tư duy theo chiến tranh cơ động, do đó ở cấp độ chiến dịch thực dân Pháp thường có xu hướng sử dụng chiến tranh tiêu hao để đạt được các mục tiêu chiến lược. Nhưng ở cấp độ chiến thuật, địch sử dụng chiến tranh tiêu hao để đánh bại đối thủ. Khi chiến tranh bắt đầu kéo dài, thực dân Pháp bắt đầu có xu hướng thiên về chiến tranh tiêu hao hơn. Kết luận chung, các chiến dịch của Pháp trong chiến tranh Đông Dương có cơ sở dựa trên chiến tranh cơ động nhưng lại thực hiện theo lối chiến tranh tiêu hao.
Trong Du kích địch hậu, Phùng Thế Tài nhận diện ban đầu thực dân Pháp chủ trương tốc chiến tốc thắng, nhưng do không đạt được kết quả và ngày một lún sâu vào chiến trường, địch đã phải chuyển sang dùng chiến thuật “Vết dầu loang”: “sau khi đã củng cố một vị trí chiếm được, chúng mở thêm nhiều cứ điểm nhỏ chung quanh. Chúng tiến tới thành lập hội tề, vơ vét của cải, bóc lột dân chúng, kén mộ ngụy binh. Với đà lan dần này, chúng mong thu hẹp phạm vi đất đai của ta, rồi tiến tới thôn tính toàn thể lãnh thổ nước ta.” Và để đối phó lại chiến thuật này của Pháp, Phùng Thế Tài đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến thuật chiến tranh du kích: “một mặt ta chặn không cho địch lan tràn thêm, ta tiêu diệt những đồn lẻ của địch, dồn hẹp phạm vi của địch lại, một mặt ta lọt hẳn vào lòng địch, vào vùng tạm bị chiếm đóng nhất là những nơi trung tâm chính trị, kinh tế của địch như các đô thị, các miền kỹ nghệ để biến hậu phương địch thành tiền tuyến của ta và đối phó lại với chính sách càn quét, tàn phá hậu phương ta.” Đây chính là mấu chốt của chiến thuật đối ứng mang tên “du kích địch hậu,” trong đó xây dựng và phát triển cơ sở du kích để hoạt động trong vòng địch hậu là ưu tiên hàng đầu. Để đạt được nhiệm vụ này, ông đề cao vai trò của công tác tuyên truyền phát động và đưa ra những biện pháp để trả lời cho câu hỏi tuyên truyền trong vùng địch phải làm thế nào? Cách thức tổ chức và hoạt động du kích địch hậu cũng được tác giả liệt kê tỉ mỉ, thậm chí là cả cách thuyết phục chính quyền bù nhìn và công tác địch vận. Phùng Thế Tài đã đưa những minh chứng thắng lợi khi phát triển được chiến tranh du kích mạnh mẽ trong vùng địch hậu như Hà Nam, Bắc Ninh và Yên Bái.
Bên cạnh mặt trận đô thị và vùng địch hậu, thì mặt trận nông thôn trung du cũng là một sân khấu chính yếu và nóng bỏng trong kháng chiến chống Pháp. Cách đánh trong làng được Phùng Thế Tài viết nhằm đáp ứng yêu cầu về một cẩm năng huấn luyện du kích và tác chiến trong làng. Giống như Clausewitz đề cao phương diện tâm lý - tinh thần của mỗi người lính, ngay trong phần quan niệm về phương hướng huấn luyện du kích địch hậu, Phùng Thế Tài đã chỉ rõ không chỉ huấn luyện cho mỗi người du kích các khía cạnh về quân sự như kỹ thuật, chiến thuật, mà còn phải huấn luyện cho họ cả những khía cạnh về giác ngộ chính trị và trình độ văn hóa. Có như vậy, người du kích mới trở nên toàn diện, kỷ luật tốt, nhanh tiếp thu tri thức quân sự và có tinh thần sẵn sàng trong chiến đấu. Điều này khẳng định niềm tin của Phùng Thế Tài vào những chi tiết nhỏ nhất cũng sẽ làm nên thắng lợi lớn. Hai điểm then chốt trong chiến đấu trong làng của Phùng Thế Tài là xây dựng làng kháng chiến và có kế hoạch bố trí đánh trong làng. Làng kháng chiến là một chiến trường quy mô nhỏ để đánh địch, phát huy triệt để ưu thế của chính tranh du kích, là nền tảng để thực hiện nhân dân chiến tranh, phá âm mưu vết dầu loang của địch. Tận dụng cơ sở là làng kháng chiến, có thể tổ chức bố trí cho địch đến mà đánh và đánh địch khi chúng đóng lại trong làng. Như vậy, phát huy triệt để được thế mạnh của chiến tranh phi đối xứng tức chiến tranh du kích, lấy ít địch nhiều, vận dụng kết hợp sáng tạo giữa phục kích chiến, địa lôi chiến, quấy rối và phá hoại, khiến cho lực lượng địch bị tiêu hao, tạo cho địch cảm giác hoang mang lo sợ, bạc nhược mệt mỏi. Mặt khác, mô hình làng kháng chiến cũng góp phần cố kết tinh thần toàn dân chống giặc, đánh giặc cứu nước không phải là bổn phận chỉ riêng bộ đội mà còn là sự hiệp lực tập thể của toàn dân.
Tựu trung, ba tác phẩm Du kích địch hậu, Chiến đấu trong thành phố và Cách đánh trong làng cho thấy một phương diện khác của Phùng Thế Tài, với tư cách là một nhà lý thuyết quân sự. Hiển nhiên, lý thuyết quân sự của ông bắt nguồn từ thực tiễn xương máu trận mạc. Ông không đơn thuần là một vị tướng cầm quân, mà còn là một người am hiểu về sự vận hành của chiến trường và những chi tiết nhỏ làm nên thắng lợi của cuộc chiến lớn.
Thạc sĩ Phạm Minh Quân - Viện Nhân học Văn hóa
Sau đây là một số hình ảnh:
Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Phùng Thế Tài và Tư lệnh Hải Quân Nguyễn Bá Phát
với Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Phùng Thế Tài với lãnh đạo Đảng và Quân đội
Hội đồng họ Phùng Việt Nam trao tặng sách Thượng tướng Phùng Thế Tài - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp
cho lãnh đạo Quân chủng Phòng không - Không quân
Một số tác phẩm của Thượng tướng Phùng Thế Tài, viết về Thượng tướng Phùng Thế Tài
Thiếu tướng Phùng Thế Quảng (con trai Thượng tướng Phùng Thế Tài) và Tiến sĩ Phùng Quốc Hiển
(nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) tại Hội thảo khoa học
Thượng tướng Phùng Thế Tài - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp