TIẾN SĨ PHÙNG THẢO,
MỘT TRÁI TIM MỘT CON ĐƯỜNG PHÙNG TỘC
Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI
Tôi không nhớ lần đầu gặp Tiến sĩ Phùng Thảo ở đâu, đã nói những chuyện gì với ông bởi ông luôn khá lặng lẽ và khiêm nhường. Ấy vậy mà, dường như rất nhanh, như có một cơ duyên khác thường, tôi và ông đã làm việc liên tục với nhau tròn mười năm. Mười năm ấy, cũng lạ thường, đắm mình trong công việc, đắm mình trong những niềm vui được làm việc, có khi là thâu đêm suốt sáng, khi là những chuyến đi vài ba ngày qua các tỉnh thành phía Bắc, phía Nam. Càng gần và làm việc với Tiến sĩ Phùng Thảo, tôi cảm nhận được rất rõ trái tim ông chỉ duy nhất một con đường - con đường Phùng tộc. Con đường ấy đã chọn ông hay ông đã chọn con đường ấy cũng chỉ là một, để mở ra những chân trời. Chân trời kiến thức. Chân trời niềm tin. Chân trời cành nhánh xum xuê ấm áp trong dòng chảy tộc Phùng.
Tiến sĩ Phùng Thảo trong Lễ thành lập Hội đồng họ Phùng Quảng Nam - Đà Nẵng 2018
Mười năm, khoảng thời gian đủ để người ở độ tuổi như tôi thấm thía và học hỏi, nhận thức và thực hành hứng khởi nhất những công việc mà mình cho là hữu ích. Cái việc dòng tộc ấy, nói vui với nhau là cơm nhà vác tù và hàng tổng sao nó vẫn hấp dẫn, vẫn cho mình nhiều kiến thức đến thế. Không có những người đầy tâm huyết như ông, như Trung tướng Phùng Khắc Đăng, vợ chồng anh Phùng Hệ - Nguyễn Thị Mạch, vợ chồng Thạc sĩ Phùng Tiến Lực, các nhà văn, giáo sư, tiến sĩ không phải họ Phùng đều một mực tâm huyết với họ Phùng như: Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Dương Trung Quốc, Hoàng Quốc Hải, Đinh Công Vỹ, Bùi Duy Tân, Trần Lê Sáng, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Tài Thư, Mai Hồng ,Trần Ngọc Vương, Nguyễn Hữu Sơn, Đỗ Lai Thúy, Nguyễn Thanh Tú, Đinh Phong, Ngô Minh, Phạm Xuân Nguyên, Trương Sĩ Hùng, Đặng Văn Sinh, Tạ Đức, Phan Duy Kha, Vũ Bình Lục, Nguyễn Tá Nhí, Nguyễn Hữu Tâm, Phạm Minh Đức, Phan Thị Bảo, Nguyễn Văn Sơn, Phạm Minh Quân… có người đã mất, có người đã bước sang ngưỡng U90 có người còn đang ở thế hệ 9X thảy đều dốc hết tâm sức với tiền nhân họ Phùng. Điều đó cho chúng tôi không chỉ là niềm tin mãnh liệt mà còn là sự cống hiến không biết mệt mỏi trong dòng chảy tộc Phùng. Chính những con người ấy vừa là động lực vừa như dòng sông an lành chan chứa phù sa ấm áp trong công cuộc tường minh, vinh danh những người con ưu tú họ Phùng trong tiến trình lịch sử.
Tiến sĩ Phùng Thảo dự ngày giỗ Tổ họ Ngô tại Đường Lâm năm 2018
Trong mười năm ấy, tôi may mắn được cộng tác cùng ông, vừa tổ chức vừa biên tập và cho ra đời 7 đầu sách quan trọng của dòng họ Phùng. Có cuốn sách ông còn phải đứng ở vai trò chỉ đạo cùng với Trung tướng Phùng Khắc Đăng. Chúng tôi cũng chưa bao giờ đặt ra ranh giới máy móc của người chỉ đạo. Ai cũng phải làm công tác biên tập vì chất lượng tập sách. Phải thò bút vào dù chỉ là một dấu phẩy, một hoài nghi. Đặc biệt phải có tư duy chiến lược sâu rộng, sự hoạch định bài bản, sự công phu tỉ mỉ mới có thể đem tới chất lượng mà dòng họ và độc giả yêu cầu. Hàng ngàn trang sách, phần lớn liên quan tới lịch sử, văn hóa tới nay chưa có sai sót gì lớn, đã làm ấm lòng, đã gợi mở sự tìm tòi của hàng ngàn, hàng vạn độc giả trong đó không ít người là các giáo sư, tiến sĩ hàng đầu của mọi lĩnh vực thật không dễ dàng gì. Ấy vậy mà mọi chuyện được tiến hành khá bình an, luôn hài hòa, bổ sung thực chất lẫn nhau, phát huy được thế mạnh của từng người và đặc biệt là rất công bằng và khoa học.
Bộ sách với sự tâm huyết của Tiến sĩ Phùng Thảo cùng Hội đồng họ Phùng Việt Nam thực hiện trong 10 năm (2009-2019)
Các đầu sách tiêu biểu ấy là một tự hào ấm áp của dòng tộc Phùng. Đó là: Họ Phùng Việt Nam tập 1; Họ Phùng Việt Nam tập 2; Họ Phùng Việt Nam tập 3; Phùng Khắc Khoan - Hợp tuyển thơ văn; Phùng Khắc Khoan - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp; Bác sĩ Phùng Văn Cung với Cách mạng miền Nam; Thái phó Phùng Tá Chu - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp; Bố Cái Đại vương Phùng Hưng - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp. Nhiều nghìn trang sách liên quan kim cổ đông tây; từ lịch sử, chính trị, quân sự, văn hóa, kinh tế, triết học, khoa học, văn học, phả học, tộc học tới cuộc sống đời thường của hàng chục, hàng trăm cành nhánh họ Phùng trong suốt bốn nghìn năm lịch sử. Đó là vị vua anh hùng giải phóng dân tộc Bố Cái Đại vương Phùng Hưng từng lãnh đạo nhân dân trường kỳ kháng chiến trên hai mươi năm đánh đổ ách đô hộ của nhà Đường giành độc lập dân tộc, xưng vương lập nước. Trạng Vật Phùng Thanh Hòa - Hữu tướng quân thời Lý Nam Đế từng mộ binh đánh giặc Lương tham gia dựng nước Vạn Xuân ở độ tuổi đôi mươi cùng với các khai quốc công thần như Tinh Thiều, Phạm Tu, Triệu Túc, Triệu Quang Phục. Thái phó lưỡng triều Lý - Trần Phùng Tá Chu, một chính khách nổi danh trong lịch sử, từng cùng với Thái sư Trần Thủ Độ thiết kế cuộc chuyển giao quyền lực êm thấm giữa hai vương triều Lý - Trần, để sau này có nền tảng quốc lực dồi dào ba lần đại thắng đế quốc Nguyên - Mông. Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan - vị trạng dân phong bảy mươi tuổi còn đi sứ phương Bắc làm rạng danh Đại Việt. Trong thời đại Hồ Chí Minh, những trí thức, vị tướng, anh hùng như Phùng Văn Tửu, Phùng Thế Tài, Phùng Lưu, Phùng Quang Thanh, Phùng Khắc Đăng, Phùng Quốc Hiển, Phùng Quang Bích, Phùng Bá Thường, Phùng Văn Khầu, Phùng Hữu Phú kế tiếp truyền thống họ Phùng. Đặc biệt là bác sĩ Phùng Văn Cung, một trí thức lớn từng giữ nhiều trọng trách trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, người được Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quý trọng… đều được Tiến sĩ Phùng Thảo trực tiếp vừa viết bài vừa tham gia hoạch định, tổ chức, thực hiện để có được những sản phẩm là những trang sách ưng ý nhất.
Các thành viên tâm huyết gặp gỡ năm 2009 chuẩn bị mọi mặt tổ chức Ban liên lạc họ Phùng Việt Nam nay là Hội đồng họ Phùng Việt Nam: Phùng Văn Khai, Phùng Văn, Phùng Thảo, Phùng Khắc Đăng, Phùng Tất Văn, Phùng Hệ, Phùng Thiên Tân, Phùng Quang Nghênh
Tôi rất nhiều lần có những chuyến đi với ông. Để có các cuộc Hội thảo, nền tảng trước tiên là những chuyến điền dã thẳng xuống các vùng đất, tìm hiểu ngọn ngành các di chỉ văn hóa, những mách bảo từ dân gian. Con người Việt Nam rất lạ. Mọi dở hay công trạng của con người và các triều đại đều nằm ở trong nhân dân, thẳm sâu, mãi mãi truyền đời nối giữ. Mạch chính thì rành rành ở các bia ký, sắc phong. Mạch ngầm thì ngấm rất sâu trong lòng dân vốn bao la như biển. Trở về ngọn nguồn ấy, mọi hoài nghi đều được sáng tỏ. Những bỡ ngỡ được vun đầy. Kiến thức từ những chuyến đi thật vô cùng vô tận. Mới thấy rằng, việc học ở nhân dân mới là sự học vẹn toàn nhất. Từ những chuyến đi, biết bao ý tưởng đã hình thành, theo thời gian trở thành hiện thực. Những khó khăn tưởng chừng không bước được qua chính nhân dân sẽ cầm tay anh để dắt qua một cách nhẹ nhàng. Càng ngày, tôi càng hiểu lý do Tiến sĩ Phùng Thảo đi điền dã về các vùng đất, đến với các đình chùa, đến với các tầng lớp nhân dân chính là sự học hỏi đến tận cùng. Ông sinh ngày mồng 1 tháng 1 năm Kỷ Sửu (1949), ở cái tuổi đã từ lâu nghiệm được mọi thành bại được mất ở đời, lại từng đảm đương các cương vị, trọng trách nơi đầu sóng ngọn gió hàng chục năm trong công cuộc chuyển động dữ dội của đất nước. Tiến sĩ Phùng Thảo gần 20 năm tham gia Thành ủy Hải Phòng, Giám đốc - Tổng Biên tập Đài Phát thanh Truyền hình Hải Phòng, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng và chức vụ khi nghỉ là Chánh văn phòng Ban Tuyên giáo Trung ương, hẳn cái nhìn về thời cuộc, về nhân tình thế thái chắc chắn là rất sâu sắc. Ấy vậy mà ông luôn tình nguyện công việc không tuổi không tên tộc Phùng giao phó. Cũng chẳng ai giao việc cho ông bằng văn bản. Tất cả chỉ là những trái tim đồng điệu chung một con đường phát triển bền vững của dòng họ Phùng. Cứ thế, mọi người tâm truyền cho nhau để cùng đi và mãi mãi kề vai sát cánh trên con đường ấy.
Tiến sĩ Phùng Thảo tại khu Đền Cao - Tây Đằng - Ba Vì - Hà Nội
nơi có phần Lăng mộ Thái phó Phùng Tá Chu
Tiến sĩ Phùng Thảo trước tiên rất nặng lòng với quê hương. Ông thường lặng lẽ đi về nơi quê cha đất tổ với tâm thế của một người con bình dị như bao người con khác. Những cống hiến của ông được bắt nguồn từ rất sâu xa mà một người trí thức như ông đã tự hoạch định mỗi đường đi nước bước vừa chu đáo vừa khoa học để có được những sản phẩm văn hóa hữu hình như khu miếu thần thờ tổ, những quyết định công nhận di tích lịch sử văn hóa của cụm di tích thờ Điện tiền Chỉ huy sứ Phùng Long Tương và Điện tiền Đô Thái chúa Phùng Đại Liệu. Đây là hai vị viễn tổ họ Phùng có công với nước ở làng Áng Sơn, xã Thái Sơn, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng, cũng chính là quê cha đất tổ của Tiến sĩ Phùng Thảo. Thời gian dẫu phủ bóng lên miếu đền di chỉ, con người dẫu đi góc bể chân trời đều một lòng một dạ hướng về cội rễ. Người họ Phùng ở nơi đâu đều biết tìm đến và khơi nguồn sáng trong với mong ước truyền dạy con cháu biết sống trung hậu lễ nghĩa ở đời. Những người đi tiên phong như Tiến sĩ Phùng Thảo, đã biết luôn phải gạt đi những riêng tư, những bất đồng do sự hiểu biết còn hạn chế, cả do sự khốn khó trong công cuộc mưu sinh mà kết đoàn nhau lại để thực hiện từng công việc có ích trước liệt tổ liệt tông. Khu nhà thờ tổ, các cụm đền thờ, miếu thờ của tộc Phùng ở nơi đây đều có công sức, đặc biệt là trí tuệ rất lớn của ông. Tôi thấy hiếm người nào dày công vì quê cha đất tổ như Tiến sĩ Phùng Thảo. Từ một tuần tiết giỗ chạp ông bà cụ kỵ đến những việc lớn như xây dựng và đề xuất để các cấp có thẩm quyền công nhận khu di tích lịch sử văn hóa cho các bậc họ Phùng có công với nước đều được vị tiến sĩ vốn chuyên ngành khoa học lịch sử từng học tập, được đào tạo bài bản ở Liên Xô (nay là Liên bang Nga) cần mẫn thực hành đến nơi đến chốn. Chính quyền của ta, dẫu là việc rất đáng làm nhưng thủ tục và cả hủ tục nữa luôn tầng tầng lớp lớp thử thách lòng dạ con người. Rồi trong họ ngoài làng. Rồi trong cành nhánh cũng người đồng thuận, người chưa đồng thuận. Ở cái việc vác tù và hàng tổng ấy, thực không dễ dàng đâu. Nếu không phải là người mát tính mát nết, biết nhường nhịn đến tận cùng chắc chắn là hỏng việc. Ấy vậy mà, đúng là tổ tông phù hộ độ trì vị tiến sĩ cũng kiên cường kiên gan nên mọi sự đều thông suốt cả. Ở những cành nhánh khác, nhiều khi họp hành đến thối đất thối cát mà công việc vẫn y nguyên chỗ cũ. Đây cũng là bản tính và nghị lực rất khác thường của ông, người luôn lấy công việc làm thước đo, lấy thực hành cao hơn mọi lý luận trên giấy, lấy vẻ đẹp của sự kết đoàn để định hướng cho chính cuộc đời mình.
Tiến sĩ Phùng Thảo, Trung tướng Phùng Khắc Đăng cùng các thành viên
dự Hội thảo Phùng Hưng tại Văn Miếu
Chuẩn bị cho Hội thảo khoa học Họ Phùng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước ngày 19 tháng 3 năm 2011 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, từ hàng năm trước đó, nhận nhiệm vụ viết về Đô đốc, Thượng tướng quân Phùng Phúc Kiều, Tiến sĩ Phùng Thảo đã chủ động tìm tới thị xã Cửa Lò tỉnh Nghệ An nơi thờ Thượng tướng Phùng Phúc Kiều. Đô đốc Phùng Phúc Kiều sinh năm 1724 dưới thời vua Lê Dụ Tông tại làng Lộc Kén, xã Hiếu Hạp, huyện Chân Lạp, tỉnh Nghệ An (nay là xã Nghi Thu, thị xã Cửa Lò). Theo tộc phả họ Phùng ở Nam Cường, Nam Đàn, Nghệ An, họ Phùng trong đó có thủy tổ Đô đốc Phùng Phúc Kiều, ông chính là hậu duệ của quan Hành khiển Phùng Sĩ Chu thế kỷ 13 thời Trần, một nhánh họ Phùng có nhiều danh tướng, danh thần, công hầu tế thế có công với dân, với nước. Lần đầu tiên họ Phùng tổ chức Hội thảo khoa học còn nhiều bỡ ngỡ, song những người như Trung tướng Phùng Khắc Đăng, Tiến sĩ Phùng Thảo, Giáo sư Phùng Hữu Phú đã có không ít kinh nghiệm về tổ chức Hội thảo trên cương vị xã hội của mình. Thực người thực việc. Vào tận nơi tìm hiểu ngọn ngành thông qua gia phả, huyền tích dân gian. Những nhân vật lịch sử gần hoặc xa dẫu thiếu thốn nhiều về tư liệu, là những ca khó anh em họ Phùng, đặc biệt là Tiến sĩ Phùng Thảo đều xung phong viết. Ông đi điền dã rất cẩn thận. Sau này khi cùng ông nhiều lần trở đi trở lại mảnh đất Nghệ An để tìm hiểu các danh nhân lịch sử họ Phùng tôi càng thấm thía điều này. Có những chuyến đi kết quả không như ý muốn nhưng ai cũng vui vẻ có thêm bài học ở đời. Các anh chị công tác tại Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh Nghệ An ai cũng trầm trồ trước đức tính sâu sát tỉ mỉ đến tận cùng của vị tiến sĩ họ Phùng người Hải Phòng với sự đắm say kỳ lạ trước các danh nhân dòng tộc.
Nói về những chuyến đi, Tiến sĩ Phùng Thảo không ít khi đi điền dã một mình. Tôi đã từng tổ chức cho bảy vị Phó giáo sư, Tiến sĩ, nhà nghiên cứu đi thành đoàn thành đội tiền hô hậu ủng chu toàn, đến có người tiếp, cần tìm hiểu gì thì chính quyền và nhân dân cơ bản đáp ứng, lại rất đúng chuyên ngành nghiên cứu của các vị ấy mà kết quả cuối cùng là gì? Giục giã mãi, chỉ hai trên bảy vị có được bài viết ở mức trung bình. Còn lại đều là sự hứa hẹn mông mênh với nhau. Như thế đủ thấy, ý thức nghề nghiệp, đặc biệt là cái tâm với cội nguồn lịch sử của chúng ta, trong đó có giới trí thức vẫn còn nhiều điều đáng bàn, thậm chí là đáng báo động. Cũng bởi vậy, xuất phát từ thực tiễn, từ kinh nghiệm sát sườn, Hội đồng họ Phùng Việt Nam thường ngay từ đầu đã biết trông giỏ bỏ thóc, tiến hành công việc theo lối chuyên sâu, phát huy và khai thác thế mạnh của từng nhà khoa học, nhà văn, nhà nghiên cứu, đặc biệt là luôn đồng hành và sẵn sàng trở thành người viết tiên phong trong bất kỳ cuộc Hội thảo Khoa học nào.
Tiến sĩ Phùng Thảo trong một cuộc đi điền dã, làm việc với Bí thư xã Đường Lâm Phan Văn Lợi
Một người luôn đi tiên phong trong các cuộc hội thảo là Tiến sĩ Phùng Thảo.
Người họ Phùng ăn thật ở hiền, tính khí dẫu chất phác thô mộc nhưng đã nói là làm. Đã đi là đến. Dù một mình cũng đi. Tự mình phân công mình đi chứ chẳng ông chủ tịch nào bắt buộc phải đến nơi đền miếu ấy. Tôi và nhà văn Hoàng Quốc Hải đã phát hoảng khi thấy rành rành Tiến sĩ Phùng Thảo lũi cũi xe máy xe ôm đi vài chục đình đền nơi có thờ Bố Cái Đại vương Phùng Hưng ở bảy tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nghệ An) phía Bắc để tìm hiểu thực hư ngọn ngành nội dung và hình thức của các nơi thờ Phùng Hưng. Nhà văn Hoàng Quốc Hải cũng là một tấm gương đi điền dã đã trên nửa thế kỷ cũng phải phục lăn vị tiến sĩ lịch sử. Có dạo, nhà văn Hoàng Quốc Hải đi điền dã hai năm liền vào khảo sát hệ thống tháp Chàm ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa… đến mức cơ quan phải gửi tiền lương vào cho ông chi dùng. Hiện nay, tuổi đã ngoài tám mươi, nhà văn Hoàng Quốc Hải không tháng nào không đi điền dã. Hàng ngàn trang sách lịch sử của các vương triều Lý - Trần sinh động và sâu sắc có được từ những cuộc đi điền dã chứ đâu. Chính ông cũng đã truyền cho tôi sự ham đi. Điều này đã là một thuận lợi lớn khi tôi cùng với Tiến sĩ Phùng Thảo, các bậc cha chú khác miệt mài trong công việc tộc Phùng.
(Mời bạn đọc đón xem kỳ 2)