(Thứ năm, 23/05/2019, 04:44 GMT+7)

Tiểu thuyết lịch sử Phùng Vương

Giải mã và sáng tạo người anh hùng Bố Cái Đại Vương

 

Nhà nghiên cứu Vương Duy Miên

 

    Truyện viết về cuộc khởi nghĩa của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng chống ách đô hộ nhà Đường năm 791 giành thắng lợi đã có một số nhà văn viết. Những tập văn ấy đa số là nhỏ bé, lẻ tẻ. Nhà văn Nguyễn Tử Siêu (1887-1965) viết truyện Bố Cái Đại Vương có khá hơn song chỉ là một truyện dài kết cấu sơ sài, tình tiết đơn giản, thiếu logic. Phải đến năm 2015, Nhà văn Phùng Văn Khai ra mắt bạn đọc cuốn tiểu thuyết lịch sử Phùng Vương, một tác phẩm văn học viết về cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng khá hay được bạn đọc đón nhận, các Nhà nghiên cứu phê bình văn học sử ngợi khen. Tiểu thuyết Phùng Vương có thể sánh vai với các tác phẩm Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác, Thăng Long nổi giận, Bão táp cung đình của Hoàng Quốc Hải, Giàn thiêu của Võ Thị Hảo…

   Tác giả cuốn tiểu thuyết lịch sử Phùng Vương là Nhà văn quân đội Phùng Văn Khai. Ông quê ở Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên, đã tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du. Ông hiện công tác ở Tạp chí Văn nghệ quân đội. Nhà văn Phùng Văn Khai đã xuất bản hai tập tiểu thuyết, ba tập truyện ngắn, hai tập thơ và nhiều tập bút ký.

   Cuốn tiểu thuyết lịch sử Phùng Vương dày 630 trang, được chia thành 33 hồi. Mỗi hồi là một câu chuyện, một sự kiện lịch sử, nó như một sợi chỉ xuyên suốt thời gian, gắn kết với nhau chặt chẽ từ lúc cuộc khởi nghĩa manh nha ban đầu đến khi giành được thắng lợi hoàn toàn, thu lại giang sơn đất nước. Nhà văn Phùng Văn Khai dựa vào lịch sử, hư cấu, tái hiện lại lịch sử, sáng tạo rất logic. Tiểu thuyết Phùng Vương góp phần giải mã những ghi chép thiếu hụt về cuộc khởi nghĩa và người anh hùng dân tộc Phùng Hưng.

   Xin được bàn về tiểu thuyết và tiểu thuyết lịch sử:

   Hư cấu và sáng tạo nghệ thuật là đặc trưng của tiểu thuyết và tiểu thuyết lịch sử. Nhà văn Nguyễn Công Hoan giải thích dân dã là: “Tiểu thuyết là chuyện bịa - bịa nhưng có thật”. Bịa tức là hư cấu. Xin lấy câu giải thích của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cho nó khác với sự dân dã của Nguyễn Công Hoan: “Khi hư cấu, người viết vận dụng toàn bộ văn hóa tinh thần, toàn bộ kinh nghiệm sống của mình. Đó là sự hòa trộn nhuần nhuyễn giữa thực và hư, giữa lịch sử và hiện tại, giữa trí thức và cảm thức…”

   Về tiểu thuyết lịch sử có nhiều giải thích dài dòng. Trong từ điển văn học bộ mới giải thích ngắn gọn dễ nghe: “Tiểu thuyết lịch sử là tác phẩm tự sự, hư cấu, lấy đề tài lịch sử làm nội dung chính”. Ta hiểu nôm na là sự kiện lịch sử như cái xương sống người viết phải nhào nặn, bồi đắp thêm vào mặt mũi, tay chân để thành một con người thật và đẹp (đúng và hay).

   Trở lại cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng, lịch sử ghi chép rất ít ỏi: “Tân Mùi 791, An Nam đô hộ sứ Cao Chính Bình bắt dân đóng góp nặng. Người Đường Lâm thuộc Giao châu là Phùng Hưng nổi lên vây phủ. Chính Bình lo sợ mà chết. Hưng nhân đó vào đóng ở phủ trị, chưa được bao lâu thì chết. Con là An tôn xưng là Bố Cái Đại Vương…” (Đại Việt sử ký toàn thư - Ngô Sĩ Liên). Trong sách Việt sử cương mục, Việt điện u linh chép lại sách Giao Châu ký của Tàu cho biết thêm vài chi tiết không đáng kể. Gần đây, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu qua các bia đá ở Đường Lâm, ở Quảng Bá và nhất là thần phả đình làng Thịnh Hào (Hà Nội), đã hé lộ nhiều chi tiết quan trọng của cuộc khởi nghĩa và thân thế Phùng Hưng mà chính sử không ghi. Sự thiếu sót đó là do các nhà viết sử của Việt Nam phụ thuộc vào sử sách ghi chép của tàu và cả quan điểm của người chép sử. Mục Phàm lệ trong Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên viết: “Phùng Hưng ở phủ chưa chính hiệu rồi chết, con mới truy tôn tước vương nên chép “nhỏ thôi”. Tổng hợp nhiều nguồn tư liệu lịch sử hiện nay, ta biết cuộc khởi nghĩa của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng chống ách đô hộ nhà Đường xảy ra từ năm 767 đến năm 791 thì thắng lợi hoàn toàn (24 năm), có sách ghi Phùng Hưng trị vì được 7 năm thì mất. Có sách ghi Phùng Hưng mất năm 791, con là Phùng An nối nghiệp cha đến năm 802 mới thất bại hoàn toàn.

   Cái xương sống lịch sử như vậy, nhưng với tài sáng tạo nghệ thuật, nhà văn Phùng Văn Khai đã vẽ nên chân dung người anh hùng Phùng Hưng siêu phàm kiệt xuất.

   Phùng Hưng là con của Phùng Hạp Khanh ở ấp Đường Lâm thuộc Giao châu. Gia tộc họ Phùng đời đời làm quan lang, hào trưởng quý tộc ở Đường Lâm. Phùng Hạp Khanh tham gia cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan chống ách đô hộ nhà Đường năm 722 tại Hà Tĩnh. Cháu của Phùng Hạp Khanh, bà Phùng Ngọc Uyển là Mai Hoàng hậu vợ vua Mai Hắc Đế. Phùng Hưng còn là cháu bảy đời của Châu mục Đường Lâm Phùng Trí Cái. Cụ Phùng Trí Cái đã được vua Đường Cao Tổ đãi yến tại thành Lạc Dương, kinh đô nhà Đường. Vua Đường mời cụ làm quan cụ không làm mà về Đường Lâm.

   Cuộc khởi nghĩa của Mai Hắc Đế bị 10 vạn quân tàu do Dương Tư Húc và Quang Sở Khách chỉ huy đàn áp dã man. Cuộc khởi nghĩa thất bại, Mai Hắc Đế chết, nghĩa quân tan rã. Tướng Phùng Hạp Khanh đưa gia binh gia tướng cùng vợ con về quê cũ Đường Lâm. Về Đường Lâm, Phùng Hạp Khanh cùng các bạn chiến đấu cũ như Đỗ Anh Doãn, Bồ Phá Giang liên kết với các hào trưởng quanh vùng xây dựng căn cứ địa, khai khẩn đất trồng trọt chăn nuôi… “nhà nhà thóc lúa chật bồ, trâu bò ngựa gà vô số”. Lịch sử đã không ghi rõ Phùng Hưng sinh năm nào, ở đâu. Hiện nay các nhà nghiên cứu sử học chưa nhất trí cao về quê quán và địa danh cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng. Nhóm tác giả cùng với Giáo sư Trần Ngọc Vương cho rằng cuộc khởi nghĩa nổ ra ở xã Đường Lâm thuộc Châu Phúc Lộc - Hà Tĩnh. Nhóm tác giả do Giáo sư Trần Quốc Vượng thì cho rằng quê quán và cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng ở làng Đường Lâm - Phúc Lộc - Sơn Tây. Giáo sư Tiến sĩ Lê Thành Khôi (một nhà bác học ở Pháp), còn vẽ cả sơ đồ cho biết châu Phúc Lộc thuộc vùng Ba Vì, Sơn Tây và Hòa Bình. Với con mắt của một nhà quân sự, Nhà văn Phùng Văn Khai qua tiểu thuyết lịch sử Phùng Vương cho biết đó là Đường Lâm, Sơn Tây. Phùng Hạp Khanh “… lập những đội dân binh, mở đất, mở những làng trại mới về thượng nguồn sông Tích (sông Tích phát nguồn từ núi Ba Vì - Sơn Tây), làng trại nối nhau đến hàng trăm dặm”. Chính trong thời gian và địa điểm này, ba anh em Phùng Hưng, Phùng Hải, Phùng Dĩnh, con của Phùng Hạp Khanh chào đời. “… trong nhà bỗng có tiếng trẻ khóc lớn dị thường. Tiếng khóc to hơn rất nhiều những đứa trẻ khác khiến cả ba giật mình…” (Hồi thứ nhất).

   “Lão ô bách tuế không bằng phượng hoàng sơ sinh”. Với ngòi bút ngợi ca, nhà văn Phùng Văn Khai vẽ nên chân dung người anh hùng lúc trẻ tuổi đã là một trang nam nhi tuấn kiệt. Mười hai tuổi Phùng Hưng đến bái kiến thầy học Phan Đường (Phan Đường sau là quân sư của cuộc khởi nghĩa). Nhìn thấy Phùng Hưng, thầy Phan Đường thốt lên: “Tướng mạo phi phàm, rồng chầu hổ phục, uy đức sớm hiển lộ”. Được các thầy Phạm Khang, Phan Đường kèm cặp, hướng dẫn đào tạo, Phùng Hưng võ nghệ tinh thông, văn chất uyên thâm sâu sắc. Tuy chưa đến tuổi trưởng thành, Phùng Hưng đa tỏ rõ một tướng trẻ có tài. Nhà văn tả cuộc chiến đấu ở rừng Hắc Lâm dưới chân thành Phong Châu “… Phùng Hưng kìm ngang ngọn trường thương, oai phong lẫm liệt như tướng nhà trời”. Quần nhau với Ô Hoàng Phúc một đại tướng của giặc, Phùng Hưng “… nhanh như chớp thúc vòng ngựa trở lại giơ cao ngọn trường thương nhằm thẳng ngực y đâm tới…”. Đánh tan đại binh giặc ở chân núi Ngõa Cương, quần nhau với tướng Mã Hổ của quân Đường hàng trăm hiệp. Tướng Mã Hổ tháo chạy thoát thân mà bụng thầm khen viên tướng trẻ chẳng khác gì Triệu Tử Long ở Thường Sơn.

   Chính sử và dã sử đều nói đến sức mạnh của Phùng Hưng đánh hổ, vật trâu, Phùng Dĩnh có thể mang vác ngàn cân. Cả Nghệ An và Sơn Tây, đều có truyền thuyết về Phùng Hưng đánh hổ. Để ngợi ca khí phách anh hùng và sức mạnh phi phàm của Phùng Hưng, nhà văn Phùng Văn Khai không lệ thuộc vào những chi tiết trong giai thoại lịch sử, nhà văn sáng tạo bối cảnh Phùng Hưng đi kiểm tra trạm gác gặp hổ giữa rừng. Con hổ trắng luôn rình bắt người đã thành tinh. Tay đôi quần nhau với hổ thật dũng mãnh “…tung cước đá vào sườn hổ như trời giáng, tung người nhảy phốc lên lưng cọp trắng. Thoi những quyền rắn như thép đánh nát bét mặt cọp…”. Truyện vật trâu trong lễ hội chọi trâu ở thành Phong Châu chẳng những tỏ rõ tinh thần quả cảm mà còn nói lên lòng nhân đức sẵn sàng xả thân cứu muôn dân trong lúc nguy cấp của lãnh tụ Phùng Hưng: Con trâu mộng cổ cỡ người ôm hai sừng nhọn hoắt sau khi húc chết đối thủ nó hăng máu đuổi húc đám tráng đinh sắp gây ra tai nạn thì Phùng Hưng hét to một tiếng từ khán đài nhảy xuống đuổi theo con trâu, dùng tay năm sừng ghìm trâu lại. “…Tráng sĩ nắm chặt cặp sừng cánh cung khổng lồ, sử dụng miếng vật hiểm. Trâu thở hồng học một lúc thì ngã giơ bốn vó lên trời…”

   Dưới sự lãnh đạo tài ba của trại chủ Đường Lâm - Phùng Hạp Khanh và bộ chỉ huy tối cao như Đỗ Anh Doãn, Bồ Bá Giang, quân sư Phan Đường, đại tướng Vũ Khánh, quân khởi nghĩa đã giải phóng được thành Phong Châu, núi Nghĩa Lĩnh. Một dải châu Diên hai bờ sông Hồng đã thuộc quyền nghĩa quân kiểm soát. Con đường thượng đạo từ Đường Lâm qua châu Phúc Lộc vào Châu Ái, Châu Hoan thông suốt, sẵn sàng cung cấp nhân tài vật lực cho nghĩa quân nhất là voi chiến, trâu chiến, một binh chủng vô cùng lợi hai mà bộ binh, kỵ binh giặc khi nhìn thấy là hồn vía trên mây. Đúng lúc đó, Phùng Hạp Khanh người tổ chức xây dựng lãnh đạo thời gian đầu của cuộc khởi nghĩa mất. Nghĩa quân tôn Phùng Hưng lên làm trại chủ Đường Lâm, tiếp tục lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Năm ấy Ngài vừa tròn 18 tuổi.

   Vẫn nuôi ý định tái chiếm Phong Châu, lợi dụng tình hình lão tướng trại chủ Đường Lâm Phùng Hạp Khanh mất. Giặc Đường huy động 5 vạn quân do Cao Chính Bình từ châu Vũ Định đánh xuống. Trương Bá Nghi thống lĩnh hàng trăm thuyền chiến ngược sông Hồng đánh lên, thế trận rất cam go. Vị chỉ huy trẻ tuổi Phùng Hưng đã từng được tôi luyện trong chiến đấu, lĩnh hội được nhiều kế sách hay trong việc chỉ huy từ lão tướng Đỗ Anh Doãn, quân sư Phan Đường và nhất là người cha Phùng Hạp Khanh truyền dạy. Phùng Hưng tỏ rõ một nhà lãnh đạo tài ba sáng suốt và thao lược.

   Nhà văn Phùng Văn Khai đã sáng tạo chi tiết lãnh tụ Phùng Hưng triệu tập bô lão toàn quốc về Phong Châu hội họp. Có thể nói đây là Hội nghị Diên Hồng đầu tiên của Đại Việt. Phùng Hưng thảo hịch văn thông qua các vị bô lão đại diện cho toàn dân. Hịch văn không phải là lời kêu gọi tướng quân xả thân đánh giặc như Trần Hưng Đạo. Bản hịch văn kể tội giặc Đường tàn ác, giết chóc, hãm hiếp bóc lột nhân dân ta thậm tệ. Hịch văn đã góp phần khích lệ lòng yêu nước và phát huy được sức mạnh toàn dân hăng hái diệt giặc Đường, nêu cao lòng tự hào dân tộc. Thành Phong Châu bị kẹp giữa hai gọng kìm tấn công của địch. Cái hay của nhà văn là đặt người anh hùng vào thời điểm gay cấn nhất, khó khăn nhất để Phùng Hưng tỏ rõ bản lĩnh thao lược của mình. Quyết định điều đội binh thuyền của đại tướng Vũ Khánh không lên trợ chiến cho thành Phong Châu mà rút về cửa biển Dương Tuyền là cực kỳ sáng suốt và táo bạo khiến tướng Vũ Khánh phải sụp lạy Phùng Hưng và thốt lên: “Trại chủ là tướng nhà trời”.

   “Biết địch biết ta trăm trận trăm thắng”. Phùng Hưng biết rõ nội bộ quân địch ở thành Tống Bình, biết rõ mâu thuẫn giữa Cao Chính Bình và Trương Bá Nghi chỉ trực cắn xé lẫn nhau và lợi dụng nhau để rồi “ngư ông đắc lợi”. Chủ tướng Phùng Hưng cũng biết rõ giặc Chà Và đang vượt biển sắp đánh vào thành Tống Bình, biết rõ tính đa nghi của Cao Chính Bình. Quyết định điều thủy binh của Vũ Khánh xuống Dương Tuyền của Phùng Hưng khiến Cao Chính Bình hoang mang, nghi hoặc vội vàng rút quân về phương Nam. Quân ta không phải đánh mà cũng bẻ gãy một mũi tấn công của địch.

   Đánh vào lòng hồ nghi của giặc như truyện xưa Tam Quốc đã dẫn: “Khổng Minh chết rồi vẫn đuổi được Tư Mã Ý chạy dài vài chục dặm”. Đối phó với đại quân của Cao Chính Bình tấn công vào căn cứ địa Đường Lâm, Phùng Hưng dùng kế sách hư hư thực thực: Phát cây dọn lối, sửa sang cầu đường bỏ ngỏ cửa cho giặc tiến quân. Dẫn đầu 5000 binh lính, hàng ngàn kỵ binh và nhiều tướng tài, Cao Chính Bình tưởng ăn tươi nuốt sống được căn cứ Đường Lâm. Triệu Xung, tướng tiên phong của giặc với 2000 binh mã lo sợ bối rối không dám ồ ạt tiến quân, nghe ngóng động tĩnh, thăm dò từng bước. Hơn chục ngày mới tới được Rừng Cấm. 10 ngày đó là thời gian đủ để quân ta huy động lực lượng tổ chức tấn công giặc Đường. Ở ải lũy trước cửa vào Đường Lâm, phục binh quân ta với 70 thớt voi trận đổ ra đánh giết quân Đường. Tướng giặc Triệu Xung ngã ngựa suýt chết cùng đám tàn binh chạy ra đến Rừng Cấm lại bị chủ tướng Phùng Hưng đánh tập hậu “…Dưới lá cờ đại trên bành voi chiến cắm đôi lọng lớn. Phùng trại chủ trỏ kiếm vào đám quân Đường: “Lũ giặc Đường hãy mau mau xuống ngựa chịu trói bản tướng sẽ không giết…”. Triệu Xung nhìn thấy Phùng Hưng oai phong lẫm liệt, thần thái phi phàm, lời nói vang như chuông lớn không khỏi kinh hãi luống cuống. Triệu Xung mở đường máu chạy ra khỏi Rừng Cấm kiểm điểm binh mã. Lúc tiến quân với 2000 binh lính và đội kỵ mã hùng mạnh. Lúc tháo chạy chỉ còn ba trăm tên lính thương tích đầy người và vài chục con ngựa què. Sợ quân khởi nghĩa tập kích thành Tống Bình, lại lo bị nghĩa quân truy kích. Ngay trong đêm Cao Chính Bình tháo chạy.

   Vận dụng những kinh nghiệm chiến đấu chống giặc ngoại xâm ngày xưa của cha ông, áp dụng những binh pháp ảo diệu trong chiến đấu, với sức sáng tạo logic và con mắt xanh của nhà quân sự, nhà văn Phùng Văn Khai đã dựng nên những trận chiến đấu ác liệt, hào hùng của nghĩa quân Phùng Hưng. Đó là phá kho lương thực, đốt cháy và nhấn chìm nhiều thuyền chiến quân Đường ở bến Dương Tuyền, dòng Lô Giang. Đó là những trận quyết chiến thắng lợi ở chân núi Ngõa Cương, Nghĩa Lĩnh, chân thành Phong Châu và Rừng Cấm - Đường Lâm. Điểm đặc biệt trong chiến thuật dùng tượng binh và ngưu binh hóa giải được chiến lược biển người và kỵ binh phương Bắc to lớn hung hãn. Lịch sử còn ghi, Quang Trung đã dùng voi giày xéo diệt hàng vạn quân Thanh ở gò Đống Đa. Năm 1648, tướng Nguyễn Phúc Tần đã sử dụng hơn 100 thớt voi cả phá quân Trịnh ở Quảng Bình. Nghĩa quân Đường Lâm với vài trăm thớt voi lớn như xe tăng, chân bịt giáp sắt, ngà sắc vòi huơ lên quật chết cả ngựa chiến. Hàng trăm trâu mộng sừng bịt sắt nhọn là nỗi kinh hoàng với giặc. Kể lại trận chiến giữ thành Phong Châu, nhà văn viết “…Hai bầy ngưu binh năm trăm con sừng bịt sắt nhọn, mắt đỏ ké xông thẳng vào đại quân Đường. Giặc Đường sợ hãi bỏ chạy dày xéo lên nhau mà chết…”

   Chuyện tấn công thành Tống Bình, thần phả đình làng Thịnh Hào (Hà Nội) viết: Vương (tức Phùng Hưng) thống lĩnh đại binh một vạn người chỉ huy các tướng Bốc Chiêm, Chử Viêm, Điền Phương, Đoàn Viêm… gồm 28 tướng tiến thẳng về châu (Tống Bình)…

   Trong trận tổng tấn công thành Tống Bình, nhà văn Phùng Văn Khai ca tụng Phùng Hưng nắm chắc thời cơ, biết rõ tình hình quân giặc để triển khai chiến đấu thắng lợi. Trước khi vào chiến dịch, Phùng Hưng động viên tướng lĩnh giải thích thời cơ đó là: Quân ta binh hùng tướng mạnh, lại được dân chúng cả nước hưởng ứng. Giặc ở Tống Bình, quân đông nhưng ô hợp hoang mang. Các tướng tài của giặc đã bị quân ta giết gần hết. Bại tướng Cao Phiên Dương ở châu Vũ Định binh tàn lực kiệt không có khả năng đánh Phong Châu. Ở bên tàu, vua Đường Đức Tông đang sa lầy với nhiều cuộc nổi dậy của nông dân và cái nạn tướng lĩnh cát cứ không có khả năng chi viện Tống Bình.

   Thời cơ có một. Phùng Hưng tổ chức 6 đạo quân tấn công thành Tống Bình của Cao Chính Bình.

   Phùng Hưng chỉ huy đạo trung quân cùng lão tướng Bồ Phá Giang đánh vào phía Bắc. Phùng Hải với 50 thớt voi cùng Đỗ Anh Hàn tấn công cửa Tây. Phùng Dĩnh tấn công phía Nam chặn đường tiếp tế lương thực của địch. Với con mắt chiến lược, Phùng Hưng điều 50 thớt voi vào án ngữ dãy núi Tam Điệp phòng quân giặc ở Diễn Châu, Hoan Châu kéo ra tiếp viện. Rút kinh nghiệm năm 722, khi đánh vào thành Tống Bình, Mai Hắc Đế đã để sổng mất Quang Sở Khách theo đường biển chạy về tàu gây hậu họa. Phùng Hưng lệnh cho tướng Vũ Khánh chỉ huy thủy quân giải binh vây chặt đường sông suốt từ Đầm Sương Mù đến bến Giang Biên không để một tên giặc Đường nào thoát ra biển (ngày xưa Hưng Yên là cửa biển). Mặc dù thành Tống Bình được Trương Bá Nghi xây lại rất kiên cố: Chu vi thành 6600m, thành cao 8,6 mét có hào nước vây quanh, có 6 cửa ống và 55 lầu cao vừa quan sát vừa chiến đấu, 4 vạn binh lính Đường canh giữ… chỉ mới xuất quân trận đầu ở cửa chính quân ta đã bắt sống được tướng giữ thành là Lữ Siêu, giết được tướng chỉ huy thủy quân giặc là Ô Hoàng Phúc. Nhà văn tả trận kịch chiến giữa Phùng Hưng và tướng giặc Lữ Siêu thật hào hùng. Hình tượng chủ tướng Phùng Hưng hiện lên thật phi thường, mới đánh nhau được mươi hiệp “…Cán thương xoay một vòng móc vào đai lưng họ Lữ nhấc bổng lên. Để họ Lữ chơi vơi trên không một lúc, Phùng trại chủ mới hất tung ra phía sau cực mạnh khiến tướng giặc rơi xuống đất chết ngất…”. Đại quân ta cả bốn mặt đều công phá thành dữ dội Cao Chính Bình - An Nam Đô Hộ Sứ lo sợ sinh bệnh mà chết. Chiếm được thành, Phùng Hưng đưa quân vào thành, chọn ngày lành tháng tốt lên ngôi quân chủ.

   Thần phả làng Thịnh Hào cho biết, cuộc chiến đấu ác liệt giữa giặc Đường và nghĩa quân Phùng Hưng ở thành Tống Bình như sau: “…Chính Bình cũng chỉ huy bốn vạn tướng sĩ, đánh giằng co với quân của Vương. Đại chiến suốt bảy ngày, trống thúc trông sang nhau. Sĩ tốt quân Đường chết đếm không xuể. Thây chết đầy đồng, máu chảy thành sông. Nước hai con sông Nhĩ Hà và Lô Giang biến thành màu đỏ…” Lịch sử ghi rõ như thế, tiếc rằng nhà văn tả lại trận chiến ở thành Tống Bình hơi mờ nhạt.

   Với bút pháp sử thi và ngợi ca, tiểu thuyết lịch sử Phùng Vương của nhà văn Phùng Văn Khai đã ca ngợi lịch sử, ca ngợi lòng yêu nước từ ngàn năm xưa của dân tộc Việt Nam, làm sống lại cuộc khởi nghĩa của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng năm 767-791. Tiểu thuyết Phùng Vương giải mã những ghi chép thiếu hụt của lịch sử về cuộc chiến đấu lâu dài gian khổ của nghĩa quân Đường Lâm dưới sự lãnh đạo tài ba của hai cha con Phùng Hạp Khanh và Phùng Hưng. Nhà văn ca ngợi người anh hùng dân tộc Phùng Hưng qua tả các trận đánh giặc và những lời kể của các nhân vật khác hình tượng Phùng Hưng hiện lên với khí phách phi thường, tài năng kiệt xuất và nhân đức vẹn toàn.

   Với 630 trang tiểu thuyết đều là hư cấu sáng tạo nên, song người đọc có cảm giác rất thật, hình ảnh người chỉ huy Phùng Hưng, các tướng lĩnh, các trận chiến đấu hào hùng rõ nét như một thước phim quay chậm, người xem chứng kiến như vừa xảy ra ở đâu đây “Chân thực tới mức người đọc phải công nhận đây mới là chân thực lịch sử” (Hoàng Quốc Hải).

   Đọc xong tiểu thuyết lịch sử Phùng Vương, tôi hơi băn khoăn sao lại là Phùng Vương? Vương là tước cao nhất sau Vua ở các triều đại ngày xưa. Tất cả các ghi chép lịch sử đều ghi Phùng Hưng xưng là Đô Quân (Đô là đầu, Quân là Vua). Nguyễn Trãi từng tuyên truyền “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” (Lê Lợi làm vua, Nguyễn Trãi làm quan). Phùng Hưng đã là vua. Dân ta vẫn ca tụng đất Đường Lâm là đất hai vua.