(Thứ ba, 13/07/2021, 03:27 GMT+7)

Nằm trong sê ri tiểu thuyết viết về thời tiền sử, giống như Phùng Vương, Ngô Vương và Nam Đế Vạn Xuân, Triệu Vương phục quốc là tiểu thuyết chương hồi, ăm ắp tư liệu lịch sử và được viết bằng một lối văn sống động giàu ngôn ngữ điện ảnh. Song do ý thức rất rõ bản chất nghệ thuật là sáng tạo, là không lặp lại người khác và không được lặp lại chính mình, tác giả Triệu Vương phục quốc đã có những đổi mới tích cực theo hướng tăng cường chất văn để tiểu thuyết lịch sử của anh ngày càng hấp dẫn. Đó là bước tiến mới của tiểu thuyết lịch sử Phùng Văn Khai.

Sự hấp dẫn của Triệu Vương phục quốc trước hết nằm ở sự đổi mới nội dung cốt truyện. Lần này, tác giả không nặng về kể truyện những nhân vật lịch sử mà chủ yếu là làm sống lại sự kiện lịch sử. Cái tên Triệu Vương phục quốc dường như đã mở ra một cốt truyện lớp lang, gay cấn và ngay lập tức gây được ấn tượng với bạn đọc. Vẫn biết, trọng tâm cuốn sách là cuộc kháng chiếnQuyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của dân chúng dưới sự lãnh đạo của người anh hùng Đầm Dạ Trạch - Triệu Quang Phục. Còn sự kiện lịch sử chói sáng: người Nam xưng đế, khẳng định chủ quyền, lập nước Vạn Xuân (trang 544) và nỗi đau thương tột cùng khi nhà nước non trẻ vừa ra đời đã bị kẻ thù hủy diệt chỉ được nói thoáng qua đủ để tạo nên một cốt truyện liên hoàn. Chuỗi sự kiện trọng đại với những thăng trầm dữ dội hào hùng mà bi tráng được dồn nén trong một thời gian nghệ thuật rất ngắn (6 năm), buộc nội dung tác phẩm phải cô đọng, mạch truyện phải nhanh, giọng điệu phải đa thanh.

Cốt truyện càng trở nên cuốn hút khi bạn đọc được chứng kiến một cuộc chiến không hề cân sức giữa quân dân Vạn Xuân, sức đã cùng, lực đã kiệt và đội quân chinh phạt của Lương quốc gồm toàn binh hùng tướng mạnh. Với ý đồ: “truy cùng giết tận binh tướng Vạn Xuân (trang 221)… “Phàm là kho xưởng gỗ đá để đóng thuyền chiến đều đốt sạch phá sạch, phàm là binh lính thường dân già trẻ lớn bé nhất loạt đều giết không tha, những gì không đốt phá được đưa hết xuống chiến thuyền”. Ráo riết thực thichính sách đồng hóa, kẻ thù không từ một thủ đoạn tàn độc nào kể cả những “mưu gian không bằng loài cầm thú” (trang 302)…bí mật thả hàng ngàn hắc tinh thần sấu xuống khắp ao đầm sông ngòi,đem trùng độc, kiến độc, ong độc, châu chấu, chim sẻ xuống phá hoại lục súc mùa màng (trang 307). Chúng xúi vua Rudravaman kéo quân từ phía Nam đánh ra… Rồi “thủy bộ liên thủ, bốn mặt giáp công”, khiến cho: “Trời đất Vạn Xuân vần vũ, máu chảy đầu rơi (trang 173). Phía Cổ Loa luôn nửa tháng trời đêm đêm lửa cháy ngút trời (trang 175). Mặc dù quyết “huyết chiến Lương tặc đến giọt máu cuối cùng”(trang 112), nhưng dohoàn cảnh bất lợi, quân ta liên tiếp thua trận. Năm 548, vua Lý Nam Đế băng hà, Tả tướng Triệu Quang Phục được ủy thác việc phục quốc. Thế nước khó khăn như ngàn cân treo trên sợi tóc. Nhưng kẻ thù kế hiểm, ta có mưu cao. Lợi dụng thời cơ Trung Nguyên có loạn Hầu Cảnh, Trần Bá Tiên bị gọi về, binh lính của hắn hết lương thực, không quen thủy thổ phần nhiều bị dịch bệnh, Triệu Việt Vương đã cùng toàn dân đồng lòng gắng sức, lại được Tổ tiên khôn thiêng ngầm giúp đỡ, năm 550, cuộc kháng chiến thắng lợi, quân Lương bỏ chạy về phương Bắc, trả lại quyền tự chủ cho nhà nước Vạn Xuân.


(Tranh của Đặng Xuân Lương)

Sự hấp dẫn của Triệu Vương phục quốc không chỉ ở nội dung cốt truyện mà chủ yếu qua cách kể rất có truyện và rất có văn.

Với một lối văn có lửa, Phùng Văn Khai đã làm sống lại chí khí quật cường, ý chí quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc của ông cha ta cách nay gần 15 thế kỷ “Đánh cho chúng phải kinh sợ đến muôn sau. Đánh để giặc phương Bắc khi nghĩ đến hai chữ Vạn Xuân đều phải chép vào sử sách việc thua binh chết tướng nỗi nhục thua trận khiến đến Thứ sử, Đại tướng đều phải vong mạng ở phương Nam. Đánh để con cháu giống nòi sau này lấy đó làm gương ứng xử với người phương BắcTa phải đánh những trận kinh thiên động địa, không chỉ chôn vùi binh mã chiến giáp của chúng mà còn phải đánh bại ý chí báo thù rửa hận của các hoàng đế phương Bắc… (trang 407).

Chất lửa thể hiện rất rõ trong bức chiến thư sắc sảo sâu xa, lời lẽ cương cường, thấm đẫm đạo lý, khí phách bang giao, lão tướng Phạm Tu gửi Tư mã Giao Châu Trần Bá Tiên, khiến hắn khiếp sợ, còn quân sư Tinh Thiều của ta thì bái phục, tả tướng Phùng Thanh Hòa “đọc đến thuộc lòng, lúc nào cũng tưởng như máu chảy rần rật trong huyết quản (trang71).

Văn của Phùng Văn Khai có khả năng truyền cảm hứng lớn. Thấm đẫm hào khí thời đại, những con chữ căng đầy nhiệt huyết của tác giả đã lan tỏa ngọn lửa yêu nước từ trái tim đến những trái tim: “Mười vị đô tướng trong lòng hừng hực như có lửa, người nào cũng từng ba bốn lần chích máu viết huyết thư xin đi đánh giặc” (trang 77)… Lời nói tới đâu, các tướng sĩ thấy khí huyết chảy rần rật trong tim óc tới đó (trang 407).

Điều này cho thấy sự giàu có và khả năng vận dụng ngôn ngữ một cách linh hoạt, đắc địa của người cầm bút. Nếu lớp từ Hán - Việt và thành ngữ, tục ngữ giúp anh cónhững câu văn hàm súc và cổ kính thì sự giao thoa giữa ngôn ngữ văn học và ngôn ngữ điện ảnh lại làm cho văn của anh trở nên hiện đại. Với một trữ lượng văn hóa lớn (về quân sự, chính trị, văn hóa, lịch sử, phong tục…) tác giả đã lột tả được những trận đánh chân thực mà sinh động, như thủy trận ở cửa biển Hoàng Châu, Đầm Sương Mù, Đầm Dạ Trạch; những trận đánh tại Quỷ Môn Quan, Luy Lâu, đèo Cổ Họng, Cổ Loa Thành... Đặc biệt là trận tử chiến với cách đánh đổi mạng để chuyển bại thành thắng của Triệu Vương: “dùng 70 thuyền cảm tử chở thuốc nổ, đồ dẫn hỏa, củi khô, mỗi thuyền 3 dũng sĩ lao thẳng vào thuyền giặc” (trang 393).
Chất văn thể hiện trong những đoạn miêu tả thiên nhiên kỳ thú đã đánh thức tình yêu, niềm tự hào của độc giả về mảnh đất “phương Nam không chỉ cẩm tú gấm vóc mà còn là nơi rồng chầu hổ phục, xứng đáng là địa linh nhân kiệt…” khiến quân sư Trang Sâm phải “sững sờ kinh ngạc… Còn Trần Bá Tiên thìdẫu nằm mơ cũng không ngờ được trời đất man di lại có cảnh sắc đẹp đến nhường này (trang 79).


(Tranh của Đặng Xuân Lương)

Rút kinh nghiệm từ ba quyển tiểu thuyết trước, trong Triệu Vương phục quốc, việc chuyển tiếp giữa các chương không còn khuôn mẫu mà rất tự nhiên, uyển chuyển. Truyện kể không bị dàn trải mà tác giả đã cố gắng lựa chọn những chi tiết đắt giá để xoáy sâu vào những sự kiện trọng tâm, qua đó nêu bật tư tưởng chủ đề. Chẳng hạn, chi tiết Lương Vũ đế viết chiếu tự kể tội mình (trang 6) đã khẳng định ý nghĩa vĩ đại của sự kiện nước Nam xưng đế. Chi tiết Thái phó Triệu Túc vuốt chòm râu bạc trắng rưng rưng nói những điều tự trong gan ruột: “Lão phu may được sinh ra trong thời Vạn Xuân được làm người tự chủ. Tưởng chết cũng nhắm mắt được rồi (trang 26) cho thấy niềm hạnh phúc vô hạn của nhân dân Vạn Xuân khi lần đầu tiên nước có chủ quyền, bình đẳng với quốc gia láng giềng. Và chi tiết, khi bị Trần Bá Tiên ép phải tự thiêu, Phùng sư phụ chùa Khai Quốc vẫn ung dung “tay lần tràng hạt, miệng niệm kinh Phật thong thả tiến tới ngồi kiết già giữa ngọn lửa bốc cao”(trang 194) đã làm nổi bật khí phách can trường của dân tộc chúng ta.

Văn của Phùng Văn Khai là thứ văn đa giọng điệu. Khi hùng tráng, khi bi tráng, khi tụng ca, lúc hoan ca. Giọng hùng tráng rất rõ ở đoạn miêu tả Triệu Quang Phục oai phong lẫm liệt trong trận đánh Loa thành giữa tiếng voi gầm, ngựa hý, tiếng pháo lệnh nổ ầm ầm:“dẫn đầu là viên tướng cao lớn khôi giáp lấp loáng, đầu đội mũ đầu mâu sáng lòa, lưng thắt đai ngọc xanh, bên ngoài khoác chiếc áo chiến bào thêu mặt hổ phù đỏ rực, phía sau dắt bộ cung tên lớn nạm bạc, tay cầm chắc ngọn trường thương đứng dưới lá cờ thêu hai chữ Vạn Xuân cực lớn, uy phong như tướng nhà trời… (trang 381). Còn đoạn văn miêu tả tinh thần chiến đấu ngoan cường và sự hy sinh anh dũng của nhị vị lão tướng trong trận đánh cửa sông Tô Lịch toát lên rất rõ âm hưởng bi tráng: “Triệu lão tướng khắp mình mười mấy vết giáo đâm, đã trút hơi thở cuối cùng hai tay còn nắm chặt thanh kiếm lệnh”(trang179). Phạm lão tướng “dũng mãnh như tướng nhà trời sau mỗi loạt thương như hoa bay trong tuyết lớp lớp giáp sĩ tiên phong của bọn Lữ Phạm, Mông Kỳ đầu rơi máu chảy kêu khóc như ri. Một trận mưa đạn đá sầm sập trút lên thành lũy nơi lão tướng đang tả đột hữu xung giết quân Lương. Lão tướng Thái phó Phạm Tu cả đời Nam chinh Bắc chiến đã vì nước hy sinh” (trang 181).


(Tranh của Đặng Xuân Lương)

Nói tiểu thuyết là nói đến khả năng sáng tạo, tưởng tưởng. Trong Triệu Vương phục quốc, Phùng Văn Khai đã làm sống lại những sự kiện lịch sử chủ yếu bằng trí tưởng tượng, đã cố gắng hồi sinh chúng qua hư cấu nghệ thuật.

Lần này, anh đã đưa vào tác phẩm khá nhiều yếu tố tâm linh, kỳ ảo. Đây là nhân tố đã góp phần tạo nên diện mạo mới, sắc thái mới cho tiểu thuyết Phùng Văn Khai, giúp anh có thể phản ánh hiện thực đa dạng, phong phú, tinh tế, sâu sắc và biến ảo hơn. Ví dụ, để thiêng hóa và giảm bớt cái bi, sự ra đi trong cô đơn của vua Lý Nam Đế vào lúc vận nước gặp cơn bĩ cực được tác giả kể dưới dạng một câu chuyện nhuốm màu huyền thoại: vào một đêm khuya trong ngôi miếu cổ trên đỉnh núi Du Lâm, ông Hổ vàng đã xuất hiện rước ngài vào rừng sâu biệt tích.

Cũng để giảm bớt bi ai và củng cố niềm tin cho dân chúng, tướng sĩ khi việc nước chưa thành mà Phùng Hữu tướng trẻ tuổi tài cao lại đột ngột mất, tác giả đã để cho Phùng Thanh Hòa có một giấc mộng báo trước:“Khi vừa thiếp đi bỗng thấy từ trên đỉnh Tản Viên Sơn một vầng hào quang chói sáng rực rỡ, trong tiếng gió xào xạc, một đám mây ngũ sắc trôi thẳng vào cổ tự. Trên đám mây rực sáng ấy, có một vị tiên ông mắt sáng, miệng rộng râu ba chòm chấm ngực trắng như cước trỏ vào Phùng tướng quân điềm nhiên nói cho biết… nạn nước chưa hết phải chờ huyền cơ mới xoay chuyển được đại cụcNay ta thấy ngươi là người tâm cang nghĩa đảm, khí phách anh hùng, gia tộc đời đời làm việc nghĩa nên đã xin với Ngọc Hoàng cho làm tướng cai quản việc quân binh ở Tản Viên Sơn. Hai năm nữa sẽ đón đi (trang 273).

Để cắt nghĩa nguyên nhân sâu xa dẫn đến thắng lợi của quá trình phục quốc, ngoài tài năng kiệt xuất của người lãnh đạo và sức mạnh đoàn kết toàn dân, là sự nâng đỡ của truyền thống văn hóa lịch sử dân tộc. Chân lý ấy được được baophủ bởi một lớp màn kỳ ảo: “Khi trời gần sáng, không biết thiếp giấc được bao lâu, bỗng Dạ Trạch vương thấy một vầng sáng chói lòa ngay phía trước... Cưỡi trên đám mây là hai vị thần một nam một nữ gương mặt sáng láng tươi tắn như ngọc, dáng vẻ tiên phong đạo cốt, vị nam thần tay cầm một vật lấp lánh lấp lánh hào quang hồn hậu nói: Nay ta vâng mệnh Ngọc Hoàng hiển linh ban cho mũ đâu mâu móng rồng để sớm thành đại nghiệp”(trang 343). Không chỉ tặng báu vật, nhị vị Thánh Tiên Dung, Chử Đồng Tử còn chỉ bảo cách thức tận dụng cơ hội biến bại thành thắng và hé mở vận số sau này của quốc chủ họ Triệu.

Tài năng xuất chúng của những vị tướng thủy quân của Triệu Vương là Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy, được lý giải bằng sự ra đời vô cùng kỳ lạ của họ: bà mẹ thụ thai do nằm mơ thấy được thần long quấn quanh mình trên sông Lục Đầu. Sau 14 tháng sinh ra một bọc gồm 5 đứa trẻ, 4 trai một gái.

Rõ ràng, yếu tố thần kỳ đã góp phần làm cho tác phẩm trở nên thú vị, hấp dẫn. Bởi nó tạo cho người đọc cảm giác nhân vật trong tác phẩm còn chân thật hơn cả sự thật ngoài đời và trong sách sử.


(Tranh của Đặng Xuân Lương)

Đến Triệu Vương phục quốc, yếu tố hư cấu rất được coi trọng. Bên cạnh việc gia tăng nội dung dã sử, tác giả còn sáng tạo hoàn toàn mới thêm hai nhân vật là vị cao tăng họ Phùng và quân sư Trang Sâm của nhà Lương. Nếu nhân vật Phùng sư phụ đại diện cho khí phách của nhân dân Vạn Xuân, thể hiện tiết tháo của bậc trí giả nước Nam thì Trang quân sư là biểu tượng của lũ ngoại xâm mặt người dạ thú: Trong cuộc trường chinh chém giết, máu chảy thành sông, biết bao thủ đoạn cao thâm đã được Trang Sâm vẻ ngoài hiền lương nho nhã xuất thân pháp gia sĩ tộc khi đã ở chung thuyền với đại gian hùng cũng đã tự biến mình thành kẻ khác,bày đặt đủ thứ mưu gian (trang 338).

Đối lập với kẻ thù hiểm ác coi mạng người như cỏ rác, ta luôn chủ trương nhân nghĩa, cương mà nhu:“Xương máu sĩ tốt Vạn Xuân không thể phung phí bừa bãi được (trang 256); giặc cùng chớ đuổi (trang 381). Giặc hàng đỡ tốn máu xương sĩ tốt (trang 432)... “sẵn sàng thả tất cả 7 vạn binh lính, thích chữ vào mặt cho về nước. Nếu còn sang sẽ giết không tha” (trang 436).

Mang tư tưởng tiến bộ của thời đại,đặc biệt quan tâm đến vấn đề chủ quyền quốc gia dân tộc, nên bên cạnh việc đề cao vai trò của người anh hùng dân tộc khi vận nước lâm nguy, tác giả luôn có ý thức khẳng định vai trò to lớn của quần chúng nhân dân: “Nước đâu phải của vị quốc chủ trên ngai vàng mà là của nhân dân trong toàn cõi. Sự mất còn tồn vong là ở trong dân chúng cả nước” (trang 32).

Nhờ thế mà Triệu Vương phục quốc không chỉ góp phần làm sáng tỏ lịch sử mà còn góp phần nuôi dưỡng lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc, giúp thế hệ trẻ biết trân trọng hòa bình, biết tri ân quá khứ.

Nỗ lực làm mới tiểu thuyết lịch sử trên cả hai phương diện nội dung và hình thức, tăng cường chất văn, khắc phục những hạn chế của các tác phẩm trước, Triệu Vương phục quốc đã tạo ra một bước tiến mới cho tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai. Nhưng do yêu cầu của đặc trưng thể loại, để trở nên sinh động thì nhân vật của tiểu thuyết còn cần được nhà văn soi chiếu qua góc nhìn đời tư nhiều hơn nữa.

PGS.TS. Trần Thị Trâm