(Thứ năm, 16/02/2023, 03:07 GMT+7)

Chúng ta đang tiến hành một số hoạt động kỉ niệm 100 năm ngày sinh Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên (1/3/1923 - 1/3/2023) nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn. Đất nước luôn nhiều việc, nhiều chương trình, nhiều ấp ủ. Đã có rất nhiều thành tựu đáng tự hào. Vậy chúng ta có thiếu điều gì không? Thật khó nói. Nhưng vẫn hoàn toàn có thể nói được. Chúng ta thiếu sự thực hành nghiêm túc. Ví như chùa rất lớn, người đến rất đông nhưng lẽ phải đạo - đời trắng đen còn nhiều lẫn lộn. Đến nỗi có lúc dở khóc dở cười. Thời bình có thể xuê xoa? Thiệt hại có thể nghìn tỉ bỏ mặc? Đã kỷ luật nhiều cán bộ người cấp cao. Không chết ngay một ngành nghề, một phương lược, nên mọi thứ cứ như không? Coi như chuyện ở đâu đó không phải của mình?

Nhưng với thời chiến thì sao?

Thời chiến, Bác Hồ phong thầy giáo sử học thành Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, kể từ trước đó nữa, những ai đánh thắng tướng địch được phong tướng, đánh thắng tá được phong tá. Nhân dân không chỉ tâm phục còn hoan hô. Các vị tướng không chỉ đeo lon mà có người còn được nhân dân phong thánh. Đó là tại sao? Đó là sự thực hành đã vượt lên trên mọi lí thuyết, lí luận, sách vở. Sự thực hành được trọng thị từ tổ tiên người Việt. Làm được nỏ liên châu ắt thành tướng quân Cao Lỗ. Đánh thắng giặc Nguyên - Mông ắt trở thành thánh Trần. Điều đó là một vẻ đẹp của người Việt chúng ta.

Chính bởi vậy, người Việt Nam, cho dù cam go đến mức nào, vẫn luôn vươn lên và trưởng thành một cách đáng kinh ngạc.

Trong giai đoạn khó khăn nhất thời kì chống Mĩ, chúng ta đã có những con người thực hành xuất sắc như vậy.

Đó là Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - vị Tư lệnh huyền thoại của Bộ đội Trường Sơn.

Ông không phải là vị Tư lệnh đầu tiên nhưng dấu ấn của ông là một sự kì diệu của chính nghĩa tất thắng. Sự thực hành đạt tới đỉnh cao của người Việt Nam trong thời chiến. Thực hành những điều không thể. Thực hành những điều vô cùng giản dị mà tổ tiên truyền lại. Thực hành để trưởng thành. Thực hành để chúng ta tự hào là người Việt Nam, dẫu khi đó đất nước còn chia cắt, giặc Mĩ còn cho rằng chúng ta không thể thống nhất được đất nước, không thể bắn rơi B52, không thể làm đường sá, cầu cống, đưa xe tăng, những quân đoàn chủ lực vượt qua Trường Sơn. Tất cả dường như là không thể.

Trước ông, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, một vị tướng tài hoa đảm đương nhiều trọng trách từng khởi sinh hệ thống đường Đông - Tây Trường Sơn làm Tư lệnh Trường Sơn. Trước đó nữa là Thượng tá Võ Bẩm, người được Bác Hồ giao nhiệm vụ mở tuyến đường 559 cũng đã thực hành những điều vô cùng khó khăn, nhưng phải đến khi Đồng Sĩ Nguyên được bổ nhiệm làm Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn mọi thứ mới hoàn toàn đổi khác.


Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sĩ Nguyên (giữa) với Chính uỷ Trung đoàn 515 Hoàng Anh Tuấn (phải) và Chính ủy Sư đoàn 473 Nguyễn Sỹ Chia. Ảnh: TL

Đồng Sĩ Nguyên tên thật là Nguyễn Hữu Vũ, sinh ngày 1 tháng 3 năm 1923, tại làng Trung Thôn, xã Quảng Trung, phủ Quảng Trạch, Quảng Bình, xuất thân trong một gia đình trung lưu. Song thân ông là ông Nguyễn Hữu Khoán và bà Đặng Thị Cấp, đều là những hậu duệ của thủ lĩnh Phong trào Cần Vương. Ông là con thứ 5 trong gia đình. Cha ông mất sớm khi ông mới 10 tuổi. Thuở nhỏ, Đồng Sĩ Nguyên được cha dạy chữ Hán và theo học chữ Quốc ngữ bậc tiểu học tại Thọ Linh (nay thuộc xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch). Chịu ảnh hưởng của gia đình, ông sớm đã có tinh thần chống thực dân Pháp. Năm 12 tuổi, ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng dưới sự hướng dẫn của ông Nguyễn Văn Huyên (bí danh là Tế), một cán bộ của Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1938, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, lấy bí danh là Nguyễn Văn Đồng. Ông cũng là người nhỏ tuổi nhất khi gia nhập Đảng khi mới 15 tuổi.

Năm 1940, Đồng Sĩ Nguyên được cử làm Bí thư chi bộ Trung Thôn (mật danh là chi bộ Bình). Cùng năm này, ông theo học bậc trung học tại trường Saint Marie ở thị xã Đồng Hới. Một năm sau, ông được phân công làm Bí thư chi bộ tại trường. Những hoạt động của ông sớm bị chính quyền thực dân theo dõi. Vì vậy, khi đang học năm thứ 3 bậc Thành chung, ông bị thực dân Pháp truy nã và phải chuyển vào hoạt động bí mật tại Lào và Thái Lan, trong phong trào Việt kiều yêu nước để gây dựng cơ sở.

Năm 1944, Đồng Sĩ Nguyên bí mật trở về Việt Nam hoạt động, phụ trách Phủ ủy Quảng Trạch, làm chủ nhiệm báo Hồng Lạc và xây dựng chiến khu Trung Thuần, huấn luyện quân sự, tham gia Cách mạng tháng Tám. Sau Cách mạng tháng Tám, ông được bầu làm Chủ nhiệm Việt Minh, kiêm chỉ huy trưởng bộ đội Quảng Bình. Năm 1946, ông trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I.

Sau năm 1954, ông được điều về Bộ Tổng tham mưu, phụ trách Cục Động viên dân quân. Năm 1959, ông được phong quân hàm đại tá. Năm 1964, Đồng Sĩ Nguyên được đề bạt giữ chức vụ Phó Tổng tham mưu trưởng, sau đó được điều về làm Chính ủy Quân khu 4 năm 1965, sau đó là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Trung - Hạ Lào.

Đầu năm 1967, ông được điều làm Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn. Ông giữ chức vụ này đến năm 1976. Năm 1974, Đồng Sĩ Nguyên được phong vượt cấp từ đại tá lên trung tướng.

Trong những năm chiến đấu anh dũng của bộ đội Trường Sơn trên tuyến đường mang tên Bác đã phải đối mặt với mọi thủ đoạn, mọi phương tiện và vũ khí tối tân nhất của đế quốc Mĩ. Chúng đã thực hiện 733.000 trận oanh kích bằng đủ loại máy bay trong đó cả B52; trút xuống Trường Sơn 4 triệu tấn bom đạn các loại trong đó có hàng chục vạn lít chất độc da cam - đi ô xin. Nói thế để thấy sự khốc liệt và hi sinh vô bờ bến của bộ đội và nhân dân ở Trường Sơn. Để đưa được một cân hàng, một khẩu súng vào chi viện cho miền Nam, chúng ta đều phải trả giá bằng xương máu. Bộ đội Trường Sơn trong đó có hàng chục vạn thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến đã chiến đấu kiên cường, giành giật từng thước đường với lời thề Máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc; Còn người còn xe, còn hàng; Tận tình với đồng chí, tận nghĩa với chiến trường; Coi dây như ruột, coi cột như xương. Bộ đội Trường Sơn đã làm nên hệ thống giao thông huyền thoại gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang với hơn 17 nghìn km đường cơ giới, vận chuyển hơn 1,8 triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm chi viện cho các hướng chiến trường.

Những con số có thể ngay lập tức được thống kê và truy tìm nhanh chóng, nhưng điều căn bản nhất là tư duy chiến lược để thực hành ra con đường đó, hệ thống đường Trường Sơn huyền thoại đó mới là vấn đề mà bây giờ vẫn còn những câu hỏi lớn không chỉ ở phía ta mà cả phía đối phương.

Qua một số nhân chứng từng làm việc với Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên, chúng tôi vỡ lẽ một điều vô cùng bình dị: Thực hành từ thực tiễn. Thực hành đến tận cùng trên nền tảng chính nghĩa của cuộc chiến tranh.

Không chỉ ở Trường Sơn, ở đâu, thời gian nào, ngay cả khi Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên ở cương vị cao nhất: Ủy viên Bộ chính trị - Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thì vẫn là con người đó. Rất kiệm lời. Luôn suy nghĩ đến tận cùng và thực hành đến tận cùng.

Ông vào Trường Sơn khi bộ đội ta gặp vô cùng nhiều khó khăn. Xe bị bắn cháy liên tục, hàng loạt. Đường bị san phẳng bất cứ nơi đâu. Sự dũng cảm hi sinh không thể đắp đầy nhu cầu phía trước. Khu 5, miền Nam ruột thịt cần rất nhiều vật chất, con người. Đi vào bằng cách nào nếu cứ hi sinh hàng loạt? Câu hỏi này nhiều vị Tư lệnh, cả cấp trên tìm cách giải ngày đêm, cam go, nhiều lúc là bế tắc. Có lúc như là không có đáp số.

Đồng Sĩ Nguyên vào Trường Sơn, ông phải giải một bài toán vô cùng hóc búa. Ở thời điểm ấy, đã bộc lộ một tài năng chiến lược theo cách giản dị nhất: Thực hành. Địch đánh, ta đánh lại chúng. Thay vì chịu trận, giữ bí mật an toàn, ta đưa cao xạ phòng không vào đối chiến. Địch dùng B52, ta đưa thơ văn nhạc họa vào Trường Sơn. Địch rải chất độc thiêu trụi cây rừng, ta trồng hàng vạn cây ngụy trang đường ra phía trước. Cứ như vậy, hàng chục Tiểu đoàn thành Trung đoàn, Sư đoàn. Các binh chủng: Công binh; Phòng không; Vận tải; Xăng dầu phơi phới tiến về phía trước. Những dòng sông mang lửa. Những dòng sông vượt các đỉnh Đông-Tây Trường Sơn vào chiến trường. Những bông hoa gài lên mái tóc. Những vòng vô lăng mềm mại nữ lái xe tải quân sự Trường Sơn. Cứ như vậy, càng đánh, địch càng như bị rơi vào tổ tơ vò. Càng đánh, ta càng mạnh. B52 bị bắn cháy. Cả nước lên đường. Ở Trường Sơn không chỉ có súng pháo mà còn có binh trạm ríu ran đưa đón giao liên. Hàng ngàn học sinh miền Nam theo núi rừng Trường Sơn ra Bắc, sang các nước bạn vừa học tập vừa tố cáo sự phi nghĩa của chiến tranh.

Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên là như thế. Ông ít nói lắm, càng không bao giờ tranh luận miên man, chỉ thực hành từ thực tiễn máu xương. Một người bạn chí thân của ông - Chính ủy Đặng Tính cũng như vậy. Chỉ một lần, đó là khi Chính ủy Đặng Tính hi sinh khi đi kiểm tra chốt trạm ở Trường Sơn, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên mới gạt nước mắt mà nói phải lập tức tìm mọi cách đưa thi hài Chính ủy ra Hà Nội, còn ông vẫn chỉ đạo bộ đội Trường Sơn nắm chắc tay súng lập công. Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên và Chính ủy Đặng Tính như đã theo lối tâm truyền mà hiểu hết mọi cơ sự Trường Sơn. Âu cũng là nỗi niềm và trí tuệ của những bậc người hiền.

Một cá tính thực hành Đồng Sĩ Nguyên biểu hiện sâu sắc khi ông đã lấy đầu mình để bảo vệ phương án phải làm cầu Chương Dương khi nhiều cái đầu khẳng định chỉ cần làm duy nhất cầu Thăng Long là đủ. Cái khoản “sắt thép thừa” mà Bộ trưởng Đồng Sĩ Nguyên đưa về làm cầu Chương Dương khiến sau này những người làm xây dựng trầm trồ thán phục. Không chỉ vậy, với người thực hành Đồng Sĩ Nguyên, không bao giờ có một giây cho sự chần chừ, nước đôi, rồi dẫn đến thỏa hiệp, bắt tay dưới ngăn kéo như không ít những điều hôm nay chúng ta đang chứng kiến.


Trung tướng Đồng  Nguyên với Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn - Phó Chủ tịch thường trực Hội truyền thống Trường Sơn. Ảnh: TL

Là Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, khi tuổi đã gần một trăm, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên chắc chắn còn muốn thực hành rất nhiều điều. Khi trò chuyện với Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, tôi mới hiểu được thêm cốt cách của vị tướng Trường Sơn. Ngần ấy binh trạm, ngần ấy Sư đoàn, ngần ấy giao liên, có đến hàng vạn nữ thanh niên xung phong Trường Sơn trở về quá lứa nhỡ thì nương tựa cửa chùa bóng phật. Là một vị Tư lệnh, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên dẫu rất ít nói nhưng đã phải nói ra những điều tâm can nhất. Phải làm gì đó cho Bộ đội Trường Sơn.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn luôn tâm niệm và thực hiện điều đó. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên cách đây hơn mười năm từng nắm tay Hoàng Anh Tuấn nói: “Vợ chồng cậu đều là bộ đội Trường Sơn, cậu nên tham gia vào Ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn xem có giúp ích được gì cho anh em”. Lời nói đó của vị Tư lệnh Trường Sơn khiến Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn suy nghĩ mãi. Và theo tinh thần Trường Sơn, ông cùng đồng đội nỗ lực bắt tay làm mọi việc để có được Hội truyền thống Trường Sơn hoạt động có hiệu quả như hôm nay. Từ cái tên gọi cũng vô cùng trăn trở, kĩ lưỡng, bao hàm được sự phát triển bền vững và tôn chỉ mục đích rõ ràng. Không chỉ chính danh mà phải thực việc đúng với tinh thần chỉ đạo, góp ý sâu sắc của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên. Thiếu tướng Võ Sở, vị tướng Trường Sơn năm xưa hôm nay với cương vị Chủ tịch Hội luôn là tấm gương sáng để mỗi hội viên học tập. Công việc rất nhiều nhưng mọi người đều đoàn kết thống nhất cao và nhất là trên tinh thần tự nguyện cống hiến cho Hội nên đã đạt những kết quả rất thiết thực. Hơn hai ngàn căn nhà tình nghĩa được hỗ trợ xây mới, sửa chữa, nâng cấp đã là những mái ấm của các chiến sĩ Trường Sơn. Trên ba ngàn sổ tiết kiệm với mức từ 3 đến 5 triệu được trao tận tay các đối tượng chính sách. Hàng vạn xuất quà cho các gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Trợ cấp thường xuyên cho hàng trăm anh chị em có hoàn cảnh đặc biệt. Những tấn gạo, thùng mì, quần áo, sách vở đến nơi vùng sâu vùng xa là tấm lòng của người chiến sĩ Trường Sơn hôm nay với đồng đội mình, nhân dân mình.

Hội Truyền thống Trường Sơn đang là tấm gương sáng trong mọi việc góp phần vào xây đắp cuộc sống no ấm hơn, bền vững hơn trong xã hội. Người chiến sĩ Trường Sơn trước tiên và trước hết phải là người lính Cụ Hồ, phải là công dân có ích của xã hội đang từng ngày đổi mới. Truyền thống của Bộ đội Trường Sơn đã hòa chung dòng chảy lớn truyền thống vẻ vang của quân đội ta, nhân dân ta.

Mười năm, Hội Truyền thống Trường Sơn đã thực hiện được nhiều điều theo tâm nguyện của vị Tư lệnh, nhưng vẫn còn nhiều điều lắm phải thực hành bằng được. Điều đó bao gồm những gì vị tướng đã nói ra còn bao hàm những gì đời sống chúng ta đang đặt ra. Hãy học tập cách nghĩ của người đi trước.

Chúng ta đang phải giáp mặt với quá nhiều những điều không đáng có, sự trí trá, một số giá trị đảo lộn, sự bất lực, những tầm phào mà quá thiếu những người thực hành chính trực như vị tướng Trường Sơn huyền thoại Đồng Sĩ Nguyên.

Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI / VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI