(Thứ tư, 20/09/2023, 11:27 GMT+7)
Nhà văn Hữu Ước hiện là Chủ tịch Chi hội nhà văn Công an. Năm 2021, ông đã ra mắt tiểu thuyết Suối Cọp mà theo ông "là một cuộc chiến thu nhỏ trong cuộc chiến tranh lớn của đất nước". Tiểu thuyết Suối Cọp của Hữu Ước mới được tái bản và bổ sung năm 2023, cuộc trò chuyện với ông xoay quanh tác phẩm này và những suy nghĩ của ông về cuộc sống.
 

Trung tướng, nhà văn Hữu Ước

- Vì sao ông chọn đề tài người lính, chiến tranh, cách mạng cho tiểu thuyết mới của mình, bởi đây là một đề tài khó và đã được khai thác rất nhiều qua hàng ngàn tác phẩm?
 
+ Cả cuộc đời tôi gắn bó với đời sống người lính. Chất lính đã ngấm vào máu thịt, xương tuỷ. Mười sáu tuổi tôi đã vào chiến trận. Quãng thời gian trải nghiệm chiến tranh chỉ 4 năm, không quá dài, nhưng thực tế chiến tranh khốc liệt, sinh động mà tôi chứng kiến đã tạo nên những kí ức giàu có về một đời sống hiện thực nơi núi rừng Trường Sơn. Sau những năm quân ngũ đó, tôi trở thành phóng viên đi vào mặt trận, theo sát các chiến dịch Chiến tranh biên giới phía Bắc, Chiến tranh biên giới Tây Nam… Là người lính hiếu động, hăng hái, vùng nào có chiến sự tôi đều tranh thủ để xông pha ở các vị trí khác nhau. Và trên mỗi chặng đường, tôi luôn mang theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội, đọc những bài thơ, truyện ngắn của các nhà văn cách mạng thời kì ấy như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyễn Đình Thi... Tôi cũng không quên mang bên mình sổ ghi chép như cuốn nhật kí, ghi lại những gì quan sát được hàng ngày, rất tỉ mỉ về chiến trường, từ khung cảnh thiên nhiên cây cối, sông ngòi, thú rừng, đến hình ảnh người lính ở các đơn vị khác nhau, người dân và đồng bào dân tộc… Những ghi chép đó trở thành nguồn tư liệu dày dặn, quý giá để mỗi khi cần, tôi đọc và hồi tưởng lại, mang chúng trở lại những trang viết của mình.
 
Khi rời quân ngũ, tôi theo học đại học ngành báo chí, sau đó trở thành phóng viên Báo Công an nhân dân và trở thành sĩ quan Công an nhân dân. Công an cũng là lực lượng vũ trang, mang phẩm chất người lính. Trong thời gian công tác, tôi cũng có cơ hội làm quen, trò chuyện với các bậc cha chú, các đàn anh, những người bạn, người em đều là người lính, cả những vị tướng trong lực lượng vũ trang, các văn nghệ sĩ. Có lẽ tôi được chơi cùng, được tiếp xúc và gần gũi với các nhà văn quân đội nhiều nhất. Tôi được lắng nghe những câu chuyện nóng hổi về trận mạc, những câu chuyện anh hùng, thương đau, mất mát, ám ảnh và cảm động của những người trực tiếp trải qua đời sống chiến tranh. Do vậy, người lính và chiến tranh, cách mạng luôn là đề tài mà tôi đau đáu nghĩ về. Và tôi cũng thành công hơn cả khi viết về đề tài này, không kể tiểu thuyết, mà thơ, hay sân khấu, điện ảnh cũng vậy. Mặc dù đề tài người lính, chiến tranh đã được khai thác rất nhiều, viết về nó cũng rất khó, nhưng tôi cố gắng và tôi đủ tự tin khi mình có đủ trải nghiệm quý giá từ thực tiễn và được nghe những câu chuyện thực khác, để viết lên tác phẩm về đề tài này theo cách riêng của mình.
 
- Cám ơn nhà văn đã có những chia sẻ thú vị về quãng thời gian tham gia chiến đấu trong quân ngũ cũng như ý nghĩa đặc biệt về hình ảnh Bộ đội cụ Hồ đối với ông. Vậy còn tiêu đề Suối Cọp? Vì sao nhà văn lại chọn nhan đề này cho tác phẩm của mình?
 
+ Thời điểm nóng mà Suối Cọp trở thành một địa danh là thời điểm Mĩ chuẩn bị cho chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”. Cao trào là cuối xuân 1971, chúng mở ba cuộc hành quân lớn ra khu vực Đường 9 - Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và khu vực ngã ba biên giới, hòng triệt phá căn cứ hậu cần, cắt đứt hành lang vận tải chiến lược từ hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa vào tiền tuyến lớn miền Nam và bóp nghẹt cuộc kháng chiến của nhân dân ta, cách mạng Lào và Campuchia. Suối Cọp khoanh gọn cuộc chiến tranh vào một địa điểm nằm ở vùng hang động sát biên giới Việt - Lào. Tuy không quá rộng lớn, nhưng là một địa điểm có vị trí chiến lược quan trọng mà chúng ta cần phải bảo vệ biên giới, bảo vệ “hành lang phía Tây” Trường Sơn, khu vực có thể thông suốt qua ngã ba biên giới vào thẳng Trung ương cục miền Nam Việt Nam. Đó là nhiệm vụ của lính bộ binh bảo vệ tuyến đường Trường Sơn và lính đặc công của Công an vũ trang. Khi đó, tôi là một người lính đặc công của Công an vũ trang trực tiếp tham gia chiến đấu, hoạt động sát toán biệt kích hết chặng này đến chặng khác. Tiêu đề Suối Cọp thể hiện đầy đủ bức tranh về cuộc chiến tranh chống Mĩ mà Suối Cọp là một cuộc chiến thu nhỏ trong cuộc chiến tranh lớn của đất nước. Ở đó có đầy đủ bối cảnh, thời gian, không gian, chất liệu lịch sử, những gương mặt, nhân vật trong cuộc chiến với đầy đủ đặc trưng về tính cách, số phận…
 
- Đọc tiểu thuyết của nhà văn, tôi thấy hiện lên sinh động và ấn tượng một số nhân vật cùng câu chuyện và số phận của họ như: đội trưởng đại đội trinh sát Tuần râu và bác sĩ Liên, Thế Cương và Mai Nhung, Hoàn và O Loan, người lính liên lạc… Những nhân vật này đều là hư cấu hay được xây dựng từ nguyên mẫu có thực?
 
+ Tôi có cơ hội được trải nghiệm, cơ động dọc tuyến đường, gặp rất nhiều lực lượng cách mạng khác nhau trong chiến tranh: đơn vị thanh niên xung phong, đoàn dân công, đoàn y tá, các tiểu đội, trung đội chiến đấu, gặp người dân, người dân tộc thiểu số trên địa bàn, những thương binh của ta, tù binh người Mĩ… Tôi tận mắt chứng kiến hiện thực chiến tranh đến tàn nhẫn với lửa đạn, xương rơi, máu chảy đầy đau xót và căm giận. Cũng được nhìn thấy, nghe thấy và chiêm nghiệm trong sự tàn khốc của chiến tranh là những câu chuyện nhân văn và cảm động về người lính, về con người, về tình yêu và số phận con người, những giấc mơ êm ái và bình dị mà con người hướng tới. Sau này, khi rời quân ngũ, do đặc thù công việc nên tôi cũng có quen biết với những nhà văn, người lính, những vị tướng. Thông qua họ, hiểu biết về chiến tranh của tôi càng được mở rộng. Trong chiến tranh không thiếu những câu chuyện bi thương, đớn đau, khôi hài, quái dị và những câu chuyện đẹp đẽ, giàu tình người, tình yêu, tình đồng đội và lẽ sống cao cả. Do vậy, những nhân vật cùng câu chuyện số phận của nhân vật bạn nhắc tới đều hoặc là những nhân vật mà tôi đã từng được chứng kiến, hoặc được nghe kể lại, rất thực tế và đa dạng. Có điều, khi đưa vào tác phẩm, nhà văn cần phải lựa chọn những tình tiết, và đôi khi thêm một chút hư cấu để làm rõ hơn câu chuyện mình muốn kể.


Tiểu thuyết Suối Cọp của Trung tướng, nhà văn Hữu Ước

- Tôi cũng thấy ông dành một dung lượng lớn của tiểu thuyết cho những đối tượng không phải là con người như: thiên nhiên cây cỏ, những con vật…
 
+ Tôi đọc nhiều tác phẩm về chiến tranh Việt Nam của các đồng nghiệp, tôi thấy họ bỏ qua một lực lượng khá quan trọng, đó là thiên nhiên và thú rừng hoang dã. Có lẽ vì có cái nhìn của một người quan tâm tới lĩnh vực điện ảnh, sân khấu và hội hoạ, nên tôi cũng chú ý tới cả bối cảnh, và những chi tiết về thiên nhiên, muông thú. Chất thiên nhiên khi tôi miêu tả những đám mây, khu rừng, những cây non nhú lên từ lòng đất chịu bom đạn, làn nước suối róc rách, tiếng chim hoạ mi hót… làm mềm đi sự tàn khốc của chiến tranh. Nó cho thấy bộ mặt khác của cuộc chiến, dù chiến tranh có tàn phá, đáng sợ cỡ nào thì vẫn tồn tại một bộ mặt khác của cuộc sống, khi bom đạn tan đi, thiên nhiên vẫn toả ra vẻ đẹp trong thầm lặng. Và những loài vật như con cọp, con sói, chim lợn… đều chứa câu chuyện riêng của nó. Đặc biệt, khi tôi kể câu chuyện chiến tranh, thì hiện ra trong đó câu chuyện của loài vật như con trâu của dân làng, cặp voi của già làng Hồ Pưng… Chúng hiểu được cả con người, có tâm tư tình cảm, cũng tham gia vào cuộc chiến, giúp sức cho người lính, sẵn sàng hi sinh…
 
- Theo tôi biết, Suối Cọp đã được dịch và xuất bản ở nước ngoài?
 
+ Thông qua sự giới thiệu của một giáo sư Việt Nam, tác phẩm của tôi được giới thiệu lần đầu tiên ở Mĩ. Sau đó tác phẩm được xuất bản lần lượt tại Mĩ, Hunggary, sắp tới là tại Pháp và Hàn Quốc nữa. Tiểu thuyết của tôi được nước ngoài đón nhận là một điều may mắn, và có lẽ câu chuyện mà tôi kể thuộc về chủ đề mà độc giả các nước bạn quan tâm. Ở đây là câu chuyện về chiến tranh Việt Nam, có những câu chuyện về người lính và số phận riêng biệt, chuyện tình yêu đẹp đẽ, mãnh liệt và bi thương khác biệt, câu chuyện về người tù binh Mĩ, chuyện về thiên nhiên, cây cỏ và loài vật… Tất cả đều góp phần gửi đến một thông điệp mạnh mẽ: Vì sao một đất nước bé nhỏ với người dân chất phác, dung dị lại đánh thắng cường quốc Mĩ.
 
- Theo nhà văn, các tác phẩm văn học Việt Nam cần đáp ứng những tiêu chí gì để không chỉ được quan tâm ở thị trường trong nước, mà hướng đến tiếp cận với bạn đọc ngoài nước?
 
+ Đây là câu hỏi cần được nghiên cứu kĩ lưỡng ở nhiều khía cạnh. Trong khoảng thời gian nhỏ hẹp và suy nghĩ chủ quan của tôi, một tác phẩm văn học để được đón nhận thì phải hay, phải chứa đựng giá trị nội dung và nghệ thuật hấp dẫn, đề cập đến những vấn đề mà con người quan tâm: chiến tranh và lên án chiến tranh; hoà bình; con người và thân phận con người; tình yêu; thù hận; khủng bố, bạo lực, di cư; thảm hoạ thiên tai; dịch bệnh, bình đẳng giới, bình đẳng sắc tộc, vấn đề bản sắc, công bằng và dân chủ… Trong thực tế, văn chương Việt Nam một phần nhỏ đã được giới thiệu và được biết đến ở các nước trên thế giới, như trong thời kì văn học cổ điển có Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương,… giai đoạn văn học cách mạng thì có các tên tuổi như Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Tố Hữu, Xuân Diệu, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu… giai đoạn hiện đại có thể kể tới Hữu Thỉnh, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, Hồ Anh Thái, Thuận, Mai Văn Phấn, Lâm Thị Mỹ Dạ,… Phần lớn các sáng tác của các nhà văn Việt Nam nêu trên đều theo suốt sự phát triển của lịch sử dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và nhân dân. Ở mỗi chặng đường đều có tác phẩm mang dấu ấn của lịch sử, mang đậm màu sắc văn hoá và tâm hồn người Việt. Các tác phẩm viết về chiến tranh của các nhà văn, nhà thơ cũng hấp dẫn, đa dạng. Và điểm mạnh nữa của các nhà văn, nhà thơ này là cách thể hiện văn chương bằng ngôn ngữ điêu luyện…
 
- Chúng ta cần phải làm gì để giới thiệu và xuất bản nhiều hơn, trọn vẹn hơn các tác phẩm hay, nổi bật của văn học Việt Nam đến với bạn đọc và những nhà nghiên cứu văn học quốc tế?
 
+ Đây là mong muốn chính đáng của các độc giả yêu văn chương dân tộc, sự khao khát của các nhà văn, của Hội nhà văn và của đất nước. Điều đầu tiên chúng ta cần có là các tác phẩm nổi bật, hấp dẫn, có tầm. Tiếp theo mới đến các điều kiện về nhân tài, vật lực, nguồn lực kinh tế, sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa nhiều đơn vị liên quan như: tác giả, dịch giả, các nhà xuất bản, các trường đại học trong và ngoài nước, các tạp chí ấn phẩm trong và ngoài nước, các nhà tài trợ… Những điều này không chỉ cố gắng là được, đôi khi có cả may mắn nữa.
 
- Xin cám ơn nhà văn với những chia sẻ và thông tin hữu ích. Chúc nhà văn luôn dồi dào sức khoẻ và hạnh phúc!
 
Theo NGỌC HIÊN / Tạp chí VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI