Đất nước đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh (chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh biên giới Tây Nam và cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc). Hòa bình đã lập lại được hơn 40 năm nay nhưng vẫn còn biết bao nhức nhối do hậu quả của chiến tranh để lại.
Trung tướng Phùng Khắc Đăng kể, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn căn dặn việc quan tâm, chú trọng đến công tác thương binh, liệt sĩ (Ảnh: Yến Nguyệt)
Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), Trung tướng Phùng Khắc Đăng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam nhớ lại lời nhắc nhở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Bây giờ, các đồng chí phải chú trọng đến công tác thương binh, bệnh binh và liệt sĩ. Nếu không có những người đó thì không có chúng ta ngày hôm nay".
Trung tướng Phùng Khắc Đăng trải lòng, hằng năm, cứ đến những ngày tháng Bảy, những người lính qua chiến tranh thường bùi ngùi, xúc động và nhớ về đồng đội của mình đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Dù người ta cứ nói các anh ấy là “thanh xuân mãi mãi” nhưng ở trong lòng người lính già, những người đồng đội ấy đã để lại niềm thương, nỗi nhớ vô cùng lớn...
Rưng rưng nghĩ về đồng đội
Tháng Bảy là tháng của tri ân và tưởng niệm. Ký ức về chiến tranh đối với ông thế nào khi gặp lại đồng đội cũ mang thương tích trên người, hay lúc nghĩ về những người đã để lại tuổi thanh xuân nơi chiến trường?
Những người lính đã trải qua chiến tranh biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam đến nay cũng đã hơn 60 tuổi. Những người lính chống Pháp cũng không còn nhiều. Những người lính chống Mỹ như chúng tôi đều ở tuổi ngoài 70 rồi.
Ngày này, với những người từng tham gia chiến tranh, dường như ai cũng cảm thấy rưng rưng, nhớ về trận chiến, nhớ về sự hy sinh của đồng đội mình.
Rất nhiều bài viết trên báo, nhiều bài thơ tri ân trên mạng xã hội đều muốn bày tỏ tình cảm và sự tri ân của mình với đồng đội. Nhưng tôi vẫn cảm thấy không đủ và không thể nói hết được sự hy sinh quên mình của những người lính năm xưa.
Đất nước đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh (chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh biên giới Tây Nam và cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc). Hòa bình đã lập lại được hơn 40 năm nay nhưng vẫn còn biết bao nhức nhối do hậu quả của chiến tranh để lại.
Nhớ lời dặn của Tướng Giáp
Được biết, ông từng có kỷ niệm đặc biệt với Đại tướng Võ Nguyên Giáp?
Trước đây, tôi cũng có những dịp vinh dự được làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với ông, thế hệ chúng tôi chỉ là lớp con cháu, không được nhận sự trực tiếp chỉ huy từ ông.
Sau này, khi có điều kiện về công tác tại Bộ Quốc Phòng, tôi mới có dịp xin ý kiến ông về những vấn đề liên quan đến chính sách, chiến lược, con người.
Những lần làm việc với ông, khi xin ý kiến của ông về hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông rất chân tình, cởi mở và cho chúng tôi những kinh nghiệm quý báu.
Không bao giờ Đại tướng quên nhắc việc quan tâm đến công tác Thương binh, Liệt sĩ. Tôi vẫn nhớ rõ Đại tướng từng nói: “Bây giờ các đồng chí phải chú trọng đến công tác thương binh, bệnh binh và liệt sĩ. Nếu không có những người đó thì không có chúng ta ngày hôm nay. Các đồng chí phải nhớ kỹ điều này…”.
Tôi cho rằng, đó là một lời nhắc nhở rất chân tình của vị tướng vừa là tướng trận, đồng thời cũng là vị tướng đầy tính nhân văn.
Trăn trở của "người lính già"
Trong bối cảnh chiến tranh ác liệt, gian khổ, Trung tướng và các đồng đội nghĩ gì về sự hy sinh, về chiến thắng?
Nói về những ngày tháng Bảy này, chúng tôi có rất nhiều suy nghĩ, tình cảm, trăn trở. Hơn 40 năm hòa bình đã lập lại nhưng điều trăn trở nhất của những người lính chúng tôi đó là bây giờ làm sao có thể trả ơn, đáp nghĩa hết được.
"Những người lính già, những người đã trải qua chiến tranh đều có một lời hứa thầm với những người đã ngã xuống hy sinh. Đó là, phải sống sao để dù có thiếu thốn đến mấy, dù tuổi cao sức yếu, dù bệnh tật dày vò nhưng vẫn phải sống thế nào để xứng đáng với những tấm gương hy sinh của động chí, đồng đội mình".
Trên cả nước đã có hơn 3.200 nghĩa trang là nơi an nghỉ của các liệt sĩ đã hy sinh, của những thanh niên xung phong cứu nước, dân quân… đã đóng góp công sức của mình cho chiến thắng của đất nước.
Như ở Quảng Trị có tới 72 nghĩa trang mà Nghĩa trang Trường Sơn có đến hàng chục vạn liệt sĩ; Nghĩa trang Đường 9 cũng có hàng vạn anh em.
Ngoài ra, cũng có trên 3 nghìn công trình mà chính những người lính sau chiến tranh trở về đã góp công góp sức, họ vận động cấp ủy, địa phương giúp đỡ để xây dựng nên các Đài tưởng niệm nhằm tôn vinh những chiến sĩ của đơn vị mình.
Trung tướng Phùng Khắc Đăng sau khi thắp hương tưởng niệm ở Tượng đài trên đồi Dương Lâm (Hòa Vang - Đà Nẵng)
Trải qua những năm tháng chiến tranh, cùng đồng đội lập nên nhiều chiến công, cảm xúc của ông hôm nay thế nào?
Tôi mới từ Đà Nẵng trở về hôm qua. Trung đoàn của chúng tôi vào Nam chiến đấu từ tháng 10/1965 đến tháng 3/1975 đã có hơn 900 anh em hy sinh ở trên vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng. Trong đó, có cả Trung đoàn trưởng, Chính ủy đều nằm lại trên mảnh đất ấy...
Hôm qua, hơn 130 anh em là những người lính già mang theo cả con, cháu của mình vào thắp hương tưởng niệm ở Tượng đài trên đồi Dương Lâm (Hòa Vang - Đà Nẵng).
Chúng ta đều biết, cả nước còn tới 1,2 triệu liệt sĩ, hơn 200 nghìn liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, hơn 300 nghìn liệt sĩ chưa xác định được tên. Dù cha mẹ họ sinh ra có quê hương bản quán, có tên tuổi rõ ràng nhưng họ vẫn phải mang một cái tên “vô danh”. Đó là chưa kể có hàng vạn thương binh, bệnh binh và những nạn nhân chất độc da cam.
Ngay chuyện “Liệt sĩ chưa xác định tên” hay “Liệt sĩ vô danh” bây giờ cũng đang là câu chuyện tranh luận nên như thế nào. Đó cũng là điều mà chúng ta phải suy nghĩ.
Ấn tượng sâu sắc nhất của ông trong cuộc đời binh nghiệp là gì?
Nghĩ về một trận chiến, nghĩ về chiến thắng và nghĩ về những đồng đội của mình thì anh em chúng tôi - những người lính già, những người đã trải qua chiến tranh đều có một lời hứa thầm với người đã ngã xuống hy sinh. Đó là, phải sống sao để dù có thiếu thốn đến mấy, dù tuổi cao sức yếu, dù bệnh tật dày vò nhưng vẫn phải sống thế nào để xứng đáng với những tấm gương hy sinh của động chí, đồng đội mình.
Thứ hai, chúng tôi luôn nghĩ, không có một chiến thắng nào tự nhiên có được. Chiến thắng đều phải được trả bằng một cái giá rất đắt, không thể tiền bạc nào so sánh được với xương máu của đồng chí, đồng bào chúng ta đổ xuống.
Cũng mong rằng, đừng ai, đừng có người nào lãng quên và cũng đừng vô cảm trước sự hy sinh, mất mát của cả dân tộc, của những người đã từng cống hiến tuổi thanh xuân của họ cho đất nước này.
Khi còn trong chiến tranh, tôi từng làm công tác liệt sĩ, tử sĩ, tôi hiểu rõ từng hoàn cảnh cụ thể. Ngay cả khi bạn học cùng với tôi hy sinh, tôi cũng phải gạt nước mắt để đắp cho bạn một vài tàu lá rồi cúi đầu vĩnh biệt, để tiếp tục đi làm nhiệm vụ. Do đó, tôi hiểu được giá trị của chiến tranh, hiểu được giá trị của hòa bình như thế nào.
Bây giờ, hòa bình, tôi cũng có những mong muốn:
Thứ nhất, mong Đảng, Nhà nước quan tâm và có chủ trương tháo gỡ việc soi xét lại thương binh, bệnh binh, công nhận các gia đình liệt sĩ và những người nhiễm chất độc da cam/dioxin cho anh em. Có những trường hợp tuổi cao, sức yếu, buồn tủi vì trên mình mang thương tật nhưng đôi khi giấy tờ không có; mang chất độc da cam bởi chiến tranh nhưng ai là người minh chứng cho điều này?
Do vậy, chính sách phải nghĩ đến lớp người này. Họ cũng không sống được bao lâu nữa nhưng những giày vò của chiến tranh để lại trong họ rất nặng nề. Nếu như chúng ta có một chế độ tốt thì cũng phần nào an ủi họ, chính sách tốt cũng là làm cho lớp trẻ sau này.
"Chiến thắng đều phải được trả bằng một cái giá rất đắt, không thể tiền bạc nào so sánh được với xương máu của đồng chí, đồng bào chúng ta đổ xuống. Cũng mong rằng, đừng ai, đừng có người nào lãng quên và cũng đừng vô cảm trước sự hy sinh, mất mát của cả dân tộc, của những người đã từng cống hiến tuổi thanh xuân của họ cho đất nước này".
Thứ hai, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách như tổ chức quy tập, tìm kiếm liệt sĩ, xác định ADN để tìm người thân cho gia đình họ; xác minh, công nhận bằng liệt sĩ cho những người có công lao mà từ lâu chúng ta chưa làm được…
Đó là những điều hết sức nhân văn, thiết thực mà Đảng, Nhà nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã và đang làm. Tôi cho rằng, cần làm nhiều hơn như thế để vơi bớt phần nào nỗi đau của những gia đình có người thân là thương binh, liệt sĩ, cũng như mang di chứng của chiến tranh.
Thiết nghĩ, Đảng và Nhà nước đã có sự quan tâm rồi nhưng cần có sự quan tâm hơn nữa. Tôi hiểu, tình hình đất nước - kinh tế còn khó khăn nhưng cái gì có thể làm được cho thương binh, bệnh binh, cho con cái của họ, cho thân nhân liệt sĩ thì nên chăm lo chu đáo hơn.
Đồng thời, cũng cần quan tâm, tu sửa các nghĩa trang, xác định ADN để tìm lại người thân cho các liệt sĩ. Đây là việc đáng để chúng ta phải làm, phải quan tâm nhằm tri ân các anh.
Trung tướng Phùng Khắc Đăng (thứ 3 từ trái sang) cùng đồng đội chụp ảnh kỷ niệm
Tin tưởng thế hệ trẻ
Ông có đôi lời gửi gắm đến lớp trẻ hôm nay?
Với lớp trẻ, tôi đánh giá rất cao. Tôi nghĩ, mỗi thế hệ có một trách nhiệm khác nhau. Thế hệ chúng tôi phải lên đường, cầm súng để bảo vệ quê hương, đất nước, giành lại tự do, độc lập cho dân tộc.
Thế hệ trẻ ngày nay cũng có sứ mệnh rất lớn là làm cho đất nước giàu lên, hùng mạnh lên và để xứng đáng với năm châu bốn biển. Họ có sứ mệnh rất rõ ràng như thế.
Tôi cũng mong, các thế hệ trẻ quan tâm nhiều hơn đến lịch sử, nhìn nhận lịch sử một cách khách quan.
Hiện nay, có một số nhận thức sai lệch cho rằng, cuộc chiến tranh chống Mỹ của chúng ta là "cuộc chiến tranh nội chiến", là "chiến tranh ủy nhiệm". Đó hoàn toàn là nhận thức sai trái, lệch lạc cần được uốn nắn, chấn chỉnh.
Nhất là trong giáo dục, việc dạy môn Lịch sử lại càng phải được quan tâm hơn nữa. Các nước trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc cũng đều quan tâm đến giáo dục lịch sử. Nhưng việc dạy môn này của ta vẫn còn lơ là, sơ sài.
Tôi tin tưởng, thế hệ trẻ sẽ nhiệt huyết, đóng góp xây dựng đất nước trong thời bình. Mong họ có nhận thức đúng đắn về vấn đề lịch sử, có thái độ đúng mực với lớp cha anh của mình, những người đã hy sinh xương máu để cho chúng ta có ngày hôm nay.
Cuối cùng, tôi mong làm sao chúng ta cố gắng giữ cho đất nước mình được yên ổn, hòa bình. Cuộc chiến tranh nào cũng mất mát rất lớn, do đó, chúng ta càng thấy phải quý trọng và gìn giữ hòa bình hơn nữa để nhân dân, các thế hệ trẻ không phải đổ máu một lần nữa. Đó là suy nghĩ của người lính già, của một người tướng già nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ...
Xin trân trọng cảm ơn Trung tướng!
Theo YẾN NGUYỆT / Báo Thế giới và Việt Nam