Sau Lễ kỷ niệm, tôi như được khai tâm khai trí rất nhiều điều. Tôi đã được học thông qua công việc cách xử lý, ứng xử, tổ chức thực hiện khoa học và hiệu quả từ nhiều bậc thầy trong đó có Trung tướng Phùng Khắc Đăng. Cũng từ đó, tôi thấy quý thời gian hơn bao giờ hết và xác định phải làm việc nhiều hơn, khoa học hơn, đặc biệt là thiết thực theo khả năng của mình. Những cuộc đi cùng ông lên Sơn Tây gặp gỡ vợ chồng anh Phùng Hệ - Nguyễn Thị Mạch càng cho tôi nung nấu nhiều điều. Vợ chồng Hệ - Mạch là cặp vợ chồng đặc biệt của dòng họ Phùng. Anh chị hiếu kính với tổ tông từ những ngày đầu khởi nghiệp. Không thể kể hết được ra những khó khăn của cuộc đời anh chị lại càng không kể hết được ra sự hiếu kính vẹn toàn của anh chị với dòng họ, với các bậc danh nhân không chỉ của họ Phùng. Sau lần anh mệnh lệnh cho tôi xin nghỉ hưu để anh cấp lương Đại tá suốt đời tôi đã biết đây là con người đặc biệt. Anh chính là nhà chiến lược họ Phùng với tầm nhìn, các kế hoạch lâu dài, trước mắt, từng việc rất chuyên nghiệp theo đường hướng chỉ đạo của Trung tướng Phùng Khắc Đăng. Tuy không gặp nhau nhiều, nhưng các thành viên Ban liên lạc luôn gắn kết với nhau bằng một sợi dây đặc biệt - Trung tướng Phùng Khắc Đăng.
Hôm ấy, cũng là một buổi thanh nhàn trên Thiên Sơn Suối Ngà, Trung tướng Phùng Khắc Đăng nói với tôi:
- Có lẽ Khai phải viết một cái gì đó về cụ Phùng Hưng. Một vị vua cùng nhân dân kháng chiến mấy chục năm trời giành lại độc lập dân tộc mà sử sách ghi chép sơ lược quá. Phải có một cuốn sách về cụ. Viết theo hướng tiểu thuyết lịch sử là tốt nhất.
Anh Phùng Hệ nhìn thẳng vào tôi dõng dạc như ra lệnh:
- Giao cho chú phải viết. Bỏ hết việc lên đây viết. Cụ là vua, là Bố Cái Đại Vương, được dân coi như cha mẹ đấy. Chú không viết được là có tội.
Tôi nhìn thẳng vào hai người. Mấy năm nay, tham gia công việc dòng họ, tôi đã ý thức phải viết một cuốn sách về Đức vua Phùng Hưng nhưng chưa biết bắt đầu thế nào. Tư liệu thì quá mỏng. Cụ lại sống cách đây gần 1.300 năm. Vấn đề đánh giặc phương Bắc nhiều khúc còn nhạy cảm về chính trị. Nhưng đã đến lúc khó mấy cũng phải thực hiện.
Tôi mạnh dạn trả lời:
- Em xin nhận. Sẽ viết một cuốn tiểu thuyết lịch sử 200 trang về đức vua Phùng Hưng.
Anh Phùng Hệ lập tức nói:
- Mồm chú nói rồi nhé. Mà 200 trang mỏng lắm ông em ơi!
Trung tướng Phùng Khắc Đăng vội đỡ lời:
- Thế là tốt lắm rồi. Viết tiểu thuyết lịch sử không phải như xây nhà làm đường đâu. Khai quyết tâm chú hết sức ủng hộ. Thời hạn là một năm nhé.
Mọi người cười nói sang chuyện khác. Đến khi về nhà, đêm xuống tôi mới trằn trọc. Mình chưa viết tiểu thuyết lịch sử bao giờ. Về cụ Phùng Hưng càng khó khăn. Ngôn ngữ thời đó như thế nào? Các tướng lĩnh theo cụ khởi nghĩa là những ai? Về phía nhà Đường càng mờ mịt. Làm sao có thể lấy phim ảnh Trung Quốc về triều Đường để suy ra bối cảnh của ta ngày đó được. Cái họa xâm lăng tai hại của phương Bắc đối với nước ta quá tàn khốc. Mỗi khi giặc sang thường đốt sạch đình đền, san phẳng thành trì, đốt sách, đục bia…, những gì liên quan đến văn hóa chúng đều phá sạch, đến nỗi mỗi khi chúng ta muốn tìm hiểu về tổ tiên mình luôn gặp vô vàn khó khăn. Một sự căm hận trào lên. Tôi không sao ngủ được. Sáng sớm mai, tôi sẽ đến gặp một bậc thầy về viết tiểu thuyết lịch sử - Nhà văn Hoàng Quốc Hải để ông tư vấn và khích lệ. Nhất định không thể viết sơ sài về cụ Phùng Hưng được. Cuốn sách phải đúng là tiểu thuyết lịch sử và phải hoành tráng như sự khát khao của con cháu họ Phùng đã rừng rực cháy trong con mắt Phùng Hệ buổi chiều kia.
Trung tướng Phùng Khắc Đăng (hàng đầu, đứng giữa) trong Lễ giỗ Đức vua Phùng Hưng
tại Lăng Phùng Hưng - Đường Lâm - Sơn Tây - Hà Nội
Trong quá trình viết tiểu thuyết lịch sử Phùng Vương tôi luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của rất nhiều người. Nhà văn Hoàng Quốc Hải luôn sát cánh động viên và coi tôi là đồng nghiệp của ông. Nhà văn nói:
- Khai đi theo con đường viết về lịch sử là đúng tố chất của Khai đấy. Chú rất mừng có một đồng nghiệp trẻ tuổi giàu khát vọng. Tuy là khẩn trương nhưng không được nôn nóng. Mấy chương vừa rồi viết có văn. Về giặc không nên mắng mỏ chúng thái quá. Sự căm giận phải được chuyển hóa vào ngòi bút nhuần nhuyễn ở bên trong chứ không phơi ra trên mặt giấy như thế được.
Trung tướng Phùng Khắc Đăng luôn dõi theo từng trang viết. Một lần ông nói:
- Phải luôn luôn tỉnh táo với ngòi bút khi viết về lịch sử. Lịch sử tuyệt đối phải khoa học, trung thực, theo đúng những gì các bậc tiền nhân đã gây dựng. Không cần thiết phải tô hồng. Càng tuyệt đối không được bôi đen, gây kích động thù oán chia rẽ. Nghìn năm cha ông ta đánh giặc phương Bắc, ngòi bút viết về các võ công của tiền nhân càng phải cẩn trọng, nghiêm minh, chính ra chính, tà ra tà. Nên nhớ nhân dân mới là thước đo lịch sử đúng đắn nhất.
Lắng nghe từ nhiều phía, tôi dồn hết tâm sức cho tiểu thuyết lịch sử Phùng Vương. Những chương đầu tiên đăng trên trang web Họ Phùng Việt Nam nhận được rất đông ý kiến bình luận, chia sẻ của các nhà văn và bạn đọc. Nhiều người cho rằng tôi đã tìm ra mạch viết. Tạp chí Văn Việt liên tiếp đăng nhiều chương liền tạo dư luận tốt. Càng viết càng say. Chữ nghĩa ở đâu cứ rủ nhau ùa đến. Dự kiến ban đầu 200 trang sau lên dần 400, 500, và khi in đạt 640 trang. Một điều khá đặc biệt, họa sĩ Lê Huy Quang khi đọc bản thảo đã phấn chấn đề nghị được vẽ tặng toàn bộ minh họa cho tiểu thuyết. Ngay như tên sách cũng khá ly kỳ, khi có giấy phép xuất bản rồi, tôi vẫn đề nghị thay đổi dù tốn kém. Một buổi sáng mùa đông tinh sương, trời lạnh cóng, khi đi xe máy qua cầu Long Biên, nhìn ra bãi giữa sông Hồng, từng chòm lau trắng phơ phất trong gió lạnh, tôi không khỏi chạnh lòng xúc động nghĩ về buổi những cánh quân các vùng miền hưởng ứng lời kêu gọi của cuộc khởi nghĩa tiến về hợp vây thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay). Như văng vẳng tiếng ngựa hí, gươm khua. Những vầng máu của nghĩa quân nhuộm đỏ phù sa nghìn năm cho buổi thái bình. Phùng Hưng lên ngôi quân trưởng, nhân dân nối đời tôn ông là Bố Cái Đại Vương. Thế thì tên sách phải là Phùng Vương mới trang trọng và gợi tả hết những gì đã viết.
Tôi lập tức dừng xe giữa cầu. Gió đông bắc ù ụ thổi lạnh buốt. Tôi gọi điện thoại cho Trung tướng Phùng Khắc Đăng bày tỏ suy nghĩ của mình.
Không một chút ngần ngừ, giọng ông vang trong máy, át cả những cơn gió bấc:
- Chú hoàn toàn nhất trí. Tên tiểu thuyết phải là Phùng Vương. Cố gắng hoàn thành trước Tết để kịp mồng 8 tháng Giêng giỗ cụ ta thắp hương ở Đường Lâm, đồng thời tặng bà con nhân dân các nơi về dự lễ.
Tiểu thuyết lịch sử Phùng Vương được ra đời trong bối cảnh ấy.
Tác giả xin trân trọng cảm ơn nhà phê bình La Khắc Hòa đã đọc và góp ý từng chi tiết. Nhà văn Đặng Văn Sinh chỉnh lý những từ ngữ cổ. Tiến sĩ Đinh Công Vỹ thức trắng đêm phê bình, góp ý về kết cấu rất nhiệt thành. Và đặc biệt, nhà văn Hoàng Quốc Hải, Trung tướng Phùng Khắc Đăng đã góp nhiều công sức từ những trang bản thảo đầu tiên.
Ngày giỗ Đức vua mồng 8 tháng Giêng năm 2015, trong khói hương nghi ngút, tiếng chống tiếng chiêng rộn rã tứ bề, khi tiến sĩ Đinh Công Vỹ áo mão trang trọng, chân đi đôi hia thêu rồng đĩnh đạc tiến lên vái đọc chúc văn, tôi xúc động bê mâm sách còn thơm mùi mực dâng lên bệ thờ hương trầm thơm ngát. Nơi long ngai, bức tượng đức vua uy linh nhìn xuống cháu con đang thành kính tưởng vọng công đức của bậc vua hiền trải biết mấy gian lao nếm mật nằm gai cùng tướng lĩnh, nhân dân khắp vùng giành lại độc lập cho đất nước. Đó là những phút giây thiêng liêng thành kính đầy cảm xúc của một người cầm bút không thể nào quên.
Trung tướng Phùng Khắc Đăng cùng Hội đồng họ Phùng Việt Nam và các Nhà nghiên cứu đi điền dã tìm kiếm tư liệu
tại Sơn Tây - Hà Nội
*
* *
Thời gian miên man trôi chảy, cháu con các cành nhánh họ Phùng ngày càng tìm đến nhau trong mái nhà chung dòng họ nghĩa tình. Cành nhánh nào cũng muốn tham khảo ý kiến chỉ đạo và mời Ban liên lạc tới dự những ngày lễ trọng, giỗ Tổ, chạp họ, rước bằng sắc, khởi công xây dựng nhà thờ… Ban liên lạc vốn ít người, lại ở rải rác các nơi thành ra không thể đi hết được. Thời gian này, may mắn Tiến sĩ Phùng Thảo được nghỉ hưu, vừa là người có thời gian rỗi vừa am tường công việc dòng họ nên Trung tướng Phùng Khắc Đăng luôn cử ông đi thực hiện các công việc của dòng họ. Tiến sĩ Phùng Thảo từng đảm đương các cương vị: Giám đốc Đài phát thanh truyền hình Hải Phòng; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng; Chánh văn phòng Ban Tuyên giáo Trung ương nên việc quen biết, giao lưu, làm việc với các cơ quan đoàn thể trên toàn quốc khá thuận lợi. Trung tướng Phùng Khắc Đăng quả là có con mắt xanh và may mắn khi có được vị Phó ban liên lạc đầy đủ tố chất để đáp ứng mọi nhiệm vụ của dòng họ như thế. Trong nhiều năm, nếu không có Tiến sĩ Phùng Thảo, hẳn nhiều việc sẽ gặp khó khăn. Âu cũng là cái duyên trời phân định cho họ Phùng một người có tâm ở đúng buổi không phải ai cũng sẵn lòng vác tù và hàng tổng như thế.
Tôi còn nhớ, giữa năm 2013, khi Hội thảo Khoa học về Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan trong đó họ Phùng nhận trọng trách thực hiện bộ sách Phùng Khắc Khoan - Hợp tuyển thơ văn công việc lút đầu cũng là lúc họ Phùng nhận được lời mời tha thiết tham gia tổ chức hội thảo Phùng Văn Cung - Nhà trí thức yêu nước tiêu biểu của Cách mạng miền Nam của Tỉnh ủy Vĩnh Long. Vĩnh Long, nơi bác sĩ Phùng Văn Cung từng sinh sống, tham gia Cách mạng, trở thành Phó Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; Phó Chủ tịch Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Chính phủ Lâm thời miền Nam Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới miền Nam Việt Nam; Chủ tịch hội Hồng thập tự giải phóng, một trí thức cách mạng lừng danh từng được Bác Hồ hết sức trọng vọng đã đặt ra với Ban liên lạc họ Phùng Việt Nam một trách nhiệm lớn. Trung tướng Phùng Khắc Đăng, sau khi cân nhắc đề xuất đã giao toàn bộ trách nhiệm tham gia công việc Hội thảo cho tiến sĩ Phùng Thảo, đồng thời cử tôi tham gia viết tham luận, tổ chức viết các bài báo in ấn ở phía Bắc vừa tuyên truyền vừa làm quà tặng Hội thảo ở Vĩnh Long.
Tiến sĩ Phùng Thảo, một con người đặc biệt chăm chỉ, nhất là công việc của dòng họ cũng phù hợp chuyên môn của ông. Ở ông, nổi trội một đức tính kiên cường, trước sau như một, đã nhận việc gì là thực hiện hết sức cẩn thận, bằng tất cả khả năng có thể. Tiến sĩ Phùng Thảo đã lập tức lên đường đi đến các vùng đất phương Nam, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, người thân trong gia đình, đồng đội, cộng sự từng công tác với bác sĩ Phùng Văn Cung để thu thập tài liệu, cũng là tiếp tục thắp lên ngọn lửa của người tri thức yêu nước.
Từng có nhiều kinh nghiệm trong tham gia chỉ đạo và tổ chức các Hội thảo Khoa học, Tiến sĩ Phùng Thảo, bằng tấm lòng và nhiệt huyết của mình, đã động viên, mời gọi được nhiều nhân sĩ trí thức, nhà báo, nhà văn nhà thơ tâm huyết đồng hành để có được Hội thảo Nhà trí thức yêu nước Phùng Văn Cung với Cách mạng miền Nam gây tiếng vang, tạo niềm tin cho giới trí thức và nhân dân Vĩnh Long. Bí thư Tỉnh ủy Đặng Thị Ngọc Thịnh đã rất xúc động khi ghi nhận đóng góp của anh em họ Phùng với Hội thảo. Họ Phùng dù thời nào, dù ở đâu, dù hoàn cảnh có ngặt nghèo khó khăn đến mấy, đều một lòng một dạ với Tổ quốc và nhân dân.
Hội thảo thành công, những khó khăn vẫn mở ra không ít. Hôm gần đây thôi, Trung tướng Phùng Khắc Đăng hỏi tôi và Tiến sĩ Phùng Thảo về tình hình sách Hội thảo Phùng Văn Cung sao chưa được thực hiện, đồng thời yêu cầu tôi in ngay bộ bản thảo để ông trực tiếp sang làm việc với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tôi thực hiện theo sự chỉ đạo của Trung tướng Phùng Khắc Đăng, cho in bản thảo, cử lái xe chở ông và Tiến sĩ Phùng Thảo sang làm việc với lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Buổi làm việc với Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh diễn ra đầm ấm, vui vẻ. Phía Mặt trận ghi nhận những đóng góp lớn lao của bác sĩ Phùng Văn Cung, thành tựu của Hội thảo, công phu của họ Phùng khi tập hợp bản thảo kỷ yếu hết sức toàn diện đồng thời nói rằng sau Hội thảo đã in kỷ yếu có chọn lọc rồi vậy ta có nên làm nữa không. Hiểu ý của Phó chủ tịch Mặt trận, chúng tôi tạm biệt ra về trong lòng rối bời trăn trở.
Chúng ta có không ít việc lực bất tòng tâm.
Hội đồng họ Phùng Việt Nam tại buổi Lễ tổng kết các hoạt động của dòng họ Phùng trong năm 2018
Công việc thực hiện Kỷ yếu Hội thảo của nhà trí thức yêu nước Phùng Văn Cung một cách đầy đủ toàn diện, người từng nhiều năm đảm đương cương vị Phó Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; Phó Chủ tịch Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Chính phủ Lâm thời miền Nam Việt Nam lẽ ra phải được thực hiện từ lâu, ngay sau hội thảo, do những cơ quan đoàn thể có trách nhiệm tiến hành chứ không phải để trên bốn năm (5/2013-7/2017) mà khi nhắc đến chúng ta lại lúng túng trước nguồn kinh phí cỏn con như thế.
Nhưng cuộc đời không ít lúc việc không đáng có vẫn diễn ra.
Trên đường trở về, một vị tướng, một vị tiến sĩ không khỏi trầm ngâm, ngẫm ngợi, vân vi và dẫn đến quyết định phải thực hiện bằng được tập kỷ yếu một cách trang trọng, mau chóng, trung thực, đúng như những đóng góp quý báu của bác sĩ Phùng Văn Cung với nhân dân và Tổ quốc. Trong thời đại Hồ Chí Minh, những việc đáng làm, dòng họ Phùng nhất định sẽ thực hiện.
Nắm bắt được tinh thần chỉ đạo ấy, tôi lập tức khởi động lại việc thực hiện cuốn sách Phùng Văn Cung - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp. Khi đọc lại toàn bộ tham luận, tôi đề xuất phải mời thêm một số giáo sư, tiến sĩ ở miền Bắc viết về ông sẽ đa dạng, phong phú, sâu sắc và toàn diện hơn. Trung tướng Phùng Khắc Đăng nhất trí, yêu cầu tôi trao đổi văn bản, tư liệu và đến làm việc trực tiếp với từng người. Cuốn kỷ yếu đang được tiến hành hết sức khẩn trương. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long nhiệt thành cung cấp thêm nhiều tư liệu, hình ảnh, nhất là những tấm ảnh đen trắng quý thời bác sĩ Phùng Văn Cung tham gia chỉ đạo Cách mạng miền Nam ở chiến khu.
Cuốn sách đã được thực hiện trong năm 2017 một cách trang trọng, công phu, xứng đáng với vị bác sĩ có công với nước.
Tiến sĩ, bác sĩ, Anh hùng LLVTND Lê Thị Kim Hà, con dâu của Bác sĩ Phùng Văn Cung rất cảm động khi đón nhận tập sách về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của người vừa là cha vừa là đồng nghiệp của mình.
*
* *
Có một thực tế, chắc chắn từ rất lâu rồi, Trung tướng Phùng Khắc Đăng rất ưa thích đi điền dã. Các cuộc đi điền dã do anh em tổ chức theo nguyện vọng của các nhà nghiên cứu lịch sử, nhà văn, nhà thơ về họ Phùng ông thường xuyên có mặt. Có cuộc đi xa dài ngày, có cuộc đi gần chỉ trong ngày ông thường tham gia, nhiều khi còn là hướng dẫn viên rất tận tình. Vốn thông thuộc nhiều di tích lịch sử, đặc biệt các nơi đình đền liên quan tới dòng họ Phùng như: Lăng vua Phùng Hưng ở Đường Lâm; Đền thờ, ngôi mộ Phùng Khắc Khoan ở Phùng Xá - Thạch Thất; Đình Triều Khúc nơi nghĩa quân Phùng Hưng hội quân phá giặc; Đình thờ Quảng Bá; Khu di tích Đền Cao - Ba Vì… mỗi khi cùng đoàn đi điền dã, Trung tướng Phùng Khắc Đăng đều tận tình cung cấp, trao đổi mọi nguồn thông tin kịp thời, bổ ích. Trong suốt hành trình chuyến đi, ông và thành viên trong đoàn thường họp bàn các công việc mà họ Phùng đã, đang và sẽ tiến hành cũng là để tranh thủ ý kiến, trăn trở của nhân sĩ trí thức với họ Phùng. Mỗi khi được đi cùng, tôi luôn coi đó là cuộc học tập, trau dồi kiến thức lịch sử, văn hóa, ứng xử vốn còn mỏng mảnh của minh, đồng thời không ngớt đặt ra những câu hỏi phản biện với các bậc đa đề ở trên xe.
Chính từ những cuộc điền dã như thế, việc tiến hành tổ chức Hội thảo Khoa học Phùng Tá Chu - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp đã được manh nha và khẩn trương tiến hành với sự phối hợp toàn diện của Ban liên lạc họ Phùng Việt Nam với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì.
Trung tướng Phùng Khắc Đăng tại cuộc Hội thảo Khoa học Phùng Tá Chu - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp năm 2016
Từ những cuộc đi điền dã ấy, các nhà văn Hoàng Quốc Hải, Đặng Văn Sinh, Vũ Bình Lục, Tiến sĩ Đinh Công Vỹ, Phạm Minh Đức, Nguyễn Văn Sơn trăn trở và có ý kiến đề xuất với Ban liên lạc họ Phùng cần thiết phải có một Hội thảo Khoa học về cụ Phùng Tá Chu. Tiến sĩ Đinh Công Vỹ nói với Trung tướng Phùng Khắc Đăng:
- Không thể không tiến hành Hội thảo về cụ Phùng Tá Chu được, lịch sử còn chưa đánh giá hết công trạng của cụ. Hậu duệ họ Phùng nên khởi xướng việc này, để lâu, nguồn tư liệu mai một đi sẽ rất khó khăn.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải đĩnh đạc nói:
- Thái phó Phùng Tá Chu là một nhân vật lịch sử đặc biệt. Cách đánh giá của các sử gia phong kiến còn nhiều chỗ thiếu công tâm. Nhất định lớp trí thức hậu bối chúng ta hôm nay phải tường minh những đóng góp lớn lao của cụ.
Lời các trí thức tâm huyết với họ Phùng luôn văng vẳng bên tai. Hôm Trung tướng Phùng Khắc Đăng cùng đoàn thắp hương ở Đền Cao, nơi có ngôi mộ cổ cụ Phùng Tá Chu cháu con nối đời hương khói, tôi thấy ông lặng lẽ quan sát cánh đồng phía trước, mênh mang đồng lúa, cỏ cây đan xen, khu đầm lớn tiếp giáp cánh đồng, làng mạc khói chiều bảng lảng. Mộ quan Thái phó bình dị, ẩn tàng nơi vạt đất đá ong còn như ẩn chứa trăm điều muốn nói với hậu nhân.
Thuận theo lịch sử, năm 1225, họ Trần kế tiếp họ Lý làm chủ ngôi nước. Bây giờ nói thì đơn giản thế chứ khi ấy muôn dân đã và đang máu chảy đầu rơi từ kinh đô đến nơi thôn cùng xóm vắng rồi. Ngay từ trước khi Lý Cao Tông mất, các thế lực quần hùng đã mạnh ai nấy cát cứ suốt ngày động binh chém giết lẫn nhau. Trong triều, triều thần năm bè bảy mối kẻ nào cũng lăm le kết giao với các ông tướng, các đầu lĩnh, đầu mục để động tí khởi binh hỏi tội lẫn nhau, bức vua hại dân không sao kể xiết. Lý Cao Tông chết trong triều đình hỗn loạn. Khi chết thân còn chưa lạnh, các cháu vua đã bị chính thái hậu dìm chết xuống giếng rồi sai vớt thây để ở cửa cung nhằm dọa quần thần khiến viên quan Trịnh Đạo liều chết khóc rất ai oán: “Tiên quân đi đâu mà khiến cho con cháu như thế ư”. Trẻ con hát khúc đồng dao: Cao Tông táng vị tất/ Tam thi tích vi nhất (Tang Cao Tông chửa đoạn/ Ba thây đã chất lên).
Nhà Lý, sau khi Lý Huệ Tông lên ngôi ngày càng đổ gãy có ngọn nguồn của nó.
Triều chính như thế. Lòng người như thế. Bốn phía các thế lực cát cứ chỉ lăm le xưng vương thử hỏi lúc rối ren đó không có các yếu nhân họ Trần đồng thời cũng là rường cột của Lý triều chèo chống liệu thiên hạ có đại loạn không? Muôn dân có tắm trong biển máu không? Và, ai là người đã vạch ra những kế sách, phương lược cao cường, thâm hậu để họ Trần giành lấy ngôi nước từ họ Lý.
Người đó phải là một chính trị gia đại tài.
Người đó không ai khác chính là Thái phó Phùng Tá Chu.
Đương nhiên một cây làm chẳng nên non. Thái phó Phùng Tá Chu dù tài năng dời sông lấp biển cũng chẳng thể một tay che trời mà thay đổi ngôi nước được như thế. Nhưng cái tài, đặc biệt là tầm nhìn của Phùng Tá Chu không phải tầm thường. Không phải ngẫu nhiên mà một hôm, mùa đông, tháng chạp, Lý Huệ Tông vời Phùng Tá Chu đến dụ rằng: “Trẫm vì thất đức, chịu tội với trời, không có người kế tự, phải truyền ngôi cho con gái, lấy một âm mà chế ngự cả một bầy dương, nếu chúng không theo thì tất phải ăn năn. Cứ như Trẫm thấy, không gì bằng bắt chước Đường Nghiêu ngày xưa, noi theo Nhân tổ mới rồi, chọn người hiền mà trao ngôi cho. Nay Trẫm thấy con của Thái úy Trần Thừa có đứa con trai thứ là Mỗ (tức Trần Cảnh) tuổi tuy còn bé, nhưng tướng mạo phi thường, tất có thể cứu đời, yên dân, nên Trẫm muốn lấy làm con, để làm chủ xã tắc, mà lấy Chiêu vương (Chiêu Hoàng) gả cho. Lũ khanh hãy vì trẫm mà nói giùm với Thái úy”.
Nói ra lời gan ruột này với người thầy dạy học con gái mình là Lý Chiêu Hoàng, chúng ta càng thấy được bối cảnh chính trị bấy giờ của nhà Lý đã ở thế tuyệt lộ. Cũng đáng khen thay Lý Huệ Tông, nhiều người vẫn cho ông là lú lẫn, hậu thế nguyền rủa ông là đánh mất cơ nghiệp của tổ tiên nhưng ta đã nhận ra vẻ đẹp của ông chính từ sự hy sinh vô bờ bến ấy. Càng khâm phục thay Thái phó Phùng Tá Chu, trước những lời lẽ gan ruột của vua đương triều ấy đã hết sức dũng cảm, khí phách, đặt lợi ích của dân tộc, của nhân dân Đại Việt lên trên danh dự và nhân phẩm của mình, vạch ra những bước đi táo bạo, đúng đắn, cương quyết, để kế tiếp đó, Đại Việt ta có một triều đại nhà Trần rực rỡ võ công trong sử vàng dân tộc Việt Nam.
Lễ dâng hương Lăng mộ Thái phó Phùng Tá Chu tại Ba Vì - Hà Nội
Không phải ngẫu nhiên lịch sử chọn Thái phó Phùng Tá Chu soạn chiếu và tuyên chiếu Lý Huệ Tông nhường ngôi cho Lý Chiêu Hoàng, tiếp đó là Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh. Điều đặc biệt này chỉ xảy ra một lần trong lịch sử Việt Nam cũng là chỗ tốn giấy mực nhất của không chỉ các sử gia mà cả hậu thế sau này. Người khen thì khen quá. Kẻ chê như xúc đất đổ đi nhưng xem ra lịch sử có sự vi diệu của nó. Cho dù con người góp phần làm ra lịch sử nhưng sự cao minh của lịch sử nhiều khúc con người không thể hiểu được, càng không thể làm chủ, càng không do đám đông phán xét mà thành. Lịch sử trao vai trò thực hiện cho ai lập tức người đó trở thành một phần lịch sử. Tại sao Lý Huệ Tông không dụ bảo người khác ngoài quan Thái phó? Tại sao các yếu nhân họ Trần không sử dụng bạo lực cung đình để quét đi triều Lý đã mục ruỗng? Không ít đại thần triều Lý có vai vế, có thực lực hơn Phùng Tá Chu tại sao cứ phải là họ Phùng soạn chiếu và tuyên chiếu? Những câu hỏi nối nhau trùng trùng đã gần 800 năm. Núi vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Sông vẫn chảy dưới trời. Cây vẫn xanh miên man trên mặt đất. Đại Việt, nay là Việt Nam trải bao binh biến, thăng trầm giờ đã là một đất nước trên 90 triệu dân sánh vai cùng bốn biển, năm châu chính là câu trả lời thường hằng nhất. Trước ngôi mộ Thái phó Phùng Tá Chu nơi Đền Cao - Tây Đằng - Ba Vì - Hà Nội, những hậu nhân đầu xanh xen đầu bạc kính cẩn cúi trước bậc tiền nhân giờ không biết đang phiêu du ở cõi nào. Mây trắng phơ phất bay trên đỉnh Ba Vì. Phía xa kia, dòng sông Hồng thiêm thiếp chảy. Những hậu nhân nhìn sâu vào ngôi mộ giản dị ẩn tàng dưới lớp đá ong phơi sương nắng đã ngót tám trăm năm. Khói hương mỏng mảnh và thanh thản như lòng người đang nhìn vào chính mình, tự ngẫm ngợi hóa ra các bậc tiên hiền thảy đều không ưa màng danh lợi mà chỉ đăm đắm giúp đời, giúp dân, giúp nước.
Các sử gia thời phong kiến, do mang nặng tư tưởng trung quân tôi trung không thờ hai chúa nên khi biên chép các sự kiện liên quan đến Thái phó Phùng Tá Chu đã có người tỏ ra quá thiên kiến, hạn hẹp, giáo điều, khiến người đời sau không khỏi phân vân.
(còn nữa)