(Thứ sáu, 02/12/2022, 09:52 GMT+7)

Vừa qua, Trung tướng Phùng Khắc Đăng đã tổ chức buổi giao lưu, ra mắt tập thơ Tập làm thơ Đường luật của ông tại tư gia  ở Tây Hồ - Hà Nội.

Tới dự có các đồng đội, bạn học, nhà thơ thân thiết từng gắn bó với Trung tướng Phùng Khắc Đăng trong cuộc đời binh nghiệp, cuộc sống và sáng tác của ông: Trung tướng Phạm Văn Long - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Trung tướng Phí Quốc Tuấn - nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Tiến sĩ Phùng Quốc Hiển - nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; nhà thơ Đỗ Trung Lai; nhà thơ Hồng Thanh Quang; nhà văn Ngô Vĩnh Bình; nhà thơ Nguyễn Như Bượi; nhà thơ Nguyễn Đức Hùng; nhà thơ Phạm Vân Anh; nhà văn Phùng Văn Khai...

Đặc biệt, trong buổi gặp gỡ, giao lưu còn có anh chị em Cà phê Trung Nguyên tới tặng quà cho các vị khách quý.

Ban Biên tập xin trân trọng giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Phùng Quốc Hiển - nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội:
 

ÔNG TƯỚNG LÀM THƠ

Làm tướng cầm vạn quân đã khó, làm thơ hay để được độc giả đón nhận lại còn khó hơn. Thế mà Trung tướng Phùng khắc Đăng lại đạt được hai điều ấy. Tôi là một người rất kiệm lời khen, nhưng đọc tập thơ: Tập làm thơ Đường luật của Phùng Khắc Đăng đầy đặn với trên một trăm năm mươi bài thơ, tôi phải thốt lên: “Ông tướng mà làm thơ khá nhỉ”.

Thực sự thơ của Phùng khắc Đăng có nhiều bài hay. Song Tôi không dùng từ “Rất”. Vì nếu muốn làm thơ Đường luật thật hay, thì Phùng khắc Đăng phải rất thâm sâu về chữ Nho, phải khép mình vào niêm luật, bố cục, đối xứng của các thể thơ Thất ngôn bát cú, ngũ ngôn bát cú, tứ tuyệt. Tuy nhiên thế hệ sinh vào thế kỷ thứ hai mươi trở lại đây như Phùng Khắc Đăng lại chủ yếu tiếp xúc với chữ quốc ngữ, thì việc đòi hỏi phải giỏi chữ nho là một điều rất khó. Hơn nữa với bản chất phóng khoáng, mang tâm hồn của một thời đại mới như Phùng Khắc Đăng mà lại quá bắt bẻ ông, bắt nhốt tâm hồn thi ca của ông vào cái vòng cương tỏa, khắt khe của Đường luật thì quả là chẳng dễ gì. Nên hãy chấp nhận cách làm thơ Đường của ông  trên cơ sở vẫn tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của Đường luật.

Đọc tập thơ của Phùng Khắc Đăng, Tôi cảm nhận thấy ông đã đi theo lối thơ ví von hóm hỉnh, mãnh liệt, khát khao, đầy sức sống của Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, như các bài” Đặt lờ”, “ Trái đào”, “Tắm trăng”. Người đọc sẽ phải tủm tỉm cười khi Phùng khắc Đăng chơi chữ: Rẽ nước, khơi khe đặt cái lờ/ Mong chờ lũ cá lượn lơ thơ/ Tôm riu tép nhỏ không thu được/ Sộp lớn lươn dài chắc phải vơ rồi theo cái mạch “ Muốn mó”, “ Mong rờ”, “Ưng diếc” và khi đạt được rồi thì "Sướng ngẩn ngơ” để diễn tả cái khoái chí của mình. Chắc tướng quân khi còn trẻ ở cái thời mò cua, bắt ốc cũng nhiều lần đi đặt lờ, rờ mó được nhiều lươn dài, diếc to mới có những phút giây mê mẩn như vậy thể hiện trong thơ của ông.

Trong thơ của Phùng Khắc Đăng cũng không thiếu những bài thơ mang phong cách của Nguyễn Khuyến, Tú Xương ngạo nghễ, hài hước như “Vợ vắng nhà”, “Tự trào”, “Thử đi”, “Ốc nhồi ống nứa”. Ông tướng cũng từng rơi vào thế bí như ai, khi bạn đến chơi mà vợ lại vắng nhà. Nên đành:” Dẻo miệng đò đưa mời ở lại/ Đau đầu tính kế mãi chưa ra”. Nhưng cũng có nhiều bài mang cái riêng của Phùng Khắc Đăng, in đậm dấu ấn một đời binh nghiệp của ông như “ Súng và thơ”, “Lính nữ Trường Sơn” mà ông luôn nhớ đến:”Ngày xưa chiến trận dồn yêu ghét/ để đến bây giờ lộc kết tinh”. Hay những bài dành cho quê hương xứ Đoài, cho gia đình và bạn bè. Phùng Khắc Đăng cũng không quên dành cho trang viết của mình những vấn đề thời sự mang hơi thở của của cuộc sống như:” Bỏ dạy sử” hay” Sao mất gốc nhanh”. Ông đau lòng khi thấy không ít kẻ “Mặc những người thân đầy quý giá/ Quen nhiều kẻ mới rặt tanh hôi/ Quê xưa mất gốc thân cò vạc/ Bỏ nếp thuần phong liệu có đành”.

Tập thơ của trung tướng Phùng Khắc Đăng là một tập thơ đáng đọc cho những ai thích âm hưởng của cổ thi. Thích văn hóa xứ Đoài mang đậm tâm hồn Việt. Thích sự hài hước, trào phúng, pha chút tinh nghịch mang phong cách của những chàng lính chiến hay trêu ghẹo nhau trước trận đánh, nhưng cũng sẵn sàng “bỏ quyên đời” vì tổ quốc và nhân dân.

Có thể nói Trung tướng Phùng Khắc Đăng thực sự văn võ song toàn, đã tiếp nối được ông tổ của mình là trạng Bùng Phùng Khắc Khoan và làm sáng danh thêm cho quê hướng Phùng Xá. Tôi chỉ là người đứng ngoài cổng ga, như một độc giả thích thơ mạo muội bình thơ ông, nhưng cũng mừng vì ông đã vào được sân ga đứng dưới lá cờ thơ. Tôi mong ông sẽ tiếp tục lên được chuyến tầu thơ. Nhưng vào được sân ga đã khó, còn lên được chuyến tầu thơ còn khó hơn. Vì như nhà thơ Nguyễn Hưng Hải khi tiễn bạn ở sân ga để đi vào miền thi ca, nhà thơ đã nhận ra “Nguyễn Du là người soát vé”. Nhưng đó là chuyện của tương lai, còn bây giờ vẫn xin chúc mừng ông Tướng làm thơ Phùng Khắc Đăng với tập thơ thứ hai đã ra mắt bạn đọc.

Phùng Quốc Hiển


Sau đây là một số hình ảnh tiêu biểu về buổi ra mắt sách: