Tin Triệu Việt Vương ban ân điển trọng hậu cho công chúa Cảo Nương cùng phò mã Nhã Lang tòa thành Ô Diên năm nghìn hộ cùng vô số vàng bạc châu báu khiến không chỉ văn võ trong triều mà bách tính thị tộc trong ngoài thành Long Biên đều bàn tán xôn xao. Có người cho rằng Triệu Vương chỉ còn công chúa nên việc ban thưởng trọng hậu cũng là lẽ thường của tình phụ tử. Thành Ô Diên tuy là của hồi môn cho phò mã thì vẫn là đất đai của họ Triệu chứ nào mất đi đâu? Số vàng bạc châu báu cùng lễ vật Đào Lang Vương cha của Nhã Lang đem từ Ái Châu tới Long Biên chất đầy hai mươi bảy hải thuyền lớn nào có kém gì? Đặc biệt, công chúa Cảo Nương phải phúc phận lắm mới có được vị hoàng tử văn võ song toàn cũng là bậc tuấn kiệt của Vạn Xuân. Vua cho mở hội. Đã hơn mười năm mới có hội lớn đến thế. Từ trong ngoài thành Long Biên đến nơi thôn cùng xóm vắng khắp các châu, huyện, hương, ấp đều ăn mừng. Các cụ già trên sáu mươi tuổi được tặng ba cân thịt, năm đấu rượu, ba thước lụa đỏ. Tiếng ca hát, đàn sáo vang lên khắp chốn.
Cũng không ít người, đặc biệt các lão tướng đã giải giáp quy điền vẫn có lòng ngờ vực việc kết nối thông gia hai nhà Lý – Triệu. Bọn họ cho rằng, đây là quỷ kế của Đào Lang Vương muốn thống thuộc toàn bộ đất đai thành lũy của Triệu Vương mới tìm cớ khơi gợi lòng người hướng về Lý thị. Nay Triệu Vương tuổi tác đã cao, lại chỉ còn công chúa, việc quân quyền trong nước sớm muộn sẽ bị phò mã nhòm ngó. Phò mã là người văn võ song toàn, có đầy đủ khí chất của một quân vương càng khiến người đời suy diễn. Như vậy, ngôi nước của họ Triệu chẳng phải đã sớm lung lay hay sao? Không biết từ đâu, xuất hiện một bài đồng dao của đám mục đồng đã lan truyền khắp trong thành ngoài nội.
Bài đồng dao hát rằng:
“Vạn Xuân khai quốc
Lý bại Triệu hưng
Nhị tộc kết thân
Lý hưng Triệu bại”
Bài đồng dao đến tai Triệu Vương, ngài mỉm cười nói với tả hữu:
– Việc trong thiên hạ nào ai biết trước hết mọi việc? Đại trượng phu sống ở đời vì nước lập công không hổ với mình còn mong được gì hơn nữa? Các ngươi chớ có bàn tán mà hãy dốc sức cho nước mới không phụ lòng trẫm.
Các đại thần chỉ biết nhìn nhau.
Trong hơn một tháng, Triệu Vương đích thân nhiều lần tới Ô Diên. Bề ngoài hoàng thượng nói nhớ công chúa kỳ thực bên trong chỉ muốn đến trò chuyện với Nhã Lang. Phò mã quả có kiến thức hơn người, tinh thông binh pháp, lục nghệ dân gian cũng rất thuần thục càng khiến Triệu Vương yêu mến.
Trong thư phòng, khi chỉ còn hai người, ngài ngự mới thong thả hỏi:
– Lý phò mã! Ta thấy con không chỉ văn chất hơn người mà đức hạnh cũng dày dặn sáng rõ. Con có nghe thấy lời đồn đoán của thiên hạ việc Lý gia kết hôn ước với Triệu gia chăng?
Phò mã thấy nhạc phụ hỏi thẳng vấn đề đang là tâm điểm bàn tán không chỉ văn võ trong triều mà đã rộng ra ngoài bách tính thị tộc bèn trang nghiêm đáp:
– Bẩm nhạc phụ! Thần nhi vâng mệnh phụ hoàng tới tấn kiến Triệu Vương được ban thưởng làm phò mã quả thực không phúc nào bằng. Nhưng thần nhi cũng hiểu, kể từ giờ phút được làm phò mã cũng là lúc phải ngồi trên băng mỏng kiếm sắc của thế gian. May được nhạc phụ và công chúa hết lòng tin yêu mới bảo toàn được. Việc kết giao hôn ước của các quân vương xưa nay đều là phúc lớn của xã tắc. Phận làm hiếu tử càng phải hiểu đây không chỉ là việc nhà mà còn là việc nước. Những luận bàn trong thiên hạ rồi dần dần sẽ tự hóa giải mà thôi.
Triệu Vương nhìn phò mã tuổi tuy còn trẻ song đã sớm phải gánh trách nhiệm vô cùng nặng nhọc. Lại thấy chàng rể lời lẽ khiêm nhường mà sâu sắc, bên trong bên ngoài đều hiểu thấu sự tình, nhất là những chỗ khó xử của bậc quân vương bèn ôn tồn nói:
– Nhã Lang! Công chúa con gái trẫm quả may mắn có người bạn xe tơ kết tóc như con. Quả thực việc của con nơi đây chẳng dễ dàng gì. Xưa nay trẫm vẫn cho rằng việc phải làm con cái các quân vương đều là chuyện muôn khó. Làm dâu làm rể quân vương càng khó khăn gấp bội. Đều là phải đi trên hố gai miệng vực thế gian. Như các con của trẫm đây, nếu chúng được sinh ra trong gia đình nông phu thì hay biết mấy. Sáng sáng cày ruộng, chăn tằm. Chiều chiều quây quần sum vầy bên mái ấm thực thanh thản biết bao. Đâu đến nỗi thân không giữ nổi? Nay con phải bôn ba hàng trăm dặm đến đây, một mình đứng giữa thị phi sóng gió. Trẫm biết con tấm lòng rộng lượng, đức độ hơn người càng thêm lo nghĩ cho con. Việc thích khách hôm trước nơi nhà công quán trẫm đều biết cả. Chính vì tấm lòng rộng lượng của con đã khiến trẫm mở lòng không trừng trị bọn chủ nhân sai đám thích khách làm càn. Nhưng trẫm không thể mãi canh chừng chúng được. Nếu tuyên tội mà giết chúng đi, con cùng công chúa khó càng thêm khó. Thù hận đã buộc vào rồi cởi bỏ thật không dễ dàng đâu.
Phò mã thấy Triệu Vương đã biết rõ chuyện thích khách hôm trước không khỏi thầm kinh động trong lòng. May Triệu Vương không truy cứu đến cùng, nếu không cuộc hôn nhân sẽ hằn một vết đen khó hóa giải. Trong lúc cấp bách nửa đêm thích khách xông vào công quán hành thích, phò mã đã nhanh chóng nhận rõ ẩn tình sự việc lập tức thả người cũng là để giữ thể diện cho kẻ chủ mưu. Như vậy càng thấy rõ tấm lòng của Triệu Vương không chỉ hết sức chân thành với cuộc hôn nhân Lý – Triệu, mà sâu xa hơn đã ra một thông điệp với các tướng còn có ý muốn tranh cường thủ thắng.
Như thấu tỏ tâm tư nhạc phụ, Lý phò mã xúc động nói:
– Bẩm nhạc phụ! Ngày nhỏ ở chùa tu tập với Phùng sư phụ, con vẫn được nghe sư phụ nói về công đức của Triệu gia đất Chu Diên đã có từ thời các vua Hùng dựng nước. Sư phụ còn giảng giải huyền tích dân gian công chúa Tiên Dung với Chử Đồng Tử đều là thánh nhân gần gũi giúp đỡ chúng dân. Ngay khi bị các tướng của vua Hùng vu hãm tội phản loạn vẫn một mực giữ phận hiếu tử, quyết lấy cái chết để báo đền. Tấm lòng của công chúa Tiên Dung và Chử Đồng Tử đã cảm động tới Phật tổ khiến vua cha tỉnh ngộ. Thần nhi cho rằng, tấm gương của nhị thánh Chử Đồng Tử – Tiên Dung chính là căn duyên Phật tính hóa giải mọi phong ba bão táp. Sư phụ còn giảng giải, Triệu gia xưa nay luôn gắn chặt với đạo pháp. Chính nhạc phụ là người được nhị thánh Chử Đồng Tử – Tiên Dung hiện thân trao móng rồng giúp sức mạnh làm tròn sứ mệnh phục quốc. Điều này vằng vặc như trăng sao, thiên hạ đã đều biết cả. Mọi chuyện đều rõ ràng mạch lạc, có lẽ nào các vị tướng quân không biết?
Triệu Vương càng thêm cảm mến phò mã không chỉ thấu hiểu lẽ đời mà đạo pháp cũng đạt tới cao thâm. Lại đúng lúc được nghe nhắc tới nhị thánh Chử Đồng Tử – Tiên Dung, trong lòng Triệu Vương cảm nhận rõ mạch nguồn đạo pháp cao diệu vô cùng bèn mỉm cười nói:
– Phò mã của trẫm bàn về đạo pháp có nhiều chỗ không kém gì bậc cao tăng. Vậy trẫm hỏi con, khi binh tướng Trần Bá Tiên hung hăng tới chùa Khai Quốc bách hại đại sư trụ trì, người đã lấy cái chết gửi đi thông điệp sao họ Trần kia vẫn giả câm giả điếc không nghe? Đi cùng họ Trần khi ấy còn có Trang Sâm vốn là dòng dõi tinh hoa các học phái ở Trung Nguyên cũng nhắm mắt làm ngơ nốt? Rốt cục, vừa về tới Trung Nguyên, họ Trần làm phản xưng đế rồi cho giết Trang Sâm không kiêng dè công trạng mấy mươi năm của mưu thần. Tiếp đó, quần hùng Trung Nguyên ngoài miệng nói lời nhân nghĩa kỳ thực bên trong đua nhau đốt chùa hủy pháp. Đến nỗi bọn chúng nồi da xáo thịt mấy chục năm nay. Trẫm ngẫm nhìn đám binh tướng phương Bắc không khỏi không lo về kiêu binh hãn tướng của Vạn Xuân. Vậy thời con có chủ ý gì chăng?
Lý phò mã thấy rõ nhạc phụ lâu nay chuyên tâm Phật pháp đều có nguyên do gốc rễ vì đại cục Vạn Xuân. Triệu Vương đã sớm nhìn ra những mối họa ẩn tàng chính là lòng tham muốn vô bờ thứ hào nhoáng bên ngoài bất chấp gương tày liếp ngay trước mắt. Càng thấy việc Triệu Vương sẵn sàng rời bỏ vương vị thật người thường không hiểu nổi, ngay các vị lão tướng lừng lẫy chiến công càng không chia sẻ được chính là nỗi khổ của ngài. Càng nghĩ càng thấy căn dặn của Phùng sư phụ nơi cổ tự Dã Năng ẩn ý sâu xa: “Hoàng tử nên ghi nhớ trong lòng, Triệu Vương là bậc anh hùng trăm năm hiếm thấy. Ngài ấy không chỉ có tài điều binh khiển tướng, nếm mật nằm gai, từ đống tro tàn dấy thành đại nghiệp, mà Triệu Vương còn có nhãn tự sâu xa, nhìn thấu huyền cơ trong thiên hạ. Với những bậc hào kiệt như vậy, thì việc hưng dân mở cõi, vun đầy quốc thống, tạo lập chính khí nền tảng của nước mới là điều nên làm; chứ còn như ngôi vị quân vương, quốc chủ, ngay đến đế vị chăng nữa ngài ấy cũng chỉ coi như gánh cỏ ven đường mà thôi. Người như vậy chính là gốc của phúc nước”.
Càng nghĩ, Nhã Lang càng thấy chấn động trong lòng bèn trang nghiêm đáp:
– Cao ý của nhạc phụ cũng như tâm ý của các bậc cao tăng khi xưa đều là nêu cao chính đạo, xiển dương Phật pháp, chăm lo sinh kế cho bách tính thị tộc, tạo nguồn nội lực bên trong bền vững của Vạn Xuân cũng là thông điệp gửi tới lân bang, hãn quốc bên ngoài. Nhạc phụ tự thân làm gương, chuyên cần pháp đạo, nhìn rõ điều người khác chẳng nhận ra, kiên trì đến cùng lợi ích của bách tính thị tộc, theo cảnh giới của đạo Phật cũng là đắc pháp rồi. Còn như việc bọn Trang Sâm giương mắt nhìn Trần Bá Tiên bách hại lão sư nơi sân chùa Khai Quốc không dám can ngăn chủ càng cho thấy đạo pháp của người phương Bắc đã ở vào lúc cẩu thả tùy tiện, bừa bãi nông cạn. Điều này lý giải tại sao Đạt Ma sư tổ sau bảy ngày đêm luận pháp cùng Lương Vũ Đế đã đột ngột bỏ đi còn cho rằng Vũ Đế không hiểu biết về đạo, dẫu có xây trăm chùa lớn, độ ngàn tăng chúng cũng vô ích. Quả nhiên sau này Vũ Đế bị phản thần vây khốn đến nỗi phải chết đói nơi cô thành mới ngộ ra lời Bồ Đề Đạt Ma thì đã muộn. Trần Bá Tiên càng là kẻ cuồng bạo. Họ Trần không chỉ lừa gạt Tiêu thị làm phản thần tặc tử, mà y còn đang tâm hủy hoại Phật pháp Trung Nguyên. Trần Bá Tiên gian ngoan khuấy đảo quần hùng đua nhau làm phản để y có cơ hội tiến chiếm ngôi cao. Song với bản tính hiếu sát lại dung túng cho quan tướng bách hại tăng chúng, đốt phá chùa chiền tất không lâu bền được. Phải chăng những điều như thế khiến nhạc phụ phân vân? Còn như các lão tướng từng theo nhạc phụ chinh chiến sa trường, dẫu trong lòng còn có chỗ chưa thông, song quyết không phải loạn thần tặc tử. Người phương Nam quyết không thể giống tính nết trí trá phản loạn của bọn người phương Bắc. Điều này lịch sử đã ghi nhận từ nghìn năm, quyết không sai lạc. Mong nhạc phụ minh xét!
Triệu Vương lâu nay trong lòng ôm tâm sự lớn nhiều năm không có kẻ giãi bày nay trò chuyện với phò mã như được giải bớt tâm tư. Ngài ngự bỗng thấy vợi nhẹ trong lòng, thoáng chốc như được cất đi gánh nặng bèn thong thả nói:
– Nhã Lang! Con không chỉ thấu hiểu ý ta mà còn luận giải xác đáng thành bại của các vương triều trong thiên hạ, nhất là phương Bắc. Xét cho cùng, người phương Nam chúng ta muốn vững mạnh tự cường trước phương Bắc không chỉ phải giỏi chiến trận mà còn phải có nền tảng trị quốc căn cơ. Ta không chỉ trị quốc bằng pháp lệnh mà còn phải nêu cao đức sáng, xiển dương đạo pháp, lấy đức độ, pháp độ làm mực thước để bách tính thị tộc tự sửa bỏ những u mê lầm lạc thiếu khuyết của mình mới là đại pháp của một nước. Khi đại pháp đã định, những điều tốt lành tự nhiên sẽ nối nhau xuất hiện, nước sẽ vững, dân sẽ yên; khi đó người ở ngôi cao bất luận thế nào đều sẽ được pháp độ chế định, không thể một mình làm lung lay gốc nước. Đó cũng là vương đạo đã có từ thời các vua Hùng. Trẫm hôm nay rất vui. Trẫm tuy làm khó con nhưng lại cởi bỏ được vướng bận lâu nay chính là ý muốn của Phật tổ. Ta thật không còn điều gì phải lo lắng về con nữa.
Nói đoạn, Triệu Vương tươi cười đứng dậy bước ra ngoài cũng là lúc đám tùy tùng đón ngài ngự xuống thuyền rồng xuôi về cổ tự đầm Dạ Trạch.
Đức vua đi rồi, Lý phò mã còn bần thần đứng mãi nhìn theo.
Nhà văn Phùng Văn Khai