(Thứ năm, 26/12/2019, 06:56 GMT+7)

THAM LUẬN HỘI THẢO KHOA HỌC
TRẠNG VẬT PHÙNG THANH HÒA -
THÂN THẾ, CUỘC ĐỜI & SỰ NGHIỆP



TRUYỀN THUYẾT “THẦN PHẢ” VỀ GIAI ĐOẠN
TỪ TIỀN LÝ NAM ĐẾ ĐẾN HẬU LÝ NAM ĐẾ

 

Tiến sĩ Đinh Công Vỹ

 
   Những năm giữa thế kỷ thứ 6 đầu thế kỷ thứ 7 (542 - 620), là khoảng thời gian sấm dậy vang lừng trong lịch sử hơn ngàn năm chống Bắc thuộc, dưới ngọn cờ đại nghĩa của Lý Bí. Họ Lý (của Lý Bí), ở thời Hùng Vương đã nổi lên với những thần tướng như Lý Tiến… Thời An Dương Vương có Lý Thân (Lý Ông Trọng), ông Đổng, ông Đùng… Thời Đông Hán có Lý Cầm, Lý Tiến làm đến Thứ sử. Khá nhiều gương đồng quí giá mang danh Lý Thị đã phát hiện ở Giao Châu thời đó. Tổ tiên Lý Bí tương truyền là người nằm trong Bách Việt gắn với Hoa đến Giao Châu từ thời Tây Hán, ngày càng thấm đẫm chất bản địa trên quê mới. Khi thua trận, Lý Bí rút về Đông Lão hoặc xứ Ai Lao, đất bản địa của những quí tộc Lý Lão, khác họ Lý ở Trung Nguyên. Gắn với họ đó, họ của Lý Bí trở thành một thế lực đông mạnh ở Bắc Bộ nước ta. Nó hợp cả với Lý Nam Đế (Lý Bí) lẫn Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) về sau. Theo Lương thư (q.3) và Trần thư (q.l), Lý Bí là “Giao Châu thổ nhân” hay “thổ hào” Việt Nam. Nó phù hợp với “Việt điện u linh” xác tín Lý Bí là người huyện Thái Bình. Có thể cái tên đất này mới xuất hiện đầu thế kỷ VIII sau cuộc khởi nghĩa. Theo “Giả Đam Ký” suy ra: Từ Tống Bình (Hà Nội), qua Từ Liêm - Hoài Đức, Thái Bình hơn 100 dặm thì đến Phong Châu, hẳn Thái Bình thuộc đất Sơn Tây cũ, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Theo “Toàn thư” và “Việt sử lược”: năm 950 Ngô Xương Văn đánh 2 thôn Đường, Nguyễn ở Thái Bình. Đường tức Đường Lâm, nơi cát cứ của sứ quân Ngô Nhật Khánh, thuộc thị xã Sơn Tây đến huyện Ba Vì còn Nguyễn là Nguyễn Gia Loan, nơi cát cứ của sứ quân Nguyễn Khoan cũng tự xưng là Nguyễn Thái Bình thuộc huyện Mê Linh ngoại thành Hà Nội. Các địa danh sau ấy cho thấy Lý Bí quê gốc ở hai bên bờ sông Hồng, phía thị xã Sơn Tây gần Ba Vì bên hữu và Yên Lạc, Bình Xuyên cũ bên tả ngạn. Truyền thuyết ở đây cho thấy, một thời Lý Bí từng làm Giám quân (chức quan kiểm soát quân sự) cho chính quyền đô hộ ở Cửu Đức - Đức Châu (Đức Thọ - Nghệ Tĩnh), rồi bất bình với bọn đô hộ bỏ quan trở về Thái Bình. Ý chí này phù hợp với người cùng quê là Tinh Thiều, một danh sĩ thông tuệ văn chương từng lặn lội sang tận Nam Kinh, kinh đô nhà Lương tỏ rõ năng lực mà không được dùng đúng tài. Hai người đã mưu tính khởi nghĩa, chiêu tập hiền tài. Theo truyền thuyết của Ty văn hóa, thông tin tỉnh Vĩnh Phú cũ: Lý Bí về trại Diên Táo thuộc Yên Lãng gặp Triệu Quang Phục đang cùng chú là Triệu Quang Thành ở chùa Diên Táo. Một phút gặp gỡ, Quang Phục đã cảm động theo làm thủ túc của Lý Bí ngay. Quang Phục còn thuyết phục cha là Triệu Túc, thủ lĩnh Chu Diên (vùng Đan Hoài ngoại thành Hà Nội) đem toàn quân về dưới cờ Lý Bí. Phạm Tu, người Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội cũng theo Lý Bí ngay ở buổi đầu ấy. Cũng gần với địa danh Thái Bình trên là Phùng Xá - Thạch Thất và không xa với Thái Bình là trang Hồng Vinh, quận Nam Xang (sau thuộc Lý Nhân - Hà Nam), truyền thuyết địa phương nhắc tới môt danh tướng nữa của Lý Bí là Phùng Thanh Hòa. Thần Phả đình làng Phùng Xá cho biết: Phùng Thanh Hòa sinh ra ở trang Hồng Vinh do bố là Phùng Thủy và mẹ là Hoàng Thị Mai tích đức mà hun đúc nên. Thanh Hòa sinh ở Hồng Vinh nhưng cuội đời lập làng và hóa ở Phùng Xá. Trong khi Lý Bí khởi binh, Thanh Hòa đã chuẩn bị lực lượng để sau sẽ đi theo. Theo “Bắc Ninh tỉnh, Yên Phong huyện, Phong Quang tổng, Đông Mai xã ngọc phả lục”, cuốn ngọc phả ký hiệu VNV 1235, lưu ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết Lý Bí có người vợ tên là Hứa Trịnh Hòa có tài sắc, giúp chồng cầm quân đánh giặc Lương tử trận, được thờ ở xã Đông Mai. Vậy, bên ngoài Hà Nội, hoạt động của Lý Bí sôi động lên tới Yên Phong - Bắc Ninh... nữa. Ngoài ý kiến cho Thái Bình ở phía Bắc, còn có ý kiến khác cho Thái Bình ở phía Nam. “Đại Việt sử ký toàn thư” cho rằng quê của Lý Bí ở Thái Bình thuộc phủ Long Hưng, tức thuộc đất tỉnh Thái Bình ngày nay. Ở đây, Lý Bí cũng được nhiều người theo. Hai làng Tử Các và Các Đông ở Thái Thụy, Thái Bình còn có 2 đình thờ Lý Bí. Nhưng vùng này chỉ cách biển 2km, dân mới khai thác chừng vài trăm năm nay, hẳn thời Lý Bí đấy còn là biển hay bãi lầy. Vậy mà vẫn còn những truyền thuyết xa gần gắn với nơi này trong phân giới tỉnh Thái Bình: Lý Bí khi mới phất cờ đã hành quân thủy dọc sông Trà Lý (Bạch Lãng) đến hương Man Để (ở cả tả ngạn và hữu ngạn sông này), qua lại xã Bạch Đằng và một nửa xã Hiệp Hòa thuộc huyện Vũ Thư. Thuyền ông đến bờ sông thuộc trang Tây Để thì gặp hào kiệt Đỗ Công Cẩn đang mộ người chống Lương. Lý Bí ngâm nga mấy dòng thơ tức cảnh:
   Thanh thị lâu đài giai bảo ngọc
   Giang sơn hoa thảo tống đan thanh
   Trung thành địa thế tuy tiểu mạch
   Khá nhãn thị chân kiến cung thành.
Nghĩa là:
   Thành Thị lâu đài như ngọc quý
   Non sông hoa có biếc màu xanh
   Thế đất trung thành dầu mạch nhỏ
   Mắt xem thực rõ dựng cung thành


 

   Cảm phục, Công Cẩn hội quân ngay với Lý Bí, xây tiền đồn Hậu Táo ở xã Bạch Đằng. Cũng tại đây, khi chèo thuyền qua Bạch Đằng, chèo của Lý Bí bị đứt chạo, con gái Công Cẩn là Đỗ Thị Khương tức khắc ném cho Lý Bí cuộn dây tơ buộc chèo mà nên duyên. Nàng Khương Sắc đẹp mặn mà, chèo thuyền, bắn cung, cưỡi ngựa cực giỏi, lại giúp cha và Lý Bí quản lĩnh binh lương đâu vào đấy. Nhờ cha con nàng mà sau 3 tháng ở nơi này, dân khắp Thái Bình nhập ngũ ùn ùn. Say tình, say nghĩa, ngay từ khi mới vùng dậy, Lý Bí đã cưới nàng để về sau phong làm hoàng hậu.
   Với sự hưởng ứng và liên kết của các địa phương, cuộc khởi nghĩa đã làm cho Thứ sử Giao Châu là Tiêu Tư hoảng sợ, không dám chống cự, vội sai người đem vàng bạc, của cải đút lót cho Lý Bí rồi chạy trốn về Việt Châu (Bắc Hợp phố) và Quảng Châu. Nổi dậy từ tháng 1 năm 542 (tháng chạp năm Đại Đồng thứ 7) không quá 3 tháng, nghĩa quân Lý Bí đã chiếm được đất đầu não của giặc là Long Biên (Bắc Ninh cũ).
   Sau những buổi kinh hoàng ban đầu, nhà Lương vẫn không từ bỏ ý đồ biến nước ta thành thuộc quốc nô lệ. Tháng 4 năm 542 (tháng 3 năm Đại Đông thứ 8), vua Lương sai Thứ sử Việt Châu là Trần Hầu, Thứ sử La Châu là Nịnh Cư, Thứ sử An Châu là Lý Trị, Thứ sử Ái Châu là Nguyễn Hán, từ 2 phía Bắc - Nam Giao Châu cùng tiến đánh. Nhưng nghĩa quân Lý Bí đã thắng lớn, càng mở rộng cương giới, làm chủ đất nước từ đồng bằng Bắc Bộ tới vùng Đức Châu (Nghệ Tĩnh) ở phía Nam và bán đảo Hợp Phố ở phía Bắc. Bị thua quá đau, vua Lương càng cay cú, lại sai Thứ sử Cao Châu là Tôn Quỳnh, Thứ sử Tân Châu là Lư Tử Hùng mang binh mã đánh Lý Bí vào mùa đông năm đó. Sau những phút dùng dằng ban đầu, tháng 1 năm 543, bọn Tôn Quỳnh, Lư Tử Hùng đã chính thức tiến binh vào cực bắc Châu Giao. Trận đánh diễn ra ở Hợp Phố. Bọn xâm lược 10 phần chết tới 7, 8 phần, tan vỡ chạy về Bắc. Phương Bắc vừa yên thì phương Nam lại vang dậy lửa binh xâm lược của Chiêm Thành tại Đức Châu (Hà Tĩnh) vào tháng 5 năm 543.
   Lý Bí cử tướng Phạm Tu đem quân Nam chinh, đánh tan quân Chiêm Thành ở Cửu Đức. Khởi nghĩa toàn thắng. Lần đầu tiên người làm chủ đất nước không còn là các Lạc hầu, Lạc tướng như thời Bà Trưng, Bà Triệu về trước mà là tầng lớp thổ hào địa phương. Từ đó, mà vào mùa xuân tháng Giêng theo lịch trăng (2/544), Lý Bí có đủ căn cứ dựng nên một nước mới với quốc hiệu Vạn Xuân, đóng đô tại miền cửa sông Tô Lịch (Hà Nội ngày nay). Cái tên Vạn Xuân tỏ rõ sự mong muốn xã tắc bền vững tươi đẹp muôn đời. Lý Bí xưng là Nam Việt Đế (theo sử Bắc: Tư trị thông giám) hay Nam Đế (theo sử Nam). Bãi bỏ chính sóc (lịch) của Trung Quốc, ông đặt cho triều đại mới một niên hiệu riêng là Thiên Đức (ứng với những đồng tiền mà khảo cổ học đã tìm ra mang tên này, đúc vào thời Lý Bí). Thế là, Nam đã đối chọi với Bắc, Việt đã đối chọi với Hoa, phủ định quyền làm bá chủ thiên hạ của các hoàng đế Tàu, vạch rõ cương giới của nước Việt phương Nam, nói lên sự trưởng thành của ý thức tự chủ của nước ta. Cơ cấu triều đình mới hẳn còn sơ sài nhưng đã có 2 ban văn võ. Tinh Thiều làm tướng văn, Phạm Tu làm tướng võ đứng đầu 2 ban, Triệu Túc làm Thái Phó. Triệu Quang Phục con Triệu Túc làm Tả tướng quân (chức Hữu tướng quân để trống để sau này phong cho Phùng Thanh Hòa khi vua giữ thành Gia Ninh). Lý Phục Man, người làng Yên Sở (Hoài Đức) làm tướng, trấn giữ một miền biên cảnh từ Đỗ Động (Thanh Oai) đến Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), “để phòng ngừa Di Lão”. Lúc này, phật giáo cũng đang thịnh hành ở nước ta, nhà nước Vạn Xuân đã bỏ tiền ra xây chùa Khai Quốc, tiền thân của chùa Trấn Quốc ở Hà Nội về sau. Thật là sự “mở nước” đầy ý nghĩa. Nhưng nhà nước muôn thuở xuân xanh ấy chỉ yên ổn hơn 1 năm, mùa hè năm 545, từ Nam Kinh, nhà Lương lại phát động cuộc phản công lần thứ 3, một cuộc phản công ác liệt hơn trước nhiều. Dương Phiêu được cử làm Thứ sử Châu Giao, viên tướng mạnh, dầy dạn kinh nghiệm chiến đấu Trần Bá Tiên được cử làm Tư mã Châu Giao với những đội binh thiện chiến, tập trung ở Phiên Ngung (Quảng Châu). Từ Phiên Ngung, thủy bộ phối hợp, quân Trần Bá Tiên hẳn đã theo con đường ven biển Đông Bắc mà Mã Viện đã đi ngày trước để đến tháng 7 năm 545 tiến sâu vào nội địa ở lưu vực sông Hồng. Lý Bí đem mấy vạn quân trấn giữ cửa sông Tô Lịch. Thành đất, lũy tre nứa không kiên cố, lại bị Trần Bá Tiên thúc quân khỏe công thành ráo riết nên Lý Nam Đế không giữ nổi phải lui binh, đi ngược sông Hồng về giữ thành Gia Ninh trên miền đồi núi trung du ngã ba sông Trung Hà - Việt Trì. Thần tích ở Thanh Liệt cho biết: Trong cuộc tử chiến ở cửa sông Tô Lịch, lão tướng Phạm Tu đã hy sinh vào ngày 30 tháng 7 năm Ất Sửu (8/545). Cuộc chiến thành Gia Ninh diễn ra ác liệt suốt mùa khô năm 545 với sự đóng góp và cứu giá của Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa. Sang tháng 2, năm 546, quân mạnh của Trần Bá Tiên, có tiếp viện của hậu quân Dương Phiêu đã hạ được thành Gia Ninh vào ngày 25. Lý Bí và nhiều binh tướng đã thoát đuợc, chạy vào miền động lão ở Tân Xương (miền đồi núi trên khu vực sông Lô) đi sâu vào vùng núi rừng Việt Bắc. Sau khi bổ xung, chấn chỉnh lại lực lượng đến tháng 10 năm 546, Lý Nam Đế lại kéo quân từ trong núi rừng “Di Lão” ra hạ thủy ở hồ Điển Triệt (Đầm Vạc - Vĩnh Yên thời nay). Đầm này còn có tên nôm là Đầm Miềng ở xã Tử Yên huyện Lập Thạch. Đầm nằm trên bờ sông Lô, cách Bạch Hạc 15km về phía Bắc, cách sông Lô 300m, có một con ngòi thông ra sông Lô. Tới thời hiện đại mà hồ còn rộng khoảng 50 mẫu, dài 1km, có 7 ngách lớn và nhiều ngách nhỏ, mùa khô nhất nước còn sâu tới 3, 4m. Ba phía đông, nam, bắc của hồ còn là một dải đồi cao gồm mấy chục quả gò, cộng hơn 300 mẫu. Phía Tây còn có một dải đồi thấp hơn vươn trên mặt nước chừng 2, 3m bị đứt đoạn một khoảng rộng 180m làm thành cửa hồ, thông với vùng chiêm trũng, chằm lầy rộng tới ngàn mẫu. Theo truyền thuyết dân gian, nghĩa quân Lý Nam Đế đóng trại trên dải đồi đó, thuyền binh trải đầy mặt hồ. Có một quả đồi gọi là Thành Dền (còn gọi là Thành Lĩnh) là đại bản doanh của của nhà vua. Một quả đồi cao nhất ở sát bờ hồ mang tên Đồi Vua Ngự, lên đấy có thể thu Bạch Hạc, Việt Trì vào tầm mắt. Tương truyền, nhà vua hàng ngày vẫn lên đấy quan sát binh tình giặc Lương ở cửa sông Lô phía Bạch Hạc và đôn đốc tướng sĩ đẽo thuyền độc mộc. Trên hồ, có nhiều bến với những tên lịch sử đến nay còn truyền tụng như bến Chảy (hay bến vua tắm), Bến Bêu, nơi đậu các thuyền độc mộc... Chỉ có duy nhất con đường độc đạo từ bờ sông Lô đi vào phía Bắc hồ. Tới nay, 4 thôn thuộc xã Tứ Yên ở trên dải đồi đó đều có đền thờ Lý Nam Đế, Lý Thiên Bảo (anh ruột vua) và Lý Phật Từ (sau là Hậu Lý Nam Đế) và một số tướng sĩ khác, gắn với tục bơi chải hàng năm. Dân ở đây kiêng các tiếng “phần” (Bí cũng có khi đọc là phần) hay tiếng “Bảo”. 
   Giặc Lương từ Gia Ninh (Bạch Hạc), ngược dòng sông Lô lên đánh vào doanh trại Lý Nam Đế ở Điển Triệt, vấp phải một vùng đồi nước hiểm yếu, khó đánh với khí thế nghĩa quân đang hồi phục, dũng cảm chặn địch, chúng đành co cụm lại ngoài cửa hồ, chưa dám tiến sâu. Đáng tiếc, Lý Nam Đế không kịp thời lợi dụng khi địch còn đang lúng túng để tấn công trước, giành thế chủ động trên chiến trường lại để cho chúng chuẩn bị, cướp được thời cơ. Đêm ấy, bỗng có trận mưa lũ cuối mùa nổi lên, khiến nước sông Lô đột nhiên lên cao, tràn vào những chằm ao ruộng trũng. Nước ào ạt chảy vào hồ, làm thuyền lớn của giặc tha hồ đi lại mà các căn cứ của nghĩa quân thành các cô đảo trong biển nước mênh mông. Trần Bá Tiên hả hê đánh trống, xua thuyền xông vào Điển Triệt. Bị tập kích bất ngờ, không phòng bị nên Lý Nam Đế và nghĩa quân thua to. Truyền thuyết dân gian có nhắc tới “Đê Thác” (vùng Tứ Yên) là tràn ruộng chiêm - mùa, so với các tràn ruộng khác thì nó không lầy thụt bằng (thời hiện đại được đắp thành đường đi vào xã Đông Thịnh). Đó là con đường duy nhất có thể rút về Tam Đảo. Là viên tướng hiểm độc, hẳn Trần Bá Tiên đã cố tình đánh chẹn 3 mặt rút vào đất liền để dồn nghĩa quân xuống dòng sông Lô cuồn cuộn mênh mông nước lũ. Nghĩa quân dồn sức cướp đường vào đất liền, đột phá khẩu đẫm máu ở Đê Thác nhưng không được, đành phải đưa Lý Nam Đế và bộ chỉ huy xuống thuyền sang hữu ngạn sông Lô rồi để tránh sự truy tầm của giặc, tính kế vượt sông Thao lần nữa. Trong các cuộc thoái thủ ở Điển Triệt và vượt sông, vai trò hộ giá cứu nguy vua của hai vị tả, hữu tướng quân Triệu Quang Phục và Phùng Thanh Hòa rất nổi như những thần phả và truyền thuyết ở Xứ Đoài từng nêu.


 

   Sau thất bại lần thứ 3, Lý Nam Đế vào nương náu ở động Khuất Lão. Đây là tên một khu đồi hiện nằm ở giữa 2 xã Văn Lang và Cổ Tuyết thuộc huyện Tam Nông (Vĩnh Yên), gồm 3 quả đồi ở bờ phải sông Hồng, hiện cách sông khoảng 1 km. Truyền thuyết dân gian gọi đó là khu “Cổ Bồng”, “Tam khu” hay “Khu lăng” vì tương truyền đấy là khu mộ Lý Nam Đế. Xưa nơi này đã có đền thờ Lý Nam Đế và Lý Thiên Bảo, sau dời ra làng Danh Hựu. Quanh khu đồi là đầm lầy và cây cối um tùm bao bọc. Thuở xưa coi đó như khu đất cấm, chỉ có ngày tế lễ, dân mới vào, đi bằng thuyền. Có người hình dung: Nhìn xa, động Khuất Lão trông như một bông sen, cuống bám vào dẫy rừng cấm thuộc xã Vân Lang, 3 cánh xòe trên cánh đồng chiêm trũng thuộc xã Cổ Tuyết. Cũng như Danh Hựu, làng Tự Cường (cách Danh Hựu 1km), cũng có đền thờ Lý Nam Đế và Lý Thiên Bảo. Cả vùng đó kiêng tên Bí - gọi là Bầu, kiêng tên Bảo gọi là Biền. Ngày trước, thờ Lý Nam Đế phải theo nghi thức thờ vua như câu thơ dân gian:
   Trăm năm chéo lọng vàng cờ đỏ
   Dưới hai hàng văn võ chầu sang 
   Theo Việt sử xưa, sau khi rút về động Khuất Lão, Lý Nam Đế bị đau yếu luôn nên phải giao binh quyền cho Triệu Quang Phục. Truyền thuyết dân gian nói tới việc Lý Nam Đế đau ốm dẫn tớỉ mù mắt. Thần thánh hoàng Danh Hựu vẫn được các làng chung quanh gọi là “vua mù” nên khi tế lễ phải xướng tên các phẩm vật để thần biết. Ở Khuất Lão 2 năm thì vua mất (548). Hoàng hậu Đỗ Thị Khương cử tang 4 tháng cạnh mộ chồng rồi tử tiết về với chồng, về cái chết của vua có những thuyết khác như: Nguyễn Quang Lục trong “Lịch sử Hà Nội” Gió Việt, Sài Gòn 1952 trang 198 lại cho là vua bị giết ở mạn Tuyên Quang. Cách Tuyên Quang 10km trên đường đi Yên Bái có đền thờ Lý Nam Đế. Tương truyền đó là nơi vua bị giết. Để hạ uy thế của vua, Bắc sử bịa thêm như: “Trần Thư” ql ghi: Tháng 3 năm Thái Thanh thứ 2, đời Lương Vũ Đế (4-548) người Lão giết Lý Bí, cắt đầu đem nộp quân Lương. Vua mất, lực lượng kháng chiến còn lại chịu ba: Một bộ phận rút về quê mình, hoặc nơi nào thuận lợi nương náu, tự tồn, chờ thời. Bộ phận này tiêu biểu là Phùng Thanh Hòa đem quân bản bộ về Câu Lậu Giao Châu sau là vùng Thạch Thất - Sơn Tây. Ngài thấy An Hoa Trang (tên cổ của làng Phùng Xá) là nơi “sơn cao thủy tụ” giữa 2 dòng chảy, Sông Đáy ở phía Đông, sông Tích ở phía Tây, giữa vùng đồi gò hiểm yếu và 12 ngọn núi đá của dãy Sài Sơn - Hoàng Xá nên đã ở lại đã dựng làng lập ấp, đổi An Hoa trang thành Phùng Gia trang sau là Phùng Xá… Ngài mất sớm nên chí khí chống Lương không thỏa nguyện.
   Một bộ phận khác theo Lý Thiên Bảo (trong đó có Lý Thiệu Long - tức Lý Phật Tử) rút vào miền Trung. Theo “Trần Thư”, Lý Thiên Bảo đã tập họp được 2 vạn quân tiến đánh Đức Châu (Hà Tĩnh cũ), giết chết thứ sử Trần Văn Giới rồi kéo quân ra vây Ái Châu nhưng bị Trần Bá Tiên đem quân vào đánh bại. Lý       Thiên Bảo phải lui lên vùng thượng du Châu Ái (ở Thanh Hóa giáp Lào), lập căn cứ ở động Dã Năng, xưng là Đào Lang Vương.
Một bộ phận nữa do Triệu Quang Phục thống lĩnh với 2 tướng giỏi Trương Hông, Trương Hát và hơn 1 vạn quân rút về lập căn cứ mới ở dầm Dạ Trạch. Để hạ uy thế, sử sách Trung Quốc không hề chép về Triệu Quang Phục. “Việt diện u linh” của nước ta nêu rõ hơn khi dẫn lại “Sử ký” của Đỗ Thiện (đã bị thất lạc). “Việt diện”… nêu rõ xuất xứ, hành trạng của ông. “Đại Việt sử ký toàn thư” (phần ngoại kỷ) cũng làm rõ. Điền dã mới thấy, Dạ Trạch (bãi Màn Trò, Khoái Châu, Hưng Yên) là một vùng đầm lầy ven sông Hồng, ruộng mênh mông, lau sậy um tùm. Ở giữa là một bãi phù sa màu mỡ có thể trồng trọt chăn nuôi tự tồn. Đưòng vào bãi vô cùng khó khăn, kín đáo, chỉ có dòng thuyền độc mộc nhẹ lướt trên có nước theo mấy con lạch nhỏ thì mới tới được. Triệu Quang Phục đóng quân trên bãi đất nổi ấy. Ngày ngày tướng sĩ thay phiên nhau vừa luyện tập, vừa phát bờ, cuốc mộng trồng lúa… dự trữ binh lương. Lúc đó, quân binh tắt lửa khói, im hơi lặng tiếng như không có người. Đến đêm, tướng sĩ mới kéo thuyền ra đánh úp các trại giặc. Sách “Cương mục” cho đó là “làm kế trì cửu”. Triệu Quang Phục không áp dụng phương thức tác chiến cũ của Lý Nam Đế là phòng ngự, cố thủ hay tập trung lực lượng quyết chiến với địch khi lực lượng của chúng mạnh hơn. Kế sách của ông gọi theo ngôn ngữ hiện đại là trường kỳ kháng chiến tức đánh lâu dài và lấy đánh tiêu hao sinh lực địch, đánh kỳ tập làm phương thức tác chiến chủ yếu. Nhờ sự chuyển hướng chiến lược sáng suốt đó, qua gần 3 năm chiến tranh (548-550), ta càng đánh càng mạnh, địch càng đánh càng suy yếu. Chúng nhiều lần cố sức đánh vào đầu não kháng chiến ở Dạ Trạch nhưng đều thất bại thảm hại. Khi Trung Quốc biến loạn, viên tướng tài Trần Bá Tiên trở về Trung Quốc, giao binh quyền cho tướng Dương San ở lại. Chớp cơ hội đó, Triệu Quang Phục từ căn cứ Dạ Trạch mở các cuộc phản công vào giặc Lương, chiếm lại Châu Thành Long Biên, giành quyền tự chủ trên toàn quốc xưng là Triệu Việt Vương.

   Sau đó, là thời Triệu Việt Vương và Hậu Lý Nam Đế. Năm 555 Lý Thiên Bảo mất, Lý Phật Tử lên thay. Năm 557 Lý Phật Tử tìm về quê cũ ở Thái Bình lôi kéo họ hàng, phe đảng gây chiến với Triệu Việt Vương. Nhưng sau 5 lần giáp chiến không xong, họ phải tạm giảng hòa, lấy bãi Quần Thần (vùng Thượng Cát, Hạ Cát, Từ Liêm Hà Nội) làm mốc giới, rồi kết mối thông gia với nhau. Câu chuyện diễn lại đúng như Mỵ Châu Trọng Thủy xưa kia…. Lý Phật Tử lên ngôi, sử cũ gọi là Hậu Lý Nam Đế. Sau đó, ở Trung Quốc nhà Tùy lên nắm quyền. Trong con mắt của Tùy, Lý Phật Tử chỉ là một cừ súy ở Giao Châu. Đầu năm 602, Hoàng đế Tùy gọi Phật Tử vào chầu Phật Tử không nghe, dẫn tới việc Tùy cất quân xâm lược vào năm 603. Sau những trận đánh quyết liệt ban đầu, Lý Phật Tử trước lực lượng mạnh mẽ gấp bội của kẻ địch và sự dụ dỗ xảo trá của chúng đã phải đầu hàng. Phật Tử bị bắt đem về Trường An. Theo “Việt tiên u linh” thì có chỗ khác: Lý Phật Tử làm vua 30 năm thì chết, kể từ năm Tân Mão (571) niên hiệu Trần Đại Kiến thứ 3 đến năm Nhâm Tuất (602) đời Tùy Văn đế niên hiệu Nhân Thọ thứ 2, Phật tử chết, con là Sử Lợi lên thay, làm vua được mấy năm thì bị tướng nhà Tùy là Lưu Phương diệt. Theo "Tùy thư", những tướng lĩnh kiệt hiệt khác của Lý Phật Tử tiếp tục cự địch ở các nơi, nhưng trước sau cũng bị tên tướng Lưu Phương, Giao Châu đạo hành quân tổng quản của giặc giết hại cả. Thất bại đó, lại tiếp tục mở ra thời chống Bắc thuộc Tùy, Đương với những con người kiên cường như Lý Tự Tiên, Đinh Kiến, đặc biệt là Mai Hắc Đế (Thúc Loan) và Bố Cái Đại Vương (Phùng Hưng) rồi Ngô Quyền.