(Thứ bảy, 11/09/2021, 09:54 GMT+7)

TỪ NGƯỜI CHIẾN SĨ ĐẾN BỘ TRƯỞNG
BỘ QUỐC PHÒNG; NGƯỜI CHỈ HUY CAO NHẤT CỦA
QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM VÀ DÂN QUÂN TỰ VỆ;
TỪ BINH NHÌ TRỞ THÀNH ĐẠI TƯỚNG
 

Tiến sĩ Phùng Thảo

 

   I - Thời thơ ấu
   Đại tướng Phùng Quang Thanh sinh ngày 2/2/1949 tại xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội. Cụ thân sinh ra ông là Phùng Quang Sức, sinh năm 1917. Cụ làm nghề thợ mộc, sẵn có tinh thần yêu nước, sớm chịu ảnh hưởng về tư tưởng cách mạng, lại được Đảng giác ngộ, cụ Phùng Quang Sức đã vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1946, làm Bí thư Chi bộ xã Thống Nhất, kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính xã (xã Thống Nhất nay tách thành hai xã: Xã Thạch Đà và xã Tam Đồng), huyện Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên (huyện Yên Lãng nay là huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội). Thời gian này cụ đã bí mật tham gia hoạt động cách mạng, gây dựng cơ sở cách mạng ở xã. Cụ bị giặc Pháp bắt, đưa về giam ở bốt Mai Khê, xã Vạn Yên, huyện Mê Linh. Chúng đã dùng nhiều cực hình tra tấn dã man, nhưng cụ Phùng Quang Sức vẫn một lòng trung thành với Đảng, đấu tranh vạch mặt kẻ xâm lược đến cùng. Sau khi bị giặc Pháp tra tấn dã man, cụ Phùng Quang Sức đã hy sinh vào ngày 12 tháng 5 năm 1950. Cụ Phùng Quang Sức đã được Đảng, Nhà nước truy tặng liệt sĩ chống Pháp. Cụ bà thân sinh ra Đại tướng Phùng Quang Thanh là Đỗ Thị Thoa, sinh năm 1924, người cùng làng với cụ ông. Cụ làm ruộng ở quê, hai cụ sinh được một mình ông Phùng Quang Thanh.
   Tuổi thơ của Đại tướng Phùng Quang Thanh rất vất vả, lên một tuổi mồ côi cha, cậu bé Thanh ở với bà ngoại và cậu em mẹ. Lên tám, chín tuổi Phùng Quang Thanh đã phải tần tảo mò cua, bắt ốc, kéo vó tôm… vừa lao động, vừa học tập, đến trường được nghe các thầy, cô giáo giảng bài, được học thơ văn yêu nước, học tập tấm gương anh hùng liệt sĩ trong chống Pháp, chống Mỹ… Những năm 1965-1966, chứng kiến giặc Mỹ đã đánh bom kho xăng dầu Đức Giang, đánh bom Thủ đô Hà Nội, giết hại đồng bào ta, được nghe lời kêu gọi của Bác Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”… Tất cả những trải nghiệm được rèn luyện trong cuộc sống, cùng truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc đã thấm sâu vào tình cảm, tâm hồn, ý chí người thanh niên Phùng Quang Thanh, đã giúp ông sớm giác ngộ cách mạng.
   Là người con duy nhất của gia đình liệt sĩ, theo chế độ chính sách Phùng Quang Thanh không phải đi bộ đội, nên chính quyền xã không gọi anh nhập ngũ. Với chủ trương khi có thời cơ UBND xã sẽ tạo điều kiện, giúp đỡ để anh được đi học. Nhưng Phùng Quang Thanh không suy nghĩ như vậy, với anh, dân tộc Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, đã nhiều lần đánh thắng quân xâm lược, bảo vệ non sông. Tên tuổi các anh hùng giải phóng dân tộc như: Hai Bà Trưng, Lý Nam Đế, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Quang Trung, Trần Hưng Đạo,… còn sáng mãi ngàn năm. Rồi Nhật, Pháp xâm lược Việt Nam, nhân dân ta đã bảo vệ nền độc lập, tự do của đất nước, giải phóng miền Bắc, xây dựng CNXH trên nửa đất nước Việt Nam thân yêu. Rồi nhiều tấm gương hy sinh của các bậc tiền bối cách mạng như: Phùng Chí Kiên, Nguyễn Đức Cảnh đã bị giặc Pháp bắt tra tấn dã man, dùng nhiều cực hình, nhưng các ông vẫn không sợ, một lòng tin tưởng cách mạng Việt Nam nhất định thắng lợi. Nhiều tấm gương khác dũng cảm, anh hùng trong chiến đấu như: Ngô Gia Khảm, Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, La Văn Cầu, Phùng Văn Khầu, Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi,… còn ngân vang trong các bài giảng trên lớp, thấm sâu trong trái tim, tình cảm, suy nghĩ của chàng trai Phùng Quang Thanh. Nay giặc Mỹ xâm lược Việt Nam, tàn sát, giết hại đồng bào miền Nam, tiêu biểu như vụ thảm sát các chiến sĩ cách mạng ở nhà tù Phú Lợi,… đem máy bay, bom đạn đánh phá miền Bắc Việt Nam, đánh phá Hà Nội, Hải Phòng,… giết hại đồng bào ta. Trong khi cả nước sục sôi tinh thần đấu tranh, thanh niên hăng hái lên đường vào Nam đánh Mỹ, với khẩu hiệu: “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, lời Bác Hồ kêu gọi toàn dân: “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta phải chiến đấu quét sạch nó đi” đang vang lên, thấm sâu trong mỗi người Việt Nam. Đặc biệt tấm gương hy sinh của liệt sĩ Phùng Quang Sức - cha đẻ của đồng chí Phùng Quang Thanh, quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, vì độc lập tự do của đất nước đã giúp đồng chí Phùng Quang Thanh có nghị lực, quyết tâm vào bộ đội để đánh Mỹ. Phùng Quang Thanh đã viết hai lá đơn tình nguyện nhập ngũ, một lá đơn đồng chí gửi xã đội trưởng xã Thạch Đà, còn một lá đơn gửi huyện đội trưởng huyện Yên Lãng. Tháng 7 năm 1967, Phùng Quang Thanh trúng tuyển nhập ngũ, trở thành anh bộ đội Cụ Hồ. Bắt đầu từ đây là một chặng đường mới cho một binh nhì trở thành anh hùng LLVT Giải phóng miền Nam Việt Nam - Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam Phùng Quang Thanh.
   II - Trở thành anh hùng LLVT nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam
   Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, là một thanh niên ưu tú, sớm có tinh thần giác ngộ cách mạng, năm 18 tuổi, đồng chí Phùng Quang Thanh tạm biệt gia đình, bè bạn, làng xóm, mái trường thân yêu để lên đường nhập ngũ.
   Năm 1967, vào quân ngũ, sau ba tháng huấn luyện, đồng chí Phùng Quang Thanh  hòa mình vào đoàn quân, với 30 vạn cán bộ, chiến sĩ vượt qua đường Trường Sơn lịch sử vào Nam chiến đấu, anh được biên chế vào Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 (nay thuộc Quân đoàn 3). Anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 11/6/1968, chính thức ngày 11/6/1969 tại chiến trường Quảng Trị.
    Lúc đầu đơn vị có ý định ưu tiên cho Binh nhì Phùng Quang Thanh làm nhiệm vụ vận tải, hậu cần, nhưng đồng chí đã xung phong xin tham gia chiến đấu. Cấp trên chọn anh làm chiến sĩ truyền đạt, sau đó chuyển qua làm chiến sĩ trinh sát, rồi đề bạt Tiểu đội trưởng trinh sát “tiểu đội vào sinh ra tử”. Anh đã cùng các chiến sĩ luồn sâu vào lòng địch, nghiên cứu địa hình, cách bố trí binh hỏa lực của địch, nắm vững vị trí các đồn bốt của địch, nơi tập kết đóng quân của chúng. Là người lính trinh sát mưu trí dũng cảm, nhiều lần anh cùng tiểu đội trinh sát luồn sâu vào sào huyệt của địch, điều tra tình hình, những thông tin do các anh nắm bắt được đã giúp cấp trên chỉ huy tác chiến đánh địch giành nhiều thắng lợi trên mặt trận quân sự và ngoại giao.
   Đồng chí Phùng Quang Thanh tiếp tục xin cấp trên cho làm chiến sĩ bộ binh, anh được giao làm Trung đội phó, rồi Trung đội trưởng, tham gia chiến đấu dũng cảm, lập nhiều thành tích, được đề bạt làm Đại đội phó - Đại đội 9. Chiến đấu ở chiến trường Đường 9, Bắc Quảng Trị, Nam Lào. Đây là chiến trường vô cùng ác liệt, là nơi thử thách sức mạnh, trí tuệ của hai phe. Kẻ địch tập trung những Sư, Lữ đoàn, Tiểu đoàn, những đơn vị lính Mỹ, lính Ngụy thiện chiến nhất, với vũ khí trang bị hiện đại, lại được sự chi viện, yểm trợ bằng máy bay và pháo binh của Hạm đội 7 quân đội Mỹ từ ngoài biển, chúng dùng pháo bắn vào đất liền để ngăn chặn chi viện của quân dân miền Bắc đối với chiến trường. Cuộc Tổng tiến công nổi dậy Mùa Xuân 1968 của quân và dân miền Nam làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ, đã dấy lên phong trào chống Mỹ rộng khắp cả nước.
   Đầu tháng 2 đến cuối tháng 3 năm 1971, diễn ra chiến dịch lớn, kéo dài gần 2 tháng của quân và dân hai nước Việt Nam và Lào, nhằm phản công cuộc hành quân chiến lược lớn mang tên “Lam Sơn 719” của Mỹ và quân đội Sài Gòn. Đây là cuộc hành quân điển hình của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Mỹ đã huy động vào cuộc hành quân này 45.000 quân. Nhận rõ âm mưu của địch, chủ trương của ta là: Tập trung lực lượng, kiên quyết tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch và phương tiện chiến tranh của Mỹ-Ngụy. Bảo vệ đường vận tải chiến lược chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.
   Trong bài viết này, tác giả xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc về tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm, trách nhiệm của anh bộ đội Cụ Hồ được cấp trên giao với nhiệm vụ bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc thân yêu của người thanh niên quê hương Thạch Đà. Sau hơn 50 năm từ một Binh nhì trở thành Đại tướng, đã nghỉ hưu, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã trả lời phỏng vấn báo Quân đội nhân dân cuối tuần số 1.250 ngày 15/12/2019:
   “Đơn vị chúng tôi nhận mệnh lệnh là hành quân đi B dài, chắc là vào B2 đấy. Nhưng vào đến khu vực Đường 9 thì nhận được lệnh của trên là dừng lại, tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào luôn.
   Ngày 10 tháng 2 năm 1971, lúc đó tôi là Trung đội phó, được đại đội giao nhiệm vụ chốt giữ quả đồi Không Tên. Đồi toàn những cây lúp xúp, cao ngang đầu người, cỏ tranh rất dày. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải giữ bằng được quả đồi, không để địch nống lấn hoặc đổ bộ đánh chiếm, tinh thần là “còn người còn trận địa”. Chúng tôi đến khu vực tập kết vào buổi tối thì gần sáng chúng tôi tổ chức lên chiếm lĩnh trận địa luôn. Trong lúc địch chưa đến, anh em tranh thủ làm công sự, trận địa. Chủ yếu là đào giao thông hào, rồi đào các hố bắn cá nhân, kết hợp làm những hầm ẩn nấp chữ A, làm khẩn trương, bí mật, làm đến đâu ngụy trang ngay bằng cây tươi, cỏ tranh rất kín đáo. Sáng ngày 10-2-1971, một đại đội địch có máy bay yểm trợ, chia làm 2 mũi tấn công lên định chiếm đồi Không Tên. Sau này thì chúng tôi mới biết đó là Đại đội 33 thuộc Lữ đoàn dù 3 của quân đội ngụy Sài Gòn. Chúng tôi giữ được bí mật, để địch vào rất gần rồi mới nổ súng. Suốt ngày hôm đó, được sự chi viện của đại đội, trung đội tôi nhiều lần đánh bật Đại đội 33 của địch ra khỏi ngọn đồi, diệt 38 tên địch, trong đó có tên Đại đội trưởng. Giữ vững trận địa, bảo vệ an toàn cho sở chỉ huy Trung đoàn 64 và đội hình tập kết của Tiểu đoàn 9.
   Đến ngày 13-2, địch tiếp tục đổ quân. Lần này chúng liều đánh rất ác liệt. Máy bay ném bom dọn bãi đổ bộ, bom phát quang, bom sát thương, rồi bom cháy cùng trực thăng vũ trang kết hợp với pháo từ căn cứ 543 của địch bắn phá dữ dội, các căn cứ khác của địch ở xung quanh cũng bắn phá chặn đường tiếp viện của ta cho đồi Không Tên để tạo ra các căn cứ ở xung quanh bảo vệ sở chỉ huy của Lữ đoàn dù 3. Ban ngày địch đổ bộ một tiểu đoàn.
    Hôm đó tôi được bổ nhiệm Trung đội trưởng Trung đội 2. Anh Thúy là Đại đội trưởng, anh Phạm Văn Mộc là Chính trị viên. Hai anh giao nhiệm vụ cho Trung đội tôi đảm nhận mũi tấn công chủ yếu của Đại đội 9, đánh từ dưới chân đồi lên để cùng đội hình tiến công của Tiểu đoàn 9 chiếm lại đồi Không Tên. Tôi triển khai đội hình, hai tiểu đội đánh hai hướng đi trước, còn một tiểu đội đi dự bị phía sau. Tôi là Trung đội trưởng thì dẫn đầu. Thời kỳ đó, là cán bộ, từ anh trung đội trưởng, tiểu đội trưởng, rồi đảng viên, tổ trưởng 3 người thì luôn luôn phải xung phong, phải gương mẫu, phải dẫn đầu đội hình để đánh địch. Chứ cán bộ, đảng viên mà không gương mẫu, không dẫn đầu, có biểu hiện hoang mang, do dự, hay ngại ác liệt thì đơn vị đó không thể hoàn thành nhiệm vụ được. Chiến sĩ người ta sẽ không theo. Thật sự “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. 
   Đang chỉ huy trung đội tiến công lên đỉnh đồi thì tôi bị một quả pháo bắn ngay phía sau. Tôi thấy người nhói lên một cái, lạnh hết bả vai trái. Nhìn sang bên trái thì đồng chí Đức, xạ thủ trung liên (đồng chí ấy hiện vẫn đang sống ở quê Vũ Tây, Kiến Xương, Thái Bình) cũng bị thương. Tôi bèn nói anh em vận tải đưa đồng chí Đức về phía sau điều trị, còn tôi anh em kéo vào trong hầm. Đồng chí Chính trị viên đại đội chạy đến kiểm tra rồi ra lệnh vận tải đưa tôi về tuyến sau. Nhưng tôi suy nghĩ rất nhanh: Mình không dùng AK chiến đấu được thì vẫn có thể dùng tay phải đánh địch bằng lựu đạn. Điều quan trọng với người chỉ huy là phải có mặt để chỉ huy anh em chiến đấu, chứ lui về phía sau thì trung đội sẽ không hoàn thành nhiệm vụ. Trong đầu tôi lúc đó chỉ có một suy nghĩ làm thế nào để trung đội hoàn thành nhiệm vụ. Tôi là người đã nhận nhiệm vụ của đại đội giao, đã hiệp đồng với đơn vị bạn, lại thuộc địa hình, nếu đi viện thì trung đội sẽ gặp khó khăn. Thế là, tôi bảo đồng chí y tá băng kín, treo tay trái lên trên cho gọn. Đồng chí y tá là Hà Văn Hướng, người dân tộc Mường, quê Tân Sơn, Phú Thọ. Anh ấy quấn thêm một băng nữa để khi tôi chạy, lăn lộn, vận động thì khỏi vướng, khỏi đau. Anh em đã giắt cho tôi 17 quả lựu đạn quanh người.
   Trước đề nghị của tôi, trong tình thế khẩn trương, Chính trị viên đại đội cho tôi vọt lên, tiếp tục chỉ huy trung đội tiến công, đánh hết hỏa điểm này đến hỏa điểm khác, tốp địch này đến tốp địch khác, cuối cùng chúng tôi đánh lên được đỉnh đồi, diệt các ổ đề kháng, các mục tiêu khác của địch. Tiểu đoàn 9 của chúng tôi sau một ngày chiến đấu đã làm chủ hoàn toàn các mỏm của đồi Không Tên, tiêu diệt Tiểu đoàn 6 thuộc Lữ đoàn 3 của địch.
   Tôi dẫn anh em sục sạo khu vực đỉnh đồi thì bắt được một tù binh, nó trốn trong hầm và thu được hai khẩu súng AR15. Về đến khu tập kết thì tôi đau quá, được vận tải đưa đi viện. Kết thúc điều trị, lại trở về đơn vị và được đề bạt Đại đội phó Đại đội 9. Đi viện về anh em báo cho tôi biết là trong lúc tôi nằm viện, đơn vị bình xét khen thưởng và tôi được tập thể đề nghị tặng thưởng danh hiệu Anh hùng LLVT với số phiếu rất cao.
   Lúc đó, tôi lên gặp cấp trên trình bày suy nghĩ là tự thấy thành tích, hành động của mình rất bình thường, vào chiến đấu thì cán bộ, đảng viên nào cũng như vậy cả thôi. Nhưng các anh phân tích cho tôi, rằng trong lúc chiến đấu ác liệt, bị thương và đã có lệnh của cấp trên cho lui về phía sau mà xin ở lại, tiếp tục dẫn đầu trung đội tiến công, đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bản thân lại bắt được tù binh, thu được vũ khí, đó là một hành động anh hùng”.
   Khi được tuyên dương anh hùng, anh là thượng sĩ, trung đội trưởng thuộc đại đội 9, tiểu đoàn 9, trung đoàn 64, sư đoàn 320, đảng viên Đảng Lao động Việt Nam.
   Với những chiến công xuất sắc và tinh thần chiến đấu kiên cường, đồng chí đã được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất, 1 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhì, 1 Huân chương Chiến công hạng 3, danh hiệu Dũng sĩ ưu tú, 3 danh hiệu Chiến sĩ thi đua cùng nhiều Bằng khen và Giấy khen.
   Ngày 20 tháng 9 năm 1971, đồng chí Phùng Quang Thanh đã được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam.
   III - Tiếp tục chiến đấu, công tác trên chiến trường Đường 9 - Nam Lào, biên giới phía Bắc và Cục trưởng Cục Tác chiến
   Tháng 10 năm 1971, đồng chí Phùng Quang Thanh được cấp trên phong quân hàm Thiếu úy và cho đi học Trường Sĩ quan Lục quân 1. Tháng 7-1972 đồng chí ra trường, được phong quân hàm Trung úy. Sau đó đồng chí cùng Đoàn cán bộ của các Học viện, Trường sĩ quan hành quân từ Sơn Tây vào chiến trường Quảng Trị. Phùng Quang Thanh được bổ sung về Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B (Sư đoàn 320B nay là Sư đoàn 390 thuộc Quân đoàn 1). Đồng chí được cấp trên giao làm Đại đội trưởng Đại đội huấn luyện chiến sĩ mới ở Vĩnh Linh, đợt huấn luyện kết thúc, đơn vị được bổ sung vào chiến trường. Vào chiến trường Quảng Trị đồng chí được cấp trên bổ nhiệm làm Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 9, sau đó lên Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn này. Năm 1974, đồng chí Phùng Quang Thanh được điều động ra miền Bắc để đi học tại Học viện Quân sự. Khi chiến tranh kết thúc lớp học của ông chuyển vào Đà Lạt học tiếp. Sau khi tốt nghiệp Học viện Quân sự, cuối năm 1976 Phùng Quang Thanh được cấp trên bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B. Từ năm 1977 đến 1989, ông lần lượt giữ các chức vụ chỉ huy từ cấp trung đoàn đến cấp sư đoàn. Năm 1987 đơn vị của ông được cấp trên điều lên biên giới phía Bắc. Phùng Quang Thanh phụ trách Sư đoàn trưởng, Sư đoàn 390, Quân đoàn 1. Đồng chí dẫn Trung đoàn 48 do ông Nguyễn Khắc Nghiên làm Sư đoàn phó trực tiếp làm Trung đoàn trưởng lên Mặt trận biên giới Vị Xuyên tỉnh Hà Giang phối thuộc với Sư đoàn 312 do ông Trần Minh Vân làm Sư đoàn trưởng chỉ huy phòng ngự. Tháng 8 năm 1988, cấp trên bổ nhiệm đồng chí Phùng Quang Thanh làm Sư trưởng Sư đoàn 312. Năm 1991, đồng chí Phùng Quang Thanh được điều động phụ trách Tham mưu trưởng Quân đoàn 1. Tháng 8-1991, đồng chí được Bộ Quốc phòng điều động làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312 lần thứ 2. Nhiệm vụ của đồng chí là xây dựng Sư đoàn vững mạnh toàn diện, trở thành mô hình Sư đoàn điểm để rút kinh nghiệm xây dựng chính quy trong toàn quân. Tháng 9-1993, Bộ Quốc phòng bổ nhiệm đồng chí Phùng Quang Thanh làm Phó Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu. Tháng 6-1995 đồng chí được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Tác chiến.
   IV - Xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu I
   Tháng 12 năm 1997, đồng chí Phùng Quang Thanh được cấp trên bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân khu 1 (Quân khu 1 bao gồm 6 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang). Đồng chí đã cùng với Đảng ủy Quân khu phối hợp với các Tỉnh ủy hoàn thành tốt các nhiệm vụ: Xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc; Xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu vững mạnh toàn diện; Phối hợp với các lực lượng khác thuộc Bộ Quốc phòng, bộ đội Biên phòng bảo vệ biên giới Đông Bắc của Tổ quốc; Tham gia xây dựng đường biên giới hữu nghị, ổn định; Xây dựng tình đoàn kết giữa các dân tộc; Đào tạo cán bộ nòng cốt lực lượng vũ trang Quân khu; Làm tốt công tác Quốc phòng với Kinh tế; xây dựng các Đoàn kinh tế Quốc phòng 338 ở Lạng Sơn, và 799 ở Cao Bằng.
   V - Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam
   Tháng 4 năm 2001, Trung tướng Phùng Quang Thanh được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX tín nhiệm bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí được Bộ Chính trị chỉ định làm Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương, được Chủ tịch nước bổ nhiệm làm Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Thời kỳ này, Đại tướng Phạm Văn Trà là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Đồng chí Phùng Quang Thanh đã được vinh dự giao nhiệm vụ tổ chức lực lượng quân đội theo phương hướng: Chiến lược tổ chức lực lượng quân đội; Chiến lược trang bị vũ khí; Chiến lược xây dựng và phát triển Công nghiệp Quốc phòng; Xây dựng Luật Quốc phòng, Luật biên giới quốc gia; Tổng kết 20 năm đổi mới về Quân sự Quốc phòng; Tham gia Ban chỉ đạo của Trung ương về xây dựng nghị quyết Trung ương Khóa 8, Khóa 9 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Ban chỉ đạo do Chủ tịch nước Trần Đức Lương làm Trưởng ban; Tổ chức huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu; Đào tạo cán bộ cho quân đội; Phụ trách thiên tai và cứu nạn; Hợp tác quốc tế về mặt Quốc phòng với quân đội các nước AESAN và quốc tế.  
   VI - Hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao, toàn quân tín nhiệm bầu vào Trung ương và Bộ Chính trị khóa 10 và khóa 11. Được Bộ Chính trị chỉ định làm Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Quốc hội phê chuẩn Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch nước thăng quân hàm Đại tướng QĐND Việt Nam
   Từ năm 2006 đến năm 2016, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng hoàn thành tốt các nhiệm vụ:
   Quân đội đã phát huy vai trò nòng cốt trong bảo vệ độc lập chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; Phối hợp, đoàn kết với lực lượng công an đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; Đóng góp (cùng công an, ngoại giao và hệ thống chính trị) giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, ổn định xã hội để phát triển toàn diện đất nước; Kết hợp chặt chẽ quốc phòng với kinh tế để tạo điều kiện phát triển đất nước (khai thác tài nguyên, dầu khí, đất đai, điều chỉnh thế trận, nhường đất để kinh tế phát triển); Giữ vững ổn định quân đội, vai trò quân đội thực sự là lực lượng chiến đấu, lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; Làm tốt chính sách dân vận; Làm tốt phòng tránh thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên đất liền và trên biển; Xây dựng thế trận biển đảo vững chắc... Bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, xây dựng hệ thống đồn trạm biên phòng chính quy, xây dựng hơn 1.300km đường tuần tra biên giới (đường cơ giới bê tông) dọc theo biên giới Việt Nam - Trung Quốc - Lào - Campuchia, đường đi đến đâu, kinh tế của nhân dân phát triển đến đấy; Xây dựng 671km đường Trường Sơn Đông bê tông at phan qua 7 tỉnh Tây Nguyên (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắk, Lâm Đồng) đồng bào các dân tộc Tây Nguyên rất phấn khởi; Đề xuất với Đảng và Nhà nước xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Trong đó có một số quân, binh chủng và lực lượng vũ trang tiến thẳng lên hiện đại như: Hải quân (tàu ngầm, tàu mặt nước, tên lửa đất đối hải, ra đa, không quân hải quân, hải quân đánh bộ, đặc công nước). Hiện đại hóa Quân chủng Phòng không-Không quân (các Trung đoàn Su 30, tên lửa đất đối không, sản xuất rađa thế hệ mới). Hiện đại hóa lực lượng Tác chiến điện tử, Tác chiến không gian mạng. Hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát biển. Hiện đại hóa Bộ đội Thông tin liên lạc; Xây dựng Quân đội tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh: Rà phá bom mìn sau chiến tranh, khắc phục chất độc hóa học ở sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa; Quy tập hài cốt quân tình nguyện ở Lào, Campuchia về nước và quy tập hài cốt bộ đội hy sinh bảo vệ biên giới phía Bắc. Đồng chí Phùng Quang Thanh đã được quân đội, Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy, yêu mến, giữ vững và phát huy tốt truyền thống, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.
   Làm tốt Đối ngoại quốc phòng với tinh thần tích cực chủ động hội nhập quốc tế: Làm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2010 (chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác là: Trung Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc, Úc, New Zealand). Hội nghị thành công tốt đẹp, được bạn bè quốc tế đánh giá cao và tặng 16 chữ: “chuẩn bị chu đáo, mục đích rõ ràng, tầm nhìn chiến lược, quan hệ hài hòa”. Tham gia Lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc về phương diện nhân đạo: Quân y, Công binh, Sĩ quan liên lạc phái bộ tại Nam Su Đăng và Cộng hòa Trung Phi ở Châu Phi; Mời các cựu chiến binh Xô Viết, Trung Quốc, Cu Ba đã trực tiếp giúp đỡ Việt Nam chống Pháp và chống Mỹ sang thăm Việt Nam, thăm các bạn chiến đấu cũ, thăm ba miền Bắc-Trung-Nam, giao lưu, gặp gỡ với các cựu chiến binh. Toàn bộ chi phí tham quan do Bộ Quốc phòng đảm bảo. Đại tướng, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã trực tiếp đến thăm gia đình Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn và mời thân nhân của thiếu tướng Nguyễn Sơn thăm Bộ Quốc phòng Việt Nam. Các cựu chiến binh Xô Viết cảm động nói: Trong thời kỳ khó khăn, Liên Xô đã giúp nhiều nước, có nước còn được giúp đỡ hơn Việt Nam, nhưng hiện nay Việt Nam vẫn luôn chung thủy nhớ đến các bạn. Hợp tác quốc tế với các nước láng giềng có chung biên giới với Việt Nam, các nước lớn, các nước bạn bè truyền thống, các nước trong khu vực, không cho nước ngoài đặt căn cứ, chỉ hợp tác, không liên minh quân sự, không chủ động dùng vũ lực trước trong tranh chấp, không khơi mào cho cuộc chiến tranh, bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định chính trị, ổn định xã hội để phát triển toàn diện đất nước. Đồng thời cũng sẵn sàng chiến đấu cao để bảo đảm đánh bại mọi cuộc xâm lược từ bên ngoài, chống bạo loạn, lật đổ từ bên trong.
   Ông đã dẫn đầu Đoàn Quân sự cấp cao Bộ Quốc phòng nước ta đi thăm hữu nghị và ký các văn bản hợp tác với Bộ Quốc phòng các nước: Lào, Campuchia, Trung Quốc, Nga, Cu Ba, Mỹ, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Bulgaria, Ba Lan, Hà Lan, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore, Brunei, Belarus.
   Chăm lo hậu phương quân đội, xây dựng chế độ chính sách bảo hiểm y tế cho thân nhân của quân nhân. Xây dựng hệ thống pháp luật Quân sự Quốc phòng.
   Quan tâm đến chính sách cho bộ đội xuất ngũ trong thời kỳ chống Pháp, thời kỳ chống Mỹ, bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam; làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào, Campuchia, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng chế độ chính sách cho cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến.
   Các Chức vụ:
- Chiến sĩ 1967.
- Tiểu đội trưởng Tiểu đội Trinh sát năm 1968.
- Trung đội phó Trung đội 2 năm 1970.
- Trung đội trưởng Trung đội 2 năm 1971.
- Đại đội phó Đại đội 9 năm 1971.
- Đại đội trưởng, Đại đội huấn luyện chiến sĩ mới ở Vĩnh Linh năm 1972.
- Tiểu đoàn phó, Tiểu đoàn 9, năm 1973 ở Quảng Trị.
- Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 9 năm 1974.
- Tham mưu trưởng Trung đoàn 64, tháng 11 năm 1976.
- Trung đoàn phó 1979. Trung đoàn trưởng - tháng 10 năm 1979.
- Phụ trách Sư đoàn trưởng Sư 390 thuộc Quân đoàn 1 năm 1987.
- Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312 (thay ông Trần Minh Vân khi đó là Sư đoàn trưởng) năm 1988.
- Phụ trách Tham mưu trưởng Quân đoàn 1 từ tháng 2 đến tháng 8 năm 1991.
- Sư trưởng Sư 312 lần thứ 2 năm 1991.
- Phó Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu tháng 9 - 1993.
- Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu tháng 6 - 1995.
- Tư lệnh Quân khu I tháng 12 - 1997.
- Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam tháng 5 - 2001.
- Phó Bí thư Đảng uỷ Quân sự Trung ương - 2006.
- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ tháng 6 - 2006 đến tháng 4 - 2016.
- Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm và Cứu nạn, Phó Ban chỉ đạo Nhà nước về biển Đông và hải đảo; Phó Ban chỉ đạo Nhà nước về Xây dựng và Phát triển Công nghiệp Quốc phòng.
- Ủy viên Ban cán sự Đảng Chính phủ khóa X và khóa XI.
- Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIII.
- Ủy viên Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội.
- Ủy viên Hội đồng Quốc phòng An ninh khóa XII, khóa XIII.
- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa: IX, X và XI (2001-2016).
- Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã bầu vào Bộ Chính trị khóa X và XI (2006-2016).
Phong Quân hàm
- Nhập ngũ năm 1967 với quân hàm Binh nhì.
- Binh nhất năm 1968.
- Hạ sĩ năm 1968.
- Trung sĩ năm 1969.
- Thượng sĩ năm 1970.
- Thiếu úy 1971.
- Trung úy năm 1972.
- Thượng úy năm 1974.
- Đại úy năm 1976.
- Thiếu tá năm 1979.
- Trung tá năm 1981.
- Thượng tá năm 1987.
- Đại tá năm 1989.
- Thiếu tướng năm 1994.
- Trung tướng năm 1999.
- Thượng tướng năm 2003.
 Tròn 40 năm tham gia quân đội nhân dân Việt Nam (từ năm 1967 đến năm 2007), từ Binh nhì lên Đại tướng, đồng chí Phùng Quang Thanh đã được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thăng quân hàm Đại tướng vào ngày 6-7-2007.
Đào tạo tại các trường trong nước và nước ngoài
- Trường Văn hóa Quân đoàn I: Bổ túc văn hóa lớp 10/10.
- Trường Sĩ quan Lục quân 1.
- Học viện Quân sự.
- Học viện Quốc phòng.
- Học viện Chính trị.
- Đại học Ngoại ngữ Quân sự.
- Học viện Thực hành Liên Xô.
- Học viện Vôrôsilốp Bộ Tổng tham mưu Liên Xô.
Khen thưởng đến năm 2017
- Đại tướng Phùng Quang Thanh đã được Đảng, Nhà nước, Nhân dân phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam ngày 20/9/1971.
- Huân chương Chiến công hạng Nhất.
- Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba.
- Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.
- Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba.
- Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba.
- Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng Nhất.
- Huy chương Quân kỳ Quyết thắng.
- Huân chương Hữu nghị của Liên bang Nga do Tổng thống Nga Putin tặng.
- Huân chương Tự do hạng Nhất của nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào.
- Huân chương Hữu nghị của Nhà nước Vương quốc Campuchia.
- Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng…
   VII - Nghỉ hưu, về với đời thường
   Sau hơn 50 năm hoạt động cách mạng, dù ở bất cứ cương vị công tác nào, Đại tướng Phùng Quang Thanh đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ông tâm sự: “Tôi là con liệt sĩ, cha tôi hy sinh khi tôi mới một tuổi. Tôi đã trải qua chiến đấu và chỉ huy trên nhiều cương vị, phát triển từ người chiến sĩ lên đến Bộ trưởng, từ binh nhì lên đại tướng, không bỏ qua bất kỳ cấp nào, tôi hiểu nỗi khó khăn, vất vả, gian khổ của bộ đội”. Ngày 1 tháng 10 năm 2017, Đại tướng Phùng Quang Thanh được Đảng, Nhà nước quyết định nghỉ hưu theo quy định. Trở về với đời thường, có thời gian suy nghĩ và nhớ lại, ông cảm nhận rằng, từ lúc sinh ra và lớn lên ở quê hương Thạch Đà yêu dấu, đến suốt hơn 50 năm là người chiến sĩ quân QĐND Việt Nam, ở đâu và lúc nào ông cũng được nhân dân yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ, luôn nhận được sự giáo dục của Đảng, Nhà nước, của Quân đội, đồng đội, đồng chí, kết hợp với sự nỗ lực cố gắng, khiêm tốn tự rèn luyện, tự học tập của bản thân mới trưởng thành, phát triển và hoàn thành nhiệm vụ. Trong suốt quá trình công tác, về tư tưởng ông luôn kiên định mục tiêu lý tưởng: Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, luôn sẵn sàng nhận và phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, gương mẫu xung phong đi đầu, luôn là trung tâm đoàn kết, thương yêu, sẵn lòng giúp đỡ mọi người, khiêm tốn, giản dị, luôn đặt lợi ích của tập thể, của quốc gia lên trên. Trong khen thưởng đồng chí, đồng đội luôn kịp thời và công tâm, trong kỷ luật ông nhận thấy phải căn cứ pháp luật, đảm bảo nhân văn, có lý có tình, trong tình phải có lý, trong lý phải có tình, luôn đặt mình vào cương vị người khác để xem xét trước khi xử lý. Khi buộc phải xử lý thì hết sức nhân văn, tạo điều kiện cho anh em phấn đấu”.
   Với đồng chí, đồng đội
   Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết, tiểu đội mà ông gắn bó nhất thời chiến sĩ là Tiểu đội Trinh sát thuộc Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320. Đây là Tiểu đội “vào sinh ra tử” có nhau, “chia ngọt sẻ bùi ”, sẵn sàng hy sinh cho nhau. Sau cuộc chiến tranh đã hàng chục năm, nhưng anh em không quên nhau. Khi nghỉ hưu, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã đi tìm gặp anh em. Với chiến sĩ, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho rằng, người chỉ huy các cấp phải luôn luôn gương mẫu, thật sự thương yêu bộ đội. Hết sức tránh việc xúc phạm danh dự của anh em, tránh hành động quân phiệt, ứng xử thô bạo với bộ đội. Người chỉ huy phải công tâm, khách quan, không theo kiểu “yêu nên tốt, ghét nên xấu”. 
   Khi còn công tác, mặc dù rất bận, nhưng Đại tướng Phùng Quang Thanh đã dành thời gian cùng tập thể Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Tổng cục Chính trị thực hiện những chính sách đãi ngộ tốt nhất trong điều kiện có thể của đất nước, của quân đội, quan tâm tới thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Những phòng trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Làm nhà tình nghĩa đồng đội”, “Ngôi nhà 100 đồng”, “Mái ấm biên cương”… được triển khai là theo tinh thần đó và đã có kết quả tốt.
   Với bà con xóm làng, xã Thạch Đà
   Thạch Đà, miền quê yêu dấu, gắn bó với thời thơ ấu và tuổi thanh xuân của Đại tướng Phùng Quang Thanh. Mặc dù đi đâu ông vẫn luôn tâm khảm nhớ về miền quê yêu dấu ấy, luôn đau đáu suy nghĩ phải làm gì để tham gia xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh và phát triển. Ông đã cố gắng làm được một số việc để góp phần xây dựng quê hương, vận động các nhà tài trợ, anh em bạn bè tạo điều kiện, giúp đỡ quê hương. Đến nay một số công trình phúc lợi do các nhà hảo tâm giúp cho xã, làng đã hoàn thành, tiêu biểu là Trường Mầm non, Trường Tiểu học của xã, Nhà Văn hóa các thôn, Nghĩa trang liệt sĩ xã, Nhà Tang lễ, 2 ki-lô-mét đường giao thông xã, Nhà thờ dòng họ Phùng Quang thôn 1 và Phùng Quang Minh tại thôn 3, xã Thạch Đà.
   Với dòng họ Phùng Việt Nam
   Sau khi Đại tướng Phùng Quang Thanh nghỉ hưu, Hội đồng Họ Phùng Việt Nam đã mời ông tham gia làm thành viên Hội đồng cố vấn dòng họ toàn quốc. Với cái tâm trong sáng, với ý thức khiêm tốn, tinh thần trách nhiệm cao như ngày nào còn công tác, ông không quản ngại, nề hà, nhận lời tham gia làm thành viên cố vấn cho Hội đồng dòng họ. Ông sẵn sàng đóng góp ý kiến xây dựng khi Hội đồng dòng họ có lời đề nghị, ông tham dự sinh hoạt dòng họ khi điều kiện sức khỏe cho phép như: Tham gia Hội nghị Toàn quốc của dòng họ, hỗ trợ kinh phí góp phần cùng dòng họ xây dựng quỹ giải thưởng mang tên Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Hội thảo khoa học do Hội đồng Họ Phùng Việt Nam phối hợp với cơ quan Nhà nước và các tổ chức chính trị tổ chức, trùng tu tôn tạo lăng mộ Thái phó lưỡng triều Lý - Trần Phùng Tá Chu…
   Với gia đình, với bản thân
   Đại tướng Phùng Quang Thanh mồ côi cha khi mới một tuổi, cuộc sống lam lũ, khó khăn của ông thời thơ ấu cũng như bao đứa trẻ nghèo khó thời bấy giờ đã tôi luyện tình cảm, ý chí, nghị lực phấn đấu vươn lên và càng làm ông thêm kính yêu ông bà, cha mẹ bội phần sâu sắc. Năm 1981, cụ dượng qua đời, ông đã đón mẹ đẻ về nhà mình phụng dưỡng, chăm sóc, nay cụ đã thuộc bậc đại thọ - 97 tuổi. Vợ ông, bà Trần Thị Bích Lộc, sinh ngày 19-5-1950, quê gốc ở Huế, bà sinh ra, lớn lên và trưởng thành ở thị xã Hà Tĩnh. Bà Lộc tham gia quân đội năm 1968-1973, người chiến sĩ quân đội nhân dân, người nữ y tá đầy ý chí và nghị lực ấy đã phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đã được vinh dự trở thành “Đảng viên lớp Hồ Chí Minh 19-5-1970”. Suốt chặng đường hơn nửa thế kỷ, ông Thanh ở trong quân ngũ, bà Lộc đã khắc phục biết bao khó khăn, gian khổ, hoàn thành nhiệm vụ người đảng viên, người chiến sĩ, viên chức nhà nước, đồng thời bà cũng hoàn thành tất cả những gì thuộc thiên chức người vợ, người xây tổ ấm gia đình, chăm sóc mẹ chồng, nuôi dạy các con để Đại tướng yên tâm công tác. Bây giờ hai ông bà đều nghỉ hưu, về với đời thường.
   Khi tôi đến thăm hai ông bà ở nhà riêng, trao đổi về cuộc sống thường ngày, tôi cảm nhận thấy ông bà vẫn luôn giữ cuộc sống bình dị như bao gia đình Việt Nam, tình cảm chân thành, luôn quan tâm đến những người có hoàn cảnh khó khăn, luôn nghĩ về quê hương, đồng đội, đồng chí,… Đặc biệt Đại tướng Phùng Quang Thanh tuy đã nghỉ công tác, nhưng ở ông vẫn thể hiện hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ năm xưa: bản lĩnh, bình tĩnh, vững vàng, tự rèn luyện nâng cao sức khỏe chống chọi kiên cường với căn bênh hiểm nghèo. Về tư tưởng, ông luôn tự tin, lạc quan, kiên định mục tiêu lý tưởng rằng: “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”, với đức tính khiêm tốn và tấm lòng nhân hậu, khi hỏi ông về chuyện trở thành anh hùng LLVT nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam, ông nói: “Tôi cũng như tất cả đồng chí, đồng đội cùng thế hệ, không ai mong muốn đất nước có chiến tranh để mình trở thành anh hùng. Tôi chỉ mong sao đất nước giữ được hòa bình, ổn định, giữ được thành quả cách mạng và không ngừng phát triển”.
 

Hà Nội, 20 tháng 4 tháng 2020

Sau đây là một số hình ảnh về Đại tướng Phùng Quang Thanh:

  













  

Họ Phùng Việt Nam
Tiến sĩ Phùng Thảo